Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 8 năm 2022

Update 17 - 08 - 2022
100%

PHẦN I: TIN ĐIỆN BIÊN

 

*Nhandan.vn (16/8): Giải bài toán thiếu giáo viên tại Điện Biên

Chủ động khắc phục khó khăn do thiếu nhân lực triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Điện Biên đã triển khai nhiều giải pháp, từng bước bù lấp “khoảng trống” này.

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, năm học 2022-2023 là năm đầu tiên hai môn học: Tiếng Anh, Tin học trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh khối lớp 3 thuộc cấp tiểu học. Cấp trung học phổ thông thêm hai môn học tự chọn mới là Âm nhạc và Mỹ thuật. Những thay đổi này khiến nhiều cơ sở giáo dục ở Điện Biên vốn đã thiếu nhân lực lại càng thêm khó khăn.

Mường Ảng là một trong những huyện có nhiều thuận lợi hơn các địa phương khác trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Song để bảo đảm số lượng giáo viên giảng dạy Tiếng Anh cho các khối: 3, 4, 5 thì năm học này, huyện vẫn thiếu năm giáo viên.

Ông Nguyễn Đức Quang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Ảng cho biết: Dự kiến năm học 2022-2023, Mường Ảng sẽ có 106 lớp học môn Tiếng Anh ở hai cấp tiểu học và trung học cơ sở. Đội ngũ giáo viên Tiếng Anh toàn huyện hiện có 13 người được bố trí giảng dạy tại chín trường. Còn ba trường tiểu học: Mường Đăng, Mường Lạn, Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học Bản Bua vẫn trống giáo viên Tiếng Anh.

Chủ động khắc phục khó khăn, thời gian qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Ảng đã tham mưu UBND huyện lập phương án tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục và đào tạo; trong đó dành chỉ tiêu hai giáo viên môn Tiếng Anh.

Ngoài ra, để chủ động phương án cho tình huống không thể tuyển đủ vì không có nguồn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Ảng xây dựng phương án bố trí giáo viên dạy liên cấp trong cùng địa bàn xã. Ông Nguyễn Đức Quang cho biết: Những năm trước đều có chỉ tiêu nhưng không có người dự tuyển môn Tiếng Anh, vì vậy chúng tôi vẫn chủ động chỉ đạo các trường học trên địa bàn thực hiện giao nhiệm vụ giáo viên Tiếng Anh cấp trung học cơ sở dạy liên cấp trên cùng địa bàn.

Chung thực trạng thiếu giáo viên Tiếng Anh như Mường Ảng, hiện tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ đã chỉ đạo các trường chủ động rà soát trang thiết bị, cơ sở vật chất, thiết bị kết nối mạng internet để triển khai lớp học trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên Nguyễn Văn Đoạt cho biết, toàn tỉnh Điện Biên thiếu hơn 200 giáo viên, các môn: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.

Trong đó, riêng môn Tiếng Anh thiếu 125 giáo viên (tiểu học 72, trung học cơ sở 38 và trung học phổ thông 15). Giải pháp của các địa phương trong tỉnh là thiết thực nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế, trước mắt chứ về lâu dài ngành đã xây dựng lộ trình, kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo giáo viên các môn còn thiếu để bổ sung.

Trong đó ưu tiên, khuyến khích, động viên đội ngũ giáo viên hiện tại đi học văn bằng 2 theo nguyện vọng, phù hợp các môn học đang thiếu. Ngoài ra, trên cơ sở chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên của các huyện, từ tháng 3/2022 đến nay, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Điện Biên liên tiếp gửi văn bản đề nghị giới thiệu sinh viên đến các trường đại học có đào tạo chuyên ngành sư phạm tương đương.

Đồng thời, khảo sát số lượng sinh viên đã tốt nghiệp ra trường nhưng chưa có việc làm để có thông tin hai chiều về nhu cầu tuyển dụng với định hướng đào tạo nâng cao, liên thông, văn bằng 2 nếu sinh viên có nhu cầu.

Cùng với đó là giải pháp mang tính dài hơi để “lấp khoảng trống” thiếu giáo viên đang được Điện Biên triển khai, đó là đào tạo cử tuyển.

 

  *Bienphong.com.vn (15/8): BĐBP Điện Biên: Liên tiếp bắt 3 vụ tàng trữ, vận chuyển số lượng lớn chất ma túy

Trong 2 ngày 13 và 14/8, BĐBP Điện Biên phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt 3 vụ vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, thu giữ số lượng lớn heroin.

Cụ thể, lúc 18 giờ ngày 14/8, tại tổ 5, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (BĐBP Điện Biên) chủ trì, phối hợp với Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (BĐBP Sơn La), Phòng PC04 (Công an tỉnh Sơn La) bắt giữ 3 đối tượng về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy.

Các đối tượng gồm: Lầu A Dùa (sinh năm 1997), Giàng A Sim (sinh năm 2002), Giàng A Tỉnh (sinh năm 2001), cùng trú tại xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Tại hiện trường, các lực lượng thu giữ 3 bánh heroin, có trọng lượng khoảng 1,1kg và một số tang vật liên quan.

Tiếp đó, lúc 20 giờ ngày 14/8, tại khu vực bản Phi Lĩnh 1, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (BĐBP Điện Biên) phối hợp với Đồn Biên phòng Si Pha Phìn (BĐBP Điện Biên) và Công an huyện Nậm Pồ bắt giữ 2 đối tượng Sùng A Chỉa (sinh năm 1963) và Vàng A Chừ (sinh năm 1990), cùng trú tại bản Ma Thì Hồ 1, xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên; thu giữ khoảng 50 gram heroin, 8 viên ma túy tổng hợp.

Đấu tranh khai thác, 2 đối tượng khai nhận mua số ma túy trên của một người đàn ông không rõ danh tính với giá 4 triệu đồng, với mục đích mang về để sử dụng và bán lẻ kiếm lời.

Trước đó, lúc 11 giờ sáng ngày 13/8, tại bản Sen Thượng, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, tổ công tác của Đồn Biên phòng Sen Thượng và Đồn Biên phòng Leng Su Sìn (BĐBP Điện Biên) bắt giữ 2 đối tượng Chang Bờ Hừ (sinh năm 1993) và Lỳ Hà Xá (sinh năm 1987), cùng trú tại tại bản Sen Thượng, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, thu giữ 0,5 gram heroin.

Mở rộng điều tra, đến 21 giờ 30 phút cùng ngày, lực lượng chức năng tiếp tục bắt giữ đối tượng Chang Lò Nu, sinh năm 1954, trú tại bản Phứ Ma, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Khám xét tại nhà đối tượng Nu, lực lượng chức năng thu giữ 50 gram heroin.

Hiện, lực lượng chức năng đang tiếp tục mở rộng điều tra các vụ án và hoàn tất hồ sơ khởi tố các đối tượng theo quy định của pháp luật.

 

* Baodienbienphu.info.vn (15/8): Nỗ lực xóa thôn, bản “trắng” điện lưới quốc gia

Điện, đường, trường, trạm... là những hạng mục quan trọng cần đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện Tủa Chùa vẫn còn 1.288 hộ dân chưa được tiếp cận điện lưới quốc gia. Với mục tiêu 100% người dân, các thôn, bản vùng sâu, vùng xa được sử dụng điện lưới quốc gia, nâng cao trình độ dân trí, xóa đói giảm nghèo, thời gian qua, huyện Tủa Chùa đã huy động nhiều nguồn lực, đầu tư phát triển lưới điện nông thôn.

Đầu năm 2022, hơn 100 hộ dân thuộc các thôn: Chế Cu Nhe, Lồng Sử Phình, Cáng Chua 1, xã Sín Chải vui mừng, phấn khởi khi ước mơ được sử dụng điện lưới quốc gia đã trở thành hiện thực. Đây là công trình thuộc dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2014 - 2020 do Sở Công Thương làm chủ đầu tư với tổng dự toán hơn 24,1 tỷ đồng, được xây dựng trên địa bàn 6 thôn thuộc xã Sín Chải, gồm các hạng mục: Đường dây trung áp 35KV với tổng chiều dài hơn 12km và 6 trạm biến áp có tổng công suất 395kVA và đường dây hạ áp 16.033kV. Trước đó, năm 2021, Công ty Điện lực Điện Biên đã đưa vào sử dụng 4 trạm biến áp thuộc công trình này phục vụ cho nhu cầu sử dụng của người dân trên địa bàn xã Sín Chải.

Theo ông Giàng A Tỉnh, Chủ tịch UBND xã Sín Chải, khi chưa có điện lưới, các hộ dân trong thôn phải tận dụng nước từ các khe, suối để lắp máy phát điện mini, nhưng vì không đủ nước nên điện chập chờn, chỉ đủ thắp sáng một bóng điện nhỏ. Không có điện, việc tiếp cận các thông tin, chính sách mới của Đảng và Nhà nước cũng như tiếp thu khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế còn khó khăn; đời sống văn hóa tinh thần của người dân cũng hạn chế, ảnh hưởng đến học tập của trẻ em. Từ khi có lưới điện lưới quốc gia, đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân có nhiều thay đổi. Có điện tiếp cận được nhiều thông tin, trình độ dân trí người dân được nâng lên, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, canh tác, nỗ lực phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, đẩy nhanh quá trình xóa đói, giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Hiện nay, toàn huyện vẫn còn 9/120 thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia và 24 thôn, bản đã có điện nhưng chỉ được một phần nhóm thôn, bản. Để tiến tới “xóa trắng” thôn, bản không có điện lưới quốc gia, theo ông Nguyễn Minh Tuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, huyện đã rà soát, lập hồ sơ điều chỉnh, bổ sung dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Điện Biên. Sau khi rà soát, thống kê tình hình sử dụng điện trên địa bàn, UBND huyện Tủa Chùa đã lập tờ trình đề nghị UBND tỉnh bổ sung các thôn, bản vào dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện Tủa Chùa. Cụ thể, huyện đã rà soát, lập danh có tổng số thôn, bản đề nghị bổ sung cấp điện 33 thôn, bản, với 1.288 hộ thuộc 11 xã, thị trấn.

 

* Baodienbienphu.info.vn (16/8): Tín dụng đen - vòng xoáy nợ nần

Vài năm gần đây, hoạt động “tín dụng đen” không còn quá xa lạ với nhiều người dân. Đây là hoạt động cho vay tiền không cần thế chấp, giải ngân nhanh; thậm chí không cần gặp mặt giữa bên vay và cho vay, tất cả giao dịch diễn ra trên không gian mạng. Nhưng với lãi suất cao, đã có rất nhiều người mắc bẫy tín dụng đen rơi vào vòng xoáy nợ nần…

Anh Trần Văn Thắng trú tại xã Noong Luống, huyện Điện Biên, người từng vay các app tín dụng đen chia sẻ: Là lao động tự do, trong đợt dịch Covid-19 công việc của tôi gặp khó khăn, thu nhập bấp bênh. Muốn vay tiền ngân hàng và các nguồn tín dụng chính thống cần phải chứng minh thu nhập, có bảng lương hoặc tài sản thế chấp. Do có nhu cầu vay để giải quyết công việc cá nhân gấp nên tôi đã tìm thông tin vay trên mạng. Có rất nhiều app cho vay không cần chứng minh thu nhập, không cần tài sản thế chấp chỉ cần có chứng minh thư và cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại tham chiếu của người thân là có thể vay được.

Có thể thấy, việc vay tiền từ các app tín dụng đen rất đơn giản, dễ vay nhưng khó trả. Lần đầu có thể vay từ 700.000 đến 2.000.000 đồng; thời hạn trả cả gốc lẫn lãi thường ngắn (từ 7 ngày đến 14 ngày). Khi đó anh Thắng vay hai app để giải quyết công việc riêng, khi vay 700.000 đồng, sau 7 ngày sẽ phải trả 1.000.000 đồng, lãi 300.000 đồng đã cao hơn rất nhiều so với lãi suất vay theo quy định của pháp luật.

Khi đăng ký vay tín dụng đen, người vay phải cung cấp các thông tin cá nhân như danh bạ điện thoại, địa chỉ facebook, zalo, ảnh cá nhân, ảnh chứng minh thư (căn cước),… Do vậy, khi gần đến hạn trả, người vay hoặc người thân sẽ bị các số điện thoại nặc danh gọi điện thúc nợ, gây áp lực với những ngôn từ đe dọa. Cùng những cuộc gọi thúc nợ là những cuộc gọi giới thiệu, mời chào vay thêm các app tín dụng khác. Khi đó “con nợ” sẽ bị bủa vây bởi vòng xoáy áp lực trả nợ, trả lãi và nhu cầu vay thêm để trả nợ.

Ông Vũ Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên cho biết: Hiện nay công nghệ rất phát triển, việc vay tiền từ các app tín dụng không chính thống của các cá nhân trên địa bàn rất nhiều; đồng thời đều diễn ra trên không gian mạng nên rất khó quản lý. Để ngăn ngừa, phòng tránh tình trạng trên, xã đã tích cực tuyên truyền đến từng hộ dân về các nguồn vốn vay chính thống, đồng thời tăng cường hỗ trợ việc làm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay chính sách và các nguồn tín dụng chính thống.

 

PHẦN II: TIN TỨC – THỜI SỰ

TIÊU ĐIỂM

*Vtv.vn (16/8): Thủ tướng Chính phủ: Không để "dịch chồng dịch"

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Nghị quyết số 102/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022 trực tuyến với địa phương.

Nghị quyết nêu rõ, thời gian tới, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại, gia tăng khả năng có suy thoái ngắn hạn; việc tăng lãi suất và điều chỉnh chính sách tiền tệ, tài khóa của một số nước, khu vực có tác động, ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi kinh tế và tiềm ẩn rủi ro đối với sự ổn định tài chính, tiền tệ toàn cầu... Ở trong nước, nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh hơn, nhưng khó khăn, thách thức còn rất lớn; áp lực lạm phát, giá nguyên vật liệu đầu vào gia tăng, gây sức ép lên mặt bằng lãi suất; nền kinh tế tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng từ bên ngoài do có độ mở lớn, trong khi sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế. Dịch COVID-19 và nhiều loại dịch bệnh khác tiếp tục diễn biến phức tạp, có nguy cơ "dịch chồng dịch".

Trong bối cảnh đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của năm 2022 đã đề ra tại các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tinh thần đề ra là tập trung thực hiện "4 ổn định": Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; "3 tăng cường": Tăng cường nắm tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường bảo đảm an sinh xã hội và công tác y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, tiêm phòng vaccine COVID-19; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong hệ thống hành chính nhà nước; "2 đẩy mạnh": Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư công và công tác quy hoạch; "1 tiết giảm" tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết; "1 kiên quyết không": không điều hành giật cục, chuyển trạng thái đột ngột mà phải luôn chủ động, linh hoạt, sáng tạo, khoa học, hiệu quả và chắc chắn.

Trong những tháng còn lại của năm 2022 và thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chú trọng khắc phục những hạn chế, bất cập, vượt qua khó khăn, thách thức, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, đẩy mạnh công tác phân tích, dự báo, chủ động thực hiện linh hoạt, hiệu quả các đối sách, giải pháp phù hợp trên các lĩnh vực, bảo đảm hài hòa, hợp lý cả trước mắt và lâu dài, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra.

 

CHÍNH SÁCH – VĂN BẢN – NGHỊ ĐỊNH MỚI

*Vtv.vn (16/8): Công điện của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm an toàn giao thông dịp Lễ Quốc khánh 2/9

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Công điện số 724/CĐ-TTg ngày 16/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9/2022.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động xây dựng phương án tổ chức giao thông an toàn, thông suốt, nhất là trên các tuyến, khu vực có nguy cơ cao xảy ra TNGT, ùn tắc giao thông.

 

*Chinhphu.vn (16/8): Từ 1/10: Bỏ các quy định về tính tỷ lệ nội địa hóa ô tô

Ngày 10/8, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 11/2022/TT-BKHCN về việc bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2022.

Bãi bỏ toàn bộ 3 văn bản quy phạm pháp luật về tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô

Cụ thể, Thông tư 11/2022/TT-BKHCN đã bãi bỏ toàn bộ 3 văn bản quy phạm pháp luật sau:

Thứ nhất, Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 01/10/2004 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.

Thứ hai, Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 01/10/2004 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.

Thứ ba, Thông tư số 05/2012/TT-BKHCN ngày 12/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 01/10/2004 về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.

 

*Chinhphu.vn (15/8): Bộ Tài chính lên kế hoạch cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu

Bộ Tài chính vừa quyết định ban hành Kế hoạch hành động triển khai Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”.

Theo đó, trong giai đoạn 2022-2025, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy định về tăng vốn cho các tổ chức tín dụng có vốn nhà nước; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phương án tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước; tham mưu cho Chính phủ bố trí, cấp vốn, bổ sung vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước, nhất là đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Ngân hàng nhà nước rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định hướng dẫn về chế độ tài chính, chế độ kế toán để các tổ chức tín dụng áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) phù hợp với Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam.

Đồng thời, Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ (trong đó có khoản nợ xấu) nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thẩm định giá khoản nợ, đảm bảo khách quan trong thẩm định giá các khoản nợ (trong đó có nợ xấu)…

Tại quyết định, Bộ Tài chính giao thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo việc triển khai thực hiện và cụ thể hóa các nhiệm vụ theo quy định. Các đơn vị được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ trước ngày 15/11 hàng năm có văn bản gửi Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính về việc tổng kết, đánh giá tình hình triển khai nhiệm vụ được giao.

Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính có trách nhiệm làm đầu mối tổng hợp, trình Bộ có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước ngày 30/11 hàng năm về việc tổng kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao của Bộ Tài chính quy định tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

 

*Chinhphu.vn (15/8): Hướng dẫn kinh phí hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo

Ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương tối đa bằng 40 triệu đồng/hộ gia đình đối với xây mới nhà ở và 20 triệu đồng/hộ gia đình đối với sửa chữa nhà ở.

Đây là quy định tại Thông tư 46/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Thông tư quy định rõ về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo. Theo đó, căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, khả năng cân đối ngân sách địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo từ nguồn ngân sách nhà nước. Ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương tối đa bằng 40 triệu đồng/hộ gia đình đối với xây mới nhà ở và 20 triệu đồng/hộ gia đình đối với sửa chữa nhà ở theo quy định khoản 1 Điều 9 Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg.

Điều kiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

 

*Chinhphu.vn (13/8): Trường nghề ở tỉnh có huyện nghèo được hỗ trợ tối đa 7 tỷ đồng để sửa chữa, bảo dưỡng tài sản

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 46/2022/TT-BTC quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Thông tư nêu rõ NSNN chi hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo. Theo đó, chi hỗ trợ bảo dưỡng, sửa chữa tài sản, mua sắm trang thiết bị, phương tiện đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo.

Cụ thể, chi sửa chữa, bảo dưỡng tài sản: Mức hỗ trợ tối đa bằng 30% vốn sự nghiệp thực hiện dự án theo quyết định của cấp có thẩm quyền và không quá 07 tỷ đồng/trường, cơ sở.

Chi mua sắm trang thiết bị, phương tiện đào tạo: Các cơ quan, đơn vị theo phân cấp của Bộ, cơ quan trung ương và địa phương quyết định mua sắm phù hợp với danh mục thiết bị đào tạo tối thiểu, chương trình đào tạo trong phạm vi dự toán được giao và theo quy định.

Bên cạnh đó, chi xây dựng mô hình bảo đảm chất lượng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với điều kiện của địa bàn tỉnh có huyện nghèo và áp dụng thử nghiệm tại một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại các Điều 7, 8 và 9 Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN.

Chi phát triển nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, người dạy nghề: Nội dung và mức chi tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này. Riêng đối với chi xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng tập huấn thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Thông tư số 15/2022/TT-BTC.

 

CHỈ THỊ MỚI

*Chinhphu.vn (15/8): Lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 – 2030

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 15/8/2022 của Chính phủ về Lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 – 2030.

Tại Nghị quyết, Chính phủ đồng ý với Lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 – 2030 của Bộ Y tế; trong đó, đưa vaccine phòng bệnh do virus Rota từ năm 2022, vaccine phòng bệnh do phế cầu từ năm 2025, vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung từ năm 2026 và vaccine phòng bệnh cúm mùa từ năm 2030.

Nghị quyết nêu rõ phạm vi và số lượng thụ hưởng theo đề xuất của Bộ Y tế. Trong trường hợp huy động được nguồn viện trợ, hỗ trợ trong nước, hoặc được bổ sung ngân sách nhà nước, Bộ Y tế quyết định việc có thể thực hiện lộ trình này sớm hơn.

Chính phủ đồng ý cho phép các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có khả năng cân đối ngân sách địa phương mua vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung nếu có thể tiếp cận với mức giá ưu đãi cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao khác ngoài Tiêm chủng mở rộng ngay từ giai đoạn 2022 – 2025 nhằm khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng phòng bệnh.

Về nguồn kinh phí thực hiện, Ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí mua vaccine theo lộ trình. Ngân sách địa phương bố trí kinh phí tổ chức triển khai tiêm chủng tại địa phương.

Nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác. Nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vaccine tự nguyện chi trả.

Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện Lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2022 – 2030 của Bộ Y tế theo quy định.

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí kinh phí để mua vaccine theo lộ trình tăng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể sử dụng ngân sách địa phương để mua các loại vaccine đã được cấp phép bổ sung vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2022 – 2030 và tổ chức triển khai tiêm chủng.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có khả năng cân đối ngân sách địa phương phối hợp với Bộ Y tế hoặc các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện mua vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để tiêm cho các đối tượng nguy cơ cao ngoài Tiêm chủng mở rộng trên địa bàn, bảo đảm đúng quy định.

 

*Chinhphu.vn (13/8): Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần

Giảm 10% thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xăng

Theo Nghị định số 51/2022/NĐ-CP của Chính phủ, điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% xuống 10%.

Kiên quyết kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả để phát triển bền vững kinh tế - xã hội

Thông báo số 246/TB-VPCP ngày 12/8/2022 kết luận của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) tại Phiên họp thứ 16 của Ban chỉ đạo trực tuyến với các địa phương nêu rõ:

Thời gian tới, công tác phòng, chống dịch tập trung thực hiện các mục tiêu: (1) Không để dịch bệnh bùng phát trở lại; cơ quan, địa phương nào để dịch bệnh bùng phát trở lại phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, trước Nhân dân; (2) Hoàn thành việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho các đối tượng chỉ định trên 18 tuổi và mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022; (3) Bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư y tế cho phòng, chống dịch bệnh nói chung và phòng, chống dịch COVID-19 nói riêng.

Ban Chỉ đạo yêu cầu các ngành, các cấp, địa phương tiếp tục khẳng định và quán triệt các quan điểm chỉ đạo: (1) Kiên quyết, kiên trì, kiên định kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả để góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội; (2) Đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết; (3) Phòng bệnh hơn chữa bệnh, phòng bệnh từ sớm, từ xa, từ cơ sở; (4) Tiêm chủng vaccine phòng ngừa dịch bệnh là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân; tổ chức đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để vận động tiêm vaccine và phòng, chống dịch.

Hỗ trợ giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch COVID-19

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 11/8/2022 quyết nghị thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. 

Theo Nghị quyết, hỗ trợ một lần mức 3.700.000 đồng/người áp dụng với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chưa được hưởng chính sách của địa phương hỗ trợ đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP;

Hỗ trợ một lần mức 2.200.000 đồng/người áp dụng với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đã được hưởng chính sách của địa phương theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Thời gian thực hiện đến hết ngày 31/12/2022. 

Trước 15/8 phải có giải pháp xử lý, đôn đốc giải quyết hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chậm nhất trước ngày 15/8/2022 tổ chức họp báo, giao ban với các địa phương để xác định nguyên nhân chậm trễ và có giải pháp xử lý, đôn đốc giải quyết việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động bảo đảm khẩn trương, hiệu quả.

Đến 2030, hoàn thành xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội

Theo Thông báo số 242/TB-VPCP ngày 10/8/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, trên cả nước hoàn thành đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp đô thị, công nhân khu công nghiệp về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, “không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.

Tiếp tục tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đến khi không còn thông tin

Tại Thông báo số 233/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc gặp mặt các đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu từ nay đến năm 2030, thực hiện tìm kiếm, quy tập được khoảng 15.000 hài cốt liệt sĩ; hoàn thành việc tìm kiếm, quy tập và kết luận khu vực, địa bàn có thông tin mộ liệt sĩ tập thể; từ năm 2031 trở đi, tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến khi không còn thông tin về hài cốt liệt sĩ, mộ liệt sĩ.

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các lực lượng chức năng

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các cấp, các ngành, kiên quyết không có vùng cấm trong công tác này; đồng thời, cần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống buôn lậu, gian lận thương mại ngay trong các lực lượng chức năng (Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Thuế,..), xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật. 

Mua sách giáo khoa cho học sinh mượn: Trình Chính phủ kịp thời triển khai từ năm học 2022 – 2023

Thông báo số 236/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về học phí phổ thông và sách giáo khoa, về phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa phổ thông cho học sinh mượn sử dụng: Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thống nhất trình Chính phủ kịp thời triển khai từ năm học 2022 – 2023, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nghiên cứu kiến nghị hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của giá xăng, dầu tăng cao

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu các kiến nghị của Bộ Công Thương về chính sách an sinh xã hội hỗ trợ cho các đối tượng có thu nhập thấp và về hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân để có tham mưu, chỉ đạo và hướng dẫn kịp thời.

Đến 2025, hoàn thành xây dựng trung tâm dữ liệu ngành nông nghiệp chuyên sâu phục vụ phân tích và dự báo thị trường nông sản

Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 hoàn thành xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung của ngành nông nghiệp (data warehouse/kho dữ liệu) chuyên sâu phục vụ phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản; hoàn thành xây dựng công cụ, phần mềm phục vụ thu thập thông tin, phân tích, dự báo tình hình thị trường các sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia và sản phẩm có tiềm năng phát triển quy mô lớn.

Hoàn thành thiết lập hệ thống mạng lưới cung cấp, kết nối thông tin thường xuyên, định kỳ về trung tâm dữ liệu tập trung; 100% cán bộ thuộc hệ thống mạng lưới được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống.

Hình thành mô hình toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng

Theo Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030 được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký phê duyệt tại Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 10/8/2022, Bộ Công an xây dựng cơ chế, thiết lập đường dây nóng, hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin về tội phạm mạng từ không gian mạng để quần chúng nhân dân phản ánh kịp thời, trực tiếp thông tin, hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng tới cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phù hợp với thực tiễn chuyển đổi số. Phát huy vai trò của thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng để hình thành mô hình toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng.

Xem xét kiến nghị về quản lý vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, thu phí không dừng

Tại văn bản số 5104/VPCP-CN, 5105/VPCP-CN ngày 11/8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu xem xét đối với các kiến nghị của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về quản lý vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và về thu phí không dừng.    

 

TIN QUỐC HỘI

* TTXVN/VietnamPlus.vn (15/8): Khai mạc Phiên họp chuyên đề pháp luật đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 15/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp chuyên đề pháp luật.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ Phiên họp chuyên đề về công tác lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến diễn ra trong bốn ngày làm việc, sẽ xem xét 11 dự án luật, pháp lệnh và nghị quyết.

Từ ngày 15-18/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về năm dự án luật đã trình với Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 và dự kiến sẽ xem xét và biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 4.

Đó là các dự án Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Cả năm dự án luật này đều đã được cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra chuẩn bị một cách rất kỹ lưỡng.

Qua các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các phiên thảo luận của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 cho thấy, các dự luật đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao và chỉ còn một số nội dung có ý kiến khác nhau.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan tập trung cho ý kiến những vấn đề lớn, quan trọng, các vấn đề mà nội dung còn có ý kiến khác nhau, cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, kinh nghiệm quốc tế, nhu cầu thực tiễn để tiếp tục làm sâu sắc và hoàn thiện hơn dự án luật.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về ba dự án luật trình Quốc hội lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 4. Đó là các dự án: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến và xem xét thông qua theo quy trình rút gọn dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Cơ quan chủ trì soạn thảo là Tòa án nhân dân Tối cao.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến về 2 dự án Nghị quyết nhưng có tính chất như luật, phải trình Quốc hội xem xét để thông qua. Đó là Nghị quyết Hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân và Nghị quyết về ban hành Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

 

CÁC TIN LIÊN QUAN ĐẾN COVID – 19

*Laodong.vn (16/8): Bộ Y tế cảnh báo hàng loạt biến thể phụ của Omicron đã xuất hiện ở Việt Nam

Tại Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện các biến thể phụ mới của biến thể Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1) với khả năng lây nhanh, nhất là thời gian vừa qua cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.000 ca mắc mới mỗi ngày, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại. 

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa có văn bản khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác quản lý, báo cáo các trường hợp mắc COVID-19.

Theo Cục Y tế dự phòng, hiện tình hình dịch COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng số ca mắc trên thế giới và Việt Nam. 

Tại Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện các biến thể phụ mới của biến thể Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1) với khả năng lây nhanh, nhất là thời gian vừa qua cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.000 ca mắc mới mỗi ngày, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại. 

Ngoài ra, một số địa phương thông báo bổ sung số ca mắc với số lượng lớn dẫn đến không phản ánh đúng tình hình dịch, khó khăn cho việc nhận định, dự báo, đánh giá tình hình dịch.

 

*Vtv.vn (16/8): Hà Nội: Các quận, huyện đồng loạt tăng tốc bao phủ vaccine

Hàng loạt các quận, huyện tại Hà Nội đang triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19.

Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 có những diễn biến mới phức tạp khi Việt Nam ghi nhận sự xuất hiện của các biến thể phụ mới của biến thể Omicron với khả năng lây nhanh, nhất là thời gian vừa qua, cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.000 ca mắc mới mỗi ngày, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại. Do đó, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh.

TP Hà Nội mới đây đã ban hành Công điện về việc tăng cường công tác tiêm chủng vaccine COVID-19, tất cả các quận, huyện hiện đang tăng tốc, đẩy nhanh tỷ lệ tiêm chủng COVID-19, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4.

Để tăng tốc độ tiêm chủng, quận Hoàn Kiếm đang tổ chức nhiều điểm tiêm cố định hoặc lưu động tại nhà văn hoá hoặc các trường học. Mỗi điểm tiêm một ngày sẽ triển khai từ 300 - 500 mũi tiêm.

Cùng với quận Hoàn Kiếm, hàng loạt các quận, huyện khác tại Hà Nội đang triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 hướng tới mục tiêu hoàn thành tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 8 này, hoàn thành sớm nhất việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và đẩy nhanh tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

 

*Vtv.vn (14/8): Đến hết tháng 8, phấn đấu hoàn thành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ

Đại diện Bộ Y tế cho biết từ nay đến hết tháng 8 sẽ phấn đấu hoàn thành tiêm mũi 1 cho nhóm trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn hết sức quan trọng... trong bối cảnh các biến thể mới lây lan nhanh hơn. Tuy nhiên, tiến độ tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi hiện vẫn chậm. Chính vì vậy, nhiều địa phương đang đẩy mạnh tiêm chủng cho cho trẻ em để hoàn thành trước ngày 31 tháng này.

Sáng sớm, mặc dù mưa gió nhưng 2 chị em Su Dân và Amaki vẫn chở nhau đến trạm y tế xã để tiêm vaccine do bố mẹ bận đi nương rẫy. Su Dân đã được tiêm đủ 3 mũi, còn Amaki được tiêm nốt mũi 2.

Để hoàn thành các mũi tiêm cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi, xã Đạ Nhim (Lâm Đồng) đã tổ chức thêm các buổi tiêm tại trạm thay vì ở trường. Trước đó, các cán bộ y tế cũng đã gửi tin nhắn cho từng hộ gia đình có con trong độ tuổi này chưa được tiêm đầy đủ.

Xã Đạ Nhim có tỷ lệ tiêm chủng khá cao trong huyện Lạc Dương. Trước khi quyết định cho con đi tiêm chủng, nhiều phụ huynh cũng e dè về các phản ứng và ảnh hưởng có thể xảy ra cho con em mình, nên đã tìm hiểu rất kỹ.

Hiện cả nước đã tiêm gần 15 triệu liều vaccine cho trẻ em trong độ tuổi 5 - 12 tuổi, trong đó tỷ lệ tiêm mũi 2 đã đạt gần 45%. Nhờ có sự phối hợp giữa ngành giáo dục và y tế nên từ tỷ lệ rất thấp, đến nay nhiều địa phương đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao hơn 50%. Đại diện Bộ Y tế cho biết từ nay đến hết tháng 8 sẽ phấn đấu hoàn thành tiêm mũi 1 cho nhóm trẻ trong độ tuổi này.

Các chuyên gia cũng cho biết đến hiện tại, vaccine vẫn đạt tính an toàn rất cao, hầu hết ghi nhận các phản ứng phụ, phản ứng thông thường đều thấp hơn so với khuyến cáo của nhà sản xuất, tổ chức y tế thế giới. Các trường hợp tai biến đều được xử trí kịp thời và chưa có ca rủi ro nào được ghi nhận.

 

*Vtv.vn (13/8): Sóc Trăng: Người đứng đầu chịu trách nhiệm về tiêm vaccine phòng COVID-19

Đây là kinh nghiệm trong thực hiện tiêm chủng tại Sóc Trăng. Kết quả là 86% trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã tiêm 2 mũi, đã hoàn thành tiêm mũi 4 cho tất cả người có chỉ định.

Để đạt được kết quả này, Sóc Trăng đã giao trách nhiệm cho người đứng đầu chính quyền cấp huyện và xã trong thực hiện các mục tiêu tiêm chủng.

Tại một trong những điểm tiêm vaccine phòng COVDI-19 tại xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị, các phụ huynh đưa trẻ đi tiêm khá đông. Điều này cho thấy mọi người đã thật sự cân nhắc kỹ trước các mối nguy của COVID-19 đối với con em họ.

Để đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là khi đã xuất hiện biến thể phụ lây lan nhanh hơn trước, tỉnh Sóc Trăng đã phát động đợt thi đua về tiêm phòng COVID-19. Chủ tịch huyện, xã phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy nếu địa phương không đạt mục tiêu đề ra.

Giải pháp quyết liệt này đã đẩy nhanh đáng kể tốc độ tiêm tại Sóc Trăng. Chỉ trong 1 tháng qua, tỷ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi đã tăng từ 7% lên xấp xỉ 80%.

Tại Sóc Trăng, các đợt tiêm vét theo hình thức cuốn chiếu từng khóm, ấp vẫn đang được tổ chức, phấn đấu đến cuối tháng 8 sẽ hoàn thành việc tiêm cho tất cả trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Số liệu tiêm được báo cáo hàng ngày để UBND tỉnh có giải pháp điều chỉnh, đôn đốc.

 

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

*Hanoimoi.vn (16/8): 850.444 doanh nghiệp đã đăng ký nộp thuế điện tử

Theo Tổng cục Thuế, tính đến ngày 15-7-2022, đã có 850.444 doanh nghiệp đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế, đạt tỷ lệ 99,3%. Số lượng doanh nghiệp hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng là 849.036 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 99,18%.

Từ ngày 1-1-2022 đến ngày 15-7-2022, các doanh nghiệp đã nộp tiền thuế thông qua 2.199.345 giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền trên 420.988 tỷ đồng và 39.216.253 USD. Về hoàn thuế điện tử, tính từ đầu năm đến ngày 20-7-2022, tổng số doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử là 6.072 trên tổng số 6.134 doanh nghiệp hoàn thuế, đạt tỷ lệ 99%. Số hồ sơ tiếp nhận là 11.243 hồ sơ trên tổng số 11.318 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99%...

Tính đến ngày 15-7-2022, 84.713 lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng thuế điện tử được cài đặt trên thiết bị di động thông minh (eTax Mobile). Tổng cộng đã có 52.800 giao dịch qua ngân hàng thương mại với tổng số tiền trên 264 tỷ đồng.

 

* Vtv.vn (15/8): Việt Nam đứng thứ 11 trong top 50 thị trường logistics mới nổi

Việt Nam đứng thứ 11 trong top 50 thị trường logistics mới nổi, theo bảng xếp hạng vừa được nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility công bố.

Trong số các nước ASEAN, Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia và Malaysia, Thái Lan, vượt lên Philippines, Myanmar và Campuchia.

Dù gặp khó khăn trong đại dịch, ngành vẫn phát triển nhờ việc tận dụng hiệu quả của các doanh nghiệp trong các Hiệp định Thương mại tự do.

Cùng với đó, sự tăng trưởng kinh tế, sản xuất và tiêu dùng trong nước, sự bùng nổ thương mại điện tử đã mang lại những cơ hội thực sự cho ngành.

Lĩnh vực logistics của Việt Nam cũng thu hút sự chú ý của các trang tin quốc tế tuần qua. Sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế và các hoạt động xuất nhập khẩu sôi động là động lực chính thúc đẩy vận tải biển Việt Nam tham gia sâu hơn vào mạng lưới logistics toàn cầu.

Chuyên trang Global Trade đăng tải thông tin về thương vụ tiềm năng trị giá 6 tỷ USD giữa tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới MSC/TIL và Thành phố Hồ Chí Minh để đầu tư xây dựng dự án Cảng lớn nhất Việt Nam ở bến Cần Giờ.

Dự án có quy mô khoảng 7,2 km cầu cảng, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay là 24.000 Teus, công suất thông qua 10 - 15 triệu Teus.

Nhu cầu giao thương gia tăng giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới cũng là yếu tố thúc đẩy sự hình thành các tuyến vận tải biển mới.

Đưa tin về sự kiện khai trương tuyến tàu biển kết nối miền Trung Việt Nam với Ấn Độ, trang tin Economics Times cho biết tuyến vận tải biển này sẽ giúp rút ngắn thời gian vận chuyển giữa 2 nước xuống từ 21 - 22 ngày xuống còn 14 - 15 ngày, từ đó mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn có tiềm năng dồi dào để phát triển thị trường logistics thương mại điện tử.

Bài viết trên trang tin Fibre2fashion nhấn mạnh, với một thị trường kinh tế kỹ thuật số có quy mô lên tới hơn 50 tỷ USD, Việt Nam có thể phát triển một ngành công nghiệp hậu cần hiệu quả bằng cách nắm bắt các cơ hội phát sinh từ thương mại điện tử và thích ứng với công nghệ hiện đại.

 

* Chinhphu.vn (16/8): Chuyên gia Thái Lan: Việt Nam là thị trường hứa hẹn nhất cho đầu tư dài hạn

Công ty Quản lý đầu tư tài sản Krungthai Asset Management (Thái Lan) nhận định cùng với Ấn Độ, Việt Nam là thị trường hứa hẹn nhất để đầu tư dài hạn do các nước này ứng phó tốt với thách thức và bất ổn toàn cầu nhờ nền kinh tế phát triển nhanh.

Với Việt Nam, theo CEO KTAM, đây là điểm đến đầu tư hấp dẫn do tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và lạm phát tương đối thấp, bất chấp thị trường chứng khoán gần đây có giảm. Những điều kiện như vậy mang đến cơ hội đầu tư mới.

Đối với các khoản đầu tư vào Việt Nam, việc đầu tư vào Quỹ KTAM Vietnam Equity Fund (KT-VIETNAM-A) là khoản đầu tư có thể tạo ra lợi nhuận tốt. Thông qua đầu tư cổ phiếu, Quỹ tập trung vào các cổ phiếu được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế và các công ty niêm yết trên thị trường trong và ngoài nước.

Theo bà Chavinda, các nhà đầu tư đang muốn đầu tư với lợi ích về thuế có thể lựa chọn Quỹ Cổ phần KTAM Việt Nam (loại tiết kiệm), còn được gọi là KT-VIETNAM-SSF.

 

*Laodong.vn (16/8): Ninh Bình: 5 tỉ đồng khôi phục lại nhà máy xử lý rác thải bỏ hoang

Sau hơn 4 năm dừng hoạt động do ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến khu dân cư, Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt (tại xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn, Ninh Bình) đang được UBND huyện Kim Sơn xây dựng kế hoạch đầu tư, thay đổi dây chuyền, công nghệ xử lý mới để đưa vào hoạt động trở lại vào cuối năm nay.

Như Lao Động đã phản ánh, Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt (tại xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn, Ninh Bình) được đầu tư gần 11 tỉ đồng và mới đưa vào sử dụng được vài năm thì phải đóng cửa, dừng hoạt động do gây ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến khu dân cư.

Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên do Tổng cục Môi trường chủ trì, Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường thực hiện với tổng kinh phí trên 10,8 tỉ đồng. Dự án được đầu tư xây dựng nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - sông Đáy bằng việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt thí điểm cho cụm dân cư theo phương pháp ủ khô kị khí.

Nhà máy được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 1.2015 với công suất xử lý 4 tấn rác/ngày. Tuy nhiên, sau khi đi vào hoạt động được khoảng 3 năm, đến năm 2018, nhà máy đã phải dừng hoạt động và bỏ hoang đến nay. Hiện nhiều hạng mục bị hư hỏng, xuống cấp.

Ông Trần Xuân Trường - Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn - cho biết: Hiện tại, UBND huyện đang hoàn thiện các hồ sơ thủ tục để sửa chữa và nâng cấp dây chuyền, lò đốt xử lý rác thải tại Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Hồi Ninh.

Cũng theo ông Trường, UBND huyện Kim Sơn đang giao cho các phòng, ban chức năng của huyện hoàn tất các thủ tục để tổ chức đấu thầu và dự kiến vào cuối năm 2022 này sẽ đưa nhà máy đi vào hoạt động trở lại. Tổng kính phí để sửa chữa khoảng 5 tỉ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh. UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã có quyết định về việc cấp bổ sung ngân sách tỉnh Ninh Bình năm 2021 với số tiền 5 tỉ đồng cho huyện Kim Sơn để hỗ trợ cải tạo khu xử lý rác thải tại xã Hồi Ninh thành khu xử lý, tái chế chất thải có quy mô cấp xã trở lên.

 

*Chinhphu.vn (15/8): Tăng cường quản lý thuế ô tô nhập khẩu nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại

 Tổng cục Thuế vừa có công văn yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý thuế đối với xe ô tô, xe gắn máy nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại.

Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế phải thực hiện chuyển hồ sơ sang cơ quan công an hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để xử lý theo đúng chức năng, thẩm quyền và quy định của pháp luật đối với các trường hợp nhập khẩu, tạm nhập khẩu, chuyển nhượng xe ô tô, xe gắn máy có nguồn gốc nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại nhưng thông báo giải thể, không thực hiện kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế hoặc bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh.

Khi các cục thuế thực hiện thu lệ phí trước bạ đối với các xe ô tô, xe gắn máy nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại, phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế quản lý các tổ chức, cá nhân chuyển nhượng xe có nguồn gốc nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại (các tổ chức, cá nhân bán lại xe) để xác định việc hoàn thành nghĩa vụ kê khai, nộp thuế theo quy định.

Tổng cục Thuế yêu cầu phải cử bộ phận đầu mối tại cục thuế thường xuyên trao đổi, phối hợp với cơ quan hải quan trên địa bàn và cơ quan hải quan đã chuyển thông tin về các các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy không nhằm mục đích thương mại (chi tiết đến từng công văn do cơ quan hải quan chuyển sang, từng đối tượng và lượng xe) để có các biện pháp quản lý thuế kịp thời.

 

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

* Vietnamnet.vn (15/8): Bồi dưỡng cán bộ ở nước ngoài, để đi học không thành đi shopping

Theo Kết luận số 39 mới đây, Bộ Chính trị dự kiến, từ nay đến 2025, mỗi năm sẽ cử đi nước ngoài bồi dưỡng khoảng 400 cán bộ; và khoảng 500 cán bộ mỗi năm cho giai đoạn 2026-2030.

Kế hoạch đào tạo này là sự tiếp nối Đề án 165, được Bộ Chính trị phê duyệt vào tháng 6/2008, nhằm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Gần hai thập kỷ vừa qua, cử cán bộ đi nước ngoài học tập chính là một chính sách then chốt trong tiến trình hiện đại hóa công tác cán bộ ở nước ta.

Đào tạo cán bộ ở nước ngoài, đặc biệt là các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn với cán bộ lãnh đạo, quản lý là chủ trương đúng đắn. Những chuyến du học ngắn hạn sẽ giúp cán bộ các cấp trực tiếp tiếp xúc và trải nghiệm với thực tế quốc tế đa dạng. Những bài học thu được không chỉ là kiến thức lý luận, mà quan trọng hơn là những ví dụ thực tế mà mỗi học viên đã chứng kiến trong những bối cảnh khác nhau. Bản thân mỗi học viên sẽ có những suy ngẫm về cái hay, cái đúng, và khả năng áp dụng vào bối cảnh cụ thể ở trong nước.

Nhìn rộng ra, thành công của các quốc gia khu vực Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc… đều cho thấy dấu ấn từ sự du nhập và áp dụng những bài học canh tân đất nước. Với Nhật Bản, Singapore là vai trò chủ chốt của các nhà lãnh đạo, quản lý hành chính kỹ trị. Với Trung Quốc, Hàn Quốc thì giấc mơ luôn thường trực trong tâm trí các nhà lãnh đạo, quản lý là đưa đất nước thoát nghèo, trở nên hùng cường, sánh vai cùng các quốc gia lân bang và cạnh tranh trên trường quốc tế.

Bài học thành công từ các quốc gia trong khu vực là không giống nhau. Tuy nhiên, điểm chung trong sự phát triển của các nước Á châu từ cuối thế kỷ 19 đến nay chính là tinh thần tiếp thu cái mới, cái khác biệt, và áp dụng linh hoạt vào bối cảnh cụ thể ở nước mình. Ngược lại, tư tưởng và thái độ kỳ thị, thậm chí quay lưng với những cái mới, cái khác biệt tạo nên thành công ở nước khác thì sẽ dẫn đến sự trì trệ, chậm phát triển ở nước mình.

Nguyễn Văn Đáng - Tiến sĩ Quản trị công và Chính sách cho biết: Bản thân tôi là người đã từng trực tiếp hỗ trợ và phục vụ các đoàn cán bộ được cử đi bồi dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài, trong đó có đoàn thuộc chương trình 165 đến Mỹ.

Sự đa dạng về thành viên của các đoàn được cử đi khiến công tác chuẩn bị nội dung và địa điểm học tập gặp nhiều thách thức. Thực tế, các giáo sư ở Mỹ cũng đã trao đổi với những người như chúng tôi về mối quan tâm của học viên và làm thế nào để có thể phục vụ hiệu quả nhất, chính xác nhất nhu cầu học tập của học viên.

Đây là câu hỏi rất khó trả lời thấu đáo. Do đó, các bài thuyết trình đều được chuẩn bị khá khái quát về các chủ đề lãnh đạo, quản lý chung chung. Các buổi đi thực tế cũng khó chọn điểm nhấn nên dễ trở thành các chuyến tham quan, dã ngoại vui vẻ nhưng ít thứ có thể học hỏi.

Với các chuyến bồi dưỡng ngắn và trung hạn, tâm lý người học nói chung đều thoải mái và không chịu áp lực như các chương trình đào tạo dài hạn trong các trường đại học. Bởi thế, tôi thấy học viên chủ yếu muốn được nghe, hỏi đáp, và có thảo luận. Tuy nhiên, những câu hỏi và ý kiến thảo luận đều rất mở, không thấy sự tập trung vào mối quan tâm nào cụ thể. Thực tế này rất có thể bắt nguồn từ những yêu cầu còn lỏng lẻo về báo cáo kết quả học tập cũng như các hình thức đánh giá chất lượng khóa học.

Tham quan, mua sắm là hoạt động không thể thiếu với những cán bộ được cử đi học ở nước ngoài, đặc biệt là các chuyến bồi dưỡng ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu không được tổ chức chặt chẽ cùng những quy định nghiêm khắc về đánh giá kết quả khóa học thì những đoàn cán bộ đi du học ngắn hạn rất dễ bị biến thành những đoàn lữ hành, ngao du phố phường, danh thắng, và mua sắm, còn nhiệm vụ học tập thì vui là chính.

 

QUẢN LÝ

*Chinhphu.vn (13/8): Sửa thông tư về đấu thầu thuốc để tháo gỡ cho các cơ sở y tế

 Trên thực tế, thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trong khám chữa bệnh là vấn đề đang diễn ra tại nhiều địa phương, làm ảnh hưởng tới nhu cầu và quyền lợi của người bệnh và gây khó khăn cho các cơ sở y tế.

Theo PGS.TS. Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, thời gian qua đấu thầu tập trung quốc gia chậm ảnh hưởng tới các hoạt động của các cơ sở y tế: Với các quy định về mua, đấu thầu thuốc, thì Thông tư 15 tương đối dễ thực hiện. Tuy nhiên, liên quan đến các vật tư, thiết bị y tế thì hiện tại các quy định mua sắm của chúng ta đang bó và rất khó mua. Ví dụ bây giờ chúng tôi đang muốn mua một số một số thiết bị y tế thì hiện tại các yêu cầu về 3 báo giá, khai báo để làm giá kế hoạch, không có tính cập nhật tí nào cả. Thứ nhất, 12 tháng qua và đặc biệt là 2 năm qua, chúng ta chủ yếu tập trung vào mua sắm vật tư y tế cấp bách để chống dịch. Các thiết bị y tế để chẩn đoán, điều trị cho những bệnh thông thường thì 24 tháng qua tôi khẳng định là các cơ sở y tế rất ít mua sắm. Do vậy, bây giờ chúng tôi cần 3 báo giá để mua sắm một thiết bị y tế mà lại phải cập nhật trong vòng 12 tháng. Quy định này hết sức lỗi thời. Tôi nghĩ cần được thay đổi ngay. Bây giờ tôi muốn mua một loạt thiết bị y tế và hóa chất sinh phẩm, hôm qua tôi họp các phòng ban chức năng tìm nguyên nhân tại sao đấu thầu xong lại trượt thầu, thì được báo cáo cái này không có công ty báo giá, cái kia không có công ty chào thầu. Bây giờ tổ chức đấu thầu lại thì không có 3 báo giá cho một mặt hàng này. Theo quy định không thể làm bài thầu được. Bây giờ mà Giám đốc bệnh viện cứ nhắm mắt làm thì nay mai các cơ quan hậu kiểm sẽ hỏi tại sao anh làm trái quy định.

Cũng theo PGS.TS. Đào Xuân Cơ, đây là lúc các văn bản pháp quy phải đi kịp và cần cấp bách chỉnh sửa, ngành y tế cần nhanh hơn nữa sửa đổi những Thông tư để làm sao đáp ứng được yêu cầu của các cơ sở. Đó là việc hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

 

*Chinhphu.vn (14/8): Thủ tướng yêu cầu xem xét nội dung báo chí phản ánh về bảo hiểm y tế

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét nội dung báo chí phản ánh về việc Bảo hiểm y tế đang “treo” hơn 1.600 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh, để có giải pháp xử lý theo quy định.

Báo Tuổi trẻ ngày 05/8/2022 có bài viết: Bảo hiểm y tế đang "treo" hơn 1.600 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh. Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban thực hiện Chính sách bảo hiểm y tế cho biết đến nay tổng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt trần thanh toán, vượt dự toán hoặc do một số nguyên nhân khác chưa được quyết toán đã lên đến 1.601 tỷ đồng.

Theo đại diện bệnh viện Bạch Mai, việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hiện có khoảng 26 tỷ đồng với 9 hạng mục chưa được thanh toán bảo hiểm y tế. Trong đó riêng khoản chi phí vượt tổng mức thanh toán năm 2020 là gần 21,8 tỷ đồng. Một số bệnh viện khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ngoài ra, giá dịch vụ y tế hiện cũng là khó khăn của bệnh viện công.

Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Dương Đình Chỉnh cho biết có 7 yếu tố cấu thành nên giá dịch vụ y tế, nhưng viện phí hiện tại chỉ thu 4 yếu tố, trong khi các cơ sở y tế (ngoại trừ bệnh viện phong, lao, tâm thần) đều thực hiện tự chủ tài chính; kiến nghị Bộ Y tế sớm thực hiện tính lại giá viện phí, giảm sức ép lên cơ sở y tế.

Vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét nội dung về bảo hiểm y tế tại bài báo nêu trên để có giải pháp xử lý theo quy định.   

 

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

* Nld.com.vn (16/8): Kỷ luật cách chức Phó Bí thư Gia Lai đối với ông Võ Ngọc Thành

Ngày 16-8, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai các nhiệm kỳ 2016 - 2021, 2021 - 2026 và ông Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai.

Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương, Ban Bí thư nhận thấy: Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2016 - 2021, 2021 - 2026 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc của Tỉnh uỷ và Ban cán sự đảng UBND tỉnh. Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND tỉnh và một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lâm nghiệp trong quản lý, điều hành thực hiện một số dự án trên địa bàn.

Ông Võ Ngọc Thành, với cương vị Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh và UBND tỉnh các nhiệm kỳ 2016 - 2021, 2021 - 2026. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước khi kết luận, ký một số văn bản vi phạm các quy định pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai, nhà ở, lâm nghiệp, xây dựng, quy hoạch.

Những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai các nhiệm kỳ 2016 - 2021, 2021 - 2026 và ông Võ Ngọc Thành đã gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu trong xã hội, làm giảm uy tín của cấp uỷ, chính quyền địa phương và cá nhân ông Võ Ngọc Thành.

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm và Quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2016 - 2021; Khiển trách Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2021 - 2026; Cách chức Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Lai các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025 và Bí thư Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai các nhiệm kỳ 2016 - 2021, 2021 - 2026 đối với ông Võ Ngọc Thành.

Đề nghị các cơ quan chức năng kỷ luật về hành chính theo đúng quy định đối với tập thể, cá nhân đã bị kỷ luật đảng.

 

*Vtv.vn (16/8): Khai trừ Đảng Trưởng phòng Quản trị Văn phòng Tỉnh ủy Hòa Bình

Ngày 16/8, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh Hòa Bình đã có thông báo kết luận kỳ họp tháng 8/2022. Tại kỳ họp, UBKT Đảng uỷ Khối đã xem xét, kết luận một số nội dung.

Cụ thể, UBKT Đảng uỷ Khối Các cơ quan tỉnh Hòa Bình đã xem xét kết quả kiểm tra và xem xét quyết định kỷ luật đối với ông Đỗ Hữu Tiệp, Bí thư Chi bộ Quản trị, Trưởng phòng Quản trị, Văn phòng Tỉnh ủy Hòa Bình. UBKT nhận thấy ông Đỗ Hữu Tiệp đã có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; vi phạm rất nghiêm trọng trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, thiếu trách nhiệm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; vi phạm tư cách đảng viên… về những điều đảng viên không được làm.

Với những hành vi vi phạm như trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự và lệnh bắt tạm giam đối với ông Đỗ Hữu Tiệp về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy khối quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Đỗ Hữu Tiệp - Bí thư Chi bộ Quản trị thuộc Đảng bộ Văn phòng Tỉnh ủy Hoà Bình bằng hình thức khai trừ.

Bên cạnh đó, Ủy ban kiểm tra nhận thấy, Chi bộ Quản trị trong nhiệm kỳ 2015 - 2017, 2017 - 2020 thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát đối với đảng viên trong thực thi nhiệm vụ...

UBKT Đảng ủy Khối quyết định thi hành kỷ luật Chi bộ Quản trị nhiệm kỳ 2017 - 2020 thuộc Đảng bộ Văn phòng Tỉnh ủy bằng hình thức khiển trách.

 

*Laodong.vn (16/8): Quảng Ninh: Khai trừ ra khỏi Đảng 3 đảng viên vi phạm quy định về đấu thầu

 Hôm nay (16.8), Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, các tổ chức đảng có liên quan thực hiện quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm pháp luật.

Cùng ngày, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với 3 đảng viên do vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

3 đảng viên này đang và đã làm ở các phòng, đơn vị thuộc Sở Y tế Quảng Ninh.

Cụ thể 3 đảng viên vi phạm gồm: Phạm Ngọc Dũng – chuyên viên Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh (nguyên chuyên viên Phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh);

Nguyễn Quý Thịnh – chuyên viên phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh (nguyên Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Ban Quản lý dự án các công trình y tế, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh;

Hoàng Đình Sơn – Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Quản lý dự án công nghệ thông tin, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh (nguyên Phó giám đốc Ban quản lý dự án các công trình y tế, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh).

 

*Vtv.vn (16/8): Kỷ luật cảnh cáo Đảng ủy CDC Khánh Hòa

UBKT Tỉnh ủy Khánh Hòa quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Đảng ủy bộ phận Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trực thuộc Đảng bộ Sở Y tế.

Theo đó, trong mốc thời gian từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2021, Đảng ủy bộ phận Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Khánh Hòa đã có những khuyết điểm, vi phạm:

Đảng ủy bộ phận Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa không duy trì chế độ họp định kỳ theo quy định, không ban hành nghị quyết để lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, vi phạm quy chế làm việc của Đảng ủy nhiệm kỳ 2020-2022; buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra, giám sát để Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa thực hiện việc mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, thuốc phòng chống dịch COVID-19, vi phạm các quy định của Luật Đấu thầu, Luật Kế toán, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, ngày 26/6/2014 của Chính phủ, Thông tư số 58/2016/TT-BTC, ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính và Thông tư số 14/2020/TT-BYT, ngày 10/7/2020 của Bộ Y tế; để cán bộ, đảng viên nhận quà tặng của đối tác không đúng quy định, vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng dẫn đến nguy cơ làm thất thoát ngân sách Nhà nước, một số cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật đã bị khởi tố, bắt tạm giam và bị thi hành kỷ luật về Đảng.

Những khuyết điểm, vi phạm của Đảng ủy Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa là nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa.

Liên quan đến vi phạm này, UBKT Tỉnh ủy Khánh Hòa đã thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với các đồng chí: Tôn Thất Toàn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa; Trương Thị Lan Anh, Đảng ủy viên Đảng ủy bộ phận, Trưởng khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng.

Thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với các đồng chí: Mai Thị Minh Truyền, Kế toán trưởng, Phó Trưởng phòng Tài chính - Kế toán; Lương Thị Trong, Phó Trưởng Khoa Dược - Vật tư y tế.

 

*Vtv.vn (15/8): 13 cựu lãnh đạo tỉnh Bình Dương bị buộc tội gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước

Sáng 15/8, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở Phiên tòa xét xử sơ thẩm 28 bị cáo trong vụ án sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại tỉnh Bình Dương.

Trong vụ án này, bị cáo Trần Văn Nam (tên gọi khác là Trần Quốc Tuấn, sinh năm 1963, cựu Bí thư Tỉnh ủy, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) cùng với 12 bị cáo khác đều nguyên là cán bộ, lãnh đạo tỉnh Bình Dương. Gồm: Trần Thanh Liêm (sinh năm 1962, cựu Chủ tịch UBND tỉnh, cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy); Ngô Dũng Phương (sinh năm 1964, Trưởng Phòng Tài chính Đảng thuộc Văn phòng Tỉnh ủy); Vũ Thị Lợi (sinh năm 1975, Phó Trưởng phòng Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính); Nguyễn Kim Liên (sinh năm 1964, cựu Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính); Hà Văn Thuận (sinh năm 1970, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương - cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính); Lê Văn Trang (sinh năm 1959, cựu Cục trưởng Cục Thuế tỉnh); Võ Thanh Bình (sinh năm 1954, cựu Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh); Nguyễn Thái Thanh (sinh năm 1968, Phó Trưởng phòng Quản lý các khoản thu từ đất - nay là Phòng Quản lý hộ kinh doanh cá nhân và thu khác - Cục Thuế tỉnh); Nguyễn Thanh Trúc (sinh năm 1965, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cựu Chánh Văn phòng UBND tỉnh); Võ Văn Lượng (sinh năm 1962, cựu Chánh Văn phòng UBND tỉnh, cựu Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh); Trần Xuân Lâm (sinh năm 1968, Chánh Thanh tra tỉnh, cựu Trưởng phòng Kinh tế ngành thuộc Văn phòng UBND tỉnh); Phạm Văn Cành (sinh năm 1958, cựu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy)

Các bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về cùng tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo quy định tại Điều 219, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trong số 15 bị cáo này, 3 bị cáo: Nguyễn Văn Minh, Trần Nguyên Vũ và Huỳnh Thanh Hải bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về hai tội: "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo quy định tại Điều 219, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội "Tham ô tài sản" theo quy định tại Điều 353, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự năm 2015.

3 bị cáo: Võ Hồng Cường, Nguyễn Thục Anh và Trần Đình Như Ý đều bị truy tố về tội "Tham ô tài sản" theo quy định tại Điều 353, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự năm 2015.

9 bị cáo còn lại đều bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo quy định tại Điều 219, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

 

*Cand.com.vn (15/8): Cảnh giác với hình thức lừa đảo thế chấp tài khoản iCloud

Công an huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước cho biết, lừa đảo qua không gian mạng diễn ra ngày càng phổ biến, đa phần đều tập trung vào việc đánh cắp thông tin khách hàng. Một trong số đó là cho vay tiền bằng hình thức thế chấp tài khoản iCloud.

Trước khi thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng quảng cáo các gói vay ưu đãi, không cần gặp mặt, không cần thế chấp, nhưng giải ngân nhanh chóng.

Người vay chỉ cần sử dụng điện thoại Iphone đời mới. Sau khi có khách hàng liên hệ để vay tiền, đối tượng yêu cầu người vay cung cấp tài khoản iCloud và phải bật chức năng tìm kiếm Iphone (Find my Iphone). Khi có được tài khoản iCloud của khách hàng, đối tượng nhanh chóng đổi mật khẩu iCloud và lấy hết thông tin trong điện thoại như hình ảnh, danh bạ điện thoại, tài liệu và định vị vị trí của người vay tiền. Bước tiếp theo, đối tượng yêu cầu người vay trả gốc và lãi với lãi suất cao. Thậm chí sau khi trả hết nợ, đối tượng vẫn không trả lại tài khoản iCloud và tiếp tục đòi tiền chuộc.

Công an huyện Hớn Quản cảnh báo người dân cần nói không với dịch vụ vay tiền qua app online, tránh tiền mất tật mang. Phải bảo vệ tài khoản iCoud của mình để tránh khỏi những rủi ro không mong muốn. 

 

*Hanoimoi.vn (15/8): Khởi tố 474 vụ án liên quan các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao

Bộ Công an cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao toàn quốc đã phát hiện, khởi tố 474 vụ án, với 1.071 bị can liên quan các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm trật tự an toàn xã hội. Trong đó, nổi lên là tội phạm đánh bạc, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”..

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý với tội phạm sử dụng công nghệ cao thời gian tới, Bộ Công an sẽ tập trung tham mưu với Quốc hội, Chính phủ trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự trên không gian mạng internet. Bộ cũng tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, ngân hàng thương mại trong việc trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ hoạt động điều tra, xử lý tội phạm; siết chặt quản lý đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (Facebook, Google...).

Ngoài ra, lực lượng Công an cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát, Tòa án cùng cấp điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, công khai, lưu động một số vụ điển hình, dư luận quan tâm để răn đe, phòng ngừa chung...

 

THẾ GIỚI

* Nhandan.com.vn (16/8): Thái Lan sẽ loại bỏ xe buýt chạy xăng ở thủ đô

Bộ Giao thông Thái Lan cho biết, trong vòng 3 năm tới, Cơ quan Vận tải công cộng thành phố Bangkok (BMTA) sẽ mua 3.200 chiếc xe buýt điện để thay thế toàn bộ xe buýt chạy bằng xăng trên các tuyến đường ở thủ đô Thái Lan.

Theo Phó Bí thư Thường trực Bộ Giao thông Thái Lan Sorapong Paitoonphong, động thái trên là một phần trong kế hoạch phục hồi kinh doanh, dự kiến được Cơ quan Vận tải công cộng thành phố Bangkok (BMTA) trình chính phủ xin phê duyệt trong vòng 2 tháng tới.

Trước đó, Văn phòng Chính sách doanh nghiệp nhà nước Thái Lan đã hướng dẫn BMTA sửa đổi kế hoạch khôi phục kinh doanh, bổ sung việc tích hợp công nghệ xe điện.

Từ năm 2020, BMTA đã có kế hoạch mua 2.800 xe để thay thế các xe buýt cũ đang hoạt động trên 109 tuyến trong thành phố. Theo kế hoạch mới được sửa đổi, BMTA sẽ mua sắm xe buýt chạy điện để thay thế đội xe buýt chạy xăng đã cũ kỹ. Tuy nhiên, BMTA hiện chưa quyết định sẽ mua hay thuê các xe buýt điện này.

Trong thời gian chờ hoàn tất kế hoạch, MBTA dự kiến sẽ thuê một số công ty vận hành 224 chiếc xe buýt trên một số tuyến nhất định với khoản chi phí khoảng 953 triệu bạt.

Trong khi đó, các công ty được nhượng quyền vận hành 54 tuyến xe buýt ở Bangkok và các tỉnh lân cận sẽ bắt đầu thay thế các xe buýt cũ bằng xe buýt chạy điện trong tháng này.

 

* Nhandan.com.vn (16/8): Canada nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu nhân viên y tế

Mặc dù các bệnh viện trên khắp Canada đang đương đầu với tình trạng thiếu nhân lực, song một lượng lớn đơn xin nhập cư chưa được xử lý, khiến nhiều người có chuyên môn y tế không được làm việc tại nước này. Theo Bộ Nhập cư, tị nạn và quốc tịch Canada (IRCC), trong tháng 6 vừa qua, hơn 2,4 triệu đơn đăng ký nhập tịch bị tồn đọng. Hiệp hội Y tá Ontario cho biết, khoảng 26 nghìn y tá sẵn sàng làm việc tại tỉnh này và hiện chỉ chờ được chấp thuận.

Người phát ngôn Bộ Y tế Canada thông báo, Chính phủ Canada đang thực hiện từng bước các biện pháp để giải quyết những vấn đề tồn đọng của hệ thống y tế, trong đó có tình trạng kiệt sức của lực lượng lao động. Một khoản ngân sách liên bang trị giá 140 triệu USD được chi để hỗ trợ Wellness Together Canada, một cổng thông tin trực tuyến chuyên cung cấp các công cụ và dịch vụ miễn phí về chăm sóc sức khỏe tâm thần. Một khoản ngân sách khác trị giá 115 triệu USD cũng sẽ được giải ngân trong 5 năm để mở rộng chương trình công nhận các chứng chỉ chăm sóc sức khỏe của nước ngoài và cho phép các chuyên gia chăm sóc sức khỏe nước ngoài đến làm việc tại Canada.

Trước đó, hồi tháng 3, Bộ Y tế Canada đã công bố khoản tài trợ 2 tỷ USD nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề về chăm sóc sức khỏe sau đại dịch tại các tỉnh và vùng lãnh thổ của Canada. Hàng triệu USD đã được chi để duy trì số lượng nhân viên y tế ở các khu vực nông thôn và cộng đồng xa thành thị của Canada.

 

*Laodong.vn (15/8): Châu Âu vật lộn với hạn hán tồi tệ nhất 500 năm

Mùa màng, các nhà máy điện, giao thông sà lan, công nghiệp và quần thể cá bị ảnh hưởng khi các dòng sông ở Châu Âu đang cạn kiệt. 

Khắp Châu Âu, hạn hán đang khiến những dòng sông khô cạn, gây ra những hậu quả tiềm tàng nghiêm trọng với ngành công nghiệp, vận tải hàng hóa, năng lượng và sản xuất lương thực - những lĩnh vực vốn chịu ảnh hưởng của thiếu hụt nguồn cung và giá cả tăng cao do xung đột Nga - Ukraina. 

Do mùa đông và mùa xuân khô hạn bất thường sau đó là nhiệt độ mùa hè kỷ lục cùng các đợt nắng nóng lặp đi lặp lại khiến các tuyến đường thủy thiết yếu của Châu Âu bị cạn kiệt, theo The Guardian. 

Không có lượng mưa đáng kể nào được ghi nhận trong gần 2 tháng qua khắp tây, trung và nam Châu Âu. Dự báo thời tiết cũng không nhận thấy khả năng có mưa ở Châu Âu trong tương lai gần. Các nhà khí tượng học cảnh báo, hạn hán lần này có thể trở thành đợt hạn hán tồi tệ nhất của châu lục trong hơn 500 năm.

 

*Laodong.vn (15/8): Anh phê duyệt vaccine Moderna thế hệ mới chống Omicron

Vaccine Moderna mới được cập nhật để chống biến thể Omicron đã được cơ quan quản lý dược phẩm của Vương quốc Anh phê duyệt, theo thông báo của cơ quan này ngày 15.8. 

Về việc phê duyệt vaccine Moderna mới, Cơ quan quản lý các sản phẩm y tế và chăm sóc sức khỏe (MHRA) của Anh ra thông cáo xác nhận đã phê duyệt vaccine này làm liều nhắc lại cho người lớn sau khi xác nhận vaccine đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng và hiệu quả của cơ quan quản lý Vương quốc Anh

Đây là loại vaccine COVID-19 "thể lưỡng trị" đầu tiên được cơ quan quản lý của Anh phê duyệt, AFP lưu ý. 

Giám đốc điều hành của MHRA, June Raine, cho biết, dữ liệu từ một thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine mới được phê duyệt thúc đẩy một "phản ứng miễn dịch mạnh mẽ" chống lại virus gốc và biến thể Omicron cũng như cung cấp một "công cụ sắc bén trong kho vũ khí của chúng ta" khi virus gây dịch COVID-19 tiếp tục phát triển.

 

* TTXVN (15/8): Hàn Quốc dự kiến sẽ cắt giảm chi ngân sách vào năm tới

Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ cắt giảm chi ngân sách vào năm tới, trong bối cảnh quốc gia này đang thực hiện "thắt lưng buộc bụng" do khó khăn kinh tế và lạm phát.

Bộ Tài chính Hàn Quốc ngày 13/8 cho biết ngân sách năm 2023 sẽ thấp hơn mức 679.500 tỷ won (520 tỷ USD) của năm nay.

Ban đầu chính phủ dự kiến ngân sách ở mức 607.000 tỷ won cho năm 2022, tuy nhiên con số thực tế đã tăng sau khi Seoul bổ sung các khoản chi hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương và doanh nghiệp trong đại dịch.

Đây sẽ là lần đầu tiên trong 13 năm trở lại đây chi ngân sách của Hàn Quốc giảm so với năm trước. Trong một phát biểu ngày 13/8, Bộ trưởng Tài chính Choo Kyung-ho cho biết Chính phủ cũng có kế hoạch xem xét lại lương của các bộ trưởng, thứ trưởng, và những quan chức này sẽ phải nộp lại khoảng 10% thu nhập.

 

* Tuoitre.vn (15/8): Trung Quốc cắt giảm lãi suất chủ chốt lần thứ 2 trong năm

Ngày 15-8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã bất ngờ cắt giảm lãi suất chủ chốt - lãi suất do ngân hàng trung ương đặt ra cho các ngân hàng lớn - nhằm phục hồi nhu cầu tín dụng, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Trong thông báo, PBoC giảm lãi suất chủ chốt từ 2,85% xuống 2,75% đối với các khoản vay trong khuôn khổ cơ chế cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn một năm, áp dụng với các ngân hàng lớn và "bơm" thêm 400 tỉ nhân dân tệ (59,33 tỉ USD) vào thị trường.

Ngoài ra, PBoC cũng giảm 10 điểm cơ bản của chi phí cho vay từ 2,10% xuống 2,00% cho các hợp đồng mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày.

Đây là lần thứ 2 trong năm nay  PBoC cắt giảm lãi suất để phục hồi nhu cầu của người tiêu dùng. Trước đó, vào tháng 1 năm nay,  PBoC đã giảm 10 điểm cơ bản, từ 3,8% xuống 3,7%, lãi suất cơ bản cho vay một năm. Lãi suất này ảnh hưởng đến lãi suất cho vay đối với các khoản vay của các hộ gia đình và doanh nghiệp trong nước.

 

* Hanoimoi.com.vn (15/8): Nga công bố tình hình kinh tế quý II-2022: Vững vàng trước sóng gió

Cơ quan thống kê Nga (Rosstat) ghi nhận nền kinh tế Nga suy giảm mạnh trong quý II-2022 với gánh nặng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, nền kinh tế Nga đã vượt qua cú sốc trừng phạt ban đầu, thể hiện sức chống chịu tốt, thậm chí hơn nhiều so với dự đoán. Vì thế, sự sụt giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II-2022 không quá nghiêm trọng.

Theo báo cáo đầu tiên ghi nhận đầy đủ sự thay đổi của nền kinh tế kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, GDP của xứ Bạch dương trong quý II-2022 giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Thực tế, GDP của Nga đã liên tiếp suy giảm trong những tháng sau xung đột với Ukraine. Bộ Phát triển kinh tế Liên bang Nga ghi nhận, GDP nước này trong tháng 6-2022 giảm 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 4,3% vào tháng 5 và giảm 2,8% trong tháng 4.

Rosstat đánh giá, tình trạng giảm GDP là do doanh thu trong các lĩnh vực đều giảm. Doanh thu bán lẻ giảm 9,8%, bán buôn giảm 15,3%. Doanh thu từ dịch vụ vận tải hành khách giảm 5,3%, vận tải hàng hóa giảm 2,9% và công nghiệp chế biến giảm 3,3%... Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã thổi bay khoảng một nửa số dự trữ ngoại tệ và vàng của Nga. Song, nền kinh tế Nga đã vững vàng trước sóng gió. Sự kiên cường này đến từ hàng loạt các biện pháp ứng phó hiệu quả trước làn sóng trừng phạt.

Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Nga tăng hơn gấp đôi lãi suất (lên 20%) nhằm hạn chế dòng tiền ra khỏi đất nước; đóng cửa giao dịch chứng khoán trên Sàn giao dịch Mátxcơva và nới lỏng các quy định đối với các ngân hàng, kiềm chế các khoản vay. Chính phủ tăng chi tiêu xã hội hỗ trợ các hộ gia đình và các khoản vay cho doanh nghiệp bị tổn thương bởi các lệnh trừng phạt. Nga cũng thành công khi chuyển hướng nguồn cung dầu xuất khẩu sang các nước châu Á và có được tăng trưởng xuất khẩu, thu ngân sách từ dầu khí trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng cao.

 

* Hanoimoi.com.vn (15/8): Số vụ cháy rừng tại châu Âu tăng mức kỷ lục

Hệ thống Thông tin về cháy rừng của châu Âu (EFFIS) ngày 14-8, cho biết, số vụ cháy rừng tại châu lục này từ đầu năm tới nay đã tăng mức kỷ lục với gần 660.000ha rừng bị tàn phá. Nhiều người dân phải rời bỏ nhà cửa, nhiều khu rừng bị thiêu rụi ở các nước như Áo, Croatia, Pháp, Hy Lạp, Italia, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Các chuyên gia của EFFIS cảnh báo, các đợt nắng nóng thường xuyên hơn và dài hơn đang diễn ra tại châu Âu và quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Tây Ban Nha với 244.924ha rừng bị cháy, tiếp theo là Romania (150.528ha rừng) và Bồ Đào Nha (77.292ha).

The ông Jesus San-Miguel, điều phối viên của EFFIS, tình hình hạn hán và nhiệt độ ở mức cực cao đã ảnh hưởng đến toàn châu Âu trong năm nay. Tổng mức bức xạ của cháy rừng mỗi ngày - thước đo cường độ của các đám cháy rừng - ở Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong tháng 7 và tháng 8 cao hơn đáng kể so với mức trung bình.

EFFIS nhận định, phần lớn khu vực Tây Âu hiện đang trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến bạn đọc

    Tin mới nhất

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23/12 đến 26/12 năm 2023(26/12/2023 10:49 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 20/12 đến 22/12 năm 2023(22/12/2023 7:33 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 16/12 đến 19/12 năm 2023(19/12/2023 9:45 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 13/12 đến 15/12 năm 2023(15/12/2023 11:03 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 09/12 đến 12/12 năm 2023(12/12/2023 6:36 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 05/12 đến 08/12 năm 2023(08/12/2023 11:28 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01/12 đến 04/12 năm 2023(05/12/2023 5:51 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/11 đến 1/12 năm 2023 (01/12/2023 8:54 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25/11 đến 27/11 năm 2023(27/11/2023 8:59 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 3/11 đến 8/11 năm 2023(08/11/2023 9:22 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/10 đến 31/10 năm 2023(01/11/2023 9:20 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 21/10 đến 24/10 năm 2023(25/10/2023 9:34 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 11/10 đến 13/10 năm 2023(24/10/2023 5:47 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 9:22 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 2:34 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 7/10 đến 10/10 năm 2023(11/10/2023 5:11 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 04 đến ngày 06 tháng 10 năm 2023(06/10/2023 10:50 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 10 năm 2023(04/10/2023 4:02 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 8 năm 2023(31/08/2023 2:12 SA)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 8 năm 2023(25/08/2023 5:33 CH)

    << < 1 2 3 4 5  ... > >> 
    °
    Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
    373 người đã bình chọn