VPUB – Những người cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

Dienbien.gov.vn – Sau những ngày tháng kiên cường, anh dũng trên chiến trường hiểm nguy, trở về với đời thường, những người lính năm xưa lại xông pha trên trận tuyến mới, đó là phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Và Hội Doanh nhân Cựu chiến binh (CCB) tỉnh chính là nơi tập hợp, kết nối ý chí ấy. Với hành trang và phẩm chất người lính cụ Hồ, bằng đôi bàn tay và trí tuệ của mình, các doanh nhân đặc biệt này đang góp phần tích cực đưa quê hương, đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

CCB Phạm Bá Tiến, đội 5a, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên với trang trại rộng lớn hơn 1.000 gốc cam.

Thượng tá Vũ Xuân Thạch - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh, Chánh Văn phòng Hội CCB tỉnh, cho biết: Hội Doanh nhân CCB tỉnh Điện Biên thành lập năm 2015 với gần 150 hội viên sinh sống tại các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Hội viên hoạt động trong các ngành nghề khác nhau, nhiều người là chủ doanh nghiệp, giám đốc hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh tổng hợp, trang trại, gia trại… Trong đó có những người tiên phong trong các lĩnh vực xây dựng, điện tử, dịch vụ… và thành công với doanh nghiệp quy mô lớn, đầu ngành trong tỉnh, như: Công ty TNHH Trường Thọ (do CCB Bùi Văn Thọ gây dựng), Doanh nghiệp Tư nhân Đức Toàn (của gia đình CCB Vũ Thị Ngợi), Doanh nghiệp máy tính Tân Thái Hà (CCB Phạm Văn Trường)… Bên cạnh những công ty lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh và chủ trang trại khác, đặc biệt tại các huyện vùng cao cũng luôn cố gắng vươn lên, đạt nhiều kết quả tích cực, đạt thu nhập khá, không chỉ mang lại cuộc sống đủ đầy, dư dả cho gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động. Với sự mạnh bạo, dám nghĩ dám làm của người lính, các doanh nhân CCB trên địa bàn tỉnh nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường, phát triển đa dạng các dịch vụ, hàng hóa, như: vận tải, xây dựng, dược phẩm, vật liệu gạch không nung, nông sản sạch…

Với cốt cách, sự gan góc của người lính vẫn luôn tồn tại, các doanh nhân CCB là những người không dễ đầu hàng thực tế, chấp nhận thất bại mà nhạy bén đón nhận cơ hội, nỗ lực thành công trên thương trường. Vì vậy dù có gặp nhiều thách thức thời cuộc, thiên tai, thời tiết, biến động thị trường, trung bình mỗi năm, tổng doanh thu của các hội viên toàn hội ước đạt trên 400 tỷ đồng, nộp thuế trên 30 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 1.200 người lao động. Trong điều kiện một tỉnh miền núi khó khăn, kinh tế xã hội chậm phát triển, kết quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nhân CCB tỉnh ta là thành tích rất đáng trân trọng, khích lệ, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, tạo việc làm, nâng cao mức sống trên địa bàn.

Không chỉ tập hợp, đoàn kết các doanh nhân CCB, tôn chỉ, mục đích của Hội Doanh nhân CCB tỉnh còn là bảo vệ và hỗ trợ các hội viên trong phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; tạo điều kiện giúp đỡ thương bệnh binh, CCB có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ nhau lẫn nhau luôn được các hội viên quan tâm thực hiện, như bà Vũ Thị Ngợi ủng hộ CCB Nguyễn Thế Nghi 300m3 cát để xây kè ao cá, khắc phục thiệt hại sau mưa lũ; Công ty TNHH Đại Thắng của CCB Hoàng Bá Tài (Tuần Giáo) ưu tiên tuyển dụng CCB, con cháu các CCB trên địa bàn vào làm việc. Dù mới hoạt động hơn 2 năm, số lượng doanh nhân còn ít, quỹ hoạt động chưa nhiều nhưng hội đã coi trọng hoạt động nghĩa tình, từ thiện: Hàng năm ủng hộ Quỹ Vì người nghèo tỉnh, giúp đỡ 1 hội viên CCB gặp khó khăn trong cuộc sống dựng nhà kiên cố, xây tặng nhà và sắm một số đồ dùng cần thiết cho 1 chiến sỹ Lữ đoàn BB 82 có hoàn cảnh đặc biệt, tặng quà CCB nhân dịp các ngày lễ lớn của đất nước, quyên góp ủng hộ học sinh các xã nghèo vùng sâu vùng xa… Việc hợp tác giữa các hộ kinh doanh, sản xuất, doanh nghiệp trong hội để giải quyết đầu ra cho sản phẩm, tạo nguồn nguyên vật liệu đảm bảo, tạo nên chuỗi kinh doanh hiệu quả cũng đang được hội quan tâm, đặt mục tiêu kết nối trong thời gian tới. Nếu các doanh nhân CCB tập hợp lại, gắn kết với nhau hơn nữa thì họ có thể tạo sức mạnh lớn hơn trên mặt trận kinh tế trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Đất nước hòa bình, nhiều người lính trở về quê hương sau những năm tháng cống hiến với vết thương vẫn còn tấy đau; nhiều người ở cái tuổi đáng lẽ nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu nhưng họ vẫn phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trên chiến trường họ không lùi bước, là người lính anh hùng, bất khuất; trên thương trường họ không ngại khó, không sợ thất bại, là những doanh nhân thành đạt, tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo./.

Đặng Phương