PHẦN I: TIN ĐIỆN BIÊN
*Laodong.vn (5/4): Công trình nước sạch tiền tỉ ở xã nghèo vừa làm xong đã bỏ hoang
Tại xã Noong Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, trên địa bàn có 1 công trình nước sinh hoạt được đầu tư hàng tỉ đồng để phục vụ cho người dân vùng đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, công trình này bị bỏ hoang từ nhiều năm nay, nhiều hạng mục hư hỏng, nhiều đoạn ống dẫn nước, van khóa… đã bị mất, còn người dân thì vẫn trong tình trạng “khát nước”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đó là Công trình nước sinh hoạt Bản Lún được đầu tư xây dựng năm 2016 với tổng kính phí 1.262 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20.5.2013 của Thủ tường Chính phủ.
Chương trình được đầu tư theo chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Theo đó, công trình này được xây dựng mới từ năm 2016 gồm bể chứa, bể lọc, đập đầu mối và hơn 1km đường ống nhựa có đường kính 63mm để phục vụ cho gần 200 hộ dân với tại bản Lún và bản Liếng xã Noong Luống.
Tuy nhiên, từ năm 2017, chỉ sau chưa đầy 1 năm hoạt động “lúc có nước, lúc không” thì công trình này trong tình trạng bỏ hoang từ đó đến nay.
Tại buổi làm việc với UBND xã Noong Luống, huyện Điện Biên, ông Cà Văn Tranh - Chủ tịch xã cho biết: “Công trình này do Phòng NNPTNT huyện Điện Biên làm chủ đầu tư. Xã được nhận bàn giao từ năm 2016, tuy nhiên sau đó thì không có nước và công trình không còn hoạt động”. PV cũng đã liên hệ đặt lịch làm việc với chủ đầu tư để tìm hiểu nguyên nhân.
*Dienbientv.vn (5/4): Xung quanh việc trồng cây mắc ca tự phát
Sau thời gian có mặt trên đất Điện Biên, cây mắc ca đã dần khẳng định được giá trị kinh tế cao hơn so với nhiều loại cây trồng truyền thống. Trong định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mắc ca sẽ được quy hoạch trồng trên địa bàn 4 huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Ðiện Biên, Tuần Giáo với quy mô khoảng 26.000ha. Tuy được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng nếu thiếu sự tính toán cẩn trọng và quá nóng vội đầu tư trồng mắc ca theo kiểu tự phát sẽ tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Phân tích thực tế tại huyện Nậm Pồ.
Được mệnh danh là “cây trồng tỷ đô” hay “nữ hoàng hạt khô”, thời gian qua, mắc ca - loại cây lâm nghiệp hoàn toàn mới đã mang đến cho bà con nông dân tỉnh ta sự kỳ vọng rất lớn. Minh chứng cho điều đó là diện tích trồng mắc ca nhanh chóng được mở rộng ở nhiều địa phương. Tại huyện biên giới xa xôi Nậm Pồ, nhiều diện tích nương rẫy bạc màu giờ đây cũng đang dần được người dân đưa cây mắc ca vào trồng thay thế các loại cây lương thực.
Chưa thống kê đầy đủ, nhưng diện tích mắc ca mà người dân của địa phương này đã trồng không dưới 50 ha, kể cả trồng thuần và xen canh với các loại cây trồng khác. Nậm Chua và Nà Khoa là 2 xã có diện tích mắc ca đã trồng nhiều nhất của huyện Nậm Pồ đến thời điểm này. Đáng chú ý là nhiều người trồng mắc ca hoàn toàn theo cảm tính mà không biết loại cây này có những yêu cầu rất khắt khe. Thực tế đã có những người sẵn sàng đầu tư số tiền rất lớn để trồng mắc ca đơn giản chỉ qua những thông tin tiếp nhận được từ những quảng cáo trên mạng xã hội. Thậm chí là qua những lời giới thiệu, chào mời của các cơ sở bán cây giống. Anh Sùng A Sinh, bản Nậm Ngà 2, xã Nậm Chua là một trong những người như vậy.
Chất lượng cây giống là yếu tố đặc biệt quan trọng, quyết định 85% thành công hay thất bại đối với những người trồng mắc ca. Theo khuyến cáo, cây giống mắc ca được sử dụng phải là cây ghép, không sử dụng cây giống thực sinh để đảm bảo sự đồng đều về sinh trưởng và độ thuần giống. Mặt khác, cây mắc ca là cây thụ phấn chéo, trên 1 diện tích phải trồng ít nhất từ 2 giống trở lên để nâng cao khả năng thụ phấn và đậu quả. Vì thế, hoàn toàn sẽ không quá lời nếu cho rằng: Việc bỏ vốn trồng tới 6.600 cây mắc ca, tương đương với tổng diện tích trên 22 ha là một sự liều lĩnh, khi anh Sinh tuyệt nhiên chưa hề biết đến những yêu cầu bắt buộc này.
Không chỉ có gia đình anh Sinh, thấy bà con ở khắp nơi trong tỉnh trồng mắc ca, nhiều hộ dân ở huyện Nậm Pồ cũng không ngần ngại mua cây giống về trồng. Trên địa bàn xã Nà Khoa, những mảnh nương vốn nhiều năm chỉ sử dụng để trồng cây lúa, cây ngô, cây sắn nay đang dần được thay thế bằng sự hiện diện của cây mắc ca.
Không biết lựa chọn cây giống có chất lượng. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cũng không được người dân thực hiện triệt để do thiếu kiến thức. Trong khi đó, các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp chưa thực sự có trách nhiệm trong việc quản lý chất lượng giống cây trồng. Kết quả là: Trên cùng một diện tích nhưng cây mắc ca phát triển không đồng đều. Nhiều cây còi cọc, ít đọt non, thiếu sức sống. Có dấu hiệu đứng cây. Lá nhỏ hẹp chuyển màu vàng. Thân cây không bóng khỏe. Do trồng bằng cây giống quá già, không ít cây đã ra hoa ngay trong năm đầu tiên. Với tình trạng phát triển như thế này, hiệu quả từ cây mắc ca đem lại có lẽ cũng không mấy khả quan.
Do vậy, ngoài việc tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu rõ chủ trương phát triển cây mắc ca của tỉnh, cấp ủy, chính quyền huyện Nậm Pồ cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây cây trồng trên địa bàn, đặc biệt là đối với cây mắc ca. Song song với đó là tăng cường tuyên truyền, nâng cao hiểu biết các kỹ thuật trồng, chăm sóc mắc ca, giúp người dân biết lựa chọn cây giống, biết mua cây giống ở những cơ sở có đầy đủ hồ sơ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, để hạn chế tối đa sự rủi ro không đáng có./.
*Baodienbienphu.info.vn (4/4): Hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo bị ảnh hưởng dịch Covid-19
Người nghèo, người cận nghèo là những đối tượng chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19. Bằng nhiều hình thức, thời gian qua huyện Tủa Chùa đã tranh thủ, vận dụng linh hoạt các nguồn hỗ trợ để tạo sinh kế, tăng thu nhập góp phần giúp các hộ nghèo bớt khó khăn sau đại dịch Covid-19.
Cuối tháng 3 vừa qua, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam tại huyện Tủa Chùa phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tổ chức hỗ trợ phát triển sinh kế cho hộ nghèo bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19. Theo đó, 130 hộ nghèo tại 6 thôn: Sín Sủ 1 và Pàng Dề A (xã Xá Nhè); Làng Vùa và Tủa Thàng (xã Tủa Thàng); Đề Dê Hu 1 và Dê Dàng (xã Sính Phình) được hỗ trợ 6.500 con vịt bầu đen, 260 bao thức ăn chăn nuôi, 130 bộ dụng cụ chăn nuôi và thuốc thú y. Mỗi hộ nghèo được hỗ trợ 500 con vịt giống, 2 bao thức ăn chăn nuôi và 1 bộ dụng chăn nuôi. Tổng kinh phí hỗ trợ là 176,15 triệu đồng.
Ông Nguyễn Xuân An, Quản lý Chương trình vùng Tủa Chùa cho biết: Chương trình này nằm trong chuỗi chương trình của World Vision Việt Nam để hỗ trợ cộng đồng ứng phó và hồi phục sau những tác động của đại dịch Covid-19 tại huyện Tủa Chùa. Hoạt động sẽ tạo cơ hội cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn 3 xã: Sính Phình, Tủa Thàng và Xá Nhè tăng nguồn thu nhập từ phát triển chăn nuôi, cải thiện điều kiện kinh kế. Để chương trình được triển khai hiệu quả, đúng đối tượng, Ban quản lý Chương trình vùng huyện Tủa Chùa đã phối hợp với UBND các xã tổ chức họp dân, xét và bình bầu các hộ nghèo cần được hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19. Đồng thời phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ các hộ dân kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho vịt. Trước đó, chương trình cũng đã phát 870 tờ rơi về truyền thông tiêm vắc xin và phòng chống Covid-19 và hỗ trợ bồn chứa nước cho 40 hộ gia đình trên địa bàn huyện. Thời gian tới, chương trình tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ người dân phục hồi sau dịch bệnh Covid-19. Tổng giá trị chương trình tại huyện Tủa Chùa khoảng 20.023 USD.
Theo ông Lờ A Tráng, Chủ tịch UBND xã Xá Nhè: Xã có 40 hộ nghèo được hỗ trợ vịt giống từ Chương trình vùng huyện Tùa Chùa. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực giúp các hộ nghèo vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, giống vịt bầu là giống vịt địa phương mình bầu, cổ ngắn, thịt thơm ngon. Nhiều năm qua, vịt bầu bản địa đã trở thành sản phẩm chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tại các buổi bàn giao, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tủa Chùa đã hướng dẫn các hộ về kỹ thuật nuôi, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho vịt. Ông Mào Văn Bổn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tủa Chùa cho biết: Sau buổi bàn giao con giống, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với Ban quản lý Chương trình vùng huyện Tủa Chùa theo dõi, giám sát và hướng dẫn các hộ chăm sóc đàn vịt đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo cho đàn vịt sinh trưởng, phát triển tốt. Qua đó tạo nguồn thu nhập, giúp các hộ nghèo vượt qua giai đoạn khó khăn. Ngoài chương trình này, thời gian qua, Trung tâm cũng thường xuyên phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng vụ đông xuân, phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho các hộ dân trên địa bàn.
*Baodienbienphu.info.vn (4/4): Đại hội TDTT tỉnh lần thứ XI, năm 2022 sẽ khai mạc ngày 19/5
Ngày 4/4, Ban Tổ chức - Ban Chỉ đạo Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) tỉnh lần thứ XI, năm 2022 tổ chức phiên họp lần thứ 2 thảo luận, triển khai một số nội dung của Đại hội. Sau khi thảo luận Ban Tổ chức - Ban Chỉ đạo Đại hội đã thống nhất điều chỉnh quy mô, lực lượng huy động tham gia và thời gian khai mạc Đại hội TDTT tỉnh lần thứ XI năm 2022 sẽ diễn ra vào ngày 19/5 - ngày sinh nhật Bác.
Thông tin tại cuộc họp cho thấy, đến hết tháng 2/2022 đã có 117/129 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh tổ chức thành công đại hội TDTT cấp xã; chỉ còn 12 xã thuộc huyện Tủa Chùa chưa tổ chức đại hội. Cấp huyện có 6/10 huyện, thị, thành phố tổ chức thành công đại hội TDTT; các huyện còn lại đang tiếp tục triển khai thực hiện theo hình thức cắt giảm quy mô, nội dung thi đấu, dự kiến hoàn thành trước ngày 15/4. Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh cũng đã tổ chức thành công đại hội TDTT. Các ngành, các đơn vị lực lượng vũ trang, các trường chuyên nghiệp, khối doanh nghiệp đang tiếp tục chuẩn bị tổ chức…
Theo kế hoạch, Đại hội TDTT tỉnh lần thứ XI, năm 2022 dự kiến tiến hành trong 5 ngày (từ ngày 7 - 11/5). Đại hội tổ chức thi đấu 18 môn với tổng số 84 nội dung. Trong đó, 3 môn thi đấu trước đại hội (bóng rổ, bóng chuyền và bóng đá hoàn thành trong tháng 3 năm 2022); còn 15 môn với 78 nội dung thi đấu trong Đại hội chính thức, gồm: Aerobic, bóng bàn, bơi, billiards & snooker, cờ vua, cờ tướng, cầu lông, chạy việt dã, điền kinh, quần vợt, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, tù lu, tung còn. Nội dung khai mạc, bế mạc Đại hội được xây dựng theo 2 phương án. Phương án 1 tổ chức khai mạc Đại hội tại Sân Vận động tỉnh, dự kiến huy động 12.000 người với chương trình đồng diễn chào mừng; lễ bế mạc được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị - Văn hóa tỉnh. Còn phương án 2 cắt giảm quy mô, lễ khai mạc được tổ chức tại Nhà thi đấu Đa năng tỉnh, dự kiến huy động 1.440 người với chương trình biểu diễn chào mừng; lễ bế mạc được tổ chức tại Rạp Chiếu phim Điện Biên Phủ…
Thảo luận tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo – Ban Tổ chức đại hội đều đồng tình với phương án tổ chức thứ 2, điều chỉnh quy mô tổ chức, khách mời, số lượng người trưng tập cho phù hợp với điều kiện tình hình thực tế. Ngoài ra, các thành viên còn thảo luận, đóng góp ý kiến thay đổi thời gian tổ chức khai mạc Đại hội; huy động lực lượng học sinh và bố trí thời gian luyện tập cho phù hợp với lịch học, ôn luyện của các em; kinh phí tổ chức Đại hội; dự kiến khách mời các tỉnh bạn…
*Laodong.vn (3/4): Dự kiến khởi công cao tốc Điện Biên – Sơn La vào tháng 12.2023
Tỉnh Điện Biên vừa có tờ trình đề nghị Thủ tướng xem xét, giao UBND tỉnh Điện Biên là cơ quan có thẩm quyền thực hiện Dự án xây dựng cao tốc Điện Biên – Sơn La.
Cụ thể, UBND tỉnh Điện Biên đề nghị Thủ tướng xem xét, giao UBND tỉnh Điện Biên là cơ quan có thẩm quyền thực hiện Dự án xây dựng cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang, giai đoạn 1 từ TP. Điện Biên Phủ đến nút giao Km15+800/Quốc lộ 279.
Theo thiết kế, tuyến đường thuộc giai đoạn 1 của dự án sẽ đi qua địa phận TP. Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên Đông, huyện Mường Ảng và huyện Tuần Giáo có tổng chiều dài hơn 50 km gồm 45 km tuyến chính và 6,7 km đoạn kết nối vào Quốc lộ 279 để đảm bảo việc vận hành, kết nối khai thác.
Tuyến đường này được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN 5729-2012, trong giai đoạn 1 sẽ triển khai xây dựng tuyến đường tốc độ cao, được thiết kế với yếu tố bình đồ, trắc dọc cơ bản theo tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN 5729-2012.
Các yếu tố còn lại phân kỳ đầu tư theo quy mô đường cấp III miền núi, có mặt cắt ngang 2 làn xe, bề rộng nền đường rộng 9m, trên tuyến dự kiến 2 vị trí xây dựng hầm. Trong giai đoạn 2, Dự án sẽ hoàn thiện quy mô 4 làn xe theo quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Tổng mức đầu tư Dự án ước khoảng 8.177 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng 5.900 tỉ đồng; vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư 1.269 tỉ đồng; phần vốn huy động khác khoảng 2.989 tỉ đồng, dự kiến huy động từ nhiều nguồn như ngân hàng, các nhà đầu tư có lợi ích liên quan... thông qua hợp đồng hợp tác BCC.
Ông Trần Thanh Kiên – Giám đốc Sở GTVT Điện Biên cho biết: “Hiện tỉnh Điện Biên đang phấn đấu hoàn thành các thủ tục, đề xuất phương án để trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 12.2022, hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư, khảo sát thiết kế trong tháng 7.2023 hoàn thành công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và khởi công xây dựng vào tháng 12.2023”.
*Dienbientv.vn (5/4): Điện Biên: Khó thực hiện tiêu chí về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới
Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, tiêu chí thu nhập bình quân đầu người năm 2022 của người dân tỉnh Điện Biên là từ 39 triệu đồng trở lên và đến năm 2025 đạt trên 48 triệu đồng/người trở lên. Với mức thu nhập theo quy định, tỉnh Điện Biên rất khó thực hiện.
Theo thống kê của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Điện Biên: Đến năm 2021, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn chỉ đạt khoảng 20,5 triệu đồng/năm; toàn tỉnh mới có 24/115 xã đạt tiêu chí về thu nhập. Xét riêng năm 2022, mức thu nhập 39 triệu đồng/người/năm có thể nói là quá cao so với mức thu nhập của các xã thuộc tỉnh miền núi khó khăn như Điện Biên.
Với mức thu nhập trên, một số xã đã đạt chuẩn còn phải chật vật để giữ chuẩn NTM, còn đối với các xã chưa đạt chuẩn rất khó thực hiện. Trong khi đó, các xã xây dựng NTM đều là những xã vùng cao, trình độ sản xuất của người dân còn hạn chế, quy mô kinh tế còn nhỏ lẻ; hệ thống kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, nhu cầu về nguồn lực xây dựng NTM rất lớn song nguồn lực huy động, nội lực còn rất hạn chế. Năng lực của cán bộ cơ sở và nhận thức của đồng bào các dân tộc chưa đồng đều nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai và chất lượng chương trình. Nhiều địa phương vẫn còn trông chờ vào Nhà nước, cá biệt một số hộ dân còn tư tưởng không muốn thoát nghèo để hưởng trợ cấp. Đây chính là rào cản lớn khiến cho Chương trình xây dựng NTM chưa đạt kết quả mong muốn./.
*Dienbientv.vn (5/4): Tổng dư nợ tín dụng toàn tỉnh giảm gần 2%
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tác động lớn đến mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội nên tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn toàn tỉnh có xu hướng giảm, nợ xấu tăng cao so với cuối năm 2021.
Cụ thể, tổng dư nợ tín dụng ước thực hiện đến 31/3/2022 là 19.350 tỷ đồng, giảm gần 2% so với 31/12/2021, trong đó dư nợ cho vay ngắn hạn là gần 8.000 tỷ đồng, giảm 3,5%; dư nợ cho vay trung, dài hạn là gần 11.500 tỷ đồng, giảm 0,8%. Nợ xấu ước thực hiện đến quý I//2022 là trên 500 tỷ đồng, chiếm 2,7% tổng dư nợ, tăng hơn 300 tỷ đồng so với cuối năm 2021.
Nhằm ổn định hoạt động tín dụng, tạo khởi sắc trong những tháng tiếp theo, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, tăng cường kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng tín dụng, thực hiện tốt công tác rà soát và xử lý nợ, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo đúng quy định.
*Dienbientv.vn (5/4): Thành phố Điện Biên Phủ đẩy mạnh giải ngân thanh quyết toán các dự án hoàn thành
Thời gian qua, công tác giải ngân, thanh quyết toán các dự án hoàn thành sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước luôn được thành phố Điện Biên Phủ triển khai tích cực. Nhiều công trình, dự án đã được giải ngân, thanh quyết toán kịp thời, giảm nợ đọng, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động xây dựng cơ bản trên địa bàn.
Công trình Dự án đường 60m và Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ là một trong những dự án trọng điểm, có ý nghĩa chiến lược trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên nói chung, của thành phố nói riêng. Hai dự án này có tổng mức đầu tư 730 tỷ đồng, được triển khai xây dựng từ năm 2015, đến nay đã cơ bản hoàn thành; việc giải ngân, thanh quyết toán hai dự án này đã được thành phố triển khai đảm bảo theo đúng quy định.
Ngoài tập trung giải ngân, thanh quyết toán các dự án trọng điểm, thành phố Điện Biên Phủ cũng đang tập trung đẩy nhanh giải ngân, thanh quyết toán các dự án nằm trong danh mục đầu tư xây dựng hàng năm, nhất là đối với các công trình có nguồn vốn kéo dài.
Trong những năm gần đây, thành phố Điện Biên Phủ được quan tâm đầu tư xây dựng khá nhiều dự án để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện hạ tầng đô thị. Do vậy, ngoài việc đẩy nhanh thi công, hoàn thiện các công trình bàn giao đưa vào sử dụng theo đúng kế hoạch, việc thanh quyết toán các dự án hoàn thành cũng được thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn thực hiện khẩn trương, nhanh chóng, tránh nợ đọng.
Ông Lê Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ cho biết: “Việc thanh quyết toán các dự án hoàn thành là một trong những nhiệm vụ chúng tôi xác định, ưu tiên những dự án hoàn thành có hồ sơ năm 2021 và năm 2022 bố trí kế hoạch vốn, cơ bản trong quý I chúng tôi sẽ thanh toán triệt để những dự án hoàn thành và có kế hoạch vốn. Đối với dự án khởi công mới chúng tôi phấn đấu đến 30/9 giải ngân được 75% và phấn đấu đến hết tháng 12 giải ngân 100%.”
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, nên việc thanh quyết toán các công trình thi công hoàn thành cơ bản được thành phố Điện Biên Phủ thực hiện theo đúng thời gian quy định. Số ít dự án hoàn thành, chậm thanh quyết toán đang được thành phố tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuyển cơ quan chức năng để thẩm định phê duyệt, thanh quyết toán trong thời gian sớm nhất.
PHẦN II: TIN TỨC – THỜI SỰ
TIÊU ĐIỂM
*Vtv.vn (5/4): Việt Nam là lựa chọn đầu tư hàng đầu ở Đông Nam Á
Goldman Sachs và JPMorgan đánh giá Việt Nam là 1 trong top 3 lựa chọn đầu tư hàng đầu.
Chuyên trang tài chính CNBC dẫn đánh giá của 2 ngân hàng đầu tư lớn của phố Wall là Goldman Sachs và JPMorgan cho thấy, thị trường Đông Nam Á đang có sức chống chịu tốt bất chấp những bất ổn địa chính trị trên thế giới và Việt Nam là 1 trong top 3 lựa chọn đầu tư hàng đầu.
Ông Desmond Loh, Giám đốc danh mục đầu tư tại JPMorgan Asset Management, coi Việt Nam là "ngôi sao trong những năm vừa qua" về khả năng hồi phục và tăng trưởng kinh tế.
Theo vị Giám đốc này, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế trên thế giới có tốc độ tăng trưởng tích cực trong suốt giai đoạn đại dịch COVID-19. Để tận dụng đà tăng trưởng, tổ chức này khuyến nghị đầu tư vào các cổ phiếu ngân hàng và tiêu dùng.
Hai cái tên còn lại được các ngân hàng đầu tư lớn của phố Wall nhắc tới là Indonesia và Singapore.
*Thanhnien.vn (4/4): Thủ tướng yêu cầu quyết liệt hơn trong phòng chống tham nhũng chứng khoán, bất động sản
Thủ tướng hoan nghênh Bộ Công an vào cuộc chủ động, mạnh mẽ và yêu cầu các cấp, các ngành cần quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong phát hành trái phiếu, chứng khoán, bất động sản.
Đó là một trong những vấn đề được Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu tâm khi kết luận nội dung kinh tế - xã hội tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3 diễn ra hôm nay 4.4.
Nhiều lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất từ năm 2020 đến nay
Các ý kiến tại cuộc họp đánh giá, trong tháng 3 và quý 1, các bộ, ban, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Nghị quyết 01, 02, Nghị quyết 11 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện "đa mục tiêu" gồm tiếp tục kiểm soát dịch bệnh, thực hiện kiểm soát rủi ro, giảm số ca chuyển nặng, tử vong, không để quá tải hệ thống y tế; thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, chăm lo an sinh xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trước các diễn biến phức tạp của tình hình thế giới…
Tình hình kinh tế - xã hội quý đầu năm khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó nhiều lĩnh vực đạt mức tăng trưởng nhanh nhất tính từ năm 2020 đến nay, tiệm cận mức tăng trước đại dịch. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý 1 tăng 1,92%; các cân đối lớn, an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm.
Cụ thể, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Thu ngân sách nhà nước trên 460.000 tỉ đồng, đạt 32,6% dự toán, tăng 7,7% so cùng kỳ.
Tăng trưởng tín dụng đạt 4,03% (năm 2021 tăng 1,47%). Doanh nghiệp thành lập mới, tái gia nhập thị trường quý 1 đạt kỷ lục 60.000 doanh nghiệp, gấp 3 lần cùng kỳ (riêng tháng 3, số doanh nghiêp thành lập mới tăng 96,3% với số vốn đăng ký tăng 127,3%).
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt kết quả tích cực với hơn 562.000 tỉ đồng, tăng 8,9%. Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 76.300 tỉ đồng, bằng 14,4% kế hoạch năm và tăng 10,6% so cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện đạt 4,42 tỉ USD, tăng 7,8%, đạt mức cao nhất so với quý 1 các năm từ 2018 đến nay.
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực. Chăn nuôi phục hồi tốt; sản lượng thủy sản quý 1 tăng 2%; nuôi trồng tăng 5,1%, đặc biệt các sản phẩm chủ lực như tôm thẻ chân trắng, cá tra... được mùa, được giá.
Sản xuất công nghiệp quý 1 tiếp tục khởi sắc, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp tăng 7,07%. Thương mại, dịch vụ phục hồi tích cực, đặc biệt sôi động trong tháng 3, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 1 tăng 4,4% so với cùng kỳ, trong đó tháng 3 tăng 9,4%. Hoạt động du lịch trên cả nước có dấu hiệu "ấm" trở lại, khách quốc tế đạt gần 91.000 lượt người, tăng 89,1% so với cùng kỳ.
Hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ. Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 3 đạt 66,73 tỉ USD (tăng 36,8%); trong đó xuất khẩu tăng 45,5%. Quý 1, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 176,35 tỉ USD (tăng 14,4%), trong đó xuất khẩu tăng 12,9%.
CHÍNH SÁCH – VĂN BẢN – NGHỊ ĐỊNH MỚI
*Chinhphu.vn (2/4): Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2022
Giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ ngày 1/4/2022
Một trong các chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4 là Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn có hiệu lực từ ngày 1/4/2022.
Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị giảm 50% mức thuế BVMT đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm 70% mức thuế BVMT đối với dầu hỏa từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
Mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022 được quy định cụ thể như sau: Xăng, trừ etanol 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn 1.000 đồng/lít; dầu hỏa 300 đồng/lít; mỡ nhờn 1.000 đồng/kg.
Quy định mới về nghi lễ đối ngoại
Nghị định số 18/2022/NĐ-CP ngày 18/2/2022 của Chính phủ về nghi lễ đối ngoại có hiệu lực từ ngày 10/4/2022.
Nghị định này quy định nghi lễ đối ngoại, bao gồm:
+ Đón, tiếp các đoàn khách cấp cao nước ngoài thăm cấp nhà nước, thăm chính thức, thăm làm việc, thăm nội bộ, thăm cá nhân, quá cảnh; đón, tiếp Bộ trưởng, Trưởng các cơ quan của Nghị viện hoặc cấp tương đương và một số đoàn khách quốc tế khác;
+ Tiễn, đón Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm, dự hội nghị quốc tế ở nước ngoài; thư, điện mừng, điện chia buồn, thăm hỏi của Lãnh đạo cấp cao;
+ Nghi lễ dành cho Trưởng cơ quan đại diện nước ngoài, bao gồm Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao, Trưởng cơ quan đại diện lãnh sự, và Trưởng cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Nghị định số 18/2022/NĐ-CP cũng quy định cụ thể về thư, điện mừng, điện chia buồn, thăm hỏi của lãnh đạo cấp cao.
Chế độ, chính sách đối với công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc
Nghị định số 19/2022/NĐ-CP ban hành ngày 15/4/2022 của Chính phủ quy định biện pháp thi hành chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành, công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc theo quy định của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng có hiệu lực từ ngày 15/4/2022.
Trong đó, công nhân, viên chức quốc phòng khi thôi việc sẽ được hưởng các quyền lợi sau:
- Được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và các chế độ khác (nếu có).
- Được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng 1 tháng tiền lương của tháng liền kề trước khi thôi việc.
- Trường hợp công nhân, viên chức quốc phòng đã thôi việc về địa phương trong thời gian không quá 1 năm kể từ ngày quyết định thôi việc có hiệu lực thì giải quyết quyền lợi như sau:
+ Nếu được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước: Được thực hiện chế độ chuyển ngành; hoàn trả khoản trợ cấp một lần và trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần (đã nhận).
+ Nếu được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị không hưởng lương từ ngân sách nhà nước mà có nguyện vọng được bảo lưu thời gian đóng BHXH: Hoàn trả khoản trợ cấp BHXH một lần (đã nhận)./.
Hoàn tiền mua vé xổ số tự chọn số điện toán trong 2 trường hợp
Có hiệu lực từ ngày từ ngày 28/4/2022, Thông tư 18/2022/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn hoạt động kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán.
Trong đó, Thông tư 18 bổ sung quy định "Hoàn trả tiền mua vé xổ số tự chọn số điện toán".
Cụ thể, Công ty xổ số điện toán phải hoàn trả tiền mua vé xổ số tự chọn số điện toán cho tất cả người tham gia dự thưởng trong các trường hợp sau:
Lịch quay số mở thưởng được thông báo là bị hủy bỏ do sự cố kỹ thuật hoặc trường hợp bất khả kháng xảy ra do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn nhưng chưa có lịch quay số mở thưởng tổ chức lại; hoặc có lịch quay số mở thưởng lại nhưng thời gian quay số mở thưởng chậm hơn 72 giờ so với lịch ban đầu.
Kết quả quay số mở thưởng đã công bố bị hủy bỏ theo kết luận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (Bộ Tài chính, cơ quan công an, cơ quan thanh tra, kiểm tra).
Giảm yêu cầu chứng chỉ khi thi, xét thăng hạng giảng viên đại học
Có hiệu lực thi hành từ ngày 19/4/2022, Thông tư số 04/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2020/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm công lập; Thông tư số 40/2020/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.
Theo đó, giảng viên đại học khi thi hoặc xét thăng hạng I, II, III sẽ chỉ cần 1 “chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học”.
Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo
Thông tư 12/2022/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch có hiệu lực từ ngày 9/4/2022.
Quỹ thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức về du lịch một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động nghề du lịch:
Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo;
Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa không quá 06 tháng.
CHỈ THỊ MỚI
*Chinhphu.vn (3/4): Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần
Thủ tướng đôn đốc triển khai nhiệm vụ cấp bách phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 290/CĐ-TTg đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ cấp bách triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Công điện, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, khẩn trương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 11/NQ-CP; chủ động, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm tiến độ, chất lượng theo đúng yêu cầu đề ra.
Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Theo đó, hai đối tượng sẽ được nhận hỗ trợ là người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và người lao động quay trở lại thị trường lao động, với mức 500.000 đồng/người/tháng và 1.000.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng. Phương thức chi trả hằng tháng.
Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm ổn định, an toàn thị trường chứng khoán
Ngày 30/3/2022, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, công khai, minh bạch, phát triển bền vững.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế để theo thẩm quyền chủ động thực hiện các biện pháp điều hành thị trường tài chính, tiền tệ, tín dụng và thị trường chứng khoán, hoạt động của các tổ chức tín dụng ổn định, an toàn, thông suốt.
Đẩy mạnh việc rà soát cơ chế, chính sách và hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán để có chế tài xử lý mạnh mẽ, có tác dụng răn đe, bảo đảm minh bạch và lành mạnh của thị trường chứng khoán….
Thu hồi Giấy phép nhập khẩu phim khi nội dung phim vi phạm quy định cấm
Cơ quan cấp phép nhập khẩu phim thu hồi Giấy phép nhập khẩu phim khi phát hiện nội dung phim vi phạm quy định cấm tại Luật Điện ảnh.
Nội dung trên được quy định tại Nghị định số 22/2022/NĐ-CP bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh.
Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Quyết định số 387/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021 - 2030".
Mục tiêu cụ thể của Chương trình đến năm 2025 là 70% gia đình được công nhận đạt danh hiệu "Gia đình học tập", 65% dòng họ được công nhận đạt danh hiệu "Dòng họ học tập"; 65% cộng đồng (thôn bản, tổ dân phố và tương đương) được công nhận đạt danh hiệu "Cộng đồng học tập"; 80% các tổ chức, cơ quan, trường học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn cấp xã được công nhận đạt danh hiệu "Đơn vị học tập".
Ưu tiên hỗ trợ vốn cho các xã, huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách trung ương là ưu tiên hỗ trợ cho các xã, các huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là các xã an toàn khu (trừ các xã an toàn khu thuộc khu vực I, khu vực II, khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được bố trí vốn ngân sách trung ương của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo các tiêu chí, hệ số ưu tiên phân bổ được quy định tại Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ), xã đạt dưới 15 tiêu chí.
Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 phê duyệt Đề án "Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập".
Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm hiện đại hóa, chuyển đổi số công tác kiểm soát tài sản, thu nhập, thiết lập hạ tầng công nghệ thông tin, các quy trình, quy định phục vụ việc hệ thống hóa, cập nhật, lưu trữ, bảo vệ an toàn và cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời về bản kê khai, kết luận xác minh tài sản, thu nhập và các dữ liệu khác có liên quan đến việc kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng và các quy định khác liên quan để góp phần phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng.
Sau năm 2025, thực hiện chuyển đổi số 100% công tác kiểm soát tài sản, thu nhập bằng việc sử dụng công nghệ số, dữ liệu số.
Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số
Ngày 31/3/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Chiến lược xác định thể chế, hạ tầng, nhân lực, người dân, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế số và xã hội số. Chiến lược nêu ra 17 nhóm nhiệm vụ và 08 nhóm giải pháp để đưa công nghệ số và dữ liệu số thấm sâu một cách tự nhiên mặc định vào mọi mặt sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số.
Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 412/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt "Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030" (Đề án).
Mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2030 đạt mức xếp hạng tín nhiệm từ Baa3 (đối với Moody's) hoặc BBB- (đối với S&P và Fitch) trở lên.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân cả giai đoạn khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD; tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33-35% GDP.
*Chinhphu.vn (2/4): Bổ sung 449 tỷ đồng chuẩn bị tổ chức SEA Games 31
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 1/4/2022 bổ sung 449 tỷ đồng để chuẩn bị, tổ chức SEA Games 31.
Quyết định nêu rõ: Bổ sung 449 tỷ đồng từ nguồn dự toán chi sự nghiệp thể dục thể thao của ngân sách trung ương năm 2022 để chuẩn bị, tổ chức SEA Games 31, trong đó: Bổ sung cho 4 Bộ, cơ quan Trung ương là 378,3 tỷ đồng; bổ sung cho Thành phố Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 70,7 tỷ đồng.
Các Bộ: Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm toàn diện về tính đầy đủ, chính xác của nội dung và số liệu báo cáo.
*Chinhphu.vn (4/4): Hỗ trợ vay vốn mua thiết bị học trực tuyến 10 triệu đồng/học sinh
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 09/2022/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến.
Quyết định nêu rõ, học sinh, sinh viên phải đáp ứng các điều kiện vay vốn sau: Thứ nhất, là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật hoặc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 (có bố hoặc mẹ hoặc bố và mẹ mất do dịch COVID-19).
Thứ hai, không có máy tính, thiết bị đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu học tập trực tuyến và chưa được hưởng chính sách hỗ trợ máy tính, thiết bị học tập trực tuyến dưới mọi hình thức.
Vốn vay được sử dụng để mua máy tính, thiết bị đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu học tập trực tuyến bao gồm: máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng và các thiết bị ghi hình kỹ thuật số (webcam), thiết bị thu thanh (microphone).
Mức vốn cho vay tối đa 10 triệu đồng/học sinh, sinh viên. Thời hạn cho vay tối đa 36 tháng. Lãi suất cho vay 1,2%/năm. Lãi suất nợ quá hạn bằng lãi suất cho vay hộ nghèo tại thời điểm vay vốn.
Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 4/4/2022.
CÁC TIN LIÊN QUAN ĐẾN COVID – 19
*Vietnamplus.vn (5/4): Quy trình cấp ‘hộ chiếu vaccine’ cho người dân từ ngày 15/4
Chỉ với ba bước thực hiện từ các cơ sở tiêm chủng, hệ thống quản lý, người dân sẽ được cấp ‘hộ chiếu vaccine’ từ 15/4. Trước đó, các địa phương sẽ xác nhận thông tin tiêm chủng bằng chữ ký số từ 8/4.
Bộ Y tế bắt đầu cấp “hộ chiếu vaccine” cho người dân từ ngày 15/4 nếu các cá nhân có đủ thông tin tiêm chủng, đủ mũi tiêm, ngoài ra không cần thực hiện thêm thủ tục gì khác.
Theo đó, “hộ chiếu vaccine” sử dụng kết hợp với giấy tờ định danh khác như căn cước công dân, hộ chiếu... Các thông tin định danh không được đóng gói trong mã QR nhằm bảo mật, tránh sai sót lộ, lọt thông tin cá nhân. Mã QR này sẽ hết hạn sau 12 tháng kể từ ngày khởi tạo (khi mã hết hạn, người dân sẽ được thông báo và tự động khởi tạo mã QR mới để sử dụng).
Thông tin từ Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Y tế, quy trình cấp “hộ chiếu vaccine” gồm 3 bước:
Bước 1: Các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh và xác thực thông tin người dân tiêm chủng trên nền tảng tiêm chủng.
Bước 2: Sau khi các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác thực thông tin người dân tiêm chủng chính xác thì sẽ ký số để xác nhận thông tin người dân tiêm chủng. Sau đó, dữ liệu sẽ được đưa về hệ thống quản lý cấp chứng nhận “hộ chiếu vaccine.”
Bước 3: Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chịu trách nhiệm ký số tập trung để cấp “hộ chiếu vaccine.”
Người dân nhận “hộ chiếu vaccine,” hiển thị trên ứng dụng PC-Covid hoặc Sổ Sức khỏe điện tử. Trường hợp không sử dụng hai ứng dụng trên, người dân có thể tra trên trang web của Bộ Y tế bằng cách nhập 4 thông tin: họ tên, ngày sinh, giới tính, căn cước công dân, ngày tiêm gần nhất, sau đó khai báo email cá nhân để nhận hộ chiếu (trang web tra cứu dự kiến ra mắt trong tuần này).
Các địa phương sẽ xác nhận thông tin tiêm chủng bằng chữ ký số từ ngày 8/4 và đây là điều kiện bắt buộc để được cấp “hộ chiếu vaccine.” Lưu ý, cơ sở nào nhập dữ liệu mũi tiêm sẽ chịu trách nhiệm ký duyệt thông tin tiêm chủng.
*Vietnamplus.vn (5/4): Hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine cho người đã mắc COVID-19
Ngày 5/4, Bộ Y tế thông tin về tiêm vaccine cho người đã mắc COVID-19. Theo đó, các đối tượng trên 12 tuổi đã mắc COVID-19 sẽ tiêm vaccine phòng sau khi hồi phục 3-6 tháng, với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là ít nhất 3 tháng.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng giao các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur và các Viện nghiên cứu thu thập dữ liệu đối tượng đã tiêm chủng, đánh giá hiệu quả bảo vệ của vaccine, tỷ lệ nhiễm, tái nhiễm, số mắc nặng thuộc địa bàn được phân công quản lý để phân tích và đề xuất việc sử dụng vaccine phòng vaccine trong gian tới.
Các bệnh viện Nhi Trung ương, Nhi các tỉnh, thành phố và Bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố phân tích tình hình trẻ mắc vaccine đến khám, nhập viện, mắc nặng, tử vong, mắc Hội chứng MIS-C trên địa bàn gửi Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo Bộ Y tế.
Trước đó, Bộ Y tế hướng dẫn những người đã mắc vaccine sẽ được tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế theo quy định thay vì đợi 6 tháng như trước./.
*Vtv.vn (5/4): Thủ tướng yêu cầu trong quý II hoàn thành tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện các công việc cần thiết để hoàn thành tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý II/2022.
Công văn số 2090/VPCP-KGVX nêu rõ: Bộ Y tế trình và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5/2/2022 về việc mua vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã đề xuất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 8/2/2022 về việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với gói thầu mua vaccine phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến tại nhiều văn bản để chỉ đạo, đôn đốc Bộ Y tế thực hiện nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện các công việc cần thiết theo quy định để có vaccine nhanh nhất có thể; trên cơ sở đó, hoàn thành việc tiêm cho trẻ em trong Quý II, để đầu Quý III trẻ em được đến trường học hè và cuối Quý III năm 2022 trẻ em đến trường vào năm học mới tập trung an toàn và hiệu quả.
Để chuẩn bị cho công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, hiện nay các địa phương đang rà soát, chuẩn bị nhân lực, vật tư… sẵn sàng cho công tác tiêm chủng được bảo đảm an toàn, hiệu quả nhất.
* Baotintuc.vn (04/4): Vaccine “made in Vietnam” đang được tiếp tục hoàn thiện hồ sơ
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, 3 “ứng cử viên” vaccine nghiên cứu trong nước (Nanocovax, Covivax, Arct 154) đang thử nghiệm lâm sàng và tiếp tục được hoàn thiện hồ sơ.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, đối với vaccine sản xuất tại Việt Nam, ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Bộ Y tế đã chỉ đạo, khuyến nghị các đơn vị, cơ quan nghiên cứu khoa học tham gia sản xuất vaccine trong nước.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, vaccine này đã được Hội đồng Đạo đức cũng như Hội đồng Tư vấn cấp phép của Bộ Y tế họp đánh giá. Qua rà soát hồ sơ của ứng cử viên này, vẫn còn một số dữ liệu mà Hội đồng đề nghị Nanogen bổ sung.
Hiện nay, công ty Nanogen đang tổng hợp bổ sung dữ liệu cho Hội đồng Tư vấn cấp phép. Sau khi bổ sung tiếp được tài liệu đó, Hội đồng tiếp tục họp, nếu đủ điều kiện, Hội đồng sẽ trình Bộ Y tế cấp phép vaccine này.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Đối với vaccine Covivax do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế nghiên cứu, cũng đã được đánh giá giữa kỳ của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và đang đánh giá giai đoạn 2, hoàn thiện đề cương hồ sơ để thử nghiệm giai đoạn 3.
Còn ARCT 154 là vaccine sản suất công nghệ RNA do công ty cổ phần công nghệ sinh học Vinbiocare nhận chuyển nhượng công nghệ từ công ty Arcturus Therapeutics Hoa Kỳ.
Cả 3 ứng cử viên này đang thử nghiệm lâm sàng, và tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. Khi các đơn vị hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của Hội đồng Đạo đức và Hội đồng Tư vấn cấp phép, trên cơ sở đánh giá của hai hội đồng này, nếu đủ điều kiện thì Bộ Y tế sẽ tiến hành cấp phép cho các loại vaccine này.
KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP
*Vtv.vn (5/4): World Bank: Kinh tế Việt Nam 2022 tăng trưởng 5,3%
Dự báo của Ngân hàng Thế giới đưa ra căn cứ vào chính sách sống chung với COVID-19, kết quả vững chắc của công nghiệp chế biến, chế tạo và sự phục hồi nhu cầu trong nước.
Trong báo cáo mới công bố, Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo đạt 5,3% trong năm 2022 và sau đó sẽ ổn định lại quanh mức 6,5%. Đáng chú ý dự báo mới về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 của World Bank thấp hơn 0,2 điểm % so với dự báo được ngân hàng này đưa ra hồi giữa tháng 1 năm nay.
Dự báo tăng trưởng 5,3% được World Bank căn cứ theo kịch bản các biện pháp hạn chế đi lại được nới lỏng cả trong và ngoài nước. Lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng sẽ phục hồi từng bước khi lòng tin của người tiêu dùng được khôi phục và du lịch khách quốc tế dự kiến sẽ được khôi phục dần từ giữa năm 2022.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chế biến, chế tạo được dự báo sẽ tăng với tốc độ chậm hơn do tăng trưởng ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (như Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc) chững lại.
Tuy nhiên, World Bank triển vọng những trên còn phải đối mặt với những rủi ro tiêu cực đang gia tăng. Như tăng trưởng chậm lại ở các đối tác thương mại chính cùng với cú sốc tỷ giá thương mại từ căng thẳng Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt liên quan có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi.
Bên cạnh đó, World Bank cho rằng phục hồi kinh tế còn phụ thuộc vào tốc độ phục hồi nhu cầu tư nhân trong nước, hiện còn tương đối chậm, thể hiện tâm lý thận trọng của người tiêu dùng và nhà đầu tư. Giai đoạn lây nhiễm mạnh hiện nay có thể dẫn đến tạm thời gián đoạn cung lao động và sản xuất.
World Bank đánh giá vì nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ từ đầu năm, nên nếu chính phủ triển khai gói hỗ trợ mạnh mẽ bằng chính sách tài khóa thì tác động đến tăng trưởng kinh tế có thể được giảm nhẹ. Chính sách tiền tệ vẫn cần nới lỏng, nhưng phải tiếp tục thận trọng nhằm kiềm soát rủi ro trong khu vực tài chính.
Tổ chức này nhận định trong trường hợp có thêm các cú sốc khác có thể dẫn đến kịch bản xấu là tăng trưởng GDP chỉ đạt 4% trong năm 2022, phục hồi lại 6% và 6,5% lần lượt vào các năm 2023 và 2024.
*Vtv.vn (5/4): Bộ GTVT đặt mục tiêu 80-90% xe dán thẻ thu phí tự động trong năm 2022
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đến thời điểm này, có khoảng 2,7 triệu phương tiện tham gia dịch vụ, chiếm khoảng 60% tổng số phương tiện trên toàn quốc.
Bộ Giao thông vận tải vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ triển khai hệ thống thu phí đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC) theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, đa dạng hóa nhiều hình thức nạp tiền, mở rộng nhiều điểm dán thẻ, tổ chức dán thẻ trực tiếp tại các cơ quan, ban ngành, các khu chung cư.
Đến thời điểm này có khoảng 2,7 triệu phương tiện tham gia dịch vụ, chiếm khoảng 60% tổng số phương tiện trên toàn quốc. Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ tiếp tục đẩy mạnh công tác dán thẻ, phấn đấu trong năm 2022, số lượng phương tiện dán thẻ đạt từ 80 - 90%.
Liên quan đến lựa chọn một số tuyến cao tốc để thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí ETC, trên cơ sở đề xuất của Tổng cục Đường bộ VN, Bộ GTVT đã thống nhất trước mắt lựa chọn tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để triển khai thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí ETC, dự kiến trong tháng 6/2022.
*Chinhphu.vn (5/4): Hủy bỏ 9 đợt chào bán 10.030 tỷ đồng trái phiếu của 3 công ty thuộc Tân Hoàng Minh
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định hủy bỏ 09 đợt chào bán trái phiếu với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng của các 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
3 công ty thuộc Tân Hoàng Minh công bố thông tin sai sự thật
Ủy ban Chứng khoán nhà nước vừa công bố thông tin về việc hủy bỏ 09 đợt chào bán trái phiếu trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa đông, Công ty Soleil thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh).
Theo Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (Công ty Ngôi Sao Việt), Công ty cổ phần Cung điện Mùa Đông (Công ty Cung điện Mùa đông), Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil (Công ty Soleil) thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) là các công ty chưa đại chúng.
Các công ty này đã thực hiện 09 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 theo quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước, chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế và công bố thông tin trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) về các đợt chào bán này.
*Chinhphu.vn (4/4): Vụ 100 container hạt điều: Đã thu hồi 12, bán lại 18 container
Tính đến ngày 3/4, các doanh nghiệp Việt Nam đã thu hồi được 12/35 container hạt điều xuất khẩu sang Italy bị mất chứng từ gốc nhờ những nỗ lực cao độ và sự hỗ trợ tích cực của các bên liên quan.
Theo TTXVN, Văn phòng Luật sư Davide Gallasso và Cộng sự cho biết các doanh nghiệp Việt Nam đã giành lại được quyền sở hữu 9 container hàng bị mất chứng từ gốc bằng hình thức đàm phán, xác nhận với phía người mua rằng họ không liên quan đến lô hàng.
Các luật sư đã hết sức nỗ lực làm việc với 1 công ty Italy và được công ty này xác nhận rằng họ không liên quan đến 9 container nói trên và cũng chưa bao giờ mua hàng của Việt Nam.
Dựa vào xác nhận đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã lấy ra được 9 container. Những container này có thể đổi vận đơn để bán cho khách hàng mới trong thời gian rất ngắn, giảm được tổn thất lớn. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã trả tiền bảo lãnh cho công ty vận chuyển để đưa 3 container về Việt Nam.
Cũng liên quan đến vụ việc 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italy, một tin vui nữa là đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã bán lại được 18 container sang Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN
* Daibieunhandan.vn (3/4): Đừng để đơn thư “chạy lòng vòng”!
"Hiện nay có tình trạng chuyển đơn lòng vòng và các cơ quan nhận được là chuyển. Thực trạng này tồn tại từ hàng chục năm nay rồi". Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã thẳng thắn chỉ ra tồn tại này tại Phiên họp thứ Chín của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua.
Câu chuyện đơn thư của công dân chạy lòng vòng là vấn đề không mới. Chúng ta hoàn toàn chia sẻ với những trăn trở của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga khi tình trạng này đã từng được nhắc tới ở nhiều nhiệm kỳ Quốc hội, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Tình trạng đơn thư công dân đi lòng vòng là một trong những điểm nghẽn trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của thời gian qua. Điều này không chỉ gây bức xúc cho công dân mà còn làm khó cho cả cơ quan tiếp nhận và giải quyết các đơn thư này.
Dù không nhiều nhưng từ thực tế giải quyết đơn thư cho thấy, có những vụ việc khiếu nại, tố cáo được địa phương ở cấp huyện, tỉnh, cơ quan có liên quan đã giải quyết hết thẩm quyền nhưng công dân vẫn gửi đơn thư lên Trung ương và đơn thư này lại được chuyển đơn về địa phương đề nghị xem xét, giải quyết. Điều này đã làm cho một số cơ quan tiếp nhận đơn thư đã trở thành “chim đưa thư” bất đắc dĩ! Đường đi “lòng vòng” của đơn thư là một trong những nguyên nhân làm tăng sự bức xúc của những người khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là với những vụ việc kéo dài hàng chục năm trời mà không được giải quyết một cách thấu đáo, triệt để. Điều này ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật. Thậm chí có thể ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.
Không chỉ công dân gửi đơn thư lòng vòng, nhiều nơi, vượt cấp mà các cơ quan tiếp nhận đơn thư lòng vòng cũng có. Câu hỏi đặt ra là, vì sao đã có quy trình tiếp nhận, xử lý và giải quyết đơn thư của công dân mà tình trạng đơn vòng vèo vẫn cứ xảy ra? Do phía người dân chưa tuân thủ các quy định pháp luật hay do việc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền chưa đúng, chưa kịp thời, chưa làm hết trách nhiệm? Thực trạng này là do vướng mắc từ chính sách, pháp luật, hay khâu tổ chức thực hiện? Làm thế nào để đơn thư lòng vòng không tái diễn? Cử tri mong rằng, những câu hỏi này sẽ được làm rõ sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề trong năm nay về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1.7.2016 đến ngày 1.7.2021”.
Việc chưa thể kiểm soát được đường đi đơn thư của công dân đến những địa chỉ cụ thể nào đã làm cho việc thống kê đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân không bảo đảm tính xác thực. Để khắc phục được tình trạng này, trước tiên cần nâng cao trình độ, kỹ năng đối với cán bộ tiếp công dân. Cán bộ tiếp công dân phải “đủ tâm, đủ tầm”. Việc xử lý đơn phải bảo đảm tuân thủ pháp luật; nhanh chóng, kịp thời; rõ ràng, thống nhất và tạo điều kiện thuận tiện cho công dân trong việc thực hiện các thủ tục về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Đơn phải được chuyển đến đúng địa chỉ, đúng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Ngoài ra, cần xử lý nghiêm trách nhiệm đối với công dân “loạn gửi đơn”, hay cá nhân, cơ quan để xảy ra tình trạng chuyển đơn lòng vòng.
Cùng với đó, để bảo đảm minh bạch thông tin, các bộ, ngành, địa phương cần tích hợp thông tin đầy đủ trên Cơ sở dữ liệu về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Qua đó, góp phần công khai kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Sự minh bạch này giúp công dân, cơ quan có liên quan giám sát quá trình tiếp nhận, giải quyết đơn thư; tránh tình trạng bỏ sót đơn thư, chuyển đơn lòng vòng, hay giải quyết đơn thư của công dân chưa thật sự “đến nơi, đến chốn”.
QUẢN LÝ
*Tienphong.vn (03/4): Quy định mới về quy trình xử lý tin tố giác tội phạm được dư luận quan tâm
Đối với tố giác, tin báo hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc được dư luận xã hội quan tâm thì công an xã, phường, thị trấn phải báo ngay bằng các hình thức liên lạc nhanh nhất cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Bộ Công an cho biết, trong tháng 3/2022, Bộ Công an tiếp tục thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2022; trong đó nhiều lĩnh vực công tác quan trọng được quan tâm hoàn thiện cơ sở pháp lý như: thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm; cải cách hành chính; kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu số với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...
Với mục đích đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm của công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an, trạm công an, Bộ trưởng Tô Lâm đã ký ban hành Thông tư số 129/2021/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân.
Theo đó, đối với tố giác, tin báo hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc được dư luận xã hội quan tâm; tố giác, tin báo về tội phạm đã rõ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc rõ người bị tố giác mà có căn cứ cho rằng người đó có thể bỏ trốn, có căn cứ và cần thiết phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn thì công an xã, phường, thị trấn, đồn công an báo ngay bằng các hình thức liên lạc nhanh nhất cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Đối với tin báo này, tổ chức ngay lực lượng đến bảo vệ hiện trường, lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, bị hại, người làm chứng, người bị tố giác và những người có liên quan.
Bên cạnh đó, lực lượng công an cần xác minh, làm rõ nhân thân, lai lịch của người bị tố giác, bị hại và những người có liên quan; phát hiện, tạm giữ, bảo quản đồ vật, tài liệu có liên quan đến hành vi có dấu hiệu tội phạm và chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo đồ vật, tài liệu có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận. Đối với các xã ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo, điều kiện đi lại khó khăn thì thời hạn chuyển tố giác, tin báo về tội phạm không quá 48 giờ kể từ khi tiếp nhận...
*Baotintuc.vn (04/4): TP Hồ Chí Minh có 400 nhân viên y tế xin nghỉ việc trong 3 tháng đầu năm
Chiều 4/4, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2022, toàn ngành có 400 nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở công lập nộp đơn xin nghỉ việc.
Theo bà Lê Thiện Quỳnh Như, hàng năm, các bệnh viện công lập tại TP Hồ Chí Minh đều ghi nhận có tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc với nhiều lý do như nhà xa, môi trường làm việc không phù hợp và cũng có lý do thu nhập chưa được như mong đợi.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong tuần này, Hội đồng nhân dân Thành phố sẽ họp và thông qua một số chính sách để hỗ trợ cho nhân viên y tế.
Trước đó, theo thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong 10 tháng của năm 2021, có gần 1.000 nhân viên y tế xin nghỉ việc, chủ yếu ở một số bệnh viện và tuyến trạm y tế.
Trả lời chất vấn đại biểu Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh tại Kỳ họp thứ 4 (Khóa X), ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, nhân viên y tế kiệt sức và nhiều tháng chưa được nghỉ ngơi nhưng lại nhận được mức thu nhập quá thấp, là lý do khiến nhiều nhân viên y tế nghỉ việc.
*Tienphong.vn (04/4): Quảng Trị: Tỷ lệ lãnh đạo tiếp công dân rất thấp
Thực hiện chương trình giám sát “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2021”, trong những ngày cuối tháng 3 và đầu tháng 4 này Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị đã giám sát tại UBND huyện Vĩnh Linh, TP Đông Hà và UBND tỉnh Quảng Trị.
Giai đoạn này tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có chiều hướng gia tăng về số lượng. Hơn 18 ngàn lượt tiếp công dân trên gần 11 ngàn vụ việc đã diễn ra. Tuy nhiên, số lượng khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp xảy ra không nhiều. Tình trạng khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực đất đai chiếm khoảng 60%.
Tại các buổi giám sát, Đoàn giám sát Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đã thẳng thắn chỉ rõ việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan chức năng còn nhiều vấn đề chưa đúng với quy định. Lãnh đạo tiếp công dân còn rất thấp, có địa phương người đứng đầu chỉ mới tiếp công dân đạt khoảng 18%; bố trí ủy quyền người tiếp công dân thay không đúng quy định; kỹ năng tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đáp ứng yêu cầu.
Ông Hoàng Đức Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, rất băn khoăn khi số lượng Chủ tịch tiếp công dân ở TP Đông Hà rất thấp, chỉ có 16/87 ngày, chiếm 18% .
*Chinhphu.vn (5/4): Bộ Công an thông tin về các vụ án: Nguyễn Phương Hằng, Việt Á, Cục Lãnh sự
Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, báo chí đề nghị Bộ Công an cho biết thêm thông tin về khởi tố bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng; kết quả điều tra vụ án Công ty Việt Á, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao.
Sớm đưa ra xét xử Nguyễn Phương Hằng
Trả lời báo chí, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết: Hơn 1 năm nay, báo chí, dư luận xã hội, cộng đồng mạng xôi sục bàn tán, vừa qua 24/3 khởi tố bà Nguyễn Phương Hằng "tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Đến nay, Bộ Công an đã chỉ đạo công an TPHCM tập trung lực lượng điều tra làm rõ toàn bộ vụ việc, sớm đưa ra xét xử theo quy định pháp luật.
Về vụ Việt Á, đã có thông báo của Ủy ban kiểm tra Trung ương, chờ đợi làm các thủ tục tiếp theo.
Vụ Cục Lãnh sự: Sẽ có bước đột phá, chuyển biến mới
Về vụ nhận hối lộ liên quan đến Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, Cơ quan điều tra đã xác định có hành vi lợi dụng chính sách để trục lợi, các bị can bị tạm giam bước đầu nhận tội, phối hợp cơ quan điều tra trong qúa trình tố tụng.
Hoạt động các đối tượng trong vụ án nhận hối lội là tinh vi, số người tham gia đông, gồm cả trong và ngoài nước, có liên quan đến các bộ, ban ngành, địa phương, thời gian dài, một số đối phó quyết liệt, nên mất thời gian trong điều tra xác minh vụ việc.
Cơ quan điều tra đang phối hợp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan làm rõ bản chất vụ việc.
Cơ quan công an đề nghị các cá nhân tổ chức hợp tác với cơ quan điều tra, chủ động cung cấp tài liệu liên quan cho cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an, thời gian tới sẽ có bước đột phá chuyển biến mới vụ việc này.
SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH
* Tienphong.vn (04/4): Kiến nghị 2 bộ trưởng làm rõ các tố cáo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM
Ngày 3/4, một lãnh đạo phòng thuộc Sở LĐ-TB&XH TPHCM đã gửi đơn kiến nghị đến Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà về việc có ý kiến với lãnh đạo TP sớm xem xét những sai phạm của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM Lê Minh Tấn.
Trong đơn, vị lãnh đạo phòng cho biết, từ năm 2016 đến nay, nhiều đơn tố cáo cho thấy ông Tấn không xứng đáng với tôn chỉ, mục đích của ngành và vị trí mà ông Tấn nắm giữ, đánh mất niềm tin, uy tín của cán bộ trong ngành.
Theo người kiến nghị, năm 2021, Sở huy động được hơn 461 triệu đồng cho quỹ vận động phòng chống dịch nhưng có những khoản chi không rõ ràng, không đúng mục đích, bao gồm chi cho 21 thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Sở, kể cả ông Tấn, 4,6 triệu đồng/người.
* Tienphong.vn (04/4): Bà Rịa-Vũng Tàu: Phê bình Chủ tịch 7 huyện, TX, TP vì cử cấp phó đi họp thay
Ngày 4/4, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ký văn bản khẩn, phê bình chủ tịch UBND của 7 huyện, thị xã, thành phố gồm Vũng Tàu, Bà Rịa, Phú Mỹ, Đất Đỏ, Châu Đức, Xuyên Mộc, Côn Đảo.
Lý do, các chủ tịch UBND huyện, thị, thành phố nêu trên không tham dự, cử cấp phó đi mà không có lý do chính đáng và chưa được sự cho phép của người chủ trì về buổi làm việc với Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH về chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, vào ngày 30/3.
Cùng với việc phê bình, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu lãnh đạo 7 huyện, thị, thành phố nghiêm túc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh việc tham dự các cuộc họp, nhất là những cuộc họp có tính chất quan trọng.
*Vtv.vn (5/4): Bắt Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng và 6 đồng phạm
Cơ quan CSĐT Bộ Công an, C03 khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị liên quan, khởi tố, bắt tạm giam 7 bị can.
Kết quả điều tra xác định, trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên gồm Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Để đảm bảo hoạt động bình thường của công ty, Đỗ Anh Dũng đã ủy quyền cho ông Đỗ Hoàng Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh điều hành Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
*Thanhnien.vn (4/4): Xét xử 2 cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa và 5 đồng phạm
Theo kế hoạch, hôm nay (4.4), TAND tỉnh Khánh Hòa đưa vụ án sai phạm trong quản lý đất đai liên quan đến nhiều cựu lãnh đạo chủ chốt của Khánh Hòa ra xét xử.
Trong vụ án này, Viện KSND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành cáo trạng truy tố 7 bị can, trong đó có 2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Thông tin ban đầu cho biết, có 17 luật sư bào chữa cho các bị cáo.
Theo đó, 7 bị can gồm các ông: Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh (2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa), Đào Công Thiên (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh), Lê Mộng Điệp, Võ Tấn Thái (cùng là cựu Giám đốc Sở TN-MT), Lê Văn Dẽ (cựu Giám đốc Sở Xây dựng) và Trần Văn Hùng (cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở TN-MT Khánh Hòa).
Cả 7 bị can đều bị truy tố về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” (khung hình phạt từ 5 - 12 năm, theo khoản 3, điều 229, bộ luật Hình sự); vì có liên quan cấp phép, giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại các dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và biệt thự sông núi Vĩnh Trung, thuộc khu vực núi Chín Khúc, TP.Nha Trang.
Ông Nguyễn Chiến Thắng sai phạm khi ký giao đất dự án sinh thái tâm linh
Dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự có nguồn gốc từ khu kinh tế trang trại Đất Lành, được chia thành 2 khu (khu A và B). Trong đó, khu B là dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự với diện tích hơn 513 ha, do Công ty TNHH sản xuất - xây dựng Khánh Hòa (gọi tắt Công ty Khánh Hòa) làm chủ đầu tư.
Theo cáo trạng, ngày 3.4.2012, ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (từ năm 2010 - 2015), ký ban hành văn bản về chủ trương cho Công ty Khánh Hòa mở rộng dự án biệt thự và du lịch sinh thái trong khu kinh tế trang trại Đất Lành. Sau đó, các ông Đào Công Thiên, Trần Văn Hùng, Lê Mộng Điệp, Lê Văn Dẽ, Võ Tấn Thái ký các văn bản tham mưu trái luật trong việc đề xuất giao đất, điều chỉnh loại đất tại dự án này.
Cơ quan tố tụng xác định, ông Nguyễn Chiến Thắng với vai trò là người đứng đầu UBND tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện nhiều chỉ đạo xuyên suốt bằng văn bản trong quá trình thực hiện chủ trương đầu tư và triển khai dự án; đã trực tiếp ký các văn bản chỉ đạo về chủ trương, ký quyết định giao đất cho chủ đầu tư để thực hiện dự án trái quy định của pháp luật.
Giao trái luật hàng chục héc ta đất rừng
Tại dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung (hơn 19,6 ha), giai đoạn khi giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (2010 - 2015), ông Lê Đức Vinh có nhiều hành vi vi phạm nghiêm trọng trong việc giao đất cho Công ty Khánh Hòa thực hiện dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung.
Theo đó, ngày 22.6.2011, Công ty Khánh Hòa có văn bản xin chuyển mục đích sử dụng đất của dự án này. 3 tháng sau, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung, với mục tiêu đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu biệt thự mới để ở kết hợp du lịch sinh thái. Ngày 8.6.2012, ông Lê Văn Dẽ đã có báo cáo kết quả thẩm định đồ án quy hoạch trình UBND tỉnh phê duyệt. Đến ngày 15.8.2012, ông Lê Đức Vinh đã ký quyết định cho phép Công ty Khánh Hòa được chuyển mục đích sử dụng hơn 19,6 ha từ đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích đất ở và đất có mục đích công cộng để thực hiện dự án.
Cơ quan tố tụng xác định, ông Lê Đức Vinh ký các quyết định giao đất vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, đó là giao đất khi chưa xác định mức thu tiền sử dụng đất, giao đất trên thực địa trước khi chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính. Giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Trong vụ án này, ông Lê Mộng Điệp ký tờ trình đề nghị UBND tỉnh cho Công ty Khánh Hòa chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án khu biệt thự và du lịch sinh thái Vĩnh Trung không đúng với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Ông Lê Văn Dẽ đã báo cáo kết quả thẩm định, đề nghị UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết trái quy hoạch chung xây dựng đã được phê duyệt.
QUẢN LÝ NGÂN SÁCH
* Nhandan.vn (5/4): Nguy cơ “vỡ” kế hoạch giải ngân ở Bắc Kạn
Mặc dù có nhiều nỗ lực, tuy nhiên đến hết quý I/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Bắc Kạn mới chỉ đạt hơn 4%, thuộc hàng thấp nhất cả nước. Nhiều khó khăn, hạn chế chủ quan và khách quan đang làm tăng nguy cơ "vỡ" kế hoạch đã đề ra.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh là hơn 2.738 tỷ đồng (chưa bao gồm vốn chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; vốn ngân sách Trung ương tăng thêm năm 2022; kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 kéo dài). Tính đến cuối tháng 3/2022, số đã giải ngân là hơn 104 tỷ đồng, bằng 4,0% kế hoạch.
Giải ngân vốn xây dựng cơ bản ở Bắc Kạn đang gặp rất nhiều khó khăn. Hiện, các dự án chuyển tiếp có tổng vốn 961 tỷ đồng, đều là dự án khởi công mới trong năm 2021 với tỷ lệ đã thanh toán tạm ứng lớn, trung bình khoảng 50%. Năm 2022, các dự án trên vừa phải thực hiện hoàn ứng năm 2021 vừa phải giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 được giao là khối lượng công việc lớn không dễ thực hiện. Đối với các dự án khởi công mới trong năm 2022 có tổng vốn 727 tỷ đồng thì đa phần vừa hoàn thành xong các thủ tục phê duyệt dự án, đang thực hiện các bước tổ chức lựa chọn nhà thầu, chưa thi công trên thực tế.
Đối với các dự án ODA, Bắc Kạn có tổng vốn 434 tỷ đồng để thực hiện 7 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang. Theo cơ chế tài chính của từng dự án, để đủ điều kiện giải ngân hết số vốn trên thì phải bố trí số vốn ODA vay lại theo tỷ lệ vay tương ứng từng dự án với tổng số tiền hơn 49 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên cơ sở số dư nợ dự kiến vay lại của tỉnh tại thời điểm tháng 10/2021, Quốc hội và Chính phủ đã giao tổng số vay lại trong năm 2022 của tỉnh Bắc Kạn là 16 tỷ đồng. Như vậy, với tổng số vốn vay lại được giao như trên, tỉnh sẽ không đủ điều kiện để giải ngân hết toàn bộ số vốn ODA cấp phát 394 tỷ đồng được Thủ tướng Chính phủ giao.
Dự kiến trong năm 2022, tỉnh Bắc Kạn sẽ được Trung ương bổ sung thêm kế hoạch vốn từ các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, vốn ngân sách trung ương tăng thêm năm 2022… Trong khi đến thời điểm hiện tại, việc chuẩn bị danh mục dự án, chuẩn bị đầu tư và các thủ tục có liên quan chưa thực hiện xong.
THẾ GIỚI
*Vtv.vn (5/4): EU công nhận chứng chỉ COVID-19 của Malaysia
Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý với yêu cầu của Malaysia về việc công nhận Chứng chỉ COVID kỹ thuật số của Malaysia.
Ứng dụng My Sejahtera của Malaysia sẽ được kết nối với hệ thống chứng chỉ COVID kỹ thuật số của EU. Quyết định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày hôm qua, nhằm thúc đẩy kinh doanh và du lịch giữa hai bên.
Đây là khuôn khổ dành cho việc cấp, xác minh và chấp nhận chứng chỉ tiêm chủng, thử nghiệm và phục hồi COVID-19 để tạo điều kiện cho việc di chuyển tự do trong suốt thời gian diễn ra đại dịch COVID-19.
Malaysia vừa mở cửa trở lại biên giới quốc gia vào ngày 1/4 và chuyển sang coi COVID-19 là bệnh đặc hữu.
*Vtv.vn (5/4): 99% dân số thế giới phải hít thở không khí ô nhiễm
Khoảng 99% dân số toàn cầu phải hít thở không khí ô nhiễm vượt quá giới hạn an toàn của Tổ chức Y tế thế giới.
Trong đó, người dân ở các nước có thu nhập thấp và trung bình lại bị phơi nhiễm ô nhiễm không khí hơn cả. Đây là công bố được WHO đưa ra ngày hôm qua, 4/4.
Theo WHO, các hạt bụi nhỏ và khí NO2 là hai chất ô nhiễm phát thải từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch và được cho là nguyên nhân gây các bệnh về hô hấp và tim mạch tại hơn 6.000 thành phố ở 117 quốc gia, cướp đi sinh mạng của ít nhất 7 triệu người trong giai đoạn 2010-2019.
Số lượng các hạt nhỏ trong không khí tại các nước châu Phi và khu vực phía Tây Thái Bình Dương cao gần gấp 8 lần so với tiêu chuẩn an toàn của WHO, trong khi đó mức độ tập trung của các hạt này lại thấp nhất tại châu Âu.
Liên hợp quốc đã đưa ra một số khuyến nghị có thể giúp giảm 40-70% lượng phát thải carbon vào năm 2050, như cắt giảm các chuyến bay đường dài, cắt giảm nhu cầu năng lượng, xây dựng các tòa nhà có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, và thúc đẩy chế độ ăn dựa trên khẩu phần thực vật.
*Vtv.vn (5/4): Các nước châu Âu thúc đẩy chương trình tiêm mũi vaccine thứ tư
Tính đến sáng 5/4, thế giới ghi nhận 491,9 triệu ca mắc COVID-19 và 6,17 triệu trường hợp tử vong vì đại dịch.
Trong những ngày gần đây, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở Nhật Bản. Ngày 3/4, nước này ghi nhận thêm 47.345 ca mới, tăng khoảng 40.000 ca so với một tuần trước đó. Đây là ngày thứ 9 liên tiếp số ca nhiễm mới ở Nhật Bản tăng.
Riêng tại thủ đô Tokyo, chính quyền thành phố xác nhận có 7.899 ca nhiễm mới. Tính chung trong tuần từ 28/3 đến 3/4, số ca nhiễm mới bình quân ở Tokyo là 7.630,3 ca/ngày, tăng 18% so với một tuần trước đó. Tuy nhiên, đáng chú ý là ngày 3/4, số bệnh nhân COVID-19 nặng trên toàn quốc lại giảm 8 người so với một ngày trước đó xuống còn 510, trong khi chỉ có 35 ca tử vong vì dịch COVID-19. Điều đó giúp giảm bớt áp lực lên hệ thống y tế ở Nhật Bản.
Tại Hàn Quốc, nước này dự kiến bãi bỏ hoàn toàn các biện pháp giãn cách phòng dịch COVID-19 trong vòng 2 tuần tới nếu làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron tiếp tục xu hướng chững lại và giảm dần.
Bắt đầu từ ngày 4/4, Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục nới lỏng giới hạn tụ tập riêng tư, cho phép tối đa đến 10 người thay vì 8 người và kéo dài thời gian kinh doanh của các cơ sở ăn uống như nhà hàng và quán cà phê đến nửa đêm.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết, hơn 38.000 nhân viên y tế thuộc 15 khu vực cấp tỉnh đã tới Thượng Hải hỗ trợ thành phố này chống dịch. Trong đó, hơn 11.000 nhân viên y tế đã đến bổ sung tại các bệnh viện tạm thời, hơn 23.000 nhân viên tiến hành thu thập mẫu xét nghiệm và 4.000 người khác hỗ trợ tại các phòng xét nghiệm.
Giới chức thành phố Thượng Hải đã áp đặt 2 lệnh phong tỏa. Cụ thể, khu vực phía Đông của thành phố vừa kết thúc 4 ngày đóng cửa, trong khi khu vực phía Tây áp dụng lệnh này từ ngày 1/4 nhằm tiến hành xét nghiệm trên diện rộng truy vết các ca mắc COVID-19.
Trong khi đó, các nước châu Âu thúc đẩy chương trình tiêm mũi vaccine thứ 4 ngừa COVID-19 để tăng cường khả năng bảo vệ người dân. Bộ Y tế Thụy Điển ngày 4/4 thông báo sẽ tiêm mũi vaccine thứ 4 ngừa COVID-19 cho người từ 65 tuổi trở lên sau 4 tháng tiêm mũi 3.
Đầu tháng trước, Thụy Điển đã dỡ bỏ gần như tất cả các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19. Nước này cũng đã chấm dứt hoạt động xét nghiệm COVID-19 quy mô lớn, trong bối cảnh số bệnh nhân cần phải chăm sóc đặc biệt đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 18 tháng.
*Thanhnien.vn (3/4): Thái Lan ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể XE gây Covid-19
Tờ Bangkok Post ngày 3.4 đưa tin Thái Lan ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể XE của SARS-CoV-2, không lâu sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo về biến thể này.
Theo đó, Trung tâm Hệ gien học y khoa thuộc Bệnh viện Ramathibodi (Bangkok) đã ghi nhận biến thể XE vào ngày 2.4, sau khi phân tích trình tự gien của mẫu bệnh phẩm lấy từ một bệnh nhân Thái Lan.
WHO cho rằng biến thể XE dường như có mức lây nhiễm cao hơn 10% so với biến thể phụ BA.2 của Omicron, dù điều này cần xác nhận thêm. Biến thể XE được cho là biến thể lai giữa 2 biến thể phụ của Omicron là BA.1 và BA.2, hiện chiếm một tỷ lệ nhỏ trong số các ca trên toàn cầu.
Biến thể XE được phát hiện đầu tiên tại Anh vào ngày 19.1 và khoảng 600 trình tự được báo cáo và xác nhận cho đến nay.
* Vietnamplus.vn (4/4): Nam Phi dỡ bỏ tình trạng thảm họa sau 2 năm chống dịch
Theo Tổng thống Nam Phi, việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế sẽ giúp nền kinh tế phục hồi và đưa đất nước "quay trở lại đúng hướng".
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphos thông báo nước này sẽ chấm dứt tình trạng thảm họa trên toàn quốc từ 12 giờ đêm 4/4 (theo giờ địa phương). Tình trạng thảm họa đã có hiệu lực tại Nam Phi trong 750 ngày qua, cho phép Chính phủ nước này áp đặt các biện pháp nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước sự lây lan của Covid-19.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, Nam Phi đã ghi nhận nhiều ca nhiễm virus hơn bất cứ quốc gia nào tại Nam Phi, với 3,7 triệu ca mắc và hơn 100.000 ca tử vong liên quan Covid-19.
Sau khi trải qua 4 đợt lây nhiễm mạnh, gần đây nhất là làn sóng Omicron, giới chức Nam Phi hy vọng tỷ lệ tiêm chủng tăng sẽ giúp giảm gánh nặng đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe. Theo dữ liệu của Our World in Data, đến nay hơn 1/3 dân số Nam Phi đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19. Tỷ lệ này tuy cao trong khu vực châu Phi, song vẫn thấp so nhiều nước phát triển.
*Nhandan.vn (5/4): Dự báo xuất khẩu của Thái Lan tăng 5% trong năm 2022
Ngày 5/4, Hiệp hội Chủ hàng Quốc gia Thái Lan (TNSC) thông báo, do ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, dự kiến xuất khẩu của Thái Lan sẽ tăng 5% trong năm 2022, thay cho dự báo trước đó là tăng trưởng ở mức 5-8%.
Theo dự báo của TNSC, xuất khẩu sẽ tăng 8% trong quý đầu tiên so cùng kỳ năm trước và từ 2-4% trong quý thứ hai.
Trong cả năm 2021, xuất khẩu của Thái Lan đã tăng 17,1%.
Giám đốc cấp cao Ngân hàng Thái Lan Chayawadee Chai-Anant cho rằng, xuất khẩu và du lịch là 2 lĩnh vực chính thúc đẩy nền kinh tế của Thái Lan trong tháng 2/2022. Theo đó, giá trị xuất khẩu hàng hóa sau khi điều chỉnh theo mùa đã tăng nhẹ 0,9% so tháng trước, nhờ nhu cầu từ các đối tác thương mại. Tăng trưởng xuất khẩu được ghi nhận ở một số ngành hàng như các sản phẩm liên quan đến dầu mỏ. Xuất khẩu ô-tô và đồ điện tử của Thái Lan cũng có dấu hiệu cải thiện nhờ nhu cầu phục hồi từ các đối tác thương mại.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới ngày 5/4 đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng của Thái Lan xuống 2,9% trong năm 2022, giảm so mức dự báo 3,9% trước đó.
Xem chi tiết tại đây