Dienbien.gov.vn - Bước sang ngày làm việc thứ 2, phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 3, sáng nay (30/3), UBND tỉnh tiếp tục phiên thảo luận cho ý kiến vào các Tờ trình. Các đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Đức Toàn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì phiên họp.
Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại phiên họp sáng nay (30/3).
Bước vào phiên họp, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia quý I, năm 2023.
Theo đó, kế hoạch đầu tư vốn NSĐP năm 2022 Điện Biên được Thủ tướng Chính phủ giao là 822.730 triệu đồng bao gồm: vốn xây dựng cơ bản trong cân đối NSĐP: 662.530 triệu đồng; vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất: 100.000 triệu đồng; vốn xổ số kiến thiết: 36.000 triệu đồng và vốn đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương: 24.200 triệu đồng.
Lũy kế giải ngân đến 31/01/2023 là 766.715 triệu đồng, đạt 93,19% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó: vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương (bao gồm cả bội chi NSĐP) là 663.804 triệu đồng, đạt 96,66% kế hoạch vốn giao; vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất 70.476 triệu đồng, đạt 70,48% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (đạt 7,39% kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao, do không đảm bảo nguồn thu để giao dự toán cho các dự án thực hiện); vốn xổ số kiến thiết: 32.435 triệu đồng, đạt 90,10% kế hoạch vốn giao (do không đảm bảo nguồn thu để giao dự toán cho các dự án thực hiện).
Số vốn của 3 Chương trình MTQG năm 2022 chưa giải ngân được kéo dài sang năm 2023 là 513.452 triệu đồng. Do đó, trong những tháng đầu năm 2023, các đơn vị chủ yếu tập trung nghiệm thu khối lượng, hoàn thiện thủ tục thanh toán thu hồi số vốn tạm ứng nên tỷ lệ giải ngân vốn kế hoạch năm 2023, quý I đạt thấp.
Năm 2023, Điện Biên được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN là 4.624.531 triệu đồng, bao gồm: Vốn ngân sách địa phương là 1.299.619 triệu đồng; vốn ngân sách trung ương (bao gồm cả vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội) 2.148.294 triệu đồng; vốn Chương trình MTQG 1.176.618 triệu đồng. Lũy kế giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước năm 2023 đến 28/02/2023 là 317.155 triệu đồng, đạt 6,86% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước năm 2023 đến 31/3/2023 là 1.207.352 triệu đồng, đạt 26,11% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Phiên họp có sự tham dự của lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thị, thành phố.
Tỷ lệ giải ngân 2 tháng đầu năm 2023 chưa đạt kỳ vọng đặt ra (đạt 6,86%), thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (năm 2022 là 19,7%). Chất lượng lập kế hoạch và công tác chuẩn bị đầu tư, thủ tục đầu tư cho các dự án tại một số đơn vị còn chưa tốt, thiếu chủ động dẫn đến kế hoạch vốn NSNN năm 2023 còn 349.719 triệu đồng (bằng 7,56% KH giao) chưa đủ điều kiện để phân bổ chi tiết...
Tại phiên họp, lãnh đạo UBND và các đại biểu đã thảo luận đưa ra những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đạt thấp và bàn các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ trong quý II. Đồng chí Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Trong quý II, các sở, ngành, địa phương cần tăng cường sự phối hợp trong khâu thẩm định, phê duyệt triển khai các dự án. Chính quyền cấp huyện tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. Đối với nội dung kéo dài nguồn vốn chưa giải ngân của năm 2022 sang năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh đồng tình theo đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Cũng trong phiên sáng nay, đại biểu tiếp tục cho ý kiến vào các dự thảo tờ trình của UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết thông qua giao bổ sung kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Tờ trình của UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định cơ chế huy động, sử dụng nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đa phần đại biểu nhất trí với dự thảo trình tại phiên họp.
Đối với nguồn tín dụng, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huy động tối đa nguồn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội; nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH để cho vay và nguồn vốn từ các quỹ xã hội. Đối với nguồn hợp pháp khác, huy động đóng góp ngày công, kinh phí, hiện vật… để thực hiện các chương trình MTQG.
Buổi chiều cùng ngày (30/3), phiên họp tiếp tục với việc tham gia thảo luận hoàn thiện các dự thảo tờ trình còn lại. Nội dung phiên họp sẽ được Cổng thông tin điện tử tỉnh tiếp tục cập nhật./.
Tuyết Anh