Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 24 đến ngày 26 tháng 4 năm 2023

Update 27 - 04 - 2023
100%

PHẦN I: TIN ĐIỆN BIÊN

 

*Thanh niên.vn (26/4): Xã nông thôn mới vẫn khó đảm bảo tiêu chí môi trường

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), vệ sinh môi trường các thôn, bản vùng nông thôn đã được cải thiện đáng kể. Gia súc, gia cầm được di chuyển ra xa khu dân cư. Người dân có ý thức tham gia quét dọn đường nội thôn, bản, khơi thông cống rãnh, đào hố rác, xử lý rác thải sinh hoạt, làm nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh. Tuy nhiên, trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, tiêu chí 17 về Môi trường và an toàn thực phẩm, trong đó việc xử lý rác thải đúng theo quy định để đảm bảo môi trường vẫn đang là điều trăn trở của không ít địa phương.

Xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) là xã điểm xây dựng NTM nâng cao của tỉnh vẫn còn tình trạng rác bên các tuyến đường nội đồng, đường nội thôn hay liên thôn, từ rác thải sinh hoạt đến rác thải trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là chất thải trong chăn nuôi chưa có biện pháp xử lý đúng cách.

Ông Quàng Văn Minh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thanh Hưng cho biết: Được đánh giá là tiêu chí “mềm” không cần nhiều nguồn lực đầu tư từ nhà nước, thế nhưng tiêu chí môi trường lại đang là bài toán khó giải quyết triệt để. Hiện nay nhận thức, vai trò chủ thể của người dân một số nơi còn hạn chế; nước thải từ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, tập quán thả rông, nuôi nhốt gia súc không có hố ủ phân, nhiều hộ chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh. Đặc biệt, việc xử lý rác thải rắn, rác thải sinh hoạt tại các vùng nông thôn không được thu gom xử lý đúng quy định.

Thôn Thanh Chung, xã Thanh Hưng được lựa chọn điểm xây dựng NTM nâng cao của xã Thanh Hưng, cũng là trong số ít thôn, bản thực hiện tốt việc thu gom, xử lý rác thải. Để thực hiện tiêu chí về môi trường, thôn đã tích cực vận động người dân vào cuộc. Định kỳ hằng tuần, thôn tổ chức buổi tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm. Mỗi gia đình đều phải nâng cao ý thức thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đúng nơi quy định.

Theo thống kê của UBND xã Thanh Hưng, hiện nay tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường mới chỉ đạt 74%. Tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh mới chỉ đạt hơn 80%. Cùng với đó, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh cũng chưa đạt. Nhiều hộ dân vẫn đang sử dụng nước từ giếng khoan.

Đối với xã Thanh Chăn - xã điểm, cũng là xã đầu tiên của tỉnh cán đích NTM từ năm 2015. Đã 7 năm đạt xã chuẩn NTM nhưng hiện nay Thanh Chăn cũng gặp nhiều khó khăn trong xây dựng NTM nâng cao, nhất là tiêu chí về môi trường. Rác thải, vỏ bao bì thực vật sau khi sử dụng vẫn còn nhiều ngoài môi trường.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn cho biết: Khó khăn nhất hiện nay của xã trong tiêu chí môi trường là xử lý nước thải sinh hoạt và chất thải rắn nguy hại. Hiện nay người dân chưa có điều kiện và kỹ thuật trong xử lý nước thải sinh hoạt. Nước thải trong chăn nuôi thì chủ yếu đưa ra mương là chính. Thứ hai, xử lý chất thải độc hại là vỏ thuốc bảo vệ thực vật. Mặc dù, UBND xã đã xây dựng bể thu gom nhưng ý thức chấp hành của nhiều người dân chưa tốt. Cùng với đó, dự án xây dựng bãi xử lý rác thải, nước thải trên địa bàn xã cũng chưa đảm bảo yêu cầu hợp vệ sinh môi trường. Rác thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp chưa được thu gom xử lý kịp thời, đúng cách dẫn đến tình trạng ô nhiễm. Những vấn đề trên đã ảnh hưởng rất lớn đến xây dựng môi trường cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp.

 

  *Baodienbienphu.com.vn (26/4): Thành phố Điện Biên Phủ “cháy” phòng dịp nghỉ lễ

Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 sắp tới nhưng thời điểm này (26/4), các khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ đã cơ bản kín phòng nghỉ. Nhiều du khách đã liên hệ đặt phòng cách đây cả tháng.  

Theo thống kê của phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), toàn tỉnh hiện có 210 cơ sở lưu trú, 12 bản du lịch cộng đồng và 6 homestay. Đến thời điểm này, các cơ sở lưu trú du lịch đã chuẩn bị tốt các điều kiện để đón du khách trong dịp nghỉ lễ.

Tuy nhiên theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay không chỉ các khách sạn lớn như: Mường Thanh, Him Lam, Hải Vân, A1… “cháy” phòng, mà nhiều nhà nghỉ trên địa bàn thành phố cũng trong tình trạng hết phòng. Đây là tín hiệu tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Điện Biên trong bối cảnh Cảng hàng không Điện Biên tạm thời đóng cửa để đầu tư xây dựng và mở rộng.

Để đảm bảo các điều kiện đón du khách, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường kiểm tra, nắm tình hình, xử lý các vấn đề phát sinh trong phục vụ lưu trú, ăn nghỉ của khách du lịch đến Điện Biên. Đồng thời đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp và cơ sở lưu trú du lịch; bản du lịch cộng đồng chủ động phương án bố trí đủ lực lượng, cơ sở vật chất, thực phẩm và điều kiện cần thiết phục vụ khách du lịch đảm bảo an toàn. Tuân thủ nghiêm quy định về đăng ký, niêm yết giá; không gây phiền hà cho khách du lịch và bố trí đủ nhân viên hướng dẫn, hỗ trợ du khách trong dịp nghỉ lễ.

 

* Dienbientv.vn (26/4):  Điện Biên Đông: Trăn trở nỗi lo thiếu nước sinh hoạt

Nhiều năm nay, mỗi khi mùa khô đến, người dân các xã vùng cao của huyện Điện Biên Đông lại vật lộn với cảnh thiếu nước, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và sản xuất của người dân. Mặc dù trên địa bàn có nhiều công trình nước sạch được đầu tư xây dựng, nhưng vẫn không có đủ nước để sử dụng.

Cũng như hơn 30 hộ dân sinh sống trong bản Tìa Ghênh C, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông, gia đình chị Ly Thị Cở đang gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Mặc dù đã có bể chứa, nhưng do nguồn nước thiếu, các bể phần lớn đều đặt ở vị trí trên cao, nước không thể đẩy lên, chị Cở chỉ có thể khắc phục bằng cách chung với các hộ dân khác mua ống nhựa để dẫn nước từ các khe suối về rồi chia nhau sử dụng.

Với đặc thù là huyện vùng cao có địa hình đồi núi, độ dốc lớn, thời gian mùa khô kéo dài, tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông vẫn diễn ra tại một số xã như: Keo Lôm, Pú Nhi, Chiềng Sơ... trong nhiều năm qua. Mặc dù số lượng công trình nước sinh hoạt tập trung khá lớn, tuy nhiên, nhiều công trình xuống cấp, hư hỏng, không phát huy hiệu quả, dẫn đến tình trạng thiếu nước tại nhiều nơi. Thực trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, sản xuất của người dân và cả các trường học, trạm y tế...

Bà Vàng Thị Dùa, Phó Chủ tịch UBND xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông, cho biết: “Vào mùa mưa lượng nước nhiều có thể đảm bảo cho sinh hoạt của người dân nhưng vào mùa khô rất khó khăn về nước, đặc biệt là các trường học. Khoan giếng cũng không có nước. Các công trình thì cũng được đầu tư lâu rồi không đảm bảo nhu cầu sử dụng của người dân…”

Để khắc phục thực trạng thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là vào mùa khô hàng năm, huyện Điện Biên Đông đã tăng cường nhiều giải pháp nhằm đảm bảo cung cấp nước cho người dân sử dụng. “Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan, tuyên truyền tới người dân sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt với các khu vực khó kéo nước về thì sử dụng các dụng cụ chứa nước để đảm bảo nước sinh hoạt hàng ngày. Tới đây được sự quan tâm của các chương trình, dự án phòng sẽ tiếp tục rà soát và đầu tư các công trình nước sinh hoạt…” -  ông Nguyễn Trọng Huế, Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Điện Biên Đông, cho biết.

Những năm qua, đời sống người dân trên địa bàn huyện Điện Biên Đông đang dần được cải thiện nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng việc hỗ trợ, triển khai các chương trình, dự án thiết thực với bà con. Tuy nhiên, người dân vẫn còn đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Thực tế trên đòi hỏi cần có những giải pháp mang tính bền vững và lâu dài, góp phần đảm bảo nhu cầu cơ bản về nước sạch, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng cao Điện Biên Đông./.

 

*Baodienbienphu.com.vn (26/4): Nỗi lo ô nhiễm môi trường từ sản xuất nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp không thể không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu bệnh. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, cùng với sự gia tăng chất thải trong sản xuất nông nghiệp đã và đang tác động xấu đến môi trường.

Hàng năm lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật được người dân sử dụng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh rất lớn. Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh), riêng vụ lúa đông xuân 2021 - 2022 và vụ mùa năm 2022, toàn tỉnh sử dụng khoảng 120,4 tấn thuốc bảo vệ thực vật các loại như: thuốc trừ cỏ (16 tấn), thuốc trừ ốc (21 tấn), thuốc trừ sâu (15 tấn), thuốc trừ bệnh (15 tấn)...; lượng phân bón khoảng 55.060 tấn trên các loại cây trồng (phân NPK 24.000 tấn, phân đạm 4.700 tấn, phân lân 1.800 tấn, phân kali 1.500 tấn....).

Ngày càng có nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, kích thích tăng trưởng được sử dụng trên các loại cây trồng, trong đó không ít loại có độ độc hại cao, khả năng lưu giữ trong môi trường lâu. Các loại hóa chất độc hại sẽ làm cho đất, nước, không khí bị ô nhiễm, tác động tiêu cực đến sức khỏe người sử dụng. Hóa chất sử dụng ngày càng nhiều nhưng các biện pháp làm sạch môi trường lại ít được nông dân quan tâm, do vậy lượng hóa chất bảo vệ thực vật còn đọng lại trong đất là khá lớn.

Ngoài ra, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của một số người dân trong sử dụng hóa chất cũng đang là một việc đáng bàn hiện nay. Mặc dù, đến nay toàn tỉnh có 626 bể chứa bao thuốc bảo vệ thực vật được bố trí tại 8/10 huyện, thị, thành phố, tuy nhiên vẫn còn tình trạng người dân sau khi sử dụng vứt bừa bãi vỏ thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường. Số lượng thuốc hóa học cung ứng ra thị trường lớn, nhưng công tác thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật còn hạn chế. Trong năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường thu gom được hơn 5.166kg vỏ thuốc bảo vệ thực vật. Thực tế cho thấy, tình trạng bao bì, chai lọ thuốc hóa học sau khi sử dụng không được người dân thu gom xử lý, mà thường vứt bỏ bừa bãi ngoài đồng ruộng, trên nương. Điều này không những tác động đến môi trường sinh thái mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của chính người nông dân.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cũng đang ở mức rất cao. Bên cạnh một số hộ nuôi có xây dựng hệ thống xử lý, còn phần lớn chất thải được thải trực tiếp ra môi trường. Chỉ tính riêng đối với chăn nuôi gia súc (trâu, bò, dê), chủ yếu chăn nuôi bán chăn thả chiếm 51,4%, chăn nuôi thả rông 38,8% và nuôi nhốt chuồng chỉ chiếm 9,8%; quy mô chăn nuôi chủ yếu là nông hộ (chiếm 99,6%), còn lại chăn nuôi quy mô trang trại vừa và nhỏ. Hàng năm ước tính có hơn 1 triệu tấn chất thải từ hoạt động chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 15,7% lượng chất thải được thu gom, xử lý bằng ủ phân, biogas để làm khí đốt, phục vụ hoạt động trồng trọt... Còn lại 84,3%, lượng chất thải từ chăn nuôi gia súc thả rông và bán chăn thả, xả thải trực tiếp ra môi trường tại các bãi chăn thả, đồi, rừng... gây ô nhiễm đất, nước, không khí và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Với lượng lớn phế phẩm, hóa chất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thải ra khiến mức độ gây ô nhiễm môi trường có xu hướng gia tăng, đe dọa sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, các hoạt động từ sản xuất nông nghiệp, như: Nước thải từ chế biến nông sản (dong riềng, ngô, sắn...) thời gian qua trên địa bàn tỉnh gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất ở một số nơi chưa được quan tâm đầy đủ, đúng mức. Các biện pháp xử phạt hành vi gây ô nhiễm môi trường còn hạn chế; việc tuyên truyền phổ biến các văn bản luật chưa kịp thời, sâu rộng và sự thực thi chưa được triệt để. Mặt khác, nhận thức của một bộ phận dân cư về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường chưa cao.

Để giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp, cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, làm tốt công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng đối với công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là công tác thu gom, xử lý rác thải tại các địa phương, xử lý chất thải trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân tận dụng triệt để phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng. Xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, sử dụng chế phẩm sinh học, công nghệ khí sinh học biogas... nhằm xử lý chất thải chăn nuôi.

 

* Dienbientv.vn (25/4): Hiểm họa từ thực trạng chó thả rông

 

Trong những ngày nắng nóng như hiện nay, tình trạng chó thả rông, không có rọ mõm đang là mối ẩn họa khôn lường khiến cho người dân không khỏi lo lắng và bức xúc. Tình trạng này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy hiểm cho người đi đường và tăng nguy cơ lây truyền bệnh dại sang người.

Tình trạng chó, mèo thả rông không có rọ mõm tại khu vực đông dân cư đang là thực tế ở nhiều địa phương trong tỉnh. Trong khi số ca tử vong và phơi nhiễm với bệnh dại có xu hướng tăng, nhất là trong thời điểm nắng nóng như hiện nay thì tình trạng thả rông chó, mèo càng làm tăng nguy cơ truyền nhiễm bệnh dại trên người khi bị chó, mèo cắn.

Ông Nguyễn Bá Ngọc, phường Noong Bua, thành phố Điện Biên Phủ bức xúc nói: “Nhiều người không có ý thức, thả chó linh tinh cả mà không rọ mõm lại. Tôi lo lắng lắm không chỉ cho bản thân tôi mà còn cho con cháu trong khu xóm nữa. Bị chó dại cắn rất nguy hiểm không phải chuyện đơn giản.”

Giai đoạn nắng nóng là thời điểm bệnh dại bùng phát lưu hành rộng trên đàn chó, mèo. Kết quả giám sát lấy mẫu xét nghiệm chó, mèo nghi mắc bệnh dại của cơ quan chuyên môn cho thấy có 7/12 mẫu xét nghiệm dương tính với bệnh dại trên địa bàn 4 huyện gồm: Điện Biên, Mường Nhé, Tuần Giáo và thành phố Điện Biên Phủ. Nếu vẫn tiếp diễn tình trạng thả rông chó, mèo như hiện nay, nhất là ở vùng có bệnh dại lưu hành sẽ tiềm ẩn mối họa khôn lường về bệnh dại trên người. Bởi thực tế từ đầu năm đến nay đã có trên 1.000 người bị phơi nhiễm với bệnh dại do bị chó cắn, cào. Trong đó, 6 ca đã tử vong, tăng gấp đôi so với cả năm 2022.

 

 

PHẦN II: TIN TỨC – THỜI SỰ

 

CHÍNH SÁCH – VĂN BẢN – NGHỊ ĐỊNH MỚI

* Chinhphu.vn (25/4): Khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 ký Quyết định 29/QĐ-BCĐCTMTQG ban hành Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo này.

Theo đó, năm 2023, Ban Chỉ đạo Trung ương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1945/QĐ-TTg ngày 18/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ; ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tại Thông báo số 58/TB-VPCP ngày 28/02/2023, Thông báo số 127/TB-VPCP ngày 13/4/2023 và Thông báo số 129/TB-VPCP ngày 14/4/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ.

Nhân rộng những sáng kiến, mô hình, cơ chế, chính sách hiệu quả, có tính khả thi trong thực tiễn

Cụ thể, khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách và ban hành các Thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương bảo đảm bám sát tình hình thực tiễn và phù hợp năng lực thực thi của các cấp cơ sở; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai, đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Chú trọng xây dựng Kế hoạch cụ thể với nội dung chi tiết để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại các Bộ, cơ quan, địa phương; chủ động trao đổi, nắm bắt thông tin, phát hiện các khó khăn, vướng mắc, sai sót để kịp thời đề xuất giải pháp khắc phục, tháo gỡ; tích cực chia sẻ kinh nghiệm để hoàn thiện thể chế và nhân rộng những sáng kiến, mô hình, cơ chế, chính sách hiệu quả, có tính khả thi trong thực tiễn.

Triển khai thực hiện tốt, hiệu quả công tác đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác theo yêu cầu của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 52/2022/QH15 ngày 14/6/2022 của Quốc hội.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương với các Tổ công tác, cơ quan giúp việc cho Ban Chỉ đạo Trung ương trong quản lý, điều phối, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, phổ biến pháp luật, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân và các bên liên quan về các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong triển khai, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Điều chỉnh phân công địa bàn theo dõi các chương trình mục tiêu quốc gia

Quyết định cũng điều chỉnh phân công địa bàn theo dõi các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, Thượng tướng Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, Ủy viên Thường trực, theo dõi các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tại các tỉnh: Hà Giang, Lạng Sơn, Gia Lai, Kon Tum.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, Ủy viên Thường trực, theo dõi các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tại các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hải Phòng, Đắk Lắk, Đắk Nông.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy, Ủy viên Thường trực, theo dõi các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tại tỉnh Hòa Bình.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Ủy viên, theo dõi các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tại các tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Thái Bình.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Ủy viên, theo dõi các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tại các tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, Ủy viên, theo dõi các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tại các tỉnh: Lâm Đồng, Tây Ninh, Bình Phước.

 

* Chinhphu.vn (24/4): Thủ tướng phân công từng Thành viên Chính phủ làm việc với địa phương để đôn đốc, gỡ khó, thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 phân công Thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.

Cụ thể, Thủ tướng phân công các Thành viên Chính phủ chủ trì, cùng lãnh đạo các bộ, cơ quan trung ương liên quan trực tiếp đôn đốc làm việc với các địa phương về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, tháo gỡ các khó khăn về nhà ở xã hội, thị trường bất động sản, kỷ luật kỷ cương hành chính,... và các vấn đề khác nổi lên trên địa bàn.

Thành phần tham gia đoàn làm việc tại các địa phương do Thành viên Chính phủ chủ trì đoàn làm việc quyết định.

Hoàn thành trước ngày 20/5/2023

Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan trung ương có Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan là Thành viên Chính phủ chủ trì làm việc với các địa phương, báo cáo nội dung, kết quả làm việc, gửi Thủ tướng Chính phủ trong 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc làm việc với các địa phương, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp.

Văn phòng Chính phủ được giao chủ trì tổ chức các đoàn làm việc của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ tại các địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ; thông báo nội dung, kết quả làm việc, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc làm việc với các địa phương để tổng hợp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo của các địa phương, báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương, trong đó phân loại các nhóm vấn đề, thẩm quyền giải quyết, gửi các Thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc làm việc theo phân công tại Quyết định này.

Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với đoàn làm việc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng quy định.

Thời gian làm việc phải hoàn thành trước ngày 20/5/2023.

Thành viên Chính phủ trực tiếp chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc tại các địa phương

Quyết định cũng nêu rõ nhiệm vụ và quyền hạn của Thành viên Chính phủ được giao chủ trì làm việc với địa phương gồm:

Xây dựng kế hoạch, tổ chức đoàn làm việc với các địa phương; báo cáo kết quả cho Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trực tiếp chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc tại các địa phương được phân công làm việc; báo cáo Thủ tướng Chính phủ (đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp) đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Yêu cầu các địa phương báo cáo, cung cấp thông tin, số liệu, cử cán bộ phối hợp thực hiện và giải quyết vướng mắc của địa phương đó.

Thực hiện các nhiệm vụ khác mà Thành viên Chính phủ có thẩm quyền và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

 

CHỈ THỊ MỚI

* Chinhphu.vn (24/4): Chính phủ ban hành Nghị quyết hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 23/4/2023 về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.

Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ thống nhất chủ trương với kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Tờ trình số 57/TTr-NHNN ngày 22 tháng 4 năm 2023 về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao khẩn trương xem xét, quyết định và sớm ban hành Thông tư hướng dẫn tổ chức tín dụng thực hiện, bảo đảm phù hợp, chặt chẽ, khả thi, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm soát và giảm sát thực hiện chính sách theo quy định pháp luật, hạn chế rủi ro, không để lạm dụng, trục lợi, thất thoát, vi phạm pháp luật.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

 

* Chinhphu.vn (22/4):  Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần

Chính phủ ban hành Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi nhanh, phát triển bền vững 

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. 

Mục tiêu tổng quát là hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp chủ động thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và phục hồi nhanh, đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; lớn mạnh về số lượng và chất lượng, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.

Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, chính quyền địa phương và các lực lượng khác có liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý hành lang an toàn giao thông. 

Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/4/2023 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại.

Chỉ thị yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống bệnh Dại ở người và động vật; xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh; chấp hành tiêm vaccine phòng bệnh Dại cho chó, mèo theo quy định…

Thủ tướng chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản; thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; chống khai thác hải sản bất hợp pháp 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 265/CĐ-TTg ngày 17/4/2023 về việc tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản; thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ ngành, địa phương tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, cắt giảm mạnh thủ tục hành chính không thật cần thiết trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó chú trọng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu…

Thủ tướng ban hành Công điện chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 271/CĐ-TTg ngày 18/4/2023 về việc triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư các dự án thành phần, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan rà soát các nhiệm vụ được giao, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao làm chậm tiến độ Dự án gây lãng phí nguồn lực; gửi Bộ Giao thông vận tải tổng hợp, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà để xử lý theo thẩm quyền trước ngày 23 tháng 4 năm 2023.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc 

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. 

Công điện yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung ngay quy trình phân công và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công việc tại cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền, cắt giảm, đơn giản hóa những quy trình, thủ tục không cần thiết; cụ thể, cá thể hóa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc, tuyệt đối không để xảy ra việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, bảo đảm các công việc thuộc thẩm quyền phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời, rút ngắn thời gian thực hiện.

Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4-1/5 và nghỉ hè 2023 

 Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký ban hành Công điện số 281/CĐ-TTg ngày 20/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ 30/4-01/5 và cao điểm du lịch hè 2023.

Công điện yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, như người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn, ma tuý, chở quá tải trọng, quá số người quy định; phương tiện kinh doanh vận tải vi phạm quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường...; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép; cương quyết xử lý, trấn áp những đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ; có phương án điều tiết, phân luồng hợp lý, hướng dẫn lưu thông an toàn, thông suốt, nhất là trên các tuyến đường, các khu vực được dự báo sẽ có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao trong dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ 30/4-01/5 và nghỉ hè 2023.

Biện pháp, điều kiện bảo đảm bảo vệ dữ liệu cá nhân 

 Ngày 17/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trong đó nêu rõ biện pháp, điều kiện bảo đảm bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân bao gồm: 1- Biện pháp quản lý do tổ chức, cá nhân có liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân thực hiện; 2- Biện pháp kỹ thuật do tổ chức, cá nhân có liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân thực hiện; 3- Biện pháp do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan; 4- Biện pháp điều tra, tố tụng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện; 5- Các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.

Quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính 

Chính phủ ban hành Nghị định 14/2023/NĐ-CP ngày 20/4/2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Tài chính - ngân sách (bao gồm: Ngân sách nhà nước; ngân quỹ nhà nước; nợ công; thuế; phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước; dự trữ nhà nước; các quỹ tài chính nhà nước; đầu tư tài chính; tài chính doanh nghiệp; tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể; tài sản công theo quy định của pháp luật); hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm; hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc bộ theo quy định của pháp luật.

Cụ thể hóa quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 17/4/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 396/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Kế hoạch).

Mục đích của Kế hoạch là xây dựng lộ trình triển khai lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trong lĩnh vực đường sắt giai đoạn đến năm 2030 để cụ thể hóa quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Xây dựng, phát triển đô thị TP Điện Biên Phủ trở thành đô thị loại II

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 408/QĐ-TTg ngày 18/4/2023 phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đến năm 2045.

Thành phố Điện Biên Phủ có tính chất là đô thị loại II, thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Điện Biên; là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giữ vai trò trọng yếu về quốc phòng - an ninh của vùng Tây Bắc; là thành phố du lịch văn hóa - lịch sử cách mạng cấp quốc gia; trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng và trung chuyển (logistic) trọng điểm của khu vực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Điện Biên, vùng Tây Bắc và vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Đến năm 2030, xây dựng đô thị Bắc Giang trở thành đô thị loại I

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định 425/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000.

Quyết định nêu rõ tính chất quy hoạch chung đô thị Bắc Giang là đô thị trung tâm phía Đông Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội, cửa ngõ xuất nhập khẩu, trung tâm tiếp vận - trung chuyển hàng hóa của vùng Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn); là đô thị loại I (thành phố trực thuộc tỉnh), trung tâm hành chính - chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội và khoa học kỹ thuật của tỉnh Bắc Giang; là đô thị xanh và thông minh, trung tâm phát triển của vùng trọng điểm kinh tế (vùng Tây Nam của tỉnh) .

 

CÁC TIN LIÊN QUAN ĐẾN COVID – 19

*Chinhphu.vn (26/4): Số ca COVID-19 lại 'lập đỉnh' mới, tiếp tục ghi nhận bệnh nhân tử vong

Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 25/4 của Bộ Y tế cho biết, có 2501 ca mắc mới. Đây là ngày có số mắc cao nhất trong hơn nửa năm qua. Cùng đó, bệnh nhân thở oxy cũng tăng lên 145 ca, cũng là ngày có số trường hợp thở oxy cao nhất trong vài tháng qua.

Cũng trong ngày 25/4 đã ghi nhận 1 bệnh nhân COVID-19 tại Nam Định tử vong. Đây là lần thứ 2 trong tháng 4 đến thời điểm này, nước ta ghi nhận ca tử vong do COVID-19. 

Trước đó, đã hơn 3,5 tháng liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca tử vong nào liên quan đến COVID-19.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong 7 ngày gần đây (18/4 – 24/4) Hà Nội ghi nhận 1.857 trường hợp mắc COVID-19, số mắc tăng so với 7 ngày trước đó (720 mắc). Ngày 24/4, ghi nhận số mắc cao nhất với 411 trường hợp.

Sở Y tế Hà Nội cho rằng, các biến chủng qua giải trình tự gen cho thấy cũng tương đồng như Việt Nam và thế giới (biến chủng XBB1.5 và XBB1.9.1), chưa có bằng chứng về sự gia tăng độc lực, nhưng khả năng lây nhiễm cao hơn các biến chủng cũ, các triệu chứng biểu hiện đa số là nhẹ hoặc không triệu chứng.

Tại TP HCM, theo Sở Y tế Thành phố, trên địa bàn đã xuất hiện các biến thể phụ mới của biến thể Omicron như XBB.1.5, XBB.1.9.1, XBB.1.16 và XBB.1.16.1.

Theo Sở Y tế, miễn dịch cộng đồng bắt đầu giảm nhưng vẫn đang ở mức cao (94%). Tuy nhiên, với xu hướng số ca mắc mới tăng nhanh, không tránh khỏi tình trạng số ca nhập viện bắt đầu tăng cao trở lại, trong đó, hầu hết là người thuộc nhóm nguy cơ và những người chưa tiêm đủ vaccine COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế.

 

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

*Vtv.vn (26/4): Bộ Công Thương ủng hộ giảm 50% phí trước bạ với ô tô trong nước

Theo Bộ Công Thương, việc giảm phí trước bạ và gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất trong nước đến hết năm là cần thiết.

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính nêu quan điểm về chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước và gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Trước đó, Bộ này đã nhận được kiến nghị của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công, các tỉnh Quảng Nam và Ninh Bình về việc ban hành chính sách giảm lệ phí trước bạ cho khách hàng, cũng như giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, duy trì nguồn thu ngân sách.

Trước thực tế thị trường ô tô giảm sút mạnh, Bộ Công Thương cho biết các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đều đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ kích cầu. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ thì sẽ không đủ để tạo ra sức bật giúp thị trường tăng trưởng trở lại một cách ổn định và bền vững.

Đặc biệt, đặt trong bối cảnh Chính phủ đang quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế tác động xấu của kinh tế thế giới, cũng như tạo động lực phát triển kinh tế trong nước, thì việc Bộ Tài chính có các chính sách hỗ trợ khác liên quan đến thuế, phí là cần thiết.

Ủng hộ gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước

Đối với đề xuất gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Công Thương dẫn quy định: "Chính phủ quyết định việc gia hạn nộp thuế cho các đối tượng, ngành, nghề kinh doanh gặp khó khăn đặc biệt trong từng thời kỳ nhất định. Việc gia hạn nộp thuế không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định".

Bộ Công Thương bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất của Bộ Tài chính về phương án gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Song cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, bổ sung phương án gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt cho tháng 10/2023. Lý do là hiện nay Bộ Tài chính mới chỉ đề xuất gia hạn cho các tháng 6, 7, 8, 9 của năm 2023.

 

* Chinhphu.vn (26/4):  Philippines là khách hàng lớn nhất của gạo Việt

Nguồn cung hạn chế nhưng nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia tiếp tục tăng mạnh đã khiến cho thị trường xuất khẩu gạo năm nay sôi động ngay từ đầu năm.

Thị trường tiếp tục có nhiều thông tin hỗ trợ tích cực sẽ giúp xuất khẩu gạo Việt Nam kéo dài đà tăng trưởng. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tuần qua được chào bán ở mức từ 495 - 500 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 4/2021.

Chỉ trong quý đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 1,85 triệu tấn, thu về hơn 981 triệu USD, tăng 23,4% về lượng và tăng 34,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm ước đạt 531 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022 - mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Trong quý I/2023, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc giúp thu về 199 triệu USD, tăng 119% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ gạo Việt lớn thứ hai trong quý I/2023.

Philippines vẫn là khách hàng lớn nhất của gạo Việt xuất khẩu. Quý I/2023, xuất khẩu gạo sang Philippines đạt 450,4 triệu USD, tăng gần 45% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 45,8% tổng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Trong khi đó, gạo đồ 5% tấm của nhà xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ ở mức 382 - 388 USD/tấn, giảm từ mức 385 - 392 USD của tuần trước. Theo giới quan sát, sự sụt giảm này chủ yếu do đồng Rupee mất giá.

Mới đây, Fitch Solutions dự đoán thị trường gạo toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhất trong 20 năm qua vào năm 2023. Dự đoán thị trường gạo toàn cầu sẽ thiếu hụt 8,7 triệu tấn trong niên vụ 2022 -2023, mức cao nhất kể từ niên vụ 2003 -2004, khi lượng thiếu hụt ở mức 18,6 triệu tấn.

Dự báo trên sẽ khiến thị trường lúa gạo thế giới càng trở nên sôi động; trong đó có Việt Nam. Chuyên gia trong ngành nhận định, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn tiếp tục thuận lợi. Trong ngắn hạn, giá gạo sẽ ở mức tốt do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.

Thêm vào đó, thông tin Indonesia sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm nay khiến giá gạo xuất khẩu 5% tấm liên tục tăng.

 

*Vtv.vn (26/4): Thủ tướng yêu cầu sớm hoàn thiện phương án giảm 2% thuế VAT

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính sớm hoàn thiện hồ sơ, phương án giảm 2% thuế VAT, giảm tiền thuê đất… để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh trong lúc người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải đồng hành và sử dụng hết các công cụ của Nhà nước để chia sẻ, hỗ trợ, trên tinh thần "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro".

Cần tổ chức thực hiện thật tốt các chính sách đã ban hành, đồng thời xem xét, nghiên cứu ban hành các chính sách mới đột phá, đưa các chính sách thực sự đi vào cuộc sống, các thị trường có thêm nguồn lực, động lực để phát triển, tăng cả tổng cầu, tổng cung, góp phần thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng là: tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.

Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng sử dụng hết các công cụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các văn bản, chỉ đạo đã ban hành để tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý; chủ trì tổ chức thực hiện, đồng thời kiểm tra giám sát việc thực thi đảm bảo cụ thể, "việc gì, ở đâu, ai làm, bao giờ hoàn thành" đối với thị trường tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.

Sớm hoàn thiện hồ sơ, phương án giảm 2% thuế VAT, giảm tiền thuê đất

Thủ tướng cho rằng các ngân hàng thương mại Nhà nước chiếm tỉ lệ lớn trong tổng lượng tín dụng của nền kinh tế. Do đó, các ngân hàng này cần tham gia dẫn dắt, điều tiết thị trường, tạo động lực, truyền cảm hứng cho hệ thống ngân hàng, hỗ trợ nền kinh tế phát triển; tiếp tục nỗ lực giảm chi phí đầu vào bằng các biện pháp như đổi mới công nghệ, quản trị, tăng cường chuyển đổi số…; giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay; có chính sách hỗ trợ lãi suất đối với từng đối tượng cụ thể, hướng tín dụng vào đúng vào các địa chỉ, lĩnh vực cần thiết.

Bộ Tài chính sớm hoàn thiện hồ sơ, phương án giảm 2% thuế VAT, giảm tiền thuê đất… để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; khẩn trương hoàn thiện việc đánh giá tác động và đề xuất phương án với việc OECD áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;

Sớm rà soát điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng để có đề xuất điều chỉnh phù hợp; kịp thời phối hợp với Ngân hàng Nhà nước có phương án tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ kiên định, nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế để tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có hoạt động nghiệp vụ của các ngân hàng.

 

*Vtv.vn (26/4): Bắc Giang dự kiến xuất khẩu 1.500 tấn vải thiều sang Hoa Kỳ

Sáng 26/4, hội nghị trực tuyến kết nối giao thương xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bắc Giang vào thị trường Hoa Kỳ được tổ chức.

Hội nghị có gần 30 điểm cầu tại Hoa Kỳ, nhiều điểm cầu tại các doanh nghiệp trong nước.

Nhiều ý kiến từ các điểm cầu Hoa Kỳ đánh giá cao chất lượng và tiềm năng xuất khẩu của quả vải thiều Bắc Giang. Năm nay, thời tiết thuận lợi, các trà vải trên địa bàn tỉnh sinh trưởng phát triển tốt, dự kiến sản lượng đạt hơn 180.000 tấn; trong đó sản lượng vải sớm khoảng 60.000 tấn, chính vụ 120.000 tấn, có 17 mã vùng trồng xuất khẩu sang Hoa kỳ với sản lượng khoảng 1.500 tấn.

Vì vậy, từ bây giờ Bắc Giang đã, đang nỗ lực xúc tiến, tìm đường tiêu thụ cho loại cây trồng chủ lực của địa phương.

Được mệnh danh là “thủ phủ” vải thiều lớn nhất cả nước, Bắc Giang nhất quán và xuyên suốt quan điểm lấy chất lượng vượt trội, đặc trưng riêng có; bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc, tạo chỗ đứng bền vững ở thị trường trong và ngoài nước.

Trung tâm chiếu xạ tại Hà Nội đang thúc đẩy hoàn thiện hệ thống chiếu xạ đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường Hoa Kỳ trong tháng 6, giải quyết một điểm nghẽn xuất khẩu vải thiều vào Hoa Kỳ.

 

* Chinhphu.vn (24/4): Campuchia sắp khởi công tuyến cao tốc 1,6 tỷ USD, đến sát Việt Nam

Campuchia sắp khởi công xây dựng tuyến đường cao tốc mới, nối thủ đô Phnom Penh với thành phố Bavet, giáp cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) vào tháng 6/2023, kết nối với đường cao tốc Mộc Bài-TPHCM.

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Bộ Giao thông Công chính Campuchia đang triển khai các phần việc cuối cùng cho việc khởi công xây dựng tuyến đường cao tốc mới, nối thủ đô Phnom Penh của nước này với thành phố Bavet (tỉnh Svay Rieng), giáp cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) vào tháng 6/2023, kết nối với đường cao tốc Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam.

Thông tin trên được Bộ trưởng Giao thông Công chính Campuchia Sun Chanthol xác nhận ngày 21/4 tại lễ khánh thành Trung tâm kiểm định phương tiện giao thông Samrong Andeth, ở thủ đô Phnom Penh.

Theo đó, dự kiến Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen sẽ chủ trì lễ khởi công công trình đường cao tốc Phnom Penh - Bavet, dự án đường cao tốc thứ hai ở quốc gia Đông Nam Á này với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1,6 tỷ USD, tổng chiều dài toàn tuyến 138 km, nhằm tăng cường kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở các tỉnh biên giới, nhất là hoạt động xuất khẩu và thương mại ở khu vực biên giới hai nước Campuchia-Việt Nam và các nước trong khu vực.

Theo thiết kế, tuyến đường cao tốc Phnom Penh - Bavet rộng 25,5m với 4 làn xe, mỗi chiều có hai làn xe, điểm khởi đầu là đường vành đai 3 ở thủ đô Phnom Penh, đi qua các tỉnh Kandal, Prey Veng, Svay Rieng và kết thúc tại thành phố Bavet, tỉnh Svay Rieng, giáp biên giới Việt Nam.

 

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

*Chinhphu.vn (26/4): Muốn tăng lương phải giảm mạnh số người hưởng lương từ NSNN

Lộ trình tăng lương cần gắn với cải cách hành chính, giảm mạnh số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước

Tăng lương cơ sở là một nỗ lực rất lớn

Bài báo "Điệp khúc Lương – giá", thuộc chuyên đề "Lương - chính sách và thực tiễn" trên báo Quân đội nhân dân nhấn mạnh rằng: Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm tới vấn đề cải cách tiền lương, nhằm nâng cao đời sống người lao động và tạo động lực để phát triển đất nước. Qua đó, thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa khi luôn đặt người lao động ở vị trí trung tâm thụ hưởng thành quả lao động.

Tuy nhiên, do Việt Nam mới thoát khỏi mức thu nhập thấp, đang ở mức thu nhập trung bình thấp nên đời sống của người lao động còn gặp nhiều khó khăn.

Theo bài báo, 3 năm qua, đại dịch COVID-19 hoành hành đã khiến nền kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, phải đối mặt với nguy cơ suy thoái nặng nề. 

Chính vì thế, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã chưa thể thực hiện.

Tuy nhiên, Quốc hội đã quyết định tăng lương cơ sở lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% từ ngày 1/7/2023 cho đối tượng hưởng lương từ ngân sách. Đối tượng hưởng lương hưu cũng được hưởng mức tăng tương ứng.

Đây được coi là nỗ lực rất lớn của Quốc hội, Chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế nước ta vẫn đang gặp vô vàn khó khăn.

Liệu có xảy ra tình trạng chưa tăng lương đã tăng giá?

Tuy nhiên, mức tăng này có thực sự mang ý nghĩa cải thiện đời sống người hưởng lương? Liệu có xảy ra tình trạng chưa tăng lương đã tăng giá?

Trên thực tế, nếu loại trừ yếu tố tâm lý đầu cơ, tăng lương không phải là nguyên nhân chính làm tăng lạm phát. Nói cách khác, nếu Chính phủ tăng lương cho người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước mà không làm tăng cung tiền thì lạm phát sẽ không tăng lên.

Theo Bộ Tài chính, nguồn lực để triển khai tăng lương cơ sở được lấy từ nguồn tăng thu ngân sách và tiết kiệm chi hằng năm. 

Như vậy, nguồn chi trả cho việc tăng lương không đến trực tiếp từ việc "in tiền"- tăng cung tiền, nên trên danh nghĩa, việc tăng lương sẽ không làm tăng áp lực lạm phát ở Việt Nam.

Theo Bộ Tài chính, việc tăng lương cơ sở là rất ý nghĩa và cần thiết trong thời điểm này để kịp thời hỗ trợ người lao động yên tâm làm việc sau đại dịch COVID-19, phù hợp với nguyện vọng của người dân và tình hình kinh tế - xã hội đất nước, tăng lương cũng góp phần phát triển kinh tế chung của cả nước, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Tăng lương 20,8% sẽ ít nhiều có ý nghĩa đối với đời sống của người hưởng lương từ ngân sách

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Trọng Thịnh, năm 2023 có nhiều yếu tố giúp kiểm soát lạm phát, như: Nền kinh tế Việt Nam đã thích ứng với tình hình mới, hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi mạnh mẽ. Sản xuất, kinh doanh tăng, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ dồi dào khiến CPI khó có thể tăng mạnh.

Bên cạnh đó, sau thời gian tăng lãi suất, nhiều ngân hàng thương mại đã giảm cả lãi suất huy động lẫn cho vay. Lãi suất giảm, giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản xuất, thì sẽ giảm được giá bán sản phẩm.

Cùng đó, việc Bộ Tài chính quyết định tiếp tục thực hiện các chính sách giãn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí năm 2023 áp dụng như năm 2022, góp phần rất lớn làm giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Như vậy, so với mức tăng CPI năm 2023, mức tăng lương cơ sở cao hơn khá nhiều.

Những năm gần đây, với chính sách kiểm soát lạm phát linh hoạt và hiệu quả, việc tăng lương đã mang lại hiệu quả nhất định. Dù mức tăng còn thấp nhưng đã cao hơn tốc độ tăng của CPI. Từ đó, cải thiện phần nào đời sống của người lao động.

Đặc biệt, trong lần tăng lương tới đây, mức tăng 20,8% sẽ ít nhiều có ý nghĩa đối với đời sống của người hưởng lương từ ngân sách.

Lộ trình tăng lương cần gắn với giảm mạnh số người hưởng lương từ ngân sách

Cũng về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: "Mức tăng 20,8% là tương đối lớn so với tốc độ tăng CPI 3 năm qua và cả dự tính năm 2023.

Tuy nhiên, tăng 20,8% trên nền tảng mức lương thấp nên đời sống lao động khu vực công có được cải thiện song không nhiều.

Lộ trình tăng lương cần đặt mục tiêu trong 5 năm tới đưa mặt bằng tiền lương thực tế của người lao động khu vực công bằng mức thu nhập trung bình cao ở khu vực đô thị.

Lộ trình tăng lương cần gắn với cải cách hành chính, giảm mạnh số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước".

Mục tiêu cải cách tiền lương đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đặt mục tiêu từ năm 2021 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 như sau:

Từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị.

Năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.

Định kỳ thực hiện nâng mức tiền lương phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước.

Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.

Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.

Đối với khu vực doanh nghiệp: Từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Các doanh nghiệp được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thoả thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.

Thực hiện quản lý lao động, tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước theo phương thức khoán chi phí tiền lương gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đến năm 2025 và tiến tới giao khoán nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vào năm 2030.

 

QUẢN LÝ

*Chinhphu.vn (26/4): Phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng trụ sở làm việc của các bộ, ngành

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 423/QĐ-TTg phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030.

Theo đồ án, hệ thống trụ sở mới này sẽ là nơi làm việc của 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc chính phủ và 6 cơ quan trung ương của các đoàn thể.

Đồ án quy hoạch này gồm hai bản quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại hai khu vực là Tây Hồ Tây và Mễ Trì.

Trong đó quy mô lập Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu trụ sở bộ, ngành trung ương tập trung tại khu Tây Hồ Tây khoảng 35 ha, gồm 20,7 ha thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ và 14,3 ha tại phường Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm.

Khu Tây Hồ Tây sẽ bố trí 13 trụ sở làm việc

Khu Tây Hồ Tây sẽ bố trí 13 trụ sở làm việc có hình khối kiến trúc thống nhất về phía Bắc và Nam gắn với 2 trục đường đô thị để tạo thuận lợi cho khách và cán bộ đến tiếp cận làm việc được thuận lợi bằng phương tiện giao thông cơ giới. 

Các công trình trụ sở được xây dựng thống nhất chiều cao 12 - 25 tầng, các khối công cộng phụ trợ, dịch vụ thương mại cao 6-24 tầng, thống nhất chỉ giới xây dựng lùi so với mặt đường chính là 20 m.

Đồ án quy hoạch chỉ rõ giai đoạn từ 2023 đến năm 2025, chuẩn bị đầu tư giai đoạn 1. Cụ thể, thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng và chuẩn bị đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan có nhu cầu cấp thiết cần di dời giai đoạn 1.

Giai đoạn từ 2026 đến 2030, thực hiện đầu tư giai đoạn 1 và chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2. Trong đó sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng và đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan có nhu cầu cấp thiết cần di dời giai đoạn 1 (hoàn thành trụ sở mới, di dời và bàn giao trụ sở cũ vào năm 2030) và chuẩn bị đầu tư cho giai đoạn hai.

Giai đoạn từ năm 2031 đến 2035, sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở các bộ ngành còn lại và các công trình công cộng (giai đoạn 2).

Khu trụ sở bộ, ngành trung ương tập trung tại khu Mễ Trì khoảng 55 ha

Quy mô lập Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu trụ sở bộ, ngành trung ương tập trung tại khu Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) khoảng 55 ha, trong đó khoảng 43,6 ha thuộc phường Mễ Trì và khoảng 11,4 ha thuộc phường Trung Văn. 

Không gian tổng thể của quy hoạch là các cụm công trình kiến trúc có chiều cao công trình trụ sở bộ, ngành tương đối thống nhất, cao 17-25 tầng.

Trụ sở làm việc ở đây được thiết kế cao 17-25 tầng, giáp với tuyến đường đại lộ Thăng Long, đường Cương Kiên.

Giai đoạn từ năm 2023-2025, tại khu vực Mễ Trì sẽ chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án trụ sở Bộ NN&PTNT và hoàn thành đưa công trình trụ sở Bảo hiểm xã hội Việt Nam vào sử dụng.

Từ năm 2026 – 2030, sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở Bộ NN&PTNT và thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng, các cơ quan khác có nhu cầu di dời.

 

* Plo.vn (25/4): Quảng Trị chấn chỉnh việc vắng mặt, họp không đúng thành phần

Ngày 25-4, UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản gửi Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, TP, thị xã về việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tham dự các cuộc họp, hội nghị do lãnh đạo UBND tỉnh chủ trì.

 

Theo đó, trong thời gian, vẫn còn tình trạng một số cơ quan, đơn vị, địa phương phân công cán bộ tham dự các cuộc họp chưa theo đúng thành phần và chưa đảm bảo thời gian tham dự các cuộc họp, hội nghị.

Đơn cử, tại cuộc họp trực tuyến ngày 19-4 về Phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ có nhiều đơn vị không tham dự, hoặc tham dự không đúng thành phần.

Cụ thể, các sở GTVT, TN&MT, GD&ĐT, Tư pháp, LĐ-TB&XH, NN&PTNT, KH&ĐT, VH-TT&DL, BQL Khu Kinh tế tham dự không đúng thành phần; Công an tỉnh, UBND huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cồn Cỏ, thị xã Quảng Trị không tham dự.

Hay tại phiên họp trực tuyến vào sáng 20-4 về công bố và triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Hội nghị về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, cũng xảy ra tình trạng tương tự.

UBND tỉnh yêu cầu, giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban ngành, đoàn thể và Chủ tịch tịch UBND các huyện, TP, thị xã nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm về việc cử thành phần tham gia các cuộc họp do UBND tỉnh mời.

Khi được UBND tỉnh triệu tập tham dự các cuộc họp phải bảo đảm đúng thành phần, thời gian quy định. Trường hợp vắng mặt hoặc uỷ quyền cấp dưới tham dự phải có văn bản báo cáo UBND tỉnh trước thời gian diễn ra cuộc họp.

UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, tổng hợp và đưa việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính vào tiêu chí để đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ, thi đua - khen thưởng và cải cách hành chính hàng năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương.  

 

* Tuoitre.vn (25/4): Hơn 100 bộ máy tính 5 năm không sử dụng tại Trường Chính trị Cần Thơ

104 bộ máy tính được trang bị phục vụ giảng dạy, nghiên cứu tại Trường Chính trị thành phố Cần Thơ từ năm 2018 đến nay không được sử dụng, gây lãng phí và đã hết thời gian bảo hành.

Ngày 25-4, ông Lê Văn Điện - phó hiệu trưởng Trường Chính trị thành phố Cần Thơ - cho biết dự án xây dựng trụ sở mới (đường Nguyễn Văn Cừ, phường An Bình, quận Ninh Kiều) được phê duyệt năm 2015, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư. Lúc này trường có khoa tin học - ngoại ngữ với 4 phòng lab được trang bị 104 bộ máy tính để đào tạo, bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức của thành phố.

Đến thời điểm nhận bàn giao trụ sở và trang thiết bị vào tháng 2-2018, chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của trường đã được thay đổi nên cơ cấu tổ chức bộ máy của trường chỉ còn 3 khoa, 2 phòng và khoa tin học - ngoại ngữ đã được giải thể, do đó đến nay 4 phòng lab chưa được khai thác, sử dụng.

Hơn nữa, phương án khai thác, sử dụng 104 bộ máy tính là chuyển các lớp bồi dưỡng chương trình chuyên viên lên phòng lab thực hành liên quan đến những bài học có phần kỹ năng, thực hành soạn thảo văn bản nhưng nội dung chương trình có điều chỉnh, trường được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến khi dịch COVID-19 bùng phát nên kế hoạch bị tạm hoãn.

“Trường đang triển khai giải pháp chuyển đổi số, thư viện số, số hóa tài liệu. Xây dựng ngân hàng câu hỏi thi với hình thức trắc nghiệm nên 104 bộ máy tính này sẽ được đưa vào sử dụng thời gian tới. Thời gian bảo hành của máy tính đã hết nên khi sử dụng nếu có gì trục trặc trường sẽ liên hệ chủ đầu tư nhờ hỗ trợ”, ông Điện nói và cho biết trường không có ý định thanh lý 104 bộ máy tính này và trường cũng rút kinh nghiệm trong việc khai thác, sử dụng trang thiết bị.

Liên quan đến việc sử dụng trang thiết bị tại Trường Chính trị thành phố Cần Thơ, ông Lê Minh Cường - giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ - cho biết về mặt pháp lý, công trình đã hết thời gian bảo hành, trách nhiệm thuộc trường. Còn việc Trường Chính trị thành phố Cần Thơ nhờ ban hỗ trợ thì ban sẵn sàng trong phạm vi khả năng của mình.  

 

*Dantri.com.vn (25/4): Phó Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Phúc xin nghỉ hưu sớm 4 năm

Tỉnh ủy Vĩnh Phúc vừa có văn bản đồng ý, cho phép ông Hà Thái Nguyên - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc được nghỉ hưu trước tuổi, theo nguyện vọng cá nhân.

Ông Hà Thái Nguyên giữ chức Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc từ tháng 1/2015 đến nay. Vừa qua, ông Nguyên có văn bản xin nghỉ hưu sớm, từ ngày 1/5/2023 và đã được Tỉnh ủy Vĩnh Phúc chấp thuận. 

Hiện nay UBND tỉnh Vĩnh Phúc đang thực hiện quy trình để ra quyết định chính thức cho ông Hà Thái Nguyên nghỉ hưu.

Trước đó, tháng 7/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành ký quyết định kỷ luật cách chức Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc đối với ông Nguyễn Văn Bắc vì những vi phạm nghiêm trọng trong quản lý điều hành, quản lý tài chính ngân sách tại cơ quan.

Hai Phó Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Phúc là ông Nguyễn Tuấn Anh và bà Kim Thị Ánh bị kỷ luật buộc thôi việc vì để xảy ra những vi phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý tài chính, ngân sách.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã biểu quyết thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi đảng đối với ông Nguyễn Tuấn Anh và bà Kim Thị Ánh.

Ông Hà Thái Nguyên - Phó Bí thư đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Phúc - bị kết luận "cùng chịu trách nhiệm về vi phạm của Đảng ủy Sở Tư pháp Vĩnh Phúc", thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn tới những vi phạm trong thực hiện chức trách nhiệm vụ.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Hà Thái Nguyên.

 

*Chinhphu.vn (24/4): Kết quả giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ đánh giá, đề bạt, xử lý cán bộ

Tại sao cùng 1 môi trường pháp lý, Chính phủ chỉ đạo công khai, minh bạch, công bằng, "không ưu ái" riêng địa phương nào mà nơi giải ngân đầu tư công tốt, nơi lại không? Do đó, các tỉnh thành phải chỉ rõ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác số 1 nhấn mạnh điều này tại cuộc họp với 5 địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp (TPHCM, Trà Vinh, An Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng), ngày 24/4, để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Tại sao môi trường pháp lý như nhau, Chính phủ chỉ đạo công khai, minh bạch, công bằng, "không ưu ái" riêng địa phương nào mà nơi làm tốt, nơi lại không?

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, kế hoạch vốn của 5 tỉnh, thành phố rất lớn, hơn 92 nghìn tỷ đồng. Chiếm hơn 10% tổng số vốn đầu tư công năm 2023 của cả nước. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân của 5 địa phương này trong quý I/2023 lại thấp hơn bình quân chung.

Trong điều kiện các ngành kinh tế đang gặp khó khăn, cả nước phải tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư công để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, bù đắp lại mức tăng trưởng của các lĩnh vực khác.

Đề cập đến những nguyên nhân vướng mắc nêu trong báo cáo, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng có những nguyên nhân "nêu cho có chứ không sát thực". Chẳng hạn như: "Địa phương gặp khó khăn vì không thể chủ động quyết định việc nâng trần kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương theo khả năng thu thực tế, dẫn đến không thể chủ động bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các dự án mới để làm cơ sở bố trí kế hoạch đầu tư công hằng năm".

Phó Thủ tướng chỉ rõ, Luật Đầu tư công đã có, kế hoạch đầu công trung hạn 5 năm Quốc hội đã phê duyệt danh mục cụ thể. Thủ tướng Chính phủ đã phân bổ vốn, phê duyệt chủ trương đầu tư. Phần việc còn lại về mặt thủ tục phê duyệt dự án, kế hoạch đấu thầu… là của địa phương.

Từ phân tích này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các địa phương phải báo cáo cụ thể, nguyên nhân vì sao, vướng mắc ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai,… để có biện pháp tháo gỡ hiệu quả trong thời gian tới.

Giải ngân đầu tư công chậm: Địa phương nhận trách nhiệm

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi thẳng thắn nhận trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công tại TPHCM chậm thuộc về "UBND TPHCM và của tôi là Chủ tịch UBND TPHCM".

Ông Phan Văn Mãi cũng thẳng thắn nêu các nguyên nhân thuộc về chủ quan như: Khâu chuẩn bị hồ sơ, giải phóng mặt bằng và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật Trong khâu tổ chức thực hiện cũng có một số trường hợp chủ đầu tư thiếu sự phối hợp với nhà thầu và địa phương để triển khai công việc.

Đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Tuy 5 địa phương đã nhiều cố gắng, nhưng kết quả giải ngân đầu tư công quý I/2023 chưa được như mong muốn.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng cho ý kiến đối với kiến nghị của địa phương về xử lý các vướng mắc: Kế hoạch đầu tư công trung hạn; việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng; định mức lập dự án trong một số lĩnh vực chuyên ngành, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin; kéo dài thời gian bố trí vốn, thời hạn giải ngân; hướng dẫn về trình tự, thủ tục, quyết định chủ trương đầu tư dự án, phê duyệt các dự án hỗ trợ thuộc thẩm quyền địa phương; điều chỉnh dự án liên quan đến tổng mức đầu tư; sử dụng nguồn chi sự nghiệp thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể,…

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các địa phương phải xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2023. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ để đánh giá, khen thưởng, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ, cũng như xử lý những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ…

Nhấn mạnh việc thành bại là ở cán bộ, nhất là trong thời điểm hiện nay, có những cán bộ e ngại, sợ trách nhiệm, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương phải phát huy vai trò của cán bộ, phân công công việc rõ ràng, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, chất lượng công việc để kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện.

Bên cạnh đó, cần phải phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. "Ở đâu người đứng đầu quan tâm nắm bắt tình hình, sát sao chỉ đạo, ở đó công việc được triển khai hiệu quả", Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần tăng cường trách nhiệm hơn nữa. Lãnh đạo UBND tỉnh cần trực tiếp phụ trách, đôn đốc triển khai các nhóm dự án cụ thể, nhất là các dự án, công trình trọng điểm.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải thường xuyên kiểm tra đôn đốc các chủ đầu tư trong triển khai dự án, phân loại rõ các nhóm dự án để kịp thời có các giải tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cố gắng đạt được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp lại các số liệu của các địa phương cho sát với tình hình thực tế, nhất là số liệu về giải ngân và phân bổ vốn; tiếp thu các ý kiến của các Bộ ngành, địa phương, hoàn thiện Báo cáo của Tổ công tác số 1 để trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

 

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

* Lao động (25/4): Rà soát bãi bỏ yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu khi chứng minh nơi cư trú

Ngày 24.4, Văn phòng Chính phủ ban hành công văn 2811/VPCP-KSTT về việc thực hiện 19 Nghị quyết đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư và rà soát văn bản, thủ tục hành chính có yêu cầu giấy tờ cư trú.

Theo công văn, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các bộ, cơ quan để tổng hợp tình hình thực hiện 19 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của bộ, cơ quan. Đồng thời rà soát, sửa đổi văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của bộ, cơ quan, rà soát công bố, công khai thủ tục hành chính có yêu cầu việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú.

Theo kết quả tổng hợp, về thực hiện 19 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, trong tổng số 1.146 thủ tục hành chính yêu cầu thực thi phương án đơn giản hóa, đến nay, các bộ, cơ quan đã ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đơn giản hóa được 388 thủ tục hành chính (chiếm 34%).

Trong thời gian tới cần tiếp tục rà soát, sửa đổi 808 thủ tục hành chính tại 235 văn bản quy phạm pháp luật liên quan (17 Luật, 70 Nghị định, 5 Quyết định, 18 Thông tư liên tịch, 125 Thông tư).

Đối với rà soát, sửa đổi văn bản và công bố thủ tục hành chính có yêu cầu việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú, đến nay vẫn còn 167 thủ tục hành chính quy định trong 26 thông tư, 3 thông tư liên tịch chưa được rà soát, điều chỉnh công bố, công khai bảo đảm đúng quy định.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và bảo đảm chất lượng, Văn phòng Chính phủ đề nghị bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn thực hiện ngay một số nhiệm vụ.

Cụ thể, khẩn trương rà soát, sửa đổi văn bản pháp luật để thực hiện 19 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của bộ, cơ quan và các văn bản có quy định yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú.

 

* Baokhanhhoa.vn (24/4): Cam Ranh, Khánh Hòa: Ứng dụng mã QR tại bộ phận một cửa

Sáng kiến ứng dụng mã QR thủ tục hành chính (TTHC) tại các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (bộ phận một cửa) ở TP. Cam Ranh đang nhận được sự đồng tình của người dân bởi việc tra cứu TTHC và nộp hồ sơ trực tuyến dễ dàng hơn.

Sáng thứ Sáu, tại bộ phận một cửa UBND TP. Cam Ranh chỉ có vài người chờ giao dịch ở quầy TTHC lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, các quầy khác hầu như vắng khách. Nhưng thực tế, lượng hồ sơ phát sinh đối với các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố không hề giảm. Đó là bởi người dân đều dùng điện thoại quét mã QR TTHC để nộp hồ sơ trực tuyến.

Ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND thành phố, Trưởng bộ phận một cửa cho biết, giải pháp niêm yết, tra cứu thông tin, nộp hồ sơ TTHC trực tuyến bằng mã QR tại bộ phận một cửa thành phố là sáng kiến của chị Ngô Minh Thúy, chuyên viên phụ trách kiểm soát TTHC thành phố, được thí điểm tại Văn phòng HĐND và UBND thành phố từ đầu tháng 11-2021 đối với một số thủ tục có lượng hồ sơ lớn.

Đến đầu năm 2022, sáng kiến này chính thức áp dụng trên nhiều lĩnh vực tại các bộ phận một cửa trên toàn thành phố. Bộ mã QR TTHC gồm 42 mã QR, tương ứng với 40 lĩnh vực giải quyết TTHC phát sinh nhiều hồ sơ (hộ tịch, chứng thực, đất đai, kinh doanh khí, công thương, khen thưởng, xây dựng, đăng ký hộ kinh doanh, văn hóa thông tin…) và 2 danh mục TTHC trực tuyến mức độ 3, 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố.

Mỗi mã QR có các thông tin TTHC cần thiết như: Căn cứ pháp lý; quy trình thực hiện; thành phần hồ sơ; thời gian giải quyết; yêu cầu của TTHC; biểu mẫu; mức phí hoặc lệ phí (nếu có)… Người dân chỉ cần dùng điện thoại thông minh để quét mã QR, sau đó nhấn vào link để truy cập, tìm hiểu; đăng nhập tài khoản bằng số chứng minh nhân dân, căn cước công dân hay các tài khoản đã lập trước đó để nộp hồ sơ trực tuyến. Công dân chưa có tài khoản sẽ được công chức hướng dẫn, hỗ trợ tạo lập tài khoản. Tại bộ phận một cửa, bảng mã QR TTHC được niêm yết đồng thời với bộ TTHC giấy để người dân lựa chọn, dần dần tạo thói quen khai thác thông tin trên môi trường điện tử.

Có thể nói, bộ mã QR TTHC giúp người dân tra cứu và nộp hồ sơ TTHC đơn giản, nhanh chóng, hạn chế nhầm lẫn và giảm chi phí đi lại. Đồng thời, giúp công chức tiết kiệm thời gian biên soạn, chuẩn bị hồ sơ, biểu mẫu; tiết kiệm văn phòng phẩm; việc rà soát, cập nhật các quyết định mới công bố cũng nhanh chóng, thuận tiện hơn. Giải pháp này còn góp phần nâng tỷ lệ nộp hồ sơ, thanh toán trực tuyến, hạn chế hồ sơ cần bổ sung, xác minh, nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC. Từ khi ứng dụng mã QR, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của thành phố liên tục tăng: Năm 2021 đạt 69,8%; năm 2022 đạt 99,5% và 4 tháng đầu năm nay có 1.763 hồ sơ trực tuyến ở tất cả lĩnh vực, đạt 100%.

 

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

*Tuoitre.vn (26/4): Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên bị bắt vì nhận hối lộ

Ông Nguyễn Quang Vinh, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên, cùng 9 người khác đã bị bắt để điều tra về hành vi đưa, nhận hối lộ.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh cho biết ngày 20-4 đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với 10 cán bộ thuộc Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên và 2 cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe trên địa bàn.

Ông Nguyễn Quang Vinh, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên, bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra vì tội nhận hối lộ.

Ngoài ông Vinh, 5 cán bộ thuộc phòng quản lý vận tải, phương tiện và người lái thuộc sở, còn lại là người của 2 cơ sở đào tạo, sát hạch.

Thái Nguyên có 10 cơ sở đào tạo và 12 trung tâm sát hạch lái xe, với quy mô đào tạo, sát hạch hơn 40.000 học viên một năm.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Sở Giao thông vận tải chưa tổ chức được kỳ sát hạch lái xe nào.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đang tiếp tục điều tra.

 

 

*Tuoitre.vn (26/4): Bắt tạm giam cựu giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu

Ngày 26-4, một lãnh đạo Viện KSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác nhận cơ quan này đã phê chuẩn lệnh khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Trần Văn Cường - cựu giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh.

Ông Trần Văn Cường, sinh năm 1962, vừa nghỉ hưu theo chế độ, trước khi nghỉ hưu là giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Ông này bị bắt để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 360 Bộ luật Hình sự. 

Ông Cường nghi có liên quan đến việc để cấp dưới là những người ở Chi cục Thủy sản xác nhận sai, không đúng sự thật dẫn đến việc thất thoát ngân sách nhà nước trong việc hỗ trợ tàu cá.

Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Cường.

Trước đó, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng Viện KSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện lệnh bắt tạm giam các ông: Nguyễn Đức Hoàng (phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản), ông Đinh Cao Thượng (phó trưởng phòng của Chi cục Thủy sản), ông Đào Hồng Đức (giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá, Tổng cục Thủy sản), ông Nguyễn Vũ Hà (trưởng phòng Trung tâm đăng kiểm tàu cá) và ông Nguyễn Quốc Công (đăng kiểm viên Trung tâm đăng kiểm tàu cá). 

Những người này cũng bị điều tra về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

 

*Nhandan.vn (26/4): Khởi tố 55 đối tượng liên quan vụ vận chuyển ma túy qua đường hàng không

Ngày 25/4, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, liên quan đến vụ việc các tiếp viên Hãng hàng không Vietnam Airlines xách ma túy về Việt Nam, Công an thành phố đã khởi tố 55 đối tượng ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau để điều tra vụ án.

Theo đó, các đối tượng này bị khởi tố 3 tội danh: Mua bán trái phép chất ma túy, Vận chuyển trái phép chất ma túy và Che giấu tội phạm.

Các quyết định của Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

Hiện Công an Thành phố Hồ Chí Minh đang phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng khẩn trương mở rộng điều tra vụ án.

Trước đó, ngày 16/3, từ chuyến bay VN10 chặng Paris (Pháp) - Thành phố Hồ Chí Minh, trong quá trình kiểm tra, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện hành lý của các nữ tiếp viên có chất nghi ma túy và thuốc lắc với 8.400 gam viên nén màu xám và 3.080 gam chất bột màu trắng, tổng cộng 11,48 kg. Sau đó, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã trả tự do cho các tiếp viên bị tạm giữ do không đủ căn cứ khởi tố.

 

*Vtv.vn (25/4): Thái Nguyên: Khởi tố 10 đối tượng liên quan hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe

Ngày 25/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết vừa khởi tố bị can, tạm giam 10 người là cán bộ thuộc Sở GTVT và 2 cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe.

Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, ngày 19/4 vừa qua đã ra Quyết định khởi tố vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" liên quan đến hoạt động đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe trên địa bàn tỉnh.

Tiếp đó, ngày 20/4 Công an tỉnh đã ra Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với 10 trường hợp là cán bộ thuộc Sở Giao thông vận tải và 2 cơ sở đào tạo, sát hạch trên địa bàn. Trong đó, 6 người thuộc Sở Giao thông vận tải, bao gồm một Phó Giám đốc Sở và các cán bộ Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái.

Hiện tại, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên đang tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.

Được biết, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 10 cơ sở đào tạo và 12 trung tâm sát hạch lái xe, với quy mô đào tạo, sát hạch hơn 40 nghìn học viên/năm. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Sở Giao thông vận tải chưa tổ chức được kỳ sát hạch lái xe nào.

 

*Hanoimoi.vn (24/4): Truy tố bị can Lê Thanh Thản và 6 cán bộ quận Hà Đông

Ngày 23-4, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội công bố cáo trạng truy tố bị can Lê Thanh Thản (Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh) về tội "Lừa dối khách hàng", theo điểm d, khoản 2, Điều 198 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cùng bị truy tố là nguyên 6 cán bộ phường Kiến Hưng và Thanh tra Xây dựng quận Hà Đông về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", do có liên quan đến sai phạm của đại gia Lê Thanh Thản. Trong đó có các bị can Nguyễn Duy Uyển, Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng, quận Hà Đông; Vương Đăng Quân, nguyên Phó Chánh Thanh tra xây dựng quận Hà Đông và Mai Quang Bài, cán bộ Đội Quản lý trật tự xây dựng quận Hà Đông, 3 người khác cùng là cán bộ quận Hà Đông.

Đây là diễn biến mới nhất vụ án "lừa dối khách hàng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại dự án CT6 Kiến Hưng, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội liên quan ông Lê Thanh Thản. Bị can Lê Thanh Thản cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty CP sản xuất - xuất nhập khẩu Bemes.

Kết quả điều tra cho thấy, Dự án CT6 Kiến Hưng chỉ được UBND tỉnh Hà Tây (nay là UBND thành phố Hà Nội) quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 (tại Quyết định 1610/QĐ-UBND ngày 13-6-2008), UBND thành phố Hà Nội không quyết định điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 dự án. Công ty Bemes được UBND thành phố Hà Nội cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án CT6 Kiến Hưng theo quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 tại Quyết định 1610/QĐ-UBND.

bị can Lê Thanh Thản đã bán 488 căn hộ cho 488 khách hàng không được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất "Sổ đỏ" thu lợi bất chính tổng số tiền hơn 481 tỷ đồng. Đây cũng chính là số tiền gây thiệt hại nghiêm trọng cho 488 khách hàng (bao gồm giá trị quyền sử dụng đất hơn 56 tỷ đồng).

Công ty Bemes do bị can Lê Thanh Thản, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc đầu tư xây dựng dự án CT6 Kiến Hưng có nhiều vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động xây dựng thuộc các lĩnh vực thiết kế, thi công, giám sát, nghiệm thu....để tạo lập các căn hộ của dự án CT6 Kiến Hưng trái pháp luật không đủ điều kiện cấp "sổ đỏ", không đủ điều kiện đưa vào giao dịch về nhà ở.

Sai phạm xảy ra trong thời gian dài nhưng các lãnh đạo, cán bộ của UBND phường Kiến Hưng là Đỗ Văn Hưng; Nguyễn Duy Uyển, Bùi Văn Bằng và Nguyễn Văn Năm (nguyên Chánh Thanh tra xây dựng quận Hà Đông), Vương Đăng Quân (nguyên Phó Chánh Thanh tra xây dựng quận), Mai Quang Bài (nguyên cán bộ Thanh tra xây dựng quận) đã không thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm để ngăn chặn, xử lý. Hậu quả vụ án đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho 488 khách hàng mua 488 căn hộ với số tiền hơn 481 tỷ đồng.

 

THẾ GIỚI

*Vtv.vn (26/4): Nguy cơ xảy ra thảm họa sinh học từ phòng thí nghiệm y tế Sudan

 Sudan đang đứng trước nguy cơ cao xảy ra thảm họa sinh học tại thủ đô Khartoum.

Đây là lời cảnh báo vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra sau khi một trong những bên tham gia giao tranh tại Sudan chiếm quyền kiểm soát Phòng thí nghiệm y tế quốc gia, nơi lưu giữ mầm bệnh sởi và bệnh tả.

Chia sẻ với báo giới tại Geneve (Thuỵ Sĩ) qua video kết nối từ Sudan, ông Nima Saeed Abid, quan chức của WHO cho biết, toàn bộ nhân viên kỹ thuật đã bị đuổi khỏi phòng thí nghiệm.

Vấn đề đáng lo ngại hiện nay là việc đảm bảo các vật liệu sinh học và vật chất sẵn có trong phòng thí nghiệm được cất giữ an toàn. Ông Nima Saeed Abid từ chối cho biết lực lượng nào chiếm giữ phòng thí nghiệm. Nguồn điện tại đây đã bị cắt, đồng nghĩa "không thể bảo quản đúng cách các mẫu sinh học này", đại diện WHO nói. Ngoài ra, các bịch máu dự trữ, vốn đang cạn kiệt, được lưu trữ tại cơ sở cũng có nguy cơ bị hỏng.

Giao tranh giữa quân đội Sudan và Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) nổ ra từ ngày 15/4 đến nay đã khiến nhiều khu vực dân cư thành vùng chiến sự, cướp đi sinh mạng của ít nhất 459 người và hơn 4.000 người bị thương.

Cuộc khủng hoảng nhân đạo tại nhiều khu vực trầm trọng hơn do cuộc sống ở những nơi này thường phụ thuộc vào hàng viện trợ, nay còn không có cả điện, nước sinh hoạt.

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) cho biết, tình trạng thiếu thực phẩm, nước uống, thuốc men và nhiên liệu ở Sudan đang trở nên "cực kỳ nghiêm trọng", giá bán tăng vọt trong khi cơ quan này phải giảm quy mô hoạt động vì lý do an toàn.

Cơ quan về người tị nạn của Liên Hợp Quốc ước tính, hàng trăm nghìn người dân Sudan có thể sẽ tháo chạy sang các nước láng giềng. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 24/4 cảnh báo nguy cơ xảy ra "một thảm họa lớn khủng khiếp".

 

*Vtv.vn (26/4): Nhật Bản đột phá trong việc thám hiểm Mặt trăng

Nhật Bản tiếp tục nỗ lực đạt đột phá trong việc thám hiểm Mặt trăng. Theo kế hoạch, một robot cỡ nhỏ do nước này phát triển sẽ đổ bộ xuống Mặt trăng vào ngày 26/4.

Robot hình quả bóng có tên Sora-Q này có đường kính khoảng 8 cm và chỉ nặng khoảng 250 gram, nó có thể chạy bằng hai bánh sau khi tự chuyển đổi thành xe tự hành.

Sora-Q được giao nhiệm vụ gửi các bức ảnh về bề mặt Mặt trăng về Trái đất. Nếu thành công, Sora-Q sẽ là robot đầu tiên của Nhật Bản hạ cánh xuống Mặt trăng.

Nhà sản xuất đồ chơi Tomy cùng Cơ quan thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản và các đối tác bao gồm cả tập đoàn Sony đã dành 6 năm để phát triển robot này. Cơ quan Vũ trụ Mỹ NASA cũng có kế hoạch mua loại robot này.

 

*Baotintuc.vn (25/4): EU chính thức 'bật đèn xanh' đối với cải cách thị trường carbon

Ngày 25/4, các nước Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua lần cuối các biện pháp cải cách lớn nhất đối với thị trường carbon của châu lục.

Theo quy định của thị trường carbon châu Âu, các nhà máy điện và nhà máy công nghiệp phải mua giấy phép phát thải CO2. Kể từ năm 2005, các lĩnh vực này đã giảm được 43% lượng khí thải, nhưng dự kiến sẽ phải thực hiện chương trình cải cách để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu đầy tham vọng của EU về chống biến đổi khí hậu.

Các nước thành viên EU đã thông qua thỏa thuận mà Nghị viện châu Âu (EP) và các nhà đàm phán của các quốc gia thành viên nhất trí vào năm ngoái, nhằm cải cách thị trường carbon để đến năm 2030, lượng khí thải CO2 sẽ giảm 62% so với mức của năm 2005. Sau gần 2 năm đàm phán, EP đã thông qua thỏa thuận này vào tuần trước. Trong số 27 nước thành viên EU, có 24 nước ủng hộ cải cách, trong khi phía Ba Lan cho rằng các chính sách khí hậu của EU đang đặt ra các mục tiêu không thực tế.

Theo quy định mới, đến năm 2034, các nhà máy sẽ không được cấp giấy phép phát thải CO2 miễn phí như hiện nay, trong khi biện pháp này áp dụng với các hãng hàng hàng không từ năm 2026. Khí thải của ngành vận tải biển sẽ được bổ sung vào thị trường CO2 từ năm 2024. 

Bên cạnh đó, các nước EU cũng thông qua việc áp đặt thuế nhập khẩu các hàng hóa có khí thải carbon cao từ năm 2026 gồm thép, xi măng, nhôm, phân bón, điện và hydro. Loại thuế lần đầu tiên được áp đặt trên thế giới này nhằm bảo vệ ngành công nghiệp của EU trước sự cạnh tranh của những công ty nước ngoài gây ô nhiễm hơn, cũng như hạn chế các công ty EU chuyển đến những khu vực có quy định môi trường lỏng lẻo.

Ngoài ra, các nước EU cũng ủng hộ kế hoạch ra mắt thị trường carbon mới có tính đến khí thải từ nhiên liệu được sử dụng trong ô tô và các tòa nhà vào năm 2027, cùng với một quỹ của EU có trị giá 86,7 tỷ euro (95,6 tỷ USD) để hỗ trợ người tiêu dùng bị ảnh hưởng do chi phí tăng. 

 

*Vtv.vn (25/4): Trung Quốc công bố bản đồ sao Hỏa

Trung Quốc đã công bố bản đồ địa hình sao Hỏa được dựng nên từ 14.757 bức ảnh tàu vũ trụ nước này thu thập trong các nhiệm vụ không gian trước đó.

Theo Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc, các hình ảnh toàn cảnh sao Hỏa được chụp bằng camera có độ phân giải tầm trung. Trong đó có những ảnh chụp trên bề mặt sao Hỏa bằng camera của tàu thám hiểm vũ trụ Thiên Vấn 1 hoạt động từ tháng 11/2021 đến tháng 7/2022.

Theo CGTN, bản đồ có độ phân giải không gian 76 mét, chất lượng tốt, phục vụ tốt hơn các dự án khám phá sao Hỏa và nghiên cứu khoa học trong tương lai.

Các hình ảnh bản đồ màu được Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) và Viện Khoa học Trung Quốc (CAS) cùng công bố vào ngày 24/4, trùng với Ngày Vũ trụ Trung Quốc 2023, tại một buổi lễ được tổ chức ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, miền Đông Trung Quốc.

Thông qua những hình ảnh có độ phân giải cao về sao Hỏa, các nhà nghiên cứu đã xác định được một số lượng lớn các thực thể địa lý, 22 trong số đó được Liên minh Thiên văn Quốc tế đặt tên theo các làng, thị trấn lịch sử và văn hóa ở Trung Quốc với dân số dưới 100.000 người.

Nhiệm vụ không gian do tàu Thiên Vấn-3 dự kiến được công bố vào khoảng năm 2030, với mục tiêu thu thập và mang về Trái đất ít nhất 500 gram đá từ bề mặt sao Hỏa bằng cách xúc, khoan và lấy mẫu từ xa.

Các nhà khoa học Trung Quốc vẫn đang nghiên cứu để xác định liệu có dấu hiệu sự sống trên sao Hỏa hay không.

 

* Nhandan.vn (25/4): Động đất có độ lớn 7,3 tại Indonesia

Theo Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG), ngày 25/4, một trận động đất có độ lớn 7,3 đã làm rung chuyển phía tây đảo Sumatra, khiến nước này phải ban bố cảnh báo sóng thần trong khoảng 2 giờ.

Trước đó, Trung tâm Địa chấn Địa Trung Hải châu Âu (EMSC) đánh giá trận động đất này có cường độ 6,9.

Theo dữ liệu của BMKG, trận động đất xảy ra vào khoảng 3 giờ sáng nay, có độ sâu chấn tiêu 84km. Nhiều dư chấn đã xuất hiện sau trận động đất này, trong đó có một chấn tiêu có cường độ 5.

Vài giờ sau khi ban bố cảnh báo sóng thần, BMKG đã dỡ bỏ cảnh báo này.

Cơ quan Giảm thiểu thảm họa quốc gia Indonesia cho biết, các nhà chức trách đang thu thập dữ liệu tại các hòn đảo gần chấn tâm nhất.

Hiện chưa có báo cáo về các thiệt hại về người và tài sản sau trận động đất này.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến bạn đọc

    Tin mới nhất

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23/12 đến 26/12 năm 2023(26/12/2023 10:49 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 20/12 đến 22/12 năm 2023(22/12/2023 7:33 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 16/12 đến 19/12 năm 2023(19/12/2023 9:45 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 13/12 đến 15/12 năm 2023(15/12/2023 11:03 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 09/12 đến 12/12 năm 2023(12/12/2023 6:36 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 05/12 đến 08/12 năm 2023(08/12/2023 11:28 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01/12 đến 04/12 năm 2023(05/12/2023 5:51 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/11 đến 1/12 năm 2023 (01/12/2023 8:54 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25/11 đến 27/11 năm 2023(27/11/2023 8:59 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 3/11 đến 8/11 năm 2023(08/11/2023 9:22 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/10 đến 31/10 năm 2023(01/11/2023 9:20 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 21/10 đến 24/10 năm 2023(25/10/2023 9:34 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 11/10 đến 13/10 năm 2023(24/10/2023 5:47 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 9:22 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 2:34 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 7/10 đến 10/10 năm 2023(11/10/2023 5:11 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 04 đến ngày 06 tháng 10 năm 2023(06/10/2023 10:50 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 10 năm 2023(04/10/2023 4:02 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 8 năm 2023(31/08/2023 2:12 SA)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 8 năm 2023(25/08/2023 5:33 CH)

    << < 1 2 3 4 5  ... > >> 
    °
    Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
    373 người đã bình chọn