Huyện Điện Biên

Giới thiệu về lịch sử hình thành, Vị trí địa lí, Dân số, Khí hậu, Thủy văn

KHÁI QUÁT ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CHUNG CỦA HUYỆN

1. Lịch sử hình thành

Mường Thanh là tên gọi xưa nhất và phổ biến nhất của huyện Điện Biên. Theo dòng lịch sử, tùy theo cách phiên âm Thái Việt, Hán Việt mà người ta gọi Mường Thanh với các tên khác nhau như: Mường Theng, Mường Then, Mường Thiên, v.v...

Thời Hùng Vương, nước Văn Lang được chia làm 15 bộ thì Mường Thanh thuộc bộ Tân Hưng. Thời Lý thuộc châu Lâm Tây; thời Trần thuộc châu Ninh Viễn, lộ Đà Giang. Thời Lê Lợi thuộc châu Phục Lễ, trấn Giang Hưng. Năm 1463, trấn Hưng Hóa được thành lập gồm 03 phủ: Gia Hưng, Quy Hóa, An Tây. Phủ An Tây có 10 châu, Mường Thanh là một trong 10 châu của phủ An Tây. Năm 1469, khi Lê Thánh Tông đặt 12 thừa tuyên thì Mường Thanh thuộc phủ An Tây, thừa tuyên Hưng Hóa. Năm 1769, Lê - Trịnh sau khi dẹp xong cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất đã đổi tên Mường Thanh thành Ninh Biên. "Châu Ninh Biên" thổ âm gọi là Mường Thanh. Châu này phía trên giáp sông Nậm U và những nước Nam Man, Xa Lý, Bồn Nam; phía dưới giáp châu Tuần Giáo, bên tả giáp Ai Lao, bên hữu giáp Lai Châu. Địa thế rộng lớn, hiểm trở, ruộng nương màu mỡ. Nhân dân làm ruộng so với các châu khác hết ít công mà được nhiều thóc hơn .... Đến năm 1841, nhà Nguyễn lấy đất các châu: Ninh Biên, Tuần Giáo và Lai Châu lập thành phủ Điện Biên. Năm 1851 lấy thêm 02 châu: Quỳnh Nhai, Châu Luân sáp nhập vào phủ Điện Biên. Trung tâm của phủ Điện Biên là vùng Mường Thanh của châu Ninh Biên - địa bàn cư trú của gần 10 dân tộc anh em, trong đó chiếm đa số là dân tộc Thái đen.

Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta song mãi đến tháng 4 năm 1890 chúng mới chiếm được Lai Châu, trong đó có Điện Biên Phủ. Ngày 01 tháng 3 năm 1903, Phủ toàn quyền Đông Dương ra quyết định thành lập Trung tâm hành chính Điện Biên Phủ thuộc tỉnh Vạn Bú. Đứng đầu Trung tâm hành chính là một viên quan quân sự người Pháp có trách nhiệm đảm đương cả về hành chính và quân sự.

Ngày 28 tháng 6 năm 1909, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Lai Châu gồm: Đạo Lai (Châu Lai, châu Quỳnh Nhai và phủ Luân Châu), châu Điện Biên với phủ Tuần Giáo.

Ngày 27 tháng 3 năm 1916, thực dân Pháp thành lập Đạo quan binh thứ 4 Lai Châu gồm: Châu Lai, châu Quỳnh Nhai, Sở Đại Lý và châu Điện Biên. Chế độ quân quản tồn tại ở tỉnh Lai Châu nói chung, châu Điện Biên nói riêng rất lâu (27 năm), mãi tới ngày 04 tháng 9 năm 1943 chế độ quân quản ở Lai Châu mới bị bãi bỏ, chuyển sang chế độ cai trị hành chính.

Năm 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Điện Biên là một huyện của tỉnh Lai Châu.

Ngày 30 tháng 11 năm 1952, huyện Điện Biên được Bộ đội chủ lực tiến vào giải phóng lần thứ nhất. Ngày 20 tháng 11 năm 1953 thực dân Pháp cho quân nhảy dù tái chiếm huyện Điện Biên, xây dựng Điện Biên thành cứ điểm quân sự mạnh nhất khu vực Đông Nam Á. Ngày 07 tháng 5 năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng kết thúc 09 năm kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta. Huyện Điện Biên được hoàn toàn giải phóng, đồng bào các dân tộc thực sự được hưởng tự do, hòa bình.

Ngày 29 tháng 4 năm 1955, Khu tự trị Thái - Mèo được thành lập gồm 16 châu, châu Điện Biên trực thuộc Khu tự trị Thái - Mèo vì không có cấp hành chính tỉnh.

Từ ngày 24 đến ngày 27 tháng 10 năm 1962, tại kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa II nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Nghị quyết đổi tên Khu tự trị Thái - Mèo thành Khu tự trị Tây Bắc; thành lập lại hai tỉnh Sơn La, Lai Châu và một tỉnh mới Nghĩa Lộ. Tỉnh Lai Châu lúc tái thành lập gồm có 7 huyện và 1 thị trấn trong đó có huyện Điện Biên.

Đến năm 1968, huyện Điện Biên có 29 xã và 1 thị trấn gồm: Thanh An, Thanh Minh, Thanh Xương, Thanh Yên, Thanh Chăn, Thanh Luông, Thanh Nưa, Mường Mươn, Mường Pồn, Nậm Khẩu Hú, Noong Luống, Pa Thơm, Na Ư, Mường Lói, Mường Nhà, Núa Ngam, Sam Mứn, Noong Hẹt, Nà Tấu, Mường Phăng, Pu Nhi, Na Son, Phình Giàng, Phì Nhừ, Sa Dung, Mường Luân, Luân Giói, Chiềng Sơ, Háng Lìa và Thị trấn huyện lỵ. Do nhu cầu phát triển về kinh tế, xã hội nhiều xã, thị trấn của huyện Điện Biên đã được thành lập, đổi tên, chia tách như: thành lập thị trấn Nông trường Điện Biên; chia xã Phình Giàng thành hai xã Phình Giàng và Keo Lôm; tách xã Thanh Chăn thành 2 xã: Thanh Chăn và Thanh Hưng; giải thể xã Nậm Khẩu Hú ...

Ngày 18 tháng 4 năm 1992, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 130-HĐBT về thành lập thị xã Điện Biên Phủ thuộc tỉnh Lai Châu. Thị xã Điện Biên Phủ được thành lập trên cơ sở thị trấn Điện Biên và xã Thanh Minh (thuộc huyện Điện Biên) để di chuyển địa điểm tỉnh lỵ từ thị xã Lai Châu về thị xã Điện Biên Phủ. Sau khi điều chỉnh địa giới huyện Điện Biên còn 307.573,5 ha diện tích tự nhiên và 110.183 nhân khẩu bao gồm 30 xã, thị trấn.

Ngày 07 tháng 10 năm 1995, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị định số 59-CP về chia tách huyện Điện Biên thành hai huyện: Điện Biên và Điện Biên Đông. Sau khi chia tách huyện Điện Biên có diện tích tự nhiên 180.161 ha và 97.709 nhân khẩu, 20 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các xã: Mường Mươn, Mường Pồn, Nà Tấu, Mường Phăng, Thanh Nưa, Thanh Luông, Thanh Chăn, Thanh Hưng, Thanh Xương, Thanh An, Thanh Yên, Noong Hẹt, Noong Luống, Sam Mứn, Núa Ngam, Pa Thơm, Na Ư, Mường Nhà, Mường Lói và thị trấn nông trường Điện Biên.

Ngày 28 tháng 4 năm 1997, Chính phủ ra Nghị định số 40-CP, theo Nghị định này xã Mường Mươn của huyện Điện Biên được giao cho huyện Mường Lay quản lý.

Ngày 26 tháng 5 năm 1997, Chính phủ ra Nghị định số 52-CP về giải thể thị trấn Nông trường Điện Biên của huyện Điện Biên; sáp nhập 64,5 ha diện tích tự nhiên và 1.622 nhân khẩu của xã Thanh Luông vào Thị xã Điện Biên Phủ để thành lập phường Thanh Bình.

Ngày 22 tháng 12 năm 1997, Chính phủ ra Nghị định số 117/1997NĐ-CP về thành lập thị trấn Mường Thanh là thị trấn huyện lỵ Điện Biên trên cơ sở 356,25 ha diện tích tự nhiên và 5.276 nhân khẩu của xã Thanh Xương.

Ngày 26 tháng 9 năm 2003, Chính phủ ra Nghị định số 110/2003/NĐ-CP về thành lập Thành phố Điện Biên Phủ. Theo Nghị định này đã chuyển 356,25 diện tích tự nhiên và 8.520 nhân khẩu của Thị trấn Mường Thanh, về thành phố Điện Biên Phủ; điều chỉnh 281 ha diện tích tự nhiên, 3.147 nhân khẩu của xã Thanh Luông và 251 ha diện tích tự nhiên, 2.627 nhân khẩu của xã Thanh Nưa về Thành phố Điện Biên Phủ quản lý. Huyện Điện Biên sau khi điều chỉnh còn lại 163.985 ha diện tích tự nhiên và 100.755 nhân khẩu, có 18 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm các xã: Mường Pồn, Thanh Nưa, Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Chăn, Thanh Xương, Thanh An, Thanh Yên, Nà Tấu, Mường Phăng, Noong Luống, Noong Hẹt, Pa Thơm, Núa Ngam, Sam Mứn, Na Ư, Mường Nhà, Mường Lói.

Từ ngày 21 đến ngày 26 tháng 10 năm 2003, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết số 22 về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh trong đó có Lai Châu. Tỉnh Lai Châu (cũ) được chia thành tỉnh Lai Châu (mới) và tỉnh Điện Biên. Huyện Điện Biên là một trong 09 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Điện Biên.

Ngày 06 tháng 6 năm 2005, Chính phủ ra Nghị định số 72/2005/NĐ-CP về chia tách xã Nà Tấu thành xã Nà Nhạn và xã Nà Tấu; sau khi chia tách, hiện nay huyện Điện Biên có 19 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm các xã: Mường Pồn, Thanh Nưa, Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Chăn, Thanh Xương, Thanh An, Thanh Yên, Nà Nhạn, Nà Tấu, Mường Phăng, Noong Luống, Noong Hẹt, Pa Thơm, Núa Ngam, Sam Mứn, Na Ư, Mường Nhà, Mường Lói.

2. Vị trí địa lý, dân số, khí hậu thủy văn

a) Vị trí địa lý, dân số:

Điện Biên là huyện biên giới Việt - Lào, nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc; huyện có 19 đơn vị hành chính xã (trong đó có 09 xã biên giới), có chung đường biên giới với tỉnh Phoong Sa Ly và tỉnh  Luông Pra Bang (Lào) dài 154 km, có cửa khẩu Quốc tế Tây trang, cửa khẩu Quốc gia Huổi Puốc và một số đường tiểu mạch sang Lào; huyện có diện tích tự nhiên 163.985 ha (đất NN 13.544 ha, đất LN 36.956 ha, còn lại là đất khác và núi đồi tự nhiên); dân số 108.389 người, gồm 08 dân tộc (dân tộc Thái 53,72%, dân tộc Kinh 27,86%, dân tộc Mông 8,51%, dân tộc Khơ Mú 5%, dân tộc Lào 3,17%, còn lại là các dân tộc khác);

Phía Bắc giáp huyện Mường Chà, huyện Mường Ảng tỉnh Điện Biên; Phía Nam giáp huyện Mường Ngòi, huyện Viêng Khăm tỉnh Luông Pra Bang (Lào); phía Đông giáp huyện Điện Biên Đông tỉnh Điện Biên, huyện Sốp Cộp tỉnh Sơn La; Phía Tây giáp huyện Mường Mày tỉnh Phoong Sa Ly (Lào).

Địa hình của huyện được chia thành hai vùng rõ rệt:

- Vùng lòng chảo: gồm 10 xã, có diện tích tự nhiên 34.193 ha (7.041 ha đất nông nghiệp, 3.341 ha đất lâm nghiệp, còn lại là đất khác và núi đồi tự nhiên), là vùng có địa hình tương đối bằng phẳng, ít bị chia cắt, độ dốc nhỏ dưới 15 độ, độ cao hơn 400 mét so với mặt biển thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp (nhất là sản xuất lúa ruộng), phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch, là nơi tập trung dân cư, trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của huyện Điện Biên và tỉnh Điện Biên. Đặc biệt có cánh đồng Mường Thanh với diện tích trên 4.000 ha, là cánh đồng rộng nhất vùng Tây Bắc (nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc). Với khả năng sản xuất lương thực dồi dào, cánh đồng Mường Thanh là vựa lúa của tỉnh Điện Biên.

- Vùng núi cao, vùng xa, biên giới (địa phương quen gọi là vùng ngoài) gồm 09 xã (trong đó có 08 xã đặc biệt khó khăn), có diện tích tự nhiên 129.792 ha (6.503 ha đất nông nghiệp, 33.615 ha đất lâm nghiệp, còn lại là đất khác và núi đồi tự nhiên), chiếm 79% diện tích toàn huyện; có độ cao từ 1.000 mét trở lên, đỉnh cao nhất là Pú Pha Sung. Với địa hình chủ yếu là đồi, núi cao và đất dốc thuận lợi cho sản xuất lâm nghiệp, chăn nuôi đại gia súc, phát triển thuỷ điện và xây dựng các hồ chứa nước phục vụ sinh hoạt, cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vùng lòng chảo.

b) Khí hậu thủy văn

Huyện Điện Biên nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có chế độ khí hậu điển hình của vùng nhiệt đới núi cao Tây Bắc; mùa đông tương đối lạnh, ít mưa; mùa hạ nóng, mưa nhiều với các đặc tính diễn biến thất thường, phân hóa đa dạng, ít chịu ảnh hưởng của bão, chịu ảnh hưởng của gió phơn Tây Nam (gió Lào) khô và nóng. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 22,60C, cao nhất 36 - 370C, thấp nhất dưới 100C. Lượng mưa hàng năm trung bình khoảng 1.500 mm, độ ẩm trung bình 84 - 85%; số giờ nắng 1.900 - 2.000 giờ/ năm. Trong năm có hai mùa rõ rệt: Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 10; mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Điện Biên hay có gió lốc cục bộ, đầu mùa mưa thường có mưa đá xảy ra.