Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 24 đến ngày 27 tháng 4 năm 2021

Update 27 - 04 - 2021
100%

PHẦN I: TIN ĐIỆN BIÊN

*Giaoducthoidai.vn (27/4): Điện Biên: Hoàn thành lập bản đồ chôn cất ban đầu 17.418 liệt sĩ

Đến nay, tỉnh Điện Biên đã hoàn thành việc lập bản đồ chôn cất ban đầu 17.418 liệt sĩ. Trong đó, đã tìm kiếm, quy tập 575 liệt sĩ. Hiện vẫn còn 16.843 liệt sĩ chưa được tìm kiếm, quy tập.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 515 tỉnh Điện Biên, trong giai đoạn 2013-2020 gặp không ít khó khăn, đặc biệt là thông tin về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ ngày càng ít dần. Trong khi đó, số lượng hài cốt liệt sĩ cần phải tìm kiếm, quy tập và số mộ liệt sĩ thiếu thông tin cần phải xác định danh tính còn lớn.

Nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 515 tỉnh nên đến nay Điện Biên đã hoàn thành việc lập bản đồ chôn cất ban đầu 17.418 liệt sĩ trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, đã tìm kiếm, quy tập 575 liệt sĩ đưa vào nghĩa trang, bàn giao cho gia đình và đưa về các địa phương khác. Số lượng liệt sĩ chưa được tìm kiếm, quy tập trên địa bàn 16.843 liệt sĩ.

Địa bàn có mộ liệt sĩ đã hoàn thành tìm kiếm, quy tập xong gồm 2 huyện: Nậm Pồ và Mường Chà. Khu vực địa bàn đã tìm kiếm quy tập nhưng chưa hết, cần phải tìm kiếm quy tập tiếp với 16.808 liệt sĩ gồm 8 huyện, thị xã, thành phố, gồm: TP Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Tủa Chùa và thị xã Mường Lay.

Những năm qua, công tác quy tập, an táng, bàn giao, di chuyển hài cốt liệt sĩ được thực hiện chặt chẽ, trang nghiêm. Từ 2013 đến nay, Điện Biên đã tiếp nhận truy điệu và an táng 276 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào về nước do Đội quy tập mộ liệt sĩ Cục Chính trị Quân khu 2 bàn giao. Trong đó có 13 liệt sĩ xác định được danh tính.

Điện Biên phấn đấu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành Đề án của Chính phủ về việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Cùng với đó là việc đẩy mạnh các hoạt động xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin trên cơ sở khớp nối thông tin hồ sơ liệt sĩ, thông tin tìm kiếm quy tập, thông tin của đồng đội liệt sĩ, người dân địa phương. Đến năm 2030 phải khớp nối thông tin được từ 70 - 80 liệt sĩ. Đồng thời hoàn thành 100% việc tổ chức lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ và mẫu phẩm thân nhân liệt sĩ để phục vụ công tác đối chiếu, so sánh xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.

 

*Dienbientv.vn (26/4): Điện Biên Đông triển khai tiêm vắc xin Covid-19 đợt 1

Ngày 26/4, tại Bệnh viện đa khoa huyện Điện Biên Đông, Ban Chỉ đạo tiêm phòng vắc xin Covid-19 huyện tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 1 năm 2021 trên địa bàn huyện.

Đợt này, theo kế hoạch huyện Điện Biên Đông sẽ triển khai tiêm cho 353 người, gồm: thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của huyện và nhân viên y tế, những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ nơi tuyến đầu phòng, chống dịch trên địa bàn huyện.

Tại điểm tiêm, Trung tâm Y tế huyện bố trí nhân viên điều dưỡng có chuyên môn tốt, nhiều kinh nghiệm trong tiêm chủng để trực tiếp tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bố trí, sắp xếp vị trí các bàn tiếp đón, tư vấn, bàn tiêm và theo dõi sau tiêm theo quy định, đồng thời bố trí các bác sỹ chuyên ngành hồi sức tích cực sẵn sàng xử trí khi có tình huống, bảo đảm xử trí nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả các diễn biến phát sinh...

Trong quá trình tổ chức tiêm chủng, điểm tiêm có sự giám sát và hỗ trợ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Dự kiến thời gian tiêm chủng được thực hiện đến ngày 29/4/2021.

 

*Dienbientv.vn (26/4): Không để xảy ra tình trạng vượt biên trái phép

Ðể ngăn chặn các đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép trên dọc tuyến biên giới thuộc địa bàn tỉnh Điện Biên, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát 24 giờ/ngày tại các cửa khẩu, lối mở trên tuyến biên giới.

Từ năm 2020 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ trì phối hợp với các lực lượng vũ trang trên địa bàn tổ chức tuần tra 771 lần với 7.238 lượt người tham gia.

Triển khai 69 tổ, chốt chặn với gần 300 cán bộ, chiến sĩ túc trực 24 giờ/ngày nhằm ngăn chặn tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép. Qua đó đã phát hiện, ngăn chặn thành công 22 vụ, 80 đối tượng nhập cảnh trái phép vào nước ta.

Tính riêng quý I/2021, lực lượng biên phòng tỉnh phối hợp với lực lượng chức năng khác đã phát hiện 12 vụ, 60 đối tượng xuất cảnh trái phép và tổ chức xuất cảnh trái phép.

Ðiển hình là từ ngày 1/4 đến 6/4 đã phát hiện, bắt 2 vụ tổ chức đưa người nước ngoài xuất cảnh trái phép sang Lào. Hiện nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đang phối hợp với các lực lượng chức năng củng cố hồ sơ, truy bắt các đối tượng có liên quan, khởi tố vụ án, xử lý theo quy định của pháp luật.

Ðể thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép và đấu tranh với các loại tội phạm, Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp. Trong đó trọng tâm là công tác tuần tra, kiểm soát, phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền vận động để huy động sức mạnh toàn dân trong phát hiện, ngăn chặn hiệu quả các trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép./.

 

*Dienbientv.vn (26/4): Điện Biên: Hơn 2.500ha lúa bị nhiễm sâu bệnh

Vụ lúa đông xuân năm nay toàn tỉnh đã gieo cấy 9.900 ha vượt hơn 300 ha theo kế hoạch đề ra. Song từ tháng 3 đến nay thời tiết trên địa bàn diễn biến phức tạp, tạo điều kiện cho các loại sâu bệnh phát sinh gây hại đã khiến hơn 2.500 ha lúa bị nhiễm sâu bệnh.

Theo thống kê tình hình dịch bệnh trên cây trồng trong địa bàn tỉnh trong tháng 4 đang có xu hướng tăng. Theo báo cáo tiến độ nông nghiệp có hơn 2.800 ha tổng diện tích nhiễm sinh vật gây hại, tăng hơn 260 ha so với kỳ trước và tăng hơn 210 ha so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lúa đông xuân chiếm diện tích nhiễm nhiều nhất với hơn 2.500 ha, tăng hơn 260 ha so với kỳ trước và tăng hơn 150 ha so với cùng kỳ năm ngoái. Các loại sâu bệnh trên lúa chủ yếu như: Bệnh ôn đạo lá, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, bệnh đốm nâu, tập đoàn rầy, chuột…

Để kiểm soát tốt sâu bệnh, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân theo dõi chặt chẽ những khu vực có khả năng cao nhiễm bệnh. Tăng cường kiểm tra diện tích lúa đã trổ bông. Ngoài ra, cần thực hiện biện pháp bón phân cân đối, không bón đạm trên những chân ruộng xanh tốt, tăng cường bón phân hữu cơ, phân kali giúp cây lúa tăng khả năng chống chịu và lưu ý kiểm soát chặt các đối tượng như: tập đoàn rầy, bệnh bạc lá, bệnh khô vằn…/.

 

*Dienbientv.vn (25/4): Điện Biên: Gần 150ha lúa đông xuân bị ảnh hưởng bởi hạn hán

Do ảnh hưởng bởi nắng nóng cũng như không chủ động được nguồn nước tưới, vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh có gần 150ha lúa bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước.

Trong đó, thành phố Ðiện Biên Phủ 59ha; huyện Mường Ảng có 28ha; Tuần Giáo có hơn 26ha, và huyện Nậm Pồ có hơn 15ha.

Trên cơ sở đánh giá nguy cơ hạn hán, ngay từ đầu vụ, chính quyền các địa phương đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi sang trồng một số cây màu trên diện tích đất lúa bị ảnh hưởng bởi hạn hán.

Dự báo trong thời gian tới, nguy cơ hạn hán vẫn có thể xảy ra do nắng nóng kéo dài, để đảm bảo nước tưới cho lúa đông xuân, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, Công ty TNHH quản lý Thủy nông Điện Biên chủ động cập nhật, xây dựng, điều chỉnh phương án chống hạn hán.

Chủ động hướng dẫn, bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý, nhất là khu vực thiếu nguồn nước, khó khăn về nước tưới. Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để vận hành, điều tiết, tích trữ nước cho các hồ chứa.

Đồng thời, tiến hành nạo vét kênh mương thủy lợi, khơi thông dòng chảy và lắp đặt, vận hành các trạm bơm dã chiến tận dụng nguồn nước từ sông, suối, ao để bơm chống hạn cho lúa đang có nguy cơ hạn hán./.

 

*Dienbientv.vn (26/4): Trên 81 tỷ đồng đầu tư phát triển hệ thống lưới điện

Nhằm đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định cho sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn, từ đầu năm đến nay, Công ty Điện lực Điện Biên đã đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo nhiều hệ lưới điện, đồng thời áp dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại vào vận hành lưới điện an toàn, ổn định.

Năm 2021, Công ty Điện lực Điện Biên được Tổng công ty Điện lực miền Bắc giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng 10 danh mục công trình, với tổng mức đầu tư trên 81tỷ đồng.

Với nguồn vốn này, Công ty Điện lực Điện Biên đã thực hiện đầu tư xây dựng mới 21km đường dây trung thế, 18km đường dây hạ thế, lắp đặt 51 trậm biến áp với tổng công suất 5,86 MVA trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và các huyện trong tỉnh.

Để đảm bảo tiến độ đề ra, Công ty đã phối hợp với các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình theo đúng kế hoạch đề ra. Tính đến nay, Công ty đã hoàn thành thực hiện đấu nối đóng điện 39/51 Trạm biến áp, số trạm biến áp còn lại đang gấp rút khẩn trương hoàn thành trước mùa mưa bão.

Việc đầu tư mở rộng hệ thống lưới điện sẽ đảm bảo cung cấp điện cho các phụ tải được ổn định, nâng cao tuổi thọ của thiết bị, giảm tối đa các chi phí, giảm thiệt hại về kinh tế, đảm bảo các thiết bị vận hành tối ưu góp phần xây dựng và phát triển ngành Điện bền vững nói riêng, phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh nói chung./.

 

*Giaoducthoidai.vn (24/4): Điện Biên: Tuyên phạt 24 năm tù một nhân viên ngân hàng tham ô hơn 20 tỷ đồng

Lợi dụng sơ hở của nhân viên Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Điện Biên, Bùi Văn Thịnh đã chiếm đoạt 20,4 tỷ đồng đem đi đánh bạc. Với hành vi trên, TAND tỉnh Điện Biên đã tuyên phạt 24 năm tù cho cả 2 tội danh.

Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Điện Biên vừa mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Bùi Văn Thịnh (SN 1989), trú tại tổ 13, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ về các tội tham ô tài sản, đánh bạc. Thịnh từng làm cán bộ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Điện Biên. Các đối tượng liên quan cùng được đưa ra xét xử về tội đánh bạc gồm: T.Đ.T (SN 1988), trú tại tổ 6, phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ và N.B.T (SN 1987), trú tại thôn C4, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh Điện Biên nêu rõ: Trong khoảng thời gian từ tháng 6/2019 đến tháng 1/2020 (tại tổ dân phố 4, phường Mường Thanh) bị cáo Bùi Văn Thịnh lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao và sơ hở của các thành viên tham gia kiểm đếm, đóng bao tiền, quản lý kho quỹ trong quá trình xuất nhập tiền, kiểm kê tài sản để chiếm đoạt 20 tỷ 400 triệu đồng của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Điện Biên.

Số tiền trên nằm trong kho Quỹ nghiệp vụ phát hành, Thịnh được giao quản lý. Thịnh đã sử dụng hơn 17 tỷ đồng do phạm tội mà có mua xu để đánh bạc qua mạng Internet. Tổng số tiền đánh bạc là hơn 40 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngày 17/1/2020, Thịnh còn sử dụng hơn 11 triệu đồng để đánh bạc bằng hình thức ghi lô đề trái phép với đối tượng T.Đ.T và N.B.T.

Đến nay, gia đình bị cáo Thịnh đã nộp lại 530 triệu đồng. 12 cá nhân công tác tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Điện Biên có liên quan cũng tự nguyện nộp thêm 19 tỷ 800 triệu đồng vào ngân sách nhà nước để cùng bị cáo Thịnh khắc phục thiệt hại.

Tại phiên tòa, các bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội. Căn cứ các kết quả điều tra, đề nghị của VKSND, Hội đồng xét xử (HĐXX) xét thấy hành vi phạm tội của Bùi Văn Thịnh là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tài sản của nhà nước, gây mất an ninh tiền tệ. Hành vi của T.Đ.T và N.B.T gây mất trật tự công cộng, phát sinh nhiều tội phạm xã hội.

 

PHẦN II: TIN TỨC – THỜI SỰ

TIÊU ĐIỂM

*Vtv.vn (27/4): Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không lơ là, chủ quan phòng chống dịch COVID-19

Thực tế gần đây cho thấy, trong xã hội đang xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là, một số nơi chưa nghiêm túc thực hiện đúng các yêu cầu về phòng chống dịch.

Dịch bệnh COVID-19 trên thế giới hiện đang rất phức tạp, tiếp tục gia tăng và bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có một số nước láng giềng có chung đường biên giới phía Tây Nam. Trong nước đang tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại rất cao. Việc thực hiện "mục tiêu kép" vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch là một nhiệm vụ rất khó khăn.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã rất quan tâm, thường xuyên chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, thực tế gần đây cho thấy, trong xã hội đang xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là, một số nơi chưa nghiêm túc thực hiện đúng các yêu cầu về phòng chống dịch.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đơn vị và từng người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, nêu cao ý thức và trách nhiệm vì sức khỏe cộng đồng và cá nhân, tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra

 

*Dantri.com.vn (26/4): Thủ tướng đề nghị thực hiện các định hướng hợp tác cấp thiết trong ASEAN

Chiều ngày 24/4, tại trụ sở Ban thư ký ASEAN (Jakarta, Indonesia) đã diễn ra Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN để cùng trao đổi về xây dựng cộng đồng, quan hệ đối ngoại và các vấn đề được quan tâm.

Đây là hội nghị trực tiếp lần đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo ASEAN trong năm 2021 và sau gần 18 tháng các Hội nghị ASEAN phải họp trực tuyến do tình hình dịch bệnh Covid-19.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN đã tập trung trao đổi về 3 nội dung chính là: Hợp tác xây dựng Cộng đồng ASEAN, quan hệ đối ngoại của ASEAN và các vấn đề khu vực, quốc tế đang được quan tâm.

Về hợp tác xây dựng cộng đồng, lãnh đạo các nước ASEAN đều nhận định ASEAN đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức đe dọa hòa bình, ổn định, phát triển của các quốc gia và cuộc sống của người dân. Do đó, ASEAN cần hơn lúc nào hết, đẩy mạnh đoàn kết, thống nhất, tương trợ lẫn nhau để cùng vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn, thử thách hiện nay, giữ vững vai trò trung tâm, uy tín và vị thế của ASEAN.

Một trong những ưu tiên cao của ASEAN lúc này là đẩy mạnh ứng phó dịch bệnh Covid-19 và thúc đẩy phục hồi toàn diện. Các nước thống nhất tiếp tục triển khai hiệu quả các sáng kiến ứng phó Covid-19 đã được thông qua trong năm 2020, trước mắt, sớm hoàn tất và thực hiện kế hoạch sử dụng Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 mua vaccine hỗ trợ người dân cũng như hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh. Các nước bày tỏ ủng hộ cao đối với sáng kiến tăng cường sức mạnh tổng hợp của ASEAN ứng phó với các thảm họa thiên tai (Sáng kiến ASEAN SHIELD) do nước Chủ tịch Brunei đề xuất.

Là nước Chủ tịch ASEAN 2020 và hiện là nước ASEAN duy nhất tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cũng là Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 4/2021, các phát biểu của Thủ tướng tập trung vào thúc đẩy triển khai các định hướng hợp tác mà ASEAN đã thống nhất trong năm 2020, đáp ứng các yêu cầu cấp thiết của ASEAN trong giai đoạn hiện nay, nhất là kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo cuộc sống người dân, duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, kể cả trên các vùng biển, để phục hồi và phát triển kinh tế.

 

*Vnexpress.net (26/4): Mở rộng nguồn tiếp cận vaccine Covid-19

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ động hơn trong hợp tác quốc tế để mở rộng phạm vi tiếp cận các nguồn vaccine Covid-19; tạo điều kiện thuận lợi nhất sản xuất vaccine trong nước.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống Covid-19, sáng 26/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra chỉ đạo nêu trên.

Tổ công tác gồm các Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải quản lý chặt chẽ việc nhập cảnh của công dân Việt Nam, nhà ngoại giao, nhà đầu tư, chuyên gia, kỹ thuật...

Thủ tướng cảnh báo "trong nước đang tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại rất cao". Việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch là "nhiệm vụ rất khó khăn".

Vì vậy, Thủ tướng giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh yêu cầu người dân đeo khẩu trang nơi đông người, nhất là tại lễ hội, hiếu hỉ. Nếu để xảy ra lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh "tùy mức độ sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm".

Lãnh đạo Chính phủ kêu gọi người dân thực hiện nghiêm yêu cầu 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế). Các địa phương được yêu cầu hạn chế sự kiện đông người; nếu cần thiết tổ chức thì đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm trước pháp luật về phòng chống dịch.

Các tỉnh có đường biên giới phối hợp với Bộ Quốc phòng, Công an và nước láng giềng tăng cường tuần tra, kiểm soát việc nhập cảnh qua đường bộ, đường biển.

 

*Vov.vn (26/4): Siết chặt các biện pháp phòng dịch dịp nghỉ lễ, không để dịch COVID-19 bùng phát trở lại

Dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Nếu người dân không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch thì nguy cơ dịch bùng phát rất cao.

Tăng cường kiểm soát tại các bệnh viện, cơ sở y tế

Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trong thời gian không có dịch vẫn phải kiện toàn, rà soát các kịch bản và ứng phó về cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, để khi có tình huống xảy ra thì hoàn toàn có thể chủ động và không bị lúng túng trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, rà soát lại các nguồn lực, hậu cần, các trang thiết bị, xét nghiệm. Đồng thời đề nghị các địa phương tổ chức tập huấn, đào tạo các bác sĩ, nhân viên y tế ở các chuyên khoa khác nhau được đào tạo ngắn hạn về hồi sức cấp cứu để đáp ứng được trong vấn đề điều trị COVID khi có dịch xảy ra.

Thực hiện triệt để 5K của Bộ Y tế

Trong bối cảnh vaccine ngừa COVID-19 chưa được bao phủ thì người dân không được chủ quan lơ là, mất cảnh giác. Người dân cần thực hiện triệt để 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trong đó, 2 yếu tố quan trọng có thể quyết định làm giảm nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 là đeo khẩu trang và sát khuẩn tay. Người thuộc nhóm được tiêm vaccine ngừa COVID-19 nên tiêm đầy đủ các mũi.

Các tỉnh, thành phố, nhất là các địa phương có đường biên giới phải kiểm soát tốt tình hình nhập cảnh, đặc biệt là nhập cảnh trái phép.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân nếu phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép, cần lập tức báo với chính quyền địa phương. Bởi người nhập cảnh trái phép mắc COVID-19 không được phát hiện kịp thời, nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất lớn. Điều này hết sức nguy hiểm.

 

*Chinhphu.vn (25/4): Hoàn tất thử nghiệm vaccine COVID-19 ‘made in VietNam’ giai đoạn 2

Chiều 25/4, thông tin từ nhóm nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 Nano Covax- vaccine “made in” Việt Nam đầu tiên thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 cho thấy trong 3 mức liều được đưa vào sử dụng, liều 25mcg có hiệu quả bảo vệ cao nhất, 100% người tiêm sinh miễn dịch.

Việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 của vaccine Nano Covax (Là vaccine do Công ty Nanogen nghiên cứu, phát triển) được tiến hành trên 560 người chia làm 4 nhóm, tiêm 3 mức liều 25mcg, 50mcg và 75mcg vaccine Nano Covax cùng 1 nhóm tiêm giả dược. Tuy nhiên đến mũi 2 có 554 người thử nghiệm do 6 người rút khỏi danh sách vì lý do khách quan. 

Kết quả cho thấy cả 3 mức liều đều đảm bảo độ an toàn. 100% người được tiêm 3 mức liều kể trên đều sinh miễn dịch ở các mức độ khác nhau.

Về chỉ số kháng thể trung hòa virus (khả năng tiêu diệt virus xâm nhập sau tiêm vaccine), mức liều 25mcg đạt cao nhất với trên 90% ở 14 ngày sau tiêm mũi 2 (tức 42 ngày sau tiêm mũi đầu tiên). 2 mức liều còn lại đạt xấp xỉ liều 25mcg nhưng khác biệt không có ý nghĩa thống kê.

Dự kiến ngày 27/4 nhóm nghiên cứu sẽ báo cáo Hội đồng đạo đức y sinh của Bộ Y tế, đồng thời đề xuất phương án triển khai nghiên cứu giai đoạn 3 (theo báo cáo, dự kiến sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 từ ngày 5/5 tới).

Ở giai đoạn 3, nhóm nghiên cứu sẽ báo cáo Bộ Y tế, đề nghị thử nghiệm trên nhóm lớn người tình nguyện từ 10.000 - 15.000 người cả ở Việt Nam và nước ngoài. Giai đoạn này chỉ sử dụng 1 mức liều hiệu quả nhất là liều 25mcg, mỗi người tiêm 2 mũi cách nhau 28 ngày. Tất cả các đề xuất này sẽ được trình hội đồng xem xét.

Vaccine phòng COVID-19 Nano Covax bắt đầu thử nghiệm trên người từ ngày 17/12/2020, đến nay đã hoàn tất giai đoạn 2, chuẩn bị chuyển sang giai đoạn 3 là giai đoạn thử nghiệm cuối trước khi vắc xin được ra thị trường.

 

*Vtv.vn (27/4): Thí sinh chỉ được chọn 1 phương thức đăng ký xét tuyển đại học 2021

Bộ GD&ĐT đã công bố hướng dẫn công tác tuyển sinh trình độ đại học năm 2021. Theo đó, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển chỉ được chọn 1 trong 2 phương thức.

Theo phương thức 1, đăng ký trực tiếp tất cả thông tin trên phiếu đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học; cao đẳng năm 2021; thí sinh không được điều chỉnh thông tin đăng ký nguyện vọng xét tuyển khi điểm tiếp nhận đã cập nhật thông tin của thí sinh vào cơ sở dữ liệu trong thời gian quy định.

Đối với phương thức 2, đăng ký trực tuyến (tại các nơi có đủ điều kiện), thí sinh đăng ký trực tiếp trên Phiếu đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển phần thông tin phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT; phần đăng kí nguyện vọng xét tuyển trực tuyến phải hoàn thành trong thời gian quy định và thí sinh có thể điều chỉnh nhiều lần thông tin đăng kí nguyện vọng xét tuyển trong thời gian quy định.

Đặc biệt, các trường không được thông báo thí sinh trúng tuyển dưới mọi hình thức khi thí sinh chưa tốt nghiệp THPT; sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành hoặc nhóm ngành phải xác định và công bố công khai chỉ tiêu, mức điểm nhận xét tuyển cho từng phương thức tuyển sinh theo quy định của quy chế tuyển sinh.

Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh được điều chỉnh đăng ký xét tuyển tối đa 3 lần trong thời gian quy định và chỉ được thực hiện theo phương thức trực tuyến; Các thí sinh phúc khảo các bài thi/môn thi sẽ điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả phúc khảo thi tốt nghiệp THPT.

Thí sinh điều chỉnh không lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu, sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để thực hiện việc điều chỉnh.

 

CHÍNH SÁCH – VĂN BẢN – NGHỊ ĐỊNH MỚI

*Chinhphu.vn (26/4): Lãi suất cho vay nhà ở xã hội là 4,8%/năm

Ngân hàng Nhà nước vừa có quyết định về mức lãi suất cho vay nhà ở xã hội tại các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định.

Theo đó, mức lãi suất cho vay nhà ở xã hội tại các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định đối với khách hàng vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Điểm a, đ Khoản 10 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là 4,8%/năm.
* Nghị định 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về mức vốn, lãi suất, thời hạn vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.

Cụ thể: 

+ Với trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội thì mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà.

+ Trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay, tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.

Về lãi suất vay, Nghị định 49/2021/NĐ-CP quy định lãi suất cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cho từng thời kỳ.

Lãi suất cho vay tại các tổ chức tín dụng được chỉ định do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định và công bố trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong cùng thời kỳ.

Thời hạn vay do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên./.

 

*Thuvienphapluat.vn (26/4): Chính sách bảo hiểm, giáo dục có hiệu lực từ tháng 5/2021

Từ ngày 01 – 31/5/2021, nhiều chính sách mới về bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và giáo dục có hiệu lực thi hành.

1. Tăng mức hỗ trợ học nghề với NLĐ tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Thủ tướng ban hành Quyết định 17/2021/QĐ-TTg quy định mức hỗ trợ học nghề đối với NLĐ tham gia bảo hiểm thất nghiệp (có hiệu lực từ ngày 15/5/2021).

Theo đó, NLĐ tham gia bảo hiểm thất nghiệp đủ điều kiện được hỗ trợ học nghề quy định tại Điều 55 Luật Việc làm 2013 sẽ được hưởng hỗ trợ theo các mức sau đây:

-  Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 03 tháng:

Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo.

- Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 03 tháng:

Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng.

(Hiện hành, theo Quyết định 77/2014/QĐ-TTg, mức hỗ trợ tối đa 01 triệu đồng/người/tháng, không phân chia cụ thể theo thời gian đào tạo).

Lưu ý: Trường hợp NLĐ tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tào nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc:

- Từ 14 ngày trở xuống được tính là 0,5 tháng.

- Từ 15 ngày trở lên được tính là 01 tháng.

2. Hỗ trợ đóng BHYT cho NLĐ làm việc trong Khu kinh tế - quốc phòng ở vùng sâu, vùng xa

Theo Nghị định 22/2021/NĐ-CP, Nhà nước sẽ hỗ trợ đóng BHYT cho NLĐ làm việc trong Khu kinh tế - quốc phòng ở vùng sâu, vùng xa,... theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng chế độ, chính sách đối với các lực lượng làm nhiệm vụ tại Khu kinh tế - quốc phòng theo quy định sau đây:

- Đối với quân số thuộc biên chế của Đoàn kinh tế - quốc phòng được hỗ trợ về đất ở để ổn định cuộc sống, yên tâm công tác tại địa bàn Khu kinh tế - quốc phòng; được đảm bảo các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.

- Lực lượng trí thức trẻ tình nguyện tham gia xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng được các hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật có liên quan.

- Người lao động, công nhân làm việc trong Khu kinh tế - quốc phòng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được nhà nước hỗ trợ đóng BHYT và các chế độ chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

Nghị định 22/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/5/2021 và thay thế Nghị định 44/2009/NĐ-CP.

3. Tốt nghiệp cử nhân có thể học nghiệp vụ sư phạm để làm giáo viên

Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 11/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với cử nhân chuyên ngành phù hợp muốn trở thành giáo viên các cấp.

- Đối với cấp tiểu học:

Theo Thông tư 11/2021/TT-BGDĐT, người có bằng cử nhân chuyên ngành Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Ngoại ngữ có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học được tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm tiểu học.

Khối lượng chương trình gồm 35 tín chỉ, trong đó, phần bắt buộc có 31 tín chỉ (TC) và phần tự chọn có 04 TC.

- Đối với cấp THCS, THPT:

Theo Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT, người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp với một trong các môn học của cấp THCS, THPT có nguyện vọng trở thành giáo viên THCS, THPT được tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm THCS, THPT.

Thời lượng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm gồm: Khổi học phần chung có 17 tín chỉ và khối học phần nhánh có 17 TC nhánh THCS, 17 TC nhánh THPT.

Thông tư 11/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 22/5/2021.

4. Trách nhiệm, quyền hạn của giáo viên khi thực hiện dân chủ trong hoạt động giáo dục

Chính phủ ban hành Nghị định 24/2021/NĐ-CP ngày 23/3/2021 quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

Theo đó, quy định trách nhiệm và quyền hạn của giáo viên, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục như sau:

- Tham gia xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

- Tham gia tổ chức tuyển sinh, tổ chức hoạt động giáo dục, quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

- Tham gia giám sát việc tổ chức tuyển sinh, tổ chức hoạt động giáo dục, quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện trách nhiệm và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Nghị định 24/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/5/2021.

5. Nội dung nguyên tắc dạy học trực tuyến

Nguyên tắc dạy học trực tuyến được quy định tại Điều 4 Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Cụ thể:

- Nội dung dạy học trực tuyến phải đáp ứng mức độ cần đạt hoặc yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông.

- Bảo đảm các điều kiện tối thiểu về hạ tầng kỹ thuật dạy học trực tuyến và đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học trực tuyến.

- Tuân thủ các quy định hiện hành về an toàn thông tin, quy định về dữ liệu, thông tin cá nhân, sở hữu trí tuệ theo các quy định của pháp luật.

Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 16/5/2021.

 

*Thuvienphapluat.vn (26/4): Chính sách thuế - phí - lệ phí có hiệu lực từ tháng 5/2021

1. Không còn thu lệ phí gia hạn hộ chiếu từ 22/5/2021

Bộ Tài chính ban hành Thông tư 25/2021/TT-BTC về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 22/5/2021).

Theo đó, trong Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèo theo không còn quy định về mức thu lệ phí gia hạn hộ chiếu như hiện hành nữa.

(Hiện nay, Thông tư 219/2016/TT-BTC quy định lệ phí gia hạn hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ à 100.000 đồng/lần).

Xem thêm: 03 trường hợp được miễn lệ phí cấp hộ chiếu từ 22/5/2021

2. Biểu mức thu phí trong chăn nuôi từ ngày 17/5/2021

Đây là nội dung tại Thông tư 24/2021/TT-BTC về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong chăn nuôi.

Theo đó, mức thu phí trong chăn nuôi được quy định tại Biểu mức thu phí trong chăn nuôi ban hành kèm theo Thông tư 24, áp dụng như sau:

- Áp dụng mức thu bằng 50% mức thu phí tại Biểu mức thu phí kể từ ngày 17/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

- Áp dụng mức thu phí tại Biểu mức thu phí kể từ ngày 01/01/2022 trở đi.

- Miễn thu phí đối với các đối tượng là:

+ Cá nhân thuộc hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng;

+ Tổ chức, cá nhân ở các xã có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn khi đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện nội dung thu phí quy định tại Biểu mức thu phí trong chăn nuôi ban hành kèm theo Thông tư 24.

Biểu mức thu phí được ban hành kèm theo Thông tư 24/2021/TT-BTC, đơn cử như:

- Phí thẩm định cấp giấy chứng nhận thức ăn chăn nuôi lưu hành tự do tại Việt Nam: 350.000 đồng/ 01 sản phẩm/lần.

- Phí Công nhận dòng, giống vật nuôi mới: 750.000 đồng/01 dòng, giống/lần.

- Phí Thẩm định cấp giấy phép nhập khẩu lần đầu đực giống, tinh, phối giống gia súc: 250.000 đồng/01 giống/lần…

3. Điểm mới trong giao dịch thuế điện tử từ ngày 03/5/2021

Ngày 18/3/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 19/2021/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế (có hiệu lực từ ngày 03/5/2021).

Theo đó, có một số điểm mới nổi bật đáng lưu ý được Tổng cục thuế giới thiệu tại Công văn 1194/TCT-KK năm 2021; đơn cử như về chứng từ điện tử tại Điều 6 Thông tư 19:

- Bổ sung quy định hồ sơ thuế điện tử bao gồm:

Xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế; tra soát thông tin nộp thuế; thủ tục bù trừ tiền thuế, tiên chậm nộp, tiền phạt nộp thừa; miễn thuế, giảm thuế; miễn tiền chậm nộp; không tính tiền chậm nộp; khoanh tiền thuế nợ; xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; gia hạn nộp thuế; nộp dần tiền thuế nợ.

Lý do: để phù hợp với phạm vi điều chỉnh mới bổ sung tại Điều 1 Thông tư 19.

- Sửa đổi, bổ sung quy định chứng từ nộp ngân sách nhà nước điện tử:

Chứng từ nộp NSNN theo quy định tại Nghị định 11/2020/NĐ-CP  về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước; trường hợp nộp thuế qua hình thức nộp thuế điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thì chứng từ nộp NSNN là chứng từ giao dịch của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải đảm bảo đủ các thông tin trên mẫu chứng từ nộp NSNN.

Trước đây: quy định chứng từ nộp thuế điện tử là giấy nộp tiền hoặc chứng từ nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo quy định của Bộ Tài chính dưới dạng điện tử, trừ trường hợp nộp thuế qua hình thức nộp thuế điện tử của ngân hàng.

Xem thêm: 04 điểm mới về thời gian nộp hồ sơ thuế điện tử từ ngày 03/5/2021

4. Cơ cấu tổ chức của Tổng Cục thuế từ 20/5/2021

Thủ tướng ban hành Quyết định 15/2021/QĐ-TTg sửa đổi khoản 1 Điều 3 Quyết định 41/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính.

Theo đó, cơ quan Tổng cục Thuế ở Trung ương bao gồm:

(1) Vụ Chính sách;

(2) Vụ Pháp chế;

(3) Vụ Dự toán thu thuế;

(4) Vụ Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế;

(5) Vụ Kê khai và Kế toán thuế;

(6) Vụ Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế;

(7) Vụ Thanh tra - Kiểm tra thuế;

(8) Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn;

(9) Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp nhỏ và vừa và Hộ kinh doanh, cá nhân;

(10) Vụ Hợp tác Quốc tế;

(11) Cục Kiểm tra nội bộ; Giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng;

(Hiện nay, theo Quyết định 41/2018/QĐ-TTg là Vụ Kiểm tra nội bộ).

(12) Vụ Tổ chức cán bộ;

(13) Vụ Tài vụ - Quản trị;

(14) Văn phòng;

(15) Cục Công nghệ Thông tin;

(16) Trường Nghiệp vụ Thuế;

(17) Tạp chí thuế.

Quyết định 15/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 20/5/2021.

 

CHỈ THỊ MỚI

*Chinhphu.vn (26/4): Kiện toàn Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định kiện toàn nhân sự Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đối với ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc để thay ông Đỗ Văn Chiến, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã chuyển công tác.

Theo Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (BCĐ), BCĐ Trung ương có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc liên quan đến quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các giải pháp để đạt được mục tiêu của Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Đề án) và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình).

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách có liên quan để thực hiện hiệu quả Chương trình và các nhiệm vụ, giải pháp khác của Đề án; giúp Thủ tướng Chính phủ điều phối hoạt động giữa các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương và địa phương trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình và các nhiệm vụ, giải pháp khác của Đề án.

Bên cạnh đó, giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương trong việc xây dựng, hoàn thiện và hướng dẫn cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý, điều hành Chương trình và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp khác của Đề án; kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết, khen thưởng trong quá trình thực hiện.

 

*Chinhphu.vn (26/4): Quy định 5 cấp độ rủi ro thiên tai

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai. Theo đó, các loại thiên tai được dự báo, cảnh báo và truyền tin bao gồm:

1- Bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực vùng biển phía Tây kinh tuyến 120° Đông, phía Bắc vĩ tuyến 05° Bắc và phía Nam vĩ tuyến 23° Bắc (Biển Đông) và trên đất liền lãnh thổ Việt Nam; bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động ngoài khu vực biển Đông, nhưng có khả năng di chuyển vào khu vực Biển Đông trong khoảng 24 đến 48 giờ tới.

2- Mưa lớn xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam; lũ trên các sông thuộc lãnh thổ Việt Nam và các sông liên quốc gia liên quan; ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy trên lãnh thổ Việt Nam.

3- Nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán trên lãnh thổ Việt Nam.

4- Gió mạnh trên Biển Đông; sương mù trên Biển Đông và trên đất liền Việt Nam.

5- Nước dâng trên vùng biển ven bờ và đảo của Việt Nam.

6- Lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối trên lãnh thổ Việt Nam.

7- Cháy rừng do tự nhiên trên lãnh thổ Việt Nam.

8- Động đất có độ lớn (M) bằng hoặc lớn hơn 3,5 (theo thang Richter hoặc tương đương) ảnh hưởng đến Việt Nam.

9- Động đất có độ lớn trên 6,5 (theo thang Richter hoặc tương đương) xảy ra trên biển có khả năng gây ra sóng thần ảnh hưởng đến Việt Nam.

10- Sóng thần xảy ra do động đất ở vùng biển xa, có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam.

Phân cấp rủi ro căn cứ cường độ, phạm vi ảnh hưởng của thiên tai

Quyết định cũng quy định xác định cấp độ rủi ro thiên tai. Cụ thể, rủi ro thiên tai được phân cấp căn cứ vào cường độ, phạm vi ảnh hưởng, khu vực chịu tác động trực tiếp và khả năng gây thiệt hại của thiên tai.

Cấp độ rủi ro thiên tai được xác định cho từng loại thiên tai và công bố cùng nội dung bản tin dự báo, cảnh báo về thiên tai.

Cấp độ rủi ro của mỗi loại thiên tai được phân tối đa thành 5 cấp và được gắn với một màu đặc trưng trên các loại bản đồ, theo mức độ tăng dần của rủi ro thiên tai: cấp 1 màu xanh dương nhạt là rủi ro thấp; cấp 2 màu vàng nhạt là rủi ro trung bình; cấp 3 màu da cam là rủi ro lớn; cấp 4 màu đỏ là rủi ro rất lớn; cấp 5 màu tím là rủi ro ở mức thảm họa.

Trong đó, rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới, bão được phân thành 3 cấp (từ cấp 3 đến cấp 5); rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá được phân thành 2 cấp (cấp 1 và cấp 2); rủi ro thiên tai do mưa lớn được phân thành 4 cấp (từ cấp 1 đến cấp 4);...

Cấp độ rủi ro của hai hay nhiều thiên tai xảy ra đồng thời hoặc liên tiếp, có thể điều chỉnh tăng lên 1 cấp dựa trên tác động của thiên tai; trong trường hợp có nguy cơ xảy ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, cấp độ rủi ro có thể được xem xét tăng lên hai cấp, cao nhất là cấp 5.

 

*Chinhphu.vn (24/4): Quy định mới về giám định tư pháp ngành công thương

Bổ sung phạm vi giám định tư pháp trong lĩnh vực công thương, bổ sung quy định về cấp mới, cấp lại, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp… là những điểm mới tại Thông tư 01/2021/TT-BCT do Bộ Công Thương mới ban hành sửa đổi, bổ sung Thông tư 30/2016/TT-BCT quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực công thương.

Bộ Công Thương cho biết, ngày 10/6/2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021. Trong đó, có nhiều quy định thay đổi về: Hồ sơ bổ nhiệm giám định viên tư pháp; Việc cấp thẻ giám định viên tư pháp; Thẩm quyền, trình tự, thủ tục miễn nhiệm giám định viên tư pháp và thu hồi thẻ giám định viên tư pháp…

Do vậy, để triển khai thi hành một cách đồng bộ, toàn diện và hiệu quả pháp luật về giám định tư pháp, việc xây dựng và ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2016/TT-BCT quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực công thương là hết sức cần thiết.

Cụ thể, Thông tư số 01 bổ sung quy định về “Phạm vi giám định tư pháp trong lĩnh vực công thương”. Theo đó, giám định tư pháp trong lĩnh vực công thương gồm giám định tư pháp về các vấn đề chuyên môn thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công Thương theo quy định của pháp luật trong các lĩnh vực: 1. Năng lượng; 2. Hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp; 3. Công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ; 4. An toàn kỹ thuật công nghiệp; 5. An toàn thực phẩm; 6. Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; 7. Thương mại điện tử; 8. Quản lý thị trường; 9. Cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; 10. Xúc tiến thương mại; 11. Các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.

Về việc cấp mới, cấp lại, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp, Thông tư nêu rõ: Việc cấp mới, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp được thực hiện đồng thời với việc bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp.

Mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp thực hiện theo quy định của Thông tư số 11/2020/TT-BTP của Bộ Tư pháp quy định về mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp.

Thời hạn giám định tư pháp: Tối đa 09 ngày đối với trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định quy định tại khoản 5 Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; tối đa một tháng đối với trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định quy định tại khoản 6 Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015…

Thông tư 01 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/5/2021.

 

*Chinhphu.vn (24/4): Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần

Chính phủ tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất: Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.

Việc gia hạn này là cần thiết để các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2021. Đây là lần thứ 3 Chính phủ gia hạn thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh.

Nguy cơ bùng phát dịch, Thủ tướng ra công điện tăng cường phòng, chống: Dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, số lượng ca mắc mới và tử vong vẫn tăng ở nhiều nước. Đặc biệt ở một số nước láng giềng có chung đường biên giới với nước ta, dịch bệnh đang bùng phát mạnh trên diện rộng. Trong nước, tuy đã được kiểm soát tốt, song nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại luôn thường trực, nhất là từ nguồn nhập cảnh, nhập cảnh trái phép; đã có tình trạng lơ là, chủ quan, thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, xuất hiện hiện tượng ngại tiêm vắc xin phòng bệnh.

Để duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch, thực hiện thành công mục tiêu kép, bảo vệ tốt nhất sức khỏe nhân dân, đặc biệt trong những ngày lễ lớn sắp tới, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 541/CĐ-TTg ngày 23/4/2021 về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

* Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện 540/CĐ-TTg tăng cường quản lý hoạt động tổ chức các chuyến bay đưa người nhập cảnh Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ trưởng và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng nhiệm vụ, lĩnh vực được giao tập trung chỉ đạo tăng cường phối hợp, giám sát, quản lý chặt chẽ công tác tổ chức chuyến bay, bảo đảm tần suất, đối tượng và số lượng người, chuyến bay theo kế hoạch được duyệt, phù hợp khả năng tiếp nhận trong nước; đồng thời tổ chức lực lượng chức năng để giải quyết nhanh các thủ tục liên quan, không để xảy ra tình trạng quá tải, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, tránh trục lợi, tuân thủ các quy định phòng chống dịch COVID-19.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ứng phó mưa lũ: Trước tình hình mưa lớn xảy ra tại khu vực miền núi phía bắc, gây lũ quét trên địa bàn huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai làm 03 người chết, hư hại nhiều nhà dân trong khu vực, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc khắc phục hậu quả và ứng phó với mưa lũ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ; triển khai lực lượng xung kích ở cơ sở kiểm tra, rà soát nơi ở an toàn của người dân, đặc biệt là khu vực nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để ứng phó khi có tình huống.

Nghiêm cấm trục lợi, nâng giá vật liệu xây dựng cao tốc Bắc-Nam: Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, địa phương liên quan bảo đảm đủ nguồn cung vật liệu xây dựng phục vụ thi công Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; nghiêm cấm tình trạng trục lợi, đầu cơ, nâng giá vật liệu xây dựng.

Rà soát, sửa đổi quy định cản trở đầu tư, kinh doanh: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội.

Thiết lập Cổng tham vấn điện tử để gỡ bỏ rào cản kinh doanh

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ đạo về việc thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu thiết lập Cổng tham vấn điện tử để hỗ trợ việc lấy ý kiến các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp về quy định không còn phù hợp, là rào cản, gây khó khăn đối với hoạt động kinh doanh và phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định; kiên quyết trả lại các bộ, cơ quan nếu phương án cắt giảm, đơn giản hóa không đạt được chỉ tiêu được giao.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông: Trong quý II và các tháng còn lại của năm 2021, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu năm An toàn giao thông (ATGT) 2021 giảm từ 5-10% cả về số vụ tai nạn giao thông (TNGT), số người chết, bị thương so với năm 2020.

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Thông báo số 77/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ.

Các trường đại học nghệ thuật được tiếp tục tuyển sinh trung cấp, cao đẳng đặc thù: Nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc đào tạo trung cấp, cao đẳng trong các trường đại học và học viện thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật thuộc các bộ, ngành và địa phương tiếp tục tuyển sinh, đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng mang tính đặc thù kết hợp giữa đào tạo nghệ thuật với đào tạo văn hóa cho đến khi nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu, đặc thù trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật được cấp có thẩm quyền ban hành.

 

TIN QUỐC HỘI

* Vietnamplus.vn (25/4): Nhiều điểm khác biệt trong bầu cử ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh

Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, 3 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM sẽ không bầu HĐND cấp phường.

Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, khác với 60 tỉnh, thành phố khác, ba thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ không bầu Hội đồng Nhân dân cấp phường.

Cùng với đó, thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ không bầu Hội đồng Nhân dân cấp quận.

Những điểm khác biệt trên là do ba thành phố này thực hiện theo các Nghị quyết số 97/2019/QH14, số 119/2020/QH14 và số 131/2020/QH14 của Quốc hội về thực hiện mô hình chính quyền đô thị từ năm 2021

 

* Vietnamplus.vn (26/4): Đà Nẵng lên phương án tổ chức bầu cử trong các khu cách ly

Tại cuộc họp, Ủy ban Bầu cử thành phố đã thống nhất việc phân bổ danh sách 89 người ứng cử Hội đồng Nhân dân để đưa về 15 đơn vị bầu cử trên toàn địa bàn.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ, Thư ký Ủy ban Bầu cử thành phố Đà Nẵng Võ Ngọc Đồng, việc phân bổ danh sách người ứng cử thực hiện đúng theo quy định, nghiêm túc, khách quan.

Tại cuộc họp, thành viên Ủy ban Bầu cử thành phố đồng ý thống nhất danh sách và dự kiến trước ngày 28/4 sẽ công bố, niêm yết công khai tại các đơn vị bầu cử.

Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố Đà Nẵng cũng yêu cầu từ 13/5, tức là 10 ngày trước ngày hội bầu cử, Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin tuyên truyền cùng các quận, huyện đẩy mạnh tuyên truyền về cuộc bầu cử trên phương tiện thông tin đại chúng.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết cũng lưu ý trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đồng thời yêu cầu các ngành sẵn sàng phương án phòng, chống dịch hiệu quả trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử.

Hiện có hơn 4.000 người đang cách ly tại các khu vực cách ly tập trung trong thành phố, Tiểu ban An ninh, trật tự và y tế cần có phương án cụ thể, chi tiết công tác tổ chức bầu cử trong các khu cách ly. Bên cạnh đó bổ sung danh sách cử tri đối với những người mới về nước hoặc mới trở về nhà sau thời hạn cách ly tập trung, ông Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh./.

 

*Vtv.vn (26/4): "Đi từng ngõ, gõ từng nhà" tuyên truyền về bầu cử

Nhiều địa phương trên cả nước đã tiến hành đẩy mạnh nhiều hình thức tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.

"Đi từng ngõ, gõ từng nhà" là cách các tổ bầu cử ở cơ sở tiến hành để thông tin và vận động người dân đi bầu cử. Từ việc kiểm tra danh sách cử tri đã niêm yết cho tới thông tin cụ thể về ngày bầu, nơi đi bầu, thời gian có thể bầu… đều được hướng dẫn cụ thể.

TP Bắc Ninh có 19 phường thì có tới 10 phường có người từ nơi khác đến cư trú. Đa phần những người này là công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp. Chính vì vậy, việc vận động những cử tri này về quê bầu cử hoặc đăng ký bầu cử tại phường cũng được thành phố hết sức quan tâm.

Cùng với đến từng nhà vận động, các hình thức tuyên truyền cũng đã được đồng loạt triển khai giúp cho thông tin về các công việc cần chuẩn bị cho ngày bầu cử đến được với mọi người.

Ông Nguyễn Đức Hiện, Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền bầu cử TP. Bắc Ninh cho biết: "Chúng tôi nhận thức một cách sâu sắc làm thế nào để thông tin tuyên truyền đến người dân, truyền tải tới các tầng lớp nhân dân một cách dễ hiểu, dễ nhớ, dễ hiểu, để người dân tiếp cận cách nhanh nhất và tiếp cận một cách hiệu quả nhất"

 

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

*Chinhphu.vn (25/4): Quảng Ninh: Tổ chức nhiều hoạt động kích cầu du lịch

Từ ngày 18/4  đến 16/5, tỉnh Quảng Ninh tổ chức 27 hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch nhằm tiếp tục kích cầu, từng bước hồi phục ngành du lịch với các sản phẩm mới lạ, hấp dẫn.

Các họat động sẽ diễn ra tại TP. Hạ Long, huyện đảo Cô Tô, huyện Bình Liêu, Vân Đồn, Uông Bí…, tập trung vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

TP. Hạ Long, nơi tổ chức 17 sự kiện trong 4 ngày nghỉ lễ, từ  30/4 đến 2/5. Trong đó, loạt sự kiện tại khu vực phía đông có chủ đề “Hạ Long, Quảng Ninh - Điểm đến của những nụ cười”, gồm: Lễ khánh thành bãi tắm Hòn Gai; chương trình nghệ thuật “Hạ Long - Quảng Ninh chào hè 2021” tại Quảng trường 30/10; lễ hội hoa và chương trình nghệ thuật “Hạ Long - Kỳ quan hội tụ” với sự tham gia của các nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam tại quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Hạ Long.

Tại Khu du lịch quốc tế Tuần Châu sẽ có các hoạt động với chủ đề “Tuần Châu, Hạ Long - Bừng sáng kỳ quan đảo ngọc” (trong ngày 30/4 và 1/5), gồm: Lễ khánh thành sân Golf Tuần Châu; khai trương công viên điêu khắc Tuần Châu; chương trình biểu diễn nghệ thuật có sự tham gia của các hoa hậu, diễn viên, ca sĩ nổi tiếng, bắn pháo hoa tầm thấp cùng loạt hoạt động vui chơi, giải trí, diễu hành, trình diễn trực thăng, thủy phi cơ, dù lượn, tàu du lịch…

Tại khu du lịch Bãi Cháy là các hoạt động với chủ đề “Bãi Cháy, Hạ Long - Trung tâm hội tụ và lan tỏa” (ngày 30/4 - 2/5) với đêm đại Nhạc hội EDM tại Quảng trường Sun Carnival cùng các hoạt động văn hóa, ẩm thực...

Ngoài ra, còn có một loạt các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch khác như: Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn, triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật và trại sáng tác văn học nghệ thuật “Tôi yêu Hạ Long”, hội thi thả diều, biểu diễn xiếc 3 miền, âm nhạc đường phố…

Tại các địa phương khác trong tỉnh cũng diễn ra nhiều hoạt động như  kỷ niệm 60 năm Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô; Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Bình Liêu; chương trình Vân Đồn, Uông Bí chào hè…

 

*Vtv.vn (26/4): “Khu vực FDI tiếp tục là động lực quan trọng, góp phần hiện thực hóa khát vọng của Việt Nam”

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã đưa ra nhận định trên tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 với chủ đề "Kết nối Địa phương - Doanh nghiệp, Nắm bắt cơ hội".

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, khu vực FDI đang tiếp tục là một động lực quan trọng, góp phần hiện thực hóa khát vọng, phồn vinh của Việt Nam, trong đó Chính phủ đóng vai trò nhà kiến tạo phát triển.

Trải qua 33 năm phát triển và thu hút FDI, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng và khu vực này vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển.

Nguồn lực, đất đai và công nghệ là 3 yếu tố quan trọng cho quá trình phát triển. Tại diễn đàn này, lãnh đạo các địa phương đều đánh giá FDI sẽ cung cấp rất tốt cho yếu tố nguồn lực và khoa học công nghệ. Do đó, thu hút FDI sẽ tiếp tục là một trong những trọng tâm trong thời gian tới.

Lãnh đạo một số địa phương cho rằng cơ sở hạ tầng để thu hút FDI không chỉ là nhà xưởng, mà phải có hạ tầng công nghiệp sinh thái, như vậy mới tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn. Đây cũng là vấn đề mà các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm.

Lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước hiện nay vẫn còn nhiều cơ hội để Việt Nam có thể cất cánh nhanh hơn nữa. Thành công sẽ chỉ đến với những chủ thể bản lĩnh và chủ động thích ứng.

 

*Vnexpress.net (26/4): Hầm Hải Vân 2 bắt đầu thu phí

Từ 1/5, phương tiện qua trạm thu phí Bắc Hải Vân sẽ trả phí tăng từ 30.000 đến 70.000 đồng để hoàn vốn cho hầm Hải Vân 2.

Chiều 26/4, ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, thông tin Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép nhà đầu tư điều chỉnh phí dịch vụ tại trạm thu phí Bắc hầm Hải Vân từ ngày 1/5.

Theo đó, các xe nhóm một (xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn) có vé lượt 110.000 đồng. Xe nhóm 2 (xe 12 chỗ đến 20 chỗ, xe tải từ 2 đến 4 tấn) mức phí 160.000 đồng.

Xe nhóm 3 (xe 31 chỗ trở lên, xe tải từ 4 đến 10 tấn) mức phí 200.000 đồng. Xe nhóm 4 (từ 10 đến 18 tấn, xe container 20ft) là 210.000 đồng. Xe nhóm 5 (từ 18 tấn trở lên, xe container 40ft) là 280.000 đồng.

Với mức giá trên, các nhóm xe 1,3,4,5 tăng từ 30.000 đến 40.000 đồng mỗi vé, riêng xe nhóm 2 tăng 70.000 đồng so với trước đây. Giá vé tháng, quý cũng được điều chỉnh tương ứng.

Theo ông Ngọ Trường Nam, việc điều chỉnh mức thu phí tại trạm Bắc Hải Vân để hoàn vốn cho hầm Hải Vân 2 mới đưa vào khai thác từ đầu năm nay, và là nguồn kinh phí quản lý vận hành tuyến hầm. Trạm Bắc Hải Vân trước đây thu phí hoàn vốn cho dự án hầm Phú Gia - Phước Tượng và dự án nâng cấp hầm Hải Vân 1.

 

* Cafef.vn (27/4): Việt Nam dư thừa lao động nhưng sức cạnh tranh kém xa ASEAN-4, chỉ cao hơn Indonesia và Lào

Thị trường lao động Việt Nam nhìn chung vẫn là một thị trường dư thừa lao động; chất lượng việc làm chưa cao; phát triển không đồng đều, mất cân đối nghiêm trọng về cung-cầu lao động giữa các vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thị trường lao động Việt Nam đã có những cải thiện nhất định về hệ thống chính sách lao động, việc làm, tạo khung pháp lý để phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho người lao động.

Kết quả, thị trường lao động đã có nhiều dịch chuyển tích cực. Lao động đã dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ; từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức, từ những công việc không ổn định, bấp bênh sang những công việc mang tính ổn định, bền vững hơn... Nhận thức của người lao động về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp đã có sự cải thiện rõ rệt, tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm đã tăng nhiều so với trước.

Tuy vậy, thị trường lao động của Việt Nam vẫn tồn tại không ít bất cập. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách được xây dựng chưa bao phủ đầy đủ các chủ thể trên thị trường lao động.

Thị trường lao động Việt Nam nhìn chung vẫn là một thị trường dư thừa lao động; chất lượng việc làm chưa cao; phát triển không đồng đều, mất cân đối nghiêm trọng về cung-cầu lao động giữa các vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế.

Lao động phi chính thức, lao động phổ thông vẫn chiếm chủ yếu; lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp, mới đạt 24,5% năm 2020, cơ cấu lao động đã qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Các định chế trung gian, chính sách an sinh và bảo hiểm của thị trường lao động còn yếu, độ bao phủ thấp, chưa đạt hiệu quả cao.

Bà Lê Thị Xuân Quỳnh, Phó Trưởng ban Ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực (CIEM) đánh giá, chất lượng nguồn lao động của Việt Nam còn thấp, trong đào tạo còn thiếu gắn kết giữa đào tạo và thực hành. Vì thế, kỹ năng lao động của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chỉ đạt 46/100 điểm (xếp thứ 103 trên thế giới), kém rất xa so với nhóm ASEAN-4, chỉ cao hơn Indonesia và Lào.

 

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

*Vtv.vn (27/4): Cần làm gì để doanh nghiệp Việt không"mất bò mới lo làm chuồng"?

ST25 - gạo Việt ngon nhất thế giới đang đứng trước nguy cơ mất thương hiệu tại thị trường Mỹ.

Đây không phải lần đầu tiên các doanh nghiệp Việt vấp ngã trong cuộc chiến bản quyền. Cà phê Trung Nguyên, nước mắm Phú Quốc, thuốc lá Vinataba và nhiều nhãn hiệu khác đã từng lao đao vì chậm chân trong đăng ký bảo hộ quốc tế. Vì sao tình trạng này liên tục tái diễn?

Nguy cơ mất thêm một thương hiệu Việt

Tất cả các hồ sơ này đều đang trong thời gian thẩm định, nhưng theo lộ trình, chỉ còn ít ngày nữa, đầu tháng 5 là đến thời hạn xem xét phê duyệt đơn của một trong số các công ty đăng ký. Loại gạo Việt, từng đoạt giải ngon nhất thế giới, thành tựu cả một đời nghiên cứu của một giáo sư Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thực sự bị chiếm đoạt bản quyền, chỉ vì chậm chân trong đăng ký nhãn hiệu.

Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, các doanh nghiệp ở Mỹ không thể đăng ký được bảo hộ thương hiệu gạo ST25 vì đây là "giống gạo" chứ không phải nhãn hiệu.

Còn theo Hướng dẫn thẩm định của Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Mỹ- USPTO, thẩm định viên sẽ từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu đối với tên "giống cây trồng".

Tuy nhiên, hiện tại trang web chính thức của "Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Mỹ" - USPTO cho thấy 1 trong 5 đơn xin đăng ký nhãn hiệu chứa cụm từ "ST25" nộp bởi 4 Doanh nghiệp Mỹ thì đã có 1 đơn đăng ký cho sản phẩm gạo dưới tên của I&T ENTERPRISE, INC. được cơ quan này chấp nhận cho công bố vào ngày 4/5/2021 tới đây, để bên thứ ba phản đối. Điều này có nghĩa là cho đến 3/6/2021, trong vòng 30 ngày theo luật nhãn hiệu của Mỹ, nếu không ai phản đối, Mỹ sẽ cấp độc quyền cho nhãn hiệu "ST25" cho sản phẩm gạo dưới tên doanh nghiệp I&T I&T ENTERPRISE, INC. của Mỹ.

Luật sư Lê Quang Vinh, luật sư Bản quyền và thương hiệu, Công ty luật Bross và Cộng sự, nhận định: "Chúng ta không thể chủ quan cũng không được đánh giá thấp việc bảo hộ nhãn hiệu các sản phẩm của Việt Nam khi mang ra thị trường thế giới bởi ở bất cứ quốc gia nào đều có luật của nước sở tại và chúng ta rất dễ sẽ bị thua nếu như không hiểu và có động thái đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại các quốc gia đó, có thể đúng với luật Việt Nam nhưng không có nghĩa là sẽ đúng với luật của các quốc gia khác".

Nhiều bài học đắt giá về thương hiệu

Đây không phải lần đầu thương hiệu Việt bị đánh cắp ở nước ngoài. Nhìn lại thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tốn không ít chi phí và công sức để giành lại thương hiệu vốn thuộc về mình. Vấn đề này không ngoại trừ một doanh nghiệp lớn hay nhỏ nào với nhiều bài học đắt giá về thương hiệu.

 

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY

*Nhandan.com.vn (27/4): Cách làm hay từ Đà Nẵng

Mạnh tay xử phạt các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn đã được chính quyền thành phố Đà Nẵng triển khai, thực hiện từ nhiều năm qua. Kết quả bước đầu đã được ghi nhận, tuy nhiên, cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều đơn vị chức năng, xử phạt nghiêm để lập lại trật tự đô thị, mang lại cuộc sống bình yên cho người dân.

Thành lập tổ "phản ứng nhanh"

Việc xử lý vi phạm pháp luật về ô nhiễm tiếng ồn tuy đã đạt được những hiệu quả tích cực nhưng lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở. Ngoài các cơ sở kinh doanh dịch vụ nằm trong diện Công an TP Đà Nẵng phối hợp với Sở TN và MT kiểm tra, xử lý, thì cấp quận huyện, xã phường cũng sẽ thực hiện nhiệm vụ này đối với hình thức karaoke gia đình, tiệc tùng mở nhạc công suất lớn, quá giờ quy định. Các vi phạm có tính hệ thống, tái diễn nhiều lần, lực lượng chức năng sẽ căn cứ phản ánh của nhân dân và trinh sát, kiểm tra thực tế để xử lý nghiêm.

Đà Nẵng còn tiếp nhận, xử lý tình trạng ô nhiễm tiếng ồn qua các trang website địa phương, mạng xã hội như trang facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng "Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp"; Góp ý Đà Nẵng, Tổng đài 1022, Zalo, các trang facebook của từng địa phương... Theo ông Nguyễn Minh Huy, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu, quận sẽ tổ chức đợt cao điểm ra quân tuyên truyền, nhắc nhở các hành vi vi phạm tiếng ồn; phát tờ rơi, cập nhật trên website các hành vi vi phạm, mức phạt để tuyên truyền đến từng tổ dân phố. Với phần mềm quản lý đô thị thông minh tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân, quận sẽ bổ sung mục chuyên tiếp nhận phản ánh tiếng ồn. Khi phát hiện vi phạm, người dân chỉ cần thông tin vào đây, nội dung sẽ chuyển đến chủ tịch phường, lãnh đạo công an phường chỉ đạo xử lý kịp thời.

Xử lý quyết liệt

Năm 2019, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Công văn số 2812/UBND-STNMT về việc giám sát, kiểm tra, xử lý tình trạng gây tiếng ồn do mở nhạc, hát karaoke trong khu dân cư, đô thị. Tháng 3-2021, khi tình trạng ô nhiễm tiếng ồn tái diễn, TP Đà Nẵng tiếp tục ban hành văn bản khẩn số 1478/ĐTĐT yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, phường, xã tăng cường kiểm tra, xử lý ô nhiễm tiếng ồn do các hoạt động mở nhạc, hát karaoke trong khu dân cư, đô thị trên địa bàn thành phố, kiên quyết xử lý dứt điểm, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, là tiêu chí để xem xét thi đua, đánh giá hoàn thành nhiệm vụ và xét gia đình văn hóa trong năm. Từ ngày 1-4 đến ngày 31-5, UBND các quận, huyện có trách nhiệm chỉ đạo UBND các phường, xã thông báo và tuyên truyền rộng rãi đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các tổ dân phố và nhân dân để biết, thực hiện. Kể từ ngày 1-6, tiến hành xử lý, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm. Theo đó, thành phố yêu cầu các ngành, đơn vị, địa phương nghiêm túc thực hiện tuyên truyền, xử phạt hành vi gây tiếng ồn theo quy định và lồng ghép với các nội dung của Chỉ thị số 43-CT/TU ngày 25-12-2014 về Chương trình hành động "Năm Văn hóa, văn minh đô thị 2015" của Thành ủy Đà Nẵng. Sở Tư pháp Đà Nẵng đã ban hành văn bản hướng dẫn về việc xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn, theo đó, mức vi phạm cao nhất có thể bị xử phạt đến một triệu đồng.

Đánh giá kết quả sau hai năm thực hiện xử phạt ô nhiễm tiếng ồn, Đại tá Trần Thanh Nhơn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP Đà Nẵng cho biết: Đến nay, Công an TP Đà Nẵng đã tổ chức 55 buổi tuyên truyền cho người dân về các văn bản quy định xử phạt ô nhiễm tiếng ồn. Qua kiểm tra, đã phát hiện 1.338 trường hợp vi phạm, trong đó nhắc nhở 1.212, xử lý 126, tổng tiền số tiền phạt hơn 800 triệu đồng. Ba tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 104 trường hợp, lập biên bản xử phạt 21 trường hợp với số tiền 129 triệu đồng, cho viết cam kết. "Trong đó, xử phạt nhiều nhất chủ yếu là các quán bar, quán rượu, công ty, các trường hợp còn lại nhắc nhở vì là nhà dân, với mức độ ô nhiễm tiếng ồn không liên tục, khi được các lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu là người dân dừng ngay. 

 

QUẢN LÝ

*Vnexpress.net (27/4): Biên giới căng mình chống dịch

Ngoài tăng cường lực lượng ngăn chặn vượt biên, các tỉnh giáp Campuchia, Lào đã lên kịch bản cho tình huống Covid-19 bùng phát xấu nhất.

Hơn một tuần qua, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp ở Campuchia, TP Hà Tiên tăng cường cảnh sát cơ động, dân quân tự vệ phối hợp biên phòng ngăn chặn người vượt biên. Thành phố có đường biên giới cả đường bộ, biển và sông nên việc ngăn chặn người xuất, nhập cảnh trái phép hết sức khó khăn.

Cùng với Hà Tiên, TP Phú Quốc được xác định là "điểm nóng" nhập cảnh trái phép ở Kiên Giang. Trong tuần qua, trên địa bàn tăng cường 7 chốt phòng chống dịch, 50 chiến sĩ, nâng tổng số lên 27 chốt và gần 100 người trực chiến ngày đêm trên. Hàng chục vụ nhập cảnh trái phép đã bị phát hiện, đưa đi cách ly.

Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải Quân đóng tại Phú Quốc đã điều thêm tàu trực ở các khu vực trọng điểm. Máy radar được tăng cường để các chiến sĩ quan sát, phát hiện các phương tiện chở người nhập cảnh trái phép từ hướng Campuchia. 13 tàu và 19 xuồng của Vùng Cảnh sát biển 4 cũng tham gia tuần tra liên tục.

An Giang có khoảng 100 km đường biên giáp Campuchia. Biên phòng kết hợp địa phương duy trì 200 chốt, tổ chống dịch. Dưới tiết trời cuối tháng 4 rất oi bức, gió táp phần phật, thiếu tá Nguyễn Trương Phong, Trưởng Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn đến từng chốt đôn đốc các chiến sĩ thay phiên nhau tuần tra.

Tỉnh có 50 cơ sở cách ly với khả năng nhận hơn 4.200 người. 16 trung tâm y tế có thể điều trị 180 người mắc Covid-19. Tỉnh đang nghiên cứu phương án lập hai bệnh viện dã chiến ở huyện An Phú và Châu Thành quy mô hàng trăm giường.

Đồng Tháp có đường biên giới dài hơn 50 km với Campuchia, với 7 cửa khẩu, trong đó hai cửa khẩu quốc tế là Thường Phước và Dinh Bà cùng 5 cửa khẩu quốc gia. Ngoài 17 chốt cố định, tỉnh tăng cường thêm 16 đội tuần tra lưu động; đồng thời vận động người dân tố giác những trường hợp vượt biên.

Hà Tĩnh có 156 km biên giới giáp Lào với nhiều đường tiểu ngạch. Ngoài tuần tra, biên phòng cũng kiểm soát chặt người và xe từ Lào về qua cửa khẩu Cầu Treo (huyện Hương Sơn). Từ ngày 21-25/4, 127 người nhập cảnh được đo thân nhiệt, phun khử trùng hành lý và phương tiện, đưa đi cách ly tập trung.

 

*Chinhphu.vn (26/4): Hỗ trợ Sơn La hơn 59 tấn gạo kỳ giáp hạt

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký quyết định giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 59,805 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Sơn La để hỗ trợ nhân dân trong thời gian giáp hạt đầu năm 2021.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xử lý cụ thể theo quy định; chịu trách nhiệm về thông tin và số liệu báo cáo.

UBND tỉnh Sơn La tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp nêu trên bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định. Trường hợp sau khi thực hiện nếu vẫn còn khó khăn, UBND tỉnh Sơn La báo cáo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tiếp tục hỗ trợ.

 

*Chinhphu.vn (26/4): Người dân có công cụ ước tính số điện hàng tháng

Trong tháng 5/2021, Tập đoàn Điện lực Việt nam (EVN) sẽ tập trung hoàn thiện và cho ra mắt công cụ giúp các hộ gia đình dễ dàng ước tính lượng điện tiêu thụ hàng tháng dựa trên thói quen sử dụng điện và đặc thù thiết bị điện trong gia đình của khách hàng.

Theo đó, khách hàng sử dụng điện cần nhập một số thông tin cá nhân cơ bản như họ tên, mã khách hàng, khu vực thành phố sinh sống; loại hình nhà đang ở (chung cư hay nhà riêng), số người sống trong gia đình,…

Việc nhập thông tin nền này cần chính xác, theo đúng thực tế, để bảo đảm công cụ có thể ước tính lượng điện tiêu thụ chuẩn xác nhất.

Tiếp đó, cũng trên website, khách hàng sẽ cung cấp các thông tin về số lượng, chủng loại thiết bị điện gia đình đang sử dụng, bao gồm: Thiết bị cơ bản (như bếp điện, tủ lạnh, đèn chiếu sáng…), thiết bị tiêu thụ điện lớn (như điều hòa, máy sấy quần áo, lò nướng…). Cùng với đó, cung cấp dữ liệu về tần suất, mức độ, thói quen sử dụng các thiết bị này.

Dựa trên dữ liệu khách hàng cung cấp, công cụ sẽ tự động ước tính số lượng điện tiêu thụ của mỗi thiết bị điện theo từng tháng. Công cụ này cũng chỉ ra thiết bị “tốn” điện nhất trong mỗi gia đình trong tháng, giúp khách hàng điều chỉnh thói quen sử dụng điện sao cho hiệu quả, tiết kiệm.

Các thuật toán của công cụ còn tự động cập nhật và phân tích cả nhiệt độ tại địa phương nơi khách hàng sinh sống để tính toán. Lượng điện năng tiêu thụ của một thiết bị điện trong gia đình có thể sẽ có sự chênh lệch nhau giữa các tháng, các mùa trong năm.

Đặc biệt, công cụ được thiết kế với giao diện thân thiện, giúp các khách hàng dễ sử dụng, trải nghiệm.

EVN cho biết hiện công cụ này đang được triển khai để tích hợp vào các website, ứng dụng chăm sóc khách hàng của các Tổng công ty Điện lực.

 

*Dantri.com.vn (26/4): Bình Dương xây dựng đề án thành lập 2 thành phố mới

Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương thống nhất chủ trương xây dựng đề án thành lập thêm 2 thành phố mới là Bến Cát và Tân Uyên. Nếu đề án này được thông qua, toàn tỉnh Bình Dương có 5 thành phố.

Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương vừa thống nhất chủ trương xây dựng đề án thành lập thành phố Tân Uyên và thành phố Bến Cát. Đồng thời giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Hiện nay, tỉnh Bình Dương có 3 thành phố là Thủ Dầu Một (năm 2012), thành phố Dĩ An và thành phố Thuận An (năm 2020). Nếu thị xã Tân Uyên và thị xã Bến Cát được chấp thuận lên thành phố thì toàn tỉnh Bình Dương có 5 thành phố.

Thị xã Tân Uyên là một trong 9 đô thị thuộc hệ thống đô thị của tỉnh Bình Dương, có diện tích tự nhiên hơn 19.175 ha, gồm 12 xã, phường, với dân số 295.309 người. Chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người tại thị xã Tân Uyên gấp 1,56 lần so với cả nước. 

Thị xã Bến Cát có diện tích đất tự nhiên gần 24.000 ha, dân số 328.239 người, mức thu nhập bình quân đầu người của thị xã cao gấp 1,62 lần so với cả nước. Địa phương này gắn kết với trục hành lang kinh tế động lực quốc lộ 13 là tuyến giao thông trọng điểm dài hơn 140km, nối TPHCM, trung tâm kinh tế - văn hóa của cả nước với các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Bến Cát hiện nay là đô thị loại III, kết nối theo hướng Tây Bắc với huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) và tỉnh Tây Ninh theo tỉnh lộ 744.

 

*Dantri.com.vn (26/4): Khắc phục hồ sơ, sổ hộ tịch bị mất, hư hỏng do lũ lụt ở 5 tỉnh miền Trung

Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) hướng dẫn 5 tỉnh Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam khắc phục thiệt hại về hồ sơ, sổ hộ tịch của người dân bị hư hỏng sau lũ lụt.

Thông tin từ Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết, trong đợt lũ lụt lịch sử năm 2020, trên địa bàn một số tỉnh miền Trung đã bị ngập lụt nặng nề, gây thiệt hại về tài sản của cơ quan, tổ chức và công dân, trong đó có nhiều nơi bị thiệt hại, hư hỏng lớn sổ, hồ sơ hộ tịch.

Nhằm khắc phục thiệt hại hồ sơ, sổ hộ tịch, kịp thời phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã có Công văn số 377/HTQTCT-HT gửi Sở Tư pháp các tỉnh Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam hướng dẫn báo cáo UBND tỉnh cho triển khai thực hiện một số giải pháp khắc phục.

Đối với sổ đăng ký khai sinh, sổ đăng ký kết hôn, sổ đăng ký khai tử là các việc hộ tịch quan trọng, có ý nghĩa lớn với công dân mà bị mất, hư hỏng thì Sở Tư pháp xử lý theo 4 hướng.

Ngoài ra, trường hợp biểu mẫu sổ, giấy tờ hộ tịch chưa sử dụng mà bị hư hỏng, mất, Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực đề nghị Sở Tư pháp chỉ đạo các xã, huyện thống kê cụ thể số lượng, báo cáo đề xuất UBND cấp tỉnh có phương án hỗ trợ, không để thiếu biểu mẫu hộ tịch, làm kéo dài thời gian giải quyết thủ tục đăng ký hộ tịch của người dân.

 

*Dantri.com.vn (25/4): Hà Nội có thêm 5 quận vào năm 2025

Thành ủy Hà Nội vừa ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm và Đan Phượng thành quận của thành phố.

Theo quyết định do Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ban hành, Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của thành phố gồm 26 người, trong đó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh được phân công làm trưởng ban.

Ban này có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng, phát triển 5 huyện: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm và Đan Phượng thành quận thuộc TP Hà Nội.

Trước đó, tại Hội nghị học tập, quán triệt, tuyên truyền 10 Chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, trong 19 chỉ tiêu của Chương trình số 03-CTr/TU, đến năm 2025, thành phố sẽ hoàn thành Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận đối với 5 huyện nêu trên.

 

*Dantri.com.vn (26/4): Cuối tháng 6 có thể khai thác đường bay Hà Nội, TP.HCM đến Cà Mau

Theo UBND tỉnh Cà Mau, phấn đấu đến cuối tháng 6/2021, Bamboo Airways có thể khai thác các đường bay từ Hà Nội, TP.HCM đến tỉnh Cà Mau.

Ngày 24/4, UBND tỉnh Cà Mau cho biết phương án khai thác sân bay Cà Mau với đường bay từ Hà Nội, TPHCM bằng tàu E175AR/E175LR.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi thống nhất để đơn vị này chịu trách nhiệm tổ chức khai thác bay, cấp dầu, đảm bảo an toàn bay.

Tỉnh Cà Mau sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hãng bay trong việc tiếp nhiên liệu tại sân bay Cà Mau; đồng thời, các ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ những vấn đề liên quan đến hoạt động bay, như kỹ thuật, vệ sinh môi trường, cứu hỏa...

Theo UBND tỉnh Cà Mau, phấn đấu đến cuối tháng 6/2021, Bamboo Airways có thể khai thác các đường bay từ Hà Nội, TP.HCM đến Cà Mau.

 

*Dantri.com.vn (26/4): Giải thưởng Sao Khuê 2021 vinh danh 180 giải pháp, dịch vụ công nghệ số

Ngày 24/4, tại Hà Nội, 180 giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin xuất sắc của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đã bước lên bục để nhận Giải thưởng Sao Khuê 2021.

Sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp với các đơn vị tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT). 

 

Theo thống kê của Ban tổ chức cuộc thi, Giải thưởng Sao Khuê năm nay đã có gần 300 đề cử từ 161 doanh nghiệp, tăng 57,8% so với năm 2020.  

Đây là số lượng đề cử, cũng như số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia lớn nhất kể từ khi chương trình ra đời đến nay. 

Các giải được trao bao gồm 25 nền tảng, 32 dịch vụ và 123 sản phẩm giải pháp. Bắt nhịp xu hướng chung của chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, các công nghệ, phần mềm nhận giải năm nay đều là những "giải pháp số" tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số trong các ngành kinh tế trọng điểm như Chính phủ số, tài chính, giáo dục, y tế…  

 

*Nld.com.vn (26/4): TP HCM thí điểm thu thuế nhà cho thuê

Cơ quan thuế có thể phối hợp với ban quản trị chung cư, công an địa phương, các văn phòng công chứng để xác định giá cho thuê nhà ở làm cơ sở tính thuế

Lâu nay người cho thuê nhà, cho thuê căn hộ đã đóng thuế thu nhập cá nhân (nếu tổng nguồn thu trên 9 triệu đồng/tháng) nhưng vẫn còn tình trạng né thuế, trốn thuế. Nếu áp dụng thu thuế đối với bất động sản cho thuê thì cơ quan thuế sẽ áp dụng thêm phần này, người có nhiều nhà cho thuê sẽ phải đóng thuế cao hơn so với trước đây.

Chặn thất thu thuế do người cho thuê kê khai thiếu trung thực

Cục Thuế TP HCM vừa có tờ trình UBND TP HCM về kế hoạch thu thuế một số lĩnh vực, trong đó có các biện pháp thu thuế căn hộ cho thuê tại một số chung cư, khu nhà ở, cao ốc trên địa bàn TP. Cụ thể, cơ quan này sẽ xin thí điểm thu thuế căn hộ, nhà ở cho thuê tại quận 11, bao gồm chung cư Res 11, khu nhà ở thương mại Thuận Việt, cao ốc Bảo Gia, chung cư 70 Lữ Gia, cao ốc Khải Hoàn.

Lãnh đạo Cục Thuế cho biết nếu được UBND TP chấp thuận thì trước mắt, cơ quan thuế sẽ vận động cá nhân, tổ chức cho thuê nhà kê khai thuế, cung cấp thông tin hợp đồng cho thuê để so sánh giá cho thuê thực tế với giá kê khai nộp thuế. Trường hợp bên cho thuê nhà không kê khai hay kê khai không đúng so với giá cho thuê thực tế thì cơ quan thuế sẽ làm việc để xác định giá cho thuê và căn cứ vào mức giá này làm cơ sở tính thuế.

Người đi thuê sẽ "lãnh" trọn?

Một số cá nhân đang có căn hộ cho thuê nhìn nhận việc thí điểm thu thuế căn hộ cho thuê là phù hợp. Tuy nhiên, giá cho thuê nhà tăng giảm tùy thời điểm nên mức thuế cũng cần được tính toán sao cho tương xứng với điều kiện thực tế và giá trị cho thuê. Thanh Toàn, một người môi giới bất động sản đang nắm nhiều căn hộ chung cư khách hàng ký gửi tại quận 11, cho hay thị trường căn hộ cho thuê tại quận 11 chưa có dấu hiệu gì liên quan việc áp thuế. Tuy nhiên, trường hợp TP áp dụng thu thuế cho thuê căn hộ thì chủ nhà sẽ chịu trách nhiệm đóng thuế. "Nếu mức thuế cao, chắc chắn chủ nhà sẽ nâng giá cho thuê để bù vào số tiền đóng thuế. Trong khi đó, một số khu vực khác nếu chưa áp dụng thì có thể giá thuê sẽ tốt hơn. Điều này chưa công bằng cho quận nào thí điểm sớm" - anh Thanh Toàn nêu quan điểm.

Một chủ nhà trọ tại Bình Tân cũng chia sẻ hiện đã đóng thuế khoán 10% cho khoản doanh thu từ cho thuê nhà trọ dưới 100 triệu đồng/năm. Mức thuế này là chấp nhận được, nếu buộc đóng đúng đóng đủ thì chắc chắn sẽ phải áp vào giá cho thuê chứ không thể gồng gánh vì chi phí đầu tư, quản lý nhà trọ rất tốn kém. Cuối cùng, người đi thuê sẽ phải chịu khoản thuế phát sinh này.

 

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

*Chinhphu.vn (26/4): Phấn đấu cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức 4 trong năm 2021

Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp để đạt được mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021.

Trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Cụ thể, tính đến hết năm 2020, tỷ lệ DVCTT mức độ 4 trung bình của cả nước là 30,86%, đạt mục tiêu năm 2020 nêu tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.

Để phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số trong giai đoạn mới, việc cung cấp DVCTT vẫn là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Do vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các bộ, ngành, địa phương: Tiếp tục triển khai quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp để đạt được mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021.

Đối với các dịch vụ công không đủ điều kiện đưa lên trực tuyến mức độ 4, cần ứng dụng triệt để các giải pháp kỹ thuật nhằm đưa tối đa các hoạt động cung cấp dịch vụ công lên môi trường mạng, từ quá trình nộp, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho đến trả kết quả tới người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông giao Cơ quan chuyên trách về công nghệ thông tin của các bộ, ngành xây dựng kế hoạch triển khai DVCTT mức độ 4, trong đó cần thể hiện rõ mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021. Đồng thời phải có danh sách các dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021 và danh sách các dịch vụ công không đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 (kèm theo giải thích nguyên nhân không đủ điều kiện). Kế hoạch gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Tin học hóa) trước ngày 29/4/2021 để theo dõi và đôn đốc. 

 

*Thoibaotaichinhvietnam.vn (26/4): Ngành Thuế chủ động, kiến tạo trong chuyển đổi số

Với định hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, ngành Thuế dần chủ động, kiến tạo và đi đầu trong việc chuyển đổi số thông qua xây dựng hệ thống quản lý thuế tích hợp và môi trường làm việc tích hợp.

Triển khai đồng bộ các giải pháp hạ tầng kỹ thuật

Theo Cục Công nghệ Thông tin - Tổng cục Thuế, trong những năm qua, ngành Thuế đã triển khai hạ tầng kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế. Đồng thời, chuyển đổi hệ thống từ kiến trúc xử lý phân tán tại địa phương thành kiến trúc xử lý tập trung tại Tổng cục Thuế; triển khai các giải pháp công nghệ quản lý hạ tầng tiên tiến, hiện đại nhằm tăng sự linh hoạt, giảm thời gian triển khai hệ thống CNTT, nâng cao hiệu quả sử dụng, chia sẻ tài nguyên hệ thống và giảm kinh phí đầu tư hạ tầng;… tạo tiền đề triển khai các giải pháp, công nghệ ứng dụng cuộc cách mạng 4.0 và chuyển đổi số. 

Đơn cử, ngành Thuế đã triển khai hệ thống mạng Intranet với tốc độ cao kết nối giữa trung tâm miền Bắc và miền Nam, kết nối từ cục thuế đến trung tâm tỉnh và đến trung tâm miền. Hạ tầng truyền thông kết nối các chi cục thuế với trung tâm tỉnh theo Dự án Hạ tầng truyền thông ngành Tài chính đảm bảo đáp ứng yêu cầu truyền nhận dữ liệu để triển khai ứng dụng quản lý thuế xử lý tập trung, khai nộp thuế điện tử, hoàn thuế. 

Về hạ tầng trung tâm dữ liệu, bước đầu tiên trong quá trình hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi chiến lược từ xử lý phân tán về xử lý tập trung tại Tổng cục Thuế là triển khai hệ thống hạ tầng kỹ thuật Trung tâm dữ liệu ngành Thuế năm 2010. 

Tiếp tục hiện đại hóa công nghệ thông tin

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, Tổng cục Thuế đã xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, hệ thống CNTT của Tổng cục Thuế cần đáp ứng các mục tiêu sau: Tiếp tục xây dựng một hệ thống thông tin quản lý thuế tích hợp, tập trung, đảm bảo công khai minh bạch, hiệu quả, tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động, cũng như đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả  trong quản lý nhà nước. Xây dựng một môi trường làm việc số, tích hợp cho cán bộ thuế, giúp tinh giản và tự động hóa các quy trình hoạt động nội bộ, cung cấp khả năng tra cứu thông tin và xử lý nghiệp vụ trên thiết bị di động, thiết lập văn phòng không giấy tờ.

Cung cấp các dịch vụ điện tử và các dữ liệu điện tử bao gồm dữ liệu mở, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia để tạo thuận lợi cho người nộp thuế, góp phần nâng cao xếp hạng của Việt Nam về mức độ đơn giản, thuận lợi về thuế. Cùng với đó, xây dựng các nền tảng số cung cấp dịch vụ số bao gồm hệ thống quản lý hóa đơn điện tử và nền tảng truyền nhận dữ liệu hóa đơn điện tử, dịch vụ định danh, xác thực mã số thuế theo kế hoạch về định danh và xác thực điện tử, các dịch vụ dữ liệu mở,... cho các tổ chức, doanh nghiêp và người dân.

Xây dựng các nền tảng tích hợp, nền tảng dữ liệu lớn. Xây dựng nền tảng dữ liệu chuyên ngành Thuế và dữ liệu ngành Tài chính để cung cấp thông tin đầy đủ cho việc chỉ đạo điều hành, kết nối trao đổi thông tin liên thông giải quyết thủ tục hành chính giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các nền tảng thu thập và phân tích dữ liệu lớn để hỗ trợ công tác quản lý thuế và hoạch định chính sách.

Một mục tiêu nữa là duy trì và nâng cấp hạ tầng CNTT với công nghệ hiện đại, bảo mật đảm bảo thực hiện tốt các yêu cầu trao đổi tích hợp thông tin trong và ngoài ngành. Phát triển hạ tầng kỹ thuật CNTT, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, đồng bộ. Đảm bảo hệ thống CNTT vận hành liên tục, hiệu quả, an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu.

 

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

*Dantri.com.vn (26/4): BV Bạch Mai "gạ" người bệnh phẫu thuật bằng robot, thu sai 16 triệu đồng/ca

Bệnh viện Bạch Mai nói với người bệnh, người nhà bệnh nhân rằng, trong quá trình phẫu thuật thần kinh - sọ não có sự hỗ trợ của robot, người bệnh sẽ giảm biến chứng, ít đau đớn, phục hồi nhanh.

Căn cứ vào thông tin, số liệu do Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cung cấp, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã điều tra xác minh, làm việc, ghi lời khai đối với những người bệnh, người nhà bệnh nhân tại 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ủy thác điều tra đối với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an 17 tỉnh. Kết quả: Những người bệnh/người nhà người bệnh khi đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai đều được giải thích về các phương pháp điều trị phẫu thuật thần kinh - sọ não, trong đó hình thức phẫu thuật thông thường, không có sự hỗ trợ bằng robot thì chi phí rẻ hơn, được bảo hiểm y tế chi trả một phần. Còn hình thức phẫu thuật có sự hỗ trợ của robot là điều trị dịch vụ không được bảo hiểm chi trả, chi phí cao hơn, khoảng trên dưới 100 triệu đồng/ca tùy thuộc vào số ngày giường, vật tư tiêu hao...; trong quá trình phẫu thuật, nhưng người bệnh sẽ giảm biến chứng, ít đau đớn, phục hồi nhanh.

Theo kết luận điều tra, người bệnh/gia đình người bệnh không được biết robot do đối tác liên doanh, liên kết lắp đặt tại Bệnh viện Bạch Mai, không được giải thích  cụ thể từng loại chi phí trong quá trình phẫu thuật, không được biết chi phí khấu hao thiết bị robot, nhưng với mong muốn nhanh lành bệnh nên đã lựa chọn phẫu thuật có sự hỗ trợ của robot, ký giấy cam đoan sử dụng dịch vụ.

Quá trình làm việc với cơ quan điều tra, người bệnh/gia đình được biết vi phạm trọng quá trình liên doanh, liên kết, nâng giá thiết bị robot tại Bệnh viện Bạch Mai thì chi phí khấu hao chênh lệch cao hơn thực tế hơn 16 triệu đồng/ca, họ đều có đề nghị được các cơ quan tiến hành tố tụng cho nhận lại số tiền này.

 

*Nld.com.vn (26/4): Sai phạm "động trời" của nguyên Chủ tịch UBND TP Trà Vinh

Nguyên Chủ tịch UBND TP Trà Vinh Diệp Văn Thạnh cùng đồng phạm thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất và miễn, giảm tiền sử dụng đất cho người có công trái với quyết định của Thủ tướng.Chính phủ

Ngày 25-4, theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, VKSND tỉnh Trà Vinh vừa hoàn tất cáo trạng vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát" và truy tố các bị can: Diệp Văn Thạnh (nguyên Chủ tịch UBND TP Trà Vinh), Trần Trường Sơn (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Trà Vinh).

Ngoài ra, VKSND tỉnh Trà Vinh còn truy tố các bị can là cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường TP Trà Vinh, gồm: Lê Hữu Lễ (nguyên trưởng phòng), Nguyễn Văn Chiến (nguyên trương phòng) Lý Kiến Trung (nguyên phó trưởng phòng), Trần Thanh Sơn, Nguyễn Trọng Nghĩa (nguyên chuyên viên); Trần Mười, Trần Thanh Vũ, Huỳnh Công Chức, Lê Hoàng Anh ("cò đất"), Trầm Ngọc Long (nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Ngọc Long) và 5 bị can khác.

 

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

*Thông tấn xã (25/4): Quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, ngành thuế sẽ tập trung cùng Bộ Tài chính và cả nước tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh... phấn đấu đến năm 2030 môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu (theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới).

Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030 hướng đến 2 mục tiêu đổi mới đồng bộ hệ thống chính sách thuế để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng ngành thuế hiện đại, tập trung, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Để đạt được 2 mục tiêu này, việc cải cách phải đảm bảo tính ổn định, bền vững về quy mô nguồn lực, có mức động viên hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước, góp phần thiết lập môi trường kinh tế cạnh tranh phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế. Cụ thể, tập trung triển khai thành 2 giai đoạn gồm giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030, đảm bảo thực hiện đúng các mục tiêu đề ra, tạo tiền đề để ngành thuế triển khai thắng lợi toàn bộ Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, đổi mới đồng bộ hệ thống chính sách thuế để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, đảm bảo tính ổn định, bền vững của quy mô nguồn lực; có mức động viên hợp lý các nguồn lực cho ngân sách Nhà nước góp phần thiết lập môi trường kinh tế cạnh tranh phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế.

Ngoài ra, xây dựng ngành thuế hiện đại, tập trung, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, chuyên sâu, chuyên nghiệp theo phương pháp quản lý rủi ro, đồng thời dựa trên nền tảng thuế điện tử. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số, phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng chính phủ số, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số.

Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 đã xây dựng ngành thuế Việt Nam hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện dựa trên ba nền tảng cơ bản thể chế chính sách thuế minh bạch, quy trình thủ tục hành chính thuế đơn giản, khoa học phù hợp với thông lệ quốc tế; nguồn nhân lực có chất lượng, liêm chính; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, có tính liên kết, tích hợp, tự động hóa cao

 

THẾ GIỚI

*Dantri.com.vn (26/4): Thái Lan trải qua ngày chết chóc nhất vì Covid-19

Giới chức Thái Lan đang tăng cường các biện pháp nhằm đối phó với đợt bùng phát Covid-19 mới trong bối cảnh số ca mắc và tử vong tăng mạnh.

Theo số liệu của Bộ Y tế Thái Lan, trong ngày 25/4, nước này ghi nhận gần 2.500 ca mắc mới và 11 ca tử vong do Covid-19. Đây là ngày thứ hai liên tiếp Thái Lan ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 kỷ lục. Đến nay, nước này ghi nhận hơn 55.000 ca mắc, trong đó 140 trường hợp đã tử vong.

Mặc dù năm ngoái Thái Lan đã khá thành công trong việc hạn chế đà lây lan của Covid-19, nhưng sự xuất hiện của biến chủng virus mới có tên gọi B.1.1.7 khiến Thái Lan ghi nhận khoảng 27.000 ca mắc, 46 ca tử vong chỉ trong vòng 25 ngày qua.

Để đối phó với làn sóng lây lan mới, Thái Lan sẽ làm chậm tốc độ cấp thị thực cho công dân nước ngoài đến từ Ấn Độ. Ngoài ra, thời gian cách ly với du khách sẽ kéo dài từ 10 ngày lên 14 ngày cho đến khi tình hình cải thiện, Reuters dẫn lời một quan chức Bộ Y tế Thái Lan cho hay.

Các biện pháp khác được Thái Lan áp dụng trong tuần qua gồm đóng cửa các cơ sở thể thao, giải trí từ ngày 26/4 đến 9/5. Bangkok cũng đưa ra án phạt tới 20.000 Baht với người vi phạm quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng. Các trung tâm thương mại vẫn được mở cửa nhưng bị giới hạn giờ mở cửa ở Bangkok và 17 tỉnh thành khác.

 

*Dantri.com.vn (26/4): Ấn Độ "vỡ trận" vì Covid-19, Mỹ, EU hỗ trợ khẩn cấp

Mỹ, Anh và các nước Liên minh châu Âu (EU) cam kết hỗ trợ khẩn cấp cho Ấn Độ từ ôxy, trang thiết bị y tế đến thuốc men để đối phó với "sóng thần" Covid-19.

Ủy viên EU chuyên trách vấn đề cứu trợ nhân đạo Janez Lenarcic cho hay, các thành viên của khối đã phối hợp để cung cấp ôxy và thuốc men cho Ấn Độ.

Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua cũng tuyên bố chính phủ của bà đang chuẩn bị hỗ trợ khẩn cấp cho Ấn Độ. Tuy chưa có thông tin chi tiết về gói cứu trợ của Đức nhưng báo Der Spiegel đưa tin, các lực lượng vũ trang của nước này đã nhận được đề nghị hỗ trợ tổ chức cung cấp ôxy cho Ấn Độ.

Cùng ngày, chính phủ Anh cho biết, nước này sẽ chuyển hơn 600 thiết bị y tế, trong đó có máy thở để giúp Ấn Độ đối phó làn sóng Covid-19 mới. Lô hàng cứu trợ này dự kiến sẽ cập cảng Ấn Độ vào hôm 27/4. "Chúng tôi sát cánh cùng Ấn Độ với vai trò bạn bè, đối tác trong giai đoạn thử thách đối phó đại dịch Covid-19", Thủ tướng Anh Boris Johnson nói.

Trong cuộc điện đàm hôm qua với Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval, Cố vấn An ninh Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết, Mỹ sẽ hỗ trợ y tế thêm cho Ấn Độ trong cuộc chiến đối phó Covid-19. Theo đó, Mỹ sẽ cho phép xuất khẩu cho Ấn Độ các nguyên liệu thô cần thiết cho sản xuất vắc xin, cũng như gửi các bộ xét nghiệm Covid-19, máy thở, quần áo bảo hộ cho Ấn Độ. Trước đó, Mỹ cấm xuất khẩu nguyên liệu thô dùng để sản xuất vắc xin Covid-19 với lý do đáp ứng nhu cầu trong nước trước tiên.

Ấn Độ đang chật vật đối phó với làn sóng Covid-19 mới mà giới chức nước này ví như "sóng thần" tàn phá đất nước. Trong ngày 25/4, Ấn Độ ghi nhận thêm gần 350.000 ca mắc mới, đánh dấu ngày thứ 4 liên tiếp Ấn Độ lập kỷ lục thế giới về số ca mắc trong ngày. Đến nay, Ấn Độ ghi nhận tổng cộng hơn 17,3 triệu ca mắc, trong đó hơn 195.000 người đã tử vong vì Covid-19.

 

*Dantri.com.vn (25/4): Campuchia trải qua "ngày đen tối nhất"

Covid-19 đang có xu hướng bùng phát mạnh tại một số nước Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan buộc chính phủ phải ban hành các biện pháp ứng phó nghiêm ngặt.

Campuchia trải qua "ngày đen tối nhất" trong đại dịch

Theo Bộ Y tế Campuchia, trong ngày 24/4, nước này ghi nhận kỷ lục 10 ca tử vong vì Covid-19. Đây là ngày có số người tử vong vì Covid-19 cao nhất ở Campuchia kể từ khi dịch bùng phát và ghi nhận ca tử vong đầu tiên hồi tháng 3.

Đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 9.359 ca mắc Covid-19 mặc dù chỉ mới gần đây Campuchia là một trong những quốc gia có số người mắc Covid-19 thấp nhất thế giới. Campuchia có tổng cộng 71 ca tử vong vì Covid-19 và tất cả đều là các ca ghi nhận trong khoảng 2 tháng trở lại đây.

Trước tình hình dịch lây lan nhanh, thủ đô Phnom Penh chính thức phong tỏa hai tuần bắt đầu từ ngày 15/4, đồng thời khoanh các "vùng đỏ", cấm người dân ra khỏi nhà trừ các lý do cấp thiết về y tế.

 

*Dantri.com.vn (24/4): Dịch Covid-19 lây lan nhanh, Lào chuẩn bị lập 3 bệnh viện dã chiến

Chiều 23/4, Lào xác nhận có thêm 88 ca mắc Covid-19 mới. Đáng chú ý, tất cả những ca mắc Covid-19 mới đều lây nhiễm từ cộng đồng, với tâm điểm là ổ dịch ở thủ đô Vientiane liên quan đến bệnh nhân thứ 59 và những người bạn nhập cảnh trái phép của cô.

Trong 88 ca mắc Covid-19 mới, chỉ có 2 ca ở tỉnh Bokeo và 2 ca ở tỉnh Champasak. Với 84 ca còn lại, thủ đô Vientiane tiếp tục là ổ dịch nguy hiểm nhất của Lào đến thời điểm hiện tại.

Tính đến ngày 24/4, Lào đã ghi nhận có 247 ca mắc Covid-19. Trong đó gần 200 ca mắc mới từ trung tuần tháng 4 trở lại đây là lây nhiễm cộng đồng. Trước nguy cơ dịch lây nhiễm ra diện rộng, đến hôm nay, ít nhất 10 tỉnh/thành phố của Lào, trong đó có nhiều tỉnh giáp với Thái Lan và Việt Nam như Bolikhamxay, Xieng Khuang, Khammuan, Attapeu và Salavan, Champasak, Bokeo, Xayabouri, thủ đô Vientiane đã ra lệnh phong tỏa, cấm người ra vào. Đồng thời cảnh báo những người vượt biên, người hỗ trợ hoặc bao che cho các đối tượng nhập cảnh trái phép phải chịu toàn bộ các chi phí thiệt hại phát sinh, nếu làm lây lan dịch bệnh sẽ phải đối mặt với các biện pháp xử phạt nghiêm khắc theo quy định pháp luật.

Trong khi đó, các bệnh viện tuyến Trung ương của Lào đang gấp rút bổ sung năng lực tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 và xúc tiến việc thành lập 3 bệnh viện dã chiến với qui mô 1.150 giường để tiếp nhận các bệnh nhân, dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới.

 

* Vietnamplus.vn  (26/4): Indonesia sẽ đề nghị quốc tế giúp trục vớt tàu ngầm bị chìm

Quân đội Indonesia cho biết sẽ gửi yêu cầu hỗ trợ tới Văn phòng tìm kiếm và cứu hộ tàu ngầm quốc tế nhằm trục vớt phần thân tàu ngầm KRI Nanggala 402 bị chìm ở độ sâu 838 mét tại vùng biển Bali.

Ngày 25/4, Quân đội Indonesia cho biết sẽ gửi yêu cầu hỗ trợ tới Văn phòng tìm kiếm và cứu hộ tàu ngầm quốc tế (ISMERLO) nhằm trục vớt phần thân tàu ngầm KRI Nanggala 402 bị chìm ở độ sâu 838 mét tại vùng biển Bali.

Phát biểu họp báo, Tư lệnh Quân đội Indonesia, Nguyên soái Hadi Tjahjanto cho hay: "Để trục vớt tàu KRI Nanggala 402, chắc chắn cần sự hợp tác quốc tế."

Trong khi đó, Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia, Đô đốc Yudo Margono cũng cam kết trực vớt con tàu bất chấp rủi ro do xác tàu đắm nằm sâu dưới đáy biển.

Theo ông Yudo, đề nghị giúp đỡ đã được các quốc gia thành viên ISMERLO đồng ý. Tuy nhiên Chính phủ Indonesia cần chính thức đề nghị và phải được chính quyền các nước chấp thuận.

Trước đó chiều 25/4, Tư lệnh Quân đội Indonesia, Nguyên soái Hadi Tjahjanto và Tư lệnh Hải quân Indonesia, Đô đốc Yudo Margono, thông báo đã xác định được vị trí các mảnh vỡ của tàu ngầm KRI Nanggala-402 ở đáy biển ngoài khơi đảo Bali.

Toàn bộ 53 thành viên thủy thủ đoàn đã thiệt mạng./.

 

*Thoibaotaichinhvietnam.vn (26/4): Hơn 1 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn cầu

Hơn 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được sử dụng trên toàn cầu tính tới ngày 24/4, mang lại hy vọng cho cuộc chiến chống đại dịch nguy hiểm này trong bối cảnh số ca mắc trên thế giới tiếp tục tăng mạnh, chủ yếu do sự gia tăng số ca mắc ở Ấn Độ.

Theo thống kê của hãng tin AFP (Pháp) dựa trên các nguồn tin chính thức, đã có ít nhất 1.002.938.540 liều vaccine được sử dụng tại 207 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hơn một nửa trong số đó, khoảng 58%, đã được sử dụng tại 3 nước gồm Mỹ với 225,6 triệu liều, Trung Quốc với 216,1 triệu liều và Ấn Độ với 138,4 triệu liều./.

 

*Thoibaotaichinhvietnam.vn (26/4): Thâm hụt ngân sách cao kỷ lục từ sau Thế chiến II, Anh có thể vẫn tiếp tục vay mượn

Nguồn thu thuế giảm trong khi lại phải thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nhằm đối phó với đại dịch Covid-19 đã đẩy mức thâm hụt ngân sách của Vương quốc Anh lên mức cao nhất kể từ sau Thế chiến II.

Theo số liệu ước tính tạm thời của Văn phòng Thống kê quốc gia Vương quốc Anh (ONS), trong năm tài chính từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2021, Chính phủ Anh đã phải đi vay tổng cộng 303,1 tỷ bảng, tăng mạnh 246 tỷ bảng so với mức 57,1 tỷ bảng của năm tài chính trước đó.

Mặc dù quy mô vay mượn lớn như vậy, nhưng ONS cho biết tổng vay mượn của chính phủ Anh trong năm tài chính 2020 - 2021 vẫn thấp hơn so với mức 327,4 tỷ Bảng mà Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách đã dự báo trong bản Ngân sách công bố ngày 3/3.

Tuy con số đi vay thấp hơn dự kiến, nhưng đại dịch Covid-19 đã làm nền kinh tế Vương quốc Anh sụt giảm nghiêm trọng dẫn đến quy mô thâm hụt ngân sách của Anh trong năm tài chính 2020-2021 là 14,5% GDP, thấp hơn một chút so với mức 15,2% Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) vào năm cuối của Thế chiến II, nhưng cao hơn nhiều mức 10% GDP trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - 2009.

Với mức vay mượn này, tỷ lệ nợ công của Vương quốc Anh đã bị đẩy lên mức 97,7% GDP, cao nhất kể từ đầu những năm 1960.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo rằng mức vay mượn ước tính của chính phủ Anh cho năm tài chính 2020-2021 có thể sẽ tăng thêm trong những tháng tới khi ONS tính bổ sung các khoản thua lỗ có thể xảy ra đối với các chương trình cho doanh nghiệp vay của chính phủ.

Xem chi tiết tại đây

Tin mới nhất

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23/12 đến 26/12 năm 2023(26/12/2023 10:49 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 20/12 đến 22/12 năm 2023(22/12/2023 7:33 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 16/12 đến 19/12 năm 2023(19/12/2023 9:45 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 13/12 đến 15/12 năm 2023(15/12/2023 11:03 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 09/12 đến 12/12 năm 2023(12/12/2023 6:36 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 05/12 đến 08/12 năm 2023(08/12/2023 11:28 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01/12 đến 04/12 năm 2023(05/12/2023 5:51 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/11 đến 1/12 năm 2023 (01/12/2023 8:54 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25/11 đến 27/11 năm 2023(27/11/2023 8:59 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 3/11 đến 8/11 năm 2023(08/11/2023 9:22 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/10 đến 31/10 năm 2023(01/11/2023 9:20 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 21/10 đến 24/10 năm 2023(25/10/2023 9:34 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 11/10 đến 13/10 năm 2023(24/10/2023 5:47 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 9:22 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 2:34 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 7/10 đến 10/10 năm 2023(11/10/2023 5:11 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 04 đến ngày 06 tháng 10 năm 2023(06/10/2023 10:50 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 10 năm 2023(04/10/2023 4:02 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 8 năm 2023(31/08/2023 2:12 SA)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 8 năm 2023(25/08/2023 5:33 CH)

<< < 1 2 3 4 5  ... > >> 
°
Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
373 người đã bình chọn