Đại tướng Võ Nguyên Giáp và quyết định làm nên chiến thắng

Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 đã đặt dấu chấm hết cho sự xâm lược của thực dân Pháp, xóa sổ hoàn toàn cứ điểm kiên cố bậc nhất của Pháp tại Đông Dương – con nhím Điện Biên Phủ - nơi được mệnh danh là “pháo đài bất khả xâm phạm”. Đó là chiến thắng của nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo tác chiến gắn liền tên tuổi vị tướng huyền thoại – một thiên tài quân sự: Đại tướng Võ Nguyên Giáp với quyết định lịch sử từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”. Trong cuốn hồi ký “Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho rằng đây là “quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy” của mình.  


Trong ký ức những người lính Điện Biên, nếu không có quyết định lịch sử trên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì chiến dịch Điện Biên Phủ có lẽ sẽ còn kéo dài chứ không phải là “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm” để làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” 60 năm trước.

Theo kế hoạch tác chiến phổ biến tại hội nghị cán bộ chiến dịch ngày 14/1/1954, quân ta nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ vào ngày 25/1/1954 và hy vọng sẽ giành chiến thắng sau 2 ngày 3 đêm. Bởi lúc đó chúng ta nhận định, Pháp mới nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, chưa được tăng cường lực lượng, bố trí còn sơ hở, trận địa phòng ngự chưa được củng cố… Lợi dụng những sơ hở đó, ta xác định phương châm tác chiến đánh nhanh, thắng nhanh nhưng sau khi khảo sát, nắm chắc thực tiễn chiến trường, phân tích điểm mạnh, điểm yếu của địch và những lợi thế, khó khăn của ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho lùi thời hạn nổ súng thêm một ngày để nghiên cứu thật kỹ phương châm tác chiến vì cho rằng, đánh như vậy quá mạo hiểm, nếu đánh sẽ thất bại.

Trăn trở trước chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng, không chắc thắng không đánh”, vị Tổng tư lệnh cũng đặc biệt trăn trở, đau xót về những con số thương vong, xương máu của chiến sĩ ta. Nếu chiến dịch không thắng, lực lượng chủ lực lại thương vong lớn thì cuộc kháng chiến chống Pháp sẽ ra sao và vị thế đoàn ngoại giao của ta tại Hội nghị Giơ-ne-vơ sẽ như thế nào? Và, sau một đêm không ngủ suy nghĩ về các phương án, ngày 26/1/1954 Đại tướng đã triệu tập cuộc họp Đảng ủy mặt trận, nêu rõ ý định tạm hoãn tiến công, kéo pháo ra, thu quân về tập kết, chuẩn bị lại từ đầu để đánh theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Lúc này, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại vì nếu thay đổi phải giải thích cho bộ đội làm sao trong khi mọi thứ chuẩn bị cho chiến dịch đã vào vị trí, quyết tâm của bộ đội cũng rất cao. Trước những ý kiến đó, Đại tướng nhấn mạnh “Vô luận tình hình nào, chúng ta vẫn phải nắm nguyên tắc cao nhất là: Đánh chắc thắng… tôi đề nghị các đồng chí trả lời câu hỏi “nếu đánh có chắc thắng trăm phần trăm không?”. Sau nhiều ý kiến trả lời, Đảng ủy đi tới nhất trí là trận đánh có thể gặp nhiều khó khăn mà ta chưa có biện pháp cụ thể để khắc phục. Từ đó, Đại tướng đưa ra kết luận: Để đảm bảo nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Kế hoạch tác chiến mới nhanh chóng được chuyển đến Đảng ủy tất cả các đơn vị tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, với nội dung: Tạm dừng tấn công, cho kéo pháo ra, xây dựng trận địa kiên cố để đánh dài ngày, không để hỏa khí lộ và tập trung như trước; chuẩn bị công sự ngụy trang chắc chắn và củng cố tinh thần, tư tưởng bộ đội nhất là cán bộ một cách vững vàng, bền bỉ để vượt qua khó khăn thử thách quyết liệt trong chiến dịch, có quyết tâm lãnh đạo và chỉ huy bộ đội dũng cảm, ngoan cường chiến đấu, giành toàn thắng cho chiến dịch.

Thực hiện phương châm và kế hoạch tác chiến mới đề ra, sau khi có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, hơn 17 giờ ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau 3 đợt tiến công, đến ngày 7/5/1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt hoàn toàn.
 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày đại lễ mừng công chiến thắng Điện Biên Phủ
            tại Mường Phăng ngày 13/5/1954.

Có thể nói, quyết định hoãn kế hoạch tấn công, kéo pháo ra, thay đổi phương châm tiêu diệt địch, từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là một quyết định lịch sử và là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau này mỗi khi nói và viết về quyết định lịch sử trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng bao giờ cũng cho rằng, cơ sở hình thành của nó chính là tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh cùng với sự chỉ đạo tài tình của Người với chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như với toàn bộ tiến trình cuộc kháng chiến. Vị tướng huyền thoại cũng cho rằng, chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng dành cho nhân dân. Nhưng dù khiêm nhường thế nào đi chăng nữa, với vị trí, vai trò và dấu ấn sâu đậm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa vẫn còn mãi với dân tộc ta, non sông đất nước ta. Nay, tuy Đại tướng đã về cõi vĩnh hằng nhưng tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc, là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó cũng là sự cổ vũ lớn lao để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phấn đấu vươn lên giành thêm nhiều Điện Biên Phủ hơn nữa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Theo  baodienbienphu.info.vn