Dienbien.gov.vn – Sau những ngày đón tết cổ truyền 2021, tranh thủ thời tiết nắng ấm, bà con nông dân các địa phương tại Điện Biên phấn khởi tập trung ra đồng chăm sóc lúa Đông xuân 2020 - 2021.
Sau Tết Nguyên đán cổ truyền nông dân trên địa bàn toàn tỉnh xuống đồng tỉa dặm, chăm sóc lúa Đông xuân.
Vụ đông xuân 2020 – 2021, toàn tỉnh gieo cấy 9.593ha lúa, phấn đấu năng suất bình quân đạt gần 60 tạ/ha, sản lượng ước đạt gần 57.000 tấn, tăng trên 4.300 tấn so với vụ Đông xuân 2019 - 2020. Để đảm bảo gieo cấy đúng khung thời vụ và cơ cấu giống, ngành NN&PTNT tỉnh đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT các huyện, thành phố tăng cường hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, đầu tư thâm canh và quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất, khung lịch thời vụ gieo cấy. Đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thiện việc gieo cấy.
Năm nào cũng vậy, trong không khí đón tết Nguyên đán vẫn tràn ngập, trên cánh đồng Mường Thanh, niềm hân hoan, phấn khởi hiện hữu trên từng gương mặt của người nông dân khi xuống đồng đầu xuân thực hiện những công việc cần thiết trong vụ Đông xuân. Cùng với việc tập trung hoàn tất khâu tỉa dặm, bà con nông dân cũng tập trung cho các khâu chăm sóc khác theo từng giai đoạn để đảm bảo cho lúa phát triển tốt. Việc xuống đồng ngày xuân với bà con mang nhiều ý nghĩa và cầu mong một vụ sản xuất bội thu.
Ông Quàng Văn Tuấn, nông dân huyện Điện Biên, chia sẻ: Vụ này, gia đình tôi cấy trên 2.000m2 lúa. Sáng mùng 3 Tết, vợ chồng tôi tranh thủ thời tiết nắng ấm ra đồng tỉa dặm những diện tích lúa chưa được tỉa xong. Đối với diện tích lúa cấy trước Tết Nguyên đán phát triển tốt, chưa phát sinh sâu bệnh gây hại. Nhìn ruộng lúa xanh tươi cho tôi hy vọng về một năm mới nhiều thắng lợi trong sản xuất.
Theo kế hoạch vụ Đông xuân năm 2020 - 2021, huyện Điện Biên gieo cấy trên 4.000 ha và đến thời điểm này, huyện đã cơ bản hoàn thành việc gieo cấy. Để hoàn thành kế hoạch gieo trồng vụ Đông xuân, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn chủ động tuyên truyền lịch thời vụ cho bà con nông dân, chuẩn bị các điều kiện cần thiết như cung ứng giống, vật tư, phân bón, nạo vét kênh mương nội đồng, vận động nông dân cày đổ ải và thực hiện lịch gieo cấy theo đúng thời gian, kế hoạch của huyện.

Lãnh đạo, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Điện Biên thăm đồng sau Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Với quyết tâm phấn đấu vụ Đông xuân thắng lợi, sau những ngày tết, huyện Điện Biên đã vận động bà con xã viên tích cực bám sát đồng ruộng đẩy mạnh chăm sóc lúa Đông xuân. Một điểm đáng ghi nhận, mặc dù vui xuân đón tết nhưng bà con nông dân không quên đồng ruộng mà rất chủ động trong việc phòng trừ các loại dịch hại trên các trà lúa từ đẻ nhánh, kể từ trước, trong và sau tết.
Ông Chu Văn Bách – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa, hiện nay huyện Điện Biên tập trung sản xuất vụ đông xuân song song với 2 mục tiêu chính. Đó là thực hiện tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển giao trong sản xuất; đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, HTX tham gia vào chuỗi liên kết lúa gạo đã và đang tham gia nhằm nâng cao thương hiệu lúa gạo trong khu vực lòng chảo Điện Biên.
Vụ Đông xuân năm nay, ngoài việc huyện tập trung xây dựng quy trình, kỹ thuật sản xuất, chỉ đạo cán bộ khuyến nông của huyện, xã và các thôn, bản tổ chức tập huấn, tuyên truyền đến bà con các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, huyện vận động bà con áp dụng quy trình sản xuất lúa cấy; xây dựng quy trình canh tác lúa cải tiến SRI…
Vì theo ông Bách, việc áp dụng quy trình sản xuất lúa cấy; canh tác lúa cải tiến SRI sẽ đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng phát triển khỏe, chịu được với các điều kiện dịch bệnh, đặc biệt cây lúa sinh trưởng tốt khi gặp gió lốc hạn chế được diện tích đỗ, ngã; dễ điều chỉnh cây lúa, bón phân, phương pháp chăm bón, lúa cấy cây gốc rễ khỏe, hạn chế được tập đoàn rầy, đạo ôn, giảm nguy cơ phát triển, lây lan dịch bệnh.
Nhìn chung, bà con đã tuân thủ tốt các kỹ thuật sản xuất trong từng khâu như: làm đất, chọn giống, chuẩn bị vật tư nông nghiệp và bón phân lót cho đến khi xuống giống, tất cả đều được thực hiện kỹ lưỡng theo hướng dẫn... Vì vậy, mặc dù không khí Tết vẫn còn ngập tràn trong mỗi gia đình, bản làng, nhưng từ mùng 4 Tết, nông dân khu vực lòng chảo Mường Thanh đã rộn rã xuống đồng sản xuất với khí thế vui vẻ hứa hẹn một vụ sản xuất thắng lợi.
Tuyết Anh