Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 02 tháng 02 đến ngày 05 tháng 02 năm 2021

Update 05 - 02 - 2021
100%

TIN ĐIỆN BIÊN

* Baomoi.vn(3/2): Điên Biên: Trường hợp F1 ở Mường Ảng 2 lần xét nghiệm âm tính với Covid-19

Báo cáo nhanh của TTYT huyện Mường Ảng thể hiện chị L.T.C (SN 2000) trú tại bản Na Luông, xã Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên) là trường hợp F1. Chị L.T.C là nhân viên phục vụ quán karaoke trên địa bàn xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Lịch trình di chuyển của L.T.C được xác định như sau: Vào hồi 19h00 ngày 29/1 chị  L.T.C bắt xe khách (nhà xe Thành Công tuyến Điện Biên – Hải Phòng – Quảng Ninh) cùng 4 người gồm: L.T.N (Sn 2005) trú tại bản Nong Háng, xã Ẳng Cang; C.T.V (Sn 2006) trú tại bản Co Sản, xã Ẳng Cang, C.T.B (Sn 2007) trú tại bản Củ, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng và một nam giới trú tại xã Nà Tấu, Tp. Điện Biên Phủ.

Khoảng 6h30 ngày 30/1 tới thị trấn Mường Ảng. Sau khi xuống xe, chị L.T.C cùng 3 người bạn vào ăn bún tại quán gần trường tiểu học thị trấn Mường Ảng. Sau khi ăn sáng xong được bố và cô đến đón về nhà tại bản Na Luông. Sau khi về nhà chị  L.T.C có ra trạm y tế xã Ẳng Nưa khai báo, tiếp xúc với 1 bác sỹ của trạm. Sau khi khai báo y tế xong về nhà. Khoảng 19h ngày 30/1, chị L.T.C sang chơi nhà cô chú tại bản Na Luông. Do nhà cô chú đang dựng rạp làm cỗ liên hoan nhà mới nên  chị L.T.C đã tiếp xúc với nhiều người, hiện chưa rõ danh tính cụ thể.

Ngày 31/1, chị  L.T.C ở nhà không đi đâu, đến 22h, 3 người bạn đi cùng chuyến xe khách với chị L.T.C đến nhà chơi và ngủ lại. Khoảng 8h ngày 1/2, chị L.T.C cùng 3 người bạn đi ăn sáng. Tại quán ăn sáng đã tiếp xúc thêm một số khách ăn sáng tại quán, chưa rõ danh tính. Sau khi ăn sáng chia tay 3 bạn, đi về nhà. Cả ngày ở nhà không tiếp xúc với ai.

Ngày 2/2, chị L.T.C ở nhà, đén 10h đi rút tiền tại cây ATM huyện Mường Ảng, tại đây gặp 1 nam 1 nữ vừa đi ra khỏi cây rút tiên. Sau khi rút tiền ra đã gặp bạn là L.T.T (SN 2001 – bản Na Hán, xã Ẳng Nưa) cả 2 sau đó cùng nhau đi chợ thị trấn Mường Ảng tiếp xúc với nhiều người tại chợ. Sau đó chị L.T.C về nhà bạn ăn cơm, tiếp xúc với bố, mẹ, em của bạn. Chiều ngày 2/2, chị L.T.C có đi uấn tóc tại 1 của hàng trên địa bàn thị trấn Mường Ảng… Sau đó, chị L.T.C đã đi nhiều nhà người thân và bạn bè trong ngày 2/2, chưa xác định cụ thể những người đã tiếp xúc. Hiện tại, chị L.T.C được xác định là F1 với Covid- 19. Cơ quan Y tế của tỉnh Điện Biên đã áp dụng các biện pháp kiểm tra, theo dõi y tế bắt buộc đối với L.T.C và những người liên quan. Thông tin từ BCĐ Phòng chống Covid-19 huyện Mường Ảng cho biết, qua 2 lần xét nghiệm, L.T.C đều âm tính với Covid-19. Huyện Mường Ảng khuyến cáo người dân không nên hoang mang trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, mà cần chủ động đối phó. Địa phương này cũng yêu cầu người dân không lơ là, chủ quan trước dịch bệnh.

 

* Giaoducthoidai.vn(2/2): Điện Biên: Ngăn chặn, tạm giữ 8 người Lào tìm cách vượt biên trái phép

Tháng 2/2020, 8 người quốc tịch Lào đã vượt biên sang Việt Nam, làm thuê tại Thái Nguyên. Ngày 31/1/2021, 8 đối tượng trên đang tìm cách vượt biên để về Lào thì bị Bộ đội Biên phòng phát hiện, ngăn chặn kịp thời.Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Điện Biên, xác nhận: Đồn Biên phòng Mường Pồn vừa phát hiện, bắt giữ 8 đối tượng là công dân nước CHDCND Lào về hành vi xuất cảnh trái phép.

Theo đó, khi làm nhiệm vụ tại chốt phòng, chống dịch Covid -19 thuộc khu vực mốc 89 (tuyến biên giới Việt Nam - Lào), 14 giờ 15 phút ngày 1/2, Tổ công tác của Đồn Biên phòng Mường Pồn đã phát hiện 8 người di chuyển trên hai xe ta-xi hướng từ trung tâm xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) lên khu vực bản Pá Chả (gần đường mòn ra biên giới). Thấy có biểu hiện nghi vấn, tổ công tác đã yêu cầu kiểm tra hành chính và tiến hành các biện pháp y tế theo quy định phòng, chống dịch.Qua kiểm tra, xác minh, Đồn biên phòng Mường Pồn làm rõ, trong 8 người có 6 nam, 2 nữ. Tất cả đều trú tại bản Huổi Lái, cụm bản Nậm Là, huyện Mường Mày, tỉnh Phong Sa Ly (Lào). Danh tính 8 người được xác định gồm: Lò Văn Tuyên (SN 1988); Lò Văn Kho (SN 2001); Quàng Thị Khò (SN 1995); Quàng Văn Hải (SN 1998); Quàng Văn Soi (SN 1989); Lò Văn Thức (SN  1985); Lò Thị My Na (SN 1998); Quàng Văn Vi (SN 2002).Các đối tượng thừa nhận, đầu tháng 2/2020 đã vượt biên từ Lào vào Việt Nam đi làm thuê cho doanh nghiệp xây dựng tại thành phố Thái Nguyên. Đến ngày 31/1 các đối tượng bắt xe từ Thái Nguyên về Điện Biên để vượt biên về Lào. Khi di chuyển đến địa điểm trên thì bị Bộ đội Biên phòng phát hiện bắt giữ.

 

* Baodienbienphu.info.vn(2/2): Không để hành khách nhỡ xe ngày tết

Để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, ngành Giao thông vận tải và các đơn vị, HTX vận tải trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai các phương án, tăng cường công tác vận tải hành khách, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, không để bất cứ một hành khách nào không có xe về quê đón tết.

Những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến khá phức tạp nhưng nhiều người dân đã mua vé xe để về quê đón tết từ trước. Phòng bán vé xe khách của Bến xe khách TP. Điện Biên Phủ đã tiến hành bán vé xe tết cho hành khách từ ngày 13/1 (Mùng 1 Tháng Chạp). Hiện nay, tại các bến xe trên địa bàn tỉnh có 75 tuyến xe liên tỉnh phục vụ vận chuyển khách đến 26 địa phương, trong đó chủ yếu ở Bến xe TP. Điện Biên Phủ (47/75 chuyến).

Nhằm đảm bảo chuyến xe ngày tết an toàn, Ban Quản lý Bến xe tỉnh đã tổ chức tốt việc bán vé cho hành khách tại các quầy vé thuộc các bến xe trong tỉnh. Phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại dịp tết cho hành khách, Ban Quản lý Bến xe tỉnh đã tuyên truyền đến đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ không vi phạm các quy định đối với người lái và phương tiện khi tham gia giao thông, như: Sử dụng rượu bia, chất kích thích, vi phạm tốc độ, chở hàng cấm, hàng dễ cháy nổ, hàng nguy hiểm, chở quá số người quy định... Xây dựng kế hoạch tăng cường phương tiện vào các ngày cao điểm, đảm bảo kịp thời giải tỏa hành khách với mục tiêu không để hành khách phải chờ đợi lâu tại bến, đặc biệt là không để khách phải chờ xe đến ngày hôm sau.

Đây là những xe khách của HTX Vận chuyển khách, hàng hóa và dịch vụ TP. Điện Biên Phủ. Hiện nay, HTX có 50 xe chạy 8 tuyến liên tỉnh và 4 tuyến nội tỉnh. Thực hiện theo đúng chỉ đạo của Sở Giao thông vận tải, HTX đã quán triệt đến các lái xe, nhân viên phục vụ không tăng giá vé, đồng thời phối hợp với các đơn vị đảm bảo nhu cầu giải tỏa khách đầy đủ không để bị ùn tắc tại các địa điểm. Đồng thời xây dựng phương án, kế hoạch bố trí phương tiện dự phòng, điều động các phương tiện chuyên chạy hợp đồng, phương tiện tuyến nội tỉnh, tuyến có nhu cầu đi lại không cao đăng ký xe tăng cường để chủ động điều xe giải tỏa khách và chuyển tải khách từ những xe bị xử lý hạ tải, xe có sự cố kỹ thuật, tai nạn.

 

* Baodienbienphu.info.vn(3/2): Tủa Thàng chú trọng quản lý, bảo vệ rừng

Trong công tác PCCCR xã Tủa Thàng tập trung xác định các khu vực trọng  điểm như: Tà Huổi Tráng 1, Ðề Chu, Làng Vùa, Phi Giàng 1, 2 là những địa bàn có nguy cơ cháy cao. Thường xuyên kiểm tra các điểm hay xảy ra phá rừng, cháy rừng, khai thác rừng; cất giữ, vận chuyển, mua bán gỗ và lâm sản trái pháp luật. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, có phương án cụ thể cùng với sự chỉ đạo sát sao của Hạt Kiểm lâm huyện, cấp ủy chính quyền xã, sự phối hợp của các cơ quan, đoàn thể và ý thức tự giác của người dân nên mùa khô năm 2019 - 2020 trên địa bàn xã không xảy ra vụ cháy rừng nào. Trong năm 2020 trên địa bàn xảy ra 3 vụ khai thác, vận chuyển, cất giữ lâm sản. Các vụ việc vi phạm đều được phát hiện kịp thời và chuyển cơ quan cấp trên xử lý theo quy định pháp luật.

Mùa khô năm 2020 - 2021,  dự báo thời tiết có thể khô hanh kéo dài. Ðể tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ QLBVR-PCCCR, UBND xã Tủa Thàng xác định duy trì bảo vệ tốt diện tích rừng đã giao cho cộng đồng 9 thôn, đồng thời vận động người dân trồng mới để tăng diện tích rừng trên địa bàn; quyết tâm không để xảy ra cháy rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Thường xuyên tuần tra canh gác, dự báo cháy rừng ở các vùng có nguy cơ cháy cao; đồng thời hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện quy trình đốt dọn nương, xây dựng đường băng cản lửa.

 

* Baodienbienphu.info.vn(3/2): Nậm Pồ sẵn sàng hàng hóa phục vụ tết

Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là đến tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn huyện đang tăng lên. Các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ người dân trong dịp tết được các tiểu thương từ miền xuôi đưa lên địa bàn huyện, các xã vùng sâu, vùng xa tăng đột biến. Ðể đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng không bị mua hàng đắt, hàng kém chất lượng, các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Nguyễn Ngọc Thông, Ðội phó Ðội Quản lý thị trường số 4 cho biết: Ðể đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đơn vị đã xây dựng kế hoạch bố trí các lực lượng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa phục vụ tết trên địa bàn; nắm bắt thông tin, phát hiện và xử lý kịp thời, xử nghiêm các cơ sở kinh doanh có biểu hiện găm, tích trữ hàng hoá để tạo sốt giá hàng hoá giả tạo hay gây đột biến giá trên thị trường. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh của các cơ sở buôn bán hàng hóa phục vụ tết, kiểm tra về chất lượng, mẫu mã, nhãn mác cũng như giá cả niêm yết để tránh thiệt hại cho người tiêu dùng...

 

* Baodienbienphu.info.vn(3/2): Ấn tượng tăng trưởng Ðiện Biên Ðông

Nhờ thực hiện hiệu quả các giải pháp, có trọng tâm trọng điểm, bức tranh kinh tế - xã hội của huyện có nhiều khởi sắc. Lĩnh vực nông nghiệp phát triển khá toàn diện với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo. Ðặc biệt, trong phát triển nông nghiệp, huyện chú trọng tuyên truyền người dân khai hoang ruộng nước. Huyện Ðiện Biên Ðông đã triển khai, thực hiện nghiêm các chính sách hỗ trợ khai hoang, phục hóa ruộng nước, như: Chương trình 30a, Nghị định 35/2015/NÐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất lúa... Nhờ đó người dân hưởng ứng nhiệt tình; trở thành phong trào rộng rãi trên toàn huyện. Ðến nay, tổng diện tích khai hoang, phục hóa của huyện đạt 1.109ha (mục tiêu nghị quyết đề ra 150ha). Diện tích ruộng nước tăng nhanh đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực, đến nay bình quân lương thực đạt gần 458kg/người/năm.

Cùng với đó, xác định phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc là một trong những hướng đi mang lại hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện thực tế của huyện, Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết 07-NQ/HU ngày 10/2/2017 về phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê trên địa bàn huyện giai đoạn 2017 - 2020. Qua 4 năm triển khai Nghị quyết, lĩnh vực chăn nuôi của huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Ðàn trâu, bò tăng cả về số lượng và chất lượng; sản phẩm chăn nuôi từng bước trở thành hàng hóa. Ðể đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc, huyện chỉ đạo và hỗ trợ người dân tận dụng diện tích đất bỏ hoang, chuyển diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc. Ðến nay, tổng diện tích trồng cỏ toàn huyện gần 500ha, đạt gần 200% so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng bình quân của đàn gia súc trên địa bàn huyện đạt 3,7%/năm; trong đó đàn trâu đạt trên 121%; đàn bò trên 150%... Giá trị chăn nuôi từ trâu, bò, dê trên địa bàn huyện đạt hơn 200 tỷ đồng/năm; nhiều hộ dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ chăn nuôi.

Một kết quả nổi bật nữa là thành tựu trong xây dựng nông thôn mới, đạt trung bình 10,5 tiêu chí/xã (đạt 325% chỉ tiêu Nghị quyết). Một trong những giải pháp hiệu quả là huyện thành lập tổ công tác xây dựng nông thôn mới để hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các xã trong quá trình thực hiện. Ðến nay có 3 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới (Mường Luân, Luân Giói và Pú Nhi); các chỉ tiêu về chất lượng cuộc sống người dân nông thôn tăng lên rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 65% năm 2016 xuống còn 51,43% năm 2020; thu nhập bình quân tăng từ 6,64 triệu đồng lên 13,8 triệu đồng/người/năm...

 

 

 

PHẦN II: TIN TỨC – THỜI SỰ

TIÊU ĐIỂM

* Vtv.vn(4/2): Thủ tướng nhấn mạnh 4 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

Nhắc lại tình hình tháng đầu năm, Thủ tướng khẳng định tháng 1 là tháng có kết quả khả quan, đáng mừng trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm 2021, nhất là chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 22%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng trên 27%. Xuất nhập khẩu tăng hơn 45% so với cùng kỳ với thặng dư thương mại hơn 100 triệu USD. Thu ngân sách đạt kết quả tốt. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng. Các chính sách phúc lợi, an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo.

Thủ tướng đánh giá cao nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương hăng hái, trách nhiệm trong phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là ngành y tế, lực lượng công an, quân đội. "Nhiều tình nguyện viên, các bác sĩ, các nhân viên có liên quan ngày đêm lăn lộn để ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh", Thủ tướng nói.

Tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh 4 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Đó là tập trung quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII. Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ vào Nghị quyết của Đại hội để xây dựng, sớm trình ban hành chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, đồng thời hoàn thiện, trình Quốc hội phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và các vấn đề liên quan.

 

* Baotintuc.vn(3/2): Những dấu ấn nổi bật của Đại hội XIII

Đại hội XIII không chỉ đánh giá chiến lược 10 năm, mà nhìn nhận, đánh giá lại toàn diện 35 năm đổi mới của đất nước, những kết quả đạt được nổi bật và Đại hội đã đi đến thống nhất đánh giá là đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay, được đưa vào trong Nghị quyết của Đại hội. Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới và hướng tới định hướng cho đất nước phát triển, 100 năm kỷ niệm ngày thành lập Đảng, 100 năm kỷ niệm thành lập Nước. Tinh thần của Đại hội, không khí, quyết tâm đó là khát vọng của đại biểu, của các tầng lớp nhân dân xây dựng đất nước phát triển. Đây có thể nói là thông điệp, quyết tâm rất lớn- đồng chí Lê Mạnh Hùng nhận định.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá Văn kiện của Đại hội chuẩn bị rất công phu, rất khoa học, xuất phát từ thực tiễn đổi mới của đất nước. Ý Đảng, lòng dân hòa quyện trong Văn kiện Đại hội, trong đó có nhiều ý kiến góp ý sâu sắc, phong phú và kiến giải, đề xuất những nội dung rất quan trọng, toàn diện trong việc xây dựng và phát triển đất nước.

Đại biểu dự Đại hội thảo luận gắn liền với thực tiễn, kiến giải nhiều vấn đề Đại hội quan tâm và đề xuất với Đại hội, đề xuất cụ thể với Đảng trong quá trình phát triển thời gian tới cả về công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, phát triển bền vững, cả về hội nhập quốc tế, quốc phòng - an ninh và xác định cụ thể từng bước cho những năm tiếp theo. 

Nhân sự Ban Chấp hành Trung ương trình rất kỹ lưỡng qua 5 bước, đúng quy trình, lựa chọn được những đồng chí xứng đáng vào Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới. Công tác truyền thông bài bản, công phu. Gần 600 nhà báo, phóng viên trong nước và 100 nhà báo nước ngoài ở Việt Nam... đã đưa tin về Đại hội.

 

CHÍNH SÁCH – VĂN BẢN – NGHỊ ĐỊNH MỚI

* Chinhphu.vn(3/2): Miễn thuế, giảm thuế TNDN đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 03/2021/TT-BTC hướng dẫn về miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ quy định tại Nghị định số 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Thông tư quy định rõ về điều kiện áp dụng. Theo đó, doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hưởng ưu đãi miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ phải đáp ứng các điều kiện sau:

Được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Doanh thu hàng năm từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu hàng năm của doanh nghiệp;

Doanh thu được tạo ra từ dịch vụ có ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin là doanh thu từ dịch vụ mới, không bao gồm các dịch vụ đã có trên thị trường;

Doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải hạch toán riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ trong kỳ để được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp không hạch toán riêng được thì thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện phân bổ theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12.

Để được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật và nộp thuế theo kê khai.

 

* Chinhphu.vn(3/2): Đề xuất mới về tạm nhập khẩu xe ô tô của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2014/TT-BTC quy định thủ tục tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu, tiêu hủy, chuyển nhượng xe ô tô, xe hai bánh gắn máy của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam.

Theo đó, dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung “Điều 4. Thủ tục cấp giấy tạm nhập khẩu xe ô tô, xe hai bánh gắn máy” như sau: Hồ sơ đề nghị cấp giấy tạm nhập khẩu xe ô tô, xe hai bánh gắn máy gồm: Văn bản đề nghị tạm nhập khẩu xe ô tô/xe hai bánh gắn máy 01 bản chính; Chứng minh thư do Bộ Ngoại giao cấp; Giấy xác nhận của cơ quan nơi đối tượng công tác tại Việt Nam về việc di chuyển tài sản hoặc thuyên chuyển nơi công tác từ nước khác đến Việt Nam; Sổ định mức miễn thuế do Cục Lễ tân Nhà nước - Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan được Bộ Ngoại giao ủy quyền cấp; Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu xe; Văn bản thông báo của Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) về việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép đối tượng được tạm nhập khẩu miễn thuế vượt định lượng xe ô tô, xe hai bánh gắn máy…

Thủ tục cấp giấy tạm nhập khẩu xe ô tô, xe hai bánh gắn máy như sau: Đối tượng nêu tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 2 Thông tư này có trách nhiệm nộp đầy đủ 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy tạm nhập khẩu xe ô tô, xe hai bánh gắn máy quy định cho Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở cơ quan hoặc nơi cơ quan của đối tượng công tác đặt trụ sở.

 

CHỈ THỊ MỚI

* Chinhphu.vn(3/2): Nghiên cứu phản ánh về đề xuất làm sân bay tại Ninh Bình

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu phản ánh của Báo Dân Việt về đề xuất làm sân bay tại Ninh Bình.

Ngày 26 tháng 1 năm 2021, trang tin điện tử báo Dân Việt (Báo điện tử của Trung ương hội Nông dân Việt Nam) có bài đăng “Đề xuất làm sân bay Ninh Bình chỉ là chiêu thức vẽ quy hoạch “thổi” giá đất phục vụ nhóm lợi ích?”.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu.

 

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

* Baotintuc.vn(4/2): Ngân hàng đảm bảo cung ứng đủ lượng tiền mặt trong dịp Tết

Nhiều ngân hàng trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh cũng chủ động xây dựng phương án, kế hoạch tiền mặt phù hợp đáp ứng kịp thời nhu cầu tiền mặt của khách hàng cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá; đồng thời, đảm bảo các máy ATM, thiết bị POS, đường truyền hoạt động an toàn, thông suốt đáp ứng nhu cầu thanh toán trong dịp Tết…

Thực tế, đây cũng là một trong những nhiệm vụ chính vừa được Ngân hàng Nhà nước giao cho các đơn vị trực thuộc, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam, nhằm đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Cuối tháng 1, UBND Tp.Hồ Chí Minh cũng có văn bản gửi các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố về tăng cường chất lượng hoạt động mạng lưới ATM trong dịp Tết Tân Sửu 2021.

Tại văn bản này, UBND thành phố yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố phối hợp với Ban quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp và ngân hàng thương mại có hoạt động giao dịch ATM nắm lại nhu cầu tiền mặt của các doanh nghiệp dự kiến sẽ trả lương, thưởng cho người lao động qua tài khoản ATM. 

 

* Vtv.vn(4/2): Hà Nội quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, không đình trệ sản xuất kinh doanh

Tết Nguyên đán đang cận kề, lượng hàng tiêu thụ rất lớn, để đảm bảo an toàn, không đình trệ sản xuất kinh doanh, hơn 1.500 cán bộ công nhân viên của một doanh nghiệp tại khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, đều phải tuân thủ nghiêm việc kiểm soát vệ sinh dịch tễ trước mỗi ca làm việc.

Thanh Oai, Chương Mỹ là 2 huyện ngoại thành Hà Nội có nhiều khu công nghiệp và cụm công nghiệp với hàng triệu lao động. Việc phòng chống dịch bệnh được thắt chặt nghiêm ngặt.

Tới thời điểm này, cả 2 huyện chưa có ca dương tính. Các trường hợp F1 được truy vết nhanh, khoanh vùng xử lý kịp thời. Tuy nhiên, nguy cơ lây lan dịch rất lớn, bởi 2 huyện này đều có lượng lớn người dân đi lại kinh doanh buôn bán tại các chợ đầu mối trong nội thành Thủ đô. Do vậy, cả 2 huyện đều đã kích hoạt toàn bộ các kịch bản ứng phó.

Đến nay, thành phố Hà Nội đã truy vết được gần 18.000 người đi về từ vùng dịch. Thành phố cũng yêu cầu 30 quận, huyện, thị xã phải bám sát, truy vết nhanh, không để mất dấu F0 để kịp thời khoang vùng xử lý dịch; quản lý tốt mạng lưới chợ dân sinh; điểm nào không an toàn sẽ cho tạm dừng hoạt động.

 

* Vtv.vn(4/2): Doanh nghiệp châu Âu lạc quan về kinh tế Việt Nam năm 2021

Theo khảo sát về triển vọng kinh tế Việt Nam trong quý tới, 57% thành viên EuroCham tham gia dự đoán sự "ổn định và cải thiện" sẽ được duy trì trong 3 tháng đầu năm 2021. Sự tự tin về triển vọng kinh tế tăng tới 18% so với 39% trong quý III/2020.

Đánh giá về triển vọng của doanh nghiệp, lãnh đạo các công ty châu Âu tỏ ra tích cực và lạc quan hơn trong quý IV. Trong đó, 1/3 thành viên EuroCham dự đoán số lượng nhân viên của họ sẽ tăng lên trong quý tiếp theo và 57% dự đoán sẽ duy trì mức tương tự. Trong khi đó, 30% người tham gia khảo sát dự đoán đầu tư sẽ phát triển và 43% dự đoán các đơn đặt hàng và doanh thu sẽ tăng trưởng.

Với việc Hiệp định EVFTA đã đi vào hiệu lực, 70% thành viên của EuroCham cho biết doanh nghiệp của họ đã được hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA kể từ khi Hiệp định có hiệu lực từ ngày 1/8. Tuy nhiên, 33% doanh nghiệp cho rằng "thủ tục hành chính" sẽ là thách thức chính để họ tối ưu lợi thế Hiệp định EVFTA.

Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier nhận định, kết quả BCI mới nhất là một bức tranh tích cực về môi trường kinh doanh của Việt Nam và định hướng triển vọng năm 2021. Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào nền kinh tế ngày càng được củng cố trong một năm qua là minh chứng cho việc Chính phủ Việt Nam xử lý thành công đại dịch COVID-19 và hợp tác xúc tiến Hiệp định EVFTA, tạo ra một nền tảng cho tăng trưởng kinh tế - xã hội 5 năm tới của Việt Nam.

 

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

* Daibieunhandan.vn(3/2): Phòng, chống dịch phải đồng bộ 

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vaccine AstraZeneca lưu hành tại Việt Nam do nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19 được coi là một tin tốt lành để ứng phó với đại dịch. Tuy nhiên, điều quan trọng lúc này là chúng ta phải chủ động phòng ngừa, xác định trúng ổ dịch để có biện pháp xử lý đồng bộ, kịp thời.

Sau một thời gian tạm lắng, thì ngày 27.1 Covid-19 đã quay trở lại, với sự xuất hiện của một số ca trong cộng đồng. Tính đến nay, Việt Nam có 301 ca lây nhiễm trong cộng đồng; đáng lưu tâm là số ca mắc nằm rải rác ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Điều này cũng gây khó khăn cho việc truy xét và khoanh vùng dập dịch. Trong lúc này, thông tin về vaccine đối với dịch Covid-19 đã tạo một tâm lý yên tâm phần nào đối với người dân.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Bộ Y tế đã ký trên nguyên tắc với Công ty sản xuất vaccine AstraZeneca của Anh, theo đó, trong năm 2021 sẽ cung cấp 30 triệu liều vaccine cho Việt Nam. Tuy nhiên, vaccine bước đầu dùng cho cán bộ y tế - những người trực tiếp làm công tác điều trị, phòng, chống dịch bệnh, người cao tuổi, người có bệnh nền nguy cơ cao và cán bộ ngoại giao… Dự kiến đến cuối 2021, đầu 2022 sẽ có vaccine "made in Vietnam”.

Như vậy, dù là tin tích cực nhưng vaccine chưa thể coi là biện pháp cứu cánh đối phó với Covid-19 vào lúc này bởi nguồn cung chưa bảo đảm nên đối tượng được tiêm chủng cũng rất hạn chế. Việc cung cấp đầy đủ vaccine cho mọi người dân lúc này là điều không thể. Điều cần làm lúc này là nâng cao ý thức phòng, chống dịch của cả hệ thống chính trị, trước tiên từ ý thức của mỗi người dân.

Thực tế cho thấy, để ứng phó với dịch bệnh, thì sự chủ động, vào cuộc sớm mới thực sự là phương án hiệu quả. Theo đó, chúng ta phải xác định đúng ổ dịch để tập trung khoanh vùng, xử lý, ngăn chặn kịp thời dịch lây lan. Các lực lượng chức năng phải kiểm soát chặt nguồn lây từ bên ngoài và cả bên trong. Muốn vậy, phải kiểm soát chặt nguồn lây từ các trường hợp nhập cảnh, đặc biệt là các đối tượng nhập cảnh trái phép. Phải xử lý thật nghiêm các đối tượng vi phạm quy định về nhập cảnh, cách ly trong thời điểm dịch bệnh bùng phát. Ngoài ra cũng phải xử lý nghiêm các lực lượng có thẩm quyền trong việc để xảy ra những trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch.

Trước tình hình dịch bùng phát, những ngày qua, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế và các địa phương đã chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt với biện pháp kịp thời như: Tăng cường lực lượng chuyên môn đến các điểm nóng về dịch, khoanh vùng ổ dịch, truy vết, xét nghiệm diện rộng. Một số địa phương đã có biện pháp xử lý kịp thời như thực hiện giãn cách, tạm dừng một số hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa… nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

 

* Daibieunhandan.vn(3/2): Định hình tương lai nền nông nghiệp 

Năm 2020, cho dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường và ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế - xã hội nước ta nhưng với ngành nông nghiệp lại là năm thành công ngoài mong đợi.

Đó là kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ạt hơn 41 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; thu nhập bình quân của nông dân đạt khoảng 43 triệu đồng/người/năm; 62% số xã về đích trong xây dựng nông thôn mới, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao... Vậy nhưng vẫn còn đó nhiều nỗi lo, trong đó đáng kể là mối liên kết trong sản xuất, kinh doanh.

Ví dụ, trong vụ lúa Đông Xuân năm 2016 - 2017 ở đồng bằng sông Cửu Long, dù năng suất giảm nhưng giá lúa tăng, nông dân được hưởng lợi trong khi doanh nghiệp lại canh cánh lo không mua được lúa dù nhiều hộ đã ký kết hợp bao tiêu. Gần đây nhất, tại Hội nghị triển khai kịch bản phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2020 - 2021 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và tổng kết, đánh giá mô hình sản xuất lúa ST24, ST25 trong vùng sản xuất lúa trên đất tôm phía Bắc Quốc lộ 1A, vấn đề này lại được đề cập tới. Đó là do giá lúa trên thị trường cao hơn giá cam kết bao tiêu từ 1 - 2.000 đồng/kg nên doanh nghiệp khó thu mua, dù đã có doanh nghiệp thỏa thuận lại giá với nông dân nhưng cái khó vẫn nghiêng về doanh nghiệp.

Thực tế này, như nhận định của đại diện Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là khá phổ biến: Nông dân không bán nông sản cho doanh nghiệp dù có thỏa thuận mà bán cho tư thương. Còn ở góc độ doanh nghiệp, cũng có những vụ việc xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm, "bỏ của chạy lấy người", dù ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhưng đến kỳ thu hoạch lại không thu mua... Lý lẽ thì có nhiều, nhưng điểm mấu chốt là chưa thực sự tạo được "chất kết dính" giữa doanh nghiệp, nông dân và do chưa phân định rõ lợi ích và trách nhiệm; là do định hướng quy hoạch vùng nguyên liệu lớn thiếu ổn định.

Lý giải cụ thể hơn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, câu chuyện của chúng ta là hợp tác và liên kết. Muốn vậy phải định vị được thị trường và thị trường sẽ điều chỉnh lại sản xuất, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật. Giai đoạn tới phải đưa kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã ở vị trí tương xứng với tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Phải xem đây là cứu cánh để vượt qua "lời nguyền" sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thời gian qua...

 

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY

* Vov.vn(4/2): Lào Cai tạo đột phá trong xóa nhà tạm

Trong năm qua, nhiều địa phương của Lào Cai cũng đồng loạt hưởng ứng chương trình xóa nhà tạm, mỗi địa phương đều có những cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa bàn.

Xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tỉnh ủy Lào Cai nhiệm kỳ vừa qua, gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Kết quả khả quan trong thực hiện nhiệm vụ này là minh chứng cho bài học về hội tụ ý Đảng – lòng dân – cội nguồn sức mạnh tạo nên thành công của cách mạng Việt Nam.

Theo ông Vù A Súa, Bí thư Đảng ủy xã Ngũ Chỉ Sơn, thời gian qua, 33 hộ dân cuối cùng của xã trong đó có hộ anh Tả tất thảy được hỗ trợ xây mới để xóa sạch nhà tạm trước Tết này. Nói đó là cả một kì tích có lẽ cũng không quá, bởi trước kia mỗi năm cả xã chỉ xóa được 1 – 2 nhà tạm từ nguồn đại đoàn kết, còn lại để bà con tự làm trong khi Ngũ Chỉ Sơn vốn dĩ là “rốn nghèo” của Sa Pa.

Câu chuyện ở Ngũ Chỉ Sơn có thể coi là tiêu biểu trong công cuộc xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Sa Pa thời gian qua. Tròn một năm kể từ khi khu du lịch nổi tiếng này được đặc cách lên thị xã, bộ máy quản lý trở nên hiệu quả hơn, nhưng những khó khăn nội tại của Sa Pa luôn khiến cấp ủy, chính quyền phải đau đầu, trong đó bao gồm việc kiên cố hóa nhà ở.

Theo ông Phan Đăng Toàn, Bí thư Thị ủy Sa Pa, trên tinh thần hướng về cơ sở, quyết tâm xóa trắng gần 300 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2020, Thị ủy phân công các đồng chí trong thường trực phụ trách 4 tổ bám sát địa bàn từng xã phường, “đến tận nơi, quyết tại chỗ” phương án hỗ trợ. Khó nhất tưởng là kinh phí, nhưng khi phát động xã hội hóa thì kết quả cho ra ngoài mong đợi.

Ngoài Sa Pa, trong năm qua các huyện khác của Lào Cai cũng đồng loạt hưởng ứng chương trình xóa nhà tạm, mỗi địa phương đều có những cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa bàn. Như Sa Pa, Bát Xát đủ khả năng giúp đỡ mỗi hộ tối đa từ 30 – 50 triệu thì Văn Bàn số hỗ trợ khiêm tốn hơn chỉ khoảng 5,5 triệu đồng/hộ để giúp người dân mua xi măng, cát, sỏi.

Theo ông Phí Công Hoan, Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn, thậm chí có xã chỉ cần hỗ trợ khoảng 70 tấn xi măng nhưng vẫn xóa được 75 căn nhà; có xã tương trợ lẫn nhau như Nậm Xé giúp Minh Lương 10 triệu, Nậm Dạng giúp Nậm Chày 5 triệu…

Chương trình xóa nhà tạm là một trong 6 nội dung thuộc Đề án số 9 về Giảm nghèo bền vững của Tỉnh ủy Lào Cai giai đoạn 2015 – 2020. Suốt 4 năm đầu việc triển khai gặp vô vàn khó khăn vì số nhà tạm lớn tới trên 3.000 căn, 100% thuộc hộ nghèo trong đó không ít đối tượng già cả, neo đơn không đủ khả năng tài chính, càng không dám vay vốn ngân hàng…

Kết quả khả quan trong xóa nhà tạm góp phần quan trọng giúp Lào Cai đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo lên dẫn đầu khu vực, hạ tỷ lệ hộ nghèo của Lào Cai xuống còn 8,2% tính đến hết năm 2020. Đây cũng là động lực to lớn để Lào Cai yên tâm tập trung phát triển các mục tiêu đột phá, dài hơi khác trong thời gian tới.

 

QUẢN LÝ

* Vtv.vn(4/2): Dự án nước thải được đầu tư hơn 37 tỷ... rồi bỏ hoang

Thông tin từ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đăk Lăk cho biết, đơn vị này đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Tiến Thịnh (Công ty Tiến Thịnh) và khởi tố bị can, lệnh khám xét nơi ở đối với Phan Xuân Mạo, nguyên Giám đốc Ban Quản lý Khu tiểu thủ công nghiệp thành phố Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Điều 224 Bộ luật hình sự năm 2015. Ông Mạo được tại ngoại do đang bị bệnh nặng.

Theo hồ sơ vụ án, dự án Khu xử lý nước thải tập trung Cụm Công nghiệp Tân An 1, 2 (phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột) được UBND tỉnh Đăk Lăk phê duyệt vào năm 2010, với tổng mức đầu tư hơn 37 tỷ đồng (điều chỉnh năm 2012), nguồn vốn Ngân sách tỉnh. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2014.

Chủ đầu tư dự án là UBND thành phố Buôn Ma Thuột. Đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý Khu tiểu thủ công nghiệp thành phố Buôn Ma Thuột (viết tắt Ban Quản lý) do Phan Xuân Mạo làm Giám đốc.

Từ năm 2012-2016, UBND tỉnh Đăk Lăk đã bố trí vốn cho dự án tổng số tiền hơn 18,8 tỷ đồng. Trong đó, Ban Quản lý đã nghiệm thu thanh toán cho Công ty Tiến Thịnh tổng số tiền hơn 16 tỷ đồng. Số tiền còn lại, đã thanh toán cho các đơn vị tư vấn thiết kế; tư vấn giám sát thi công, tư vấn quản lý dự án và các chi phí khác.

Ngày 26/4/2016, UBND thành phố Buôn Ma Thuột có quyết định thanh tra trách nhiệm các vấn đề liên quan tại Ban Quản lý, quá trình kiểm tra, xác minh, Đoàn thanh tra xác định việc nghiệm thu, thanh toán đối với hạng mục phần máy và thiết bị công nghệ không có cơ sở pháp lý về khối lượng với tổng giá trị hơn 9,5 tỷ đồng nên đã báo cáo Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột để chuyển đến Cơ quan Công an thành phố Buôn Ma Thuột để giải quyết theo quy định pháp luật...

Theo cơ quan chức năng, giá trị chênh lệch do chủ đầu tư đã thanh toán cho đơn vị thi công đến thời điểm hiện nay không có khối lượng thi công thực tế, gây hậu quả thiệt hại tài sản Nhà nước số tiền là hơn 7,9 tỷ đồng. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

 

* Vtv.vn(4/2): Hà Nội tăng cường lực lượng điều tiết giao thông tại 62 điểm ùn tắc giao thông

Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết đơn vị vừa huy động lực lượng ở các huyện ngoại thành tăng cường cho nội đô trực tiếp điều tiết giao thông tại 62 điểm ùn tắc giao thông dịp Tết.

Hiện nay, TP Hà Nội có 62 điểm thường xuyên ùn tắc trong giờ cao điểm. Do vậy TTGT đã huy động lực lượng từ khu vực ngoại thành tăng cường cho nội thành để lập 62 chốt làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông dịp Tết.

Cụ thể, tại khu vực quận Hoàn Kiếm, TTGT được bố trí chốt trực thường xuyên trong giờ cao điểm (sáng từ 6 đến 9 giờ, chiều từ 16 đến 19h30) tại các vị trí: Cửa Nam - Điện Biên Phủ, Hàng Đậu - Trần Nhật Duật - Vòng xuyến Nam cầu Chương Dương. Lực lượng được giao chốt trực, điều tiết phân luồng chống ùn tắc giao thông là Đội TTGT quận Hoàn Kiếm.

 

* Vietnamnet.vn(4/2): Thủ tướng phê duyệt đề án 2.150 tỷ đồng lắp camera giám sát giao thông

Theo đề án, Hà Nội và TPHCM được ưu tiên xây dựng hệ thống giám sát đồng bộ, hiện đại để kết nối, chia sẻ dữ liệu; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác điều hành, quản lý, minh bạch số liệu, phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0...

Đối với các tuyến cao tốc xây dựng mới, hệ thống camera phải được thiết kế xây dựng đồng bộ trước khi đưa tuyến đường đi vào hoạt động, liên thông dữ liệu để dùng chung cho cả việc theo dõi, bảo trì của cơ quan quản lý đường bộ và phục vụ phát hiện vi phạm, tội phạm trên tuyến của lực lượng công an.

Đề án hướng đến nâng cấp Trung tâm thông tin chỉ huy Cục Cảnh sát giao thông, bảo đảm việc kết nối các hệ thống camera của các đơn vị trong và ngoài ngành công an.

Điểm nổi bật của các dự án này là xây dựng một Trung tâm điều hành giao thông thông minh để quản lý tập trung toàn bộ camera giám sát; điều phối toàn bộ hoạt động giao thông và tự động giám sát an ninh trật tự trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM.

Tích hợp bản đồ số quản lý các camera lắp đặt trên địa bàn và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nhận diện khuôn mặt, biển số xe, giám sát các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông và các đối tượng cần kiểm soát...

 

* Baotintuc.vn(4/2): Việt Nam chuyển giao chức Chủ tịch Ủy ban ASEAN tại Caracas cho Indonesia

 Đại sứ Lê Viết Duyên đã điểm lại các hoạt động nổi bật của ASEAN và ACC trong năm 2020 cũng như thông tin về thành công rực rỡ của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Đại sứ khẳng định bất chấp đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam đã thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế và ổn định xã hội. GDP của Việt Nam năm 2020 trong nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới, đạt 2,91%. Quy mô nền kinh tế Việt Nam đã đứng thứ 4 trong ASEAN. 

Đại sứ Lê Viết Duyên nhấn mạnh mặc dù chỉ có ba quốc gia thành viên ASEAN có cơ quan đại diện tại Venezuela, các Đại sứ quán luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, chia sẻ thông tin và tham gia nhiệt tình vào các hoạt động chung tại Caracas. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại khu vực Mỹ Latinh, ACC với vai trò Chủ tịch của Việt Nam vẫn tổ chức được nhiều hoạt động có ý nghĩa, tăng cường gắn kết cộng đồng ASEAN và nâng cao vị thế ASEAN ở nước sở tại như các hoạt động tổ chức ngày Gia đình ASEAN nhân ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), quyên góp trao tặng khẩu trang hỗ trợ phòng dịch cho Bộ Ngoại giao Venezuela, tổ chức lễ viếng và đặt vòng hoa tại Đền Panteón - lăng mộ Nhà giải phóng của các dân tộc Mỹ Latinh Simón Bolivar - nhân kỷ niệm 53 năm ngày thành lập ASEAN và tham dự Hội thảo “Ngày ASEAN” lần thứ 3 tại Venezuela…

Về phần mình, Đại sứ Indonesia Imam Edy Muluono bày tỏ niềm vinh hạnh khi đảm nhận chức Chủ tịch ACC và cam kết sẽ thúc đẩy tình đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, nhân viên Đại sứ quán các nước ASEAN tại Caracas cũng như quan hệ ASEAN với Venezuela thông qua việc triển khai nhiều hoạt động hơn nữa trong nhiệm kỳ của mình. 

 

* Dantri.vn(4/2): Hà Nội: Gỡ phong tỏa Đại học FPT

Sau khi kết quả xét nghiệm 694 mẫu bệnh phẩm tại Trường Đại học FPT đều âm tính, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 huyện Thạch Thất đã thông báo gỡ bỏ phong tỏa địa điểm này.

Bệnh viên Đa khoa Xanh Pôn đã thông báo kết quả 694 mẫu với cán bộ, giảng viên, sinh viên của trường tại cơ sở Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội). Kết quả, tất cả 694 mẫu đều âm tính với virus SARS-CoV-2.

Thông tin từ Trường Đại học FPT cho biết, cùng ngày, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Thạch Thất đã ra công văn về việc gõ bỏ phong tỏa trường này.

Riêng với những trường hợp tiếp xúc gần với F0 và các trường hợp nghi mắc đã được cơ quan chức năng phát hiện, cần tiếp tục thực hiện cách ly hoặc tự cách ly tại nơi cư trú theo quy định.

 

* Dantri.vn(3/2): Tòa án ưu tiên đưa ra xét xử các vụ liên quan đến phòng chống Covid-19

TAND Tối cao chỉ đạo ưu tiên đưa ra xét xử các vụ án liên quan đến phòng chống dịch Covid-19. Tòa án ở Quảng Ninh, Hải Dương tạm dừng việc tổ chức hội họp, xét xử, giải quyết các vụ án án.

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ vừa ký văn bản yêu cầu tòa án các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương thực hiện nghiêm yêu cầu về phòng chống dịch.

Đặc biệt, chỉ triệu tập những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng tham dự phiên tòa, phiên họp. Hạn chế việc tổ chức các phiên tòa, phiên họp tập trung trên 20 người trong một phòng; yêu cầu thực hiện giữ khoảng cách phòng dịch giữa người với người trong phòng xét xử và nơi làm việc.

Bố trí phòng xét xử trực tuyến trong trụ sở tòa án nếu đủ điều kiện để đảm bảo khoảng cách phòng dịch tối thiểu giữa người với người.

TAND Tối cao yêu cầu tòa án các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương chỉ đạo công chức, người lao động, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khi đến tòa án phải tự giác khai báo thông tin về lịch sử đi lại đến địa điểm có nguy cơ lây nhiễm dịch. Thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay và đeo khẩu trang,… trong thời gian làm việc tại tòa.

 

* Chinhphu.vn(3/2): Hà Nội không phong tỏa tràn lan

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết quan điểm của TP. Hà Nội về việc thực hiện phong tỏa là không làm tràn lan mà phải chính xác, an toàn. Đối với công tác xét nghiệm, sau 10 tiếng từ khi phát hiện F0 phải có kết quả của F1, nếu chậm trả kết quả, các địa phương có thể nhắn tin báo cáo ngay cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố.

Để chuẩn bị cho người dân phải đón Tết trong khu cách ly, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị các đơn vị rà soát các trường hợp cách ly để có thể chuyển về khu cách ly ở ngay hoặc gần địa phương mình để an tâm và tiện cho việc cung ứng nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu của người dân.

Về việc xử lý các trường hợp vi phạm không đeo khẩu trang nơi công cộng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ghi nhận việc các địa phương đã vào cuộc quyết liệt và yêu cầu phải công khai tên tuổi, đơn vị các trường hợp vi phạm bởi: “Đây là việc không mong muốn nhưng phải xử phạt nghiêm để nâng cao kỷ cương”.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội lưu ý cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao mức nguy hại của dịch bệnh lần này để người dân chủ động phòng chống; ngay sau khi có kết quả xét nghiệm F0, F1 cần thông tin để các cơ quan truyền thông đăng tải kịp thời để người dân nắm được thông tin; các địa phương phải cập nhật thông tin hằng ngày.

 

* Vnexpress.vn(3/2): Hà Nội hủy 29 điểm bắn pháo hoa đêm giao thừa

Trước diễn biến dịch Covid-19, thành phố Hà Nội quyết định sẽ bắn pháo hoa tầm cao tại một điểm thay vì 30 điểm như dự kiến.

Thông báo được đưa ra sau cuộc họp Thường trực Thành ủy Hà Nội về công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn hôm 2/2. Theo đó, thành phố đang nghiên cứu phương án bắn pháo hoa tầm cao tại một điểm thích hợp, truyền hình trực tiếp để phục vụ người dân. Điểm bắn pháo hoa này sẽ không được tập trung đông người, đảm bảo yêu cầu nghiêm ngặt về phòng, chống dịch.

Ngoài ra, thành phố cũng đang nghiên cứu, xem xét mức độ để quyết định sự cần thiết tổ chức các sự kiện, hoạt động phục vụ người dân vui Tết, đón xuân.

Trước đó, Hà Nội quyết định bắn pháo hoa tại 30 quận, huyện với 6 điểm tầm cao và 24 điểm tầm thấp. Trong đó, 6 điểm bắn pháo hoa tầm cao gồm: Khu vực hồ Gươm; vườn hoa Lạc Long Quân (quận Tây Hồ); sân vận động Mỹ Đình (Nam Từ Liêm); công viên Thống Nhất (Hai Bà Trưng); hồ Văn Quán (Hà Đông); thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây); 24 điểm bắn pháo hoa giao thừa tầm thấp tại các quận, huyện còn lại.

 

* Vtv.vn(2/4): Hà Nội xử phạt nghiêm trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng

Tại Hà Nội, Công an các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hà Đông… đã ra quân kiểm tra, xử phạt nhiều trường hợp chưa đeo khẩu trang nơi công cộng. Phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền đến các khu phố, thôn, xóm để nâng cao ý thức người dân.

Do tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, quận Hoàn Kiếm đề xuất với thành phố cho dừng hoạt động phố đi bộ Hồ Gươm bắt đầu từ ngày mai (5/2). Phố đi bộ sẽ hoạt động trở lại khi có thông báo chính thức của thành phố.

Ngày 3/2, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, sau khi phát động ra quân phối hơp cùng các lực lượng khác xử lý những trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng đã xử phạt 29 trường hợp, phạt thành tiền 47 triệu đồng. Trong 3 ngày đầu của tháng 2/2021, các đơn vị thuộc CAQ Hà Đông, Hà Nội đã xử lý 38 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng. Hầu hết những trường hợp này đều bị xử phạt rất nặng theo Nghị định 177/2020/NĐ-CP.

Ngoài việc xử phạt, Công an quận Hà Đông cũng tiến hành phát khẩu trang miễn phí cho những trường hợp vi phạm và tuyên truyền nhắc nhở công tác phòng chống dịch trên địa bàn các phường.

 

* Vtv.vn(3/2): Phố đi bộ Hồ Gươm sẽ tạm dừng hoạt động từ ngày 5/2

 Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 Hà Nội cho biết, hiện tổng số F1 của quận Hoàn Kiếm là 43 trường hợp. Các F1 mới đều liên quan đến bệnh nhân 1866 và 1883. Các trường hợp cách ly tại nhà là 195 người.

Quận Hoàn Kiếm cho biết, chiều nay quận nhận được thông tin từ CDC Hà Nội có một trường hợp tiếp viên hàng không liên quan đến chuyến bay QH 242 ngày 29/1 từ Hà Nội – Sài Gòn có liên quan đến bệnh nhân 1883. Trung tâm Y tế quận đã lấy mẫu xét nghiệm, kiểm tra dịch tễ với các trường hợp có liên quan. Quận đã điều tra 4 trường hợp F2 có liên quan đến tiếp viên hàng không, đã giao cho phường tiếp tục rà soát.

Đối với hoạt động phố đi bộ, quận Hoàn Kiếm cho biết hàng năm khi đến tuần cuối cùng, sát Tết Nguyên đán thì sẽ dừng hoạt động của phố đi bộ. Tuy nhiên năm nay do tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp nên quận Hoàn Kiếm cũng đề xuất Thành phố chính thức cho dừng hoạt động phố đi bộ từ tuần này (5/2). Phố đi bộ sẽ được hoạt động trở lại đến khi có thông báo chính thức của Thành phố.

 

* Baotintuc.vn(3/2): Hà Nội đề nghị giảm 50% lượng khách đi xe buýt để phòng dịch COVID-19

Theo lý giải của Sở GTVT, trên xe buýt luôn có lượng hành khách đông, không gian chật hẹp… nên việc giảm số lượng hành khách vận chuyển trên xe vào thời điểm này là cần thiết. Dự kiến, số lượng hành khách giảm xuống chỉ còn 20 người/chuyến và tần suất các chuyến sẽ tăng lên.

Với những xe lớn 80 chỗ, Sở GTVT đề xuất không vận chuyển quá 50% chỗ ngồi, chỗ đứng. Như vậy, mỗi xe sẽ không chở quá 20 người và bố trí khoảng cách giữa các hành khách đều nhau là 1m/1 ghế. Trước đó năm 2020 Sở Giao thông cũng thực hiện vấn đề này.Với xe khách liên tỉnh, Sở GTVT cho biết, cần phải hiệp thương với các tỉnh và thành phố khác để điều chỉnh cho phù hợp.

Trước đó, ngày 1/2, Bộ GTVT đã ban hành Công văn hoả tốc số 951/BGTVT-CYT, gửi các đơn vị liên quan về việc tăng cường các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19 trong hoạt động vận tải trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Công văn nêu rõ bắt buộc đeo khẩu trang đối với tất cả người điều khiển phương tiện, tiếp viên, người phục vụ, hành khách và mọi người khác (như người đưa tiễn) trong khu vực nhà ga, bến tàu, bến xe… và trên các phương tiện vận tải hành khách. Từ chối vận chuyển các trường hợp hành khách không đeo khẩu trang theo đúng quy định…

 

* Chinhphu.vn(3/2): Khách ồ ạt trả vé, đường sắt tiếp tục đối diện với khó khăn

Đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, lượng vé trả tăng đột biến sau khi có ca nhiễm COVID-19 tại tỉnh Bình Dương. Có ngày khách trả hơn 10.000 vé, số tiền phải hoàn cho khách lên đến 13 tỷ đồng, vì thế dẫn đến có thời điểm Công ty thiếu tiền cục bộ vì chưa điều tiết kịp.Trước tình hình này, ngành đường sắt đã điều chỉnh quy định đổi, trả vé. Hành khách có thể bảo lưu tiền vé để đi bất kỳ mác tàu nào trong năm 2021, nếu không đi thì hết năm 2021 sẽ nhận lại nguyên tiền. Trường hợp khách vẫn muốn trả vé thì phải chịu mức phí đổi, trả theo quy định hiện hành và đường sắt sẽ hoàn tiền vé "chậm" trong vòng 90 ngày.

Ở khu vực phía bắc, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho hay, do lượng khách giảm, công ty đã phải giảm số đôi tàu tuyến Hà Nội-Hải Phòng, tạm dừng tàu khách SP3/SP4 tuyến Hà Nội-Lào Cai.

 

* Vtv.vn(4/2): Sáng 4/2, Hải Dương có thêm 37 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng

Tỉnh Hải Dương ghi nhận 37 bệnh nhân (BN1912-BN1948), là công nhân khu công nghiệp thuộc thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, đã được cách ly, không có nguy cơ lây ra cộng đồng, được lấy mẫu ngày 28/1/2021 xét nghiệm lần 1 âm tính với virus SARS-CoV-2.

Ngày 3/2/2021, kết quả xét nghiệm lần 2 có 37 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2.

- Tính đến 6h ngày 4/2: Việt Nam có tổng cộng 1059 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 366 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 48.829, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 378

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 22.610

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 25.841

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 1.461 bệnh nhân COVID-19.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 3ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 7 ca, số ca âm tính lần 3 là 2 ca.

Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, hiện BN1536 đang điều trị tại BV Phổi Đà Nặng là bệnh nhân nặng nhất. BN1536 tuổi cao, có tiền sử tăng huyết áp và đái tháo đường nhiều năm nay.

 

* Nld.com.vn(4/2): Chuẩn bị hàng ngàn tỉ giải cứu Quốc lộ 51

Quốc lộ 51, tuyến giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đang xuống cấp trầm trọng, cần sớm có giải pháp khắc phục

Tổng Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) vừa có báo cáo gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), đề xuất đầu tư xây dựng 10 nút giao khác mức trên tuyến Quốc lộ 51 với đường ngang là các điểm đen gây mất an toàn giao thông.

Trước đề xuất trên, ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khẳng định bản thân ông và địa phương ủng hộ đề xuất trên của BVEC và mong đề xuất sớm được thông qua. "Quốc lộ 51 từ lâu đã quá tải vì vậy rất mong giải pháp trên sớm được triển khai" - ông Trần Thượng Chí nói.

Còn theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, các khu đô thị và khu dân cư đã liên tục phát triển và lấp đầy hai bên Quốc lộ 51 kéo theo mật độ phương tiện giao thông cơ giới tăng lên từng ngày. Từ năm 2018 đến nay, tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến xảy ra thường xuyên, ngày càng nghiêm trọng. Thực trạng này đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Do đó, đề xuất trên là hoàn toàn phù hợp và kịp thời trong thời điểm đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chưa đưa vào khai thác.

Không chỉ lãnh đạo 2 địa phương ủng hộ, khi nghe nói về đề xuất trên, đa số người dân, doanh nghiệp và giới tài xế rất đồng tình, bởi ai cũng cho rằng họ ám ảnh với tai nạn và kẹt xe trên Quốc lộ 51.

 

* Vtv.vn(4/2): Hà Nội lập 7 chốt chống xe dù

Bảy chốt tuần tra của Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ được lập tại các bến xe lớn của thành phố.

Các chốt tuần tra này sẽ trực thường xuyên theo ca trong ngày. Nhiệm vụ chính là phân luồng hướng dẫn giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông; giám sát, xử lý xe khách vi phạm các quy định vận tải.

Trong đó sẽ xử lý nghiêm xe dừng đỗ, bắt khách, chở quá số người quy định và không cho các xe không đảm bảo các quy định vận tải, phòng chống dịch COVID-19 xuất bến.

 

* Vtv.vn(4/2): Lùi thời hạn dùng phần mềm mô phỏng dạy lái xe

Các cơ sở đào tạo lái xe sẽ lùi thời gian sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông đến ngày 31/12 năm nay.

Đây là nội dung trong thông tư sửa đổi, bổ sung của Bộ Giao thông vận tải về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

Riêng các trung tâm sát hạch lái xe sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để sát hạch từ ngày 1/6 năm sau. Thông tư cũng quy định trong thời gian chưa sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và cabin học lái xe ô tô thì cơ sở đào tạo lái xe.. tổ chức giảng dạy đảm bảo đủ thời gian đào tạo theo chương trình quy định.

Theo quy định trước đây, các cơ sở đào tạo lái xe sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông trong đào tạo lái xe từ đầu tháng 1 năm nay.

 

 

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

* Thoibaotaichinhvietnam.vn(3/2): Năm 2021 tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế

Giao nhiệm vụ cho ngành Thuế, tại Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu ngành Thuế phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hiện đại hóa theo hướng điện tử hóa, số hóa quản lý thuế. Tập trung cải cách quản lý thuế, cắt giảm thủ tục hành chính thuế, mạnh dạn đề xuất các giải pháp đột phá, giảm thiểu những phiền hà, khó khăn, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, cũng như thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, Tổng cục Thuế đã ban hành kế hoạch hành động triển khai thực hiện trong toàn hệ thống.

Mới đây, tại báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách tháng 1 và triển khai nhiệm vụ tháng 2/2021, Tổng cục Thuế cũng đặt nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc, thu hút đầu tư, tăng thêm năng lực sản xuất mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề để tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Ông Nguyễn Đức Huy - Phó Chánh văn phòng (Tổng cục Thuế) cho biết, để tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, lãnh đạo Tổng cục Thuế đã yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, nghiên cứu, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật thuế và các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý thuế số 38 theo hướng bao quát nguồn thu; nâng cao năng lực quản lý thuế cho cơ quan thuế; phòng chống gian lận, trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế.

 

* Tapchitaichinh.vn(3/2): Kho bạc Nhà nước tiếp tục cải cách hành chính, hướng đến nền hành chính phục vụ

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, trong thời gian qua, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã tích cực cải cách cơ chế chính sách, triển khai nhiều dự án hiện đại hóa trong công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch về quy trình, thủ tục; hiện đại về công nghệ; đảm bảo quản lý chặt chẽ tiền, tài sản Nhà nước.

Đặc biệt, để thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, Kho bạc Nhà nước tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách thuộc lĩnh vực quản lý của mình, trong đó, nổi bật là trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 quy định thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước.

Đến hết năm 2020, Kho bạc Nhà nước đã cung cấp 09/11 thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Đã tích hợp 07/09 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (đạt 77,8%), vượt chỉ tiêu so với kế hoạch được giao năm 2020 (tối thiểu 30%); 100% đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thuộc đối tượng bắt buộc đã đăng ký tham gia dịch vụ công trực tuyến; Lượng chứng từ thanh toán quan dịch vụ công trực tuyến chiếm tỷ lệ 98%.

Nỗ lực cải cách trên nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng Kho bạc điện tử, tiến tới Kho bạc số với 3 không: “Không khách hàng tại trụ sở”, “Không tiền mặt” và “Không giấy tờ”. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng đến giao dịch, đảm bảo minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước và hạn chế tiếp xúc trực tiếp khi giao dịch, góp phần phòng chống dịch Covid-19.

Đặc biệt, nhằm tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt và tạo thuận lợi hơn nữa cho cá nhân, doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước, trong năm 2020, Kho bạc Nhà nước đã thực hiện mở rộng việc phối hợp thu ngân sách giữa Kho bạc Nhà nước với các ngân hàng thương mại cổ phần.

Cụ thể phối hợp với một số ngân hàng thương mại cổ phần trong việc mở và sử dụng hệ thống tài khoản chuyên thu của Kho bạc Nhà nước tại ngân hàng và thực hiện phối hợp thu, ủy nhiệm thu ngân sách nhà nước; đồng thời, kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu điện tử về thu ngân sách giữa ngân hàng và Kho bạc Nhà nước. Qua đó, giúp giảm thiểu thời gian, thủ tục và chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho các đơn vị dự toán ngân sách, chủ đầu tư và người dân trong quá trình giao dịch với các đơn vị trong hệ thống Kho bạc Nhà nước, đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành ngân quỹ nhà nước…

 

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

 

* Baotintuc.vn(4/2): Phát hiện trên 5.200 vụ vi phạm sử dụng điện

Tổng sản lượng truy thu trong năm 2020 là 47.862 kWh, bằng 65% so với cùng kỳ. Tổng số tiền bồi thường thu được và xử phạt vi phạm hành chính trong năm 2020 là 1,1 tỷ đồng. Ông Hoàng Hiếu Trung, Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Bình cho biết, trong thời gian tới, Điện lực Quảng Bình sẽ tiếp tục tập trung khai thác sử dụng các phần mềm quản lý đo đếm từ xa hiện có để tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ vi phạm trộm cắp điện. Công ty cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cộng đồng, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân trong quá trình sử dụng điện, không tiếp tay cho các hành vi trộm cắp điện; kịp thời phát hiện và tố giác các trường hợp vi phạm sử dụng điện. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đặc biệt là khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội và diễn biến khắc nghiệt của thiên tai, hứng chịu bão lụt xảy ra từ giữa tháng 9 đến hết tháng 11 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, việc kiểm tra sử dụng điện đã gặp rất nhiều khó khăn.

Để đạt được kết quả phát hiện và xử lý các vụ vi phạm sử dụng điện trên, lực lượng kiểm tra viên của đơn vị luôn thường xuyên sàng lọc các trường hợp công tơ có sản lượng điện bất thường trên hệ thống RF Spider và DSPM.

 

* Vietnamnet.vn(4/2): Mạo danh cán bộ Văn phòng Chính phủ lừa chạy dự án

VKSND TP Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Nguyễn Trung Kiên (SN 1984, ở Hải Dương) tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sau khi nhận tiền, Kiên không thực hiện như cam kết, chiếm đoạt số tiền đã nhận. Các cá nhân có đơn tố cáo đã giao nộp cho CQĐT toàn bộ tài liệu, giấy nộp tiền... thể hiện việc Kiên đã nhận tiền của người bị hại.

CQĐT làm rõ, với mục đích chiếm đoạt tiền, dù là kẻ nghề nghiệp không ổn định, nhưng Kiên “nổ” với mọi người việc anh ta đang công tác tại Văn phòng Chính phủ, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, có nhiều mối quan hệ, có khả năng xin việc, chạy dự án, mua căn hộ giá rẻ...

Với trò gian dối này, Kiên đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của 6 người nhẹ dạ, chiếm đoạt hơn 7,2 tỷ đồng.

 

* Dantri.vn(3/2): Chậm tham mưu dự án điện gió, nhiều tổ chức, cá nhân bị kiểm điểm

Theo nguồn tin của PV Dân trí, UBND tỉnh Cà Mau đã có chỉ đạo kiểm điểm đối với tổ chức, cá nhân chậm trễ trong việc tham mưu, thực hiện dự án nhà máy điện gió Cà Mau.

Giao 6 đơn vị rà soát kiểm điểm các tổ chức, cá nhân

Trước đó, trong tháng 11/2020, UBND tỉnh Cà Mau thành lập Tổ kiểm tra quy trình nội bộ thủ tục hành chính đối với dự án Nhà máy điện gió Cà Mau 1A, 1B, 1C, 1D.

Sau đó, đến giữa tháng 1/2021, Tổ kiểm tra đã có báo cáo kết quả kiểm tra, chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án điện gió, trong đó có trách nhiệm của một số sở, ngành, địa phương.

Từ đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND các huyện: U Minh, Cái Nước, Trần Văn Thời, Đầm Dơi rà soát, tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với tổ chức, cá nhân chậm trễ công việc tham mưu, thực hiện các trình tự, thủ tục có liên quan đến dự án Nhà máy điện gió Cà Mau.

Việc thực hiện các quy trình, thủ tục để trình HĐND tỉnh ban hành danh mục điều chỉnh, bổ sung liên quan đến đất đai trên địa bàn mất khá nhiều thời gian, trên 3 tháng (do hoãn thời gian họp kỳ bất thường); việc thực hiện các quy trình, thủ tục thu hồi đất kéo dài trên 4 tháng kể từ khi có Nghị quyết của HĐND tỉnh.

Tuy nhiên, các quyết định phê duyệt giá đất cụ thể của dự án Nhà máy điện gió 1B, 1C, 1D được ban hành sau 7 ngày làm việc; quyết định phê duyệt giá đất cụ thể của dự án 1A trên địa bàn huyện Đầm Dơi được ban hành sau 8 ngày làm việc; còn giá đất cụ thể của dự án 1A trên địa bàn huyện U Minh, huyện Cái Nước, huyện Trần Văn Thời đến nay vẫn chưa được ban hành.

 

* Chinhphu.vn(3/2): Tháng đầu năm hải quan phối hợp bắt hàng hoá vi phạm ước 518 tỷ đồng

Tính từ 16/12/2020 đến 15/1/2021, toàn ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 803 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 518 tỷ 839 triệu đồng. Số thu ngân sách đạt 12,5 tỷ đồng, cơ quan hải quan khởi tố 2 vụ; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 5 vụ.

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan nhận định, tình hình chung, trong tháng 1/2021, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của những ngày cận Tết có chiều hướng giảm hơn so với năm 2020, song tính chất các vụ việc rất phức tạp, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu tinh vi hơn, số lượng hàng hóa vi phạm bị giữ nhiều hơn.

Trong đó đặc biệt trên tuyến hàng không, số vụ vi phạm bị bắt giữ tăng mạnh, mặt hàng vi phạm chủ yếu là các hàng cấm, hàng nhỏ gọn, có giá trị cao, dễ cất giấu như ma túy; vũ khí; vàng; các sản phẩm động vật hoang dã nằm trong danh mục CITES như sừng tê giác, ngà voi, vảy tê tê; điện thoại; thuốc lá; rượu...

Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; chỉ đạo các đơn vị triển khai nghiêm túc, có hiệu quả nhiều biện pháp quan trọng góp phần đảm bảo an toàn an ninh xã hội và phòng chống tội phạm.

Cụ thể, tính từ 16/12/2020 đến 15/1/2021, toàn ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng số 803 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 518 tỷ 839 triệu đồng; số thu ngân sách đạt 12,503 tỷ đồng, cơ quan hải quan khởi tố 2 vụ; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 5 vụ.

 

* Nld.com.vn(4/2): Bắt giam giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Tiến Thịnh

Cùng nhau móc nối, nghiệm thu khống máy móc thiết bị, thanh toán số tiền 9,5 tỉ đồng, chủ đầu tư dự án và đơn vị thi công cùng bị khởi tố.

VKSND tỉnh Đắk Lắk đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Tiến Thịnh (Công ty Tiến Thịnh) và Phan Xuân Mạo – nguyên Giám đốc BQL Khu tiểu thủ công nghiệp TP Buôn Ma Thuột (được tại ngoại) để điều tra về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng"

Theo hồ sơ vụ việc, vào năm 2010, Dự án Khu xử lý nước thải tập trung Cụm Công nghiệp Tân An 1, 2, (phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột) được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt với tổng mức đầu tư 37 tỉ đồng từ nguồn ngân sách.

 

* Vtv.vn(3/2): Bà Rịa – Vũng Tàu: Triệt phá đường dây làm giả con dấu, tài liệu quy mô lớn

Với một từ khóa làm bằng cấp, có thể dễ dàng tìm thấy hàng loạt tài khoản Facebook, trang Fanpage quảng cáo, giới thiệu cung cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, giấy phép lái xe, giấy chứng minh, căn cước công dân... Những loại giấy tờ này được rao với giá từ vài trăm đến vài triệu đồng. Có nhiều đối tượng đã sử dụng giấy tờ giả như chứng minh nhân dân, căn cước công dân để phục vụ hành vi phạm tội.

Qua quá trình xác minh thông tin, các trinh sát hình sự phát hiện 1 đối tượng sinh sống trên địa bàn tỉnh, là trung gian giữa các nhóm đối tượng chuyên sản xuất giấy tờ giả và những người có nhu cầu. Trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 8/2020, đối tượng này đã trực tiếp gửi gần 1 ngàn bưu phẩm qua đường bưu điện đi cả nước, bao gồm các loại giấy tờ, tài liệu liên quan. Tài khoản ngân hàng mà đối tượng sử dụng để giao dịch được tạo bằng giấy CMND giả.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát đã tìm ra đối tượng núp sau những thông tin giả nói trên, đó là Lê Thanh Hiển (29 tuổi, trú tại xã Xà Bang, huyện Châu Đức). Từ mắt xích đầu tiên, đường dây làm giả giấy tờ, tài liệu quy mô và tính chất đặc biệt lớn, thủ đoạn phạm tội tinh vi, phức tạp đã được dựng lên. Toàn bộ các đối tượng trong đường dây này dần dần lộ diện, mặc dù hầu hết các đối tượng dùng nhân thân, lai lịch giả để liên lạc, giao dịch với nhau.

 

* Vtv.vn(3/2): Hà Nội: Phạt 38 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng

Công an quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, sau khi phát động ra quân phối hơp cùng các lực lượng khác xử lý những trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng đã xử phạt 29 trường hợp, phạt thành tiền 47 triệu đồng. Trong 3 ngày đầu của tháng 2/2021, các đơn vị thuộc CAQ Hà Đông, Hà Nội đã xử lý 38 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng. Hầu hết những trường hợp này đều bị xử phạt rất nặng theo Nghị định 177/2020/NĐ-CP.

Ngoài việc xử phạt, Công an quận Hà Đông cũng tiến hành phát khẩu trang miễn phí cho những trường hợp vi phạm và tuyên truyền nhắc nhở công tác phòng chống dịch trên địa bàn các phường.

Cũng trong ngày 3/2, lực lượng công an các quận huyện như Hoàn Kiếm, Đống, Đa, Hai Bà Trưng… cũng tổ chức ra quân xử lý những tường hợp vô ý thức không đeo khẩu trang trong thời điểm cả thành phố cùng chung tay phòng chống dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp. Công an các huyện Thường Tín, Phú Xuyên… đã tổ chức tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 qua loa truyền thanh di động đến các thôn, xóm.

 

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

* Baodauthau.vn(4/2): Tháng 1, thu ngân sách nhà nước hơn 153 nghìn tỷ đồng

Số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 1/2021 ước đạt 153,5 nghìn tỷ đồng, bằng 11,4% dự toán, giảm 15,5% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hầu hết các khoản thu trong tháng này đều giảm so với cùng kỳ.

Cụ thể, thu nội địa tháng 1/2021 ước đạt 131,55 nghìn tỷ đồng, bằng 11,6% dự toán, giảm 16,5% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 10,6% dự toán, giảm 23,4%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 14,5% dự toán, giảm 15,8%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh đạt 13,6% dự toán, giảm 15,4%; thuế thu nhập cá nhân đạt 10,2% dự toán, giảm 19,7%...

Thu từ dầu thô ước đạt 2,45 nghìn tỷ đồng, bằng 10,6% dự toán, giảm 66,7% so cùng kỳ năm 2020, chủ yếu do tháng 1/2020 phát sinh thu từ nguồn kết dư chi phí năm 2019 của Liên doanh Vietsopetro (2,7 nghìn tỷ đồng), sang tháng 1/2021 không phát sinh.

Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 1/2021 ước đạt 28 nghìn tỷ đồng, bằng 8,9% dự toán, tăng 7,6% so cùng kỳ năm 2020. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1 ước giảm 3% so với tháng 12/2020 và tăng 45,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Về NSNN, tổng chi cân đối NSNN tháng 1/2021 ước đạt 99,6 nghìn tỷ đồng, bằng 5,9% dự toán, đáp ứng các nhu cầu chi thường xuyên để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, đảm bảo an sinh xã hội (chiếm 68,8% tổng số chi). Ngoài ra, các khoản chi đã tập trung đảm bảo kinh phí tiền lương, lương hưu, trợ cấp xã hội cho các đối tượng chính sách; đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời các khoản nợ lãi đến hạn (chiếm 16,4% tổng chi).

 

* Tuoitre.vn(2/2): Bố trí ngân sách mua vắc xin COVID-19 cho toàn bộ dân Hà Nội

. Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu Ban cán sự đảng UBND TP chỉ đạo ngành y tế tập trung lên kế hoạch, bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực hợp pháp để mua vắc xin phòng chống dịch COVID-19 cho toàn bộ dân thủ đô.

Về việc mua vắcxin ngừa COVID-19, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết Thường trực Thành ủy sẽ báo cáo Ban thường vụ Thành ủy về việc tiêm vắc xin cho tất cả người dân TP bằng nguồn vốn ngân sách của TP và nguồn vốn hợp pháp khác.

Vì vậy, Bí thư Thành ủy yêu cầu Ban cán sự đảng UBND TP chỉ đạo ngành y tế khẩn trương rà soát nguồn lực y tế hiện có, tập trung lên kế hoạch, bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực hợp pháp để mua vắc xin ngừa COVID-19 cho toàn bộ dân thủ đô.

 

THẾ GIỚI

* Vtv.vn(4/2): Gần 1.000 doanh nghiệp Nhật Bản phá sản vì COVID-19

Khảo sát trên do công ty Tokyo Shoko Research thực hiện và công bố ngày 2/2. Theo khảo sát, chiếm số đông trong các doanh nghiệp bị phá sản là các công ty hoạt động trong lĩnh vực như: dịch vụ ăn uống (182 trường hợp), may mặc (91 trường hợp), xây dựng (83 trường hợp), khách sạn (62 trường hợp).

Phần lớn các doanh nghiệp phá sản tập trung tại Tokyo (247 trường hợp), Osaka (94 trường hợp), tỉnh Kanagawa (55 trường hợp) và hơn một nửa số vụ phá sản nằm ở các doanh nghiệp có khoản nợ dưới 100 triệu Yen.

Theo báo cáo của Tokyo Shoko Research, thời điểm xác nhận doanh nghiệp đầu tiên tại Nhật Bản bị phá sản do đại dịch COVID-19 là tháng 2/2020.

 

* Vnexpress.vn(3/2): Gần 105 triệu ca nCoV toàn cầu, châu Âu bắt đầu đón nhận vaccine Nga

oàn cầu đã ghi nhận gần 105 triệu ca nCoV, gần 2,3 triệu người chết, Thủ tướng Đức nói rằng EU có thể sử dụng vaccine Sputnik V sau khi nó được khối này phê duyệt.

Thế giới ghi nhận 104.853.916 ca nhiễm và 2.275.668 người chết do Covid-19, tăng lần lượt 506.173 và 14.379 ca trong 24 giờ qua. 76.499.721 người đã bình phục, theo trang cập nhật thời gian thực Worldometers.

Sputnik V, đã được triển khai ở Nga và một số quốc gia khác, được phát hiện có hiệu quả 91,6% đối với các ca nhiễm nCoV có triệu chứng, trong kết quả thử nghiệm được công bố bởi tạp chí ý khoa hàng đầu Lancet.

Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố rằng "mọi loại vaccine đều được chào đón ở Liên minh châu Âu" sau khi được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) chấp thuận. Bà cho biết đã nói chuyện với Putin vào tháng trước về cách Đức có thể hỗ trợ các nỗ lực vaccine của Nga, gợi ý rằng Viện Paul Ehrlich của Đức có thể hỗ trợ Nga trong quy trình đăng ký xin phê duyệt ở EMA.

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn ngày 3/2 xác nhận họ đang đàm phán với Moskva về khả năng sản xuất Sputnik V ở Đức hoặc các nơi khác ở châu Âu.

 

* Vtv.vn(4/2): Các biến thể virus mới lan rộng tại nhiều bang của Mỹ

Tháng 1 vừa qua được coi là tháng chết chóc nhất từ khi đại dịch xảy ra ở Mỹ. Hơn 95.000 người chết, chiếm 1/5 số ca tử vong vì COVID-19.

Sau khi đạt đỉnh, diễn biến dịch có chiều hướng giảm song vẫn ở mức cao. Trung bình mỗi ngày vẫn có hơn 144.000 ca nhiễm mới và khoảng 3.000 người tử vong. Đã có ít nhất 500 trường hợp tại 33 bang nhiễm hoặc tử vong vì biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2.

Bà Rochelle Walensky - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ - CDC cho biết: "Chúng tôi vẫn rất lo ngại về các biến thể virus mới và tiếp tục theo dõi chúng tại Mỹ".

Cơ quan y tế Mỹ đưa ra cảnh báo về tình trạng lây nhiễm đang lan mạnh ở trẻ em. Ít nhất 2,8 triệu trẻ em tại Mỹ đã bị nhiễm COVID-19. Số này tăng 12% chỉ trong 2 tuần qua, phần lớn có ít hoặc không có triệu chứng. Chính quyền đang hỗ trợ các nguồn lực để các bang đẩy mạnh việc tiêm phòng vaccine.

 

* Vtv.vn(4/2): Biến tàu thủy thành trung tâm tiêm chủng

Một tàu thủy chở khách hoạt động gần 90 năm qua đã được biến thành trung tâm tiêm chủng di động.

Trong những tuần tới, con tàu MS Thurgau sẽ di chuyển từ bến tàu này sang bến tàu khác để thực hiện công tác tiêm chủng cho người dân ở miền Bắc Thụy Sĩ.

Theo kế hoạch ban đầu, trên tàu sẽ có hai phòng tiêm chủng dành cho 24 người mỗi giờ. Trung tâm tiêm chủng di động này hiện sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Moderna.Tàu MS Thurgau có thể chở 500 người, thường chở khách du lịch và hành khách giữa các thành phố của Thụy Sĩ và Đức qua hồ Constance, nhưng đã phải tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

 

* Vtv.vn(4/2): Nhật Bản chính thức thông qua các dự luật chống dịch

Dự luật sửa đổi Luật về các biện pháp đặc biệt để chống dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác sẽ cho phép chính quyền các địa phương thực hiện các biện pháp quyết liệt trong tình huống chưa cần ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch bệnh.

Cụ thể, thống đốc các tỉnh, thành sẽ được phép yêu cầu các nhà hàng, quán bar rút ngắn thời gian hoạt động. Chủ nhà hàng, quán bar không hợp tác với chính quyền sẽ bị phạt tới 200.000 Yen (tương đương với 45 triệu VNĐ).

Trong khi đó, dự luật sửa đổi Luật về phòng chống các bệnh truyền nhiễm quy định phạt tiền tới hơn 100 triệu đồng đối với những bệnh nhân COVID-19 từ chối nhập viện và 65 triệu đồng đối với những người không tham gia các cuộc điều tra dịch tễ của các cơ quan y tế./.

 

Xem thêm Tại đây

Tin mới nhất

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23/12 đến 26/12 năm 2023(26/12/2023 10:49 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 20/12 đến 22/12 năm 2023(22/12/2023 7:33 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 16/12 đến 19/12 năm 2023(19/12/2023 9:45 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 13/12 đến 15/12 năm 2023(15/12/2023 11:03 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 09/12 đến 12/12 năm 2023(12/12/2023 6:36 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 05/12 đến 08/12 năm 2023(08/12/2023 11:28 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01/12 đến 04/12 năm 2023(05/12/2023 5:51 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/11 đến 1/12 năm 2023 (01/12/2023 8:54 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25/11 đến 27/11 năm 2023(27/11/2023 8:59 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 3/11 đến 8/11 năm 2023(08/11/2023 9:22 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/10 đến 31/10 năm 2023(01/11/2023 9:20 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 21/10 đến 24/10 năm 2023(25/10/2023 9:34 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 11/10 đến 13/10 năm 2023(24/10/2023 5:47 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 9:22 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 2:34 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 7/10 đến 10/10 năm 2023(11/10/2023 5:11 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 04 đến ngày 06 tháng 10 năm 2023(06/10/2023 10:50 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 10 năm 2023(04/10/2023 4:02 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 8 năm 2023(31/08/2023 2:12 SA)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 8 năm 2023(25/08/2023 5:33 CH)

<< < 1 2 3 4 5  ... > >> 
°
Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
373 người đã bình chọn