Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 12 đến ngày 16 tháng 11 năm 2022

Update 17 - 11 - 2022
100%

PHẦN I: TIN ĐIỆN BIÊN

  

*Baodienbienphu.info.vn (16/11): Khắc phục thiệt hại giao thông ở Điện Biên Đông

Sau mỗi mùa mưa lũ, nhiều tuyến giao thông liên xã, liên bản trên địa bàn huyện Điện Biên Đông lại rơi vào tình trạng sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng việc đi lại của người dân, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương đã và đang nỗ lực vào cuộc khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp người dân đi lại thuận lợi.

Tuyến đường Pá Vạt - Háng Lìa - Tìa Dình dài khoảng 23km, chỉ sau mùa mưa lũ năm nay đã có đến 25 điểm sạt lở. Mặt đường nhiều điểm bị biến dạng, lầy lội và trơn trượt, ta luy âm bị trôi, tổng thiệt hại ước tính hơn 2,1 tỷ đồng... Ngay sau khi xảy ra sạt lở, các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương đã huy động nhân lực, máy móc trực tại các điểm dọc tuyến đường Pá Vạt - Háng Lìa - Tìa Dình khẩn trương hót dọn, san ủi đất đá tràn mặt đường, đảm bảo thông tuyến cho xe qua lại. Đối với những vị trí bị hư hỏng nặng như sạt ta luy âm, mặt đường bị cuốn trôi… cần kinh phí khắc phục lớn thì vẫn phải chờ kinh phí mới có thể sửa chữa, khắc phục.

Không riêng tuyến đường Pá Vạt - Háng Lìa - Tìa Dình, mùa mưa lũ năm nay khiến nhiều tuyến đường khác trên địa bàn huyện Điện Biên Đông bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mặt đường xuống cấp, ta luy sạt lở… gây ách tắc giao thông cục bộ, việc đi lại, giao thương của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình là các tuyến đường: Ngã tư Phì Nhừ - Xa Dung; Phì Nhừ - Chiềng Sơ; Phình Giàng - Pú Hồng...

Anh Vàng A Chừ, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông chia sẻ: Đường giao thông sạt lở do mưa lũ không chỉ ảnh hưởng lớn đến việc đi lại mà còn ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nông sản của bà con. Bởi giao thông đi lại khó khăn khiến việc thu mua nông sản của thương lái bị hạn chế; nhiều thương lái đến được tận nơi cũng lấy lý do giao thông đi lại vất vả để ép giá nông dân. Tôi mong rằng các cấp chính quyền sớm sắp xếp, bố trí nguồn vốn sửa chữa những vị trí hư hỏng do sạt lở trên tuyến, giúp người dân ổn định đời sống, tập trung sản xuất.

Để đảm bảo giao thông thông suốt trong mùa mưa lũ năm 2022, các đơn vị quản lý tuyến đường trên địa bàn huyện Điện Biên Đông đã bố trí nhân lực, máy móc theo phương châm “4 tại chỗ” ở những khu vực trọng yếu, kịp thời sửa chữa, thông tuyến khi có sạt lở, hư hỏng. Tuy nhiên, do địa hình của huyện chủ yếu là đồi núi, địa chất không ổn định, nên mỗi khi mưa lớn kéo dài, tình trạng sạt lở đất đá, làm xói mòn mặt đường thường xuyên xảy ra. Thậm chí, có điểm sạt lở vừa khắc phục hôm trước, hôm sau tái diễn sạt lở. Trong khi đó, nguồn kinh phí khắc phục, sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường còn rất hạn chế.

 

*Baodienbienphu.info.vn (16/11): Nhiều khó khăn trong triển khai các dự án mắc ca

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo thực hiện các dự án mắc ca tỉnh đã nhiều lần họp, nhận diện rõ những khó khăn, vướng mắc và quyết liệt chỉ đạo nhằm tháo tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền địa phương có dự án đã tích cực đồng hành, phối hợp với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến nay tiến độ thực hiện các dự án trồng mắc ca trên địa bàn vẫn rất chậm, có những dự án dậm chân tại chỗ 2 năm nay.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 13 dự án trồng cây mắc ca được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô 85.815ha. Các dự án đã thực hiện đo đạc, quy chủ đất đai được 15.395ha (đạt 18%); tổ chức trồng được 4.210,85ha cây mắc ca (đạt 28,5% so với tiến độ phê duyệt đến năm 2022). Có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan khiến tiến độ thực hiện các dự án trồng mắc ca bị chậm. Trong đó công tác phối hợp giữa nhà đầu tư với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia các dự án trồng mắc ca chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả; các nhà đầu tư có biểu hiện thờ ơ, thiếu nhiệt tình trong việc giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.

Huyện Nậm Pồ có hai dự án trồng mắc ca do Công ty Cổ phần Him Lam mắc ca Điện Biên và Công ty Cổ phần Du lịch và Nông nghiệp công nghệ cao Điện Biên thực hiện. Tổng diện tích quy hoạch hai dự án này 15.855ha. Tuy nhiên, do gặp nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết nên đến nay các nhà đầu tư chưa thể thực hiện trồng mắc ca.

Ông Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ cho biết: Đồng hành cùng nhà đầu tư triển khai dự án, huyện Nậm Pồ đã thành lập Ban chỉ đạo huyện, thành lập 4 tổ giúp việc Ban chỉ đạo; chỉ đạo thành lập 121 tổ dân vận cơ sở trực tiếp họp, tuyên truyền đến người dân về hiệu quả cây mắc ca và cơ hội việc làm mà các dự án mắc ca đem lại. Song nhà đầu tư lại thờ ơ, thiếu trách nhiệm. Lãnh đạo huyện đã nhiều lần gọi điện trao đổi trực tiếp, gửi giấy mời nhà đầu tư vào địa bàn nhằm thống nhất cách giải quyết nhưng các đơn vị không mấy mặn mà. Có nhà đầu tư sáng vào huyện làm việc xong với Huyện ủy, UBND huyện là rời khỏi địa bàn, không đi kiểm tra thực tế tình hình triển khai, các khó khăn của dự án. Điều này khiến công tác tuyên truyền của địa phương càng thêm khó, người dân thì mất niềm tin.

Tương tự, thời gian qua Huyện ủy, UBND huyện Mường Ảng đã rất sát sao, chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chuyên môn và cấp ủy, chính quyền cấp xã đồng hành cùng doanh nghiệp để triển khai dự án mắc ca. Huyện Mường Ảng đã xây dựng kế hoạch thực hiện dự án giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch thực hiện năm 2022. Đến nay đã bố trí kinh phí đo đạc, quy chủ trên 1.800ha để doanh nghiệp trồng mắc ca theo hình thức nhà nước cho thuê đất và trên 300ha thực hiện theo hình thức liên kết với người dân.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy Mường Ảng cho biết: Huyện Mường Ảng luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, mặc dù tỉnh đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng, cơ chế chính sách cụ thể và huyện đã rất nỗ lực, trách nhiệm song trách nhiệm của doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Him Lam Mắc ca Điện Biên - PV) trong thực hiện dự án là chưa rõ ràng. Cụ thể, doanh nghiệp chưa chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong việc đo đạc, nghiệm thu hố trồng cây, cấp cây giống cho các hợp tác xã; nhà đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý, chưa thực hiện phê duyệt dự án; chưa chủ động thực hiện liên kết trồng mắc ca với người dân; nguồn lực tài chính, hệ thống cán bộ kỹ thuật còn hạn chế. Huyện nhiều lần gọi điện mời doanh nghiệp ra địa bàn để thống nhất các phương án nhưng doanh nghiệp không đến.

Công ty Cổ phần Him Lam Mắc ca Điện Biên đang được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư 3 dự án trồng mắc ca với tổng quy mô dự án là 30.000ha. Bao gồm: Dự án Trồng mắc ca công nghệ cao tại các huyện Mường Ảng, Tủa Chùa (8.000ha); Dự án Trồng mắc ca công nghệ cao tại các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ (20.000ha) và Dự án Trồng mắc ca công nghệ cao tại huyện Tuần Giáo (2.000ha). Tại huyện Tuần Giáo, theo tiến độ được phê duyệt, đến hết năm 2019 dự án phải trồng xong toàn bộ diện tích 2.000ha, đến nay dự án đã trồng được 1.498,7ha, đạt 75% so với quy mô phê duyệt của dự án. Trong 2 năm vừa qua, Công ty không trồng thêm diện tích nào. Dự án tại huyện Mường Ảng, tổng diện tích đã thực hiện trồng cây mắc ca đạt 351,43ha (trong đó diện tích nhà đầu tư thực hiện 310ha; diện tích liên kết với người dân 41,43ha). Tuy nhiên, diện tích thực trồng năm 2022 là 41,43ha còn diện tích nhà đầu tư trồng tại xã Ngối Cáy đã thực hiện trước thời điểm dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư. Đối với dự án tại huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, tổng diện tích đã thực hiện trồng đến nay là 452,22ha (đạt 36% so với tiến độ phê duyệt đến năm 2022). Đây là diện tích thực hiện trồng trước khi Công ty được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong 2 năm qua Công ty không thực hiện trồng cây mắc ca. Điều đáng nói là, hiện nay diện tích mắc ca đã trồng tại xã Sen Thượng (huyện Mường Nhé) gần như bị doanh nghiệp bỏ quên, không tập trung chăm sóc. Các vườn mắc ca cỏ mọc um tùm, cao hơn cây mắc ca. Công ty cũng đang nợ lương lao động địa phương nên người dân cũng không mặn mà với việc ký hợp đồng lao động với công ty. Tại nhiều cuộc họp, đại diện Công ty Cổ phần Him Lam Mắc ca Điện Biên cho biết: Hiện nay Công ty dồn lực thực hiện việc xác định giá trị vườn cây ở huyện Tuần Giáo để thực hiện các thủ tục tín dụng. Do đó việc thực hiện các dự án còn lại đang bị chậm so với kế hoạch.

Các nhà đầu tư thực hiện dự án mới được phê duyệt chủ trương đầu tư thì cho rằng: Hiện nay, các doanh nghiệp chưa tạo được vùng lõi để tập trung triển khai thực hiện dự án do việc thực hiện các thủ tục pháp lý về đất đai mất nhiều thời gian; thường xuyên gặp phải những khó khăn, vướng mắc (tranh chấp đất đai, người dân một số nơi chưa đồng thuận...).

Được biết, đối với các nhà đầu tư đang chậm tiến độ, UBND tỉnh yêu cầu nhà đầu tư cam kết tiến độ thực hiện dự án trong năm 2023 và những năm tiếp theo; đồng thời cam kết cụ thể về các vấn đề liên quan đến chất lượng cây giống, hỗ trợ kỹ thuật trong suốt quá trình triển khai dự án... Nếu hết thời gian gia hạn mà nhà đầu tư vẫn không thực hiện đúng cam kết, UBND tỉnh sẽ quyết định giảm quy mô hoặc thu hồi chủ trương đầu tư dự án.

 

*Baodienbienphu.info.vn (16/11): Nậm Pồ giải quyết việc làm cho người lao động

Huyện Nậm Pồ hiện có hơn 32.700 người trong độ tuổi lao động, trong đó phần lớn lao động sản xuất nông nghiệp nên thu nhập không cao, đời sống còn nhiều khó khăn. Thời gian qua huyện Nậm Pồ đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm nhằm giúp lao động nông thôn trên địa bàn cải thiện, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.

Giải quyết việc làm cho người lao động là giải pháp quan trọng hàng đầu trong đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hàng năm, huyện Nậm Pồ tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân qua các hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm, định hướng học nghề cho người lao động. Từ đầu năm đến nay, huyện đã phối hợp tổ chức 13 hội nghị tuyên truyền, giới thiệu việc làm cho gần 1.000 lao động nông thôn trên địa bàn. Gần đây nhất, đầu tháng 11 vừa qua, huyện đã phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức 5 hội nghị tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm lưu động cho gần 300 người tại các xã: Nà Khoa, Nà Bủng, Vàng Đán, Nà Hỳ và Phìn Hồ. Người lao động được tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc làm, học nghề; được cung cấp đầy đủ thông tin về các chế độ, chính sách việc làm, thị trường xuất khẩu lao động, thị trường lao động trong nước; điều kiện tuyển chọn, làm việc, sinh hoạt và thu nhập của người lao động; các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động đi làm việc trong và ngoài nước; tư vấn giúp người lao động lựa chọn công việc phù hợp ngành nghề, trình độ của bản thân… Song song với đó, huyện chủ động phối hợp với các công ty, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn huyện tuyển dụng lao động là người địa phương vào làm việc để giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân; phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giới thiệu, thông tin về nhu cầu tuyển dụng, điều kiện làm việc, chế độ lương thưởng; trực tiếp sơ tuyển, lập danh sách lao động đăng ký tham gia làm việc.

Ông Trần Văn Vũ, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nậm Pồ cho biết: Tính đến hết tháng 10/2022, huyện đã giải quyết việc làm mới cho gần 1.100 lao động trên địa bàn. Trong đó thông qua chương trình cho vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm là 125 người; tuyển dụng vào các cơ quan hành chính sự nghiệp, đảng, đoàn thể 82 người; tuyển dụng vào các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh 769 người; thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác và tự tạo việc làm 115 người. Đến nay, toàn huyện đã có hơn 4.000 lao động đi làm việc tại các công ty, khu công nghiệp ngoài tỉnh. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời chủ động phối hợp với các đơn vị tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động; ưu tiên vay vốn giúp người lao động giải quyết việc làm; thực hiện tốt công tác đào tạo nghề... Từ đó, giúp người lao động có việc làm ổn định để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

 

*Dienbientv.vn (15/11): Mạnh tay xử lý tình trạng đỗ xe trái quy định

Trước nguy cơ tiềm ẩn gây ùn tắc và tai nạn giao thông do đỗ xe trái quy định, thời gian qua, lực lượng chức năng đã tăng cường ra quân xử lý các phương tiện giao thông đỗ xe trái phép, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, trong đó, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Sau khi xác định được những tuyến đường trọng điểm về tình trạng đỗ xe trái quy định trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, Đội Cảnh sát giao thông trật tự Công an thành phố đã bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát vào nhiều khung giờ trong ngày....

Nhiều trường hợp đỗ xe trái quy định đã bị lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Luật Giao thông đường bộ. Trong quá trình xử lý vi phạm, lực lượng cảnh sát cũng đã tuyên truyền, nhắc nhở để chủ phương tiện không tái phạm.

Thống kê từ đầu năm đến nay, Đội Cảnh sát giao thông trật tự Công an TP. Điện Biên Phủ đã tiến hành lập biên bản xử phạt trên 200 phương tiện vi phạm liên quan đến các lỗi đỗ xe trái quy định. Sau khi ra quân xử lý, tình trạng này bước đầu đã có dấu hiệu thuyên giảm, tuy nhiên vẫn cần ý thức chấp hành tốt hơn nữa của người tham gia giao thông.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, lỗi đỗ xe sai quy định có nhiều mức xử phạt tương ứng với các hành vi và phương tiện khác nhau, trong đó, mức phạt cao nhất lên đến 12 triệu đồng. Để tránh những vi phạm không đáng có, người tham gia giao thông cần chú ý quan sát biển báo, đồng thời nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về dừng, đỗ xe nơi công cộng, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, chung tay xây dựng mỹ quan đô thị của thành phố Điện Biên Phủ./.

 

*Baodienbienphu.info.vn (15/11): Ra quân bảo đảm trật tự, an toàn giao thông Tết Quý Mão 2023

Thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội Tết Nguyên đán Quý Mão và các lễ hội đầu xuân 2023, sáng nay (15/11), Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh phối hợp với Công an TP. Điện Biên Phủ và Phòng Cảnh sát Cơ động tổ chức ra quân tuần tra kiểm soát, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Theo kế hoạch, từ ngày 15/11/2022 đến 5/2/2023, phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh sẽ huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội. Đợt ra quân nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông, với các chủ đề về nồng độ cồn; chất ma túy đối với người điều khiển phương tiện xe cơ giới đường bộ; tải trọng phương tiện… Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông gắn với cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. Đối tượng tập trung kiểm soát, xử lý là xe ô tô vận tải hành khách, ô tô vận tải hàng hóa, xe container, xe taxi và xe mô tô. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, chở hàng quá khổ, quá tải, chạy quá tốc độ quy định, lạng lách đánh võng, đua xe trái phép…

Lực lượng cảnh sát giao thông cũng tăng cường phối hợp các lực lượng nhằm phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Tổ chức chỉ huy điều khiển giao thông; dẫn đoàn và phối hợp khảo sát, kiến nghị giải quyết những bất hợp lý trong tổ chức giao thông, giải quyết khi có dấu hiệu ùn tắc giao thông và không để ùn tắc giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và các lễ hội đầu xuân 2023.

 

*Baodienbienphu.info.vn (14/11): Sớm tháo gỡ khó khăn dự án Đường động lực

Dự án Đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục quốc lộ 279 và quốc lộ 12 tỉnh Điện Biên (gọi tắt là Đường động lực) được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư cuối năm 2020; UBND tỉnh quyết định phê duyệt dự án tháng 5/2021. Tuy nhiên sau nhiều tháng triển khai, đến nay dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khiến tiến độ thực hiện các gói thầu chậm so với kế hoạch.

Dự án Đường động lực có tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương (980 tỷ đồng) và vốn ngân sách địa phương (320 tỷ đồng); thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 - 2024. Tổng chiều dài tuyến 35,35km, trong đó: Phần tuyến đường đô thị có chiều dài 5,78km và tuyến đường ngoài đô thị có chiều dài 29,57km. Dự án bao gồm 11 gói thầu xây lắp, đã ký hợp đồng 10 gói (riêng gói thầu xây lắp số 11 phần điện nước sẽ được tổ chức lựa chọn trong quý IV/2022). Đến nay tổng giá trị đã thi công khoảng 138,012 tỷ đồng (đạt 14,38%) chủ yếu gồm: Thi công 3 công trình cầu vượt sông Nậm Rốm; đào nền đường, vận chuyển tuyến NT1 (Km0+00 đến Km0+473,64); đào đắp nền đường và công trình thoát nước tuyến chính, tuyến nhánh 3, 4, 5 và tập trung sản xuất các cấu kiện bê tông , bê tông cốt thép đúc sẵn.

Ông Nguyễn Thái Bình, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh cho biết: Hiện nay tiến độ dự án đang chậm so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là do dự án triển khai đúng thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên phải tạm dừng một thời gian. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, chủ đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương và các đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên quá trình triển khai dự án gặp nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Tổng chiều dài tuyến lớn song việc GPMB rời rạc khiến các nhà thầu xây lắp chưa thể tiến hành thi công. Chủ đầu tư đã nhiều lần làm việc với UBND TP. Điện Biên Phủ và UBND huyện Điện Biên song công tác GPMB vẫn rất chậm. Trong 10 gói thầu xây lắp đã ký, đến nay chỉ có các gói thầu số 1, 9, 10 đã cơ bản bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Gói thầu số 1 giá trị thi công đạt 70% giá trị gói thầu; gói thầu số 9, 10 nhà thầu đã dựng lán trại, tập kết vật liệu, sản xuất cấu kiện bê tông, bê tông cốt thép đúc sẵn và đang triển khai thi công nền đường, cống thoát nước ngang. Đối với các gói thầu còn lại, diện tích đã GPMB để bàn giao cho nhà thầu còn ít, cá biệt tại các gói thầu số 4, 5, 6 đến nay chưa có mặt bằng để thi công.

Công tác GPMB thuộc trách nhiệm của đơn vị chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh. Thời gian qua, chủ đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với UBND TP. Điện Biên Phủ và UBND huyện Điện Biên. Tuy nhiên, đến nay, công tác này triển khai rất chậm, gặp nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết

Để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Đường động lực, vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô đã yêu cầu chủ đầu tư và các sở, ngành liên quan thực hiện kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng rừng riêng lẻ, theo từng giai đoạn phục vụ công tác GPMB dự án. Đối với việc xác định nguồn gốc đất đai, chính quyền các địa phương cần đặc biệt lưu ý không bồi thường mà chỉ thực hiện hỗ trợ đất nông nghiệp, vận dụng theo hình thức hỗ trợ một lần; việc bồi thường đất giữa thực tế sử dụng và giấy chứng nhận theo hướng bồi thường theo hiện trạng sử dụng đất. Đối với 11 hộ dân đã công khai phương án tại phường Noong Bua, UBND TP. Điện Biên Phủ áp dụng như hỗ trợ thực hiện dự án Đường 60m. Đối với việc đền bù các hộ làm nhà trên đất nông nghiệp, UBND TP. Điện Biên Phủ cần rà soát, xác định rõ số hộ, thời điểm làm nhà, hiện trạng sử dụng để có phương án hỗ trợ. Đối với huyện Điện Biên, cần xác định rõ đối tượng tái định cư và tập trung rà soát lại các phương án bồi thường để tránh trùng lặp.

 

*Dienbientv.vn (14/11): Nỗ lực cung ứng xăng dầu

Trước thực trạng khan hiếm nguồn cung xăng dầu trên địa bàn tỉnh, hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực triển khai các giải pháp để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý thị trường tỉnh, tính đến ngày 11/11, toàn tỉnh có 58/77 cửa hàng bán lẻ xăng dầu vẫn mở cửa để bán đầy đủ các loại xăng, dầu; 19 cửa hàng xăng dầu hết xăng E5 RON 92-II nhưng vẫn mở cửa bán xăng RON 95-III và dầu Diezel, hoặc hết xăng RON 95-III vẫn mở cửa bán xăng E5 RON 92-II và dầu Diezel v.v...

Theo nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho biết, do nguồn hàng khan hiếm dẫn đến nguồn xăng dầu dự trữ trong kho tại một số cửa hàng đã bắt đầu cạn, trong khi đó nguồn xăng dầu nhập mới chưa kịp về, do vậy những ngày gần đây nhiều cửa hàng đã giới hạn mức bán hàng theo phương tiện.

Cụ thể, các phương tiện ô tô chỉ được đổ tối đa 500.000 đồng/xe; đối với các phương tiện xe máy chỉ bán từ 30-50 nghìn đồng/xe để duy trì hoạt động bán hàng phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Có cửa hàng vẫn duy trì ổn định nguồn hàng xăng dầu phục vụ người dân, điển hình như cửa hàng xăng dầu số 4, thuộc Công ty Xăng dầu Điện Biên tại đầu cầu C4.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 2 đơn vị phân phối xăng dầu, gồm: Công ty Xăng dầu tỉnh Điện Biên và Công ty TNHH Nam Linh Trang. Trong đó, Công ty Xăng dầu Điện Biên có số cửa hàng bán lẻ xăng dầu lớn và chiếm trên 60% thị phần trong toàn tỉnh. Trước tình trạng nguồn cung xăng dầu khan hiếm, công ty đã và đang triển khai nhiều phương án để đảm bảo nguồn cung cho các cửa hàng bán lẻ của công ty. Hiện tại, hầu hết các cửa hàng bán lẻ của công ty đều duy trì hoạt động.

Cũng theo lãnh đạo Công ty xăng dầu Điện Biên cho biết, trong đêm 11/11, công ty đã nhập về 80m3 dầu và 60m3 xăng các loại cung ứng cho các hệ thống cây xăng bán lẻ để phục vụ người dân và dự kiến trong đêm 12/11 công ty sẽ nhập thêm 100m3 dầu và 60m3 xăng.

Cùng với đó, để tháo gỡ khó khăn đảm bảo nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đã có văn bản kiến nghị với Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị đầu mối tìm kiếm nguồn hàng nhập về để đảm bảo cung cấp xăng dầu cho thị trường.

 

*Laodong.vn (13/11): Hàng nghìn tấn dong riềng ra sao khi đóng cửa các cơ sở chế biến?

Hàng chục cơ sở chế biến dong riềng bị yêu cầu dừng hoạt động cũng là lúc hàng trăm hộ dân gặp khó khăn vì nông sản bán không ai mua.

Đầu tháng 11.2022, TP Điện Biên Phủ đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại tất cả các cơ sở chế biến dong riềng. Sau đó, giao cho chính quyền xã yêu cầu toàn bộ các cơ sở chế biến không đủ điều kiện phải tạm dừng hoạt động để hoàn thiện thủ tục và hệ thống xử lý chất thải.

Tuy nhiên, theo một số cơ sở chế biến dong riềng, việc xin giấy phép bảo vệ môi trường gặp rất nhiều khó khăn vì không có quy chuẩn, không có hướng dẫn cụ thể. Mặt khác để đầu tư hệ thống xử lý chất thải cũng không thể làm kịp trong 1 thời gian ngắn.

Việc yêu cầu các cơ sở chế biến dong riềng dừng hoạt động khiến hàng trăm hộ dân tại khu vực xã Nà Tấu, TP Điện Biên Phủ và nhiều địa phương trong tỉnh không thể tiêu thụ được nông sản.

Có mặt tại một số cơ sở chế biến, phóng viên chứng kiến nhiều người nông dân với vẻ mặt đầy bế tắc khi chở dong riềng hàng chục km từ xa đến nhưng không cơ sở chế biến nào mua.

Đại diện lãnh đạo xã Nà Tấu - nơi được coi là "thủ phủ" của dong riềng cũng cho biết hiện chính quyền xã cũng chưa biết phải làm thế nào, người dân liên tục gây áp lực, trong khi thành phố thì kiên quyết yêu cầu đóng cửa vì các cơ sở chế biến không đảm bảo.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện lãnh đạo TP Điện Biên Phủ cho rằng, từ nhiều năm qua, hầu hết các cơ sở chế biến chỉ tập trung vào khai thác lợi nhuận mà không chịu đầu tư hệ thống xử lý chất thải khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước năm nào cũng diễn ra, gây bức xúc trong dư luận.

Trước đó, năm 2021, Báo Lao Động có nhiều bài phản ánh về tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại các cơ sở chế biến dong riềng. Sau đó lãnh đạo TP Điện Biên Phủ cho biết sẽ đề xuất thành lập khu chế biến dong riềng tập trung để khắc phục tình trạng ô nhiễm nhiều năm qua.

Tuy nhiên, gần 1 năm sau, khu chế biến dong riềng tập trung vẫn chưa được triển khai và tình trạng ô nhiễm lại tái diễn. Hàng chục cơ sở chế biến dong riềng trên địa bàn xã Nà Tấu, TP Điện Biên Phủ tiếp tục xả thải ra sông Nậm Rốm gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Về vấn đề này, lãnh đạo TP Điện Biên Phủ cho biết: "Giải pháp lâu dài thành phố đã có chủ trương thành lập khu chế biến tập trung, tuy nhiên do một số lý do về kinh phí, quỹ đất và chưa tìm được nhà tư vấn phù hợp nên chưa triển khai được".

Khi được hỏi về giải pháp đối với hàng nghìn tấn dong riềng hiện nay không có chỗ tiêu thụ, có nguy cơ bị hỏng thì vị lãnh đạo thành phố Điện Biên Phủ chưa có câu trả lời.

 

*Baotintuc.vn (11/11): Rừng ở vùng cao Điện Biên vẫn bị 'rút ruột'

Xã Nà Nhạn (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) là xã vùng ngoài lòng chảo Mường Thanh, có diện tích tự nhiên hơn 7.000 ha, trong đó gần 3.000 ha là diện tích trồng rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 41%. Là địa bàn được đánh giá là điểm “nóng” về tình trạng xâm hại rừng, khai thác gỗ trái pháp luật, nhiều năm qua, tại các bản Nà Pen 1, Nà Pen 2 của xã Nà Nhạn liên tục xảy ra tình trạng người dân lén lút lên rừng cưa, chặt hạ cây, sơ chế gỗ.

Nguyên nhân của thực trạng này xuất phát từ nhu cầu sử dụng gỗ làm nhà, chuồng trại, lán nương, nguồn củi đốt của người dân còn cao; chất lượng công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho nhân dân chưa hiệu quả; nhận thức về rừng của một số người dân chưa đồng đều. Trong khi đó, sự quan tâm về công tác bảo vệ rừng của cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật đầy đủ nên công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn gặp khó.

 

*Baodienbienphu.info.vn (12/11): Bất cập ở Pa Pe

Thực hiện Nghị quyết 815/NQ-UBTVQH14 ngày 21/11/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Điện Biên, bản Pa Pe, xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) được điều chỉnh, sáp nhập về phường Nam Thanh (TP. Điện Biên Phủ). Tuy nhiên, hơn 2 năm sau khi sáp nhập về phường Nam Thanh, đến nay 103 hộ cụm dân cư Pa Pe vẫn chưa được thành lập bản mới, nảy sinh nhiều bất cập về tổ chức và đời sống sinh hoạt của người dân.

Sau khi điều chỉnh bản Pa Pe về phường Nam Thanh (đầu năm 2020), UBND phường Nam Thanh đã tổ chức họp lấy ý kiến người dân cụm Pa Pe. Nguyện vọng của người dân mong muốn được thành lập bản mới và giữ nguyên tên gọi cũ bản Pa Pe. UBND phường Nam Thanh đã lập tờ trình xin chủ trương thành lập mới bản Pa Pe. Mặc dù đã kiến nghị nhiều lần, nhưng đến nay cụm dân cư Pa Pe vẫn chưa được thành lập bản mới. Lý do được cơ quan chức năng trả lời là theo quy định của Thông tư 14/2018/TT-BNV ngày 3/12/2018 của Bộ Nội vụ quy định điều kiện để thành lập thôn mới thì: “Thôn ở xã thuộc các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc có từ 150 hộ gia đình trở lên”. Trong khi đó cụm dân cư Pa Pe hiện nay chỉ có 103 hộ gia đình (thời điểm điều chỉnh 88 hộ với 277 nhân khẩu).

Trước tình hình trên, UBND phường Nam Thanh đã khảo sát, xem xét các phương án sắp xếp khác, tuy nhiên đều không phù hợp. Cụ thể, phương án ghép cụm Pa Pe vào bản Noong Chứn (phường Nam Thanh), song về vị trí địa lý, giao thông không thuận lợi, ngăn cách bởi sông Nậm Rốm. Phương án ghép với tổ dân phố 7 cũng khó thực hiện do số hộ sở tại đã rất đông (309 hộ, 1.077 nhân khẩu). Mặt khác, tổ dân phố 7 chủ yếu là người dân tộc Kinh, còn Pa Pe chủ yếu dân tộc Thái, hai bên có truyền thống văn hóa, phong tục tập quán khác nhau.

Theo ông Lường Văn Toản, Chủ tịch UBND phường Nam Thanh, việc thành lập mới bản Pa Pe sẽ thuận lợi trong công tác quản lý, phù hợp với phong tục tập quán, nguyện vọng của người dân. Bên cạnh đó, người dân cụm Pa Pe chủ yếu là người dân tộc Thái, có phong tục tập quán riêng, chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên không phù hợp ghép với tổ dân phố liền kề của phường Nam Thanh. Trong khi đó, diện tích tự nhiên cụm dân cư Pa Pe hiện có khoảng 20ha, tổng số 216 ô đất, trong đó có 103 ô đã có nhà ở riêng lẻ, còn lại là quỹ đất trống; ngoài ra có nhiều hộ dân sinh sống cùng nhiều thế hệ trong một hộ gia đình nên lâu dài sẽ đảm bảo quy mô về số hộ theo quy định.

Do chưa được thành lập bản mới, chưa có tên gọi chính thức đã phát sinh nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ. Thời gian qua, UBND phường Nam Thanh gặp nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành. Người dân cụm Pa Pe cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính, bởi chưa được thành lập bản nên chưa có ban lãnh đạo để điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ. Ví như thực hiện bình xét gia đình văn hóa tại cụm Pa Pe vừa qua, do không có ban lãnh đạo (bí thư, trưởng bản, trưởng ban công tác mặt trận) nên cán bộ UBND phường phải trực tiếp xuống khảo sát, thực hiện bình xét.

Thời gian đầu khi mới sáp nhập, UBND phường Nam Thanh vẫn giữ nguyên các chức danh ban lãnh đạo cũ của bản Pa Pe trước đây (gồm bí thư chi bộ, trưởng bản, trưởng ban công tác mặt trận bản) và chi trả phụ cấp hàng tháng theo quy định. Hiện nay do chưa được công nhận bản nên việc chi trả phụ cấp không đúng quy định nên phải tạm dừng. Để giúp chính quyền địa phương nắm bắt các thông tin trên địa bàn, UBND phường Nam Thanh đã ra Thông báo 08/TB-UBND ngày 19/1/2022 về việc giao nhiệm vụ phụ trách quản lý cụm dân cư Pa Pe, với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng cho cụm trưởng.

Ông Lò Văn Thân, cụm trưởng cụm dân cư Pa Pe chia sẻ: Bản Pa Pe được thành lập từ những năm 40 của thế kỷ trước, đến đầu năm 2020 được điều chỉnh, sáp nhập về phường Nam Thanh. Chủ trương sáp nhập địa giới hành chính, dân bản đồng thuận, ủng hộ nhưng đến nay chưa được thành lập bản mới. Năm 2021 khi chính quyền địa phương thông báo không đủ điều kiện thành lập bản do không đủ số hộ, nhiều người tư tưởng hoang mang, chán nản. Đặc biệt, vừa qua cơ quan chức năng cắm biển tên gọi “Cụm dân cư Pa Pe”, người dân rất bức xúc, các cụ già phật lòng vì tên bản đã đặt từ xa xưa đến nay lại xóa tên bản đặt thành cụm dân cư.

Cùng với đó, nhiều quy ước hương ước trước đây của bản giờ không duy trì, không thực hiện được. Đơn cử dịp Tết Trung thu vừa qua, không có ban lãnh đạo, hội, đoàn thể nên không tổ chức trung thu cho các cháu thiếu nhi trong cụm. Trong việc ma chay, hiếu, cưới xin, theo phong tục, hương ước của bản Pa Pe cũ, trước đây trong bản có người chết thì mỗi hộ gia đình góp 100 nghìn đồng và tập trung tổ chức, mua sắm chuẩn bị lễ vật, tiễn đưa người đã khuất. Tuy nhiên, trong thời gian qua việc thực hiện quy ước trên không còn được duy trì, nhiều hộ không tham gia đóng góp...

Đối với ông Lò Văn Thân, hiện nay UBND phường chỉ hợp đồng nhiệm vụ cụm trưởng, trong khi rất nhiều việc, từ chi bộ, mặt trận, đoàn thể, tổ hòa giải, an ninh... thậm chí cả công việc kế hoạch hóa gia đình. Trong khi đó, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng không đủ tiền công, chi phí đi lại, xăng xe. Chưa kể, do không phải là trưởng bản nên nói nhiều người không nghe, mời đến họp không đi; thậm chí khi thu các khoản đóng góp, có trường hợp gặp đến 3 lần vẫn không thu được.

 

PHẦN II: TIN TỨC – THỜI SỰ

 

CHỈ THỊ MỚI

*Chinhphu.vn (14/11): Chính phủ chỉ đạo tập trung triển khai Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2022. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính tập trung triển khai thực hiện Nghị định số 65/2022/NĐ-CP; giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo xử lý.

Thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển lạnh mạnh

Tại Nghị quyết 143, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tập trung triển khai thực hiện Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, báo cáo Chính phủ để sửa đổi (nếu cần thiết). Giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo xử lý.

Bộ Tài chính chịu trách nhiệm đưa ra giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp trong ngắn hạn và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh trong trung, dài hạn.

Với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chính phủ yêu cầu phải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng nhà nước phải cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Kịp thời nắm tình hình, có giải pháp phù hợp hỗ trợ, chỉ đạo các ngân hàng thương mại đáp ứng nhu cầu vốn cho thương nhân nhập khẩu xăng dầu, than, góp phần tháo gỡ khó khăn, bảo đảm an ninh năng lượng.

Tăng cường công tác thông tin, tuyền truyền, ổn định thị trường tiền tệ, củng cố niềm tin thị trường, tâm lý của nhà đầu tư, người dân và doanh nghiệp.

Mới đây, trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, việc đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư luôn được thực hiện một cách nghiêm túc.

Một số công ty sai phạm chỉ là đơn lẻ và đã bị xử lý pháp luật để lành mạnh thị trường. Các công ty phát hành này đã cam kết trả đúng hạn trái phiếu đến hạn.

"Chúng tôi sẽ tích cực giám sát và đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định./.

 

*Chinhphu.vn (12/11): Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần

Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm

Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 1076/CĐ-TTg ngày 10/11/2022 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải quyết liệt, chủ động, tích cực, sát sao, cụ thể, thực sự vào cuộc thực chất hơn và theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao hướng dẫn xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả. Tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập; người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công…

Phản ứng chính sách kịp thời, chính xác, không chuyển trạng thái đột ngột

Tại Nghị quyết 143/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực; theo dõi sát tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, chính xác, không chuyển trạng thái đột ngột.

Phấn đấu năm 2030 kinh tế khu vực đô thị đóng góp 85% vào GDP cả nước 

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chương trình đưa ra mục tiêu phấn đấu kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của các đô thị trực thuộc trung ương đạt bình quân 25 - 30% vào năm 2025, 35 - 40% vào năm 2030; xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3 - 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030.

Quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự tại cửa khẩu đường hàng không 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Nghị định 93/2022/NĐ-CP ngày 7/11/2022 của Chính phủ về quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự tại cửa khẩu đường hàng không.

Nghị định này quy định việc quản lý, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội tại cửa khẩu đường hàng không; khu vực cửa khẩu đường hàng không; trách nhiệm của các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cửa khẩu đường hàng không; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu đường hàng không.

6 bước biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước 

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Nghị định số 94/2022/NĐ-CP quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Theo quy định, quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP), chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP) gồm 6 bước:

1- Thu thập thông tin đầu vào phục vụ biên soạn GDP, GRDP.

2- Tính các chỉ tiêu phục vụ biên soạn GDP, GRDP.

3- Biên soạn số liệu GDP, GRDP.

4- Rà soát, đánh giá lại GDP, GRDP.

5- Công bố, phổ biến số liệu GDP, GRDP.

6- Lưu trữ số liệu GDP, GRDP.

Nhiều chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định 21/2022/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa.

Trong đó, về đầu tư phát triển giao thông đường thủy nội địa, Quyết định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích là được tiếp cận nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa nhằm kết nối thuận lợi, hiệu quả đến các phương thức vận tải khác, đặc biệt là với hệ thống cảng biển.

Ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa để cải tạo, nâng cấp luồng đường thủy nội địa trên các tuyến vận tải chính theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Phê duyệt quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 8/11/2022 phê duyệt quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu đến năm 2030 là xây dựng tỉnh Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại ổn định, bền vững.

Bệnh viện Xây dựng tổ chức lại thành Bệnh viện Đại học Y Dược

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định số 1376/QĐ-TTg ngày 9/11/2022 chuyển nguyên trạng Bệnh viện Xây dựng thuộc Bộ Xây dựng về Đại học Quốc gia Hà Nội để quản lý và tổ chức lại thành Bệnh viện Đại học Y Dược trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đơn giản hóa quy định 4 nhóm ngành nghề kinh doanh thuộc quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1361/QĐ-TTg phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo đó, 4 nhóm ngành nghề kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa quy định gồm: 1- Hoạt động kinh doanh của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô; 2- Hoạt động vay trả nợ nước ngoài; 3- Hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại; 4- Hoạt động thanh toán.

Chủ trương đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Hải Long, tỉnh Thái Bình

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định số 1370/QĐ-TTg ngày 9/11/2022 chủ trương đầu tư dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Hải Long, tỉnh Thái Bình.

Dự án trên được triển khai tại các xã: Đông Trà, Đông Long và Đông Xuyên, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình với tổng nguồn vốn 2.213,988 tỷ đồng.

Đầu tư hơn 4 nghìn tỷ đồng xây hồ chứa nước Ia Thul, tỉnh Gia Lai

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 10/11/2022 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ia Thul, tỉnh Gia Lai.

Dự án được triển khai trên địa bàn các huyện Ia Pa, Krông Pa, tỉnh Gia Lai với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 4.000 tỷ đồng.

Mục tiêu đầu tư dự án Hồ chứa nước Ia Thul là xây dựng hồ chứa và hệ thống dẫn nước để cấp và tạo nguồn cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho diện tích khoảng 8.600 ha, nước sinh hoạt cho khoảng 28.500 người; cải thiện môi trường sinh thái; kết hợp giảm lũ cho hạ du, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện Ia Pa, Krông Pa, tỉnh Gia Lai.

Đô thị Cần Giuộc phát triển theo hướng đô thị sinh thái chất lượng cao 

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định số 1405/QĐ-TTg ngày 11/11/2022 phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Cần Giuộc, tỉnh Long An đến năm 2045.

Theo quy hoạch đô thị Cần Giuộc được phát triển theo hướng đô thị sinh thái, có chất lượng môi trường cao và bền vững.

Đô thị Cần Giuộc là đô thị trọng điểm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vai trò hỗ trợ, giảm áp lực gia tăng dân số tại Thành phố Hồ Chí Minh; là đô thị động lực để phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực phía Đông và toàn tỉnh Long An.

 

*Chinhphu.vn (11/11): Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 8 văn bản QPPL trong tháng 10/2022

Theo Thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp, trong tháng 10/2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 8 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 7 nghị định của Chính phủ và 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, Nghị định số 71/2022/NĐ-CP ngày 01/10/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/1/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Trong đó, Nghị định 71/2022/NĐ-CP bổ sung mới điều 20a về biên tập, phân loại, biên dịch nội dung phát thanh, truyền hình theo yêu cầu.

Nghị định số 72/2022/NĐ-CP ngày 04/10/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in và Nghị định số 25/2018/NĐ-CP ngày 28/02/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in.

Trong đó quy định thủ tục và tuổi cho các thiết bị khi nhập khẩu, cụ thể: các thiết bị chế bản, tạo khuôn in, tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm; các thiết bị in công nghiệp và thiết bị gia công sau in tuổi thiết bị không vượt quá 20 năm và các máy photocopy đa màu, máy in có chức năng photocopy đa màu, tuổi thiết bị không vượt quá 03 năm và chuyển thủ tục cấp phép nhập khẩu sang thủ tục khai báo với Bộ Thông tin và Truyền thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Nghị định số 81/2022/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao. Về cơ cấu tổ chức, Bộ Ngoại giao gồm 28 đơn vị, tổ chức.

Trong đó, hợp nhất Cục Cơ yếu và Trung tâm Thông tin thành Cục Cơ yếu - Công nghệ thông tin; chuyển đổi mô hình tổ chức của Trung tâm Biên Phiên dịch quốc gia thành Vụ Biên Phiên dịch đối ngoại.

Giải thể Vụ Thi đua - Khen thưởng và Truyền thống ngoại giao; điều chuyển các nhiệm vụ về thi đua khen thưởng và truyền thống ngoại giao cho các đơn vị trực thuộc Bộ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng để thu gọn đầu mối tổ chức, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; giảm 03 phòng tại các Vụ Châu Âu và Tổ chức Cán bộ.

Nghị định số 83/2022/NĐ-CP ngày 18/10/2022 của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Trong đó, về đối tượng, kế thừa Nghị định số 53/2015/NĐ-CP và Nghị định số 104/202020/NĐ-CP; được Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý theo Công văn số 12278-CV/VPTW3; được xác định tương đương Thứ trưởng tại Kết luận số 35-KL/TW4 (là nữ cán bộ, công chức giữ chức vụ, chức danh: Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp). Tại Nghị định số 83/2022/NĐ-CP đồng thời bỏ đối tượng là “Sĩ quan trong lực lượng vũ trang có quân hàm cấp tướng” quy định tại Điểm g Điều 2 Nghị định số 53/2015/NĐ-CP.

Về điều kiện nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, Nghị định số 53/2015/NĐ-CP quy định cán bộ, công chức thuộc đối tượng nghỉ hưu ở tuổi cao hơn phải đáp ứng các điều kiện (1) Có đủ sức khỏe để thực hiện chức trách, nhiệm vụ; (2) Không đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật, bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành kỷ luật về đảng, chính quyền. Tại Nghị định số 83/2022/NĐ-CP không quy định nội dung này (bỏ quy định điều kiện để nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tại Điều 4 Nghị định số 53/2015/NĐ-CP).

Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24/10/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nghị định có 6 Điều với một số nội dung chính như sau: Quy định cụ thể nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (về pháp luật; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục; quản lý nhà nước về tiếng Việt và tiếng các dân tộc; sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu;…).

Bộ Giáo dục và Đào tạo có 20 tổ chức thuộc Bộ giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, 3 đơn vị sự nghiệp công lập, phục vụ chức năng quản lý nhà nước.

Nghị định số 89/2022/NĐ-CP ngày 28/10/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Cơ cấu tổ chức: Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 28 đơn vị trực thuộc, trong đó có 23 đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; 05 đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ.

Quyết định số 20/2022/QĐ-TTg ngày 12/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thí điểm phân cấp thẩm quyền phê duyệt, trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Việc thí điểm phân cấp thẩm quyền cho UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị theo trình tự thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định nhằm đảm bảo rút ngắn thời gian, phù hợp với mô hình thí điểm theo hướng phân cấp, tăng cường trách nhiệm của UBND thành phố và cấp tỉnh trong việc quản lý và thực hiện quy hoạch.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho tỉnh Khánh Hòa chủ động hơn trong công tác quản lý điều hành, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và kịp thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. 

Qua đó huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư từ ngân sách cũng như từ xã hội, người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp cho phát triển, nâng cao quy mô, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các địa phương, tạo thêm cơ hội về việc làm và tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho người dân.

 

TIN QUỐC HỘI

*Hanoimoi.vn (15/11): Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn, sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá

Hôm nay (15-11), theo chương trình làm việc, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV sẽ bước vào ngày làm việc cuối cùng.

Buổi sáng, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn, sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.

Tiếp đó, Quốc hội họp phiên bế mạc, trong đó có việc biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV (trong đó có nội dung về kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14; quy định về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và nội dung về bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam).

 

*Vov.vn (15/11): ĐBQH: Luật cấm cài cắm thông tin trong hồ sơ mời thầu, còn cài thế nào luật không nói

Đại biểu Quốc hội chỉ rõ, để hạn chế việc cài cắm thông tin trong đấu thầu, luật hiện hành cũng như luật dự thảo thì chỉ có một điều duy nhất nói rằng là "cấm không được cài cắm thông tin để hạn chế nhà thầu", còn cài cắm như thế nào thì cũng không nói”.

Thảo luận về Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, hạn chế lớn nhất trong đấu thầu thời gian vừa qua là số lượng người tham gia dự thầu rất ít, kể cả đấu thầu trên mạng cũng chỉ bình quân hơn một hồ sơ, điều đó chứng tỏ tính cạnh tranh không cao. Nguyên nhân chính ở đây, có thể do thông tin đã được cài cắm trong hồ sơ mời thầu, làm hạn chế những nhà thầu tham gia. Chính vì vậy, để hạn chế việc cài cắm thông tin, luật hiện hành cũng như luật dự thảo thì chỉ có một điều duy nhất nói rằng là "cấm không được cài cắm thông tin để hạn chế nhà thầu", còn cài cắm như thế nào thì cũng không nói”.

Chính vì vậy, đại biểu nghị để tránh cài cắm thông tin phải quy định rất rõ trong hồ sơ mời thầu phải như thế nào là không cài cắm thông tin. Trong luật mới đã có bổ sung Điều 41, nói về hồ sơ mời thầu, trong đó có 1 phần nội dung liệt kê gồm những loại tài liệu gì và phần thứ hai cũng chỉ nói không được cài cắm thông tin nhưng cũng không nói cụ thể.

Về việc đấu thầu mua sắm tập trung, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng đấu thầu mua sắm tập trung nhằm mục tiêu, nếu từng đơn vị có thể mua sắm số lượng nhỏ, có một số hàng hóa rất đặc thù, không thể mua sắm được hoặc nhiều đơn vị cùng mua sắm một loại hàng hóa thì mua sắm tập trung sẽ ưu việt hơn, giá rẻ hơn, chọn được nhà cung cấp tốt hơn. Như vậy, đấu thầu mua sắm tập trung không có nghĩa là triệt tiêu các đơn vị không được tự đấu thầu mua sắm. Theo đại biểu, kết quả đấu thầu mua sắm tập trung được dùng vào 2 mục đích. Mục đích thứ nhất, để mua sắm thay cho đơn vị đã đăng ký, không cần phải tự mua sắm nữa, đăng ký rồi thì sẽ dựa vào kết quả đó để nhận sản phẩm.

Kết quả thứ hai khi đã có được thông tin về giá cả, chủng loại hàng hóa thông qua đấu thầu mua sắm tập trung, đây chính là thông tin tham chiếu để những đơn vị khác khi chưa đăng ký đấu thầu mua sắm tập trung có thể dùng các thông tin này để mua sắm hàng hóa của những đơn vị khác cung cấp với điều kiện là hàng hóa đó phải cung cấp với giá không được vượt quá, tiêu chuẩn kỹ thuật không được thấp hơn, thời gian không được kéo dài hơn. Như vậy sẽ giải quyết được tất cả những chờ đợi phải đến kỳ mới được mua sắm tập trung.

"Không phải lĩnh vực nào đấu thầu cũng công bằng"

Đại biểu đoàn Đồng Tháp thẳng thắn cho biết, trong thực tế, không phải lĩnh vực nào đấu thầu cũng công bằng, khách quan, hiệu quả về tài chính mà chỉ định thầu có giảm giá cũng có thể mang lại hiệu quả về kinh tế. Nếu những lĩnh vực không thuộc phạm vi điều chỉnh thì áp dụng vào quy định của pháp luật là dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ hoặc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức PPP, dự án đầu tư có sử dụng đất, như vậy là thu hẹp phạm vi điều chỉnh, có thể thiếu chặt chẽ trong quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp, đề nghị giữ quy định theo luật hiện hành.

Về đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, Điều 6 có quy định "nhà thầu tham dự thầu độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính" nhằm đảm bảo tính bình đẳng. Tuy nhiên, ở khoản 4 lại quy định "nhà thầu được chỉ định thầu không phải đáp ứng những điều kiện trên", đề nghị nhà thầu được chỉ định cũng phải đáp ứng điều kiện này, đảm bảo công khai, minh bạch, tránh việc ưu ái quá mức cho việc chỉ định.

Về ưu đãi trong việc chọn thầu là rất cần thiết, tuy nhiên, chỉ nên quy định một số hàng hóa đặc thù, hàng hóa khuyến khích sản xuất trong nước, không quy định chung mà nên cụ thể hơn để dễ thực hiện, để không tùy tiện áp dụng. Ngoài ra, việc quy định chi tiết Chính phủ cũng cần phải rõ ràng về những nội dung ưu đãi để chọn nhà thầu cho khách quan, công bằng, minh bạch, tránh đối tượng lợi dụng ưu đãi thông đồng với các nhà thầu khác có thể tiêu cực, trong đó có ưu đãi gói thầu xây lắp đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ giá trị dưới 5 tỷ.

Về hành vi bị cấm, liệt kê trong luật là rất cụ thể. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị rà soát các hành vi bị cấm theo từng nhóm để dễ áp dụng trong thực tiễn theo nhóm hành vi chung, người có thẩm quyền, người có ảnh hưởng, chủ đầu tư, chuyên gia, tổ chấm thầu, nhà thầu. Ngoài ra, cần quy định cụ thể hành vi cản trở trong đấu thầu, vì hành vi này thực tế đã diễn ra rất đa dạng, phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động đấu thầu và đề nghị bổ sung những hành vi nhà thầu lập công ty con để tham gia đấu thầu, vì hiện tượng này ở nước ta không phải là lợi ích./.

 

*Chinhphu.vn (12/11): Phấn đấu năm 2030 kinh tế khu vực đô thị đóng góp 85% vào GDP cả nước

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Một trong những mục đích của Chương trình là cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu tại Nghị quyết 06-NQ/TW bằng những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực của Chính phủ gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm đạt được mục tiêu của Nghị quyết.

Tỷ lệ đô thị hoá toàn quốc đạt trên 50% vào năm 2030

Chương trình đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hoá toàn quốc đạt trên 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,9 - 2,3%.

Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2030 khoảng 1.000 - 1.200 đô thị. Đến năm 2025, 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị; bảo đảm tối thiểu 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hoá cấp đô thị. Đến năm 2030, hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN.

Xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế

Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của các đô thị trực thuộc trung ương đạt bình quân 25 - 30% vào năm 2025, 35 - 40% vào năm 2030; xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3 - 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030.

Tầm nhìn đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hoá thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh; xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỉ trọng lớn.

5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Phó Thủ tướng yêu cầu căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước được giao, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai 05 nhóm nhiệm vụ chủ yếu sau: 1- Thống nhất nhận thức, hành động về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam; 2- Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; 3- Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; 4- Xây dựng các nhiệm vụ, đề án chuyên ngành; 5-  Xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật.

Để nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững, Chương trình yêu cầu phải tổ chức rà soát, điều chỉnh hoặc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy chế quản lý kiến trúc. Cụ thể, đến năm 2025, phải hoàn thành rà soát, phủ kín quy hoạch chung tại các đô thị hiện có và đô thị mới; các đô thị vừa và lớn đều có quy chế quản lý kiến trúc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đến năm 2030, tối thiểu phủ kín quy hoạch phân khu các khu vực trung tâm, khu vực dự kiến phát triển và khu vực dự kiến thành lập mới đơn vị hành chính đô thị (quận, phường)…

Đầu tư 100 đô thị tiêu biểu, có khả năng chống chịu, giảm phát thải

Về nhiệm vụ đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu, Chương trình đưa ra nhiệm vụ tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, dự án đang thực hiện về nâng cấp, phát triển đô thị; nghiên cứu xây dựng theo quy định pháp luật hiện hành các Chương trình về xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và đầu tư phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị ở cấp quốc gia, tỉnh và từng đô thị nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu của Nghị quyết số 06-NQ/TW đối với tỉnh, từng đô thị để thống nhất rà soát, lập chương trình phát triển đô thị để thực hiện đầu tư có trọng tâm trọng điểm ít nhất 100 đô thị tiêu biểu, có khả năng chống chịu, giảm phát thải, thông minh, có bản sắc và hoàn thiện điều kiện hạ tầng đô thị.

 

*Chinhphu.vn (14/11): Quốc hội tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp, phụ cấp ưu đãi

Quốc hội quyết nghị chưa thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII trong năm 2023. Từ ngày 01/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng;...

Quốc hội cho phép kéo dài thực hiện và giải ngân vốn đầu tư ngân sách Trung ương

Chiều 11/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 với 451/456 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (bằng 90,56% tổng số đại biểu Quốc hội).

Theo Nghị quyết, Quốc hội thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 với tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.620.744 tỷ đồng (một triệu, sáu trăm hai mươi nghìn, bảy trăm bốn mươi bốn tỷ đồng). 

Tổng số chi ngân sách nhà nước là 2.076.244 tỷ đồng (hai triệu, không trăm bảy mươi sáu nghìn, hai trăm bốn mươi bốn tỷ đồng). 

Mức bội chi ngân sách nhà nước là 455.500 tỷ đồng (bốn trăm năm mươi lăm nghìn, năm trăm tỷ đồng), tương đương 4,42% tổng sản phẩm trong nước (GDP). 

Bao gồm: Bội chi ngân sách trung ương là 430.500 tỷ đồng (bốn trăm ba mươi nghìn, năm trăm tỷ đồng), tương đương 4,18% GDP; Bội chi ngân sách địa phương là 25.000 tỷ đồng (hai mươi lăm nghìn tỷ đồng), tương đương 0,24% GDP. 

Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 648.213 tỷ đồng (sáu trăm bốn mươi tám nghìn, hai trăm mười ba tỷ đồng).

Đặc biệt, tại Nghị quyết này, Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư và sự nghiệp của ngân sách trung ương trong nước năm 2022 (bao gồm cả kế hoạch năm 2021 đã được kéo dài sang năm 2022) của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ tại Nghị quyết số 517/NQ-UBTVQH15 ngày 22 tháng 5 năm 2022 chưa giải ngân đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023.

Từ năm 2022 thực hiện điều tiết ngân sách trung ương hưởng 100% đối với số thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số, dịch vụ xuyên biên giới và các dịch vụ khác do nhà cung cấp nước ngoài thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Tăng lương cơ sở, lương hưu và một số phụ cấp, trợ cấp

Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ: Chưa thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII trong năm 2023.

Từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng;

Tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp;

Tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Bộ Chính trị.

Tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù đối với các cơ quan, đơn vị đang thực hiện các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở Trung ương được cấp có thẩm quyền quy định đối với một số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước cho tới khi thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương.

Quốc hội giao Chính phủ 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp gồm: 

Tập trung điều hành chính sách tài khóa phù hợp, hiệu quả, kịp thời ứng phó với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước, bảo đảm mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thu ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý thu, cơ cấu lại nguồn thu bảo đảm tính bền vững; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế quản lý thuế, đặc biệt trong một số lĩnh vực, hoạt động sản xuất kinh doanh mới phát sinh trong nền kinh tế số, giao dịch xuyên biên giới,... bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm.

Tiếp tục chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;

Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

Chỉ đạo triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.

Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách địa phương và mức vay nợ của ngân sách địa phương. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là đối với các hiệp định vay mới, vay nước ngoài, vay có bảo lãnh của Chính phủ.

Giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết việc thực chính sách tiền lương được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết.

Quốc hội cũng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này. Kiểm toán nhà nước, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tiến hành kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết này bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

 

CÁC TIN LIÊN QUAN ĐẾN COVID – 19

*Chinhphu.vn (11/11): Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng, chống dịch COVID-19, nhất là tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 350/TB-VPCP ngày 11/11/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Tại Thông báo trên, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đạo tạo và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng, chống dịch COVID-19, nhất là tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi; thường xuyên cập nhật nhu cầu và đề nghị của địa phương để chủ động điều phối, phân bổ vaccine phù hợp và kịp thời.

Đồng thời, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo thường xuyên cập nhật kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước về hiệu quả, lợi ích của việc tiêm vaccine, nhất là đối với trẻ em, đặc biệt trẻ em có bệnh lý nền, suy dinh dưỡng, béo phì… để chủ động cung cấp cho các cơ quan truyền thông.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan, báo chí truyền thông, hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền về chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch, truyền tải thông tin khoa học về vaccine và lợi ích của tiêm chủng vaccine, nhất là đối với trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi để cha mẹ, phụ huynh học sinh và mọi người dân hiểu và tích cực tham gia tiêm vaccine phòng chống dịch COVID-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi.

 

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

*Vov.vn (16/11): Sơn La có thêm 19 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2022

Trong số các sản phẩm tiêu biểu được công bố và cấp Giấy chứng nhận, có 4 sản phẩm được tôn vinh lần thứ 2.

19 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Sơn La năm 2022 vừa được trao chứng nhận ngày 15/11, nhằm tôn vinh thành quả lao động, sáng kiến, sáng tạo của người nông dân; giới thiệu, quảng bá và kết nối cung cầu giữa người tiêu dùng, các doanh nghiệp tiêu thụ với người sản xuất.

Sau hơn 10 tháng khởi động bình chọn, Ban tổ chức Chương trình tôn vinh sản phẩm nông nghiệp Sơn La tiêu biểu năm 2022 đã tiếp nhận 30 sản phẩm nông nghiệp, thuộc 7 nhóm sản phẩm của 24 đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh, như chả cá Quỳnh Nhai, thịt bò hun khói, gạo nếp tan Ngọc Chiến, na sầu riêng, mận bỏ hạt sấy dẻo, mật ong, bạch trà mây, măng trúc muối ớt Háng Đồng, cà phê Honey và cà phê Natural...

Qua đánh giá, các sản phẩm đăng ký tham gia đã thể hiện tính chất đặc trưng của sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; đều là sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, có uy tín trên thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao; một số sản phẩm thể hiện được bản sắc văn hóa địa phương; là các sản phẩm chủ lực, thân thiện với môi trường... Trong số các sản phẩm tiêu biểu được công bố và cấp Giấy chứng nhận, có 4 sản phẩm được tôn vinh lần thứ 2.

 

*Vtv.vn (16/11): Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp đầu mối phải cấp đủ xăng dầu cho thị trường

Bộ Công Thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm không để thiếu hụt xăng dầu.

Trước tình hình căng thẳng nguồn cung xăng dầu trong nước và diễn biến thế giới còn phức tạp, khó lường, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm không để thiếu hụt xăng dầu, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội, tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu.

Rà soát sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Định kỳ trước ngày 20 hằng tháng rà soát, tổng hợp, thống kê các chi phí, xem xét điều chỉnh, bảo đảm sát với thực tiễn và thực hiện ngay để phục vụ kỳ điều hành giá 21/11.

Liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp rà soát và bước đầu đưa ra 8 vấn đề cần đề xuất, sửa đổi.

Cụ thể, vấn đề chu kỳ điều hành giá xăng dầu; vấn đề quy định mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu; vấn đề đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn; vấn đề quyền và nghĩa vụ của các thương nhân phân phối xăng dầu; vấn đề quyền và nghĩa vụ của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; vấn đề thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu; vấn đề quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu và việc sửa đổi, bổ sung các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Bộ Công Thương cũng đề nghị các bộ ngành và địa phương, UBND các tỉnh thành phố tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 95 và 83 về xăng dầu, có ý kiến với các nội dung đề xuất sửa đổi cũng như các nội dung khác nếu có.

 

*Vtv.vn (15/11): Ấn Độ chấm dứt điều tra chống bán phá giá pin Mặt Trời từ Việt Nam

Cơ quan có thẩm quyền Ấn Độ chấm dứt cuộc điều tra bắt đầu vào ngày 15/5/2021 đối với việc nhập khẩu pin Mặt Trời từ Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.

Hãng PTI trích nguồn tin chính phủ cho biết, Bộ Thương mại Ấn Độ đã chấm dứt cuộc điều tra chống bán phá giá đối với việc nhập khẩu pin Mặt Trời từ Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam theo yêu cầu của Hiệp hội các Nhà sản xuất năng lượng Mặt Trời Ấn Độ (ISMA).

Ngày 15/5/2021, Cơ quan điều tra của Bộ Thương Mại (Cục Phòng vệ thương mại-DGTR) đã khởi xướng một cuộc điều tra về cáo buộc bán phá giá "pin năng lượng Mặt Trời đã hoặc chưa lắp ráp thành modul hoặc tấm pin" được xuất khẩu từ ba quốc gia trên, sau khi có khiếu nại của ISMA.

DGTR cho biết trong một thông báo, theo yêu cầu của ngành công nghiệp trong nước, ISMA, cơ quan có thẩm quyền chấm dứt cuộc điều tra bắt đầu vào ngày 15/5/2021 đối với việc nhập khẩu pin Mặt Trời đã hoặc chưa lắp ráp thành modul hoặc tấm pin do các quốc gia này xuất khẩu.

Các quy tắc chống bán phá giá năm 1995 quy định về việc chấm dứt điều tra trong một số tình huống nhất định bao gồm việc ngành sản xuất trong nước bị ảnh hưởng rút đơn đăng ký khi cuộc điều tra được khởi xướng.

Thông báo cho biết người nộp đơn qua e-mail ngày 14/7/2022 đã rút đơn.

Sau khi bắt đầu cuộc điều tra, chính phủ đã đánh thuế hải quan 25% đối với pin Mặt Trời và 40% đối với modul năng lượng Mặt Trời có hiệu lực từ ngày 1/4 năm nay.

 

*Vtv.vn (15/11): Ví điện tử Google Wallet có mặt tại Việt Nam, chấp nhận nhiều thẻ ngân hàng

Google Wallet là ứng dụng cho phép người dùng thanh toán không chạm cũng như hỗ trợ hỗ trợ lưu trữ thông tin các sản phẩm và dịch vụ số.

Từ hôm nay (15/11), chủ thẻ thanh toán Visa của các ngân hàng như ACB, Sacombank, Shinhan Bank, TP Bank, Techcombank (áp dụng cho thẻ tín dụng), Vietcombank và VPBank có thể thêm thẻ của mình vào Google Wallet và thanh toán bằng điện thoại Android hoặc thiết bị Wear OS. 

Trong những tuần tới, chủ thẻ Visa của MB Bank cũng như chủ thẻ Mastercard của một số ngân hàng có thể thêm thẻ thanh toán của họ vào Google Wallet. 

Hiện Google Wallet chỉ có thể sử dụng trên các thiết bị chạy hệ điều hành Android và Wear OS của Google.

Sau khi thêm và lưu trữ và xác minh, thẻ sẽ được mã hóa trên ứng dụng Google Wallet. Người dùng có thể sử dụng điện thoại để thanh toán không tiếp xúc trong và ngoài nước mà không cần mang theo thẻ vật lý.

Ngoài việc lưu trữ và truy cập thẻ thanh toán dưới dạng điện tử, người dùng có thể thêm vào vé máy bay của hãng hàng không AirAsia. Khi lưu vé máy bay trong Google Wallet, ứng dụng sẽ thông báo những thay đổi về thời gian khởi hành cũng như cổng ra máy bay thông qua app.

 

* Chinhphu.vn (15/11): Việt Nam giữ vững vị thế là quốc gia cung ứng cà phê hàng đầu thế giới

Ngành cà phê nước ta đã có một năm thành công với cả giá bán và sản lượng đều đạt các mức cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây và tiếp tục giữ vững vị thế là quốc gia cung ứng cà phê hàng đầu thế giới.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ giảm 400 đồng/kg. Theo đó, giá cà phê tại các khu vực trọng điểm trong nước được thu mua ở mức giá 39.600-40.100 đồng/kg.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê trong tháng 10 vừa qua của nước ta đạt hơn 79.800 tấn, trị giá 206,9 triệu USD, giảm 13,7% về lượng và giảm 8,5% về trị giá so với tháng trước đó do chưa chính thức bước vào giai đoạn thu hoạch của mùa vụ mới.

Tuy nhiên, tính chung 10 tháng, xuất khẩu cà phê vẫn đạt mức tăng trưởng 10,8% về lượng và tăng 33,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,4 triệu tấn, với giá trị lên đến gần 3,28 tỷ USD. Như vậy, mới hết tháng 10 nhưng kim ngạch xuất khẩu cà phê của nước ta đã vượt 0,2 triệu USD so với mức 3,07 tỷ USD của cả năm 2021.

Nhìn chung, ngành cà phê nước ta đã có một năm thành công với cả giá bán và sản lượng đều đạt các mức cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây và tiếp tục giữ vững vị thế là quốc gia cung ứng cà phê hàng đầu thế giới.

 

*Vtv.vn (14/11): Luật Tần số sẽ thúc đẩy phủ sóng 5G toàn quốc vào năm 2030

Luật Tần số vô tuyến điện sẽ thúc đẩy mục tiêu đến năm 2030 mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc, mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp.

Trong quá trình xây dựng, trình và hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, quan điểm chỉ đạo, tư tưởng xuyên suốt của Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đối với dự án Luật này đó là quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý, hiệu quả quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Đồng thời, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

Theo ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, trong quá trình soạn thảo chúng tôi đã nghiên cứu quy định 73 luật liên quan của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Nhiều vấn đề đã được nghiên cứu rất kỹ lưỡng không chỉ trong luật mà cả trong thực tiễn thực thi pháp luật của các nước chẳng hạn như quy định về đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.

Đấu giá là một xu hướng chủ đạo trên thế giới những năm qua về cấp phép sử dụng băng tần có giá trị thương mại cao như là băng tần dành cho thông tin di động. Và đây là sở cứ quan trọng cho đề xuất về vấn đề đấu giá trong sửa đổi Luật tần số lần này.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện sẽ góp phần quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên; hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Bên cạnh đó, thể chế hóa Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đưa ra mục tiêu "đến năm 2030 mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc, mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp".

 

QUẢN LÝ

*Vietnamplus.vn (16/11): Bộ Nội vụ: Tinh giản biên chế phải đúng đối tượng, áp dụng đúng chế độ

Có một số bộ, ngành, địa phương tinh giản biên chế chưa đúng đối tượng nên Bộ Nội vụ yêu cầu phải báo cáo, giải trình và đề nghị không thực hiện tinh giản biên chế đối với các trường hợp này.

Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện tinh giản biên chế đúng đối tượng, áp dụng đúng chế độ, chính sách tinh giản biên chế và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa vừa ký văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế.

Bộ Nội vụ cho biết thời gian qua, Bộ này nhận được báo cáo kết quả thực hiện tinh giản biên chế của các bộ, ngành, địa phương để kiểm tra theo quy định.

Qua kiểm tra kết quả thực hiện, có một số bộ, ngành, địa phương tinh giản biên chế chưa đúng đối tượng nên Bộ Nội vụ yêu cầu phải báo cáo, giải trình và đề nghị không thực hiện tinh giản biên chế đối với các trường hợp này.

Cụ thể, có những trường hợp chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ mà vẫn bố trí vào làm công chức, viên chức hoặc cán bộ cấp xã; công chức, viên chức có 2 năm liên tiếp bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ vẫn đề nghị giải quyết tinh giản biên chế (cần cho thôi việc); công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, đề nghị giải quyết tinh giản biên chế nhưng vẫn được nâng bậc lương thường xuyên theo quy định.

Hay trường hợp chưa đủ thời gian công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn để tinh giản biên chế ở tuổi nghỉ hưu thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường; công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng không làm rõ được việc sắp xếp tổ chức, bộ máy của cơ quan, tổ chức, đơn vị...

Để tránh trường hợp phải khắc phục việc giải quyết tinh giản biên chế không đúng quy định, Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện tinh giản biên chế đúng đối tượng, áp dụng đúng chế độ, chính sách tinh giản biên chế và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật./.

 

*Vtv.vn (15/11): Viện trợ hơn 55,4 tỷ đồng để chấm dứt du lịch cưỡi voi

Khoản viện trợ này từ Tổ chức Động vật châu Á (AAF) sẽ được trao cho tỉnh Đắk Lắk. Dự án vừa được UBND tỉnh phê duyệt, thời gian thực hiện từ tháng 11 đến tháng 12/2026.

Dự án hỗ trợ kỹ thuật việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang du lịch thân thiện với voi tại Đắk Lắk. Địa điểm tại huyện Buôn Đôn và huyện Lắk.

Hiện đàn voi nhà của tỉnh Đắk Lắk còn 37 cá thể, là số lượng lớn nhất cả nước. Đàn voi hoang dã có khoảng 80 - 100 cá thể. Số lượng đàn voi đã giảm 90% so với năm 1980. Các cá thể voi nhà hầu hết đã lớn tuổi, sinh sản khó khăn, gây khó cho công tác bảo tồn.

Cưỡi voi từ lâu đã được coi là một trong những dịch vụ hút khách, gắn liền với du lịch Tây Nguyên. Thậm chí trong suy nghĩ của không ít khách du lịch ""Chưa cưỡi voi thì coi như chưa đặt chân đến Tây Nguyên".

Thế nhưng, đằng sau niềm vui và sự thích thú của du khách, là sự đánh đổi tự do, sức khỏe và thậm chí có trường hợp là cả tính mạng của nhiều chú voi nữa.

Sự nghỉ ngơi của những chú voi ở Bản Đôn sẽ đánh dấu bước dịch chuyển của ngành du lịch Việt Nam, khi các mô hình du lịch thân thiện có thể áp dụng rộng rãi trên thực tế. Với những mô hình này, khách tham quan không làm ảnh hưởng tới tự nhiên, môi trường mà còn có thể nâng cao hiểu biết, góp sức trong hoạt động bảo tồn thiên nhiên.

Thay đổi một mô hình du lịch đặc trưng còn là thay đổi trong tư duy của khách và của chính những người làm du lịch.

 

*Vtv.vn (15/11): Trong tháng 11/2022, hoàn thành sắp xếp bộ máy các Bộ, cơ quan ngang Bộ

Đây là nội dung tại Thông báo 354/TB-VPCP ngày 14/11/2022 truyền đạt kết luận của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại Phiên họp thứ hai ngày 19/10/2022.

Phấn đấu trong tháng 11 năm 2022, hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Thực thi ngay các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh

Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân doanh nghiệp (Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 06/10/2022); Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC giai đoạn 2021-2025; Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 (Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020), lưu ý các nhiệm vụ cần triển khai, hoàn thành ngay:

- Thực thi ngay các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và phương án phân cấp trong giải quyết TTHC đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các bộ chưa có phương án khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ giai đoạn 2022-2025.

- Cập nhật đầy đủ, chính xác, công khai, kịp thời và thực hiện tham vấn các quy định, phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.

- Hoàn thành việc chuẩn hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; tổ chức kiện toàn bộ phận một cửa các cấp, triển khai Bộ nhận diện thương hiệu. Thời hạn hoàn thành trong tháng 12 năm 2022.

- Đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định của Chính phủ tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP.

- Phấn đấu trong tháng 11 năm 2022, chậm nhất trong quý I năm 2023: (1) Hoàn thành việc Hợp nhất cổng Dịch vụ công với Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tập trung duy nhất của bộ, tỉnh; (2) Thiết lập, nâng cấp, hoàn thiện kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trong Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh; (3) Hoàn thành kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu kết quả giải quyết TTHC.

- Hoàn thành việc xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong giải quyết TTHC; cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa; đánh giá, công khai chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công tại các bộ, ngành, địa phương theo Quyết định sổ 766/QĐ-TTg.

Nghiên cứu, thí điểm chuyển giao một số dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp

Phấn đấu trong tháng 11 năm 2022, hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục nghiên cứu, thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm; đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ phân cấp, phân quyền theo Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ.

Đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức:

- Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, bảo đảm đạt tỉ lệ tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021- 2026 theo Kết luận số 40-KL/TW của Bộ Chính trị.

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài cho nền công vụ.

- Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức.

Triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; tổ chức triển khai có hiệu quả việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập.

 

*Chinhphu.vn (15/11): Đãi ngộ không xứng đáng, thiếu trang thiết bị làm việc, hàng trăm cán bộ giỏi Bệnh viện Bạch Mai thôi việc

Nhiều thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai chuyên môn nghiệp vụ tốt, tay nghề cao đã rèn luyện ở bệnh viện 5-10 năm được các bệnh viện tư nhân mời sang làm việc. Trong năm 2020-2021, số lượng khoảng 200 cán bộ. Từ tháng 1/2022 đến nay, có 110 cán bộ giỏi, kể cả khối hậu cần, kế toán chuyển đi do chi trả, đãi ngộ không xứng đáng.

Cán bộ đi làm từ 3-4 giờ sáng, bệnh viện không đủ tiền chi lương thưởng

Do thiếu thốn trang thiết bị, Bệnh viện phải bố trí lại ca kíp làm việc. Số bệnh nhân ngoại trú tăng lên đột biến 6.000 đến 8.000 người đến khám, có ngày 10.000 người đến khám nên Bệnh viện phải bố trí lại ca kíp.

Cán bộ y tế ở nơi xa phải ra khỏi nhà lúc 3-4h sáng, 5h sáng phải đến Bệnh viện. Các máy chiếu chụp tập trung ngoại trú ca sáng, nội trú ca chiều, để đảm bảo không từ chối bệnh nhân nào. Đấy là giải pháp Bệnh viện ứng phó trước tình trạng thiếu thiết bị.

Khó nhất bây giờ là nguồn tài chính chênh lệch thu chi để duy trì hoạt động của Bệnh viện là rất thấp do Bệnh viện mặc dù thí điểm tự chủ toàn diện nhưng toàn bộ giá dịch vụ kỹ thuật y tế Bệnh viện thu hầu hết đúng bằng giá bảo hiểm y tế.

Mặc dù được tự chủ toàn diện nhưng Bệnh viện Bạch Mai chưa bao giờ được tự chủ về giá. Hoàn toàn thực hiện theo quy định pháp quy, bởi bệnh viện xác định mình là bệnh viện công lập, tuyến cuối với nhiệm vụ quan trọng là tiếp nhận người bệnh tuyến cuối từ tất cả các tỉnh phía bắc chuyển về, các bệnh viện ở Hà Nội chuyển đến.

Trên 90% bệnh nhân là người hưởng BHYT, trong số này có nhiều người nghèo, người có công, người vùng sâu vùng xa. Cho nên, bệnh viện không thu thêm bất cứ nguồn thu nào, giá thu đúng bằng giá bảo hiểm y tế, thực hiện nghiêm túc văn bản pháp quy hiện tại của Chính phủ, Bộ Y tế.

Chênh lệch thu chi không có, bởi giá BHYT chúng ta xây dựng cũng khá lâu rồi, chỉ thu 1 phần viện phí, tức là chỉ thu 4/7 yếu tố cấu thành viện phí. Bệnh viện mặc dù đông bệnh nhân nhưng tất cả các khoản phải chi tất, từ chi cho con người, chi đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị, duy trì bảo dưỡng. Thu không đủ để chi.

Đãi ngộ không xứng đáng, nhiều cán bộ ưu tú, chuyên môn giỏi thôi việc

Trong năm 2020-2021, số lượng khoảng 200 cán bộ. Từ tháng 1/2022 đến nay, có 110 cán bộ giỏi, kể cả khối hậu cần, kế toán chuyển đi do chi trả, đãi ngộ không xứng đáng.

Mỗi cán bộ thôi việc, từ chính quyền, công đoàn, lãnh đạo khoa giữ lại, nhưng cũng chỉ được 1-2 tháng. Họ nói Giám đốc chưa lo được cho đời sống của anh em", PGS.TS Đào Xuân Cơ giãi bày.

Ông cho biết, có cán bộ chuyển đi vì thu nhập, nhưng cũng có những cán bộ cần các thiết bị y tế để làm việc. Họ thôi việc vì không có thiết bị để làm việc. Ví dụ như Trung tâm Ung bướu trước đây có rất nhiều anh em, giờ nhiều người nói là không có thiết bị thì không làm được nữa. Mà đầu tư cho Trung tâm ung thư là rất lớn, hàng trăm nghìn tỷ. Đấy là những bài toán khó.

Một cái khó nữa là Bệnh viện đã trải qua 2 cuộc chiến tranh, các tòa nhà đã hơn 100 tuổi, đã xuống cấp rất nhiều, không thể duy tu bảo dưỡng đơn thuần, phải xây mới, hết nhiều nghìn tỷ. Chúng tôi rất mơ có nguồn tài chính xây mới để phục vụ người dân tốt nhất. Tuy nhiên, nguồn tài chính không có.

Quay lại cơ chế, khó là khó ở cơ chế. Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ, Bộ Y tế rằng chúng tôi cần cơ chế hoạt động làm sao công khai, minh bạch để thực hiện nhiệm vụ chính trị với 3 nhiệm vụ: Tiếp nhận những bệnh nhân nặng từ các tỉnh; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu và ứng dụng đề tài khoa học, cập nhật kỹ thuật mới hiện đại trước khi chuyển giao cho tuyến sau. Chúng tôi cần cơ chế chính sách phù hợp./.

 

*Vtv.vn (15/11): Cao điểm xử lý vi phạm giao thông dịp cuối năm

Sáng nay (15/11), lực lượng cảnh sát giao thông sẽ đồng loạt ra quân nhằm tăng cường đảm bảo an toàn giao thông và an ninh trật tự dịp cuối năm.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa đã là đến Tết Dương lịch. Dịp này luôn là cao điểm của các dịch vụ vận tải. Bởi vậy, dự báo tình hình vi phạm trong lĩnh vực vận tải hành khách cuối năm sẽ diễn biến khá phức tạp.

Năm nay là năm đầu tiên hoạt động vận tải được khôi phục lại bình thường sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Để đảm bảo an toàn giao thông và an ninh trật tự dịp cuối năm, các lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm tra một số nội dung.

Các chốt kiểm tra của lực lượng cảnh sát giao thông đã được bố trí tại khu vực trạm soát vé trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Bắt đầu từ nay tới hết 5/2/2023, các chốt kiểm soát sẽ được thường xuyên tổ chức trên các tuyến đường trọng điểm nhằm kiểm soát chặt các vi phạm giao thông liên quan tới lĩnh vực vận tải đặc biệt là vận tải hành khách.

Trong đó, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm tình trạng nhồi nhét khách, đón trả khách sai quy định cũng như các vi phạm khác liên quan tới vận tải hành khách cả trên các tuyến đường bộ và đường thủy.

Sau 2 năm đại dịch COVID-19, năm nay, ngành vận tải hành khách sẽ được hoạt động bình thường trong đợt cao điểm cuối năm. Tình trạng chèo kéo khách hay cạnh tranh giữa các hãng vận tải khách dự báo sẽ diễn ra phức tạp. Do đó, việc tăng cường tuần tra kiểm soát kết hợp với các biện pháp mật phục ghi hình để xử lý các vi phạm sẽ được đẩy mạnh, qua đó giúp đảm bảo an toàn giao thông cũng như an ninh trật tự trong dịp cuối năm.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm nồng độ cồn, ma túy khi điều khiển phương tiện, tổ chức đua xe trái phép hay vi phạm tải trọng; lên phương án xử lý ùn tắc giao thông cuối năm tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

 

*Vtv.vn (14/11): Các cơ sở y tế trao đổi thuốc với nhau để giải quyết khẩn cấp thiếu thuốc

Các cơ sở y tế trực tiếp trao đổi, điều chuyển số thuốc qua lại với nhau để giải quyết khẩn cấp tình trạng thiếu thuốc cục bộ. Giải pháp này đang được áp dụng tại Long An.

Tại tỉnh Long An, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đã diễn ra trong nhiều tháng qua. Trước khi có thuốc, vật tư được phân bổ thông qua các gói thầu tập trung, ngành y tế địa phương đã đưa ra các giải pháp tình thế.

Trước mắt, các cơ sở y tế trong tỉnh trực tiếp trao đổi, điều chuyển số thuốc qua lại với nhau để giải quyết khẩn cấp tình trạng thiếu thuốc cục bộ. Với phương án này, hầu hết các đơn vị đáp ứng được nhu cầu cấp thuốc khám chữa bệnh của người dân.

Ví dụ tại Trung tâm y tế huyện Vĩnh Hưng, tỷ lệ này lên đến hơn 80%. Tuy nhiên, các cơ sở y tế khẳng định đây chỉ là giải pháp tình thế bởi nhu cầu về thuốc, vật tư của mỗi huyện, thị là khác nhau. 

Các địa phương mong muốn các gói thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế tập trung sớm có kết quả, để có đủ thuốc, vật tư cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh.

 

*Vtv.vn (14/11): 5 trường hợp không được thực hiện tinh giản biên chế

Bộ Nội vụ vừa ban hành Công văn 5670/BNV-TCBC về thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Theo đó, có 5 nhóm đối tượng không được thực hiện tinh giản biên chế.

Trong thời gian qua, Bộ Nội vụ nhận được báo cáo kết quả thực hiện tinh giản biên chế của các Bộ, ngành, địa phương để kiểm tra theo quy định.

Qua kiểm tra kết quả thực hiện tinh giản biên chế, có một số Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tinh giản biên chế chưa đúng đối tượng nên Bộ Nội vụ đã phải yêu cầu báo cáo, giải trình và đề nghị không thực hiện tinh giản biên chế đối với các trường hợp sau:

1- Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ mà vẫn bố trí vào làm công chức, viên chức hoặc cán bộ cấp xã.

2- Công chức, viên chức có 2 năm liên tiếp bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn đề nghị giải quyết tinh giản biên chế.

3- Công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ đề nghị giải quyết tinh giản biên chế nhưng vẫn được nâng bậc lương thường xuyên theo quy định.

4- Chưa đủ thời gian công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để tinh giản biên chế ở tuổi nghỉ hưu thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường.

5- Công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng không làm rõ được việc sắp xếp tổ chức, bộ máy của cơ quan, tổ chức, đơn vị,...

Do vậy, để tránh trường hợp phải khắc phục việc giải quyết tinh giản biên chế không đúng quy định, Bộ Nội vụ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần phải thực hiện tinh giản biên chế đúng đối tượng, áp dụng đúng chế độ, chính sách tinh giản biên chế và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

 

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

*Vtv.vn (13/11): Đổi giấy phép lái xe trực tuyến từ 14/11

Dịch vụ công Đổi giấy phép lái xe tạo thuận lợi cho người dân đăng ký, kê khai thông tin qua mạng, được chủ động đăng ký thời gian đến đổi giấy phép lái xe tại cơ quan quản lý.

Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các Sở GTVT chỉ đạo phòng chuyên môn tham gia tập huấn, tiếp nhận phần mềm để triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đổi giấy phép lái xe trên Cổng dịch vụ công quốc gia từ ngày 14/11.

Cùng với đó, các Sở Giao thông Vận tải báo cáo UBND cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo thông tin, truyền thông... về lợi ích của dịch vụ công trực tuyến đổi giấy phép lái xe; chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với cơ sở khám, chữa bệnh cung cấp, kết nối dữ liệu khám sức khỏe của người lái. Các huyện, xã gửi bản sao điện tử giấy khám sức khỏe trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Chậm nhất sau 3 ngày đăng ký trên trang thông tin điện tử, nếu hồ sơ hợp lệ sẽ được sắp xếp lịch hẹn và thông báo đến người đăng ký qua hộp thư điện tử hoặc tin nhắn điện thoại; nếu hồ sơ không hợp lệ người đăng ký cũng được thông báo rõ lý do.

 

*Vtv.vn (12/11): Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai công nghệ xác thực sinh trắc vân tay

Việc thí điểm công nghệ quét dấu vân tay, xác thực sinh trắc trên CCCD gắn chíp được triển khai tại 5 cơ sở khám chữa bệnh của TP Hà Nội và tỉnh Quảng Bình.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi khám chữa bệnh, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã đề xuất với Chính phủ triển khai thí điểm, đồng thời tích cực phối hợp với Bộ Công an áp dụng công nghệ xác thực sinh trắc vân tay trên căn cước công dân (CCCD) gắn chíp dựa trên cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư trong khám chữa bệnh BHYT. Công nghệ mới thí điểm tại một số bệnh viện và bảo hiểm xã hội tuyến cơ sở đã đem lại những hiệu quả ban đầu.

​Là một trong những đơn vị triển khai thí điểm công nghệ xác thực sinh trắc vân tay, Bệnh viện Đa khoa An Việt hiện đang tích cực hướng dẫn người dân thực hiện đăng ký thủ tục khám chữa bệnh theo công nghệ xác thực sinh trắc vân tay trên thẻ CCCD. Lần đầu tiên trải nghiệm công nghệ mới, nhiều người dân rất phấn khởi khi thủ tục đăng ký khám chữa bệnh tiết kiệm thời gian gấp nhiều lần so với trước mà chỉ cần sử dụng CCCD gắn chíp.

​Tại bộ phận một cửa của Bảo hiểm xã hội quận Đống Đa, mỗi ngày phải giải quyết hàng ngàn hồ sơ, riêng khu vực tiếp khách có rất đông người dân đến làm việc. Do đó, việc áp dụng công nghệ xác thực sinh trắc vân tay này giúp cán bộ bảo hiểm xã hội giảm thời gian trong khâu tiếp nhận hồ sơ, đảm bảo kiểm soát được thông tin công dân, nâng cao chất lượng phục vụ.

Việc thí điểm công nghệ quét dấu vân tay là một bước tiến mới của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thể hiện quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ, tối ưu hóa việc sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu Quốc gia để phục vụ người dân, cũng như phòng chống gian lận, trục lợi quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

 

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

*Vov.vn (16/11): Bãi nhiệm chức vụ Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Khánh Hòa

Trước đó, trong thời gian đảm nhiệm chức vụ Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, người này đã có nhiều vi phạm về quản lý đất đai tại địa phương này.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa bãi nhiệm chức vụ Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách đối với ông Nguyễn Hữu Hảo vì bị kỷ luật cách chức tất cả chức vụ trong Đảng. Theo nguyện vọng cá nhân của ông Nguyễn Hữu Hảo, Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã cho ông thôi làm Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh.

Ông Nguyễn Hữu Hảo, 50 tuổi, quê thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh Khánh Hòa. Trước đó, trong thời gian đảm nhiệm chức vụ Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, ông Hảo đã có nhiều vi phạm về quản lý đất đai tại địa phương này.

Ngày 24/10, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã họp, xem xét thi hành kỷ luật đảng đối với các tổ chức, cá nhân theo đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Theo kết luận của Ban Bí thư, ông Nguyễn Hữu Hảo đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc trong công tác cán bộ, trong quản lý đất đai, xây dựng; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.

 

*Vov.vn (16/11): Đề nghị kỷ luật Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh Quảng Bình

Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Quảng Bình vừa đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Khối xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Pháp - Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh.

Uỷ ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Quảng Bình nhận thấy, ông Nguyễn Văn Pháp, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Quảng Bình đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát trong công tác quản lý tài chính, việc thu, quản lý nguồn thu lệ phí, học phí của học viên để cho nhân viên là thủ quỹ có điều kiện tham ô tài sản của đơn vị sử dụng vào mục đích cá nhân, vi phạm pháp luật, bị khởi tố, bắt tạm giam.

Ông Pháp đã vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác quản lý tài chính, thất thoát tài sản của đơn vị, gây dư luận xấu, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm mất uy tín của bản thân và ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, đơn vị đang sinh hoạt và công tác…

Uỷ ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Quảng Bình cũng xem xét các vi phạm của bà Phan Thị Mai với trách nhiệm là Phó Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Kế toán của Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Quảng Bình.

Theo Uỷ ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Quảng Bình, trong thời gian từ tháng 4/2021 đến tháng 8/2021, bà Phan Thị Mai đã thiếu trách nhiệm khi không kịp thời đôn đốc, chấn chỉnh, thiếu kiểm tra, giám sát, không tham mưu cho Giám đốc Trung tâm có biện pháp kiểm tra và ngăn ngừa sai phạm.

Xét nội dung, tính chất, mức độ vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Đảng uỷ Khối quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với bà Phan Thị Mai./.

 

*Vtv.vn (12/11): Nguyễn Thị Thanh Nhàn hối lộ cựu Chủ tịch và Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai hơn 28 tỷ đồng

 Đây là diễn biến mới trong quá trình mở rộng điều tra vụ án vi phạm quy định về đấu thầu xảy ra tại BVĐK tỉnh Đồng Nai, AIC và các đơn vị liên quan.

Liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an mới ban hành kết luận điều tra vụ án, trong đó xác định bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty AIC) đã hối lộ Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai và Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai tổng số tiền hơn 28 tỷ đồng.

Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt điều chỉnh đầu tư tại Quyết định số 1872/QĐ-UBND ngày 21/7/2010 với tổng mức đầu tư 1.904 tỷ đồng, giao Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai làm Chủ đầu tư.

Trong quá trình lập hồ sơ điều chỉnh Dự án, hồ sơ đấu thầu 12 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế thuộc Dự án trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2015, các cán bộ thuộc: Chủ đầu tư, Công ty AIC; Đơn vị tư vấn lập dự án, lập hồ sơ mời thầu, chấm thầu; Đơn vị Thẩm định giá đã thông đồng, nâng khống giá trị trang thiết bị trong điều chỉnh tổng mức đầu tư và giá gói thầu, thông thầu gian lận trong đấu thầu, vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu thầu để Công ty AIC trúng thầu 12 gói thầu với tổng giá trị 476,87 tỷ đồng, gây thiệt hại tài sản Nhà nước, bước đầu xác định là 152 tỷ đồng.

Để trúng những gói thầu này, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã dùng nhiều thủ đoạn khác nhau, trong đó hối lộ Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai và Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai số tiền hơn 14 tỷ đồng/người.

Thời gian qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục quá trình mở rộng điều tra vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các đơn vị liên quan.

Trong đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố nhiều bị can. Tại Công ty AIC có bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn; hai nguyên Phó Tổng Giám đốc Hoàng Thị Thúy Nga và Nguyễn Hồng Sơn; Trương Thị Xuân Loan (trưởng ban 3); Nguyễn Quang Minh, Nguyễn Tiến Thu, Hoàng Thế Quỳnh (3 nhân viên). Công ty cổ phần Thẩm định giá và tư vấn đầu tư xây dựng Thế Hệ Mới có các bị can: Tổng Giám đốc Nguyễn Công Tiến, chuyên viên Ninh Văn Sinh. Các bị can khác là Võ Quang Ngọc (Phó Giám đốc Công ty liên doanh TNHH tư vấn y tế Medicosult Việt Nam) và Nguyễn Thị Tích (Tổng Giám đốc Công ty Mopha).

Tỉnh Đồng Nai có các bị can Trần Đình Thành (nguyên Bí thư Tỉnh ủy); Đinh Quốc Thái (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh); Phan Huy Anh Vũ (Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai); Bồ Ngọc Thu (nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư).

Tỉnh Quảng Ninh gồm các bị can Hoàng Đình Sơn (nguyên Phó giám đốc Ban quản lý dự án các công trình y tế thuộc Sở Y tế); Phạm Ngọc Dũng (nguyên Chuyên viên Phòng Kế hoạch - Tài chính); Nguyễn Quý Thịnh (nguyên Trưởng phòng Hành chính tổng hợp Ban quản lý dự án các công trình y tế).

Mới đây, ngày 11/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an yêu cầu Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 7 bị can khác trong vụ án đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước.

 

*Vtv.vn (12/11): Khởi tố Giám đốc Trung tâm Y tế chỉ đạo gộp mẫu xét nghiệm để hưởng lợi

Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn đã chỉ đạo nhân viên thực hiện lấy mẫu đơn với giá 720.000 đồng/mẫu nhưng sau đó lại thực hiện xét nghiệm theo mẫu gộp 5.

Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết đã khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Văn Thiệp (SN 1963, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn) về hành vi "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Quyết định khởi tố bị can đã được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa phê chuẩn.

Theo kết quả điều tra ban đầu, Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn có chức năng thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm trong đó có nhiệm vụ lấy mẫu, thu tiền xét nghiệm COVID-19 để gửi đến các trung tâm có chức năng xét nghiệm.

Từ ngày 21/8 đến ngày 15/10/2021, với vai trò là Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn, Nguyễn Văn Thiệp đã chỉ đạo nhân viên và một số người ngoài trung tâm thực hiện lấy mẫu đơn của các đối tượng bắt buộc (có thu phí) thu tiền xét nghiệp PCR với giá 720.000 đồng/mẫu.

Thế nhưng, sau khi lấy mẫu ông Thiệp đã chỉ đạo chuyển mẫu đến Công ty CP nghiên cứu khoa học xét nghiệm công nghệ cao Hợp Lực để thực hiện xét nghiệm theo mẫu gộp mẫu 5 (nếu còn dư thì xét nghiệm theo số dư) để hưởng lợi.

 

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

*Vtv.vn (13/11): Đà Nẵng giải ngân đầu tư công thấp

Đến thời điểm này, giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch dự toán giao năm 2022 của thành phố Đà Nẵng đạt 3.375 tỷ đồng, bằng 56,5% kế hoạch Trung ương giao (cao hơn cùng kỳ năm ngoái 47%); đạt 43% kế hoạch HĐND thành phố giao.

Hiện chỉ còn hơn 2 tháng nữa cho việc tăng tốc để đạt mục tiêu giải ngân 100% trong năm nay. Thành phố Đà Nẵng xác định việc đẩy mạnh giải ngân và thực hiện vốn đầu tư công là nguồn lực quan trọng, tạo động lực thúc đẩy nhịp độ tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Dự án Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Đà Nẵng là một trong những công trình mang ý nghĩa quan trọng. Đến nay, khối lượng thực hiện của dự án đạt gần 300 tỷ đồng, bằng 60,5% tổng mức đầu tư. Dự án Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư gần 239 tỷ đồng cũng đang thi công hoàn thiện công trình. Các nhà thầu đang tăng cường nhân lực, thiết bị, tăng ca để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành công trình trong tháng 11/2022.

Cùng với đó, thành phố khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để khởi công các dự án mới như: đầu tư cải tạo và bổ sung trang thiết bị Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng; đầu tư xây dựng cải tạo nâng cấp Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng; nâng cấp, mở rộng Trung tâm dữ liệu Đà Nẵng thuộc đề án “Xây dựng thành phố thông minh”.

Tại dự án Cải thiện hạ tầng giao thông, các nhà thầu tích cực triển khai thi công đoạn tuyến từ đường số 8, Khu công nghiệp Hòa Khánh đến nút giao cuối tuyến giao với đường tránh Hải Vân - Túy Loan. Dự án này do Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng quản lý với tổng mức đầu tư 1.427 tỷ đồng. Công trình đang bước vào giai đoạn tăng tốc thi công, Ban Quản lý dự án đã chỉ đạo liên danh nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị, tăng ca đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình nhằm hoàn thành thông đoạn tuyến vào ngày 31/12/2022 và về đích đúng hẹn.

Đến thời điểm này, huyện Hòa Vang giải ngân đạt 60% kế hoạch thành phố giao. Đối với những dự án đã thi công nhưng chưa thanh toán, huyện yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị điều hành dự án hoàn thành các thủ tục thanh toán. Trên địa bàn huyện có nhiều dự án động lực, trọng điểm do thành phố làm chủ đầu tư nhưng huyện chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng. Vì vậy, cả hệ thống chính trị của huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công các dự án Đường vành đai phía Tây, Đường tỉnh 601, dự án Cải thiện hạ tầng giao thông...

Ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng khẳng định: "UBND huyện tập trung công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, từ tháng 1 đến tháng 5 phải lo phê duyệt dự án, kế hoạch vốn, bổ sung kế hoạch sử dụng đất lúa... chủ yếu là lo hồ sơ thủ tục. Đến tháng 8 thì hoàn thành các thủ tục. Đến tháng 9, 10, 11 công tác giải phóng mặt bằng chủ yếu là các tuyến giao thông mới thực hiện quyết liệt. Nguyên tắc là giải phóng đến đâu bàn giao cho đơn vị thi công đến đó, theo phương án cuốn chiếu không ảnh hưởng nhiều đến việc thi công".

Ông Nguyễn Minh Huy, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng cho biết, 9 tháng năm nay, Ban này giải ngân đầu tư công đạt hơn 46%. Giá trị giải ngân còn lại khá lớn, chủ yếu là giá trị giải ngân đền bù với hơn 60%. Đơn vị đang phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát tính pháp lý, dự toán chi phí đền bù giải phóng mặt bằng. Ông Nguyễn Minh Huy cho biết thêm, lãnh đạo Ban Quản lý dự án bám sát công trường để tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong quá trình thi công.

 

THẾ GIỚI

*Nld.com.vn (16/11): Châu Á thiệt hại nặng do thiên tai

Theo báo cáo mới nhất công bố hôm 14-11 của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), thiệt hại do hạn hán, lũ lụt và lở đất đã tăng vọt ở châu Á trong năm 2021 - với hơn 100 vụ thiên tai, trong đó 82% là lũ lụt và mưa bão, khiến gần 4.000 người thiệt mạng và tổng thiệt hại kinh tế là 35,6 tỉ USD.

Trong đó, lũ lụt gây thiệt hại lớn nhất ở Trung Quốc (18,4 tỉ USD), tiếp theo là Ấn Độ (3,2 tỉ USD) và Thái Lan (0,6 tỉ USD). Bên cạnh đó, các cơn bão khiến Ấn Độ thiệt hại 4,4 tỉ USD, Trung Quốc 3 tỉ USD và Nhật Bản 2 tỉ USD.

Báo cáo cho thấy mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với đời sống con người và kéo giảm sự phát triển bền vững. Báo cáo cũng báo động tình trạng thiếu nước sạch trong tương lai ở châu Á.

 Theo báo cáo, hệ thống núi cao ở châu Á, bao gồm dãy Himalaya và cao nguyên Tây Tạng, chứa khối lượng băng lớn với diện tích sông băng bao phủ xấp xỉ 100.000 km2. Tuy nhiên, thời tiết khô và ấm đặc biệt của năm 2021 đã khiến tốc độ băng tan nhanh, làm mất đi đáng kể nguồn cung cấp nước ngọt cho toàn châu Á.

Bà Armida Salsiah Alisjahbana, Thư ký điều hành của Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hiệp Quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP), nhấn mạnh: "Các nước cần tăng cường hệ thống cảnh báo sớm, xây dựng cơ sở hạ tầng linh hoạt, cải tiến trong quản lý tài nguyên nước và sản xuất cây trồng nông nghiệp trên vùng đất khô hạn".

Theo ESCAP, ước tính Trung Quốc cần đầu tư 188,8 tỉ USD, Ấn Độ cần 46,3 tỉ USD và Nhật Bản là 26,5 tỉ USD để thích ứng. 

 

*Vietnamplus.vn (16/11): EU bổ sung 72 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng đến năm 2025

Quan chức cấp cao EU cho biết mục đích của gói ngân sách bổ sung 72 tỷ USD là bù vào khoản cắt giảm chi tiêu quốc phòng do khủng hoảng tài chính trước đây.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ngày 15/11 thông báo các quốc gia thành viên trong khối sẽ phân bổ thêm 72 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng đến năm 2025.

Phát biểu họp báo, quan chức cấp cao EU cho biết mục đích của gói ngân sách bổ sung này là bù vào khoản cắt giảm chi tiêu quốc phòng do khủng hoảng tài chính trước đây.

Ông Borrell nêu rõ: “Đây là kế hoạch phục hồi sau nhiều năm cắt giảm chi tiêu quốc phòng do khủng hoảng tài chính và kế hoạch này là nhằm bảo đảm các lực lượng vũ trang của chúng tôi thực sự có đủ khả năng sẵn sàng đối mặt với những thách thức.”

Đầu tháng 9, Ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội khối Thierry Breton công bố tổng chi tiêu quốc phòng của EU mới chỉ tăng 20% trong vòng 20 năm qua.

 

*Vietnamplus.vn (15/11): Kinh tế Nhật bất ngờ suy giảm sau ba quý tăng trưởng liên tiếp

Khối lượng và chi phí nhập khẩu cao hơn do đồng yen yếu và giá các mặt hàng như dầu mỏ tăng vọt đã đè nặng lên nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Số liệu thống kê công bố ngày 15/11 cho thấy nền kinh tế Nhật Bản đã suy giảm trong quý kết thúc vào tháng 9/2022 do hoạt động tiêu dùng giảm tốc tăng trưởng hơn dự kiến, làm tiêu tan hy vọng về một quý tăng trưởng nữa cho nước này.

Nhìn chung, khối lượng và chi phí nhập khẩu cao hơn do đồng yen yếu và giá các mặt hàng như dầu mỏ tăng vọt đã đè nặng lên nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Trong khi đó, tiêu dùng cá nhân không có bước nhảy vọt đáng kể, mặc dù các hạn chế áp đặt thời dịch COVID-19 đã kết thúc.

Số liệu tiêu cực đến khá bất ngờ sau ba quý tăng trưởng liên tiếp và số liệu sơ bộ của quý đầu tiên trong năm tài chính 2022 (bắt đầu từ ngày 1/4/2022 và kết thúc vào ngày 31/3/2023) được điều chỉnh tăng lên.

Từ tháng 7-9/2022, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản giảm 0,3% so với quý trước, trái ngược kỳ vọng tăng trưởng 0,3% của thị trường.

Văn phòng nội các Nhật Bản cho biết đầu tư doanh nghiệp tăng trong giai đoạn này nhưng đầu tư nhà ở tư nhân giảm. Mức tăng của hoạt động nhập khẩu tăng cũng lấn át xuất khẩu.

Cũng trong giai đoạn ba tháng nêu trên, tiêu dùng cá nhân của Nhật Bản chỉ tăng 0,3% - giảm khá mạnh từ mức tăng 1,3% trong quý 4-6/2022.

Dù vậy, ông Taro Saito, nhà kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu NLI nhận định kết quả ảm đạm sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP, ông nhận định sự suy giảm trong quý trên là hiện tượng xảy nhất thời và quý tháng 10-12/2022 sẽ ghi nhận tăng trưởng trở lại.

 

*Vietnamplus.vn (15/11): Mỹ, EU cam kết tạo điều kiện cho xuất khẩu ngũ cốc, phân bón của Nga

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết ông đã được Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thông báo rằng Mỹ và EU cam kết dỡ bỏ những rào cản đối với xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga.

Ngày 15/11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết ông đã được Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thông báo rằng Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cam kết dỡ bỏ những rào cản đối với xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga ra thị trường thế giới. 

Phát biểu với báo giới tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đang diễn ra ở Bali, (Indonesia), Ngoại trưởng Lavrov cho biết Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres nói với ông rằng đã nhận được cam kết của Mỹ và EU thực thi một phần trong thỏa thuận có liên quan tới xuất khẩu của Nga, theo đó các doanh nghiệp xuất khẩu ngũ cốc Nga sẽ không bị trừng phạt. 

Theo Ngoại trưởng Nga, nếu Mỹ và EU thực hiện cam kết này thì mọi rào cản đối với xuất khẩu ngũ cốc và phân bón Nga sẽ được dỡ bỏ.

Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do Liên hợp quốc làm trung gian là thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen, được ký kết ngày 22/7, tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, và có hiệu lực trong vòng 120 ngày, theo đó sẽ hết hạn vào ngày 19/11 tới.

Ukraine đã xuất khẩu được 10 triệu tấn ngũ cốc và các nông sản khác kể từ khi thỏa thuận được ký đến nay. Tuy nhiên, ngày 29/10, Nga đã đình chỉ tham gia thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Ukraine với tuyên bố không thể đảm bảo an toàn cho các tàu dân sự đi qua Biển Đen do một cuộc tấn công vào hạm đội Nga tại Bán đảo Crimea.

 

*Nhandan.vn (14/11): Chính phủ Lào đặt mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 70% vào năm 2035

Tờ Vientiane số ra ngày 14/11 cho biết, Chính phủ Lào đang triển khai kế hoạch khôi phục diện tích che phủ rừng đạt 70% diện tích cả nước, với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp giữa các quan chức Chính phủ Lào và đại diện JICA để thảo luận về quản lý rừng bền vững, diễn ra cuối tuần qua ở Vientiane. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Lào Bounpone Sengthong chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có đại diện cấp cao của JICA tại Lào Noriyuki Ito và đại diện các đơn vị liên quan.

Tại cuộc họp, ông Bounpone, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Lào kêu gọi thảo luận cởi mở về tất cả các vấn đề nổi cộm và đề xuất các giải pháp khả thi.

Ông cho rằng đây là cơ hội tuyệt vời để thảo luận về hai mục tiêu ưu tiên của Lào, đó là làm thế nào để khôi phục độ che phủ của rừng lên 70% và sự đóng góp của JICA vào quá trình này.

Đại diện tổ chức JICA tại Lào Noriyuki Ito cho biết, Chính phủ Nhật Bản coi tầm quan trọng của việc giảm nạn phá rừng ở Lào như một phần trong nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Mục đích cuối cùng là tăng cường các khung chính sách và thể chế để thực hiện Chiến lược Lâm nghiệp đến 2035 của Lào.

 

*Chinhphu.vn (14/11): G20 ra mắt Quỹ ứng phó đại dịch toàn cầu

Ngày 13/11 tại Bali, Indonesia, các nhà lãnh đạo y tế và tài chính các nước thành viên Nhóm G20 đã cho ra mắt "Quỹ ứng phó đại dịch toàn cầu" nhằm phòng ngừa trường hợp thế giới phải ứng phó với một đại dịch tương tự dịch COVID-19 trong tương lai.

Trước đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus và Chủ tịch WB David Malpass đã công bố Quỹ này trong cuộc họp báo do Tổng thống Indonesia Joko Widodo, nước chủ nhà G20 năm 2022 tổ chức.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo dẫn số liệu của WB năm 2022 cho thấy hằng năm, thế giới cần khoảng 31,1 tỷ USD để ngăn chặn và phòng ngừa đại dịch trong tương lai. Do đó, việc xây dựng và phát triển một nguồn kinh phí nhằm ứng phó với đại dịch trong tương lai là thiết thực.

Theo TTXVN, Quỹ ứng phó đại dịch toàn cầu (Pandemic Fund) hiện đã quyên góp được 1,4 tỷ USD do 17 nước thành viên và không phải thành viên của G20 cùng 3 tổ chức từ thiện quốc tế ủng hộ.

Trong đó, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã đóng góp khoảng 450 triệu USD, Italy đóng góp 102 triệu USD, Indonesia ủng hộ 50 triệu USD. Một số quốc gia khác đã tuyên bố cam kết ủng hộ tài chính cho quỹ này.

Tại lễ ra mắt, Chủ tịch WB Malpass nhấn mạnh Quỹ ứng phó đại dịch là công cụ hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình chuẩn bị tốt hơn trong trường hợp xảy ra các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết Quỹ sẽ được giải ngân vào đầu năm 2023./.

Xem chi tiết tại đây

 

Ý kiến bạn đọc

    Tin mới nhất

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23/12 đến 26/12 năm 2023(26/12/2023 10:49 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 20/12 đến 22/12 năm 2023(22/12/2023 7:33 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 16/12 đến 19/12 năm 2023(19/12/2023 9:45 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 13/12 đến 15/12 năm 2023(15/12/2023 11:03 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 09/12 đến 12/12 năm 2023(12/12/2023 6:36 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 05/12 đến 08/12 năm 2023(08/12/2023 11:28 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01/12 đến 04/12 năm 2023(05/12/2023 5:51 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/11 đến 1/12 năm 2023 (01/12/2023 8:54 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25/11 đến 27/11 năm 2023(27/11/2023 8:59 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 3/11 đến 8/11 năm 2023(08/11/2023 9:22 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/10 đến 31/10 năm 2023(01/11/2023 9:20 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 21/10 đến 24/10 năm 2023(25/10/2023 9:34 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 11/10 đến 13/10 năm 2023(24/10/2023 5:47 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 9:22 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 2:34 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 7/10 đến 10/10 năm 2023(11/10/2023 5:11 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 04 đến ngày 06 tháng 10 năm 2023(06/10/2023 10:50 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 10 năm 2023(04/10/2023 4:02 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 8 năm 2023(31/08/2023 2:12 SA)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 8 năm 2023(25/08/2023 5:33 CH)

    << < 1 2 3 4 5  ... > >> 
    °
    Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
    386 người đã bình chọn