Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 5 năm 2022

Update 20 - 05 - 2022
100%

PHẦN I: TIN ĐIỆN BIÊN

  

*Dienbientv.vn (20/5): Huyện Điện Biên phát triển gần 1.200ha cây ăn quả

Thời giangần đây, diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện Điện Biên không chỉ được mở rộng mà đang từng bước hình thành các vùng chuyên canh, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Đến nay, toàn huyện đã phát triển gần 1.200 ha cây ăn quả các loại.

Gần 1.200 ha cây ăn quả trên địa bàn huyện Điện Biên, chủ yếu là: nhãn, vải, bưởi, cam, mít, thanh long, vú sữa… Trong đó có khoảng 200ha trồng tập trung theo quy mô trang trại, hiệu quả kinh tế cao như: bưởi da xanh, bưởi Diễn tại các xã Noong Luống, Thanh Xương, Thanh Chăn, Thanh Yên... với diện tích trên 60ha; 22ha cây vú sữa tại xã Thanh Hưng, Thanh Luông; thanh long trồng tại Thanh Xương….

Để phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, thủy lợi, khí hậu nhiệt đới đặc trưng vùng núi Tây Bắc, huyện Điện Biên đã và đang từng bước triển khai phát triển vùng trồng cây ăn quả chủ lực, đặc trưng như: mở rộng diện tích trồng bưởi da xanh tại các xã lòng chảo lên hơn 80ha; mở rộng diện tích vùng trồng dứa tập trung tại xã Mường Nhà lên trên 70ha; mở rộng diện tích trồng cây bơ tại xã Núa Ngam…

Đồng thời phối hợp với một số đơn vị có năng lực thực hiện liên kết từ vật tư đầu vào, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả theo hướng hàng hóa tập trung và bền vững. Lộ trình giai đoạn 2021 - 2025 huyện Điện Biên dự kiến xây dựng trên 500ha cây ăn quả theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.

 

*Baodienbienphu.info.vn (18/5): Thiếu kinh phí di dời dân khỏi vùng thiên tai

Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh bố trí ổn định cho 620 hộ dân vùng có nguy cơ thiên tai theo Quyết định 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chương trình bố trí dân cư giai đoạn 2013 - 2019 và rà soát, điều chỉnh bổ sung thực hiện bố trí dân cư giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, công tác di dời đang gặp nhiều khó khăn, một phần thiếu kinh phí, một phần do tập quán cư trú của người dân.

Huyện Mường Nhé là một trong những địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai, nhất là lũ quét, sạt lở đất. Qua rà soát, toàn huyện có hơn 40 hộ dân trên địa bàn các xã: Pá Mỳ, Mường Nhé, Chung Chải, Nậm Vì, Nậm Kè… nằm trong vùng nguy cơ thiên tai, cần được di dời đến nơi an toàn. Song công tác di dời các hộ dân từ những vùng có nguy cơ sạt lở cao, khẩn cấp đến nơi ở mới an toàn vẫn còn nhiều khó khăn. Điển hình như bản Pá Mỳ 3 (xã Pá Mỳ) có 26 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở cao, nhưng từ nhiều năm nay người dân vẫn chưa được di chuyển đến nơi ở mới.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé, nguyên nhân do nguồn kinh phí của huyện hạn chế. Trong khi mức kinh phí hỗ trợ dân di dời theo Quyết định 1776/QĐ-TTg từ 20 - 30 triệu đồng/hộ là rất thấp; đặc biệt, từ năm 2020 đến nay đã hết hiệu lực (giai đoạn 2021 - 2025 chưa có văn bản, quy định, hướng dẫn thực hiện tiếp). Hơn nữa, việc tìm quỹ đất để di chuyển dân cũng gặp nhiều khó khăn. Tập quán của người dân không muốn đến nơi ở mới xa cộng đồng bản cũ. Mặc dù huyện đã tuyên truyền, vận động, giải thích nhưng người dân vẫn không di chuyển với lý do đã quen với cuộc sống ở nơi cũ.

Qua rà soát, hiện nay trên địa bàn huyện Mường Chà cũng còn nhiều hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa lũ, sạt lở đất, chủ yếu trên địa bàn các xã: Mường Tùng, Huổi Lèng, Sa Lông, Ma Thì Hồ, Mường Mươn, Na Sang...

Ông Lò Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mường Tùng cho biết: Hiện nay, toàn xã còn 7 hộ thuộc bản Đán Đanh nằm trong vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai, sạt lở đất. Các hộ dân này nằm ven suối, đồi, rất dễ xảy ra sạt lở đất nếu mưa to kéo dài. Xã không có kinh phí để di chuyển, vì vậy xã đã làm tờ trình đề nghị huyện quan tâm, hỗ trợ di chuyển các hộ dân này đến nơi an toàn. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn hơn 10 hộ dân nằm trong vùng thiên tai mức độ nhẹ, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, trước mùa mưa năm nay xã đã có văn bản chỉ đạo tuyên truyền người dân nêu cao cảnh giác, đề phòng mưa lũ, thiên tai.

Qua rà soát, giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh cần bố trí ổn định cho 620 hộ dân vùng có nguy cơ thiên tai; trong đó bố trí tập trung 239 hộ, bố trí xen ghép 354 hộ và ổn định tại chỗ 27 hộ. Theo đó, năm 2021 bố trí ổn định cho 133 hộ dân; năm 2022 bố trí 130 hộ; năm 2023 và 2024 mỗi năm 117 hộ và năm 2025 bố trí 123 hộ dân. Để thực hiện được mục tiêu này, nguồn vốn dự kiến trong giai đoạn này hơn 869 tỷ đồng bao gồm bố trí dân cư vùng có nguy cơ thiên tai; vùng đặc biệt khó khăn và biên giới. Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, dự kiến đầu tư 30km giao thông, 4 công trình thủy lợi, 2 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, 2 công trình san lấp mặt bằng khu dân cư… Tuy nhiên, Quyết định 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2020 đã hết hiệu lực; trong khi giai đoạn mới đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện tiếp theo. Vì vậy, từ năm 2021 đến nay, các địa phương không có vốn thực hiện di chuyển dân ra khỏi vùng thiên tai.

Việc di dời người dân ra khỏi vùng thiên tai là nhiệm vụ cấp bách, bắt buộc nhằm giảm thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra mưa lũ, sạt lở đất đá. Trong điều kiện khó khăn về kinh phí, quỹ đất, các địa phương, nhất là chính quyền cơ sở cần chủ động theo dõi tình hình, diễn biến thời tiết để sớm có phương án di chuyển người dân tạm thời đến nơi an toàn trong những ngày mưa, lũ lớn. Bên cạnh đó, cần linh hoạt trong việc lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ di chuyển dân và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, chủ động bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và hợp tác với chính quyền trong thực hiện tái định cư. Mỗi người dân cần chủ động trang bị các kỹ năng phòng chống, nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai để hạn chế thấp nhất thiệt hại.

 

*Baodienbienphu.info.vn (19/5): Khánh thành công trình Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Vàng Đán

Ngày 19/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và Công ty Điện lực Điện Biên phối hợp với UBND huyện Nậm Pồ tổ chức Lễ khánh thành công trình Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Vàng Đán, xã Vàng Đán.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Vàng Đán được khởi công xây dựng từ tháng 9/2020, với tổng mức đầu tư 12 tỷ đồng từ nguồn vốn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (8,4 tỷ đồng) và nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, giai đoạn 2021 - 2025 (3,6 tỷ đồng). Công trình gồm các hạng mục: Nhà hiệu bộ, nhà lớp học (10 phòng), nhà nội trú của học sinh (2 nhà, 6 gian) và các hạng mục phụ trợ (sân bê tông, bậc lên xuống, cấp điện tổng thể)… được thi công đảm bảo về kỹ thuật và mỹ thuật.

Nhân dịp này, ngành Điện trao tặng 50 suất học bổng (500 nghìn đồng/suất), Hội Khuyến học tỉnh trao 20 suất học bổng (500 nghìn đồng/suất) cho học sinh nghèo vượt khó; Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và Công ty Điện lực Điện Biên trao tặng 500 suất quà (gồm áo khoác, vở viết, ba lô) cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của huyện.

 

* Laodong.vn (18/5):  Thuốc diệt cỏ và hệ lụy ở vùng cao Điện Biên

Từ nhiều năm qua, hầu hết nông dân vùng cao đã sử dụng thuốc diệt cỏ trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc sử dụng vô tội vạ thuốc ngoài danh mục, không rõ nguồn gốc lại đang trở thành vấn đề đáng báo động.

Sử dụng phổ biến tại nhiều nơi

Tình trạng sử dụng các loại thuốc nằm ngoài danh mục cho phép, các loại thuốc không rõ nguồn gốc có các thành phần hóa học vô cùng độc hại đang diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương vùng cao.

Bên cạnh đó, đa số người dân sử dụng, pha chế các loại thuốc bằng cảm quan và kinh nghiệm, không theo hướng dẫn có thể để lại nhiều hệ lụy to lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người.

Qua khảo sát ở một số địa phương như huyện Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Mường Ảng, Tuần Giáo, phóng viên đã tận mắt chứng kiến nhiều trường hợp sử dụng thuốc diệt cỏ không rõ nguồn gốc được mua ở chợ và một số nguồn mà không phải mua tại các cơ sở chính thống được phép kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật.

Tình trạng này tại các địa bàn vùng cao diễn ra khá phổ biến bởi hầu hết diện tích nông nghiệp là núi đá, khó khăn trong việc chăm bón, làm cỏ. Đó là lý do người nông dân ở đây coi thuốc diệt cỏ như một “giải pháp cứu cánh” trong sản xuất nông nghiệp vì giảm được rất nhiều công chăm sóc.

Có thể thấy, thuốc diệt cỏ được bày bán la liệt trong các phiên chợ vùng cao, đa dạng về chủng loại và mẫu mã. Thuốc được đóng sẵn trong các can nhựa, lọ nhựa từ nhỏ đến lớn, thậm chí có cả can 5 lít… Cùng với đó là các loại bình phun và dụng cụ đi kèm.

Khi được hỏi tại sao không mua thuốc được bày bán ở các cơ sở chính thống mà ngành nông nghiệp và cán bộ khuyến nông hướng dẫn thì nhiều người cho biết: “Thuốc bán ở chợ “tốt hơn” vì nó có tác dụng mạnh hơn và giá thành lại rẻ…”. Đó cũng là lý do có những gia đình mua cả vài can về tích trữ để dùng cho cả năm.

Theo các chuyên gia về nông nghiệp thì thuốc diệt cỏ (loại đã bị đưa ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật) có một số thành phần cực độc song chỉ hấp thu vào cây trồng một tỉ lệ nhỏ, còn lại thấm vào đất, hòa tan vào nước ngầm.

Do vậy, việc sử dụng thuốc diệt cỏ tràn lan sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng, lượng tồn dư hoạt chất của thuốc ngấm vào đất, tan vào dòng nước, tích tụ trong động vật, thuỷ sinh và tiêu diệt vi sinh vật có ích, gây mất cân bằng sinh thái…

Nguy hiểm hơn, hiện nay hầu hết người dân vùng cao vẫn đang phải lấy nước sinh hoạt từ các khe núi, sông suối và các mạch nước ngầm không qua xử lý.

Cơ quan chức năng địa phương nói gì?

Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Nguyễn Thị Thanh Nga - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tuần Giáo cho biết, hiện nay theo quy định thì các loại thuốc bảo vệ thực vật nói chung và thuốc diệt cỏ nói riêng có các thành phần hóa chất độc hại đã được đưa ra khỏi danh mục và bị cấm sản xuất, lưu hành. Các loại thuốc được phép sử dụng chủ yếu thiên về thành phần hữu cơ, ít độc hại.

“Tuy nhiên qua kiểm tra thực tế thì vẫn có tình trạng người dân sử dụng các loại thuốc bị cấm do họ mua bán chui từ các nguồn không chính thống. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân. Còn việc kiểm tra, xử lý cần phải có các lực lượng liên ngành vào cuộc…” - Bà Nga nói.

Ông Hoàng Mạnh Hùng - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Mường Ảng - cho biết: “Nếu phát hiện các cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật bán thuốc ngoài danh mục thì chúng tôi sẽ lập biên bản và thông báo cho các cơ quan chức năng phối hợp xử lý. Tuy nhiên trong năm 2021-2022 chưa phát hiện trường hợp nào”.

Về thực trạng nhiều người dân, đặc biệt là người dân vùng cao vẫn sử dụng thuốc trừ cỏ đã bị cấm, ông Hoàng Mạnh Hùng cũng thừa nhận là có và khẳng định: “Việc sử dụng các loại thuốc trừ cỏ không nằm trong danh mục ảnh hưởng rất lớn đến môi trường cũng như sức khỏe người dân. Tuy nhiên, trách nhiệm điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân buôn bán trái phép loại thuốc này thuộc cơ quan công an, quản lý thị trường và các đơn vị liên quan khác…”.

 

PHẦN II: TIN TỨC – THỜI SỰ

TIÊU ĐIỂM

*Chinhphu.vn (19/5): Từ 1/6, cấp hộ chiếu phổ thông qua Cổng dịch vụ công

Từ ngày 1/6/2022, người dân có thể khai cấp hộ chiếu phổ thông (không gắn chíp) qua Cổng Dịch vụ công Bộ Công an, thanh toán trực tuyến, nhận hộ chiếu qua bưu chính hoặc tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

Thực hiện Đề án của Chính phủ về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06) và Quyết định số 10695/QĐ-BCA ngày 25/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cung cấp trên Cổng Dịch vụ công của Bộ Công an năm 2022, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp hộ chiếu phổ thông (hộ chiếu không gắn chíp điện tử) cho công dân Việt Nam ở mức độ 4.

Theo đó, công dân Việt Nam ở trong nước có căn cước công dân gắn chíp điện tử hoặc căn cước công dân 12 số còn giá trị, có khả năng thanh toán lệ phí trực tuyến qua hệ thống thanh toán điện tử, có thể đăng nhập vào Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc Cổng Dịch vụ công của Bộ Công an để đăng ký hồ sơ, thanh toán lệ phí trực tuyến, nhận hộ chiếu qua bưu chính hoặc đến nhận trực tiếp tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh khi có kết quả.

Về quy trình trình thực hiện, công dân truy cập Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an tại địa chỉ https://dichvucong.bocongan.gov.vn, đăng nhập, điền đầy đủ thông tin đề nghị cấp hộ chiếu theo mẫu X01, địa chỉ email, tải lên ảnh chân dung (để in trên hộ chiếu), lựa chọn hình thức nhận hộ chiếu (qua dịch vụ bưu chính hoặc đến cơ quan xuất nhập cảnh nhận trực tiếp), địa chỉ nhận hộ chiếu, thanh toán lệ phí trực tuyến khi được cán bộ tiếp nhận hồ sơ gửi yêu cầu. 

Trường hợp công dân không đủ điều kiện sử dụng dịch vụ công mức độ 4 hoặc có nhu cầu nộp hồ sơ trực tiếp thì áp dụng quy trình đăng ký, tiếp nhận, xử lý hồ sơ cấp hộ chiếu hiện hành.

Với việc triển khai cấp hộ chiếu qua Cổng dịch vụ công cấp độ 4, công dân có thể chủ động khai tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu qua mạng Internet vào bất kỳ thời gian, địa điểm nào, bằng các phương tiện có kết nối Internet mà không phải đến trực tiếp cơ quan xuất nhập cảnh để xếp hàng nộp tờ khai, chụp ảnh.  

Theo kế hoạch đề ra, từ ngày 04 -14/5/2022, Cục Quản lý xuất nhập cảnh phối hợp với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan tiến hành chạy thử nghiệm, hoàn thiện hệ thống.

Từ ngày 15/5/2022, việc cung cấp dịch vụ công nêu trên được triển khai thí điểm tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh và Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an thành phố Hà Nội và sẽ được chính thức triển khai trên toàn quốc kể từ ngày 01/6/2022./.

 

*Vietnamplus.vn (20/5): Thực hiện thành công nuôi cấy tai người dưới cẳng tay và cấy ghép lại

Sau 3 tháng để vành tai phát triển ở cẳng tay, êkíp của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương đã chuyển ghép “chiếc tai mới” này lên gương mặt bệnh nhân để hoàn tất quá trình tạo hình.

Ngày 20/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị vừa thành công việc nuôi cấy tai người dưới cẳng tay và ghép lại cho bệnh nhân. Đây là trường hợp cấy ghép thành công đầu tiên tại Việt Nam và là trường hợp thứ 3 trên thế giới được thực hiện theo kỹ thuật phức tạp này.

Trước đó, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân nam không may bị tai nạn xe máy nghiêm trọng gây chấn thương gãy cột sống. Trong lúc bị tai nạn, do chấn thương nên bệnh nhân không thể di chuyển, nhớt từ xe chảy ra gây bỏng nửa mặt và lỗ tai bên phải.

 

CHÍNH SÁCH – VĂN BẢN – NGHỊ ĐỊNH MỚI

*Chinhphu.vn (19/5): Tổ chức Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 – 2025

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 – 2025.

Phấn đấu không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí

Mục đích của Kế hoạch nhằm tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ hống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vận động các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chủ động, trách nhiệm, tích cực tham gia thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, nhất là thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 -2025.

Tổ chức Phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, phấn đấu thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025: Phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí; tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu đối với các xã, huyện, tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó, ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Phấn đấu cả nước có khoảng từ 17 - 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; phấn đấu 60% số thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

 

*Chinhphu.vn (19/5): Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường các biện pháp hỗ trợ người lao động

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Công điện 431/CĐ-TTg ngày 19/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp triển khai hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, phát triển thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội.

 

*Chinhphu.vn (19/5): Bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Chương trình).

Chương trình thực hiện bố trí ổn định dân cư theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước tại các vùng: Thiên tai (sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ, lũ quét, ngập lụt, nước dâng); đặc biệt khó khăn (thiếu đất, thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt, thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu; ô nhiễm môi trường; các làng chài trên sông nước, đầm phá); biên giới, hải đảo (gồm cả Khu kinh tế - quốc phòng); vùng dân di cư tự do đến đời sống quá khó khăn và khu rừng đặc dụng.

Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021 - 2030, thực hiện bố trí ổn định 121.290 hộ, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 bố trí ổn định 64.283 hộ, bao gồm: 47.159 hộ vùng thiên tai; 3.726 hộ vùng đặc biệt khó khăn; 2.872 hộ vùng biên giới, hải đảo; 10.526 hộ di cư tự do, hộ cư trú trong khu rừng đặc dụng.

Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do; tại các vùng dự án bố trí ổn định dân cư: Tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 3%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 45% trở lên; tỷ lệ hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn đạt 98% trở lên; không còn nhà tạm, dột nát; tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố đạt 90% trở lên.

Giao đất ở, đất sản xuất cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc dự án bố trí ổn định dân cư

Một trong những nội dung và giải pháp thực hiện Chương trình là bố trí đất ở, nhà ở, đất sản xuất, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu. Cụ thể, căn cứ quy định của pháp luật về đất đai và các quy định của pháp luật có liên quan, các địa phương có biện pháp giao đất ở, đất sản xuất cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc dự án bố trí ổn định dân cư, đảm bảo đúng quy định, phù hợp với điều kiện thực tế, tập quán ở địa phương. Thực hiện miễn, giảm tiền sử dụng đất ở đối với các hộ gia đình, cá nhân theo quy định.

Hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu đối với vùng bố trí ổn định dân cư tập trung theo dự án được duyệt, bao gồm các hạng mục: Bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có); san lấp mặt bằng đất ở tại điểm tái định cư; khai hoang đất sản xuất (đối với khai hoang tập trung); đường giao thông (nội vùng dự án và đường nối điểm dân cư mới đến tuyến giao thông gần nhất); thuỷ lợi, điện sinh hoạt, nước sinh hoạt và một số công trình thiết yếu khác.

Hỗ trợ trực tiếp các hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng của Chương trình, bao gồm: Di chuyển người và tài sản, khai hoang, nhà ở, lương thực (trong thời gian đầu tại nơi tái định cư), nước sinh hoạt (nơi không có điều kiện xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung). Hộ gia đình, cá nhân đang cư trú hợp pháp trong khu rừng đặc dụng được bố trí tái định cư hưởng chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định hiện hành.

Hỗ trợ địa bàn nơi bố trí dân cư xen ghép theo chỉ tiêu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao thuộc đối tượng của Chương trình để thực hiện các việc: Điều chỉnh đất ở, đất sản xuất giao cho các hộ mới đến (khai hoang, bồi thường theo quy định khi thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất), xây mới hoặc nâng cấp lớp học, trạm y tế, thủy lợi nội đồng, đường dân sinh, công trình điện sinh hoạt, công trình cấp nước cộng đồng và một số công trình hạ tầng thiết yếu khác. Các hạng mục công trình được lựa chọn để nâng cấp hoặc đầu tư mới theo thứ tự ưu tiên, có sự tham gia của cộng đồng người dân sở tại.

Hỗ trợ ổn định dân cư tại chỗ: Hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống ở vùng có nguy cơ thiên tai nhưng không còn quỹ đất xây dựng khu tái định cư để di chuyển phải bố trí ổn định tại chỗ được hỗ trợ để nâng cấp nhà ở và vật dụng phòng, chống thiên tai thiết yếu khác.

Ưu tiên hỗ trợ tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ gia đình

Về phát triển sản xuất, hỗ trợ vùng dự án bố trí ổn định dân cư phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác; xây dựng các mô hình, dự án phát triển sản xuất, vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chế biến, bảo quản, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn; thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hình thành các sản phẩm OCOP đa giá trị gắn với lợi thế vùng, miền, quốc gia; thúc đẩy phát triển các mô hình làng du lịch văn hóa cộng đồng gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Ưu tiên hỗ trợ các hộ gia đình về tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, giống, thiết bị, vật tư, dụng cụ sản xuất, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thú y; hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi, cải tạo ao nuôi thủy sản và các hoạt động khác liên quan đến sản xuất, vay vốn tín dụng chính sách và vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định hiện hành.

Hỗ trợ các hoạt động phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế khác cho người dân phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của người dân, cộng đồng, phù hợp với mục tiêu của Chương trình và quy định của pháp luật.

 

* Chinhphu.vn (19/5): Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện 19 nhiệm vụ và quyền hạn

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Thông tư 05/2022/TT-BKHĐT hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Kế hoạch và Đầu tư thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, và Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

19 nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thông tư nêu rõ, Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch và đầu tư và các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau:

Trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Dự thảo kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của tỉnh, dự kiến kế hoạch bố trí vốn đầu tư công 5 năm và hàng năm nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; kế hoạch xúc tiến đầu tư, chương trình xúc tiến đầu tư hằng năm, danh mục dự án thu hút đầu tư của địa phương; các cân đối chủ yếu về kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có cân đối vốn đầu tư công.

Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Dự thảo quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có) thuộc Sở theo quy định của pháp luật.

Giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án, thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt.

Về quy hoạch, kế hoạch: Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch tỉnh; kế hoạch, chính sách, giải pháp, bố trí nguồn lực thực hiện và đánh giá thực hiện quy hoạch tỉnh; tổ chức lấy ý kiến, tổ chức công bố quy hoạch tỉnh.

Về đầu tư phát triển, đầu tư theo phương thức đối tác công tư: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch và dự kiến bố trí mức vốn đầu tư công cho từng nhiệm vụ, chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công do tỉnh quản lý.

Về quản lý đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài: Cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp cao, khu kinh tế và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Về quản lý vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và các nguồn viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Về quản lý đấu thầu: Thẩm định về kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các dự án do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đầu tư; thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu.

Về doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh: Tổ chức việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; cấp hoặc từ chối cấp đăng ký doanh nghiệp; hướng dẫn doanh nghiệp và người thành lập doanh nghiệp về hồ sơ, thủ tục, trình tự đăng ký doanh nghiệp; tư vấn, hướng dẫn miễn phí hộ kinh doanh đăng ký chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Về kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân: Chủ trì tổng hợp, đề xuất và tổ chức thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, hộ kinh doanh, kinh tế tư nhân; xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch và đầu tư theo quy định của pháp luật và sự phân công hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch và đầu tư thuộc phạm vi quản lý của ngành kế hoạch và đầu tư đối với Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; xây dựng hệ thống thông tin, lưu trữ, thực hiện chuyển đổi số phục vụ công tác quản lý nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực được giao.

Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí;

Quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của văn phòng, phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở (nếu có), phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở.

Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện chế độ tiền lương và chính sách, chế độ đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý của Sở theo quy định.

Quản lý và chịu trách nhiệm về tài chính, tài sản được giao theo quy định của pháp luật và theo phân công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Thực hiện công tác thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực công tác được giao với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thực hiện những nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật hoặc do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân công, phân cấp theo quy định của pháp luật.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/7/2022.

 

CHỈ THỊ MỚI

* Chinhphu.vn (19/5): Ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.

Chỉ thị nêu rõ: Trong thời gian qua các bộ, ngành đã tích cực chỉ đạo triển khai, hỗ trợ các địa phương tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng, ổn định đời sống nhân dân. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ rừng trên địa bàn một số tỉnh có diễn biến phức tạp, nhiều vụ vi phạm phá rừng trái pháp luật với quy mô lớn đã xảy ra, gây thiệt hại đến tài nguyên rừng, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, gây bức xúc trong xã hội.

Chấn chỉnh tình trạng san ủi đồi núi để phân lô, bán nền, xây dựng trên đất rừng

Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, đồng thời góp phần thực hiện cam kết quốc tế, đặc biệt là cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý chặt chẽ diện tích rừng, đất rừng theo đúng quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; tích hợp đầy đủ thông tin về rừng, đất rừng trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để quản lý, bảo vệ chặt chẽ, hiệu quả đối với diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, tránh tình trạng lợi dụng việc chuyển mục đích sử dụng rừng để phá rừng trái pháp luật.

Đồng thời, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng và xử lý nghiêm các trường hợp san ủi đồi núi để phân lô, bán nền, xây dựng trên đất rừng trái quy định của pháp luật; khẩn trương kiểm tra hiện trường, xác minh, điều tra làm rõ các vụ phá rừng trái pháp luật đã được các cơ quan chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và địa phương kiểm tra, phát hiện để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Xử lý nghiêm các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, làm rõ đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các vụ án phá rừng, lấn chiếm đất rừng trong thời gian qua nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung; xử lý trách nhiệm của chủ rừng và các tổ chức, cá nhân có liên quan khi để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn quản lý nhưng không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

 

CÁC TIN LIÊN QUAN ĐẾN COVID – 19

*Nhandan.vn (19/5): Cần một giai đoạn chuyển tiếp để xem xét chuyển dịch Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B

PGS, TS Trần Đắc Phu cho rằng, Việt Nam cần một giai đoạn chuyển tiếp để quan sát và theo dõi diễn biến dịch Covid-19 trên toàn cầu, để xác định dịch đi theo hướng nào và quyết định áp dụng phòng, chống dịch theo kịch bản nào.

Chưa thể lơ là với đại dịch Covid-19

Theo các chuyên gia, Việt Nam đã qua thời kỳ đỉnh dịch. Dịch Covid-19 giảm mạnh trong thời gian qua là do tỷ lệ tiêm vaccine cao.

Ghi nhận đến nay, Việt Nam ghi nhận 10.698.180 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.093 ca nhiễm). Số ca nhiễm giảm mạnh tháng qua, xuống dưới mốc 2 nghìn ca/ngày, thấp bằng con số khoảng 10 tháng trước. 

Mặc dù tỷ lệ mắc mới giảm mạnh, ca tử vong chỉ còn 1-2 ca/ngày chủ yếu rơi vào người cao tuổi, có bệnh nền, nhưng theo PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thời điểm hiện tại chưa nên đưa Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B vì Covid-19 vẫn có thể xuất hiện biến chủng mới.

Hiện nay, WHO cũng đang cảnh báo chưa thể lơ là với đại dịch, bởi kịch bản có thể nhẹ đi nhưng cũng có thể nặng lên vì chưa thể đánh giá biến chủng của virus SARS-CoV-2 một cách rõ ràng.

Dự đoán về tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, chuyên gia này cho rằng, nếu chúng ta đưa Covid-19 về nhóm B nhưng ra văn bản về điều trị vẫn miễn phí thì cũng gần như nhóm A. Bên cạnh đó, nếu chuyển sang nhóm B ngay có thể làm mất cảnh giác, khi dịch quay lại, việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch sẽ khó khăn hơn, mất thời gian hơn…

Còn nếu bỏ Covid-19 khỏi nhóm A, khi chủng mới quay lại sẽ bất cập trong triển khai các biện pháp đối phó.

Việt Nam cần một giai đoạn chuyển tiếp

Căn cứ vào diễn biến mới của dịch, Việt Nam đã đưa ra 2 kịch bản chống dịch hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tiễn tại nước ta hiện nay. Việt Nam cần một giai đoạn chuyển tiếp để quan sát và theo dõi diễn biến dịch trên toàn cầu, để xác định dịch đi theo hướng nào và quyết định áp dụng phòng, chống dịch theo kịch bản nào.

Theo ông Phu, trong giai đoạn này, chúng ta tiếp tục chiến lược thích ứng linh hoạt. Đây là chiến lược vô cùng quan trọng khi không chỉ thích ứng linh hoạt, hiệu quả trong từng diễn biến dịch mà còn trong từng kịch bản đáp ứng dịch theo sự thay đổi của virus. Quan trọng nhất là đánh giá đúng nguy cơ để đáp ứng đúng.

Nên giữ thái độ dè dặt

Với những diễn biến dịch giảm sâu thời gian qua, quay về mốc như thời điểm trước đợt dịch thứ 4, Việt Nam hiện tại được đánh giá tình hình dịch ổn định. Với tỷ lệ tiêm chủng cao, Việt Nam sẽ không lo ngại xuất hiện biến chủng mới. Trong khi đó, trên thế giới, ở những nước tỷ lệ tiêm chủng thấp vẫn có thể xảy ra vụ dịch mới, biến chủng mới.

Do đó, chuyên gia này cho rằng, chúng ta chưa nên tuyên bố dịch Covid-19 là bệnh thông thường mà nên giữ một thái độ dè dặt trước đại dịch. Việc tuyên bố hết dịch sẽ làm ảnh hưởng lớn tới các chính sách về sản xuất thuốc, vaccine vì những sản phẩm này đều được sản xuất trong tình trạng khẩn cấp.

Ông Dũng nhận định, tại Việt Nam, tương lai vẫn có làn sóng dịch mới, số ca mắc tăng lên nhưng tỷ lệ nặng không tăng.

 

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

*Vtv.vn (20/5): Hà Nội chốt chi hơn 23.000 tỷ đồng làm Vành đai 4

Dự án đường Vành đai 4 tổng chiều dài khoảng 112,8km, qua địa phận 3 tỉnh, thành phố.

Sáng nay (20/5), với 100% đại biểu có mặt tán thành, Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP Hà Nội khóa XVI đã quyết nghị thống nhất chủ trương dự kiến nguồn vốn triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô được bố trí từ ngân sách Thành phố (TP) là khoảng 23.524 tỷ đồng.

Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô dự kiến có tổng mức đầu tư là 85.813 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2027. Nguồn vốn từ ngân sách TP Hà Nội triển khai dự án là 23.524 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025 là hơn 19.000 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là hơn 4.000 tỷ đồng.

Dự kiến bố trí vốn và giải ngân các năm trong giai đoạn 2021- 2025 theo kế hoạch tiến độ triển khai của Dự án như sau: Năm 2020 khoảng 100 tỷ đồng; năm 2023 khoảng 8.397 tỷ đồng; năm 2024 khoảng 5.955 tỷ đồng; năm 2025 khoảng 5.025 tỷ đồng.

HĐND TP Hà Nội thống nhất chủ trương, trong trường hợp tổng mức đầu tư của Dự án thành phần do TP Hà Nội là cấp quyết định đầu tư và tổ chức thực hiện theo cơ chế được Quốc hội thông qua tại chủ trương đầu tư của dự án phải điều chỉnh tăng, thì phần vốn tăng thêm sẽ được xem xét bố trí từ nguồn vốn Ngân sách TP.

 

*Vtv.vn (19/5): Thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 39 tỷ USD vào năm 2025

Theo hãng Statista, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ và có thể cán mốc 39 tỷ USD vào năm 2025.

Báo cáo do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam -VECOM phát hành cho thấy, tính đến tháng 3/2022 đã có 44 tỉnh, thành trong số 63 địa phương xây dựng và vận hành sàn thương mại điện tử.

Theo đó, Việt Nam đang trở thành thị trường lớn thứ 2 khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia trong bối cảnh phát triển vượt bậc sau đại dịch COVID-19. Thống kê có tới 75% các sàn thương mại điện tử đều sử dụng tên miền quốc gia .vn.

Tên miền .vn vượt trội do các sàn thương mại điện tử địa phương đều hướng đến khách hàng trong nước, sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt. Mặt khác, do đặc thù ưu tiên về khu vực địa lý của những công cụ tìm kiếm (Google, Bing…) nên các website đăng ký tên miền .vn có lợi thế về SEO, bởi vậy mang đến giá trị tìm kiếm cao hơn khi người dùng có địa chỉ IP trong nước.

Đà tăng trưởng của thương mại điện tử đạt trên 20% trong năm 2021 với quy mô trên 16 tỷ USD. Dẫu vậy, tốc độ này bị đánh giá là chưa mạnh mẽ bởi tác động tiêu cực từ đại dịch. Dự báo mức tăng trưởng sẽ cao hơn nhiều trong năm 2022 nhờ kiểm soát tốt dịch COVID-19 và những động lực phát triển từ làn sóng thứ hai.

Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới và tất cả người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam có ý định tiếp tục sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong tương lai. Đây là những động lực giúp thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng tốt.

 

*Vtv.vn (19/5): Hơn 2.300 tỷ đồng vốn vay ưu đãi đã đến tay người dân

Chỉ trong vòng 1 tháng vừa qua, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân hơn 2.335 tỷ đồng vốn vay ưu đãi cho người lao động tìm việc làm, hay vay mua nhà ở xã hội.

Thông tin được đưa ra tại hội nghị trực tuyến sáng nay (18/5) về triển khai các chính sách tín dụng thực hiện Nghị Quyết 11 của Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, cho vay hỗ trợ tạo việc làm chiếm phần lớn với trên 2.033 tỷ đồng, giúp hơn 58.000 lao động có việc; còn lại là giải ngân cho vay mua, thuê mua nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, cho học sinh, sinh viên mua máy tính và cho các trường mầm non, tiểu học vay hỗ trợ phục hồi sau dịch bệnh.

Các chương trình giải ngân qua Ngân hàng Chính sách trị giá khoảng 38,4 nghìn tỷ đồng trong năm nay và năm sau. Đây là một phần trong gói kích thích kinh tế 350.000 tỷ. Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết ngành ngân hàng cần đẩy mạnh giải ngân, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo trong quá trình triển khai có những vướng mắc gì các đơn vị cần kịp thời báo cáo để gỡ vướng, nhằm giúp người dân, các hộ nghèo và các đối tượng chính sách có thể sớm vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh.

 

*Vtv.vn (19/5): Bình Dương thu hút vốn đầu tư FDI kỷ lục

Những tháng đầu năm nay, các tập đoàn nước ngoài liên tiếp công bố đầu tư vào tỉnh Bình Dương.

4 tháng đầu năm nay, tỉnh Bình Dương đã dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI, với tổng số vốn đăng ký là 2,41 tỷ USD, tăng 390% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm hơn 21% tổng vốn đầu tư nước ngoài của cả nước.

Có được kết quả ấn tượng này phải nói đến sự nỗ lực rất lớn của chính quyền tỉnh khi quyết tâm thực hiện chủ trương "Trải thảm đỏ thu hút đầu tư" để đón làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Những tháng đầu năm nay, các tập đoàn nước ngoài liên tiếp công bố đầu tư vào tỉnh Bình Dương. Gần đây nhất là Pandora - tập đoàn sản xuất đồ trang sức đến từ Đan Mạch. Trước đó, Bình Dương đã đón một "ông lớn" trong ngành đồ chơi đó là Lego với dự án lên tới hơn 1,3 tỷ USD.

Ngay từ cuối năm ngoái, khi dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát, Bình Dương đã đặt vấn đề phải tăng cường đầu tư các cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, để sau dịch là có thể bắt tay ngay cho việc đầu tư và thu hút đầu tư.

Bình Dương cũng đã có 29 khu công nghiệp được đầu tư với diện tích gần 12.000 ha. Dự kiến, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư mới và mở rộng các khu công nghiệp hiện hữu với các chuẩn mực cao hơn về khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, thu hút các ngành nghề có giá trị gia tăng cao.

 

*Nhandan.vn (18/5): Thực thi chính sách hiệu quả để Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045

Để hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cải thiện năng lực của Chính phủ trong phối hợp và triển khai những cải cách chính sách kinh tế và đầu tư công.

Đây là khuyến nghị được các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong buổi lễ công bố báo cáo mới, được tổ chức ngày 18/5 tại Hà Nội.

Cải cách thể chế đồng bộ, tránh bẫy thu nhập trung bình

Báo cáo đánh giá, từ một trong những nền kinh tế đóng cửa nhất thế giới, Việt Nam đã chuyển đổi thành một trong những nền kinh tế mở cửa nhất thế giới trong thập kỷ 1990 và 2000. Nhưng lộ trình từ quốc gia thu nhập trung bình thấp sang thu nhập trung bình cao sẽ có nhiều thách thức hơn trước.

Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, bà Carolyn Turk đánh giá, GDP theo đầu người của Việt Nam đã tăng gấp 5 lần sau 3 thập kỷ qua, trong khi thể chế của quốc gia chưa thích ứng với tốc độ thay đổi đó kể từ thời kỳ Đổi mới vào cuối thập kỷ 1980.

Trong 35 năm qua, Việt Nam đã triển khai thực thi những ưu tiên phát triển, trong đó đạt kết quả vượt kỳ vọng trong lĩnh vực mở cửa thương mại và hòa nhập xã hội, nhưng kết quả chưa được đồng đều, bao gồm chưa đạt kết quả như mong muốn về đẩy mạnh tăng trưởng xanh và nâng cấp hạ tầng cơ bản.

Nguyên nhân được lý giải là do thể chế chưa phải lúc nào cũng sẵn sàng cho những nhiệm vụ, ưu tiên phát triển phức tạp, thường mang tính liên ngành, và hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi trở thành xã hội thu nhập cao.

Bà Carolyn Turk nhấn mạnh, cải cách thể chế đồng bộ có thể giúp Việt Nam tránh bẫy thu nhập trung bình qua nâng cao hiệu quả ứng phó với những thách thức mới và phức tạp phát sinh trong nước và trên toàn cầu.

Tập trung cải thiện hiệu quả thực thi

Xác định một loạt những ứng phó chính sách và ưu tiên cải cách, báo cáo nhận định, thể chế hiện đại, có tính thích ứng sẽ là chìa khóa để bảo đảm thành công cho Việt Nam.

Báo cáo khuyến nghị triển khai 5 cải cách thể chế quan trọng để cải thiện kết quả thực thi của Việt Nam, bao gồm: tạo nền tảng thể chế vững chắc cho từng ưu tiên phát triển, nhằm biến những ưu tiên phát triển đó thành hành động cụ thể; hài hòa các quy trình, thủ tục hành chính để nâng cao hiệu quả của chính quyền các cấp; sử dụng các công cụ thị trường để tạo động lực cho các bên liên quan trong khu vực nhà nước và tư nhân; thực thi hiệu lực các quy định và quy tắc nhằm nâng cao động lực, lòng tin và công bằng; áp dụng các quy trình có sự tham gia để bảo đảm nâng cao minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Theo ông Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Việt Nam cũng đã xây dựng khá đầy đủ hệ thống pháp luật, trong đó cải cách thể chế là một trong những ưu tiên quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, thông qua thực thi, vẫn còn một số thiếu sót, hạn chế, thí dụ như quản lý vẫn còn chồng chéo, lấn sân, thực thi còn yếu, thiếu trách nhiệm giải trình…

 

*Vtv.vn (19/5): Xuất khẩu hàng hóa sang 5 châu lục tăng trưởng cao

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang 5 châu lục tăng trưởng cao.

Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa sang châu Á tăng 13,%; châu Mỹ, tăng 21%; châu Âu tăng gần 15%; châu Đại Dương tăng 28%; châu Phi tăng gần 16%...

Châu Mỹ là khu vực thị trường có mức tăng mạnh nhất đạt trên 42 tỷ USD, trong đó xuất sang Mỹ đạt 36,2 tỷ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những nhóm hàng có mức tăng trưởng cao và giá trị lớn gồm: Điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị phụ tùng, hàng dệt may, thủy sản...

Sản xuất của hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương đều trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Trong các tháng còn lại của quý II, hoạt động xuất khẩu vẫn đang sôi động do các doanh nghiệp đều đã ký được các hợp đồng xuất khẩu.

Khó khăn hiện giờ là giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới tăng đã tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là giá xăng dầu tăng đã tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ gây áp lực lên hoạt động sản xuất, kinh doanh và làm chậm tiến trình phục hồi kinh tế.

 

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

*Tuoitre.vn (18/5): Vì sao gói 6.600 tỉ hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động chưa thể giải ngân?

 Trước các thắc mắc của nhiều doanh nghiệp về việc thực hiện chính sách hỗ trợ thuê nhà cho người lao động theo quyết định 08 (gói 6.600 tỉ đồng), đại diện Cục Việc làm, Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã có những giải đáp.

Tại cuộc gặp với đại diện nhiều doanh nghiệp ở Bắc Giang chiều 18-5, ông Vũ Trọng Bình - cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) - đã giải đáp các thắc mắc xung quanh quyết định 08 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (gói 6.600 tỉ đồng).

Theo quyết định 08, người lao động đang làm việc nhận hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng (tối đa 3 tháng). Mức hỗ trợ đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động là 1.000.000 đồng/người/tháng (tối đa 3 tháng).

Mở đầu buổi trao đổi, ông Hoàng Văn Thắng - trưởng phòng việc làm Sở Lao động - thương binh và xã hội Bắc Giang - đặt câu hỏi "trường hợp lao động đang hưởng chế độ thai sản, ốm đau có được hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà hay không?".

Ông Đỗ Quang Minh - phó trưởng phòng thị trường lao động, Cục Việc làm - khẳng định những người này được hỗ trợ thuê nhà nếu đảm bảo đủ các điều kiện quy định tại quyết định 08 do vẫn thuộc thời gian làm việc tại doanh nghiệp và họ nghỉ chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc/tháng trở lên theo quy định.

Về mẫu đơn số 02, Bảo hiểm xã hội đang từ chối ký xác nhận cho người lao động chưa có bảo hiểm, theo ông Bình, nếu người lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp có thể xác nhận bằng bảng lương và chịu trách nhiệm với bảng lương đó.

Đại diện Công ty New Wing Interconnect Technology (Khu công nghiệp Vân Trung, Việt Yên, Bắc Giang) thắc mắc đối tượng người lao động Việt Nam hoặc nước ngoài ở ký túc xá, nhà trọ của doanh nghiệp có được hỗ trợ không?

Ông Vũ Trọng Bình trả lời: Người lao động cứ ở thuê, ở trọ, không phải ở nhà của mình là được hỗ trợ. Nhưng tiên quyết là phải được doanh nghiệp xác nhận, có quan hệ lao động, thuộc đối tượng theo quy định (làm ở khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, 24 tỉnh thành trực thuộc trung ương thuộc 4 vùng kinh tế trọng điểm…).

Về thủ tục, yêu cầu phải có giấy tạm trú, tạm vắng, xác nhận của chính quyền. Nguyên tắc là hỗ trợ cho người lao động đang đi làm thực sự chứ không phải hỗ trợ tại thời điểm làm hồ sơ. "Tháng nào hưởng chính sách thì tháng đó phải có quan hệ lao động", ông Bình nói.

Ông Đỗ Quang Minh khẳng định cơ quan công an sẽ phối hợp để kiểm tra chéo đối tượng thụ hưởng, tránh trường hợp "nhảy việc" để hưởng hỗ trợ nhiều lần. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm nếu đưa vào danh sách hỗ trợ thuê nhà những người không có quan hệ lao động (không có hợp đồng, doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động…) hoặc danh sách hỗ trợ sai thời điểm.

Theo ông Minh, trách nhiệm của Bộ Công an là hướng dẫn cập nhật kết quả hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực thông tin người lao động, tránh trường hợp "nhảy việc" để hưởng hỗ trợ nhiều lần. Doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm nếu đưa vào người lao động không có quan hệ lao động hoặc danh sách hỗ trợ sai thời điểm. Chủ nhà trọ cố tình không xác nhận thì phải chịu trách nhiệm.

Đánh giá về cuộc trao đổi, cục trưởng Vũ Trọng Bình cho biết Chính phủ đang rất "sốt ruột" nhưng chưa có tỉnh nào chi được tiền cho người lao động. Qua kiểm tra ở Bắc Giang, tỉnh này đã ban hành kế hoạch sớm nhưng triển khai chậm do nguồn lực có hạn.

Ông Bình nhấn mạnh UBND cấp huyện phải có quyết tâm chính trị cao trong toàn bộ hệ thống thì có thể giải quyết trong 2 ngày làm việc. "Với số lượng lao động nhiều như Bắc Giang mà không tập trung, huy động nhân lực thì sẽ rất lâu, nhất là ở doanh nghiệp lớn", ông Bình nói.

 

QUẢN LÝ

*Vtv.vn (20/50: Sở Y tế TP Hồ Chí Minh: Bán thuốc qua mạng xã hội là vi phạm sẽ chấn chỉnh, xử lý

Trước tình trạng mua thuốc dễ dàng qua các trang thương mại điện tử và mạng xã hội, đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay luật chưa cho phép kinh doanh thuốc qua mạng thông qua hệ thống thương mại điện tử. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua đã có hiện tượng rao bán thuốc trên các nền tảng mạng xã hội.

Các cơ sở kinh doanh dược phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; phải có địa chỉ, trang thiết bị bảo quản, tài liệu chuyên môn kỹ thuật và nhân sự phải đáp ứng thực hành tốt theo quy định của từng loại hình, phạm vi kinh doanh; người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp...

TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cường kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý các hoạt động mua bán thuốc không đúng quy định trên các nền tảng mạng xã hội.

 

*Vtv.vn (19/5): Hà Nội: Sẵn sàng triển khai việc phân cấp đăng ký xe cho công an cấp xã

Từ ngày 21/5, thành phố Hà Nội triển khai đăng ký xe máy tại 183 xã của các huyện ngoại thành.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện 100% đơn vị các xã trên địa bàn huyện Hoài Đức đã chuẩn bị sẵn sàng từ nhân lực lẫn cơ sở vật chất thậm chí, chuyển địa điểm mới để nhận thêm nhiệm vụ mới. Tuy nhiên do kiêm nhiệm nhiều đầu việc nên một số nơi cũng gặp khó khăn.

Bắt đầu từ 21/5, công an cấp xã được phân quyền đăng ký, cấp biển số; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe hết niên hạn sử dụng, xe hỏng không sử dụng…. Theo thống kê, mỗi năm huyện Hoài Đức có gần 7.000 phương tiện mô tô, xe máy làm thủ tục đăng ký.

Đến nay, cán bộ công an ở 183 xã, thị trấn ở ngoại thành Hà Nội đã được tập huấn việc tra cứu, kết nối với hệ thống cổng dịch vụ công quốc gia trong việc đăng ký phương tiện. Tại khu vực làm hồ sơ đều in sẵn biểu mẫu và có cán bộ trực để sẵn sàng hỗ trợ người dân đến làm thủ tục đăng ký phương tiện mô tô, xe máy.

 

*Tienphong.vn (18/5): Bị thanh tra vạch vi phạm trong chỉ định thầu, Giám đốc CDC Bến Tre nộp 3,5 tỷ đồng khắc phục

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bến Tre đã chỉ định công ty không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu theo quy định về lựa chọn nhà thầu gây thiệt hại gần 3,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, sau khi bị thanh tra kết luận vi phạm, CDC Bến Tre lập tức khắc phục hậu quả.

Ngày 18/5, Thanh tra tỉnh Bến Tre có thông báo kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, thuốc chữa bệnh, kít test xét nghiệm nhanh, xét nghiệm PCR và kinh phí mua sắm phục vụ phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đối với gói thầu liên quan đến Công ty TNHH Vật tư & Thiết bị y tế 3T: CDC Bến Tre đã chỉ định doanh nghiệp không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu theo quy định về lựa chọn nhà thầu.

Theo thông báo kết luận thanh tra, Tổ tư vấn của CDC Bến Tre gồm 6 thành viên, do ông Phạm Hồng Thái – Phó Giám đốc CDC Bến Tre làm Tổ trưởng, đã tham mưu cho Ban Giám đốc lựa chọn Công ty TNHH Vật tư & Thiết bị y tế 3T trúng thầu mua sắm các sinh phẩm, hóa chất, vật tư y tế, kit xét nghiệm khi chưa xét năng lực, kinh nghiệm. Công ty này chưa đủ điều kiện kinh doanh các mặt hàng thiết bị y tế; thiếu kiểm tra, áp giá dẫn đến tham mưu cho chủ đầu tư lựa chọn không đúng nhà thầu gây thiệt hại tài sản nhà nước, quy thành tiền gần 3,5 tỷ đồng.

Đáng chú ý, ngày 27/4 Chánh Thanh tỉnh Bến Tre đã ban hành quyết định thu hồi số tiền sai phạm gần 3,5 tỷ đồng. Ngày 28/4, Giám đốc CDC Bến Tre đã khắc phục hậu quả, nộp số lại số tiền nói trên vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý của Thanh tra tỉnh.

Đối với gói thầu liên quan Công ty TNHH thiết kế xây dựng thương mại và dịch vụ Nam Phong, thanh tra kết luận CDC Bến Tre đã lập dự toán gói thầu chưa đúng quy định khi đưa tên nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa (kit xét nghiệm của Công ty Việt Á) vào trong danh mục để lập dự toán và trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, giá của mặt hàng này cao hơn giá của các mặt hàng khác cùng loại trên thị trường đã được công bố; việc phân nhóm cho sản phẩm không đúng theo quy định.

Thanh tra tỉnh Bến Tre kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với Giám đốc CDC Bến Tre về trách nhiệm về đứng đầu trong công tác lãnh đạo, quản lý để xảy ra những sai phạm nêu trên.

Giao Ban Giám đốc CDC tiến hành kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với thành viên Tổ Tư vấn.

 

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

*Vtv.vn (19/5): Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị tuyên án 4 năm tù

Nguyên Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường bị tuyên phạt 4 năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ buôn hàng giả là thuốc chữa bệnh tại VN Pharma.

Chiều 19/5, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã đọc bản tuyên án đối với cựu thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 13 bị cáo khác trong vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh".

Cùng tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ buôn hàng giả là thuốc chữa bệnh tại VN Pharma, bị cáo Nguyễn Việt Hùng - nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược Bộ Y tế bị tuyên 3 năm tù.

Lê Đình Thanh - nguyên cán bộ hải quan TP Hồ Chí Minh: 2 năm tù.

Hai bị cáo phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là Phạm Hồng Châu - nguyên Trưởng phòng thuộc Cục Quản lý Dược và Nguyễn Thị Thu Thủy - nguyên Phó phòng, cùng bị tuyên phạt 4 năm tù.

Theo luật định, hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh bị tuyên phạt từ 6 năm tù đến 20 năm tù.

Trong đó, riêng Nguyễn Minh Hùng - nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc VN Pharma và Võ Mạnh Cường - nguyên Giám đốc Công ty Hàng hải quốc tế M&C bị tuyên phạt tổng cộng là 30 năm tù ở cả 2 giai đoạn.

 

*Vtv.vn (19/5): Loạt cán bộ liên quan tới sai phạm tại 5 dự án lớn ở Thanh Hóa bị kỷ luật

Buông lỏng quản lý, để xảy ra sai phạm tại 5 dự án trên đại lộ Võ Nguyên Giáp và đường vành đai, hàng loạt cán bộ thành phố Thanh Hóa bị kỷ luật.

Ngày 19/5, UBND thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết đã quyết định xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm tại 5 dự án lớn trên ngã tư đại lộ Võ Nguyên Giáp và tuyến đường vành đai thành phố Thanh Hóa (đường CSEDP).

Cụ thể, đối với Đội kiểm tra Quy tắc đô thị, UBND thành phố Thanh Hóa phê bình và yêu cầu tập thể rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về trật tự đô thị và xây dựng trên địa bàn; kỷ luật khiển trách ông Lê Văn Thiêm và ông Lê Hùng Anh, viên chức Đội kiểm tra Quy tắc đô thị.

Đối với phường Đông Vệ, Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa phê bình và yêu cầu rút kinh nghiệm đối với ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng ban Dân vận Thành ủy - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Thanh Hóa (nguyên Chủ tịch UBND phường Đông Vệ từ tháng 7/2013 đến tháng 11/2017) và ông Lê Quang Hiển, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Thanh Hóa (nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Đông Vệ từ tháng 12/2017 đến tháng 6/2021).

UBND thành phố Thanh Hóa kỷ luật khiển trách ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Đông Vệ (nguyên Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực quản lý đô thị); bà Đàm Thị Tuyết, ông Trịnh Ngọc Thiệu, công chức địa chính phường Đông Vệ; ông Trịnh Văn Tiến, công chức địa chính phường Quảng Thắng (nguyên công chức địa chính - xây dựng phường Đông Vệ); ông Phạm Thái Bình, công chức địa chính phường Đông Hương (nguyên công chức địa chính xây dựng phường Đông Vệ).

Đối với phường Quảng Thành, UBND thành phố Thanh Hóa phê bình và yêu cầu tập thể phường rút kinh nghiệm sâu sắc; phê bình ông Nguyễn Thế Long, Bí thư Đảng ủy (nguyên Chủ tịch UBND phường); ông Hoàng Ngọc Tính, Phó Chủ tịch UBND phường; kỷ luật khiển trách ông Trương Tiến Nghĩa, công chức địa chính phường Ngọc Trạo (nguyên công chức địa chính xây dựng phường Quảng Thành).

Đối với những sai phạm của 5 dự án trên, các cơ quan chức năng đã yêu cầu tháo dỡ, khắc phục hậu quả và nộp phạt hành chính đối với sai phạm về xây dựng không đúng quy hoạch được phê duyệt, thi công công trình sai nội dung giấy phép được cấp.

 

*Tienphong.vn (19/5): Hà Nội kỷ luật Chủ tịch phường liên quan đến biệt thự phá vỡ quy hoạch

UBND quận Cầu Giấy vừa ra quyết định kỷ luật công chức với hình thức cảnh cáo đối với ông Đỗ Ngọc Anh, Chủ tịch UBND phường Yên Hòa.

UBND quận Cầu Giấy cũng ra quyết định kỷ luật công chức với hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa; ông Trần Anh Tuấn, Đội trưởng Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Cầu Giấy.

Lãnh đạo quận Cầu Giấy thông tin thêm, hiện Ủy ban kiểm tra Quận ủy đang tiến hành kiểm tra để xử lý về mặt Đảng đối với 3 cá nhân nêu trên.

Liên quan đến công trình biệt thự số 9 lô B (khu 5,2 ha phường Yên Hòa) bị người dân phản ánh có nhiều sai phạm trong quá trình xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội kết luận vi phạm trật tự xây dựng tại công trình này đã xảy ra trong thời gian dài (tăng tổng chiều cao công trình; tăng mật độ xây dựng, diện tích xây dựng; thay đổi kiến trúc mặt ngoài công trình)...

 

*Cafef.vn (18/5): Đề nghị Bộ Chính trị xem xét kỷ luật Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế; ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Trong hai ngày 16 và 17-5, ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT) đã chủ trì kỳ họp thứ 15 của cơ quan này.

Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung.

Theo đó, thực hiện kết luận của UBKT Trung ương tại kỳ họp thứ 13 về việc xem xét, xử lý kỷ luật các tập thể và cá nhân liên quan đến những vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban cán sự đảng Bộ Y tế, UBKT Trung ương quyết định tại Bộ Khoa học và Công nghệ: Khai trừ ra khỏi Đảng ông Trịnh Thanh Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Cảnh cáo các ông: Phạm Công Tạc, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Thiện Thành, nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Giám đốc Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước; Lê Bách Quang, Chủ tịch các Hội đồng tư vấn, Hội đồng nghiệm thu Đề tài khoa học nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm phát hiện Covid-19.

Khiển trách ông Nguyễn Đình Hậu, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ.

UBKT Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2016 - 2021 và ông Chu Ngọc Anh , Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Tại Bộ Y tế, UBKT Trung ương quyết định: Khai trừ ra khỏi Đảng các ông: Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế; Nguyễn Nam Liên, nguyên Phó Bí thư, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Bộ Y tế, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế.

Cảnh cáo các ông: Nguyễn Trường Sơn, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế; Đặng Đức Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Khiển trách các ông: Đỗ Xuân Tuyên, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Y tế; Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy Bộ, Bí thư Đảng ủy, Chánh Thanh tra Bộ Y tế.

UBKT Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 - 2021 và ông Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế.

 

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

*Vtv.vn (19/5): 4 tháng đầu năm, thu ngân sách hơn 553.000 tỷ đồng

4 tháng đầu năm nay, thu ngân sách nhà nước đạt trên 553.000 tỷ đồng, bằng 47% dự toán.

Đây là kết quả tích cực của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện mục tiêu kép "vừa kiểm soát dịch bệnh vừa phát triển kinh tế".

Các lĩnh vực có số thu cao như dầu thô, thu tiền sử dụng đất, đặc biệt là các khoản thu từ nội địa đã đạt 44% dự toán, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này thể hiện nội lực của nền kinh tế đang dần hồi phục với mức tăng trưởng khá, phản ánh sức khỏe tốt lên của doanh nghiệp.

Nhiều khoản thu lớn đạt khá, tăng thu so cùng kỳ như: thuế thu nhập cá nhân từ chuyển quyền sử dụng đất tăng 69%; thu từ doanh nghiệp nhà nước đạt 42,1%, thu lệ phí trước bạ đạt khá ...

Dù kết quả thu ngân sách 4 tháng đầu năm khả quan, tuy nhiên đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, với nhiều chính sách hỗ trợ như miễn, giảm, gia hạn thuế theo Nghị quyết 11, khoảng 64.000 tỷ đồng, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là trên 23.000 tỷ đồng..., sẽ tạo áp lực lớn với số thu ngân sách 8 tháng cuối năm.

"Giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm là thực hiện tốt chính sách miễn giảm, gia hạn thuế nhằm giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để tập trung khôi phục sản xuất kinh doanh, tăng đóng góp cho ngân sách nhà nước; đặc biệt là triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc, đảm bảo hoàn thành trước 7/222", bà Phạm Thị Tuyết Lan cho biết thêm.

Tăng cường chống thất thu thuế từ chuyển nhượng bất động sản, các giao dịch thương mại điện tử và thu hồi nợ thuế, cũng là một trong những biện pháp trọng tâm để ngành thuế hoàn thành thu ngân sách trong năm nay.

 

*Vtv.vn (19/5): Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đôn đốc 8 bộ ngành, cơ quan giải ngân vốn đầu tư công

Sáng 19/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã họp với 8 bộ ngành, cơ quan trung ương kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn nhiều mức bình quân chung của cả nước

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 Thủ tướng Chính phủ giao cho 8 bộ ngành, cơ quan trung ương thuộc Tổ công tác số 2 là 3477 tỷ đồng (gồm: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam).

Đến nay, các bộ ngành, cơ quan trung ương đã phân bổ, giao chi tiết cho từng nhiệm vụ, dự án gần 3218 tỷ đồng, đạt 92,54%, còn lại số chưa phân bổ là 259, 279 tỷ đồng.

Nguyên nhân chưa phân bổ, giao hết kế hoạch đầu tư công là số vốn này dự kiến cho các nhiệm vụ, dự án khởi công mới nhưng do chưa có quyết định đầu tư, quyết định phê duyệt dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch nên chưa đủ điều kiện giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 theo quy định của Luật đầu tư công.

Về tình hình giải ngân, tổng số vốn ngân sách nhà nước của 8 bộ ngành, cơ quan trung ương thuộc Tổ công tác số 2 đã giải ngân tính đến ngày 30/4/2022 là 119,539 tỷ đồng, đạt 3,44% kế hoạch năm 2022, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (16,35%).

Ước giải ngân 5 tháng của 8 bộ ngành, cơ quan Trung ương tính đến 31/5/2022 khoảng 337,329 tỷ đồng, đạt 9,70% kế hoạch năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao, vẫn thấp hơn nhiều mức bình quân chung của cả nước (20,27%).

Theo báo cáo, các khó khăn vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu là do tình hình giá nguyên vật liệu tăng cao; vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng…

Đối với các dự án khởi công mới, đa số các công trình đang trong giai đoạn đấu thầu và thương thảo hợp đồng.

Một số dự án được bố trí vốn nhiều để đền bù, giải phóng mặt bằng nhưng đến nay tiến độ thực hiện còn rất chậm (chủ yếu mới thực hiện thủ tục kê biên, kiểm đếm và lập phương án đền bù, thẩm định giá chậm) nên giải ngân rất thấp. Đồng thời, quá trình triển khai các dự án cũng phải mất nhiều thời gian cho việc thực hiện các thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế dự toán công trình, khi đó mới đủ điều kiện tổ chức đấu thầu thi công. Do đó tiến độ giải ngân vốn của những dự án khởi công mới chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm…

Về nguyên nhân, bên cạnh những nguyên nhân khách quan do tính đặc thù của các bộ ngành trung ương; thực hiện đầu tư công theo quy định của pháp luật nên cần thời gian;… thì nguyên nhân chủ quan là do công tác tổ chức thực hiện các dự án còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, chất lượng công tác chuẩn bị một số dự án còn thấp nên vướng mắc khi triển khai; công tác thẩm định tư vấn còn chậm; các đơn vị thuộc Tổ công tác số 2 còn gặp khó khăn thiếu cán bộ chuyên môn về xây dựng.

Mặt khác, nhiệm vụ về đầu tư xây dựng và kế hoạch đầu tư hằng năm của các đơn vị không lớn, bộ máy giúp việc cho Thủ trưởng đơn vị có dự án đầu tư là kiêm nhiệm; một số Ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu yếu kém về năng lực,… cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

 

*Nhandan.vn (18/5): Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 2/5/2022, Bộ Tài chính đã tổng hợp ngày 18/5 báo cáo tóm tắt về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 cho 5 địa phương với tổng số vốn là 26.659,875 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn Ngân sách Trung ương là 5.711,919 tỷ đồng, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương là 20.947,956 tỷ đồng.

Địa phương phân bổ chi tiết tổng số 28.688,102 tỷ đồng, bằng 108% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó: vốn ngân sách Trung ương đạt 100% vốn kế hoạch; vốn ngân sách địa phương: 3/5 tỉnh giao vượt số vốn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao: Vĩnh Phúc (vượt 593,446 tỷ đồng), Phú Yên (1.634,645 tỷ đồng), Bình Phước (176,096 tỷ đồng); 2/5 tỉnh giao thấp hơn vốn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao: Bình Thuận (thấp hơn 326 tỷ đồng) và Khánh Hòa (47,821 tỷ đồng).

Tình hình giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2022

Tính đến ngày 4/5 vừa qua, 5 địa phương báo cáo giải ngân được 5.071,431 tỷ đồng đạt 19,0% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao năm 2022 (tỉnh Bình Thuận có số giải ngân cao nhất đạt 28,5%, tỉnh Khánh Hòa thấp nhất trong 5 tỉnh, đạt 14,5%). Trong đó, nguồn ngân sách địa phương đã giải ngân 3.813,008 tỷ đồng, đạt 18,2% kế hoạch; nguồn ngân sách Trung ương trong nước đã giải ngân 1.217,696 tỷ đồng, đạt 24,5% kế hoạch; nguồn vốn ngoài nước (ODA) đã giải ngân 40727 tỷ đồng, đạt 5,5% kế hoạch.

Kho bạc Nhà nước báo cáo đến 15/5 giải ngân được 5.505,997 tỷ đồng đạt 20,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao năm 2022. Trong đó, nguồn ngân sách địa phương đã giải ngân 4.181,926 tỷ đồng, đạt 20% kế hoạch; nguồn ngân sách Trung ương đã giải ngân 1.283,343 tỷ đồng, đạt 25,8% kế hoạch; nguồn vốn ngoài nước (ODA) đã giải ngân 40,728 tỷ đồng, đạt 5,5% kế hoạch.

Dự kiến giải ngân đến hết 31/5 tới là 6.458,346 tỷ đồng, bình quân đạt 24,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (tỉnh Bình Thuận dự kiến cao nhất là 42,2%, tỉnh Bình Phước dự kiến thấp nhất trong 5 tỉnh 20%). Trong đó, nguồn vốn NSĐP là 23,4% kế hoạch, vốn NSTW trong nước là 30,5%, vốn ODA là 5,9% kế hoạch.

Khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện giải ngân

Các địa phương báo cáo, quý I năm 2022, dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, ảnh hưởng đến triển khai thực hiện thi công các dự án. Hơn nữa, trong những tháng đầu năm 2022, giá vật tư, vật liệu xây dựng tăng cao, nhiều doanh nghiệp, nhà thầu thi công cầm chừng hoặc tạm dừng thi công, dự án phải điều chỉnh chủ trương, điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Đối với công tác giải phóng mặt bằng, do vướng mắc về đơn giá, hệ số điều chỉnh giá đất, phương án đền bù, di dời công trình phải giải tỏa, chồng lấn mặt bằng thi công, khiếu kiện của người dân… ảnh hưởng lớn đến giải ngân vốn đầu tư công. Chuyển đổi mục đích sử dụng đất như đất lúa, đất rừng có trường hợp phải xin ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Ngoài ra, các dự án khởi công mới đang triển khai thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán, tổ chức đấu thầu xây lắp chưa giải ngân được vốn.

Các địa phương đề nghị cho kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách nhà nước trong nước đã được giao kế hoạch năm 2021 sang năm 2022. Đồng thời, sớm thông báo kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2022 cho các Chương trình mục tiêu quốc gia để kịp thời chuẩn bị thủ tục, giải ngân kế hoạch vốn được giao và sớm có thông tư hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia.

Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ cho ý kiến về những vướng mắc, kiến nghị của các địa phương, nội dung vượt thẩm quyền, tổ công tác ghi nhận tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

THẾ GIỚI

*Nhandan.vn (19/5): Triều Tiên đẩy mạnh sản xuất thuốc và vật tư y tế chống Covid-19

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 19/5 đưa tin nước này đang đẩy mạnh sản xuất các loại thuốc và vật tư y tế, trong đó có máy khử trùng và nhiệt kế, để ứng phó đợt bùng phát Covid-19 chưa có tiền lệ.

Triều Tiên cũng đang tăng cường sản xuất các loại thuốc truyền thống vốn được dùng để hạ sốt và giảm đau. Theo KCNA, những loại thuốc này "hiệu quả trong việc ngăn chặn và điều trị căn bệnh quái ác". 

Truyền thông nhà nước khuyến khích người bệnh sử dụng thuốc giảm đau và kháng sinh cũng như các biện pháp điều trị tại nhà, như súc miệng bằng nước muối.

Theo thông tin từ Cơ quan phòng, chống dịch bệnh khẩn cấp nhà nước của Triều Tiên, trong vòng 24 giờ (tính đến 18 giờ ngày 18/5), có thêm 262.270 người xuất hiện triệu chứng sốt và thêm 1 trường hợp tử vong.

Như vậy, từ cuối tháng 4 đến nay, Triều Tiên ghi nhận tổng cộng hơn 1,97 triệu trường hợp bị sốt, trong đó 1,23 triệu người đã hoàn toàn bình phục và ít nhất 740.160 người đang được điều trị, và 63 ca tử vong. 

Hàn Quốc và Mỹ đã đề nghị hỗ trợ Triều Tiên đẩy lùi đợt bùng phát Covid-19 hiện nay, trong đó có đề nghị gửi viện trợ tới nước này, tuy nhiên Bình Nhưỡng vẫn chưa hồi đáp Seoul và Washington. 

 

*Vtv.vn (19/5): EU dự kiến đầu tư 300 tỷ Euro để chấm dứt phụ thuộc vào dầu khí Nga

EU dự định huy động khoản đầu tư trị giá lên tới 300 tỷ Euro (315,3 tỷ USD) vào năm 2030 để chấm dứt sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga.

Thông tin trên vừa được Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đưa ra ngày 18/5.

Phát biểu trước báo giới, bà Von der Leyen cho hay các khoản đầu tư trên sẽ bao gồm 10 tỷ Euro cho hệ thống cơ sở hạ tầng khí đốt, 2 tỷ Euro cho dầu mỏ và phần còn lại dành cho năng lượng sạch. Bên cạnh đó, EU cũng đang đề xuất các mục tiêu ràng buộc pháp lý cao hơn đối với năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng vào năm 2030.

Theo bà Von der Leyen, chương trình RePowerEU sẽ giúp EU tiết kiệm nhiều năng lượng hơn để đẩy nhanh việc giảm dần nhiên liệu hóa thạch và quan trọng nhất là để kích hoạt các khoản đầu tư trên quy mô mới.

Hiện EU cũng đang đàm phán với Hungary về gói hỗ trợ tài chính để Budapest từ bỏ việc phủ quyết lệnh cấm vận của khối này đối với dầu mỏ của Nga.

Theo các nguồn tin, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto đã đề xuất khoản kinh phí khoảng 750 triệu euro để đầu tư mở rộng đường ống dẫn dầu nối Hungary với Croatia và chuyển đổi các nhà máy lọc dầu của Nga sang các loại dầu thô khác.

Một nguồn thạo tin cho biết EU đã nhiều lần thể hiện ủng hộ việc mở rộng đường ống dẫn dầu của Croatia, nhưng lo ngại về đề nghị của Hungary về việc hỗ trợ chuyển đổi các nhà máy lọc dầu tư nhân ở nước này vì đó có thể là một khoản viện trợ không công bằng, vi phạm các quy tắc cạnh tranh của khối.

 

*Nhandan.vn (18/5): Ngành dịch vụ định vị vệ tinh Trung Quốc đạt giá trị 70 tỷ USD

Ngành dịch vụ định vị và dẫn đường vệ tinh của Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng nhanh, với tổng giá trị ước đạt 469 tỷ nhân dân tệ (khoảng 70 tỷ USD) trong năm 2021.

Đây là số liệu thống kê theo Sách trắng về phát triển ngành dịch vụ định vị và dẫn đường vệ tinh Trung Quốc năm 2022 do Hiệp hội Định vị và dẫn đường vệ tinh Trung Quốc công bố ngày 18/5.

Cụ thể, với giá trị 469 tỷ nhân dân tệ trong năm 2021, ngành dịch vụ định vị và dẫn đường vệ tinh của Trung Quốc đã đạt mức tăng trưởng 16,29% so năm 2020, với khoảng 14.000 doanh nghiệp và đơn vị, hơn 500.000 nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này, trong đó có 90 doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường cổ phiếu.

Sách trắng cho biết, năng lực tự chủ đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dịch vụ định vị và dẫn đường vệ tinh của Trung Quốc tiếp tục được tăng cường, với hơn 98.000 bản quyền sáng chế được đăng ký trong năm 2021, duy trì vị trí số một thế giới.

Không chỉ giữ đà tăng trưởng nhanh và ổn định, ngành dịch vụ định vị và dẫn đường vệ tinh còn không ngừng mở rộng phạm vi và cơ cấu, được ứng dụng sâu rộng vào nhiều lĩnh vực và bối cảnh khác nhau.

Theo ông Tôn Trung Lượng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Định vị và dẫn đường vệ tinh Trung Quốc, cùng với việc thương mại hóa hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu do Trung Quốc xây dựng, các ứng dụng về định vị và dẫn đường vệ tinh đã đi sâu vào các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế cũng như đời sống người dân. 

Trong đó, hệ thống xe đạp chia sẻ được gắn chíp định vị có độ chính xác cao Bắc Đẩu đạt số lượng trên 5 triệu xe, phủ khắp hơn 450 thành phố lớn nhỏ trên cả nước. 

Các số liệu phân tích từ doanh nghiệp và thị trường cho thấy, ngành dịch vụ định vị và dẫn đường vệ tinh Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển xoay quanh các ứng dụng liên quan hệ thống Bắc Đẩu. Với các hạ tầng mới xây dựng cũng như chính sách thúc đẩy kinh tế số, ngành này sẽ còn xuất hiện nhiều ứng dụng và mô hình kinh doanh mới trong tương lai.

 

*Nhandan.vn (18/5): EU đề xuất gói hỗ trợ bổ sung 9 tỷ euro cho Ukraine

Ngày 18/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen đã đề xuất gói hỗ trợ bổ sung cho Ukraine lên tới 9 tỷ euro (9,5 tỷ USD) trong năm nay để giúp Kiev khắc phục hậu quả xung đột.

Một quan chức thuộc EC cho biết khoản tiền này sẽ được cung cấp cho Ukraine dưới dạng cho vay.

Trong 1 tuyên bố, bà Von der Leyen cho rằng đã đến lúc nghĩ đến việc tái thiết Ukraine khi xung đột kết thúc, theo đó Liên minh châu Âu (EU) rất quan tâm đến việc dẫn đầu nỗ lực tái thiết này.

Theo bà, các tổ chức quốc tế và quốc gia khác cũng nên tham gia dự án tái thiết này. Tuy nhiên, bà cũng nêu rõ khoản kinh phí của EU cho công cuộc tái thiết phải đi kèm với các điều kiện mà Ukraine cam kết thực hiện cải cách cần thiết để đạt được mục tiêu một ngày nào đó gia nhập EU.

Bà Von der Leyen cho biết thêm khoản hỗ trợ trên sẽ tập trung vào chống tham nhũng, xây dựng năng lực quản trị và pháp quyền, đồng thời bảo đảm tính độc lập của tòa án và theo đuổi tham vọng của EU trong công cuộc chuyển đổi xanh và kỹ thuật số.

 

*Vtv.vn (19/5): Nhật Bản thông qua kế hoạch xả nước thải phóng xạ ra biển

Cơ quan quản lý hạt nhân của Nhật Bản đã thông qua kế hoạch xả nước thải phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra Thái Bình Dương.

Cụ thể, vào ngày 18/5, Ủy ban Quy chế năng lượng nguyên tử của Nhật Bản đã chấp thuận kế hoạch xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý của nhà máy điện nguyên tử Fukushima số 1 thuộc Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO).

Giới chức Nhật Bản và TEPCO, đơn vị vận hành nhà máy, dự định sẽ bắt đầu xả nước thải hạt nhân ra biển từ mùa xuân năm 2023. Để bắt đầu xây dựng những cơ sở xả thải, TEPCO sẽ cần phải có sự đồng ý của các thành phố có tổ hợp điện hạt nhân. Quá trình này dự kiến sẽ mất từ 20 đến 30 năm, cho đến khi các nhà máy ngừng hoạt động. Kế hoạch này đang vấp phải nhiều ý kiến quan ngại và phản đối từ người dân.

Sau khi Chính phủ Nhật Bản công bố chủ trương cho phép xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý để hạ nồng độ Triti ở mức 1.500 becquerel/l, tương đương 1/40 nồng độ cho phép theo tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản và 1/7 tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đối với nước uống ra biển vào tháng 4/2021, TEPCO đã xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó bao gồm việc xây dựng đường hầm kết nối với khu chứa nước thải có chiều dài 1 km tính từ bờ biển và cách mặt nước 12 m hướng về phía Đông Thái Bình Dương.

Ủy ban Quy chế năng lượng nguyên tử Nhật Bản đánh giá, kế hoạch xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý của TEPCO đảm bảo tính an toàn, đồng nghĩa kế hoạch này đủ điều kiện thông qua trên thực tế. Theo quy định, kế hoạch xả thải sẽ được đưa ra trưng cầu ý kiến người dân trong thời gian tới, trước khi được cơ quan này phê duyệt chính thức.

 

*Vtv.vn (19/5): Lạm phát tại Anh lên mức cao nhất trong 40 năm

Lạm phát tính theo năm trong tháng tư tại Anh đã ghi nhận mức cao nhất trong 40 năm qua.

Nguyên nhân do chi phí năng lượng tăng vọt, khiến cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt trở nên trầm trọng hơn. Cụ thể, lạm phát giá tiêu dùng tháng 3 năm nay tăng 7% so với tháng ba năm ngoái, trong khi sang tháng tư, giá tiêu dùng tăng đến 9% so với tháng tư năm 2021.

9% cũng là mức cao nhất kể từ năm 1982. Tháng trước, giá tiêu dùng tại Anh đã tăng cao sau khi giá khí đốt và điện tăng lên do chi phí năng lượng leo thang. Sau khi các số liệu trên được công bố, tỷ giá đồng bảng Anh đã giảm 0,4% so với đồng USD.

Theo kết quả khảo sát công bố ngày 17/5, khoảng 67% số người được hỏi tại Anh cho biết đã phải tắt sưởi để giảm chi phí, gần 50% khẳng đã lái xe ít đi hoặc đổi địa điểm mua sắm.

 

*Vtv.vn (20/5): WHO theo dõi diễn biến bệnh đậu mùa khỉ

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đang phối hợp với Anh và các quan chức y tế châu Âu để đánh giá nguy cơ về những đợt bùng phát đậu mùa khỉ mới.

Ngày 19/5, Italy và Thụy Điển cùng thông báo ghi nhận ca đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ. Đây là hai quốc gia mới nhất trong hàng loạt nước châu Âu và Bắc Mỹ phát hiện người nhiễm đậu mùa khỉ, căn bệnh lưu hành ở nhiều khu vực châu Phi.

Kể từ đầu tháng 5, châu Âu và Bắc Mỹ đã thông báo hàng chục trường hợp nghi nhiễm hoặc đã xác nhận nhiễm virus đậu mùa khỉ. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng dịch bệnh này đang bắt đầu lan rộng.

Tổ chức Y tế Thế giới cũng công bố dữ liệu cho thấy, vaccine phòng bệnh đậu mùa hiện nay có hiệu quả chống lại bệnh đậu mùa khỉ lên đến 85%.

 

* Baotintuc.vn (20/5): EU ra mắt Cổng Thông tin Kinh tế Xanh

Ủy ban châu Âu vừa mới ra mắt Cổng Thông tin Kinh tế Xanh của Liên minh châu Âu (EU), một nền tảng phổ biến kiến thức mới về nền kinh tế xanh bền vững.

Đây là cổng thông tin cho các hoạt động liên quan đến đại dương, dữ liệu kinh tế xã hội và khoa học mới nhất, thông tin về thị trường và các xu hướng hiện tại, và các công cụ thiết yếu để giúp các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp thiết kế và thực hiện các dự án vì lợi ích của cộng đồng dân cư ven biển.

Virginijus Sinkevičius, Cao ủy châu Âu Phụ trách Đại dương và Thủy sản, cho Công Thông tin Kinh tế Xanh mới này “sẽ lấp đầy khoảng trống kiến thức tồn tại trong lĩnh vực này hiện nay và giúp các doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan đưa ra quyết định sáng suốt trong việc thực hiện các dự án của họ”.

Theo thông cáo của Ủy ban châu Âu về nền kinh tế xanh bền vững, công thông tin này (https://aeur.eu/f/1qe) sẽ kích thích trao đổi hợp tác vì việc sử dụng bền vững môi trường biển.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến bạn đọc

    Tin mới nhất

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23/12 đến 26/12 năm 2023(26/12/2023 10:49 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 20/12 đến 22/12 năm 2023(22/12/2023 7:33 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 16/12 đến 19/12 năm 2023(19/12/2023 9:45 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 13/12 đến 15/12 năm 2023(15/12/2023 11:03 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 09/12 đến 12/12 năm 2023(12/12/2023 6:36 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 05/12 đến 08/12 năm 2023(08/12/2023 11:28 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01/12 đến 04/12 năm 2023(05/12/2023 5:51 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/11 đến 1/12 năm 2023 (01/12/2023 8:54 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25/11 đến 27/11 năm 2023(27/11/2023 8:59 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 3/11 đến 8/11 năm 2023(08/11/2023 9:22 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/10 đến 31/10 năm 2023(01/11/2023 9:20 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 21/10 đến 24/10 năm 2023(25/10/2023 9:34 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 11/10 đến 13/10 năm 2023(24/10/2023 5:47 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 9:22 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 2:34 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 7/10 đến 10/10 năm 2023(11/10/2023 5:11 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 04 đến ngày 06 tháng 10 năm 2023(06/10/2023 10:50 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 10 năm 2023(04/10/2023 4:02 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 8 năm 2023(31/08/2023 2:12 SA)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 8 năm 2023(25/08/2023 5:33 CH)

    << < 1 2 3 4 5  ... > >> 
    °
    Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
    373 người đã bình chọn