Dienbien.gov.vn - Trải qua 40 năm, cùng với sự phát triển của ngành Tư pháp cả nước nói chung, ngành Tư pháp tỉnh Điện Biên luôn nỗ lực triển khai hoàn thành tốt mọi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần tích cực trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Hội nghị sơ kết công tác Tư pháp được triển khai thường niên đánh giá tình hình hoạt động và đề ra phương hướng cụ thể để triển khai thực hiện.
Là một bộ phận thống nhất của ngành Tư pháp Việt Nam, ngày 25/5/1983, UBND tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên) ban hành Quyết định số 21/QĐ-UB thành lập Sở Tư pháp Lai Châu. Đây là mốc son, đánh dấu sự hình thành của ngành Tư pháp Điện Biên - Lai Châu, 40 năm qua cùng với quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, ngành Tư pháp tỉnh đã không ngừng lớn mạnh về tổ chức bộ máy, cán bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Những ngày đầu mới thành lập, Sở Tư pháp chỉ có 02 phòng chuyên môn, gồm Văn phòng và Phòng Tổ chức cán bộ và Quản lý tòa án cấp huyện, thi hành án dân sự; ở cấp huyện chưa có Phòng Tư pháp; Ban tư pháp các xã, phường, thị trấn hoạt động kiêm nhiệm. Đến nay, Sở Tư pháp có 05 phòng chuyên môn và 03 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, các huyện, thị, thành phố có Phòng Tư pháp, 129 xã, phường có cán bộ Tư pháp - Hộ tịch hoạt động chuyên trách. Đối với bộ phận quản lý thi hành án dân sự từ năm 2009 đã tách và thành lập Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các Chi cục Thi hành án cấp huyện trực thuộc Bộ Tư pháp.
Thời điểm mới thành lập (năm 1983), chưa có các tổ chức bổ trợ tư pháp. Đến nay, ngành Tư pháp tỉnh Điện Biên đang quản lý trực tiếp và tham mưu quản lý Nhà nước với: 01 Trung tâm trợ giúp pháp lý; 02 tổ chức đấu giá tài sản; 03 tổ chức công chứng; 11 tổ chức hành nghề Luật sư; 02 Trung tâm tư vấn pháp luật và 02 Văn phòng Thừa phát lại.
40 năm qua, ngành Tư pháp tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác tư pháp từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn ngày càng được nâng cao. Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện đồng bộ, toàn diện, bảo đảm thường xuyên, liên tục. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh ngày càng được hoàn thiện, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, toàn diện và khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Từ năm 2004 đến nay, Sở Tư pháp đã trực tiếp tham mưu trình ban hành 77 văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực công tác tư pháp, thực hiện thẩm định trên 1.220 văn bản, tự kiểm tra 667 văn bản, kiểm tra theo thẩm quyền 700 văn bản; qua kiểm tra phát hiện các văn bản có sai sót và đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định. Thực hiện rà soát 1.078 văn bản, qua rà soát đã đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, công bố hết hiệu lực và ban hành mới 678 văn bản.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), chuẩn tiếp cận pháp luật, hòa giải cơ sở được tổ chức triển khai thực hiện với nhiều nội dung thiết thực, hình thức phong phú, phương pháp phù hợp với địa bàn và các đối tượng khác nhau. Trong những năm qua, đã tổ chức gần 70 ngàn cuộc/đợt PBGDPL trực tiếp cho gần 3,8 triệu lượt người tham dự; tổ chức 312 cuộc thi tìm hiểu về pháp luật với 218 ngàn lượt người tham dự; xây dựng 1.324 chuyên mục, đăng tải 10,9 ngàn tin, bài trên Cổng/Trang thông tin điện tử; thực hiện phát sóng hơn 5 ngàn lần chương trình PBGDPL trên hệ thống loa truyền thanh cấp xã, đăng tải hơn 8,5 ngàn tin bài về pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng; có 109/129 xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Công tác hành chính tư pháp có những chuyển biến rõ nét, đáp ứng yêu cầu của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn. Cơ quan tư pháp các cấp đã giải quyết 1 triệu 55 nghìn sự kiện hộ tịch trong những năm qua. Công tác lý lịch tư pháp hoạt động ổn định, cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp đáp ứng ngày càng cao việc phục vụ tra cứu, xác minh thông tin án tích để cấp phiếu lý lịch tư pháp. Từ năm 2011 đến nay, đã tiếp nhận hơn 20 ngàn hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, trong đó, đã cấp gần 20 ngàn hồ sơ, bảo đảm 100% cấp trước và đúng hạn khi có kết quả, theo mức độ 3 và 4 của thủ tục hành chính.
Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tư vấn pháp luật tại địa phương, trợ giúp pháp lý, công chứng, đấu giá tài sản, giám định tư pháp được triển khai đạt nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho gần 25 ngàn vụ việc, với hơn 27 ngàn lượt người nghèo, đối tượng chính sách, gia đình cách mạng, đối tượng yếu thế trong xã hội. Các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện được gần 78 triệu số việc công chứng. Từ năm 2014 đến nay, các tổ chức đấu giá tài sản thực hiện được 806 cuộc đấu giá thành, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động mua bán hàng hóa, tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

Ngành Tư pháp những năm qua đã đạt nhiều thành tích nổi bật, được UBND tỉnh khen thưởng.
Với nhiều kết quả đạt được và những đóng góp đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, tập thể Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Tháng 5/2023, Sở Tư pháp Điện Biên vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhiều tập thể và cá nhân của ngành Tư pháp đã được nhận Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp, UBND tỉnh; Bằng khen của Bộ Tư pháp, của UBND tỉnh và Kỷ niệm chương của ngành Tư pháp.
Đồng chí Phạm Đình Quế - Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Thời gian tới, ngành Tư pháp tiếp tục phấn đấu xây dựng đội ngũ cán bộ Tư pháp vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức, gương mẫu về kỷ cương, thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ - Cán bộ tư pháp phải "Phụng công thủ pháp, chí công vô tư". Các đơn vị trong toàn ngành sẽ chủ động nghiên cứu, đề xuất để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các thủ tục hành chính của Sở Tư pháp quản lý theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản và thuận tiện cho người dân; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, nâng cao ý thức trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương công vụ của công chức, viên chức tư pháp. Ngành Tư pháp sẽ tích cực, chủ động bám sát chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong nhiệm kỳ của Đảng, Chính phủ, Bộ Tư pháp, của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh để triển khai thực hiện, góp phần thực hiện thắng lợi mọi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Những năm qua, ngành Tư pháp tỉnh luôn chủ động, tích cực triển khai đồng bộ, toàn diện và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, đã đạt nhiều kết quả nổi bật trên các mặt công tác, ngày càng khẳng định vai trò của ngành Tư pháp trong hệ thống chính trị tại địa phương./.
Trần Hà