Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 30 tháng 3 đến ngày 01 tháng 4 năm 2022

Update 01 - 04 - 2022
100%

PHẦN I: TIN ĐIỆN BIÊN

 

  *Dienbientv.vn (31/3): Điện Biên: Đến ngày 4/4/2022, 100% trường học tổ chức dạy học trực tiếp

Thực hiện theo chủ trương thích ứng an toàn linh hoạt với dịch Covid-19, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đạo tạo tổ chức dạy học trực tiếp, đến nay đã có gần 90% cơ sở giáo dục tổ chức dạy học trực tiếp.

Theo thống kê, tính đến nay toàn tỉnh có 430/482 cơ sở giáo dục tổ chức dạy học trực tiếp, tương đương với 90%. Trong đó 100% các trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Cao đẳng Sư phạm đã cho học sinh đi học trực tiếp trở lại.

Hiện còn 52 trường tương đương với hơn 10% cơ sở giáo dục tạm dừng học trực tiếp chủ yếu là cấp học mầm non và tiểu học.

Theo kế hoạch, đến ngày 4/4/2022, 100% các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh sẽ tổ chức dạy học trực tiếp trở lại. Khi tổ chức học trực tiếp Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà trường thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch theo qui định của ngành y tế.

 

*Baodienbienphu.info.vn (31/3): Hơn 17 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng chưa thể chi trả

Theo thống kê của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên, hiện nay toàn tỉnh còn tồn hơn 17,2 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Trong đó, nhiều nhất là các huyện: Mường Chà tồn gần 7,5 tỷ đồng, Điện Biên tồn gần 3,8 tỷ đồng, thành phố Điện Biên Phủ tồn hơn 3,3 tỷ đồng…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tồn tiền dịch vụ môi trường rừng, như: một số địa bàn chưa điều chỉnh tên chủ rừng theo quyết định sáp nhập, đổi tên các thôn, bản, tổ dân phố của UBND tỉnh với bản đồ giao đất giao rừng; một số diện tích nhỏ lẻ các chủ rừng chưa thực hiện mở tài khoản để nhận tiền dịch vụ môi trường rừng; một số chủ rừng chết chưa có người thừa kế; một số địa phương, như: huyện Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ và huyện Mường Ảng chưa bàn giao bản đồ giao đất giao rừng của một số chủ rừng.

Ngoài ra, tại huyện Điện Biên Đông và thành phố Điện Biên Phủ còn sai khác thông tin (lô, khoảnh, tiểu khu) giữa quyết định với bản đồ giao đất giao rừng của chủ rừng; sai thông tin giữa quyết định giao đất giao rừng với giấy tờ tuỳ thân (CMT/CCCD) của chủ rừng; quyết định và bản đồ giao đất giao rừng chưa đúng theo quy định, như: một lô rừng nằm trên hai khoảnh và hai tiểu khu khác nhau.

Để khẩn trương chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đến các chủ rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp & PTNT và ban hành nhiều văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉnh sửa, đính chính những sai khác giữa quyết định, bản đồ giao đất giao rừng và giấy tờ tuỳ thân; xây dựng kế hoạch làm việc trực tiếp với UBND các huyện, thành phố để tháo gỡ những khó khăn trong công tác chi trả tiền DVMTR; phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Điện Biên, Viettel Pay và các ngân hàng thương mại tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn mở tài khoản cho các chủ rừng tại cơ sở; đồng thời, tiếp tục tham mưu cho Hội đồng quản lý Quỹ nhất trí chủ trương thực hiện chi trả bằng tiền mặt cho các chủ rừng đủ điều kiện chi trả DVMTR từ năm 2013 - 2020.

 

*Baodienbienphu.info.vn (31/3): 100 cây chè Shan tuyết Tủa Chùa được công nhận là cây di sản Việt Nam

Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam vừa xét duyệt hồ sơ và kết luận quần thể 100 cây chè Shan tuyết tại các thôn: Sín Chải, Hấu Chua (xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa) đạt đầy đủ các tiêu chí Cây di sản Việt Nam và được công nhận là Cây di sản Việt Nam. 

Trước đó, huyện Tủa Chùa đã lập đoàn khảo sát, lựa chọn 100 cây chè cổ thụ có kích thước lớn nhất, trong quần thể gần 4.000 cây hiện có để tiến hành đo các chỉ số: chiều cao, đường kính tán lá, chu vi gốc cây… Trên cơ sở đó tổng hợp, lập hồ sơ đề nghị công nhận.

Huyện Tủa Chùa nằm ở độ cao 1.400 m so với mực nước biển, sở hữu rừng chè Shan tuyết cổ thụ, trong đó nhiều cây có tuổi đời vài trăm năm. Đây là giống chè mọc tự nhiên, được chăm sóc hoàn toàn hữu cơ. Trước kia, người dân bản địa chủ yếu thu hái để sử dụng trong gia đình. Hiện nay chè Shan tuyết đã trở thành đặc sản và mang lại nguồn thu ổn định cho nhiều người dân địa phương.

 

*Baodienbienphu.info.vn (30/3): Bến xe tuyến huyện hoạt động kém hiệu quả

Những năm qua, hệ thống bến xe tuyến huyện được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại; nhiều luồng tuyến được mở mới nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, phần lớn các bến xe tuyến huyện đều hoạt động kém hiệu quả và luôn trong tình trạng thua lỗ.

Hiện nay, toàn tỉnh có 15 bến xe tại các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó: TP. Điện Biên Phủ 1 bến; huyện Điện Biên 2 bến; Điện Biên Đông 2 bến; TX. Mường Lay 1 bến; Tuần Giáo 1 bến; Nậm Pồ 2 bến; Mường Nhé 2 bến; Tủa Chùa 3 bến và Mường Chà 1 bến. Trong số 15 bến xe đang hoạt động chỉ có duy nhất bến xe khách TP. Điện Biên Phủ hoạt động có hiệu quả, các bến xe còn lại đều thua lỗ, doanh thu không đáp ứng đủ chi phí đầu tư và vận hành bộ máy. Theo thống kê của Ban Quản lý Bến xe khách tỉnh, năm 2021 tổng doanh thu của tất cả bến xe khách trên địa bàn tỉnh đạt 10 tỷ đồng, trong đó bến xe khách TP. Điện Biên Phủ đạt 8 tỷ đồng, 14 bến xe còn lại chỉ đạt doanh thu 2 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Công Toàn, Phó Giám đốc Ban Quản lý Bến xe khách tỉnh cho biết: Phần lớn các bến xe khách tuyến huyện phục vụ nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn tỉnh là chính còn xét về hiệu quả kinh tế thì gần như không có. Nhiều năm nay, các bến xe tuyến huyện đều hoạt động kém hiệu quả và luôn trong tình trạng thua lỗ, doanh thu chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với chi phí đầu tư và chi phí vận hành bộ máy. Hiện nay, doanh thu của các bến xe tuyến huyện đến từ các khoản thu phí theo quy định, các khoản thu từ bán vé và một số dịch vụ đi kèm. Tuy nhiên, có một thực trạng là hành khách không vào bến đón xe mà lại đứng đón dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Do đó, nguồn doanh thu cũng bị giảm. Những năm qua, các bến xe cũng đã đầu tư, nâng cấp khang trang với đầy đủ phòng bán vé, phòng chờ cho lái xe, phòng chờ hành khách... nhằm thu hút khách vào bến. Bên cạnh đó, Ban Quản lý bến xe thường xuyên phối hợp với các lực lượng: Thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, đội trật tự đô thị tuyên truyền, vận động khách vào bến. Song các giải pháp trên vẫn chưa thực sự hiệu quả, hành khách vẫn giữ thói quen đón xe dọc đường.

Việc xây dựng bến xe ở các huyện là cần thiết, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Song để các bến xe khách tuyến huyện hoạt động hiệu quả, cần nhiều giải pháp đồng bộ, từ việc nâng cao ý thức chấp hành trật tự giao thông của người dân (không đón xe dọc đường) đến các dịch vụ đi kèm để hút khách vào bến...

 

*Vov.vn (30/3): Dông lốc làm hư hỏng nhiều ngôi nhà ở Nậm Pồ, Điện Biên

Mưa lớn, dông lốc xảy ra cục bộ trên địa bàn huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) từ đêm 28 đến rạng sáng 29/3 đã làm gần chục ngôi nhà tại nhiều xã bị sạt lở nền, móng, tốc mái và một số công trình, đường giao thông quan trọng bị sạt lở, hư hỏng. Bước đầu ghi nhận, tổng thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.

Theo đó, tại xã Phìn Hồ, có 4 ngôi nhà bị ảnh hưởng do sạt lở, bị tốc mái, trong đó 2 nhà bị sạt lở, lũ cuốn trôi hàng chục m3 nền, móng; 2 nhà bị tốc mái. Tại địa bàn xã Chà Nưa, gió lốc giật mạnh cũng làm tốc mái 3 nhà ở bản Nậm Đích.

Theo chính quyền địa phương, 7 ngôi nhà của người dân trên địa bàn hai xã Phìn Hồ, Chà Nưa bị sạt lở, lũ cuốn trôi nền, móng, gió giật tốc mái là những ngôi nhà xây dựng theo kiểu truyền thống (nền cứng, thưng ván gỗ, mái lợp pro xi măng). Khi thiên tai xảy ra, người dân đã chủ động rời khỏi nhà và di chuyển đồ đạc, vật dụng sinh hoạt đến nơi khác an toàn.

UBND huyện Nậm Pồ đã chỉ đạo các lực lượng địa phương trực tiếp xuống các bản, làng tuyên truyền, vận động các hộ dân trong khu vực ảnh hưởng và có nguy cơ cao di dời đến nơi an toàn, hỗ trợ người dân di chuyển tài sản ra khỏi khu vực sạt lở để hạn chế thiệt hại.

 

*Baogiaothong.vn (30/3): Ngày 30/3, xảy ra một vụ đuối nước tại huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) khiến 3 em học sinh tử vong thương tâm.

Ngày 30/3, xảy ra một vụ đuối nước tại huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) khiến 3 em học sinh tử vong thương tâm.

Trao đổi cùng PV Báo Giao thông, ông Lò Văn Mai - Chủ tịch UBND xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên xác nhận trên địa bàn đã xảy ra sự việc đau lòng trên vào khoảng hơn 13h hôm nay tại bản Pá Vạt.

 

*Baodienbienphu.info.vn (31/3): Tiềm năng du lịch “bụi”

Điện Biên được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những nét đẹp hoang sơ kì thú, kết hợp với núi rừng hùng vĩ, đặc biệt là Mốc 0 nằm nơi ngã ba biên giới A Pa Chải, là địa điểm check-in mà phượt thủ nào cũng muốn đặt chân đến. Ngoài không khí trong lành, ẩm thực độc đáo, du khách còn có cơ hội được tiếp xúc và trải nghiệm vô cùng độc đáo về văn hóa của vùng đất Tây Bắc này. Đó chính là những tiềm năng để Điện Biên phát triển loại hình du lịch “bụi” đang được rất nhiều những bạn trẻ yêu thích.

Tiềm năng du lịch “bụi”

Bên cạnh những loại hình du lịch truyền thống, gần đây loại hình du lịch “bụi” hay “phượt” đang dần có sự phát triển mạnh mẽ. Nhất là từ khi mở thêm đường bay Điện Biên - TP. Hồ Chí Minh đã tạo sức hút cho du khách, đặc biệt các bạn trẻ đam mê “phượt” có cơ hội đặt chân lên mảnh đất cực Tây. Minh chứng rõ ràng nhất là trong dịp tháng 3 vừa qua, nhiều bạn trẻ lựa chọn hình thức du lịch này để hòa mình vào vẻ đẹp của miền đất hoa Ban. Bằng hình thức kết nối thông qua mạng xã hội, nhiều bạn trẻ từ các nơi đã liên hệ với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại Điện Biên. Hiểu một cách đơn giản, du lịch “bụi” là loại hình du lịch thường được các cá nhân hay một nhóm nhỏ áp dụng. Hình thức này phù hợp cho việc khám phá thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống thường ngày của người dân địa phương.

Mở ra cơ hội kinh doanh

Trước đây, khi nói đi du lịch Điện Biên nhiều người vẫn nghĩ rằng sẽ đi bằng máy bay, xe khách bởi khoảng cách địa lý mấy trăm cây số và hàng chục giờ đồng hồ di chuyển. Chỉ có một số ít các đoàn “phượt” từ các tỉnh miền xuôi lựa chọn chinh phục cực Tây bằng phương tiện cá nhân. Nhưng hiện nay, với sự phát triển của giao thông, nhất là khi tuyến bay Điện Biên - TP. Hồ Chí Minh mở ra, nhiều bạn trẻ đã lựa chọn hình thức du lịch “bụi”, “phượt” khám phá bằng các loại phương tiện khác nhau, trong đó có xe máy. Điều đó mở ra cơ hội kinh doanh với nhiều bạn trẻ nhanh nhạy với xu thế. Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn cho rằng việc kinh doanh có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai nếu loại hình du lịch này tiếp tục có tín hiệu tốt như hiện nay.

Nắm bắt thông tin trên mạng xã hội, bạn Nguyễn Ngọc Hà, TP. Điện Biên Phủ đã rủ bạn mình thành lập nhóm Mường Travel để đón, dẫn các nhóm khách nhỏ có mong muốn du lịch Điện Biên bằng xe máy. Bước đầu đi vào hoạt động nhưng Mường Travel cũng đã phục vụ được 3 - 4 đoàn khách. Hà chia sẻ: Du lịch “bụi” hiện được rất nhiều người yêu thích bởi sự chủ động, có nhiều trải nghiệm mới mẻ. Loại hình này khá phát triển ở các tỉnh Hà Giang, Lào Cai… nhưng còn khá mới mẻ tại Điện Biên.

Cũng theo bạn Hà chia sẻ, cơ hội kinh doanh không chỉ dừng lại ở việc phục vụ khách trực tiếp mà còn ở các dịch vụ đi kèm nếu như có sự liên kết giữa các địa phương với nhau. “Với những khách tới bằng đường hàng không, ngoài việc đưa đón trực tiếp có thể mở dịch vụ cho thuê xe máy tự lái để họ tự trải nghiệm Điện Biên. Với những khách muốn “phượt” xa hơn thì có thể liên kết với các địa phương khác để cho thuê xe. Ví dụ như khách từ Hà Nội lên Điện Biên có thể thuê xe máy tại đây, di chuyển vòng cung Tây Bắc sang Lai Châu, Lào Cai… rồi vòng về Hà Nội và trả xe ở đó. Tương tự như vậy có những đơn vị liên kết để có thể thuê xe tại nơi khác nhưng trả xe tại Điện Biên. Nếu làm được như vậy thì loại hình du lịch “bụi” này sẽ ngày càng phát triển, góp phần tạo thêm một sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc cho tỉnh nhà.” - Hà chia sẻ thêm.

 

*Baodienbienphu.info.vn (30/3): Điện Biên Đông thiếu nhân lực y tế phòng chống dịch

Những ngày qua, do dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Điện Biên Đông diễn biến phức tạp với hàng trăm ca mắc mới mỗi ngày nên lực lượng y tế tham gia công tác phòng, chống dịch gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng cán bộ y tế có hạn trong khi khối lượng công việc nhiều, vì vậy lực lượng y tế làm việc rất vất vả, thường xuyên phải làm quá giờ, ít có thời gian nghỉ ngơi…

Theo số liệu của Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Điện Biên Đông, từ ngày 13 - 22/3 trên địa bàn huyện có gần 1.600 bệnh nhân mắc Covid-19, tập trung chủ yếu ở thị trấn Điện Biên Đông, xã Mường Luân, Keo Lôm, Luân Giói, Chiềng Sơ… Số ca mắc Covid-19 tăng cao khiến đội ngũ y tế cơ sở làm việc rất vất vả, chịu nhiều áp lực trong gian qua.

Chị Vừ Thị Dùa, Phó trưởng Trạm Y tế thị trấn Điện Biên Đông chia sẻ: Tính từ đầu tháng 3 đến ngày 22/3, thị trấn Điện Biên Đông là địa bàn có nhiều ca mắc Covid-19 nhất của huyện với hơn 800 bệnh nhân. Số ca bệnh tăng cao đồng nghĩa với khối lượng công việc của Trạm cũng nhiều lên. Trong khi Trạm chỉ được biên chế 4 cán bộ, 1 người đã được tăng cường vào khu cách ly điều trị tập trung ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, 3 người còn lại phải đảm nhận rất nhiều công việc như: Trực test nhanh, báo dịch; tư vấn sức khỏe, cách điều trị, cách ly cho bệnh nhân mắc Covid-19; phun khử khuẩn những nơi có nguy cơ cao; thăm khám, sơ cấp cứu, chuyển tuyến cho bệnh nhân nặng; hoàn thành hồ sơ thủ tục; triển khai tiêm phòng vắc xin Covid-19; thực hiện các chương trình mục tiêu y tế; tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thị trấn về công tác phòng dịch… Nguồn nhân lực vốn đã ít, thời gian qua còn có 2/3 cán bộ của Trạm mắc Covid-19 nên chị Dùa phải xin tăng cường cán bộ tham gia phòng chống dịch. Người ít, công việc lại nhiều nên cán bộ y tế của Trạm phải tăng cường độ làm việc, thường xuyên làm quá giờ, ít có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình…

Bác sĩ chuyên khoa I Cao Thị Lý, Phó Giám đốc TTYT huyện Điện Biên Đông chia sẻ: Ngành Y tế huyện hiện có 191 cán bộ y, bác sĩ, người lao động; trong đó cán bộ y, bác sĩ tuyến huyện là 105 người, còn lại là tuyến xã. Thời gian qua, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc trên địa bàn huyện tăng cao, nhiều trường hợp cán bộ y tế cũng mắc bệnh nên nguồn nhâ/n lực tham gia công tác phòng, chống dịch gặp khó khăn, đặc biệt là tại các địa phương có nhiều ca mắc bệnh. Trước khó khăn trên, TTYT huyện đã chủ động tăng cường cán bộ y, bác sĩ cho các xã, thị trấn có nhiều bệnh nhân mắc Covid-19, thiếu nhân lực tham gia phòng, chống dịch. Từ đầu năm đến nay, TTYT huyện đã tăng cường 26 lượt cán bộ y, bác sỹ cho tuyến cơ sở để tham gia phòng, chống dịch. Đồng thời, tham mưu cho huyện tăng cường cán bộ tham gia công tác phòng, chống dịch; huy động tình nguyện viên hỗ trợ tuyến y tế cơ sở trong phòng chống dịch; động viên cán bộ y tế cùng cố gắng để thực hiện tốt nhiệm vụ chống dịch; đảm bảo chế độ chính sách để cán bộ y tế yên tâm chống dịch…

 

PHẦN II: TIN TỨC – THỜI SỰ

TIÊU ĐIỂM

*Vnexpress.net (31/3): Bộ Y tế đồng ý tiêm vaccine Moderna cho trẻ 6-11 tuổi

Chiều 31/3, đại diện Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, chấp thuận tiêm vaccine Covid-19 của hãng Moderna cho trẻ 6-11 tuổi.

Trả lời VnExpress, đại diện Cục Quản lý Dược cho biết vaccine Moderna đã được các nước thuộc Liên minh châu Âu, Australia và Canada phê duyệt tiêm cho trẻ em. Sau khi nghiên cứu các tài liệu khoa học, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc (Bộ Y tế) đã phê duyệt, mở rộng chỉ định tiêm vaccine Moderna cho trẻ 6-11 tuổi.

Như vậy, vaccine Moderna được tiêm cho trẻ từ 6 tuổi trở lên, không dành cho trẻ 5 tuổi. Liều lượng bằng một nửa người lớn, mỗi liều 0,25 ml chứa 50 mcg vaccine mRNA. Một lọ vaccine chứa tối đa 20 liều tiêm, một liệu trình có hai liều tiêm.

Động thái này được Bộ Y tế đưa ra sau 5 ngày xin phép Thủ tướng tiếp nhận 4,7 triệu liều vaccine Pfizer và 9 triệu liều vaccine Moderna cho trẻ em, do Australia viện trợ. Lúc này, chỉ có vaccine Pfizer được cấp phép tiêm cho trẻ (từ 12 tuổi trở lên tiêm mỗi liều 0,3 ml chứa 30 mcg vaccine; từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm mỗi liều 0,2 ml chứa 10 mcg vaccine).

 

*Dantri.com.vn (31/3): Bộ Nội vụ: Xử lý nghiêm người có hành vi bao che, tiếp tay cho tham nhũng

Xử lý nghiêm minh đối với những người có hành vi tham nhũng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng; ngăn chặn, xử lý, đẩy lùi các hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực.

Bộ Nội vụ vừa ban hành kế hoạch số 1178/KH-BNV thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022.

Trong đó, Bộ Nội vụ yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải gương mẫu, quyết liệt và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật liên quan đến tham nhũng (nếu có).

Xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách. Thực hiện nghiêm quy định về tặng quà, nhận quà tặng và có chế tài nghiêm khắc đối với cá nhân, tổ chức vi phạm.

Bộ Nội vụ thực hiện nghiêm việc kê khai, công khai, kiểm soát tài sản, thu nhập, chế độ báo cáo về kê khai, công khai tài sản, thu nhập. Giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng. Chủ động ngăn ngừa, xử lý sớm các vấn đề kéo dài có thể tạo ra bức xúc, nhất là các vụ việc khiếu kiện đông người, đình công liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân.

Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, các vi phạm và kết quả xử lý vi phạm liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cơ quan này khẳng định sẽ phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Ban Nội chính Trung ương, thanh tra các bộ, ngành và các cơ quan liên quan để làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

 

CHÍNH SÁCH – VĂN BẢN – NGHỊ ĐỊNH MỚI

*Vietnamplus.vn (31/3): Phê duyệt “Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030”

Đề án nhằm mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký ban hành Quyết định số 412/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt “Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030” (Đề án).

Đề án nhằm mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo thuận lợi để nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức Đầu tư, góp phần giảm chi phí huy động vốn, giảm mức rủi ro tín dụng quốc gia.

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2030 đạt mức xếp hạng tín nhiệm từ Baa3 (đối với Moody’s) hoặc BBB- (đối với S&P và Fitch) trở lên.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân cả giai đoạn khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD; tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33-35% GDP.

Đề án cũng đặt mục tiêu kiểm soát bội chi ngân sách Nhà nước được Quốc hội phê duyệt trong dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm và kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm, phấn đấu bội chi ngân sách Nhà nước đến năm 2030 khoảng 3% GDP; nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP...

Một trong các giải pháp chủ yếu của đề án là xây dựng nền tài chính công vững mạnh, mở rộng cơ sở thu bền vững để cải thiện các chỉ số nợ và thúc đẩy củng cố tài khóa.

 

* Chinhphu.vn (31/3): Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ 1/4/2022

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ban hành Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Theo đó, giảm 50% mức thuế BVMT đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm 70% mức thuế BVMT đối với dầu hỏa từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022 được quy định cụ thể như sau: Xăng, trừ etanol 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn 1.000 đồng/lít; dầu hỏa 300 đồng/lít; mỡ nhờn 1.000 đồng/kg.

Mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay giữ thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của UBTVQH.

Mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/1/2023 thực hiện theo quy định tại Mục I khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 của UBTVQH và Biểu thuế BVMT.

Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2022.

 

*Chinhphu.vn (31/3): UBTVQH ban hành Nghị quyết về tăng giờ làm thêm

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ban hành Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 về số giờ làm thêm trong 01 năm, trong 01 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Được làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 01 năm

Về số giờ làm thêm trong 01 năm, Nghị quyết nêu rõ: Trong trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi;

b) Người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

c) Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

d) Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;

đ) Lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Không áp dụng quy định trên đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 107 của Bộ luật Lao động.

Được làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 01 tháng

Về số giờ làm thêm trong 01 tháng, Nghị quyết nêu rõ: Trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 01 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 01 tháng.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/4/2022.

 

CHỈ THỊ MỚI

*Chinhphu.vn (31/3): Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm ổn định, an toàn thị trường chứng khoán

Ngày 30/3/2022, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, công khai, minh bạch, phát triển bền vững.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế để theo thẩm quyền chủ động thực hiện các biện pháp điều hành thị trường tài chính, tiền tệ, tín dụng và thị trường chứng khoán, hoạt động của các tổ chức tín dụng ổn định, an toàn, thông suốt.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến của thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế, các dòng vốn ra và vào thị trường để chủ động có giải pháp điều hành, giám sát thị trường chứng khoán phù hợp, kịp thời, sát với tình hình, bảo đảm an toàn, minh bạch, ổn định thị trường chứng khoán, không để xảy ra rủi ro, mất an toàn. Chủ động công bố thông tin và thực hiện các giải pháp ổn định tâm lý nhà đầu tư trong và ngoài nước, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư.

Đẩy mạnh việc rà soát cơ chế, chính sách và hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán để có chế tài xử lý mạnh mẽ, có tác dụng răn đe, bảo đảm minh bạch và lành mạnh của thị trường chứng khoán.

Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục theo dõi và xử lý sớm, dứt điểm, có hiệu quả các vấn đề bất cập, tồn tại trong lĩnh vực chứng khoán như hệ thống giao dịch chứng khoán, việc công bố thông tin của các công ty đại chúng và doanh nghiệp niêm yết, chất lượng báo cáo kiểm toán doanh nghiệp…

Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động xử lý nghiêm các vụ việc, vi phạm trên thị trường chứng khoán theo quy định pháp luật, bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động lành mạnh, minh bạch, ổn định và an toàn.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí kịp thời đưa tin trung thực, chính xác; xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin, bài không đúng quy định, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và ổn định thị trường chứng khoán.

Kiểm tra ngay phản ánh nhà đầu tư điện gió kêu cứu vì nguy cơ phá sản

Báo điện tử Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh ngày 22/3/2022 có phản ánh thông tin: "Nhà đầu tư điện gió kêu cứu vì nguy cơ phá sản".

Về thông tin phản ánh nêu trên, ngày 30/3/2022, Văn phòng Chính phủ ban hành công văn số 1943/VPCP-CN gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: "Giao Bộ Công Thương kiểm tra ngay việc này và xử lý ngay nếu đúng".

Tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX tại Quảng Ninh và các tỉnh lân cận

Theo Văn bản 1939/VPCP-KGVX ngày 30/3/2022, xét đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; văn bản góp ý của các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo và văn bản đề nghị, góp ý của các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa về việc xem xét, phê duyệt Đề án tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 (Đại hội IX), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến như sau:

Đồng ý việc tổ chức Đại hội IX (thể thao thành tích cao) tại tỉnh Quảng Ninh và các địa phương lân cận.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tiếp thu ý kiến các cơ quan liên quan để hoàn thiện và phê duyệt Đề án tổ chức Đại hội IX theo thẩm quyền; quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Đại hội IX và ban hành Quy chế hoạt động của các tổ chức này.

Bên cạnh đó, tổng hợp, báo cáo kết quả Đại hội IX; thực hiện thanh, quyết toán kinh phí tổ chức theo quy định; rà soát, nghiên cứu nhằm tiếp tục đổi mới, hoàn thiện công tác tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc ở những kỳ tiếp theo, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, thống nhất và khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương, trong đó có kinh phí cho công tác bảo đảm an ninh và phòng, chống dịch bệnh thuộc trách nhiệm chủ trì, chỉ đạo, triển khai của các địa phương liên quan.

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và các địa phương liên quan chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương, bảo đảm cơ sở vật chất và một số điều kiện cần thiết khác để việc tổ chức Đại hội IX được thành công, đúng mục đích.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và các địa phương liên quan chủ động và chịu trách nhiệm toàn diện trong việc sử dụng kinh phí được bố trí từ ngân sách Trung ương để tổ chức Đại hội IX, bảo đảm đúng quy định pháp luật.

Đầu tư 2 tuyến đường sắt

Tại Công văn số 1941/VPCP-CN ngày 30/3/2022 về đề xuất giao UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện hai dự án đường sắt, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thống nhất với UBND tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các bộ liên quan về phương án đầu tư dự án đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu và dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm-Cảng hàng không quốc tế Long Thành, bảo đảm phù hợp quy hoạch, đúng thẩm quyền theo quy định pháp luật.

Chuyển nguồn kinh phí phòng, chống dịch COVID-19

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 29/3/2022 cho phép chuyển nguồn kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 đã giao dự toán năm 2021 cho Bộ Y tế chưa sử dụng hết sang năm 2022 sử dụng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Cụ thể, Nghị quyết cho phép chuyển nguồn kinh phí ngân sách nhà nước đã giao dự toán cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của Bộ Y tế chưa thực hiện số tiền 4.643.821,75 triệu đồng (gồm cả kinh phí mua vaccine, vật tư tiêm chủng, tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển vaccine phòng COVID-19) sang năm 2022 để chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 như đề nghị của Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính, Bộ Y tế chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu báo cáo và xử lý cụ thể theo quy định.

Nghị quyết yêu cầu đối với kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2022, Bộ Y tế chủ động sử dụng dự toán được giao, phối hợp với Bộ Tài chính để đề xuất, trình cấp có thẩm quyền bổ sung dự toán (nếu có) theo quy định; tăng cường công tác quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, đúng quy định.

Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 87/TB-VPCP ngày 29/3/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về Nghị  định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm (Nghị định 15).

Nghị định 15 đã được Chính phủ ban hành, tổ chức thực hiện gần 3 năm và đạt được những kết quả tích cực bước đầu, nhất là việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đã tạo chuyển biến quan trọng về nhận thức và tổ chức thực hiện, bảo đảm an toàn thực phẩm, được đông đảo nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá tích cực.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các cơ quan, địa phương liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao tại Nghị định 15; chủ động lấy ý kiến và lắng nghe phản ánh của người tiêu dùng, các nhà khoa học, hiệp hội và doanh nghiệp để sơ kết, tổng kết, đánh giá tổng thể, thận trọng; chỉ đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định 15 khi có đủ cơ sở, bảo đảm nguyên tắc: Đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước; phù hợp với pháp luật trong nước và thông lệ quốc tế; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, và bảo đảm lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các cơ quan, địa phương liên quan tiếp tục quan tâm, tăng cường năng lực thực thi, nhất là khâu hậu kiểm để đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm cho nhân dân theo đúng tinh thần Nghị định số 15.

Tháo gỡ vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ Dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành công văn số 1918/VPCP-CN ngày 29/3/2022 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thi công Dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía đông.

Trong các ngày gần đây, trên một số trang tin truyền thông phản ánh tình trạng giá nguyên vật liệu tăng cao; người dân cản trở máy móc vào mỏ đất khai thác vật liệu; năng lực một số nhà thầu yếu kém…  đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công Dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020.

Về vấn đề trên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các địa phương liên quan khẩn trương kiểm tra, kịp thời xử lý, tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc theo phản ánh nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền./.

 

CÁC TIN LIÊN QUAN ĐẾN COVID – 19

*Laodong.vn (1/4): Hoãn tiêm vaccine 3 tháng với trẻ 5-11 tuổi từng mắc COVID-19

Trẻ từng mắc COVID-19 cần trì hoãn tiêm vaccine trong thời gian 3 tháng kể từ ngày khởi phát bệnh.

Đó là thông tin được TS.BS Lê Kiến Ngãi, Bệnh Viện Nhi Trung ương chia sẻ tại Hội nghị tập huấn tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi được tổ chức mới đây.

Tại hội nghị, các chuyên gia đã đưa ra hướng dẫn cụ thể cho các địa phương về trường hợp trẻ chống chỉ định tiêm chủng, cần trì hoãn khi tiêm vaccine.

Cụ thể, nhóm trẻ từ 5-11 tuổi chống chỉ định tiêm chủng là nhóm có tiền sử phản vệ với vaccine COVID-19 lần trước hoặc các thành phần của vaccine.

Hiện có 2 loại vaccine COVID-19 đã được Bộ Y tế đồng ý đưa vào tiêm là vaccine Pfizer (cho trẻ từ 5-11 tuổi) và vaccine Moderna (cho nhóm từ 6-11 tuổi).

Theo TS Ngãi, đối tượng cần trì hoãn tiêm chủng là nhóm trẻ đang có bệnh cấp tính, mạn tính tiển triển hoặc các vấn đề khác phải trì hoãn.

Trẻ có bệnh mạn tính hoặc các bệnh cấp tính tiến triển như đang có sốt, đang có tình trạng nhiễm trùng; trong đợt điều trị của bệnh mạn tính như đang hóa trị ung thư… thì cần trì hoãn cho đến khi kết thúc tình trạng bệnh cấp tính, mạn tính, hoặc kết thúc đợt điều trị của bệnh mạn tính

Đối với trẻ từng mắc COVID-19 cần trì hoãn tiêm trong thời gian 3 tháng kể từ ngày khởi phát bệnh. Tuy nhiên, tùy từng huống cụ thể, các đơn vị tiêm chủng có thể xem xét hoàn cảnh từng cá nhân, so sánh giữa lợi ích của việc tiêm và không tiêm để quyết định trẻ có cần tiêm sớm hơn thời gian 3 tháng này không. Việc này phải được sự đồng thuận của cha mẹ, người chăm sóc.

 

*Tienphong.vn (31/3): Bổ sung liều tiêm 0,25ml đối với vắc xin Moderna

 Ngày 31/3, Bộ Y tế đã có quyết định phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, tại Điều 1 của Quyết định mới nhất này, Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin Spikevax (tên khác là: COVID-19 vắc xin Moderna; Moderna COVID-19 vắc xin; Moderna mRNA-1273 vắc xin, COVID-19 mRNA vắc xin (nucleoside modified)).

Mỗi liều (0,5ml) chứa 100mcg elasomeran, vắc xin COVID-19 mRNA (được bọc trong các hạt nano lipidSM-102). Mỗi liều (0,25ml) chứa 50mcg elasomeran, vắc xin Covid-19 mRNA (được bọc trong các hạt nano lipidSM-102) ( bổ sung liều này so với quyết định 3122/ QĐ-BYT ngày 28/6/2021 trước đó)

Tại quyết định mới nhất này, Bộ Y tế bãi bỏ Quyết định số 3122/QĐ-BYT ngày 28/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và các quyết định sửa đổi Quyết định 3122.

Liên quan đến vắc xin Moderna căn cứ vào kết luận của Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc, Cục Quản lý Dược đồng ý cập nhật hạn dùng của vắc xin phòng COVID-19 Spikevax (tên khác của vắc xin Moderna) từ 7 tháng lên 9 tháng (kể từ ngày sản xuất) ở điều kiện bảo quản -25 độ C đến -15 độ C đối với các cơ sở sản xuất vắc xin này đã được Bộ Y tế phê duyệt cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Việc cập nhật hạn dùng này được áp dụng đối với các lô vắc xin Spikevax được nhập khẩu vào Việt Nam kể từ ngày 2/3/2022.

 

*Dantri.com.vn (31/3): Chuyên gia cảnh báo kịch bản lo ngại của chủng lai giữa Delta và Omicron

Các chuyên gia cảnh báo, thế giới không nên mất cảnh giác trước sự xuất hiện của biến chủng Deltacron lai giữa Delta và Omicron vì nó có thể kéo theo những diễn biến nguy hiểm trên toàn cầu.

News.com.au cho hay, biến chủng Deltacron - phiên bản lai giữa Delta và Omicron - hồi tuần trước đã chính thức được ghi nhận là có tồn tại, sau khi phiên bản giải trình tự gen của chủng này được tải lên cơ sở dữ liệu Covid-19 toàn cầu.

Các phân tích ban đầu cho thấy, Deltacron có cấu tạo tương tự với chủng Delta, nhưng lại có gai protein giống như Omicron. Đây là bộ phận giúp Omicron lây nhiễm nhanh hơn các chủng tiền nhiệm.

Trước đó, do khả năng lây lan nhanh hơn nên Omicron đã chiếm ưu thế áp đảo so với Delta trên toàn cầu. 

Các nhà khoa học tin rằng Deltacron dường như được sinh ra từ một bệnh nhân vừa nhiễm Delta vừa nhiễm Omicron cùng lúc. Hai biến thể thu thập các vật liệu di truyền của nhau rồi tái tổ hợp lại tạo ra Deltacron. 

Hiện tại số ca Deltacron vẫn tương đối hiếm gặp, dù nó đã xuất hiện ở nhiều nước, nhưng các chuyên gia cảnh báo nó có thể sẽ lây lan mạnh trong vài tuần tới.

Một trong những đặc điểm đáng lo ngại của Deltacron chính là nó đã thu thập những phần thành công nhất của các chủng trước đó và hợp lại làm một. Nếu nó thực sự có độc tính mạnh như Delta và lây lan nhanh như Omicron sau khi lai nhau, nó sẽ có nguy cơ trở thành "siêu biến chủng" kế tiếp và hậu quả mà nó mang lại cho thế giới có thể sẽ còn lớn hơn.

 

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

*Chinhphu.vn (30/3): Vụ bắt Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC: Sai đến đâu xử lý nghiêm tới đó

Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng của Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra trên tinh thần thượng tôn pháp luật, thực hiện đúng quy định của pháp luật, sai đến đâu sẽ xử lý nghiêm tới đó, giữ vững kỷ cương, kỷ luật và tính minh bạch của thị trường chứng khoán.

Giữ vững kỷ cương, kỷ luật, tính minh mạch của thị trường chứng khoán

Cổng TTĐT Bộ Tài chính cho biết, trước thông tin về vụ việc Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam và bị khởi tố vì hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán", Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng của Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra trên tinh thần thượng tôn pháp luật, thực hiện đúng quy định của pháp luật, sai đến đâu sẽ xử lý nghiêm tới đó, giữ vững kỷ cương, kỷ luật và tính minh bạch của thị trường chứng khoán.

Thông tin thêm về vụ việc này, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, hiện cơ quan quản lý đang phối hợp với cơ quan điều tra của Bộ Công an để cung cấp thông tin theo yêu cầu.

Trước mắt, Ủy ban Chứng khoán đã yêu cầu phía các doanh nghiệp liên quan công bố thông tin bất thường để nhà đầu tư và cổ đông nắm bắt thông tin.

Triển vọng của thị trường vẫn tích cực

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực từ các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô và yếu tố nội tại tốt.

Tổng cục Thông kê đã công bố chính thức, các số liệu về kinh tế vĩ mô vẫn rất tích cực và Việt Nam vẫn được các định chế tài chính quốc tế lớn đánh giá rất cao về tăng trưởng kinh tế năm nay.

Mặt bằng lãi suất chịu sức ép tăng nhưng cơ bản Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Về nội tại thị trường, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn tích cực, bên cạnh đó là các yếu tố hỗ trợ khác như dòng tiền tham gia, kỳ vọng nâng hạng, công tác cổ phần hóa, thoái vốn được đẩy mạnh,…

 

*Tienphong.vn (31/3): Bình Định khởi công tuyến đường hơn 1.000 tỷ, khánh thành đập dâng 68 tỷ đồng

Ngày 31/3, chào mừng kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng tỉnh Bình Định (31/3/1975 – 31/3/2022), UBND tỉnh Bình Định tổ chức lễ Khánh thành Đập dâng Đức Phổ và Khởi công tuyến đường kết nối từ trung tâm TX An Nhơn đến đường ven biển phía tây đầm Thị Nại.

Dự án Đập dâng Đức Phổ được xây dựng tại thôn Đức Phổ 1 (xã Cát Minh, huyện Phù Cát) là một công trình thuộc Dự án Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung, sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB). Tổng chi phí đầu tư 68,3 tỷ đồng.

Đập dâng Đức Phổ được xây dựng mới để thay thế đập dâng cũ đã hư hỏng, xuống cấp với mục đích ngăn mặn, giữ ngọt và dâng cao mực nước tưới ổn định cho 150ha đất sản xuất nông nghiệp; cấp nước nuôi trồng thủy sản cho 106 ha; chống xâm nhập mặn lên phía thượng lưu, bổ sung nguồn nước ngọt sinh hoạt cho khoảng 1.200 hộ dân của xã Cát Minh (huyện Phù Cát) và xã Mỹ Cát (huyện Phù Mỹ).

Ngoài ra, việc kết hợp giao thông trên mặt đập đã giúp kết nối và phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất, lưu thông hàng hóa giữa 2 huyện Phù Mỹ và Phù Cát được thuận lợi, đặc biệt là hỗ trợ hiệu quả cho công tác di dời, ứng phó phòng, chống thiên tai trong mùa mưa, bão...

 

*Vnexpress.net (30/3): Hà Nội khởi công nhà máy điện rác gần 4.000 tỷ đồng

Ngày 30/3, nhà máy điện rác Seraphin tại khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) được khởi công với tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng.

Nhà máy được đầu tư bằng nguồn xã hội hóa, công suất tiêu thụ rác 1.500-2.000 tấn/ngày đêm, công suất phát điện 37MW và dự kiến hoàn thành sau 20 tháng.

Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông cho biết, những năm gần đây thành phố đã định hướng xử lý rác bằng công nghệ hiện đại, coi rác là tài nguyên để tái sử dụng, tạo năng lượng, góp phần cải thiện môi trường và phát triển kinh tế.

Seraphin là nhà máy điện rác thứ hai của thành phố. Nhà máy đầu tiên ở khu xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn, Sóc Sơn), công suất 5.500 tấn rác/ngày đêm, dự kiến đi vào hoạt động từ quý II/2022. Hai nhà máy sẽ cơ bản xử lý toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt ở thành phố. Hiện số rác thải trên địa bàn khoảng 7.000 tấn/ngày đêm, trong đó phần lớn vẫn đang được xử lý bằng chôn lấp.

Ngoài hai dự án trên, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các dự án xử lý rác thải tại Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thanh Trì, Gia Lâm. Lãnh đạo thành phố cho rằng việc xây dựng nhà máy rác xung quanh khu vực trung tâm sẽ góp phần giảm cự ly vận chuyển, giảm chi phí và giảm nguồn chi của ngân sách.

 

* Nhandan.vn (30/3): VinFast xây nhà máy xe điện 2 tỷ USD tại Mỹ

Ngày 29/3, VinFast cho biết đã ký một thỏa thuận sơ bộ về việc rót khoản đầu tư ban đầu trị giá 2 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện và pin cho xe điện ở bang Bắc Carolina của Mỹ.

Thỏa thuận trên nằm trong kế hoạch đầu tư 4 tỷ USD vào tổ hợp nhà máy sản xuất đầu tiên của VinFast tại thị trường Mỹ.

Giai đoạn 1 của nhà máy sẽ được khởi công trong năm 2022 sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, và dự kiến sẽ được vận hành vào tháng 7/2024, với công suất ban đầu là 150 nghìn xe/năm.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Tổng Giám đốc VinFast Toàn cầu cho biết: “Với việc đặt nhà máy sản xuất ngay tại thị trường Mỹ, VinFast có thể bình ổn giá và rút ngắn thời gian giao hàng, giúp xe điện của chúng tôi tiếp cận với khách hàng dễ dàng hơn”.

VinFast hiện đã bắt đầu nhận đơn đặt hàng trước trên phạm vi toàn cầu đối với hai mẫu SUV chạy điện đầu tiên được sản xuất tại nhà máy, gồm VF9 - dòng xe SUV cỡ lớn 7 chỗ ngồi và VF8 - dòng xe SUV cỡ trung 5 chỗ.

 

* Nhandan.vn (30/3): Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam sẽ diễn ra tại Sơn La

Tại cuộc giao ban báo chí tháng 3 ngày 30/3, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La đã thông tin tới các cơ quan báo chí về việc tổ chức Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam tại Sơn La. Dự kiến khai mạc sự kiện này vào tháng 5 tại Quảng trường Tây Bắc.

Đây là một sự kiện được tổ chức với quy mô cả nước và cũng là dịp diễn ra sự kiện Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam tại tỉnh Sơn La.

Tỉnh Sơn La sẽ có 83 sản phẩm OCOP có mặt tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố Sơn La.

Theo đó, Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm 2022 diễn ra với chủ đề "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân; thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững" sẽ diễn ra tại tỉnh Sơn La vào tháng 5 tới đây.

Theo kế hoạch, Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 sẽ có chuỗi các sự kiện như: Diễu hành giới thiệu, quảng bá sản phẩm trái cây; triển lãm con đường phát triển sản phẩm OCOP ngành hàng nông sản, các loại trái cây đặc trưng của các vùng miền trên cả nước.

Toàn bộ những nông sản tham gia sự kiện lần này đều đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường đáp ứng đúng, đủ điều kiện và tiêu chí của Festival.

Sự kiện Festival có sự tham gia của các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp có thế mạnh và đạt được những thành tựu trong xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm OCOP.

Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 15 đến ngày 19/5, là dịp để các tỉnh, thành phố trên cả nước giao lưu văn hóa, kinh tế, thúc đẩy phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19.

 

QUẢN LÝ

*Vietnamplus.vn (1/4): Xử lý nghiêm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại Lâm Đồng

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường điều tra, xử lý nghiêm tình trạng phá, lấn chiếm rừng ở Lâm Đồng.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Văn bản số 1999/VPCP-NN ngày 31/3/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại tỉnh Lâm Đồng.

Trước đó, báo chí đưa tin: Liệu có chuyện "bắt tay" phá rừng tại Lâm Đồng?, trong đó nêu: Dư luận cho rằng, một bộ phận không nhỏ những người làm công tác bảo vệ và phát triển rừng đã không làm đúng chức trách của mình, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm. Gần đây các phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp đưa tin tình trạng phá rừng lấy đất và lấn chiếm đất rừng diễn ra rất phức tạp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Về việc này, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại tỉnh Lâm Đồng.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của các cấp chính quyền tại địa phương, các Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng, các công ty nông, lâm nghiệp, các cá nhân trong công tác quản lý rừng và đất rừng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật./.

 

*Tienphong.vn (31/3): Hải Phòng sẽ bắn 120 giàn pháo hoa dịp Lễ hội Hoa phượng đỏ

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản đồng ý cho UBND TP Hải Phòng tổ chức một điểm bắn pháo hoa nổ tầm thấp dịp khai mạc Lễ hội Hoa phượng đỏ 2022.

Việc tổ chức bắn pháo hoa thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Đồng thời đảm an ninh trật tự, tuyệt đối an toàn, không sử dụng ngân sách nhà nước và thực hiện phòng chống dịch COVID-19 theo đúng quy định.

Chương trình bắn pháo hoa nổ tầm thấp dự kiến diễn ra sau khi kết thúc chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2022 tối 13/5 tại Nhà Hát lớn thành phố.

Pháo hoa được bắn thời lượng 15 phút, số lượng 120 giàn pháo hoa nổ tầm thấp, tầm bắn dưới 120m và thực hiện từ nguồn kinh phí xã hội hóa.

 

*Tienphong.vn (31/3): Dự án được ngân sách rót hơn 1.600 tỷ đồng dính sai phạm, chậm tiến độ

Dự án Khu công nghiệp Nhân Cơ (huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông) được đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phần lớn bằng ngân sách Trung ương để cho doanh nghiệp tư nhân kinh doanh. Thế nhưng, dù đã hoàn thiện đến hơn 90% khối lượng công trình, đến nay dự án chưa thể bàn giao đưa vào sử dụng do liên tục bị sạt lở nghiêm trọng.

Hơn 1.500 tỷ đồng lấy từ ngân sách Trung ương

Ông Trần Đình Ninh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông vừa ký văn bản trả lời báo Tiền Phong liên quan đến đầu tư Dự án xây dựng Cơ sở hạ tầng kỹ thuật bên trong và bên ngoài hàng rào Khu công nghiệp Nhân Cơ (gọi tắt Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN Nhân Cơ, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'lấp).

Theo văn bản này, Dự án nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông (do Cty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân đầu tư), được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư tại Công văn 10203/VPCP-KTN ngày 13/12/2012 và phê duyệt cơ chế chính sách, áp dụng cơ chế đặc biệt ưu đãi, hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật (bên trong và bên ngoài hàng rào nhà máy từ ngân sách nhà nước).

Trên cơ sở đó, theo lý giải của ông Ninh, Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN Nhân Cơ sau khi hoàn thiện, sẽ bàn giao cho Công ty TNHH luyện kim Trần Hồng Quân xây dựng nhà máy luyện phân nhôm trên. Đây là một công ty vốn sở hữu của tư nhân.

Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN Nhân Cơ có tổng mức đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng, trong đó hơn 1.500 tỷ đồng của ngân sách Trung ương, còn lại đối ứng của tỉnh Đắk Nông.

Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong, việc xin chủ trương lấy hàng ngàn tỷ đồng của ngân sách đầu tư cho doanh nghiệp tư nhân kinh doanh, tỉnh Đắk Nông căn cứ vào các điều, khoản nào (quy định của luật), theo ông Trần Đình Ninh, địa phương đã căn cứ vào Công văn số 146 ngày 15/5/2015 của Bộ Xây dựng và Công văn 5368 ngày 10/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư dự án.

Chuyển công an giám định

Theo hồ sơ, ngày 21/9/2015, UBND tỉnh Đắk Nông có quyết định phê duyệt Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng bên trong và bên ngoài hàng rào Khu công nghiệp Nhân Cơ, thời gian thực hiện trong 2 năm (2015-2017). Tuy nhiên, dự án này liên tiếp chậm tiến độ, do các sai phạm liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng và sạt lở nghiêm trọng tại bờ tường rào khu công nghiệp.

Do đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã gia hạn tiến độ của dự án đến năm 2023 mới hoàn thành đưa vào sử dụng. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông, đến nay, dự án đã khởi công 8/8 gói thầu, hoàn thành xây dựng 90% khối lượng công trình, trong đó có gói thầu đã làm xong.

Tuy nhiên, gói thầu xây lắp số 02XL, xây dựng tường rào hạng mục như đường, bờ kè, hàng rào... của dự án đã đổ sập, hư hỏng nghiêm trọng, đến nay chưa xác định được nguyên nhân. Cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông xác định, đến nay dự án này đã 5 lần sạt lún nghiêm trọng, ước tính thiệt hại khoảng 75 tỷ đồng.

 

*Tienphong.vn (31/3): Đường sắt tăng cường hàng chục đoàn tàu phục vụ lễ 30/4- 1/5

 Ngành đường sắt tổ chức chạy tăng cường hàng chục đoàn tàu Bắc - Nam để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách vào dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 sắp tới.

Chiều 31/3, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết, đã có kế hoạch chạy tăng cường tàu khách nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách vào dịp Lễ 30/4 - 1/5.

Theo đó, bên cạnh việc chạy hàng ngày các đôi tàu khách Thống Nhất SE3/SE4, SE5/SE6, SE7/SE8, trong các ngày từ 28/4 đến 4/5, Tổng công ty ĐSVN tổ chức chạy tăng cường nhiều đoàn tàu khách trên các tuyến, đặc biệt là từ ga Sài Gòn và Hà Nội đến các tỉnh nhằm thu hút lượng khách du lịch đông trong kỳ nghỉ lễ.

Trong đó, khu vực phía Bắc tổ chức chạy thêm 30 đoàn tàu từ Hà Nội đi: Lào Cai, Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng và ngược lại.

Ở khu vực phía Nam, Tổng công ty ĐSVN cũng tổ chức chạy thêm 17 đoàn tàu từ Sài Gòn đi: Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng và ngược lại.

Trong những ngày tới, căn cứ vào nhu cầu đi lại thực tế của hành khách, ngành đường sắt sẽ tiếp tục tổ chức chạy tàu tăng cường trên các tuyến.

Đặc biệt, trong dịp vận tải cao điểm 30/4-1/5, ngành đường sắt vẫn duy trì áp dụng chính sách giảm giá vé khứ hồi lượt về từ 5%-10% và giảm giá cho các đối tượng chính sách xã hội: Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, người cao tuổi, học sinh, sinh viên…

 

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

*Laodong.vn (30/3): Hơn 66% thủ tục hành chính được thực hiện theo một cửa, một cửa liên thông

Đến nay có 66,2% thủ tục hành chính được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng, nâng cấp các cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử các cấp theo hướng đồng bộ từ Trung ương đến địa phương

Ông Vũ Đăng Minh - Chánh văn phòng Bộ Nội vụ cho biết, trong quý 1, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký văn bản Báo cáo Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện các Nghị quyết của UBTVQH về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021.

Về cải cách tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, ông Vũ Đăng Minh cho biết, Bộ Nội vụ đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ gửi Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ xem xét, quyết định trong quý I/2022.

Bộ đã ban hành các thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực của các bộ, cơ quan ngang bộ.

Về công tác cải cách hành chính, từ đầu năm đến nay Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ ban hành 2 Nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật. Trong đó đã yêu cầu các bộ, ngành tập trung rà soát, xử lý các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp nhằm kịp thời tháo gỡ những nút thắt về thể chế, bám sát thực tiễn để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác cải cách thủ tục hành chính được các bộ, ngành tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao. Tính đến ngày 27.2, cả nước có 6.704 thủ tục hành chính đang có hiệu lực thi hành.

Trong đó, có 3.996 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ, ngành Trung ương; 1.450 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương đóng tại địa phương; 1.642 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền địa phương. Đến nay đã có 66,20% thủ tục hành chính được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Các bộ, ngành, địa phương đã tập trung xây dựng, nâng cấp các Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử các cấp theo hướng đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương;….

Cổng Dịch vụ công quốc gia đã chính thức được vận hành từ tháng 12.2019, đến nay đã kết nối, tích hợp với 150 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị; đã tích hợp, cung cấp trên 3.593 Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, chiếm 53,6% tổng số thủ tục hành chính.

 

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

*Tienphong.vn (31/3): Kỷ luật cảnh cáo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình Trần Hồng Quảng

Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ tiếp tục xem xét, xử lý trách nhiệm của một số cá nhân có liên quan; yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm, chỉ đạo kiểm tra, xem xét, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trung ương nhận thấy ông Trần Hồng Quảng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc, quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong quản lý đầu tư, xây dựng và công tác cán bộ.

Để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm nêu trên có trách nhiệm của Thường trực Tỉnh ủy, Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh và một số tổ chức, cá nhân có liên quan.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo các ông Trần Hồng Quảng và Trịnh Xuân Hồng, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Uỷ viên Đảng đoàn, nguyên Chánh Văn phòng HĐND tỉnh Ninh Bình.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ tiếp tục xem xét, xử lý trách nhiệm của một số cá nhân có liên quan; yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm, chỉ đạo kiểm tra, xem xét, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

 

*Tienphong.vn (31/3): Nhiều cán bộ lãnh đạo vi phạm đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật liên quan vụ Việt Á

Xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ và Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 liên quan đến vụ việc tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy:

Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số lãnh đạo Bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc phê duyệt, giao tổ chức thực hiện, ký hợp đồng, đánh giá, nghiệm thu, chuyển giao, quản lý, kiểm tra, giám sát, thanh quyết toán kinh phí thực hiện Đề tài khoa học nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 của Học viện Quân y; trong truyền thông, xác nhận và đề nghị khen thưởng đối với Học viện Quân y, Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và một số cá nhân.

Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Y tế đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số đồng chí lãnh đạo Bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc đánh giá chuyên môn, kiểm tra, giám sát; cấp phép, cấp số đăng ký lưu hành; hiệp thương giá và mua sắm bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.

Các đồng chí: Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế; Phạm Công Tạc, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Trường Sơn, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế và một số lãnh đạo, cán bộ Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm nêu trên; chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

 

*Tienphong.vn (30/3): Đề nghị xác minh vụ tàn phá 32.000m2 rừng ở Ninh Bình

Ngày 30/3, nguồn tin của Tiền Phong cho biết, Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) vừa yêu cầu Sở TN&MT Ninh Bình xác minh phản ánh hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty TNHH Duyên Hà xâm lấn diện tích rừng phòng hộ.

Cụ thể, Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc nhận được thông tin về tình trạng khai thác khoáng sản vào diện tích rừng phòng hộ của Công ty TNHH Duyên Hà tại mỏ đá vôi thuộc khu vực phường Tân Bình và xã Yên Sơn, TP Tam Điệp theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 1417/GP-BTNMT do Bộ TN&MT cấp.

Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc đề nghị Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình phối hợp với các sở, ban ngành liên quan để xác minh, làm rõ thông tin phản ánh. Kết quả xác minh thông tin đề nghị gửi về Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc trước ngày 9/4 để tổng hợp, báo cáo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

Như Tiền Phong phản ánh, trong quá trình khai thác vật liệu làm xi măng, Công ty TNHH Duyên Hà đã gây sạt lở đất đá xuống phía dưới, vùi lấp 32.000 m2 diện tích rừng phòng hộ của Ban quản lý rừng phòng hộ Tam Điệp. Sự việc xảy ra từ tháng 10/2018 và tháng 12/2019 (lần 1 ngày 12/10/2018 có diện tích hơn 19.800 m2; lần 2 ngày 25/12/2019 là gần 12.600 m2).

 

* Nhandan.vn (30/3): Nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai ở Biên Hòa

Theo kết luận thanh tra của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đối với Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Gò Me, những diện tích được đánh giá là đất “vàng” ở thành phố Biên Hòa giao khoán xã viên sử dụng, rồi chuyển thành đất cá nhân xây dựng các công trình sai mục đích, vi phạm Luật Đất đai trong thời gian dài. 

Hợp tác xã Gò Me thành lập năm 1983, đang trực tiếp quản lý, sử dụng 5,9 ha và đã giao khoán hơn 64 ha đất sản xuất nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân. 

Cấp 73 sổ đỏ trái quy định 

Theo kết luận thanh tra, Hợp tác xã Gò Me không đăng ký kê khai, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đối với diện tích đang quản lý từ khi thành lập đến năm 1999; mãi đến năm 2018 mới đăng ký kê khai 24/61 thửa đất, hiện vẫn còn 34 thửa chưa đăng ký với diện tích hơn 3,6 ha. Hợp tác xã cũng không đăng ký kê khai đất đai đối với diện tích đất giao khoán mà để cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng bảng giao khoán đất sản xuất nông nghiệp.

Qua thanh tra, xác định các hộ gia đình xã viên đã tự sản xuất, kinh doanh, xây dựng công trình, nhà ở trên đất giao khoán sai quy định nhưng Hợp tác xã Gò Me lại không quản lý phần diện tích này. Năm 1999, sau khi có chủ trương của UBND tỉnh Đồng Nai về việc kê khai đăng ký đất đai đồng loạt trên địa bàn, các xã viên đã sử dụng bảng giao khoán đất trước đó để đăng ký. Từ năm 2004 đến năm 2021 đã có 73 thửa đất đã được cấp sổ đỏ với diện tích hơn 84.000 m2. 

Tuy nhiên, hồ sơ cấp sổ đỏ cho các gia đình, cá nhân không có giấy tờ hợp pháp chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định nên không đủ điều kiện để xem xét cấp sổ. Thế nhưng, UBND phường Thống Nhất, các cơ quan chức năng vẫn xác định đủ điều kiện và trình UBND thành phố Biên Hòa để cấp 73 sổ đỏ là không đúng quy định pháp luật. 

 

QUY HOẠCH

*Vnexpress.net (31/3): Hà Nội phê duyệt quy hoạch đô thị sông Hồng

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện, vừa được UBND TP Hà Nội thông qua.

Phân khu đô thị sông Hồng trải dài 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở; thuộc địa giới hành chính của các quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín và Thanh Trì.

Phân khu quy hoạch có diện tích gần 11.000 ha, trong đó sông Hồng chiếm 3.600 ha (33%), đất bãi sông hơn 5.400 ha (50%). Phần diện tích còn lại là khu vực đã xây dựng gồm làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời như xã Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt; các khu phố ngoài đê như Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá... Ngoài ra, còn có đất các công trình hạ tầng xã hội (công cộng, trường học), công trình hạ tầng kỹ thuật...

Dự báo quy mô dân số tối đa tại khu vực này đến năm 2030 khoảng 300.000. Trong đó, dân số hiện có giữ lại cải tạo chỉnh trang là 215.000, dân số đất nhóm nhà ở mới là 85.000.

Phân khu đô thị sông Hồng được định hướng chức năng chính là không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm, được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Do đó, thành phố quy hoạch không gian thoát lũ trên nguyên tắc không nâng cao các tuyến đê bối hiện có, không xây dựng đê bối mới; không thu hẹp không gian thoát lũ, không đề xuất giải pháp đê mới trong đê cũ; không làm thay đổi mục tiêu và tiêu chuẩn phòng, chống lũ của hệ thống sông đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 257 năm 2016.

 

THẾ GIỚI

*Vietnamplus.vn (1/4): Cuba sẽ sớm cấp phép cho vaccine ngừa COVID-19 dạng xịt

Trên trang Twitter cá nhân, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel chia sẻ thông tin về những tiến bộ trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối của "ứng viên" vaccine dạng xịt Mambisa.

Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học (CIGB) của Cuba mới đây cho biết sẽ sớm đề nghị cơ quan y tế quốc gia “trong những tuần tới” cấp phép sử dụng khẩn cấp “như một liều tăng cường” cho vaccine Mambisa, một trong số ít các loại chế phẩm ngừa COVID-19 sử dụng qua đường mũi đang được nghiên cứu và phát triển trên thế giới.

Ông Guillén Nieto nhấn mạnh Mambisa là ứng cử viên vaccine đường mũi duy nhất trên thế giới được phát triển thông qua kỹ thuật di truyền, sử dụng một loại protein tái tổ hợp với độ tinh khiết hơn 99%, do đó chế phẩm này rất an toàn.

Các loại vaccine COVID-19 hiện có trên thế giới, bao gồm cả các chế phẩm của Cuba, đều rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa các bệnh có triệu chứng, các ca COVID-19 dạng nặng và các trường hợp tử vong, nhưng lại chưa đủ hiệu quả để ngăn ngừa virus SARS-CoV-2, do đó những người đã được tiêm chủng đầy đủ vẫn có nguy cơ bị nhiễm bệnh, và kết quả là không thể dập tắt được chuỗi lây nhiễm một cách triệt để.

Điều này lý giải tại sao cộng đồng khoa học quốc tế đang nghiên cứu các phương pháp để chế tạo ra một loại vaccine cho phép miễn dịch khử trùng, một trong số đó là vaccine đường mũi, tức là sử dụng đường niêm mạc để tạo ra phản ứng tức thì ngay khi virus xâm nhập vào cơ thể, nhanh chóng vô hiệu hóa mầm bệnh và triệt tiêu khả năng tái tạo.

Cuba được xem là “điểm sáng” về vaccine của Mỹ Latinh trong bối cảnh khu vực này hiện vẫn đang là tâm điểm của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu. Đây là quốc gia Mỹ Latinh duy nhất tự sản xuất vaccine ngừa SARS-CoV-2.

 

*Vietnamplus.vn (1/4): Philippines công bố kế hoạch lớn với SpaceX về công nghệ viễn thông

Dự án của SpaceX sẽ cung cấp dịch vụ mạng Internet ở Philippines bằng cách sử dụng Chòm vệ tinh quỹ đạo thấp của Trái Đất mang tên Starlink.

Ngày 31/3, Philippines đã công bố kế hoạch cho phép dự án Starlink của công ty vũ trụ tư nhân Mỹ SpaceX được thực hiện ở nước này, trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên sử dụng công nghệ này để cải thiện dịch vụ viễn thông.

Bộ trưởng Thương mại Ramon Lopez cho biết đề xuất dự án của SpaceX sẽ cung cấp dịch vụ mạng Internet ở Philippines bằng cách sử dụng Chòm vệ tinh quỹ đạo thấp của Trái Đất mang tên Starlink.

Việc ra mắt Starlink của SpaceX tại nước này sẽ cho phép dịch vụ viễn thông có nhiều ưu thế như tốc độ băng thông rộng nhanh hơn nhiều, kết nối tốt hơn, nhiều dung lượng hơn, trong khi giá cước hợp lý hơn đối với người tiêu dùng, đặc biệt là ở những khu vực khó hoặc không thể kết nối.

Theo kế hoạch, dự án này sẽ được hoàn tất trước khi Tổng thống Rodrigo Duterte mãn nhiệm vào ngày 30/6, kết thúc nhiệm kỳ kéo dài 6 năm.

 

*Vietnamplus.vn (1/4): Từ 1/4: Du khách đến Thái Lan không cần làm xét nghiệm COVID-19

Thái Lan sẽ bỏ quy định yêu cầu phải có chứng nhận kết quả xét nghiệm PT-PCR âm tính trước khi khởi hành với những du khách nhập cảnh theo các chương trình Test & Go, Sandbox và cách ly từ ngày 1/4.

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, phát biểu ngày 31/3, người phát ngôn Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Thái Lan cho biết nước này sẽ bỏ quy định yêu cầu phải có chứng nhận kết quả xét nghiệm PT-PCR âm tính trước khi khởi hành với nhữngdu khách nhập cảnh theo các chương trình “xét nghiệm & lên đường” (Test & Go), “hộp cát” (Sandbox) và cách ly từ ngày 1/4.

Tuy nhiên, những người nhập cảnh theo một trong các chương trình này sẽ vẫn phải làm xét nghiệm RT-PCR khi đến. Họ cũng được yêu cầu tự xét nghiệm bằng phương pháp kháng nguyên vào ngày thứ 5 sau khi đến và theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú.

 

*Vietnamplus.vn (1/4): Giá dầu giảm mạnh sau khi Mỹ công bố mức xuất kho "chưa từng có"

Giá dầu đã giảm mạnh ngày 31/3 sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố quyết định xuất kho một khối lượng dầu kỷ lục tới khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày từ Kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) trong 180 ngày nhằm hạ nhiệt giá nhiên liệu.

Trên Sàn giao dịch hàng hóa New York, giá dầu WTI giao tháng Năm đã giảm 7,54 USD, tương đương 7% xuống 100,28 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent Biển Bắc giao tháng Năm cũng giảm 5,54 USD, tương đương 4,9% xuống 107,91 USD/thùng trên Sàn giao dịch ICE London.

Thông báo của Nhà Trắng nhấn mạnh đây là mức “chưa từng có tiền lệ” bởi thế giới chưa từng xuất lượng dầu dự trữ lên tới 1 triệu thùng/ngày trong thời gian lâu như vậy.

Cùng ngày, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) quyết định tăng nhẹ sản lượng dầu thô trong tháng Năm, bất chấp giá dầu thô gia tăng.

 

*Hanoimoi.vn (31/3): OPEC+ không can dự vào các vấn đề chính trị

Theo Reuters ngày 30-3, các bộ trưởng năng lượng của Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhấn mạnh Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, không can dự vào các vấn đề chính trị, đồng thời bác bỏ ý kiến cho rằng liên minh này vẫn có thể hoạt động mà không có Nga.

Phát biểu tại phiên thảo luận nhóm trong khuôn khổ một sự kiện diễn ra tại Dubai (UAE), Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail Al-Mazrouei tuyên bố OPEC+ không thể bị ép buộc phải trục xuất một số đối tác của mình vì điều này sẽ dẫn đến sự leo thang giá dầu trên các thị trường quốc tế.

Dự kiến, các bộ trưởng năng lượng của OPEC+ có cuộc gặp trực tuyến vào hôm nay (31-3) để quyết định các bước đi tiếp theo trong chính sách sản lượng. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh OPEC+ đang chịu áp lực mới về tăng nguồn cung dầu mỏ sau khi các bộ trưởng năng lượng của nhóm các nước G7 cho rằng OPEC "có vai trò quan trọng" trong việc xoa dịu căng thẳng thị trường dầu mỏ. Tuy nhiên, Reuters đưa tin, một số nguồn tin thân cận tiết lộ rằng liên minh OPEC+ có thể sẽ vẫn giữ kế hoạch tăng sản lượng dầu ở mức khiêm tốn trong tháng 5 tới.

 

*Vtv.vn (30/3): Liên Hợp Quốc: Thế giới đứng trước nguy cơ khủng hoảng lương thực

Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) David Beasley cảnh báo, xung đột tại Ukraine đang đe dọa phá hủy thành quả mà WFP đã nỗ lực suốt nhiều năm qua để đảm bảo lương thực cho khoảng 125 triệu người cần hỗ trợ.

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 29/3, ông Beasley nhấn mạnh, trước khi xảy ra xung đột, một nửa lượng ngũ cốc mà Chương trình Lương thực thế giới hỗ trợ các nước là mua của Ukraine. Ngoài ra, xung đột khiến Chương trình Lương thực thế giới cũng không nhập được các sản phẩm phân bón từ Nga và Belarus. Do vậy, mùa màng bị ảnh hưởng nghiêm trọng và sản lượng thu hoạch được dự báo sẽ giảm ít nhất 50%.

Giá lương thực và nhiên liệu tăng cao, chưa kể chi phí vận chuyển cũng tăng đã buộc Chương trình Lương thực thế giới phải giảm phần viện trợ của hàng triệu người ở những nơi đang xảy ra khủng hoảng nhân đạo như Yemen. Giám đốc WFP cảnh báo, nếu xung đột tiếp diễn, thế giới sẽ phải trả giá rất đắt vì thiếu lương thựcđể hỗ trợ nhân đạo.

 

* Nhandan.vn (30/3): OPEC khó bù đắp lượng dầu thiếu hụt trên thị trường thế giới

Kể từ khi các bất đồng về mặt chính sách được giải quyết trong cuộc họp tháng 7/2021, các thành viên thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và Đồng minh OPEC+ luôn duy trì chính sách tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày sau mỗi tháng. Vậy kết quả cuộc họp ngày mai liệu có tạo ra bất ngờ nào cho thị trường?

OPEC+ có nhiều động lực duy trì chính sách cũ

Trong suốt 9 tháng tính từ khi OPEC+ thống nhất được chính sách sản lượng, mặc dù thị trường dầu đã xảy ra nhiều biến động, với giá dầu Brent có khi giảm sâu xuống mức 65 USD/thùng, có khi tăng mạnh lên sát mốc 140 USD/thùng, tuy nhiên nhóm vẫn kiên trì với con số gia tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày. Cuộc họp tháng 3 thậm chí còn kết thúc nhanh chóng chỉ trong vòng chưa đến 20 phút khi không có thành viên nào đề xuất thay đổi.

Bất chấp thị trường được kỳ vọng sẽ thiếu hụt khoảng 2-3 triệu thùng/ngày trong quý II năm nay, và OPEC+ có thể xem là lực lượng duy nhất có năng lực sản xuất dự trữ đủ lớn để bù đắp phần nào lượng thiếu hụt này, tuy nhiên nhóm không vội vã nâng lượng dầu bán ra. Một trong những động lực lớn đó chính là khoản lợi nhuận lớn mà các quốc gia này thu được khi giá tăng cao.

Năng lực sản xuất thực tế của OPEC+ có thể không cao như kỳ vọng

Bất chấp mức tăng khoảng 400.000 thùng/ngày trong mỗi tháng không phải là nhiều, nhưng các cường quốc về dầu cũng gặp nhiều khó khăn để đạt được hạn ngạch này. Theo ước tính mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, trong tháng 2/2022, sản lượng dầu thực tế của OPEC+ thấp hơn hạn ngạch đề ra khoảng 1,05 triệu thùng/ngày.

Hiện tại, ngoại trừ 2 quốc gia trong nhóm là Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất được cho là có năng lực sản xuất cao, các thành viên khác, đặc biệt các quốc gia tại Bắc Phi như Nigeria và Angola thường xuyên gặp khó khăn ngay cả với việc duy trì sản lượng hằng tháng. Do các bất ổn trong nước, các nước này thường xuyên đối mặt với tình trạng gián đoạn trong sản xuất, vận chuyển, và khó có thể tận dụng cơ hội tối đa hóa nguồn thu bất chấp môi trường giá dầu cao.

Như vậy, giả sử nhóm thông báo thay đổi chính sách, và tăng sản lượng thêm 600.000-800.000 thùng/ngày như các nước tiêu thụ dầu lớn thường xuyên kêu gọi, sản lượng thực tế của OPEC+ cũng sẽ khó đạt được mức này. Nhất là khi thành viên quan trọng là Nga được cho là sẽ còn phải giảm sản lượng, dưới tác động các lệnh cấm vận của Mỹ.

 

* Nhandan.vn (30/3): Trung Quốc hoàn thuế 235 tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp

Trung Quốc mới đây công bố gói hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) trị giá 1.500 tỷ nhân dân tệ (tương đương hơn 235 tỷ USD) để hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành chế tạo và doanh nghiệp nhỏ.

Cụ thể, Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc đã thông qua chính sách hoàn thuế GTGT quy mô lớn trong năm 2022, với giá trị hoàn thuế khoảng 1.500 tỷ nhân dân tệ. Đối tượng được thoái thuế là toàn bộ doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế tạo và các doanh nghiêp nhỏ và siêu nhỏ.

Theo ông Hứa Hồng Tài, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc, đợt hoàn thuế GTGT lần này, ngoài quy mô lớn hơn, phạm vi rộng hơn, còn tạo thuận lợi lớn cho doanh nghiệp qua việc cho hoàn thuế ngay sau khi mua máy móc, trang thiết bị đầu vào, chứ không phải sau khi đưa vào tiêu thụ hoặc sản xuất như trước đây.

Ngoài ra, việc hoàn thuế năm nay, không chỉ áp dụng với các khoản mua sắm đầu vào trong năm, mà còn mở rộng với các khoản mua sắm từ các năm trước, chưa thực hiện hoàn thuế. Với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nếu như trước đây chỉ hạn chế hoàn thuế ở mức dưới 60%, thì nay không bị hạn chế, doanh nghiệp có thể hoàn tới 100%.

Lý giải về chính sách hoàn thuế quy mô lớn lần này của Trung Quốc, ông Hứa Hồng Tài cho rằng, nền kinh tế nước này đang đối mặt với sức ép rất lớn từ việc giảm đà tăng trưởng, chính sách hoàn thuế là một giải pháp trọng điểm, với việc bơm vào thị trường một dòng tiền lớn tương đương khoảng 1.500 tỷ nhân dân tệ, góp phần giúp doanh nghiệp tiến hành đầu tư cải tiến, nâng cấp công nghệ, tăng thêm niềm tin và triển vọng phát triển doanh nghiệp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, năm nay ngoài chính sách hoàn thuế GTGT khoảng 1.500 tỷ nhân dân tệ, nước này còn áp dụng một loại chính sách giảm thuế, phí nhằm hỗ trợ ngành sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, với tổng trị giá 1.000 tỷ nhân dân tệ, với mục tiêu tạo ra hiệu ứng tổng hợp, góp phần ổn định thị trường, bảo đảm việc làm và đời sống người dân.

 

* Nhandan.vn (30/3): Thái Lan quyết trở thành trung tâm sản xuất xe điện trong khu vực

Thái Lan đang tỏ rõ quyết tâm sẽ trở thành trung tâm tiêu thụ và sản xuất xe ô-tô điện trong khu vực ASEAN khi Chính phủ nước này tung ra nhiều biện pháp trợ giá và giảm thuế nhằm khuyến khích người dân sử dụng xe điện đồng thời thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia sản xuất xe điện.

Theo chương trình trợ giá của Chính phủ Thái Lan, người dân khi mua xe điện của một hãng tham gia chương trình sẽ được nhận một khoản trợ cấp từ 70.000 đến 150.000 bạt (từ hơn 2.000 đến 5.000 USD). Khoản trợ cấp này do Cục Thuế Thái Lan tài trợ, với tổng giá trị lên tới 3 tỷ bạt (gần 90 triệu USD). Hiện đã có hai hãng xe chính thức tham dự chương trình trợ giá của Chính phủ Thái Lan là Great Wall Moto và MG. Một số công ty khác cũng bày tỏ ý định tham gia như Mercedes-Benz, BMW, Toyota, Honda, Mitsubishi hay Nissan.

Bên cạnh đó, gần đây Chính phủ Thái Lan cũng đã thông qua dự thảo nghị quyết của Ủy ban Chính sách xe điện quốc gia, trong đó đặt ra mục tiêu 30@30, tức đến năm 2030 số xe điện sẽ chiếm 30% tổng số phương tiện ở nước này.

Đánh giá về triển vọng của xe ô-tô điện tại Thái Lan, các nhà sản xuất xe điện cho biết người dân Thái hiện đang ngày một quan tâm hơn tới việc xử dụng xe điện. Ông Kanchit Chaisupho, Phó Chủ tịch Great Wall Motor nói: “Nhờ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, việc sử dụng xe điện để sử dụng hằng ngày đang trở nên thiết thực hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, quyết định mua xe điện là một sự lựa chọn đúng đắn”.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến bạn đọc

    Tin mới nhất

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23/12 đến 26/12 năm 2023(26/12/2023 10:49 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 20/12 đến 22/12 năm 2023(22/12/2023 7:33 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 16/12 đến 19/12 năm 2023(19/12/2023 9:45 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 13/12 đến 15/12 năm 2023(15/12/2023 11:03 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 09/12 đến 12/12 năm 2023(12/12/2023 6:36 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 05/12 đến 08/12 năm 2023(08/12/2023 11:28 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01/12 đến 04/12 năm 2023(05/12/2023 5:51 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/11 đến 1/12 năm 2023 (01/12/2023 8:54 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25/11 đến 27/11 năm 2023(27/11/2023 8:59 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 3/11 đến 8/11 năm 2023(08/11/2023 9:22 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/10 đến 31/10 năm 2023(01/11/2023 9:20 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 21/10 đến 24/10 năm 2023(25/10/2023 9:34 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 11/10 đến 13/10 năm 2023(24/10/2023 5:47 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 9:22 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 2:34 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 7/10 đến 10/10 năm 2023(11/10/2023 5:11 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 04 đến ngày 06 tháng 10 năm 2023(06/10/2023 10:50 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 10 năm 2023(04/10/2023 4:02 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 8 năm 2023(31/08/2023 2:12 SA)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 8 năm 2023(25/08/2023 5:33 CH)

    << < 1 2 3 4 5  ... > >> 
    °
    Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
    373 người đã bình chọn