Máy vô tuyến điện lập công ở Điện Biên Phủ

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ đội thông tin liên lạc đã khắc phục khó khăn, chủ động sáng tạo, đảm bảo 4 yêu cầu: “Kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn”.

Một bộ sưu tập quý các loại máy thông tin Quân đội nhân dân Việt Nam sử dụng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Trong bộ sưu tập đó có máy vô tuyến điện sóng ngắn GRC-9, Crosley SCR-694 đàm thoại bằng chữ mật và vô tuyến điện sóng cực ngắn BC-1.000… của các Đại đoàn 308, 304, 312, 316, 351 phục vụ chỉ huy, góp phần lập nên chiến công trong các trận: Him Lam, Độc lập, Bản Kéo, Hồng Cúm, bao vây Mường Thanh, bắt sống tướng Đờ - Cát ở Điện Biên Phủ. Người có công đưa những kỷ vật này về bảo tàng là đồng chí Hoàng Đạo Thuý, Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được Bộ Tổng Tham mưu giao nhiệm vụ là Trưởng ban Thông tin. Trước khi ông qua đời năm 1994, ông thường ghé thăm bảo tàng, giúp bảo tàng nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hiện vật về Bộ đội thông tin liên lạc trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông kể lại: Ngày 5/01/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh, Bí thư Tổng quân uỷ được Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ trực tiếp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng uỷ lên đường đi chiến dịch Điện Biên Phủ. Đi trong đoàn của Bộ Chỉ huy có tôi (Hoàng Đạo Thuý), Trưởng Ban Ba, phụ trách thông tin liên lạc.

Thông tin liên lạc tham gia chiến dịch Điện Biên phủ có Tiểu đoàn 303, quân số 400 đồng chí với 2 đại đội dây, một đại đội máy. Trang bị có 2 tổng đài 30 số, 80 điện thoại, 120 km dây bọc và 1 đại đội truyền đạt 100 đồng chí được trang bị: kèn, cờ, súng pháo hiệu. Đội vô tuyến điện 101, quân số hơn 60 đồng chí. Khí tài được trang bị: 7 điện đài sóng ngắn loại 282, SCR 694 và hai máy thu 137A. Ngoài ra có một tổ sửa chữa thông tin do đồng chí Nguyễn Văn Hân phụ trách. Lực lượng thông tin ở các Đại đoàn: 308, 304, 312, 316 và Đại đoàn công pháo 351, mỗi đại đoàn có một ban thông tin trực thuộc với: hai trung đội điện thoại được trang bị 2-3 tổng đài 10 số, 35-37 máy điện thoại, 40 km dây bọc; Một trung đội vô tuyến điện được trang bị 2-3 điện đài sóng ngắn loại 282, GRC9; SCR694 (Riêng Đại đoàn 308 có thêm một máy thu 137A); Một đội điện thanh vô tuyến điện sóng cực ngắn gồm các loại máy BC1000, 702; Một trung đội truyền đạt. Những loại máy thông tin hữu tuyến và vô tuyến điện trang bị cho các đơn vị chiến đấu ở Điện Biên Phủ hầu hết do Mỹ sản xuất, bộ đội ta thu được của địch trong chiến dịch Biên Giới, Tây Bắc, Thượng Lào… và một số do Trung Quốc viện trợ.

Với quân số và trang bị như trên, Bộ đội thông tin liên lạc đã tổ chức được hệ thống thông tin từ Bộ Chỉ huy chiến dịch đến các đơn vị trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu; Một hệ thống thông tin hiệp đồng giữa các binh chủng, đặc biệt là giữa bộ binh và pháo binh; Một hệ thống thông tin giữa Bộ Chỉ huy chiến dịch với các cơ quan Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tư lệnh, giữa Đảng uỷ Mặt trận với Trung ương Đảng và Bộ Chính trị; Một hệ thống thông tin giữa Mặt trận Điện Biên Phủ với các chiến trường phối hợp với cả nước và với chiến trường nước bạn. Tại sở chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng đặt tổng đài mang tên “Chiến thắng” do đồng chí Hoàng Tuấn Vượng, Phó trưởng ban Ba trực tiếp chỉ đạo. 

Bác Hồ nghe điện thoại. Ảnh tư liệu

Ban Ba có nhiệm vụ tổ chức thiết lập hệ thống đường điện thoại từ sở chỉ huy đến các đơn vị chiến đấu và mạng vô tuyến điện. Mạng vô tuyến điện rất quan trọng vì nó sẵn sàng thay thế cho điện thoại khi bị đứt. Có thể nói, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, vô tuyến điện hoạt động rất hiệu quả. Một số loại máy vô tuyến chủ yếu bộ đội thông tin sử dụng tại Điện Biên Phủ là loại BC 1.000, GRC 9, Crosley SCR-694… Trước khi trận đánh Him Lam bắt đầu, sáng ngày 13/3/1954, đồng chí Lê Liêm, Chủ nhiệm Chính trị chiến dịch từ Sở chỉ huy Mường Phăng dùng điện thoại gọi xuống kiểm tra và động viên Tiểu đoàn 11 (Phủ Thông), đơn vị mũi nhọn của Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 đánh Him Lam. 13 giờ cùng ngày, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ Sở chỉ huy Mường Thanh trực tiếp dùng điện thoại ra lệnh cho Đại đội 806 pháo binh tập kích hoả lực vào Him Lam và trực tiếp gọi xuống Trung đoàn 141 đánh Him Lam kiểm tra. Các cuộc liên lạc đều thông suốt thông qua mạng điện thoại và vô tuyến điện.

Đại đoàn 312 được giao nhiệm vụ tiến công Him Lam. Ban Ba đã tổ chức chuẩn bị bảo đảm thông tin liên lạc chỉ huy trận đánh khá chu đáo nhưng khi vừa nổ súng, tất cả các đường điện thoại trực tiếp và vu hồi đều bị đứt nát vì đạn pháo của địch. Các chiến sỹ thông tin của ta tìm mọi cách khắc phục nối dây nhưng không được. Mười chiến sỹ liên lạc điện thoại và truyền đạt hy sinh, bị thương khi khắc phục đường dây. Trung đoàn 141 phải dùng vô tuyến điện thoại để liên lạc chỉ huy trong suốt trận đánh. Tiểu đoàn chủ công của Trung đoàn 141 đánh cứ điểm 101 vì chủ quan gần sở chỉ huy trung đoàn nên không mang theo máy vô tuyến điện, dây điện thoại đứt nên tiểu đoàn không liên lạc được với Trung đoàn. Trước tình hình đó, đồng chí đại đội phó thông tin liên lạc của Trung đoàn 141 và Trung đội trưởng Chiến - Trưởng mạng vô tuyến điện phải vượt qua khu vực pháo địch đang nã đạn, trực tiếp đem máy vô tuyến điện cho tiểu đoàn này. Trung đội trưởng Chiến đã hy sinh anh dũng nhưng có máy vô tuyến nên việc liên lạc chỉ huy được giữ vững cho đến khi kết thúc trận đánh. Trận này quân ta tiêu diệt hoàn toàn trung tâm đề kháng Him Lam, tiêu diệt gần 300 tên địch, bắt sống hơn 200 tên. Trong chiến công đó có sự đóng góp quan trọng của bộ đội thông tin liên lạc…

Tại đồi A1, đợt 2, quân ta tập trung hoả lực tấn công địch. Cùng lúc, pháo địch cũng bắn rất mạnh phía đồi quân ta chiếm giữ, Đờ Cát ra lệnh cho quân lính phải giữ Êlian 2 bằng mọi giá. Cuộc chiến đấu ở A1 rất quyết liệt, ta với địch tranh chấp nhau từng tấc đất, đạn pháo cày xới, toàn bộ hệ thống mạng điện thoại bị đứt tung. 12 chiến sỹ liên lạc điện thoại hy sinh và bị thương nặng khi nối dường dây. Đúng lúc đó, đồng chí Chu Văn Mùi, Tiểu đội trưởng thông tin Đại đội 127 và Đàm Minh Đức, tổ viên nhận lệnh từ mặt trận phía tây Điện Biên về A1 đảm bảo thông tin liên lạc với sở chỉ huy trung đoàn bằng vô tuyến điện. Hai đồng chí này trên đường đi bị lạc nên phải nhập vào trung đội bộ binh chiến đấu phòng ngự tại mỏm Thia Lia phía đông bắc đồi A1. Nằm giữa vòng vây của địch, suốt 2 ngày đêm, hai đồng chí mặc dầu nhịn đói, nhịn khát nhưng kiên cường bám máy vô tuyến điện BC 1.000 liên lạc với cấp trên, gọi pháo binh ta bắn chặn đồng thời cùng bộ binh đánh bật nhiều đợt xung phong của bộ binh và xe tăng địch…

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ đội thông tin liên lạc đã nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, chủ động sáng tạo trong mọi tình huống, tổ chức mạng lưới thông tin liên lạc hợp lý và thông suốt trong cả quá trình chuẩn bị và thực hành chiến dịch. Hệ thống mạng thông tin trong chiến dịch đã đảm bảo 4 yêu cầu: “Kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn”. Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, trong chiến công chung, Bộ đội thông tin liên lạc đã đóng góp một phần xứng đáng.

Trần Thanh Hằng - ICT New