Dienbien.gov.vn - Sáng ngày 29/3, UBND tỉnh Điện Biên phối hợp với tổ chức UNICEF (Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc Việt Nam) tổ chức hội nghị Chuyên đề “Cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường (VSMT) thích ứng với biến đổi khí hậu” tỉnh Điện Biên giai đoạn 2023 - 2026. Đồng chí Vừ A Bằng - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND và Trung tâm Y tế các huyện Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên Đông.
Trong điều kiện các nguồn lực dành cho vệ sinh cá nhân, VSMT, đặc biệt là hộ gia đình có nhà tiêu HVS còn hạn chế; với mục đích cải thiện điều kiện vệ sinh cá nhân, VSMT, tăng cường và duy trì khả năng tiếp cận vệ sinh, nước sạch ở khu vực nông thôn tại tỉnh, UBND tỉnh Điện Biên đã ký thỏa thuận văn kiện dự án Bạn hữu trẻ em tỉnh Điện Biên giai đoạn 2022 - 2026 do UNICEF tài trợ.
Dự án được triển khai tại các xã: Trung Thu, Lao Xả Phình, Mường Đun (huyện Tủa Chùa); Chiềng Đông, Tỏa Tình, Mường Khong (huyện Tuần Giáo); Keo Lôm, Noong U, Na Son (huyện Điện Biên Đông); đồng thời Dự án mở rộng các hoạt động thuộc hợp phần VSMT tại một số xã trên địa bàn huyện Mường Ảng nhằm hỗ trợ tỉnh đạt mục tiêu cộng đồng không phóng uế bừa bãi (ODF) cấp huyện vào năm 2026.

Các đại biểu dự hội nghị.
Tại hội nghị, đại diện UNICEF đã khái quát về sự cần thiết của việc đầu tư nước sạch và vệ sinh với phụ nữ và trẻ em; tầm quan trọng của nước, vệ sinh đối với sự phát triển kinh tế, sức khỏe cộng đồng và an sinh xã hội của Việt Nam.

Đại diện UNICEF đã khái quát về sự cần thiết của việc đầu tư nước sạch và vệ sinh với phụ nữ và trẻ em.
Các đại biểu nghe Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (Sở Y tế) báo cáo kết quả hoạt động về nước sạch và vệ sinh giai đoạn 2016 - 2022 và dự thảo Kế hoạch “Cải thiện vệ sinh cá nhân, VSMT thích ứng với biến đổi khí hậu” tỉnh Điện Biên giai đoạn 2023 - 2026. Theo đó, ngành Y tế tỉnh đã triển khai đồng bộ các nội dung hoạt động về nước sạch và VSMT, vệ sinh cá nhân, nhất là việc xây dựng và sử dụng nhà tiêu HVS đều đảm bảo tiến độ, đạt chỉ tiêu kế hoạch. Cụ thể, sau 7 năm, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nguồn nước HVS tăng 31,1% (trung bình tăng 5,2%/ năm); tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nguồn nước HVS tăng 30,3%, (trung bình tăng 5,0%/năm); tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nhà tiêu HVS tăng 24,8% (trung bình tăng 4,1%/ năm); tỷ lệ hộ gia đình dân tộc thiểu số sử dụng nhà tiêu HVS tăng 24,8% (trung bình tăng 4,1%/năm). 4.128 hộ gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách của 45 xã thuộc 9 huyện, thị xã xây dựng nhà tiêu HVS được thực hiện từ chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (Sở Y tế) báo cáo kết quả hoạt động về nước sạch và vệ sinh giai đoạn 2016 - 2022.
Tuy nhiên, nhận thức của người dân trên địa bàn tỉnh đối với vấn đề vệ sinh cá nhân, VSMT để bảo vệ sức khỏe còn hạn chế. Thói quen đi tiêu bừa bãi ngoài môi trường, hay việc thu gon, xử lý phân, nước thải, rác thải đặc biệt ở khu vực nông thôn vẫn là vấn đề nóng bỏng và bức xúc. Tỷ lệ người dân có thói quen rửa tay với xà phòng đúng cách, đúng thời điểm còn thấp. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh (HVS) một số huyện vẫn còn thấp, thậm chí có thôn bản không có hộ gia đình có nhà tiêu HVS…
Các đại biểu đã cùng thảo luận, thống nhất các nội dung của Kế hoạch Cải thiện vệ sinh cá nhân, VSMT thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2023 - 2026; lựa chọn các giải pháp, can thiệp phù hợp nhằm hướng tới đạt các mục tiêu, chỉ tiêu của Dự án, góp phần cải thiện các điều kiện vệ sinh cá nhân, VSMT cho người dân khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh...
Để triển khai các nội dung hoạt động về nước sạch và VSMT, vệ sinh cá nhân đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, hoàn thành các nội dung đã ký kết với nhà tài trợ của Dự án “Bạn hữu trẻ em tỉnh Điện Biên giai đoạn 2022 - 2026”, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vừ A Bằng đã đề nghị, ngay sau hội nghị, yêu cầu các đại biểu khẩn trương chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch cải thiện vệ sinh cá nhân, VSMT thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2023 - 2026. Các địa phương phải xác định nội dung cải thiện vệ sinh cá nhân, VSMT thích ứng với biến đổi khí hậu là một nội dung quan trọng, cần được đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương. Các sở, ngành, đoàn thể và các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch. Bên cạnh việc kêu gọi sự đầu tư, hỗ trợ của các chương trình, dự án hỗ trợ cho việc triển khai thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2026. Giao Sở Tài chính phối hợp với các sở, ngành có liên quan nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh bố trí một phần kinh phí đảm bảo đáp ứng cho các hoạt động về nước sạch và VSMT, vệ sinh cá nhân trên địa bàn tỉnh; UBND các huyện chủ động bố trí ngân sách địa phương để hỗ trợ cho các hoạt động nước sạch - VSMT trên địa bàn phụ trách. Sở Y tế là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn nhằm đạt mục tiêu từng giai đoạn, đảm bảo đầu ra của 9 xã nằm trong dự án và 10 xã của huyện Mường Ảng đến năm 2026. Các sở, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động tổ chức thực hiện đảm bảo hoàn thành các nội dung hoạt động đã thống nhất xây dựng trong Kế hoạch giai đoạn. Cần có sự kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm, đề xuất các hoạt động, giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ những khó khăn nếu có trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch. Đồng thời, tỉnh Điện Biên đề nghị UNICEF tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí cho tỉnh trong những năm tiếp theo, giải quyết một phần những khó khăn về nguồn vốn để triển khai thực hiện Kế hoạch./.
Trần Ngọc