PHẦN I: TIN ĐIỆN BIÊN
*Dienbientv.vn (14/4): Đảm bảo vận tải hành khách khi đóng cửa Cảng hàng không Điện Biên
Theo kế hoạch, bắt đầu từ ngày 15/4, sẽ chính thức đóng cửa tạm thời Cảng hàng không Điện Biên để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên. Để đảm bảo việc đi lại của người dân được thuận tiện, Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bố trí đầy đủ phương tiện, thực hiện nghiêm phương án khai thác tuyến đã được chấp thuận.
Để thực hiện các hạng mục của Dự án đầu tư nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, ngày 21/3, Bộ Giao thông Vận tải đã ra Quyết định tạm thời đóng cửa Cảng hàng không Điện Biên. Theo đó, Cảng hàng không Điện Biên sẽ tạm ngừng khai thác trong 8 tháng, bắt đầu từ ngày 15/4 đến ngày 17/12/2023. Với việc tạm thời đóng cửa Cảng hàng không Điện Biên, dự báo nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách đến Điện Biên sẽ tập trung vào các phương tiện đường bộ. Trước tình hình đó, Sở Giao thông Vận tải đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị vận tải hành khách, sẵn sàng các phương án để đảm bảo phục vụ việc di chuyển của người dân.
Ông Phạm Văn Sỹ, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Điện Biên cho biết: “Để đảm bảo trật tự vận tải cũng như đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, Sở GTVT đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan, bố trí đầy đủ phương tiện và thực hiện nghiêm phương án khai thác tuyến đã được chấp thuận. Song song với đó, chúng tôi cũng yêu cầu các đơn vị vận tải có năng lực, sẵn sàng phương tiện, thiết bị và con người để xử lý, tăng cường những chuyến xe.”
Là một trong những đơn vị vận tải có số lượng đầu xe lớn trên địa bàn tỉnh, để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách khi Cảng hàng không Điện Biên tạm dừng hoạt động, Công ty Cổ phần Vận tải Ô tô Điện Biên cũng xây dựng các phương án, bố trí đầy đủ các phương tiện, đáp nhu cầu đi lại của người dân.
Bên cạnh đó, để đảm bảo trật tự vận tải hành khách, Sở GTVT đã chỉ đạo các Ban quản lý bến xe và Phòng quản lý vận tải tăng cường công tác kiểm tra giám sát các đơn vị vận tải chấp hành nghiêm các quy định về kinh doanh vận tải, không tự ý tăng giá vé.
Ông Phạm Văn Sỹ, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Điện Biên cho biết: “Để tránh trường hợp một số nhà xe lợi dụng khi nhu cầu vận tải tăng cao, tăng giá vé, chúng tôi cũng có văn bản chỉ đạo các đơn vị vận tải quán triệt đến lái xe và người lao động chấp hành đúng giá vé đã niêm yết và giao cho thanh tra sở thực hiện nội dung này.”
Ngoài ra, các đơn vị vận tải hành khách chủ động nắm bắt tình hình đi lại của nhân dân, sẵn sàng điều động phương tiện tăng cường khi nhu cầu đi lại trên tuyến tăng đột biến, không để phát sinh tình trạng người dân lỡ chuyến do thiếu phương tiện; xây dựng phương án tăng cường phương tiện vào các ngày nghỉ lễ, trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh quốc gia năm 2023.
*Baodienbienphu.info.vn (13/4): Chất lượng không khí suy giảm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe nhân dân
Những ngày gần đây, bà con nông dân ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh đốt nương, khiến tro bụi bay khắp nơi, chất lượng không khí suy giảm, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của nhân dân.
Là người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ông Lò Văn Âng, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên thường được cấp thuốc để điều trị tại nhà. Song những ngày qua, khi chất lượng không khí suy giảm, nhiều tro bụi bay trong không khí, khiến ông Lò Văn Âng khó thở hơn, suy hô hấp phải nhập viện. Bà Lò Thị Lả, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên (vợ ông Lò Văn Âng) cho biết: “Chồng tôi bị bệnh phổi. Mấy hôm nay, tro bụi nhiều nên chồng tôi thấy khó thở và mệt mỏi hơn, do vậy phải đến bệnh viện để điều trị.”
Theo các chuyên gia y tế, chất lượng không khí suy giảm khiến cho nhiều hạt bụi và các dị nguyên khác từ môi trường đi sâu vào phế nang phổi, gây kích ứng, dẫn tới tình trạng hắt hơi, sổ mũi, ho, khó thở. Đối với những người có cơ địa dị ứng, nhạy cảm, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, hoặc các bệnh nền mãn tính, khi sống ở môi trường có không khí bị ô nhiễm trong thời gian dài có thể khiến bệnh nặng thêm hoặc dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ CKI Lê Thị Liễu, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên cho biết: “Bệnh hô hấp đa phần là các bệnh mãn tính, dễ bị tác động từ môi trường và thời tiết. Đặc biệt là bệnh hen phế quản và mãn tính, thường gặp ở người già và trẻ nhỏ. Tình hình thời tiết giao mùa cùng với tập quán đốt nương của đồng bào dân tộc thiểu số sẽ khiến cho các bệnh hô hấp này khởi phát và là yếu tố khiến bệnh nặng lên. Khuyến cáo người bệnh hô hấp nên hạn chế ra ngoài đường trong điều kiện trời nắng nóng và nhiều bụi khói. Nếu phải ra ngoài đường thì phải đeo khẩu trang. Những gia đình có điều kiện nên sử dụng máy lọc không khí. Người bệnh nên sử dụng các loại thuốc điều trị dự phòng để tránh bệnh trở nặng.”
Việc đốt nương dọn thực bì của người dân không những ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe nhân dân mà còn có thể dẫn tới tình trạng cháy rừng do lửa cháy lan sang các khu vực lân cận. Trước thực trạng này, bà con nông dân cần thay đổi tư duy, tập quán sản xuất, không đốt nương vào thời điểm nắng nóng để hạn chế tới mức thấp nhất tro bụi, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
*Baodienbienphu.info.vn (13/4): Thiếu nước sinh hoạt tại thị trấn Tủa Chùa
Thời gian gần đây, trên địa bàn thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa) xảy ra tình trạng mất nước, thiếu nước sinh hoạt, khiến nhiều hộ dân, cơ quan, đơn vị gặp khó khăn. Đặc biệt là tại một số khu vực có địa hình cao, xa trung tâm cấp nước, tình trạng mất nước đã kéo dài hàng tháng nay, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sinh hoạt.
Từ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đến nay, gia đình ông Nguyễn Bá Hiền, tổ dân phố Thành Công, thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa) cũng như nhiều hộ dân trong khu vực không hề có nước hợp vệ sinh để sử dụng trong sinh hoạt thường ngày. Chiếc đồng hồ nước này dường như cũng dừng hoạt động từ đó cho đến nay. Thế nhưng so với nhiều hộ dân khác, gia đình ông Hiền vẫn may mắn hơn khi còn có nguồn nước dự trữ trong chiếc bể xây có thể tích khoảng 12m3 nước này để sử dụng cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Việc thiếu nước sinh hoạt không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân trên địa bàn, mà còn tác động không nhỏ đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Nằm ở vị trí điểm xa, cao, điểm bất lợi nên hiện nay, trụ sở UBND thị trấn Tủa Chùa cũng chung cảnh thiếu nước để sử dụng giống như các hộ dân trong khu vực. Phải nhờ có bể chứa nước này, các cán bộ, công chức thị trấn Tủa Chùa mới có nước để dùng. Và để có nước chảy vào bể ở trụ sở, thị trấn đã phân công anh em theo dõi và bơm nước vào bể khi nhà máy xử lý nước bắt đầu vận hành máy bơm, cung cấp nước sinh hoạt hàng đêm.
Nguồn nước cấp cho trạm bơm của Đội cấp nước huyện Tủa Chùa (Công ty Cổ phần Cấp nước Điện Biên) nằm trên địa bàn bản Bó, thị trấn Tủa Chùa. Hiện nay, đây là nguồn nước duy nhất có thể bơm lên hệ thống các bể xử lý trước khi cung cấp nước hợp vệ sinh cho người dân sử dụng. Tuy nhiên, do nhiều tháng nay, thời tiết ít mưa mà nguồn nước ở mó hạn chế; trong khi đó vừa phục vụ cung cấp nước cho nhà máy xử lý nước, vừa đáp ứng nhu cầu nước sản xuất cho ruộng lúa nước, ao cá cho bà con 2 bản: Bó và Bó Én (thị trấn Tủa Chùa) nên lượng nước đầu vào càng khan hiếm. Và đương nhiên là ở các điểm cao, bất lợi càng không thể có nước để sử dụng thường xuyên. Trước mắt, Đội cấp nước huyện Tủa Chùa đã thống nhất với người dân địa phương tạo điều kiện để đơn vị tiến hành bơm nước từ mó lên nhà máy xử lý trong thời gian từ 20 giờ ngày hôm trước cho đến 4 giờ sáng ngày hôm sau; khoảng thời gian còn lại trong ngày, bà con sẽ lấy nước cho vào ao và ruộng, đáp ứng nhu cầu nước sản xuất.
Hiện nay, nhà máy nước Tủa Chùa đang cung cấp nước sinh hoạt cho gần 1.500 hộ dân thuộc thị trấn Tủa Chùa và một phần xã Mường Báng; với công suất của nhà máy khoảng 80m3/giờ. Chỉ dựa vào nguồn nước của một mó nước này thì rất khó tránh việc khan hiếm nước để cùng lúc thực hiện 2 nhiệm vụ, vừa cấp nước sản xuất cho bà con, vừa đảm bảo nước cho nhà máy xử lý nước sinh hoạt, nhất là trong thời điểm mùa khô hạn.
Vào các tháng mùa khô hanh, tình trạng thiếu nước sinh hoạt nhiều khả năng sẽ diễn ra trầm trọng hơn. Trước thực tế đó, nhiều hộ dân trên địa bàn thị trấn Tủa Chùa đang mong chờ cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sớm có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong thời gian dài như hiện nay; đồng thời nhanh chóng giải quyết giải phóng mặt bằng, xây dựng thêm nguồn nước mới để cung cấp nguồn nước hợp vệ sinh cho người dân sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.
*Baodienbienphu.info.vn (13/4): Thu hút đầu tư các thành phần kinh tế ngoài nhà nước
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Điện Biên đã lập trên 33 đồ án quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị làm cơ sở để quản lý đầu tư, trật tự xây dựng, đất đai theo quy hoạch; tổ chức triển khai trên 25 dự án phát triển đô thị, nhà ở, thương mại, dịch vụ, logistics và phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch; trên 20 dự án trong lĩnh vực trồng rừng, trồng cây mắc ca, cây dược liệu và 91 dự án trong lĩnh vực năng lượng; ngoài ra còn rất nhiều chương trình, dự án đang được tổ chức nghiên cứu, khảo sát, hoàn chỉnh các thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Tỉnh đã rà soát, ưu tiên lựa chọn các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh để thu hút đầu tư như: Sản xuất nông - lâm nghiệp; dịch vụ du lịch; phát triển các nguồn năng lượng và phát triển đô thị. Công tác xúc tiến đầu tư gắn với thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành và khu vực; thu hút đầu tư có chọn lọc phù hợp với mục tiêu, yêu cầu trong tình hình mới.
Điện Biên có tiềm năng lớn về đất đai, đặc biệt là đất cho sản xuất nông - lâm nghiệp với 736.000ha, trong đó diện tích đất chưa sử dụng khoảng 191.000ha (chiếm 20,05% diện tích tự nhiên), thích hợp để triển khai các dự án trồng rừng và trồng các loại cây đa mục đích như: Mắc ca, cây ăn quả, cây lâm nghiệp và cây dược liệu dưới tán rừng. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 4 dự án trồng rừng được chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023 có 2 dự án trồng rừng được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, gồm: Dự án Trồng rừng sản xuất, Nhà máy viên nén và chế biến dăm gỗ tại huyện Mường Chà của Liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH xây lắp Khoa Nguyên và Công ty TNHH Điện sinh khối Nhã Uyên (Quyết định số 2190/QĐ-UBND ngày 29/11/2022) và Dự án Trồng rừng tập trung tạo vùng nguyên liệu phục vụ Nhà máy điện sinh khối và các sản phẩm lâm nghiệp khác trên địa bàn 4 huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Chà, Tủa Chùa của Công ty TNHH CME Biomass Holdings (Quyết định số 402/QĐ-UBND ngày 13/3/2023). Hiện nay, có 1 dự án trồng rừng nhà đầu tư đang hoàn thiện đề xuất chủ trương đầu tư (Công ty TNHH MTV Năng lượng An Việt Phát).
Lãnh đạo công ty TNHH CME Biomass Holdings cho biết: Sau một thời gian nghiên cứu, khảo sát, Công ty đánh giá tỉnh Điện Biên có đủ các điều kiện, tiềm năng để thực hiện các dự án trồng rừng, phát triển điện sinh khối theo ý tưởng, kế hoạch của công ty. Công ty đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Hiện nay, nhà đầu tư đang tích cực phối hợp với UBND các huyện có dự án triển khai để tổ chức thực hiện các bước tiếp theo. Tiến độ cơ bản đảm bảo theo kế hoạch dự án được duyệt. Công ty đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho dự án; giải phóng mặt bằng tạo vùng lõi dự án, tạo điều kiện để nhà đầu tư thuê đất theo quy định; hỗ trợ đo đạc, quy chủ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân để làm căn cứ pháp lý ký kết hợp đồng liên kết trồng rừng với nhà đầu tư.
Trên cơ sở lợi thế về đất đai, khí hậu, định hướng của tỉnh đến năm 2030 toàn tỉnh dự kiến phát triển thêm 4.585ha cây lâm sản ngoài gỗ. Trong đó, tập trung ưu tiên phát triển cây dược liệu dưới tán rừng có giá trị kinh tế cao (khoảng 1.000ha) như: Sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh, sa nhân, thảo quả, cát sâm, sả Java, hà thủ ô, cẩu tích, tam thất, đẳng sâm, sâm cau... theo hình thức liên kết giữa người dân với hợp tác xã và doanh nghiệp. Hiện nay đã có 2 dự án đầu tư trên địa bàn huyện Tuần Giáo đang hoàn thiện các thủ tục để trình chấp thuận chủ trương đầu tư (Dự án trồng cây ăn quả ôn đới và cây dược liệu ứng dụng công nghệ tưới tự động tại xã Tênh Phông của Công ty Cổ phần Đầu tư rau quả Việt Nam; Dự án trồng và phát triển vùng dược liệu quý của Công ty Cổ phần Dược phẩm Nam Hà); 1 dự án nhà đầu tư đang tiến hành khảo sát, nghiên cứu tại huyện Tuần Giáo.
Ông Lê Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo khẳng định: Huyện Tuần Giáo luôn chủ động phối hợp, đồng hành, hướng dẫn, hỗ trợ, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan theo quy định của pháp luật về đầu tư cho các nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu, lập đề xuất chủ trương đầu tư dự án trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện. Trong đó, UBND huyện chú trọng đánh giá đầy đủ về ưu, nhược điểm, hiện trạng sử dụng đất và các vấn đề đảm bảo tính khả thi, quy trình, trình tự, thủ tục khi triển khai dự án theo quy định của pháp luật.
Về phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo, Điện Biên được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế: Thủy điện trên 3 sông Đà, sông Mã và hệ thống sông Mê Kông; tốc độ gió mạnh và ổn định thuộc tốp đầu cả nước; có thời gian và mức bức xạ nhiệt mặt trời lớn. Trên địa bàn tỉnh hiện có tổng số 91 dự án, tổng công suất là 5.935,66MW. Trong đó: Các nhà máy thủy điện đang vận hành khai thác là 18 dự án, tổng công suất 263,3 MW; 6 dự án đang thi công xây dựng; 2 dự án đang thực hiện lập hồ sơ trình thẩm định dự án đầu tư; 15 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư; 16 dự án đã được UBND tỉnh cho chủ trương nghiên cứu khảo sát, lập dự án đầu tư; 14 dự án có tiềm năng đang nghiên cứu, khảo sát. Đặc biệt là hiện nay toàn tỉnh có 20 dự án năng lượng tái tạo gồm: 4 dự án điện sinh khối, tổng công suất là 100MW; 12 dự án điện gió, tổng công suất dự kiến 1.900MW; 3 dự án thủy điện tích năng, tổng công suất dự kiến 3.200MW; 1 dự án điện rác, công suất dự kiến là 03MW. Đến nay, 8/12 dự án điện gió, nhà đầu tư đã hoàn thiện lắp đặt cột đo gió.
Ông Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Hiện nay, Trung ương đang thực hiện quy trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển điện VIII, UBND tỉnh đã kiến nghị đề xuất với Bộ Công Thương tổng hợp các danh mục cụ thể đối với từng dự án phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư thường xuyên liên hệ với các cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương để rà soát tổng hợp đầy đủ các nội dung theo kiến nghị của tỉnh, kịp thời báo cáo tham mưu cho UBND tỉnh các nội dung thuộc thẩm quyền. Đồng thời, sở cũng chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các nhà đầu tư rà soát đánh giá, tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt đảm bảo các nội dung về tiến độ thực hiện.
* Dienbientv.vn (12/4): Y tế thôn bản - Cần thêm những chế độ hỗ trợ
Được xem là “cánh tay nối dài” của ngành Y tế, là nhân tố then chốt trong việc tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, giúp người dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số được chăm sóc sức khỏe, nhưng chế độ đối với đội ngũ cô đỡ thôn bản và y tế thôn bản trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện vẫn chỉ mang tính động viên, khuyến khích. Thậm chí, có không ít cô đỡ thôn bản và y tế bản được ví như “người vác tù và hàng tổng”.
Sau khi tốt nghiệp khoá đào tạo của Sở Y tế tỉnh Điện Biên, đến nay đã gần 5 năm chị Sùng Thị Nga, bản Ham Xoong, xã Vàng Đán, huyện biên giới Nậm Pồ gắn bó với công việc cô đỡ ở thôn bản. Ngoài công việc đỡ đẻ cho các sản phụ, chị Nga còn làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ khi mang thai, tuyên truyền, hướng dẫn áp dụng các biện pháp tránh thai, cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su, viên thuốc uống tránh thai theo quy định của Bộ Y tế.
Khi sản phụ gặp các biến chứng nguy hiểm như: Tiền sản giật, băng huyết, ngôi ngang,… chị Nga cũng như nhiều cô đỡ thôn bản khác thường phải gác lại công việc nương rẫy của gia đình để hỗ trợ sản phụ chuyển tuyến. Công việc vất vả, địa bàn rộng, đường xá đi lại còn nhiều khó khăn; tuy nhiên, mức trợ cấp hằng tháng hiện chỉ khoảng gần 500 nghìn đồng/tháng.
Với mức hỗ trợ mới là 0,5 mức lương cơ sở, tức là khoảng trên 700 nghìn đồng một tháng. Dù ít ỏi, nhưng gần 80 y tế thôn bản trên địa bàn huyện Nậm Pồ vẫn đang từng ngày nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, công việc được giao.
Hiện nay, Điện Biên có gần 750 nhân viên y tế thôn bản và trên 130 cô đỡ thôn bản. Để đội ngũ y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, ngoài việc tiếp tục thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Điện Biên cần huy động nguồn vốn xã hội hóa để nâng cao chế độ đãi ngộ và tăng cường các hoạt động biểu dương, khen thưởng nhằm kịp thời động viên, khích lệ để đội ngũ y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản tiếp tục phát huy năng lực, nhiệt huyết trong hoạt động chăm sóc sức khỏe Nhân dân./.
PHẦN II: TIN TỨC – THỜI SỰ
TIÊU ĐIỂM
*Tienphong.vn (13/4): Thủ tướng: Gỡ khó về vốn, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động
Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thị trường, thể chế, vốn tín dụng cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản, thủy sản để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho hàng triệu lao động trong lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Cắt giảm thủ tục, chống phiền hà, sách nhiễu
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, cùng với những nhóm ngành hàng khác trong lĩnh vực nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, là lợi thế của Việt Nam.
Do đó, nhiệm vụ đặt ra là phải tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thị trường, thể chế, vốn tín dụng cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản, thủy sản để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho hàng triệu lao động trong lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Các bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, giảm chi phí, cắt giảm thủ tục, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, không phiền hà, sách nhiễu.
Xem xét giảm lãi suất cho vay
Trong lúc thị trường xuất khẩu bị co hẹp, Thủ tướng lưu ý cần hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác tận dụng có hiệu quả thị trường tiêu dùng trong nước với 100 triệu dân; đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện các chính sách liên quan đến hoàn thuế VAT.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, đẩy mạnh các giải pháp khắc phục “thẻ vàng” IUU của Liên minh châu Âu; tìm kiếm, xúc tiến thị trường mới cho hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan nghiên cứu các chính sách, tháo gỡ các vấn đề về thuế, trình cấp có thẩm quyền để xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023. Bộ Công Thương tập trung hỗ trợ phát triển thương hiệu, xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường; hỗ trợ các doanh nghiệp trong các vụ kiện, tranh chấp thương mại.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, điều hành chính sách để các ngân hàng cho vay, cấp vốn, tiết giảm chi phí, giảm lãi suất vay hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu; hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên - bao gồm thủy sản.
UBND các tỉnh, thành phố tổ chức đối thoại định kỳ, đột xuất với doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn; tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Nhà nước; triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ và khuyến khích đầu tư để phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến thủy sản, chế biến gỗ và lâm sản.
* Vtv.vn (12/4): Thủ tướng: Thúc đẩy đầu tư công góp phần đạt nhiều mục tiêu
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thúc đẩy đầu tư công, nhất là công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, sẽ góp phần đạt nhiều mục tiêu.
Sáng nay (12/4), Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải đã họp phiên thứ 5 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo, nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các dự án.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Ban Chỉ đạo lần thứ 4, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, quyết liệt trong tổ chức triển khai các dự án quan trọng quốc gia, tập trung giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng, thủ tục đầu tư và đạt được những kết quả nổi bật.
Trong đó, 12 địa phương có dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đi qua đã bàn giao hơn 80% mặt bằng; tiến độ nhiều dự án được đẩy nhanh.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đầu tư công là một trong những động lực tăng trưởng, do đó thúc đẩy đầu tư công, nhất là công trình trọng điểm quốc gia về giao thông sẽ góp phần đạt nhiều mục tiêu, đó là thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công, chống lãng phí, tiêu cực, dàn trải trong đầu tư, huy động nguồn lực, góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo, các địa phương, nhà thầu, đơn vị quyết liệt triển khai các dự án, khẩn trương giải quyết những vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, nguồn nguyên vật liệu xây dựng, thủ tục hành chính… và nâng cao hiệu quả quản lý.
Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo phải đi kiểm tra, giám sát, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm.
Về một số vấn đề liên quan đến các dự án lớn như Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang chậm tiến độ, Thủ tướng yêu cầu xem xét trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan, đồng thời tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch để các nhà thầu có năng lực được tham gia thi công, tránh việc móc ngoặc, đội giá, thi công kéo dài.
CHÍNH SÁCH – VĂN BẢN – NGHỊ ĐỊNH MỚI
* Chinhphu.vn (13/4): Thủ tướng ban hành Công điện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 238/CĐ-TTg ngày 10/4/2023 về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trong thời gian tới.
Công điện gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nêu rõ:
Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến phục hồi và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu; ở trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động kép cả từ các yếu tố bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế, nhưng nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự nỗ lực, cố gắng trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nên chúng ta đã cơ bản giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo được các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và đảm bảo thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù giá trị tăng thêm của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%, nhưng do chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, số lượng đơn đặt hàng giảm mạnh của một số ngành công nghiệp chủ yếu như điện tử, dệt may, da giầy, đồ gỗ do một số nước là bạn hàng lớn của ta phải thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt để ưu tiên chống lạm phát và biện pháp bảo hộ để duy trì tăng trưởng, dẫn đến giá trị tăng thêm của khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76% vào mức tăng trưởng chung, trong đó giá trị tăng thêm các ngành công nghiệp quý I năm 2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao, ở chiều ngược lại nhiều địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng rất thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành khai khoáng giảm sâu chủ yếu do yếu tố thị trường.
Với xu hướng biến động ngày càng phức tạp, khó lường về địa chính trị và địa kinh tế trên thế giới, kinh tế nước ta với độ mở lớn, dự báo đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới, nhất là các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và hoạt động xuất nhập khẩu. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải tích cực chủ động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tập trung chỉ đạo quyết liệt, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền về pháp lý, về thủ tục hành chính, về tiếp cận vốn, về điều kiện kinh doanh, về thanh khoản ngân hàng, về nợ và thuế, phí, lệ phí... để hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhất là các dự án lớn, trọng điểm; đồng thời, tăng cường việc kiểm tra, chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập, tiêu cực để sớm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu, duy trì, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng của nền kinh tế như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.
Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ phân công các đồng chí Thành viên Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan trực tiếp làm việc với từng địa phương để kịp thời nắm bắt tình hình khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu tại địa phương, làm rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi, hiệu quả nhằm sớm phục hồi tăng trưởng và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2023 và cả giai đoạn nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Để thực hiện kịp thời, hiệu quả cao các nội dung, công việc nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo rà soát, báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh của các lĩnh vực có đóng góp lớn cho tăng trưởng, các dự án đầu tư xây dựng trọng điểm, các đề xuất và kiến nghị cụ thể... (đề cương nội dung báo cáo gửi kèm), gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 13 tháng 4 năm 2023 để tổng hợp chung về các nhóm vấn đề cần phải xử lý, giải quyết tháo gỡ ở các địa phương và để dự kiến phân công đồng chí Thành viên Chính phủ chủ trì làm việc với địa phương; đồng thời, gửi đến các bộ, ngành liên quan để biết và chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình thực hiện.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư trực tiếp theo dõi, đôn đốc các địa phương chuẩn bị báo cáo; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đề xuất phân công và xây dựng kế hoạch làm việc của các Thành viên Chính phủ sau khi có báo cáo nhanh của các địa phương, bảo đảm khoa học, hiệu quả, thiết thực, tránh hình thức, kêu gọi chung chung; tổng hợp báo cáo của các địa phương, trong đó phân loại các nhóm vấn đề, thẩm quyền giải quyết và gửi Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Thành viên Chính phủ chủ trì làm việc theo phân công của Thủ tướng Chính phủ.
3. Các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng quy định.
CÁC TIN LIÊN QUAN ĐẾN COVID – 19
* Vtv.vn (13/4): COVID-19 có xu hướng tăng, Bộ Y tế ra công văn khẩn về tăng cường phòng, chống dịch
Ngày 12/4, Bộ Y tế đã có công văn khẩn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong công văn, Bộ Y tế cho biết, thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4 đến nay.
Trong 7 ngày vừa qua (từ 5/4 - 11/4/2023), cả nước đã ghi nhận 639 ca mắc COVID-19 mới, trung bình có 90 ca mắc mới mỗi ngày, tăng 3,8 lần so với 7 ngày trước đó; trong đó nhóm từ 50 tuổi trở lên ghi nhận 193 ca (chiếm 30,2% số mắc mới).
Số ca nhập viện cũng có xu hướng gia tăng; số bệnh nhân nặng ghi nhận trong tuần là 10 ca, trung bình ghi nhận 1-2 ca nặng mỗi ngày. Tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra.
Trong khi đó, hiện Tổ chức Y tế Thế giới vẫn đánh giá dịch COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế trong bối cảnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch, sự biến đổi, xuất hiện của các chủng virus các biến thể mới trong tương lai.
Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác
Để tiếp tục chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, kiểm soát tình hình dịch, không để dịch bùng phát trở lại, góp phần tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác. Các tỉnh, thành phố tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ; Kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2023 tại Quyết định số 1331/QĐ-BYT ngày 10/3/2023 của Bộ Y tế.
Các tỉnh, thành phố thúc đẩy tiêm vaccine phòng COVID-19 đạt mục tiêu đề ra; huy động sự tham gia của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể để triển khai quyết liệt việc rà soát, vận động các đối tượng tham gia tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là với các nhóm có nguy cơ cao.
UBND các tỉnh, thành phố chủ động công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục, giám sát tại các cửa khẩu, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Y tế để chủ động phát hiện sớm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Các địa phương cũng cần tổ chức đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 của Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" để kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo cấp độ dịch.
Đồng thời, các địa phương chỉ đạo tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong và thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị; chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân và chủ động nâng cao năng lực điều trị, nhất là năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực để đáp ứng yêu cầu điều trị; tiếp tục đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng; thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn trong các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ trong thời gian tới.
KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP
*Baotintuc.vn (14/4): Quảng Ninh: Thí điểm kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại các di tích, đình chùa
Bộ Tài chính vừa gửi văn bản đến tỉnh Quảng Ninh thông báo sẽ thí điểm kiểm tra về quản lý tiền công đức tại di tích, đình chùa trên địa bàn từ ngày 8/5.
Theo đó, Đoàn liên bộ sẽ kiểm tra tại các di tích, đình chùa trên địa bàn tỉnh, trong đó có Khu danh thắng Yên Tử, đền Cửa Ông. Diện kiểm tra là các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa đã được cơ quan nhà nước xếp hạng hoặc đưa vào danh mục kiểm kê theo Luật Di sản văn hóa.
Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tiền tài trợ cho di tích và lễ hội; mở tài khoản, sổ ghi chép số thu, chi tiền công đức, tài trợ; nội dung chi; giám sát việc tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức trong năm 2022 và bốn tháng đầu năm 2023.
Đoàn liên bộ sẽ phối hợp với địa phương kiểm tra tại Khu di tích và danh thắng Yên Tử; Di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều; Di tích Bạch Đằng; đền Cửa Ông - Cặp Tiên trong 10 ngày. Các di tích, đình chùa còn lại do đoàn liên ngành địa phương phụ trách kiểm tra và hoàn thành trước ngày 31/5 để báo cáo Thủ tướng.
Trước đó, trong Thông báo số 67/TB-VPCP, ngày 7/3/2023 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có kế hoạch kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức tại các đi tích lịch sử, văn hòa, đình chùa trên phạm vi toàn quốc, thí điểm từ tỉnh Quảng Ninh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2023.
*Vtv.vn (13/4): Công khai giá cước, xử lý nghiêm vi phạm "xe dù, bến cóc" dịp 30/4
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết Bộ vừa có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong toàn ngành giao thông vận tải về việc tăng cường các giải pháp phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ giỗ tổ Hùng Vương và nghỉ Lễ 30/4, 1/5 kéo dài 5 ngày (từ ngày 29/4 đến hết ngày 3/5/2023).
Xử lý mạnh xe dù, bến cóc
Trong lĩnh vực đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam hướng dẫn, đôn đốc các Sở Giao thông Vận tải địa phương chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe thực hiện công khai, minh bạch và đúng quy định về giá cước vận tải, các loại giá, phí dịch vụ tại bến xe; có phương án tổ chức vận tải phù hợp, chở đúng tải trọng cho phép, đúng số người theo quy định, bảo đảm năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải và tuân thủ quy định về phòng chống dịch bệnh, dịch COVID-19.
Kiểm tra chặt chẽ điều kiện an toàn của phương tiện và lái xe trước khi xuất bến, nhắc nhở hành khách thắt dây an toàn khi được chở trên phương tiện; niêm yết các thông tin theo quy định, đặc biệt phía trong khoang hành khách của phương tiện chở khách phải niêm yết biển kiểm soát của phương tiện và số điện thoại của cơ quan chức năng để hành khách biết và phản ánh qua đường dây nóng.
Tăng cường tuyên truyền quy định pháp luật an toàn giao thông, đã uống rượu bia thì không lái xe, hướng dẫn thực hiện quy tắc và kỹ năng tham gia giao thông an toàn trên đường cao tốc, đường đèo dốc…
Cục Đường bộ Việt Nam cũng có trách nhiệm phối hợp với các Sở Giao thông Vận tải quản lý hoạt động của phương tiện kinh doanh vận tải (về tốc độ, hành trình hoạt động, thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc trong ngày của lái xe...) thông qua trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô.
Chỉ đạo lực lượng thanh tra phối hợp với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và một số địa phương có nhiều "xe dù, bến cóc", xe quá tải hoạt động để tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.
Đối với các trạm thu phí đường bộ, nhà đầu tư BOT cần xây dựng phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông khi lưu lượng tham gia giao thông tăng đột biến, kịp thời xử lý, giải tỏa phương tiện hạn chế tình trạng ùn tắc trước khi vào trạm thu phí đường bộ.
Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Cục Đường cao tốc Việt Nam tăng cường phối hợp các lực lượng chức năng thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy, xử lý sự cố, tai nạn giao thông theo quy định của pháp luật để bảo đảm giao thông trên các tuyến cao tốc.
* Vtv.vn (13/4): Tiền Giang mở đợt kiểm tra khai thác cát trái phép
Tỉnh Tiền Giang vừa mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép. Thời gian triển khai trước, trong và sau lễ 30/4, 1/5 năm nay.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, tình hình khai thác cát trái phép trên địa bàn tiếp tục diễn biến phức tạp. Mặc dù, các ngành tỉnh, địa phương đã có nhiều cố gắng trong phối hợp, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản và đã triển khai được nhiều cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi không phép trên địa bàn tỉnh.
Các khu vực thường xuyên, liên tục xảy ra hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên tuyến sông Tiền như: cầu Mỹ Thuận (huyện Cái Bè), cồn Thới Sơn (thành phố Mỹ Tho), xã Bình Đức (huyện Châu Thành), bến phà Bình Ninh (huyện Chợ Gạo), xã Tân Thới, Tân Phú, Tân Thạnh (huyện Tân Phú Đông)… Người dân, tổ chức và dư luận của báo chí liên tục đưa tin phản ánh về nạn khai thác cát trái phép, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, gây lãng phí tài nguyên, thất thu ngân sách nhà nước.
Để nâng cao công tác phòng ngừa, đấu tranh và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi dòng sông trái phép trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang yêu cầu các sở, ngành tỉnh và địa phương (cấp huyện và cấp xã) lập kế hoạch mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông.
Sau đợt cao điểm kiểm tra, xử lý, trường hợp để xảy ra hoạt động khai thác cát sông trái phép tái diễn, kéo dài trên địa bàn mà không xử lý nghiêm thì Ủy ban nhân dân cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Ủy ban nhân dân cấp xã phải kiểm điểm trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu khi để xảy ra các hoạt động khai thác cát sông trái phép trên địa bàn quản lý…
Từ năm 2022 đến nay, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã tập trung kiểm tra, phát hiện, xử lý 208 vụ/369 đối tượng khai thác cát trái phép, vận chuyển khoáng sản không hóa đơn, chứng từ, tổng số tiền phạt gần 18 tỷ đồng, tịch thu 12 phương tiện và tang vật vi phạm hành chính gồm 7.587,378m3 cát san lấp.
PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN
* Daibieunhandan.vn (13/4): Bắt cho đúng bệnh
Bộ Xây dựng vừa đề nghị Chính phủ cho phép tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đó không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Như vậy, cơ quan soạn thảo sẽ phải tìm giải pháp khác cho vấn đề cải tạo chung cư cũ. Muốn đề xuất được chính sách phù hợp cần “bắt cho đúng bệnh” như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ ra. Trong quy trình chính sách, nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân của vấn đề là rất quan trọng.
Thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (xã hội) nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư. Thay vào đó, dự thảo Luật cần xác định được những giải pháp chính sách từ gốc rễ; chặt chẽ và khả thi về thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời cư dân, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không còn an toàn; đồng thời bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu nhà chung cư phải di dời. Trường hợp Chính phủ thấy cần thiết tiếp tục trình Quốc hội phương án khác với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì xây dựng 2 phương án để đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn toàn xác đáng, bởi đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn chưa xử lý được vấn đề gốc rễ, đó là quan hệ giữa phần tài sản là “nhà” và tài sản là “đất”. Nhà thì có niên hạn sử dụng, nhưng phần đất lại chung và không bị giới hạn “niên hạn”. Không làm rõ được mối quan hệ này, việc xử lý nhà chung cư hết niên hạn sử dụng, không chỉ hiện nay mà cả trong trong tương lai sẽ bị mắc kẹt. Người dân không yên tâm với quyền tài sản của mình, đó là nhà khi hết niên hạn, không còn an toàn, thì không được cư trú nữa, nhưng đất là tài sản chung lại không biết sẽ xử lý thế nào.
Không quy định thời hạn sở hữu, Chính phủ sẽ phải tìm giải pháp khác để việc cải tạo chung cư cũ khả thi và dễ dàng hơn. Như ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phiên họp cho ý kiến vào dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo cần làm rõ việc cải tạo chung cư cũ hiện nay vướng cái gì, vì sao vướng và vướng ở đâu thì tìm cách gỡ ở đó. Có thực sự khó khăn lớn nhất trong cải tạo chung cư cũ bắt nguồn từ vấn đề sở hữu hay không? “Bắt cho đúng bệnh thì chúng ta có đối sách phù hợp”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ví dụ về thời hạn sở hữu chung cư nói trên là minh chứng cho việc “bắt đúng bệnh” rất quan trọng trong quy trình chính sách. Nếu không nhận biết đúng vấn đề đang đặt ra và không tìm được nguyên nhân của vấn đề thì rất khó đề xuất giải pháp. Có giải pháp rồi chưa phải đã xong, mà cần phân tích xem giải pháp đó có khả thi về mặt kỹ thuật không, chi phí thực thi có chấp nhận được không, người dân sẽ phản ứng như thế nào với chính sách mới, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội có ủng hộ chính sách này không? Cũng giống như việc khám chữa bệnh, chẩn đoán bệnh sai thì hệ quả vô cùng khó lường. Chỉ khi bắt đúng bệnh mới có thể đưa ra phương pháp điều trị. Và chọn phương pháp nào sẽ phải dựa trên tính khả thi và khả năng chi trả của người bệnh.
Quan sát gần đây vẫn có những lúng túng trong đề xuất chính sách, cho thấy dường như khâu “khám bệnh” đang có vấn đề. Ngoài đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn còn có đề xuất giao dịch bất động sản phải qua sàn, hay để ngăn làn sóng rút bảo hiểm một lần thì chỉ giải quyết 50% tổng thời gian đóng và bảo lưu 50% số năm còn lại để hưởng chế độ... Điều này có nghĩa thách thức về năng lực dự báo, năng lực hoạch định của các bộ, ngành tiếp tục là việc đáng quan tâm trong tiến trình hiện đại hóa và nâng cao năng lực quản trị quốc gia.
QUẢN LÝ
*Plo.vn (14/4): Quảng Nam hủy kết quả 44 thí sinh trúng tuyển viên chức giáo dục
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam quyết định huỷ kết quả trúng tuyển đối với 44 thí sinh đã được công nhận trúng tuyển trước đó.
Ngày 14-4, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã ký quyết định huỷ kết quả của 44 thí sinh trúng tuyển kỳ tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo thị xã Điện Bàn năm 2022.
Lý do, 37 trường hợp không hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng, một trường hợp kê khai không đúng chứng chỉ Tiếng Anh trong phiếu đăng ký dự tuyển, sáu trường hợp đã có quyết định tuyển dụng nhưng không đến ký hợp đồng và nhận việc.
Trong 44 trường hợp bị huỷ kết quả, có 33 vị trí giáo viên tiểu học, tám giáo viên trung học cơ sở và ba vị trí kế toán, thư viện.
Cũng tại quyết định, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam công nhận kết quả trúng tuyển đối với 13 thí sinh có kết quả tuyển dụng thấp hơn liền kề của các trường hợp bị huỷ kết quả trúng tuyển.
Chủ tịch Quảng Nam giao Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn thông báo công nhận kết quả trúng tuyển bằng văn bản đến người dự tuyển; tiếp nhận, kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng của người trúng tuyển; ban hành quyết định tuyển dụng viên chức theo phân cấp.
Trước đó, tháng 6-2022, UBND tỉnh Quảng Nam cũng có quyết định huỷ kết quả trúng tuyển, phê duyệt danh sách trúng tuyển kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành giáo dục tỉnh này năm 2021.
Quảng Nam hủy kết quả trúng tuyển đối với 42 thí sinh đã trúng tuyển vào cuối năm 2021 nhưng không hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng, không nhận quyết định tuyển dụng và không đến các đơn vị sự nghiệp ký hợp đồng theo quy định.
*Daibieunhandan.vn (13/4): Ưu tiên ngân sách nhà nước cho dự trữ xăng dầu quốc gia
Đó là ý kiến của Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và tài chính (Bộ Công thương) Nguyễn Hoàng Giang tại Tọa đàm về xã hội hóa hạ tầng dự trữ xăng dầu do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 12.4.
Cụ thể, trong quy hoạch hạ tầng cung ứng dự trữ xăng dầu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, đại diện Bộ Công thương cho biết, cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục đưa ra những giải pháp để huy động vốn đầu tư toàn xã hội. Còn nguồn lực của ngân sách nhà nước, trong tương lai sẽ ưu tiên tập trung cho khâu dự trữ quốc gia…
Thông tin ông Giang đưa ra tại tọa đàm cũng cho thấy, dư địa cho khu vực ngoài quốc doanh trong đầu tư hạ tầng dự trữ xăng dầu thời gian tới còn khá lớn.
Hiện nay, trong tổng số hơn 200 kho lưu trữ, có 90 kho số lượng kho công suất từ 5.000 đến khoảng 100.000 m3, với tổng sức chứa khoảng trên 5,3 triệu m3.
Về đơn vị vận hành, có trên 30 doanh nghiệp đầu mối đang thực hiện nhiệm vụ trên, chiếm khoảng 98% quy mô sức chứa toàn hệ thống. Doanh nghiệp có vốn nhà nước vẫn chiếm ưu thế khi có đảm nhiệm trên 3 triệu m3 (chiếm 63% tổng công suất - PV), với chủ lực là Petrolimex, PVoil và Tổng công ty xăng dầu quân đội. Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chỉ có tổng sức chứa khoảng gần 2 triệu m3, chiếm khoảng 37% tổng với sức chứa.
Như vậy, trong thời gian tới, với mức tăng trưởng hiện tại, nhu cầu toàn xã hội đối với mặt hàng này tăng lên, cộng thêm nguồn lực NSNN đã ưu tiên cho dự trữ quốc gia thì vai trò xã hội hóa càng trở nên quan trọng.
Tuy nhiên, trong hồ sơ quy hoạch của thời kỳ 2021 2030 và tầm nhìn 2050, đại diện Bộ Công thương khẳng định câu chuyện này còn phải đáp ứng cả nhu cầu dự trữ ngắn hạn lẫn dự trữ quốc gia. Mục tiêu cụ thể nằm trong nội dung của Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị trong định hướng phát triển chiến lược quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đó là là đảm bảo tối thiểu dự trữ xăng dầu trong 90 ngày.
Trong quy hoạch Bộ Công thương vừa bảo vệ trước Hội đồng Quy hoạch quốc gia, ngành đã định hướng tái phân bổ không gian, để khai thác, sử dụng tốt hơn với cả hệ thống hạ tầng đã được đầu tư cũng như dự kiến đầu tư trong thời gian tới. Tất cả đều để ngỏ cho khu vực ngoài quốc doanh cùng tham gia lĩnh vực quan trọng này.
* Vtv.vn (13/4): Hà Nội không có chủ trương dạy học trực tuyến thời điểm này
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định Hà Nội không có chủ trương dạy học trực tuyến trong thời điểm này.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, công tác phòng, chống dịch bệnh, trong đó có dịch COVID-19 được toàn ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội duy trì từ đầu năm học 2023 - 2024 đến nay. Các Phòng Giáo dục và Đào tạo, nhà trường cần thận trọng khi phát ngôn và chia sẻ những thông tin về dịch bệnh khi chưa có căn cứ của cơ quan chuyên môn, tránh gây hiểu lầm, gây hoang mang trong phụ huynh và học sinh.
Theo ghi nhận tại một số trường học trong những ngày gần đây, số lượng học sinh nghỉ học do sốt, cảm cúm nhiều hơn so với thời điểm cuối tháng 3. Tuy nhiên, trong số đó, những học sinh mắc COVID-19 chiếm số lượng ít, việc dạy học tại các trường vẫn diễn ra bình thường.
Thời điểm này là những tuần cuối cùng của năm học 2023 - 2024, học sinh toàn thành phố đang chuẩn bị cho các kỳ kiểm tra cuối năm học. Học sinh lớp 9 và lớp 12 đang tập trung ôn tập cho kỳ thi chuyển cấp, tốt nghiệp. Thông tin không chính xác về dịch bệnh phần nào đã gây hoang mang, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của phụ huynh và học sinh, đặc biệt là các học sinh cuối cấp.
Chiều qua (12/4), đoàn công tác của UBND thành phố Hà Nội cũng đã kiểm tra đột xuất tình hình thực tế công tác phòng, chống dịch bệnh và bệnh COVID-19 tại một số bệnh viện. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, thời gian gần đây, bệnh nhân COVID-19 tăng về số lượng, song, các ca nặng không tăng, không có diễn biến bất thường.
* Vtv.vn (13/4): Hàng loạt khu đô thị, chung cư tại Hà Nội vào "tầm ngắm" thanh tra về môi trường
Hàng loạt các khu đô thị, khu chung cư lớn trên địa bàn TP Hà Nội nằm trong kế hoạch kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.
UBND TP Hà Nội mới đây có quyết định phê duyệt kế hoạch công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường năm 2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Theo kế hoạch này, sẽ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn đối với 392 đơn vị, tổ chức.
Đáng chú ý, trong đó có hàng loạt dự án khu đô thị , khu chung cư lớn. Có thể kể đến như: Khu đô thị Parkcity Hanoi và trạm xử lý nước thải Parkcity (quận Hà Đông) của Công ty CP phát triển đô thị quốc tế Việt Nam; Khu đô thị mới Tân Tây Đô (huyện Đan Phượng) của Công ty TNHH Xuân Phương; Khu chức năng đô thị thành phố xanh của Công ty đầu tư và phát triển đô thị Sài Đồng tại phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm); Dự án liền kề Hibrand Văn Phú thuộc khu đô thị Văn Phú (Hà Đông) của Công ty TNHH Hibrand Việt Nam…
Mục tiêu của kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; qua kiểm tra, thanh tra phát hiện, xử lý kịp thời các vị phạm; kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát, hậu kiểm việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.
Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm chuyển hồ sơ trường hợp có dấu hiệu tội phạm về môi trường cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu.
*Vietnamplus.vn (12/4): Phở, bún từ Việt Nam bị EC lập hồ sơ theo dõi dư lượng thuốc trừ sâu
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cảnh báo, nếu doanh nghiệp Việt Nam không quản lý tốt dư lượng, không loại trừ khả năng EC sẽ đưa bún, phở vào diện kiểm tra an toàn thực phẩm như mỳ ăn liền.
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã có thông tin cảnh báo các doanh nghiệp sản xuất bún, phở, bánh đa… từ gạo tại Việt Nam cần nâng cao kiểm soát chất lượng khi Ủy ban châu Âu (EC) đã tiếp nhận hồ sơ theo dõi các sản phẩm bún, bánh đa từ gạo có chứa hoạt chất 2-chloroethanol (dư lượng thuốc trừ sâu).
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, việc EC đang lập hồ sơ theo dõi dư lượng 2-chloroethanol có trong sản phẩm bún, phở, bánh đa nhập khẩu từ Việt Nam là rất quan trọng.
Nếu doanh nghiệp Việt Nam không quản lý tốt dư lượng, nhiều khả năng EC sẽ đưa vào diện kiểm tra an toàn thực phẩm như mỳ ăn liền. Điều này có tác động rất lớn đến xuất khẩu mặt hàng thực phẩm chế biến của Việt Nam bởi EU là thị trường lớn với sản phẩm này.
Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Công thương tổ chức cuối tháng Ba vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu mì ăn liền cần tăng cường việc quản lý chất lượng để Việt Nam có cơ sở trao đổi với EC về việc bỏ chứng thư kiểm soát chất lượng.
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết ngày 3/3/2023, EU ban hành Quy định mới số (EU) 2023/465 sửa đổi Quy định (EC) số 1881/2006 liên quan đến mức MRL ascen tối đa trong một số loại thực phẩm.
Cụ thể, quy định mức dư lượng mscen đối với gạo, các sản phẩm chế biến từ gạo, thực phẩm dinh dưỡng trẻ em, nước hoa hoa quả, sản phẩm hoa quả cô đặc, muối. Ngưỡng MRL ascen dao động từ 0,01 đến 0,15 mg/kg sản phẩm. Quy định này có hiệu lực từ ngày 26/3/2023.
Quy định mới số (EU) 2023/466 sửa đổi Phụ lục II, III và V của Quy định (EC) số 396/2005 của Nghị viện và của Hội đồng châu Âu liên quan đến mức dư lượng tối đa (MRL) đối với hoạt chất isoxaben, novaluron và tetraconazole trong hoặc trên một nông sản thực phẩm bao gồm các nhóm rau, củ, quả tươi và đông lạnh; nhóm các loại hạt, điều càphê, chè, nhóm sản phẩm gia vị, ngũ cốc, hạt có dầu và sản phẩm động vật trên cạn, thịt các loại, trứng, sữa, mật ong…
Mức MRL các hoạt chất trên các loại sản phẩm khác nhau từ 0,01 mg/kg. Tuy nhiên, EU cũng đưa ra mức quy định dư lượng MRL của một trong các hoạt chất trên từ 0,05 mg/kg, 0,07 thậm chí 1,5 mg/kg trong các nhóm sản phẩm như rau, củ rau gia vị, thịt và nội tạng động vật. Quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày 26/9/2023.
Do vậy, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm Việt Nam vào thị trường Hà Lan/EU cần thường xuyên theo dõi những quy định mới của EU về MRL, kịp thời kiểm tra, giám sát, điều chỉnh hàng hóa xuất khẩu phù hợp quy định./.
SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH
* Laodong.vn (13/4): Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật hàng loạt nguyên lãnh đạo tỉnh Lào Cai
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỉ luật các cá nhân: Nguyễn Văn Vịnh - nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai; Doãn Văn Hưởng - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; Nguyễn Thanh Dương - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; Lê Ngọc Hưng - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; Mai Đình Định - nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai.
Ban cán sự đảng UBND tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2011 - 2016 đã vi phạm các nguyên tắc, quy chế, quy định của Đảng; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng pháp luật Nhà nước trong hoạt động liên quan đến khoáng sản; một số cán bộ, đảng viên kê khai tài sản thiếu trung thực, không đầy đủ, vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.
Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại rất lớn tiền, tài sản Nhà nước, gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỉ luật.
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỉ luật:
- Cảnh cáo Ban cán sự đảng UBND tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2011 - 2016 và các cá nhân: Vũ Đình Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Trịnh Huy Đại, nguyên Phó Chánh Thanh tra Sở Công Thương, tỉnh Lào Cai.
- Khai trừ ra khỏi Đảng các cá nhân: Nguyễn Ngọc Bích, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Apatit Việt Nam; Lương Văn Na, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty;
Cao Văn Tham, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Phó Trưởng Phòng Kế hoạch - Thị trường, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Apatit Việt Nam; Phan Văn Cương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Sở Công Thương, tỉnh Lào Cai;
Ngô Đức Hoàng, đảng viên Chi bộ Phòng Kế hoạch tài chính, Cục Địa chất Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên Phó Trưởng Phòng Công thương, Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai.
UBKT Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỉ luật các cá nhân: Nguyễn Văn Vịnh, Doãn Văn Hưởng, Nguyễn Thanh Dương, Lê Ngọc Hưng, Mai Đình Định. UBKT Trung ương tiếp tục xem xét, thi hành kỉ luật các đảng viên khác có liên quan.
UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc; kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục các vi phạm, khuyết điểm đã được chỉ ra; kiểm điểm, xem xét trách nhiệm và xử lý kỉ luật các tổ chức, cá nhân có liên quan, báo cáo kết quả về UBKT Trung ương.
*Cand.com.vn (13/4): Bắt Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng
Tiến hành mở rộng điều tra vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh TP Cao Bằng và các đơn vị liên quan, ngày 12/4, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Cao Bằng đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can, Quyết định phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng và thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Trọng Phùng (SN 1978), Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng.
Ông Nguyễn Trọng Phùng bị khởi tố về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quá trình làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại TP Cao Bằng, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước.
Trước đó, một số lãnh đạo, cán bộ khác của Chi cục thuế TP Cao Bằng, Chi cục thuế huyện Thạch An, Văn phòng đăng ký đất đai và Phòng Quản lý đất đai Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh cũng đã bị khởi tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại lô đất Trụ sở Đoàn nghệ thuật tỉnh Cao Bằng vào tháng 9/2017 sau khi đã bán đấu giá.
* Chinhphu.vn (13/4): Đề nghị Ban Bí thư xem xét kỷ luật đồng chí Nguyễn Ngọc Ánh, Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng
Trong các ngày 12 và 13/4/2023, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 28. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp.
Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét đề nghị của Tỉnh ủy Lâm Đồng về thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm đối với đồng chí Nguyễn Ngọc Ánh, Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy: Đồng chí Nguyễn Ngọc Ánh suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, nhận hối lộ, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành Thanh tra.
Căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Ngọc Ánh.
Tỉnh ủy Lâm Đồng đề nghị kỷ luật khai trừ đồng chí Nguyễn Ngọc Ánh ra khỏi Đảng
Trước đó, ngày 15/3, Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Hội nghị Tỉnh ủy để xem xét đề nghị thi hành kỷ luật Đảng viên liên quan đến việc Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Ngọc Ánh vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam ngày 10/3, để điều tra làm rõ hành vi nhận hối lộ.
Theo thông tin xác nhận từ lãnh đạo Tỉnh ủy Lâm Đồng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất hình thức kỷ luật đề xuất Trung ương khai trừ Đảng đối với ông Nguyễn Ngọc Ánh.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh là Tỉnh ủy viên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng khóa XI, nhiệm kỳ 2021-2025 hiện sinh hoạt tại Chi bộ Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Lâm Đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh trước đây là Phó chánh Thanh tra tỉnh, từ ngày 17/6/2019 được bổ nhiệm là Chánh Thanh tra tỉnh trong thời hạn 5 năm.
Sai phạm của ông Ánh liên quan đến việc chỉ đạo, kết luận thanh tra về những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất, giao đất, giao rừng tại một dự án đầu tư lớn trên địa bàn Lâm Đồng.
Vụ án đang được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, chức vụ, buôn lậu, Bộ Công an mở rộng điều tra.
*Cand.com.vn (13/4): Phát hiện nhiều sai phạm ở các chi nhánh Công ty F88 tại Lâm Đồng
Ngày 13/4, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, qua kiểm tra 13 chi nhánh của Công ty Cổ phần kinh doanh F88 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt vi phạm.
Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng đã giao Phòng Cảnh sát hình sự chủ trì, phối hợp với Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Phòng Công tác Đảng - Công tác Chính trị và Phòng Cảnh sát cơ động, thành lập 8 tổ công tác, phối hợp với Công an các huyện, thành phố đồng loạt kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, công ty hỗ trợ tài chính, công ty mua bán nợ của Công ty Cổ phần kinh doanh F88 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Qua kiểm tra tại 13 chi nhánh, cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt vi phạm như không xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT; nhận, cầm cố tài sản mà không lưu giữ tài sản cầm cố tại cơ sở kinh doanh trong thời gian cầm cố tài sản theo quy định; nhận, cầm cố tài sản nhưng chưa lập hợp đồng cầm cố theo quy định của pháp luật; không thực hiện việc báo cáo định kỳ hàng quý cho cơ quan chức năng; không có kho bãi phục vụ bảo quản tài sản cầm cố của khách hàng. Tổng số hợp đồng cầm cố tài sản tại 13 chi nhánh của Công ty Cổ phần kinh doanh F88 tại Lâm Đồng là 1.314 hợp đồng.
Người cầm cố tài sản tại các chi nhánh của doanh nghiệp trên ngoài đóng lãi suất hằng tháng phải chịu thêm nhiều chi phí khác.
Cụ thể, đối với hợp đồng cầm cố ôtô, lãi suất vay trong hạn là l,l%/ tháng, nhưng kèm theo đó là hàng loạt phí khác như phí thẩm định điều kiện vay 1,4%/tháng, phí quản lý tài sản cầm cố 2%/tháng, tính ra là 54%/năm, 4,5%/tháng.
Đối với hợp đồng cầm cố xe môtô, lãi suất vay trong hạn là 1,1%/tháng, phí thẩm định điều kiện vay 1,4%/tháng, phí quản lý tài sản cầm cố tới 5%/tháng. Tính ra 90%/năm, 7,5%/tháng.
Đối với các khoản nợ quá hạn (nợ xấu), tuỳ thời gian ngắn hoặc dài ngày, nhân viên của các chi nhánh sẽ trực tiếp gọi điện nhắc nợ, đòi nợ hoặc hệ thống quản lý của công ty sẽ tự động chuyển thông tin về bộ phận xử lý nợ của Công ty F88 tại TP Hồ Chí Minh để nhắc nợ, đòi nợ.
Cùng thời gian, cơ quan chức năng đã thành lập 196 tổ công tác với 630 CBCS tham gia, đồng loạt kiểm tra 196 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Kết quả kiểm tra đã phát hiện 63 cơ sở vi phạm (chiếm 32,14%), 18 cơ sở ngừng hoạt động, 12 cơ sở tạm ngưng hoạt động, 1 cơ sở chưa đi vào hoạt động, với các lỗi chủ yếu là không xuất trình, xuất trình không đầy đủ hồ sơ quản lý kinh doanh dịch vụ cầm đồ, như giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT, giấy phép kinh doanh dịch vụ; cho vay tiền có cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi; không cập nhật hợp đồng cầm cố tài sản vào sổ theo dõi; không có hồ sơ tài liệu về đảm bảo PCCC.
Các Tổ kiểm tra đã lập biên bản vi phạm và biên bản tạm giữ phương tiện, tài sản cầm cố không rõ nguồn gốc, không chính chủ đối với tất cả các cơ sở liên quan, gồm 152 xe mô tô, 141 điện thoại di động các loại, 1 giấy đăng ký xe ôtô, 50 giấy đăng ký xe môtô không chính chủ và một số giấy tờ liên quan khác.
* Laodong.vn (12/4): Cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn bị tước hàm Thiếu tướng
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã ký quyết định tước cấp bậc hàm thiếu tướng công an nhân dân đối với cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn.
Ông Nguyễn Anh Tuấn từng có nhiều năm công tác tại Công an Hà Nội. Năm 2015, sau khi làm Trưởng công an quận Tây Hồ, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Công an Hà Nội, phụ trách khối an ninh và là Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra. Ngày 31.3, ông nghỉ công tác, chờ hưởng chế độ hưu trí.
Tại kỳ họp 25 của Ủy ban kiểm tra Trung ương, ông Nguyễn Anh Tuấn bị khai trừ ra khỏi Đảng do có vi phạm, khuyết điểm.
Trong vụ án "Đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Bộ Ngoại giao, thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành, cựu Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cùng nhiều cựu quan chức đã bị đề nghị truy tố.
Cựu Phó Giám đốc Công an TP Nguyễn Anh Tuấn mặc dù không có chức năng nhiệm vụ trong việc điều tra xử lý vụ án này nhưng đã nhận tiền và hứa giúp “chạy án” cho một số người bị xử lý hình sự trong vụ chuyến bay giải cứu.
Ông Nguyễn Anh Tuấn bị Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam và xác định có hành vi môi giới hối lộ, nhận 42,8 tỉ đồng để "chạy án" cho hai người trong vụ "chuyến bay giải cứu".
*Baophapluat.vn (12/4): Điều tra bổ sung vụ nâng khống giá cây xanh liên quan cựu Chủ tịch Hà Nội
VKSND Tối cao đã ra quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung vụ nâng khống giá trị cây xanh gây thiệt hại tài sản nhà nước, liên quan cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Theo đó, VKS đã ban hành quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung đối với vụ án án buôn lậu; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng… xảy ra tại TP Móng Cái (Quảng Ninh); Ban duy tu, Cty cây xanh và các đơn vị, cá nhân có liên quan.
Theo đó, Cơ quan điều tra đã ban hành Kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Đây là vụ án thứ 4 ông Chung bị khởi tố.
Ngoài ông Chung, C03 cũng đề nghị truy tố 14 người khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”, “Buôn lậu”. Họ gồm Nguyễn Xuân Hanh (TGĐ Cty Công viên cây xanh Hà Nội), Đỗ Quang Tiến (GĐ Xí nghiệp Cây xanh cây hoa cây cảnh)…
QUẢN LÝ NGÂN SÁCH
*Vietnamplus.vn (13/4): Phó Thủ tướng: Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ở 13 địa phương
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu trước 20/4, các tỉnh, thành phải báo cáo những dự án cần kéo dài kế hoạch sử dụng vốn năm 2022 để trình Thủ tướng xem xét, quyết định trong tháng Tư này.
Ngày 13/4, tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Tổ công tác số 2 của Chính phủ làm việc với các tỉnh, thành phố để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Hoạt động diễn ra trực tiếp tại trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên (có sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, Quảng Ngãi) và trực tuyến đến hai thành phố Hà Nội, Đà Nẵng cùng các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Bình Định.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương đã nêu lên khó khăn và kiến nghị Chính phủ tháo gỡ nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Trong đó, nhiều nội dung được quan tâm là vấn đề giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư; việc cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng thông thường để xây dựng công trình trọng điểm cao tốc Bắc-Nam và các dự án tại địa phương.
Các tỉnh, thành phố cũng kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài nguồn vốn đầu tư công năm 2022. Các bộ, ngành, Trung ương cần sớm phân bổ các nguồn vốn, nhất là Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội và nguồn vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia.
Là địa phương đang làm tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa chia sẻ bài học kinh nghiệm là không chủ quan. Vì việc giải ngân có thể quý 1, quý 2 thực hiện tốt nhưng đến quý 3, quý 4 lại chậm sẽ dẫn đến kết quả chung cả năm ở mức thấp…
Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại 13 tỉnh, thành phố, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương chưa trình quy hoạch phải khẩn trương thực hiện các quy hoạch trình Chính phủ phê duyệt để có cơ sở thực hiện các dự án. Trước ngày 20/4, các tỉnh, thành phố phải báo cáo những dự án cần có sự kéo dài kế hoạch sử dụng vốn của năm 2022 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng Tư này.
Liên quan đến việc thu hồi đất, đền bù và hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương thực hiện việc định giá (giao cho Sở Tài Nguyên và Môi trường là cơ quan tham mưu). Nếu chính quyền địa phương để xảy ra chậm tiến độ định giá đất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả đầu tư công lẫn đầu tư tư. Việc tái định cư cho người dân cần thực hiện phù hợp với quy hoạch và tiến độ thực hiện dự án.
Việc điều tiết nguồn vốn Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội và nguồn vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia cần sớm thực hiện đối với các dự án, công trình có tác động xã hội lớn./.
* Laodong.vn (13/4): Giải ngân vốn đầu tư công phải chặt chẽ, không vượt rào
Ngày 13.4, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp của Tổ công tác số 01 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Theo TTXVN, báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 Thủ tướng Chính phủ giao cho 17 bộ, cơ quan Trung ương thuộc Tổ công tác số 01 là trên 38,319 nghìn tỉ đồng, dự kiến bố trí cho 22 nhiệm vụ và 80 dự án (trong đó 34 dự án chuyển tiếp và 46 dự án khởi công mới).
Đến nay, 17 bộ, cơ quan Trung ương đã phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án trên 34,942 nghìn tỉ đồng, đạt 91,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn còn lại chưa giao kế hoạch là gần 3,4 nghìn tỉ đồng của 8 bộ, cơ quan.
Tổng số giải ngân của 17 bộ, cơ quan chỉ đạt 0,04% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước (10,35%).
Trong đó, có 13 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân (tỉ lệ giải ngân 0%), 4 bộ, cơ quan Trung ương đã giải ngân nhưng đều dưới 2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, trong kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023, chỉ có 318,9 tỉ đồng là bố trí cho thực hiện công trình xây dựng cơ bản của ngành (xây dựng Nhà máy In tiền quốc gia và hai công trình nhà ở của hai trường Đại học ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh).
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước chưa giải ngân được đồng nào trong số vốn này, nhưng trên thực tế, cơ quan này đã giải ngân được hơn 9%, vượt kế hoạch quý I/2023.
Số vốn còn lại 23,965 nghìn tỉ đồng là nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là số vốn nằm trong gói hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỉ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã có khả năng phục hồi sau dịch COVID-19.
Đề cập đến nội dung này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, gói 40 nghìn tỉ đồng hỗ trợ thông qua ngân hàng thương mại là cách làm thông minh, sáng tạo, nếu làm được sẽ nhanh tới doanh nghiệp, người dân.
Tuy nhiên, đây là tiền ngân sách nhà nước, đòi hỏi thủ tục phải chặt chẽ. Tiêu chí điều kiện "doanh nghiệp có khả năng phục hồi" rất trừu tượng, khó đánh giá, nên đã nảy sinh vướng mắc trong quá trình triển khai.
Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo giải ngân tối đa có thể, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Nếu chuyển sang dùng cho chính sách khác, phải làm rõ chính sách gì.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành lưu ý các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng để đánh giá tình hình thực tế, triển khai sớm, xem công tác giải ngân là quan trọng, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
Các bộ, ngành, cơ quan thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp tháo gỡ các vướng mắc. Phần vốn ngân sách dự trù đã có mà không giải ngân, để đọng vốn sẽ làm ảnh hưởng đến tính thanh khoản của nền kinh tế và chính sách tài khóa, tiền tệ. Nếu các bộ, ngành, địa phương tập trung làm tốt, dòng tiền cho nền kinh tế cũng thông thoáng hơn.
Phó Thủ tướng yêu cầu siết chặt kỉ cương, kỉ luật trong giải ngân, xác định đây là trách nhiệm người đứng đầu. Các bộ, ngành chủ động rà soát trên tinh thần những dự án khó khăn, điều chuyển vốn trong nội bộ.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý bộ, ngành quản lý nhà nước phối hợp tốt với các địa phương để tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai, tổ chức thực hiện dự án, thanh toán, quyết toán. Các bộ tích cực phối hợp, sửa đổi, gỡ vướng về chính sách.
* Laodong.vn (13/4): Giải ngân đầu tư công 0 đồng, 25 chủ đầu tư ở TP Hồ Chí Minh bị phê bình
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi vừa ký văn bản gửi các sở, ngành, quận huyện và các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng về việc đẩy mạnh triển khai giải ngân các dự án đầu tư công trên địa bàn.
Theo báo cáo, trong quý I/2023, TP Hồ Chí Minh chỉ giải ngân được 1.608 tỉ đồng, đạt khoảng 4% trong tổng số hơn 43.400 tỉ đồng đã phân bổ. Nếu tính tổng vốn đầu tư công thành phố được giao trong năm nay là hơn 70.000 tỉ đồng thì số vốn đã giải ngân còn thấp nữa.
Sở dĩ TP Hồ Chí Minh giải ngân vốn thấp do có đến 25/61 chủ đầu tư có tỉ lệ giải ngân 0%; 5/61 chủ đầu tư giải ngân 1%; 14/61 đơn vị giải ngân chỉ từ 2-6%.
Do đó, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chỉ đạo phê bình các đơn vị giải ngân 0 đồng trong quý I/2023.
Ngoài ra, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm chủ trì rà soát, đề xuất phê bình các đơn vị chưa lập kế hoạch chi tiết triển khai, kiểm tra và giám sát giải ngân vốn đầu tư công.
UBND TP Hồ Chí Minh cũng giao các sở ngành, địa phương và các tổ công tác, các chủ đầu tư dự án, đặc biệt là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, khẩn trương thực hiện, hoàn thành, báo cáo và đề xuất đúng thời gian yêu cầu các nhiệm vụ và giải pháp đã được giao.
Đồng thời, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung cao độ tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đảm bảo kết quả giải ngân năm 2023 phải đạt từ 95% trở lên.
Trước đó, ngày 4.4, tại hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI nhiệm kỳ 2020-2025, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã đặt mục tiêu đến hết quý II/2023 sẽ giải ngân đạt 35%, hết quý III đạt 58%, hết quý IV đạt 91% và hết niên độ (tháng 1.2024) đạt 95% trở lên.
Để làm được điều này, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu công tác giải phóng mặt bằng cần được ưu tiên.
* Vtv.vn (12/4): Nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công
Khoảng cách trong hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2022 giữa nhóm điểm cao nhất và điểm thấp nhất đã thu hẹp nhưng hiệu quả quản trị không tăng so với năm 2021.
Kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19 nhưng tác động của đại dịch vẫn chưa qua đi, cùng với đó là mối quan ngại ngày càng tăng về hiệu quả phòng chống tham nhũng ở cấp địa phương. Các vấn đề này đã được đề cập trong báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2022 được công bố sáng 12/4.
Thu nhập, tăng trưởng kinh tế và việc làm là các vấn đề được người dân coi trọng nhất thời kỳ hậu COVID-19. Trên 66% số người được hỏi đánh giá nền kinh tế tốt lên.
Báo cáo ghi nhận sự cải thiện về công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương, giúp cảnh báo sớm nguy cơ tiêu cực, tham nhũng. Nhưng hiệu quả kiểm soát tham nhũng của chính quyền địa phương lần đầu tiên đã sụt giảm kể từ năm 2016.
Nếu so sánh từ năm 2019, thời điểm trước COVID-19 đến nay, 4/8 chỉ số thành phần PAPI tăng như sự tham gia của người dân cấp cơ sở; công khai minh bạch trong việc ra quyết định, thủ tục hành chính công và quản trị điện tử.
Báo cáo năm nay đã chỉ ra khoảng cách trong hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2022 giữa nhóm điểm cao nhất và điểm thấp nhất đã thu hẹp nhưng hiệu quả quản trị lại không tăng so với năm 2021.
THẾ GIỚI
*Vtv.vn (14/4): Hai nước châu Phi báo cáo bùng phát virus Marburg
Tanzania đã công bố một đợt bùng phát virus Marburg, trong khi Guinea Xích đạo, ở phía bên kia của lục địa châu Phi, cũng trong tình cảnh tương tự.
Năm người đã tử vong trong số tám trường hợp được xác nhận nhiễm virus Marburg tại Mỹ tính đến ngày 6/4, theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ. Cơ quan này đã đưa ra cảnh báo sức khỏe rằng các bác sĩ ở Mỹ nên "nhận thức được khả năng có các ca bệnh nhập cảnh", thậm chí trong trường hợp nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Mỹ thấp.
Tình hình ở Guinea Xích đạo hiện có vẻ đáng lo ngại nhất. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo vào ngày 25/2 sau khi phát hiện một số trường hợp tử vong nghi do Marburg tại hai ngôi làng ở phía Bắc nước này vào đầu tháng 1.
Kể từ khi những trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên xuất hiện, đã có 15 ca được xác nhận mắc bệnh Marburg ở Guinea Xích đạo. Theo báo cáo của Bộ Y tế nước này, 11 bệnh nhân trong này đã tử vong chỉ vài ngày sau khi các triệu chứng của bệnh xuất hiện, gồm nôn mửa, tiêu chảy, buồn nôn và sốt cao.
Tuy nhiên, WHO lo ngại rằng các số liệu thống kê chính thức đang đánh giá thấp thiệt hại thực sự của căn bệnh này. Trên thực tế, các trường hợp nhiễm virus Marburg ở Guinea Xích đạo đến từ các khu vực khá xa nhau, điều này cho thấy "virus có thể đã lây lan trong cộng đồng trong nước mà không bị phát hiện", CDC Mỹ lưu ý.
*Laodong.vn (14/4): Ấn Độ chạy thử tuyến tàu điện ngầm dưới sông đầu tiên
Tuyến tàu điện ngầm dưới sông đầu tiên của Ấn Độ nối với nhà ga sâu nhất đất nước vừa hoàn thành lần chạy đầu tiên.
Tuyến mới nhất của tàu điện ngầm Kolkata, dự kiến mở cửa cho công chúng vào tháng 11 năm nay, chạy bên dưới sông Hooghly ở phía đông bắc thành phố, với đường hầm sâu 32 mét dưới mặt nước, CNN thông tin.
Tuyến tàu điện ngầm dưới sông đầu tiên của Ấn Độ kết nối ga tàu điện ngầm Howrah Maidan sắp khai trương và ga Esplanade sẵn có ở phía đối diện của con sông. Tàu điện ngầm trên tuyến này sẽ di chuyển 520 mét chỉ trong 45 giây. Sau khi mở cửa, Howrah Maidan sẽ là ga tàu điện ngầm sâu nhất ở Ấn Độ.
Các quan chức địa phương đã tiến hành puja - một nghi lễ tôn giáo của đạo Hindu - để mang lại may mắn cho đường hầm và đoàn tàu mới, sau khi đoàn tàu vào ga thành công ở Howrah Maidan.
Toàn bộ tuyến tàu điện ngầm qua Howrah Maidan sẽ dài 4,8 km. Kolkata là thành phố đầu tiên ở Ấn Độ có hệ thống tàu điện ngầm.
Cơ sở hạ tầng là một sáng kiến quốc gia lớn dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
*Laodong.vn (14/4): Tin vui với Nga về dự trữ ngoại hối từng bị EU đóng băng
EU sẽ trả lại dự trữ ngoại hối bị đóng băng của Nga, báo Đức Die Welt đưa tin.
Tờ báo Đức trích dẫn một tài liệu nội bộ nói rằng các quan chức EU biết không thể giữ tiền của Nga hoặc chuyển số tiền này sang giúp Ukraina.
Ủy ban châu Âu kết luận, gần như chắc chắn cuối cùng sẽ phải trả lại các khoản dự trữ bị đóng băng của ngân hàng trung ương Nga - tờ Die Welt đưa tin hôm 13.4.
Việc hoàn trả có thể diễn ra khi cuộc xung đột Nga - Ukraina kết thúc. Kiev đã kêu gọi được sử dụng số tiền này để tái thiết sau chiến tranh.
Theo bài báo, trong khi các quan chức hàng đầu của EU, bao gồm cả Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, công khai ủng hộ ý tưởng chuyển tiền cho Ukraina, thì điều này sẽ khó thực hiện trên thực tế và nhiều khả năng sẽ thất bại vì một số lý do.
Ví dụ, dự trữ bị đóng băng của ngân hàng trung ương Nga, được cho là có tổng trị giá 300 tỉ euro, nằm rải rác khắp châu Âu và gửi vào nhiều tài khoản, thường không có liên kết trực tiếp với Mátxcơva. Do đó, EU không biết chính xác tất cả số tiền đó ở đâu.
Ngay cả khi các quan chức xác định được nguồn tiền, vẫn sẽ có một câu hỏi lớn về việc liệu EU có thể chiếm đoạt số tiền một cách hợp pháp và sử dụng tiền khi thấy phù hợp hay không.
Theo tài liệu nội bộ mà Die Welt đã xem, Ủy ban châu Âu đã đi đến “kết luận nghiêm túc” rằng, khoản dự trữ bị đóng băng của Nga “không được động đến vì một ngày nào đó, khi chiến tranh kết thúc, chúng sẽ phải được trả lại cho Nga”.
Tuy nhiên, giới chức EU được cho là đang cố gắng tìm cách vượt qua các rào cản. Một ý tưởng là nên đầu tư tiền và ít nhất là chuyển tiền lãi cho Ukraina. Nếu đầu tư vào trái phiếu chính phủ châu Âu, dự trữ của ngân hàng trung ương Nga có thể mang lại lãi suất lên tới 2,6% mỗi năm.
Một "biện pháp đặc biệt" như vậy có thể khả thi về mặt pháp lý. Tuy nhiên, vẫn có rủi ro “rất thấp” vì có thể thua lỗ và do đó, tiền sẽ bị "bốc hơi".
*Vtv.vn (13/4): Bắc Kinh ô nhiễm không khí nghiêm trọng do bão cát
Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc một lần nữa hứng chịu bão cát, tầm nhìn tối thiểu ở hầu hết các khu vực chỉ từ 1-4 km, chất lượng không khí ô nhiễm nghiêm trọng.
Sức gió ghi nhận ở Bắc Kinh rất mạnh vào ban ngày, gió giật cấp 8 đến cấp 9. Các chuyên gia khí tượng cho biết, cơn bão cát lần này bắt nguồn từ phía Nam Mông Cổ, sau đó di chuyển xuống phía Nam và ảnh hưởng hầu hết các khu vực phía bắc sông Trường Giang của Trung Quốc, cường độ và phạm vi tổng thể yếu hơn so với cơn bão cát mạnh từ ngày 19-24/3 vừa qua.
Theo thống kê, hơn 70% đợt bão cát hàng năm ở Trung Quốc xảy ra vào mùa xuân và thường xuyên nhất là tháng 4, tiếp theo là tháng 3 và tháng 5.
*Tienphong.vn (13/4): Thái Lan: Du lịch thất thu vì ô nhiễm không khí
Mức độ ô nhiễm nghiêm trọng ở thành phố Chiang Mai và các tỉnh lân cận làm cho Thái Lan không còn là điểm đến “vàng” cho khách du lịch quốc tế sau lời kêu gọi tránh các hoạt động ngoài trời của chính phủ nước này vào đầu tháng 4.
Trong vài tháng trở lại đây, Chiang Mai liên tục là thành phố đứng đầu trên bảng xếp hạng toàn cầu về ô nhiễm không khí dựa trên nền tảng IQAir, đứng trước Lahore, Pakistan và New Delhi, Ấn Độ.
Du lịch Chiang Mai vốn thu hút du khách bởi vẻ đẹp cổ kính và yên bình với núi non hùng vĩ, những ngôi đền tâm linh giữa thành phố hoa lệ. Nơi đây luôn là điểm đến hấp dẫn nhất của Thái Lan khi đã đón 10,8 triệu du khách vào năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra.
Theo nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Thái Lan Phunut Thanalao Panich hôm 10/4, kể từ khi không khí chạm mức nguy hiểm đến sức khỏe của người dân, lượng đặt phòng khách sạn của thành phố đã sụt giảm tới 45%. Lượng đặt phòng bị suy giảm thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ 80% - 90% dự kiến trước kỳ nghỉ Songkran - Tết cổ truyền của người Thái vào tuần này.
Trong tháng 3, Chang Mai, thành phố lớn thứ ba của Thái Lan, đạt ngưỡng 289 trên thang chỉ số chất lượng không khí (AQI) của IQAir. Trong ngày 10/4, chỉ số chất lượng không khí tuy đã giảm xuống còn 171, nhưng vẫn cao hơn 19 lần so với mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới.
Fernanda Gonzalez, 27 tuổi, du khách đến từ Mexico cho biết: “Tôi có thể cảm thấy bụi bám đầy trên mặt mình. Mỗi khi lau mặt và nhìn khăn giấy, tôi thực sự mới thấy không khí ô nhiễm tới mức nào”.
Các nhà chức trách khẳng định tình trạng này là do sự kết hợp giữa cháy rừng và đốt rơm rạ tại Thái Lan và các nước láng giềng. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết đang phối hợp với Lào và Myanmar nhằm nỗ lực giảm điểm nóng ở khu vực biên giới để kiềm chế khói mù.
*Hnm.com.vn (13/4): Nga: Lạm phát giảm mạnh trong tháng 3
Ngày 12-4 (giờ địa phương), Cơ quan Thống kê Nga (Rosstat) cho biết, tỷ lệ lạm phát tại quốc gia này lần đầu giảm xuống dưới mức 4% trong tháng 3-2023.
Lạm phát của Nga trong tháng 3 năm nay được ghi nhận ở mức 3,51% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh so với mức 10,99% ở tháng 2 trước đó. Tuy nhiên, mức giảm lạm phát ở tháng 3 vẫn cao hơn dự báo 3,4% của các nhà phân tích. Ngân hàng Trung ương Nga dự kiến, tỷ lệ lạm phát tại quốc gia này sẽ dao động từ 5 đến 7% vào cuối năm 2023.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết, đồng rúp có thể khiến lạm phát tăng trong năm 2023. Đồng tiền này đã mất giá gần 25% kể từ khi Liên minh châu Âu (EU) quyết định áp giá trần đối với dầu xuất khẩu của Nga hồi đầu tháng 12-2022.
Trên cơ sở hàng tháng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nga tăng 0,37% trong tháng 3, thấp hơn so với mức tăng 0,46% được ghi nhận ở tháng trước đó. Mức tăng ở tháng 3 tương đương với khoảng 4,3% tỷ lệ hàng năm được điều chỉnh định kỳ.
Dữ liệu của Rosstat được công bố ngày 12-4 vừa qua cho thấy, giá tiêu dùng tăng 0,11% trong tuần tính đến ngày 10-4, thấp hơn mức 0,12% ở tuần trước đó. Cũng theo cơ quan này, giá cả tại Nga đã tăng 1,84% kể từ đầu năm 2023.
*Sggp.vn (13/4): Italy ban bố tình trạng khẩn cấp liên quan nhập cư
Theo Reuters, nội các Italy vừa ban bố tình trạng khẩn cấp về vấn đề nhập cư nhằm quản lý tốt hơn lượng người di cư đến nước này và các cơ sở hồi hương.
Theo Bộ Bảo vệ dân sự và Chính sách hàng hải Italy, nguồn tài chính ban đầu dành cho tình trạng khẩn cấp kéo dài 6 tháng này trị giá 5 triệu EUR (5,45 triệu USD). Một nguồn tin chính phủ cho biết biện pháp trên sẽ giúp chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni cho hồi hương nhanh chóng hơn những người không được phép ở lại Italy, đẩy nhanh việc nhận diện và trục xuất.
Số liệu của Bộ Nội vụ Italy cho thấy, từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 31.300 người di cư đến nước này, tăng so với khoảng 7.900 người trong cùng kỳ năm 2022. Sau vụ đắm tàu chết người ngoài khơi vùng Calabria, miền Nam Italy hồi cuối tháng 2, Thủ tướng Meloni đã hối thúc Liên minh châu Âu hành động nhiều hơn nữa để ngăn chặn tình trạng nhập cư trái phép, trong khi phía Italy tăng cường phạt tù với những kẻ buôn người.
*Vietnamplus.vn (13/4): Trung Quốc bỏ quy định đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng
Theo hướng dẫn mới vừa được Trung Quốc ban hành, các cá nhân có quyền tự do quyết định việc đeo hay không đeo khẩu trang ở những khu vực ngoài trời như quảng trường và công viên.
Ngày 12/4, Trung Quốc ban hành hướng dẫn mới liên quan đến đại dịch COVID-19, theo đó việc đeo khẩu trang sẽ không còn là quy định bắt buộc đối với người sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Hướng dẫn của Cơ chế chung Phòng ngừa và Kiểm soát COVID-19 nêu rõ những trường hợp và tình huống người dân nên đeo khẩu trang hoặc có thể lựa chọn đeo/không đeo khẩu trang.
Theo hướng dẫn này, người dân được khuyến cáo đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng, trong siêu thị, nhà hát, rạp chiếu phim và những không gian kín tụ tập đông người.
Các cá nhân có quyền tự do quyết định việc đeo hay không đeo khẩu trang ở những khu vực ngoài trời như quảng trường và công viên. Học sinh, sinh viên không bắt buộc phải đeo khẩu trang trong lớp học.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, việc đeo khẩu trang là bắt buộc. Những trường hợp này bao gồm: người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 hoặc đang có những triệu chứng liên quan COVID-19, trong thời gian bùng dịch ở địa phương hoặc khi đến các cơ sở y tế và nhà dưỡng lão.
* Laodong.vn (15/4): Singapore tung chính sách thị thực đặc biệt ưu tiên nhân tài 27 nghề
Chính phủ Singapore công bố chi tiết cách thức thu hút các chuyên gia nước ngoài trong bản cập nhật lớn nhất chương trình thị thực của nước này, dự kiến có hiệu lực từ tháng 9 năm nay.
Từ các kỹ sư trí tuệ nhân tạo (AI) đến các chuyên gia an ninh mạng cho tới các nhà khoa học về sản phẩm thay thế thịt, chính phủ Singapore đã công bố danh sách 27 công việc được ưu tiên trong quá trình đánh giá.
Theo Nikkei, chính sách này cho thấy những điều chính quyền Singapore trông đợi từ các công ty toàn cầu khi nước này tìm cách phát triển nền kinh tế hậu COVID-19.
Các nhà phân tích cho hay, kế hoạch mới - cũng đòi hỏi sự đa dạng tại nơi làm việc - tập trung rõ ràng vào đóng góp của người sử dụng lao động cho nền kinh tế địa phương, khiến các doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược tuyển dụng theo các ưu tiên kinh tế của đất nước.
Tại Singapore, lao động nước ngoài chiếm khoảng 1/4 trong tổng dân số 5,64 triệu người. Chương trình thị thực mới sẽ áp dụng cho Employment Pass (EP) - thị thực lao động dành cho các nhà quản lý, giám đốc điều hành chuyên nghiệp nước ngoài hoặc những người làm công việc chuyên môn. Tính đến tháng 12.2022, số người có EP của Singapore là 187.300, tương đương 13% lực lượng lao động nước ngoài.
Bắt đầu từ ngày 1.9, Singapore sẽ triển khai các tiêu chí dựa trên điểm số được gọi là COMPASS (Khung đánh giá bổ sung) để đánh giá mức độ bổ sung của một ứng viên EP cho lực lượng lao động Singapore. Tất cả ứng viên EP sẽ được chấm điểm theo 3 ngưỡng 0, 10 hoặc 20 điểm theo 4 tiêu chí cơ bản: lương, trình độ, sự đa dạng của công ty tuyển dụng và tỉ lệ nhân viên địa phương. Để đủ điều kiện nhận EP, những người đăng ký mới cần đạt 40 điểm.
*Vietnamflus.vn (13/4): “Mặt trời nhân tạo” của Trung Quốc đạt đột phá mới
"Mặt trời nhân tạo" của Trung Quốc đã đạt một bước tiến quan trọng hướng tới việc phát triển một lò phản ứng nhiệt hạch.
Theo Tân Hoa Xã, lò phản ứng Tokamak siêu dẫn tiên tiến thử nghiệm (EAST), được Trung Quốc gọi là "Mặt trời nhân tạo", đã đạt mốc giữ plasma ở nhiệt độ cao trạng thái ổn định trong 403 giây vào ngày 12/4, một bước tiến quan trọng hướng tới việc phát triển một lò phản ứng nhiệt hạch. Thời lượng này đã cải thiện đáng kể so với kỷ lục thế giới ban đầu 101 giây do EAST thiết lập năm 2017.
EAST được đặt tại Viện Vật lý Plasma thuộc Viện Khoa học Trung Quốc (ASIPP) ở Hợp Phì, tỉnh An Huy. Mục tiêu cuối cùng của EAST là tạo ra nhiệt hạch hạt nhân giống như Mặt Trời, sử dụng các chất liệu dồi dào ở biển để cung cấp nguồn năng lượng sạch ổn định.
Viện trưởng ASIPP Tống Vân Đào (Song Yuntao) cho biết ý nghĩa chính của bước đột phá này nằm ở trạng thái giữ plasma ở nhiệt độ cao ổn định. Theo ông, nhiệt độ và mật độ của các hạt nguyên tử đã tăng lên đáng kể trong quá trình giữ plasma, qua đó đặt nền tảng vững chắc cho việc cải thiện hiệu quả sản xuất điện của các nhà máy điện nhiệt hạch trong tương lai và giảm chi phí.
Theo các chuyên gia, trái với nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí tự nhiên, vốn hạn chế về nguồn cung và tác động lớn đến môi trường, "Mặt trời nhân tạo" của Trung Quốc chỉ cần các nguyên liệu thô với nguồn cung gần như không hạn chế trên Trái Đất. Năng lượng nhiệt hạch được đánh giá là an toàn và sạch hơn, vì vậy là năng lượng lý tưởng trong tương lai.
Bắt đầu đi vào hoạt động năm 2006, EAST do Trung Quốc thiết kế và phát triển là nơi thử nghiệm mở để các nhà khoa học tiến hành các thí nghiệm, nghiên cứu liên quan đến nhiệt hạch.
Hiện tại Trung Quốc đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật của Lò phản ứng thử nghiệm kỹ thuật nhiệt hạch Trung Quốc (CFETR), được coi là "Mặt trời nhân tạo" thế hệ mới, nhằm xây dựng lò phản ứng trình diễn nhiệt hạch đầu tiên của thế giới.
* Vtv.vn (12/4): Mỹ cân nhắc áp dụng quy định quản lý đối với AI
Bộ Thương mại Mỹ đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ về các quy định liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI).
Đây được cho là bước đi đầu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm xây dựng các quy tắc đối với các công cụ AI tương tự chatbot ChatGPT.
Bộ Thương mại Mỹ nhấn mạnh, giống như thực phẩm và ô tô, các công cụ AI cũng cần phải được đảm bảo về mức độ an toàn trước khi ra mắt thị trường. Việc thiếu các quy tắc liên quan đến AI đã cho phép các công ty công nghệ Mỹ tự do đưa ra các sản phẩm mới, làm dấy lên lo ngại về các rủi ro do công nghệ này gây ra.
Tháng trước, tỷ phú Elon Musk cùng hàng loạt giám đốc điều hành và chuyên gia đã kêu gọi tạm dừng việc phát triển AI. Công ty OpenAI cũng cho rằng, cần có những quy định toàn diện về lĩnh vực này.
Xem chi tiết tại đây