Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 12 năm 2021

Update 24 - 12 - 2021
100%

PHẦN I: TIN ĐIỆN BIÊN

 

  *Dienbientv.vn (23/12): Điện Biên triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3

Từ ngày 23/12/2021 - 15/1/2022, tỉnh Điện Biên sẽ triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 22 cho nhân dân trên địa bàn. Trong đó, sẽ tiến hành tiêm liều bổ sung và nhắc lại mũi 3 cho một số đối tượng.

Cụ thể, dự kiến sẽ có trên 147.800 người thuộc các đối tượng: người tiêm mũi 1, trẻ em từ 12-15 tuổi tiêm mũi 2, người tiêm bổ sung mũi 3 và tiêm nhắc lại mũi 3, sẽ được tiêm trong đợt này tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện 7/5, Bệnh viện Y học cổ truyền, các điểm tiêm chủng lưu động và trường học.

Đối tượng tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại mũi 3 là người trên 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (2 liều trở lên), trong đó ưu tiên tiêm cho người có tình trạng suy giảm miễn dịch (ghép tạng, HIV, ung thư, đang điều trị thuốc ức chê miễn dịch trong vòng 6 tháng,…); người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin Sinopham; người mắc bệnh nền, người cần chăm sóc dài hạn ở cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch…

Vắc xin được sử dụng chủ yếu sẽ là vắc xin Pfizer, AstraZeneca và Vero Cell (sử dụng cho những người tiêm bổ sung mũi 3, trước đó đã tiêm 2 mũi cùng loại).

 

*Giaoducthoidai.vn (22/12): Tuyển giáo viên chất lượng cao: Vì sao người giỏi không chọn trường chuyên?

Là cơ sở giáo dục chất lượng hàng đầu của Điện Biên, song nhiều năm qua công tác giáo dục mũi nhọn tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn lại gặp khó do thiếu giáo viên cục bộ, nhất là giáo viên chất lượng cao.

Áp lực chuyên môn

Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn hiện có 92 giáo viên, nhân viên, người lao động. Trong đó: 3 người trong Ban Giám hiệu; 74 giáo viên; 15 nhân viên, người lao động. 100% nhà giáo đạt chuẩn đào tạo và trên chuẩn; 60% là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; 11 nhà giáo ưu tú.

Theo cô Bùi Thị Anh, Hiệu trưởng nhà trường: Đơn vị còn thiếu 6 biên chế tính theo đầu lớp, thuộc các môn: Toán, Tiếng Anh, Tiếng Trung. Với lực lượng hiện có, các thầy cô giáo phải làm việc với cường độ rất lớn mới có thể đáp ứng yêu cầu chuyên môn đặt ra của một trường chuyên.

Tại Tổ Ngoại ngữ, năm học này có 8 giáo viên môn Tiếng Anh, thì 1 giáo viên đang theo học Thạc sĩ tại Vương quốc Anh và “mắt kẹt” vì dịch; 3 giáo viên Tiếng Trung, trong đó 1 giáo viên nghỉ thai sản.

Cô Nguyễn Hạnh Tuyết, Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, cho biết: Nhiều năm qua, do đội ngũ giáo viên Tiếng Anh, Tiếng Trung thiếu nên các thầy cô khác trong tổ thường xuyên phải dạy số lượng tiết dày đặc, tăng giờ... để đảm bảo yêu cầu chất lượng.

Theo số liệu tổng kết, hàng năm tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn luôn đạt 100%, trên 98% đỗ đại học, trên 85% học sinh đi thi HSG tỉnh có giải và là nguồn đội tuyển HSG quốc gia chủ chốt của tỉnh. Tuy nhiên, theo cô Bùi Thị Anh, tỷ lệ học sinh đoạt giải trong kỳ thi HSG quốc gia 2 năm gần đây không ổn định, không cao. Một phần nguyên do không tuyển được giáo viên mới có năng lực đáp ứng yêu cầu dạy chương trình chuyên và ôn luyện HSG quốc gia.

Khó tìm nguồn

Thiếu giáo viên cục bộ, nhất là giáo viên chất lượng cao, song việc tuyển dụng lại gặp muôn vàn vướng mắc, đa phần là khó khăn về nguồn tuyển. Theo phân tích của cô hiệu trưởng, để có được đội ngũ nhà giáo chất lượng cao không chỉ cần sự đãi ngộ, thu hút, mà còn là chính sách tuyển dụng công khai và hợp lý, thậm chí là cơ chế đặc biệt “trải thảm” mời nhân tài.

Tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, trên thực tế những năm qua công tác tuyển dụng giáo viên cũng được địa phương ưu ái, với nhiều cách làm. Nhà trường chủ động lựa chọn và đề xuất những giáo viên có năng lực chuyên môn giỏi trong tỉnh hoặc học sinh tốt nghiệp xuất sắc ra trường sau khi được tỉnh tuyển dụng để về dạy thử. Khi đảm bảo yêu cầu đề ra mới tuyển dụng.

“Tuy nhiên, là địa phương miền núi với nhiều khó khăn đặc thù nên nguồn tuyển này không nhiều. Một số giáo viên giỏi nhưng lại không có nguyện vọng về trường chuyên, bởi cường độ và áp lực công việc cao, trong khi chế độ chưa tương xứng”, cô Bùi Thị Anh chia sẻ.

Cũng theo chia sẻ này của người đứng đầu nhà trường, nguồn tuyển khó khăn nhất là 2 môn Tiếng Anh và Trung. Suốt quá trình thành lập đến nay trường vẫn thiếu giáo viên ở 2 bộ môn này. “Ngành GD địa phương đã tạo điều kiện tăng cường thêm giáo viên. Có giáo viên năng lực tốt, đáp ứng được yêu cầu dạy lớp chuyên nhưng khi đặt vấn đề ở lại trường công tác thì họ từ chối”, cô hiệu trưởng nói.

Một thực trạng nữa cần nhắc đến là hiện chưa có chế độ đặc thù để tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp giỏi từ lớp cử nhân, tại các trường đại học để có đội ngũ kế cận những giáo viên lớn tuổi.

 

*Dienbientv.vn (22/12): Khởi sắc từ thu hút đầu tư

Năm 2021, trước bối cảnh nhiều khó khăn thách thức bởi đại dịch Covid-19, tỉnh Điện Biên đã kiên trì mục tiêu, linh hoạt các giải pháp trong chỉ đạo, điều hành, kinh tế - xã hội tiếp tục có bước tăng trưởng tích cực; cải cách hành chính tiếp tục có chuyển biến rõ nét. Đây cũng là một năm khởi sắc với tỉnh Điện Biên khi đã thu hút được nhiều dự án đầu tư từ các nhà đầu tư, tập đoàn lớn trong phát triển du lịch và nông nghiệp.

Ngày 3/12, Hãng hàng không Bamboo Airways đã mở đường bay thẳng Thành phố Hồ Chí Minh - Điện Biên kết nối Điện Biên với trung tâm kinh tế - xã hội đầu não của cả nước. Sự kiện quan trọng này sẽ trở thành cầu nối cho các cơ hội đầu tư, giao thương đầy tiềm năng, qua đó tạo cú huých mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung.

Sự kiện mở đường bay thẳng Thành phố Hồ Chí Minh - Điện Biên là một trong những tín hiệu khởi sắc từ thu hút đầu tư. Trong năm 2021, tỉnh Điện Biên đã đón tiếp các nhà đầu tư, tập đoàn lớn hàng đầu của đất nước đến tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu, ký kết thỏa thuận hợp tác với  tỉnh như: Sun Group, FLC, VinGroup, Hải Phát, Flamingo, SGO, Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng Tây Bắc… UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư trong giới thiệu vị trí, địa điểm đầu tư và tiến hành lập quy hoạch chi tiết, lập đề xuất chủ trương đầu tư đối với các dự án có tiềm năng, triển vọng. Qua đó, xây dựng được mối quan hệ tin cậy, mở ra bức tranh tươi sáng về đầu tư của tỉnh trong thời gian tới.

Bằng việc ban hành nhiều cơ chế, thực hiện các giải pháp đồng bộ, môi trường kinh doanh của tỉnh tiếp tục có sự cải thiện tích cực, ngày càng hấp dẫn tạo sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong năm 2021, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 17 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký gần 6.300 tỷ đồng. Lũy kế có gần 230 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 36.000 tỷ đồng.

Để thu hút đầu tư, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; tăng cường hoạt động gặp mặt đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp; tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhất là trong bước thực hiện dự án đầu tư.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, rà soát đánh giá lại tiến độ của các dự án, đồng hành cùng nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tận dụng thời cơ, tập trung triển khai các dự án phát triển hạ tầng đô thị, du lịch được Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương ngay đầu năm 2022 như: Dự án Khu đô thị mới, Khách sạn và Trung tâm thương mại Thanh Trường, Sân gofl Thanh Nưa, Khu dân cư đô thị mới phía bắc đường Hoàng Văn Thái - Khe Chít… và tiếp tục kêu gọi triển khai đầu tư các dự án có tiềm năng, triển vọng khác.

 

*Baodienbienphu.info.vn (23/12): Trao tặng 1.000 suất quà cho học sinh huyện Tủa Chùa và Mường Nhé

Thông qua sự kết nối của Sở Giáo dục & Đào tạo, một nhà hảo tâm ở Hà Nội đã gửi tặng các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn thuộc 2 huyện: Tủa Chùa và Mường Nhé 1.000 suất quà, bao gồm: vở viết, mũ, tất mùa đông. Tất cả những phần quà trên được nhà hảo tâm mua mới và đóng gói cẩn thận. Riêng vở viết được đặt in và thiết kế riêng cho các cháu học sinh.

 

PHẦN II: TIN TỨC – THỜI SỰ

TIÊU ĐIỂM

*Vietnamnet.vn (23/12): Bộ Nội vụ xây dựng bảng lương mới của cán bộ, công viên chức

Sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Ngày 23/12, Bộ Nội vụ ban hành kế hoạch triển khai các nội dung về cải cách chính sách tiền lương trong năm 2022 đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Theo đó, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công xây dựng các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới theo nội dung cải cách tại Nghị quyết số 27 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Dự kiến tháng 7/2022, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương để ban này báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định.

 

* Plo.vn (22/12): Năm 2022, Việt Nam vào nhóm 80 quốc gia dẫn đầu về chính phủ điện tử

Ngày 22-12, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ TT&TT.

 Thông tin tại hội nghị cho thấy mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 nhưng chính những thách thức do dịch bệnh gây ra đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Chỉ trong thời gian ngắn, công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã được lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc với tốc độ nhanh chóng, tạo nên một làn sóng chuyển đổi số trên khắp các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

 Trong năm 2022, riêng lĩnh vực viễn thông, Bộ TT&TT đặt nhiệm vụ tập trung sửa đổi Luật Viễn thông. Theo đó, đưa các điều khoản, bổ sung các quy định hoàn thiện khung pháp lý với trọng tâm là thúc đẩy hạ tầng số trong giai đoạn mới; bảo đảm chính sách quản lý theo kịp với sự phát triển của thị trường.

Cùng với đó là tháo gỡ các rào cản trong đầu tư, tạo điều kiện để thị trường phát triển; thực hiện đấu giá băng tần để triển khai mạng di động 4G, 5G; triển khai thương mại 5G với các thiết bị Make in Vietnam từ năm 2022; xây dựng các cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy, quản lý, giám sát hoạt động triển khai Mobile Money; triển khai đấu giá tên miền “.vn”...

 Bộ TT&TT cũng cho biết trong thời gian tới, bộ sẽ có các chính sách và biện pháp tiếp tục tập trung hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp an toàn thông tin mạng phát triển hoàn thiện các chủng loại sản phẩm, các doanh nghiệp tham gia thị trường an toàn thông tin mạng.

 Trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ TT&TT đặt mục tiêu hết năm 2022, Việt Nam vào nhóm 80 quốc gia dẫn đầu về chính phủ điện tử, chính phủ số trong xếp hạng chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên Hợp Quốc.

 

*Chinhphu.vn (22/12): Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, mở rộng vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, các địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, mở rộng vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và thất thoát, sớm đưa các đối tượng ra xét xử khách quan, nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 9373/VPCP-NC ngày 22/12/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh kit xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo như sau:

1. Biểu dương Bộ Công an và các cơ quan chức năng liên quan đã thực hiện nghiêm Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2021, Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2021 và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản: Thông báo số 89/TB-VPCP ngày 01 tháng 5 năm 2021, Thông báo số 167/TB-VPCP ngày 23 tháng 6 năm 2021..., đặc biệt là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 7668/CĐ-VPCP ngày 20 tháng 10 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ về việc tăng cường quản lý mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19; trong đó, Bộ Công an đã tích cực chủ động vào cuộc cùng các địa phương và các ngành liên quan, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, tiến hành điều tra xác minh hành vi vi phạm của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và các tổ chức, cá nhân liên quan.

2. Yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, các địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, mở rộng vụ án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và thất thoát, sớm đưa các đối tượng ra xét xử khách quan, nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật.

3. Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan khẩn trương, chủ động rà soát, kịp thời có biện pháp chấn chỉnh công tác đấu thầu, mua sắm và sử dụng thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng quy định pháp luật và tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm khoa học, hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát, tham nhũng tiêu cực và "lợi ích nhóm", tuyệt đối không được để xảy ra vi phạm pháp luật; trường hợp khó khăn vướng mắc hoặc có vấn đề mới phát sinh, kịp thời trao đổi, báo cáo Bộ Y tế và các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư để xử lý, giải quyết.

 

CHÍNH SÁCH – VĂN BẢN – NGHỊ ĐỊNH MỚI

* Chinhphu.vn (22/12): Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về đấu nối vào đường quốc lộ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 117/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Trong đó, Nghị định 117/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 29 đấu nối vào quốc lộ. Theo đó, ngoài 3 loại đường đấu nối vào quốc lộ đã được quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP bao gồm: 1- Đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị; 2- Đường chuyên dùng; 3- Đường gom, Nghị định mới bổ sung thêm đường từ các khu vực, công trình phục vụ quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt các điểm đấu nối vào quốc lộ phù hợp với các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tuân thủ nguyên tắc, yêu cầu đấu nối theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; chịu trách nhiệm về việc thực hiện đấu nối bảo đảm giao thông an toàn và khả năng thông hành của tuyến đường.  

Trường hợp điểm đấu nối nằm trong khu vực có địa hình khó khăn trong việc xây dựng đường gom do hành lang đường bộ bị chia cắt như núi cao, vực sâu, sông, suối, đường sắt và các chướng ngại vật khác khó khăn trong việc di dời hoặc điểm đấu nối từ các công trình phục vụ an ninh, quốc phòng, công trình trọng điểm quốc gia, công trình quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đấu nối vào quốc lộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sau khi có ý kiến của Bộ Giao thông vận tải.

Trường hợp điểm đấu nối nằm trong phạm vi dự án quốc lộ đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sau khi có ý kiến thống nhất của cơ quan có thẩm quyền của dự án đối tác công tư.

Căn cứ quyết định phê duyệt điểm đấu nối vào quốc lộ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng điểm đấu nối lập và gửi hồ sơ đến cơ quan đường bộ có thẩm quyền xem xét, chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông của điểm đấu nối vào quốc lộ.

Việc quản lý, sử dụng đất để làm đường nhánh đấu nối vào quốc lộ phải tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai.

 

*Chinhphu.vn (22/12): Bộ Y tế áp dụng Cơ chế một cửa quốc gia với 4 TTHC

Bộ Y tế vừa ban hành quyết định về việc áp dụng Cơ chế một cửa quốc gia đối với 4 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc lĩnh vực y, dược cổ truyền trên toàn quốc.

Cụ thể, 4 TTHC áp dụng Cơ chế một cửa quốc gia, gồm:

1- Cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền nhập khẩu miễn thử lâm sàng hoặc miễn một số giai đoạn thử thuốc trên lâm sàng;

2- Đề nghị tái xuất thuốc cổ truyền bị thu hồi;

3- Cho phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc có hạn dùng còn lại tại thời điểm thông quan ngắn hơn quy định;

4- Cấp phép xuất khẩu dược liệu thuộc danh mục loài, chủng loại dược liệu quý, hiếm, đặc hữu phải kiểm soát.

Theo Bộ Y tế, kết quả của các TTHC nêu trên là các bản giấy phép hoặc giấy chứng nhận điện tử có chữ ký số hợp pháp của người có thẩm quyền và chữ ký số của cơ quan, tổ chức theo quy định hiện hành.

Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế, Tổng cục Hải quan và các Cục Hải quan trực thuộc Tổng cục Hải quan là cơ quan thực hiện TTHC nêu trên.

Đối tượng và điều kiện tham gia Cơ chế một cửa quốc gia là các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu dược liệu cổ truyền theo quy định pháp luật.

Về lộ trình thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Bộ Y tế cho biết thời gian thực hiện thí điểm Cơ chế một cửa quốc gia từ ngày 20/12/2021 đến hết ngày 20/1/2022 đối với tất cả các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện và có nhu cầu thực hiện.

Từ ngày 21/1/2022, áp dụng chính thức Cơ chế một cửa quốc gia các TTHC nêu trên đối với tất cả các tổ chức, cá nhân nhập khẩu dược liệu cổ truyền...

 

*Chinhphu.vn (23/12): Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường tiêm chủng, kiểm soát biến chủng mới Omicron

 Văn phòng Chính phủ vừa có Công điện số 9406/CĐ-VPCP ngày 23/12/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc tăng cường công tác tiêm chủng, kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2.

Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu rõ:

Trong thời gian gần đây, dịch bệnh COVID-19 đang có diễn biến phức tạp; tại nhiều địa phương số ca mắc mới có xu hướng tăng; số bệnh nhân nặng, số ca tử vong ở một số địa phương chưa giảm. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhất là chủ động kiểm soát biến chủng mới Omicron đang diễn biến rất khó lường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu:

1. Đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo và tổ chức thần tốc hơn nữa việc tiêm chủng vaccine phòng ngừa COVID-19. Chậm nhất ngày 31 tháng 12 năm 2021 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên (trừ trường hợp chống chỉ định); không để sót các trường hợp thuộc diện phải tiêm, nhất là người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 đến 18 tuổi trong tháng 01 năm 2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong Quý I năm 2022.

- Đồng chí Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ tiêm vaccine tại địa phương khi đã được cung cấp vaccine đầy đủ.

2. Bộ Y tế: Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bảo đảm đủ vaccine và phân bổ kịp thời cho các địa phương, hướng dẫn các địa phương tiêm an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, chống mọi biểu hiện tiêu cực.

3. Các Bộ: Y tế, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường kiểm soát người đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron nhập cảnh vào Việt Nam, kể cả đường hàng không, đường bộ, đường thủy để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng này vào nước ta; thực hiện test nhanh đối với hành khách trước khi lên và sau khi xuống tàu bay, cách ly ngay đối với các trường hợp nghi nhiễm; giải trình tự gen để phát hiện chủng Omicron và xử lý triệt để.

4. Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu toàn diện về chủng mới Omicron để kịp thời có các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

 

CHỈ THỊ MỚI

*Chinhphu.vn (23/12): Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 2161/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 27 m2 sàn/người, trong đó: Diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 28 m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 26 m2 sàn/người.

Đến năm 2030, phấn đấu tăng tỉ lệ nhà ở kiên cố trên toàn quốc đạt 85-90%, trong đó tại khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 75-80%, không để phát sinh nhà ở đơn sơ trên toàn quốc đặc biệt là khu vực đô thị; 90% nhà ở trên toàn quốc có hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước thải đồng bộ và được đấu nối vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực.

Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của các đối tượng chính sách có khó khăn về nhà ở như người thu nhập thấp đô thị, công nhân khu công nghiệp, cán bộ công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân thông qua điều chỉnh, bổ sung chính sách nhằm tăng nguồn cung kết hợp hỗ trợ khả năng thanh toán.

Đối với các hộ nghèo tại khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu sổ và miền núi, hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo có khó khăn về nhà ở, hỗ trợ cải thiện nhà ở theo hướng: Hỗ trợ từ ngân sách trung ương; tăng mức vay ưu đãi cũng như đề nghị các địa phương hỗ trợ thêm từ các nguồn xã hội hóa và lồng ghép việc hỗ trợ từ các nguồn vốn hợp pháp khác; tăng chất lượng và tăng diện tích tối thiểu của ngôi nhà được hỗ trợ xây dựng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Đối với các hộ có nhà ở trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu (bão, lũ, sạt lở đất,...), hỗ trợ theo hướng cho vay ưu đãi để xây mới, cải tạo, sửa chữa nâng cao chất lượng căn nhà, tăng khả năng chống chịu của nhà ở; đối với một số khu vực nguy hiểm thực hiện hỗ trợ xây dựng hạ tầng khu tái định cư tại các khu vực an toàn từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Chiến lược cũng đề ra nhiệm vụ và giải pháp phát triển nhà ở gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách về nhà ở; nhóm giải pháp về quy hoạch, phát triển quỹ đất; nâng cao năng lực phát triển nhà ở theo dự án; giải pháp phát triển nhà ở theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia; Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương; nhóm giải pháp về nguồn vốn và thuế; nhóm giải pháp phát triển thị trường bất động sản; giải pháp cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư; nhóm giải pháp khác.

Trong đó, trong quá trình lập, phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch khu công nghiệp phải bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt nhằm đáp ứng phát triển các dự án đô thị, dự án phát triển nhà ở, dự án phát triển nhà xã hội, nhà công vụ, nhà ở phục vụ tái định cư...

Huy động nguồn vốn xã hội hóa để phát triển nhà ở thông qua nhiều hình thức như: Huy động vốn của doanh nghiệp, huy động từ ngân hàng, các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư phát triển địa phương, cổ phiếu, trái phiếu và các nguồn vốn hợp pháp khác, nhằm tạo lập hệ thống tài chính nhà ở vận hành ổn định, dài hạn và giảm phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước.

Nghiên cứu sửa đổi pháp luật kinh doanh bất động sản để hoàn thiện chính sách kinh doanh bất động sản nói chung và chính sách liên quan đến giao dịch, kinh doanh nhà ở, dự án nhà ở nói riêng bao gồm: Kinh doanh nhà ở có sẵn, kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng để tổ chức, cá nhân xây dựng nhà ở, chuyển nhượng dự án, một phần dự án nhà ở...

Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quy trình đầu tư phát triển nhà ở từ bước lựa chọn chủ đầu tư, giao đất, đầu tư xây dựng dự án, cấp giấy chứng nhận sở hữu... Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, chuẩn hóa, thực hiện chuyển đổi số các thủ tục hành chính lĩnh vực xây dựng nhà ở hộ gia đình, riêng lẻ nhằm tăng cường sự tham gia người dân. Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, thực hiện cải cách hành chính tại cấp trung ương và địa phương.

 

*Chinhphu.vn (22/12): Thủ tướng ban hành kế hoạch phòng thủ dân sự quốc gia giai đoạn 2021-2025

Tăng cường quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bảo đảm phòng ngừa, cảnh báo, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhà nước và của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị xã hội, bảo đảm phát triển kinh tế bền vững.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định 2169/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch Phòng thủ dân sự quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, dự báo các loại hình thảm họa có thể xảy ra phải tập trung đối phó gồm thảm họa do: Chiến tranh; sóng thần; bão, siêu bão; ngập lụt trên diện rộng; nước biển dâng, xâm nhập mặn; ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; rò rỉ chất phóng xạ; sập đổ công trình nghiêm trọng; tai nạn giao thông nghiêm trọng; cháy nổ, cháy rừng trên quy mô rộng; sinh học, dịch bệnh nguy hiểm.

Kế hoạch phòng thủ dân sự quốc gia giai đoạn 2021-2025 xác định công tác chuẩn bị và ứng phó với nguy cơ thảm họa chiến tranh là thường xuyên, lâu dài; công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả các thảm họa do sự cố, thiên tai là thường xuyên và cấp bách; trong đó ứng phó và khắc phục thảm họa thiên tai là trọng tâm.

 

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19

*Vtv.vn (24/12): Nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thiếu oxy y tế trầm trọng

Đáng lo ngại là tình trạng này xảy ra chủ yếu ở những cơ sở điều trị COVID-19 có điều kiện giao thông cách trở. Điều này rất nguy hiểm một khi số F0 chuyển nặng tăng nhanh.

Tình hình này hiện vẫn chưa có giải pháp cụ thể, trong khi số bệnh nhân chuyển nặng đang tăng.

Tại An Giang, hầu hết các cơ sở điều trị F0 nặng đang thiếu oxy lỏng trầm trọng. Hiện lượng oxy huy động tất cả các nguồn chỉ được 5-10 tấn/ngày, tức chỉ đáp ứng khoảng 20-30% nhu cầu.

Ở số tỉnh như Sóc Trăng, Bạc Liêu… cũng đang rơi vào tình trạng tương tự. Các địa phương kiến nghị Chính phủ sớm có giải pháp hỗ trợ vì số ca F0 tại khu vực này đang tăng nhanh.

 

*Vtv.vn (22/12): Bộ Y tế yêu cầu triển khai mọi biện pháp giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19

Do số ca mắc COVID-19 gia tăng, Bộ Y tế vừa có Công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục triển khai các giải pháp giảm tử vong do COVID-19.

Cụ thể: Rà soát khả năng đáp ứng của các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19; nâng cao chất lượng công tác điều trị các tuyến; cung ứng và bảo đảm đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân; bảo đảm oxy từ tuyến cơ sở đến bệnh viện các tầng 1, 2, 3.

Phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị". Triển khai toàn diện "Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ" để tiêm đầy đủ vaccine.

Tiếp tục huy động sự tham gia của cộng đồng và mạng lưới các tình nguyện viên, "Thầy thuốc đồng hành", tổ chức thiện nguyện, người có tâm huyết, người bệnh COVID-19 đã bình phục, y tế tư nhân, chính quyền cơ sở, tổ dân phố… cùng tham gia vào tư vấn, điều trị, chăm sóc, quản lý người nhiễm tại nhà.

 

* Vtv.vn (22/12): Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cảnh giác trước khả năng xuất hiện biến chủng Omicron

Sáng 22/12, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 dịp Tết Nguyên đán 2022.

Báo cáo công tác phòng, chống dịch COVID-19, ông Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tính đến sáng 22/12, thế giới ghi nhận hơn 276 triệu ca mắc, gần 5,4 triệu ca tử vong. Biến thể Omicron được ghi nhận lần đầu tiên vào ngày 24/11, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là chủng đáng quan ngại do làm tăng nguy cơ tái nhiễm, có thể né tránh miễn dịch. Đến nay, WHO thông báo đã ghi nhận biến thể Omicron tại 89 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Myanmar.

Do đó, hệ thống y tế vẫn đứng trước nguy cơ quá tải, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao. Nhiều nước trên thế giới phải tăng cường các biện pháp hạn chế các hoạt động tập trung đông người để phòng, chống dịch COVID-19.

Tại Việt Nam, tính đến sáng 22/12, cả nước ghi nhận 1.571.780 ca mắc, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca mắc mới ghi nhận trong nước là 1.566.261 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 30.041 ca, chiếm 1,9% so với tổng số ca mắc.

Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trọng Lân nhận định, đến nay, tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương.

 

Nguyên nhân chủ yếu do sau khi thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP và Quyết định 4800/QĐ-BYT, các hoạt động xã hội trở lại bình thường; mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng; biến chủng Delta với tốc độ lây lanh nhanh, nguy cơ cao biến chủng Omicron xâm nhập vào Việt Nam; xuất hiện tâm lý chủ quan, không thực hiện quy định phòng, chống dịch, đặc biệt không đeo khẩu trang nơi công cộng; miễn dịch của những người tiêm vaccine giai đoạn đầu giảm dần theo thời gian, trong khi người mới tiêm cần thời gian sinh miễn dịch…

Trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt giám sát phát hiện sớm, điều trị giảm bệnh nặng, tử vong và đẩy mạnh tốc độ tiêm vaccine do thời tiết chuyển mùa đông - xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan, nhất là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2022 sắp tới…

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục đánh giá cấp độ dịch để có các biện pháp phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch, bảo đảm các họat động phục hồi sản xuất; nâng cao năng lực y tế cơ sở, chủ động thực hiện phương châm "4 tại chỗ" và sẵn sàng trang bị, nhân lực, thuốc điều trị, oxy y tế để đảm bảo người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa; tăng cường xét nghiệm tầm soát với đối tượng, địa bàn có nguy cơ cao nhằm sớm phát hiện chủng mới.

Các địa phương tổ chức tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể, phấn đấu đến 31/12 hoàn thành tiêm mũi 2 vaccine phòng COVID-19 cho người trên 18 tuổi, hoàn thành tiêm mũi thứ 3 cho người 18 tuổi trở lên và tiêm đủ 2 mũi cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 1/2022; tổ chức tốt việc điều trị tại nhà, cơ sở cho bệnh nhân mắc COVID-19, tránh tình trạng dồn lên bệnh viện các tuyến gây quá tải…

"Đặc biệt, các địa phương thực hiện điều chỉnh cách ly đối với các trường hợp F1 đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã được điều trị khỏi bệnh COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế", ông Phan Trọng Lân cho biết.

 

* Vtv.vn (22/12): Hà Nội đang điều trị hơn 15.400 F0

Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 21/12, trên địa bàn thành phố có 15.460 bệnh nhân COVID-19 đang được theo dõi, điều trị.

Kể từ năm 2020 đến nay, đã có 32.742 lượt bệnh nhân được điều trị, trong đó 17.192 bệnh nhân đã khỏi bệnh. Hiện tại, có 15.461 ca bệnh dương tính đang được điều trị, trong đó 9.561 ca được điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung; 5.900 người đang cách ly điều trị tại nhà.

Trong đó, tại Bệnh viện Bệnh viện nhiệt đới Trung ương điều trị 90 ca, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị 185 ca; 29 bệnh viện của Hà Nội điều trị cho 2.046 ca; các cơ sở thu dung điều trị là 2.685 ca; trạm y tế lưu động có 4.830 ca. Số bệnh nhân chuyển tầng điều trị là 166.

Đến nay, thành phố thực hiện được là 11.448.797 mũi tiêm vaccine phòng COVID-19, trong đó, kết quả tiêm cho người trên 18 tuổi mũi 1 là 5.345.414 mũi 1/5.441.523 người (đạt 98,2%); mũi 2: 5.137.411 mũi 2/5.441.523 người (đạt 94,4%); mũi bổ sung là 41.592, mũi nhắc lại là 12.594.

Kết quả tiêm cho người trên 50 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 98,3% (1.878.473 mũi /1.911.296 người); tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 94,9% (1.812.870 mũi/ 1.911.296 người). Kết quả tiêm cho người trên 65 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 97,3% (702.925 mũi/722.712 người); tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 93,9% (678.515 mũi/722.712 người).

Kết quả tiêm cho trẻ 12-14 tuổi, số lượng mũi 1 đã tiêm là 363.250 mũi/372.745 trẻ (đạt 97,5%); số lượng mũi 2 đã tiêm là 26.827 mũi. Kết quả tiêm cho trẻ 15-17 tuổi, số lượng mũi 1 đã tiêm là 299.455 mũi/303.230 trẻ (đạt 98,8%); số lượng mũi 2 đã tiêm là 179.714 mũi.

Hiện tại, các hoạt động phòng chống dịch như giám sát người về từ các tỉnh, thành phố trong cả nước; điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc gần; xét nghiệm; tiếp nhận và điều trị cách ly tại bệnh viện các trường hợp F0, cách ly điều trị tại nhà và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vẫn đang được ngành y tế tích cực triển khai.

 

* Vtv.vn (22/12): Hà Nội: Hỗ trợ hơn 200 lao động là F0 mức 3 triệu đồng/người

Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội vừa ký quyết định về việc hỗ trợ 208 đoàn viên công đoàn là F0 với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/người.

Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho biết, 208 F0 được hỗ trợ là đoàn viên bị nhiễm COVID-19 năm 2021, tính đến ngày 14/12/2021, thuộc 11 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trực thuộc Liên đoàn Lao động Hà Nội. Mức chi hỗ trợ 3 triệu đồng/người.

Tổng số tiền hỗ trợ là 624 triệu đồng, từ nguồn tài chính Liên đoàn Lao động Thành phố, chuyển khoản về 11 đơn vị, gồm các Liên đoàn Lao động thị xã Sơn Tây, huyện Mê Linh, huyện Đan Phượng; các quận Hoàn Kiếm, Hà Đông, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm, Long Biên; Công đoàn ngành Y tế Hà Nội, Công đoàn Tổng Công ty Du lịch Hà Nội.

Liên đoàn Lao động Thành phố giao 11 đơn vị trao kinh phí hỗ trợ đến đoàn viên bị F0 trước ngày 27/12/2021.

Trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có Quyết định 3749/QĐ-TLĐ về việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Cụ thể, về điều kiện hưởng hỗ trợ và mức hỗ trợ với người lao động, đoàn viên là F0, không vi phạm các quy định phòng chống dịch như sau:

- Tối đa là 03 triệu đồng/người nếu có triệu chứng bệnh nặng, phải điều trị từ 21 ngày trở lên tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị COVID-19 theo các giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.

- Tối đa là 1,5 triệu đồng/người nếu phải điều trị ngoại trú từ 21 ngày trở lên hoặc điều trị nội trú dưới 21 ngày tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị COVID-19 theo các giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.

Ngoài ra, đoàn viên, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn bị tử vong do nhiễm COVID-19 thì thân nhân của họ được hỗ trợ là 05 triệu đồng/người.

 

* Vov.vn (22/12): Bộ Y tế điều chỉnh nhóm người cần trì hoãn tiêm vaccine Covid-19

Theo quyết định mới nhất, Bộ Y tế đã điều chỉnh từ 3 nhóm người cần trì hoãn tiêm vaccine Covid-19 xuống còn 2 nhóm, gồm: người đang mắc bệnh cấp tính và phụ nữ mang thai dưới 13 tuần.

Trong Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 dành cho người từ 18 tuổi trở lên vừa được Bộ Y tế ban hành, có 2 nhóm người sẽ bị trì hoãn tiêm là người đang mắc bệnh cấp tính; phụ nữ mang thai dưới 13 tuần. Như vậy, so với hướng dẫn hồi tháng 9, Bộ Y tế loại trừ người có tiền sử rõ ràng đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng khỏi nhóm cần trì hoãn tiêm chủng.

Ngoài ra, Bộ Y tế còn đưa ra các đối tượng sau phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng trước khi tiêm vaccine như sau: Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác;  Người có bệnh nền, bệnh mạn tính; Người mất tri giác, mất năng lực hành vi; Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu; Phụ nữ mang thai trên 13 tuần; Người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống: Nhiệt độ dưới 35,5 độ C và trên 37,5 độ C, Mạch: < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút; Huyết áp tối thiểu< 60 mmHg hoặc > 90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg hoặc cao hơn 30 mmHg so với huyết áp hàng ngày (ở người có tăng huyết áp đang điều trị và có hồ sơ y tế); Nhịp thở > 25 lần/phút.

Sau khi khám sàng lọc, bác sĩ chỉ định ngay cho những trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng, trì hoãn tiêm chủng cho đối tượng có ít nhất một yếu tố phải trì hoãn.

 

* Tienphong.vn (22/12): Bộ GD&ĐT yêu cầu: Nơi nào đủ điều kiện, trẻ mầm non cần được đến trường.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh vừa ký văn bản gửi các địa phương, trong đó có nội dung yêu cầu khu vực nào kiểm soát được dịch COVID-19, cơ sở giáo dục chủ động báo cáo cấp quản lý giáo dục có phương án để trẻ trở lại trường học nhằm đảm bảo phát triển toàn diện.

Cụ thể, theo Bộ GD&ĐT, thời gian qua, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, trẻ em mầm non ở nhiều tỉnh, TP trong cả nước tạm dừng đến trường, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, thể chất và sự phát triển toàn diện của trẻ em. Chưa kể, cha mẹ của trẻ không thể tham gia lao động, sản xuất vì phải dành thời gian chăm sóc trẻ em tại nhà.

Để trẻ em được đến trường an toàn, Bộ GD&Đ đề nghị sở GD&ĐT các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) căn cứ hướng dẫn tại công văn số 4726/BGDĐT-GDTC ngày 15/10/2021 về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp (vùng có dịch mức độ 1, mức độ 2 dạy học trực tiếp) để linh hoạt cho trẻ tới trường.

Bộ GD&ĐT yêu cầu, các cơ sở giáo dục xác định đủ điều kiện bảo đảm an toàn thì cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên vệ sinh trường, lớp, đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị… sẵn sàng đón trẻ đi học theo nguyên tắc khu vực nào kiểm soát được dịch COVID-19 chủ động báo cáo cấp quản lý cho trẻ tới trường. Phối hợp với Y tế địa phương xây dựng phương án phòng, chống dịch COVID-19, xử lý khi có trẻ em, cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ của trẻ em là F0 bảo đảm theo quy định.

 

Các cơ sở GDMN điểu chỉnh kế hoạch thực hiện chương trình theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, đồng thời có phương án tổ chức các hoạt động ăn, ngủ, vệ sinh, chơi và học theo chế độ sinh hoạt cho trẻ em, phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19 tại địa phương, an toàn về phòng, chống dịch COVID-19 theo qui định.

Trường học phối hợp với cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, y tế, chính quyền địa phương trong việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm an toàn khi đón trẻ quay trở lại trường và truyền thông về sự cần thiết, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc đưa trẻ đến trường để được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, phát triển toàn diện theo luật định và bảo đảm Quyền trẻ em; phối hợp chặt chẽ với gia đình trẻ em, y tế địa phương nắm bắt, có phương án xử lý kịp thời khi có tình huống diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đặc biệt trong trường hợp trẻ em có biểu hiện mắc COVID-19.

Trước khi đưa trẻ em trở lại cơ sở GDMN, gia đình phải cam kết với nhà trường về việc thực hiện nghiêm túc các quy định trong phòng, chống dịch COVID-19 vì sự an toàn của trẻ em. Bộ GD&ĐT đề nghị Sở GD&ĐT các tỉnh/thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện.

 

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

*Vtv.vn (24/12): Giao dự toán thu hơn 3.200 tỷ đồng tiền thuế mỗi ngày trong năm 2022

Tổng cục Thuế nhấn mạnh đây là nhiệm vụ rất khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến khó lường.

Năm 2021, thu ngân sách vượt dự toán hơn 170.000 tỷ đồng

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác thuế 2021 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp công tác thuế năm 2022, Tổng cục Thuế cho biết tổng thu ngân sách Nhà nước do ngành Thuế quản lý hoàn thành vượt dự toán trên 177.000 tỷ đồng. Có đến 60/63 địa phương đánh giá hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách năm 2021. Bên cạnh đó csó 14/19 khoản thu, sắc thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán.

Về công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, Tổng cục Thuế cho biết qua rà soát cơ quan thuế đã thu được 1.314 tỷ đồng từ các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, Youtube, Facebook, ...

Số thu từ cá nhân tự kê khai, số thuế truy thu, tiền phạt qua thanh tra kiểm tra đối với cá nhân cư trú tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (tiếp thị, quảng cáo trực tuyến, sản xuất nội dung số, ứng dụng công nghệ thộng tin...) tại các trang mạng xã hội nước ngoài Google, Facebook, Youtube... tính đến hết tháng 10/2021 cả nước là 498 tỷ đồng.

Liên quan đến công tác hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Tổng cục Thuế cho biết đã có gần 140.000 đơn đề nghị gia hạn nộp thuế, trong đó có 120.021 doanh nghiệp và tổ chức và 19.487 hộ, cá nhân kinh doanh. Tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn: 92.900 tỷ đồng.

Đối với công tác quản lý nợ thuế, ước tính toàn ngành Thuế thu hồi được 25.100 tỷ đồng, đạt 83,4% chỉ tiêu thu nợ giao. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 17.705 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 7.395 tỷ đồng.

Dự toán thu 3.200 tỷ đồng tiền thuế mỗi ngày trong năm 2022

Về nhiệm vụ năm 2022, Tổng cục Thuế cho biết Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao dự toán thu ngân sách cho ngành Thuế là 1.174.900 tỷ đồng (tương đương hơn 3.200 tỷ đồng/ngày). Trong đó thu từ dầu thô là 28.200 tỷ đồng và thu nội địa là 1.146.700 tỷ đồng.

"Đây là nhiệm vụ rất khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến khó lường với nhiều biến chủng mới", Tổng cục Thuế nhấn mạnh.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Tổng cục Thuế cho biết năm 2022 sẽ theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế, tổng hợp báo cáo kịp thời kết quả thu.

Ngành Thuế cũng sẽ tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử.

 

*Vnexpress.net (23/12): Việt Nam là nước ASEAN đầu tư lớn nhất tại Campuchia

188 dự án đầu tư của Việt Nam còn hiệu lực tại Campuchia với tổng vốn đăng ký 2,85 tỷ USD.

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc hội kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia.

Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt hơn 8,6 tỷ USD, tăng gần 84% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam có thêm 4 dự án mới tại Campuchia với vốn đăng ký gần 90 triệu USD, gấp 4,6 lần cùng kỳ năm trước.

Dù đầu tư lớn, các doanh nghiệp Việt vẫn gặp một số vướng mắc. Do đó, ông Phùng Văn Cường mong Chủ tịch nước, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ trao đổi và đề nghị Campuchia quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam có những ưu đãi về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi về hành lang pháp lý để phát triển hơn nữa.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không chỉ là chủ thể hợp tác, mà còn đóng vai trò chủ động, khởi xướng, tạo động lực mới trong thương mại đầu tư, làm phong phú thêm mối quan hệ tốt đẹp giữa giữa Việt Nam và Campuchia với những đóng góp quan trọng.

Ông cho biết đã đề nghị Thủ tướng Hun Sen sớm giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp Việt Nam như việc thu phí 5G, các thủ tục qua biên giới, quan tâm tạo điều kiện hợp tác nói chung và doanh nghiệp Việt Nam...

 

* Chinhphu.vn (22/12): Khẩn trương khôi phục lại các chuyến bay thương mại quốc tế

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu các Bộ liên quan khẩn trương thực hiện nhiệm vụ để khôi phục lại các chuyến bay thương mại quốc tế.

Công văn số 9370/VPCP-CN ngày 22/12/2021 của Văn phòng Chính phủ nêu rõ: Ngày 10/12/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã chỉ đạo các Bộ triển khai các nhiệm vụ để thực hiện kế hoạch thí điểm khôi phục lại các chuyến bay thương mại quốc tế kể từ ngày 1/1/2022 (Thông báo số 344/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ).

Đồng thời, theo phản ánh của Báo điện tử VietNamnet số ra ngày 22/12/2021 thì thời điểm từ nay đến thời gian bắt đầu thí điểm chỉ còn khoảng 1 tuần nhưng chưa có đủ hướng dẫn của các Bộ.

Về việc trên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã yêu cầu các Bộ: Công an, Giao thông vận tải, Y tế, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Thông báo số 334/TB-VPCP.

 

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

* Plo.vn (22/12): Nhiều quy định Luật Đất đai 2013 chồng chéo, “đá” luật khác

Không chỉ Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phản ánh mà từ trước, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đã gửi đến Quốc hội báo cáo liên quan tới 26 “chồng chéo” pháp luật về đầu tư, kinh doanh. Trong đó, riêng những chồng chéo liên quan đến Luật Đất đai 2013 đã chiếm tới 12 vấn đề.

 VCCI trong báo cáo về chồng chéo pháp luật phân tích: Luật Đầu tư sử dụng khái niệm “nhà đầu tư” để quy định các vấn đề liên quan đến chủ thể thực hiện các dự án đầu tư. Luật Đất đai cũng quy định về khái niệm “nhà đầu tư”, “chủ đầu tư” là chủ thể thực hiện các thủ tục về đất đai, thực hiện các nghĩa vụ và hưởng các quyền lợi liên quan đến việc SDĐ.

 Trong khi đó, Luật Xây dựng (cùng với Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị) lại quy định cả hai khái niệm “chủ đầu tư”, “nhà đầu tư”, trong đó “nhà đầu tư” là khái niệm với nghĩa rộng hơn “chủ đầu tư”. Theo đó, “chủ đầu tư” là “nhà đầu tư” được lựa chọn để thực hiện đầu tư, xây dựng các công trình.

 Theo báo cáo của VCCI, Luật Đầu tư quy định UBND cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án có yêu cầu chuyển mục đích SDĐ, không phân biệt loại đất được chuyển.

 Thế nhưng, theo Luật Đất đai thì phải có nghị quyết của HĐND cấp tỉnh mới được chuyển mục đích sử dụng dưới 10 ha đất trồng lúa, dưới 20 ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng. Còn đối với dự án SDĐ tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích SDĐ khi được sự chấp thuận bằng văn bản của các bộ, ngành có liên quan.

Việc chưa thống nhất ấy có thể phát sinh rắc rối vì hai lý do sau đây:

 Một là những dự án đầu tư chuyển mục đích dưới 10 ha đất trồng lúa, dưới 20 ha đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì thẩm quyền thuộc UBND hay HĐND? UBND chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư nhưng không có nghị quyết của HĐND thì giải quyết thế nào?

 Hai là những dự án đầu tư chuyển mục đích dưới 10 ha đất trồng lúa, dưới 20 ha đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển thì sẽ phải xin chấp thuận của bao nhiêu cơ quan? Các thủ tục sẽ thực hiện như thế nào? Thủ tục nào trước, thủ tục nào sau?...

 Vẫn theo báo cáo của VCCI, Luật Đầu tư thì quy định UBND cấp tỉnh có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc chuyển nhượng. Nhà đầu tư đề xuất nhu cầu SDĐ và cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ thẩm định về vấn đề quy hoạch, giao đất trong quá trình xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư.

 Thế nhưng, Nghị định 43/2015 nói việc thẩm định điều kiện giao đất, thuê đất, cho phép chuyển mục đích SDĐ sẽ không thực hiện đối với dự án đầu tư đã được quyết định chủ trương đầu tư hoặc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

 Điều này đồng nghĩa dự án do UBND chấp thuận chủ trương đầu tư vẫn phải trải qua quy trình thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích SDĐ và nhà đầu tư vẫn có nguy cơ không được giao đất, kể cả trong trường hợp đã được UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư trước đó. Muốn được giao đất thì lại phải… thẩm định lần nữa.

 Chưa kể pháp luật về đầu tư yêu cầu thẩm định trong 15 ngày, còn pháp luật về đất đai lại quy định 30 ngày. Pháp luật đầu tư quy định cơ quan đăng ký đầu tư sẽ thẩm định nhu cầu SDĐ, còn pháp luật đất đai lại quy định cơ quan tài nguyên môi trường.

 

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY

* Vtv.vn (22/12): Thái Bình áp dụng "Sổ tay Đảng viên điện tử"

"Sổ tay Đảng viên điện tử" thể hiện quyết tâm của Thái Bình trong việc chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin - cụm từ đã trở nên quen thuộc từ nhiều năm nay, bởi hiệu quả đem lại cho sự phát triển kinh tế - xã hội rất lớn.

Trong một buổi sinh hoạt tại các chi bộ thuộc Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Thái Bình, mọi tài liệu các Đảng viên đều được cập nhật và nghiên cứu từ trước, rất khoa học và tiết kiệm thời gian.

Ở nông thôn, nhờ "Sổ tay Đảng viên điện tử" mà các Đảng viên được tiếp cận với Nghị quyết, kết luận và các văn bản chỉ đạo của cấp ủy cấp trên một cách sớm nhất.

Sau hơn 6 tháng thử nghiệm, phần mềm "Sổ tay Đảng viên điện tử" đã trở thành kho tư liệu để Đảng viên học tập, nghiên cứu các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và của tỉnh. Đồng thời giúp cấp ủy Đảng tiếp nhận và phản hồi các câu hỏi, ý kiến của Đảng viên, xây dựng lịch công tác và theo dõi tiến độ hoàn thành nhiệm vụ. Dự kiến giữa năm sau, cơ bản toàn bộ Đảng viên ở tỉnh Thái Bình sẽ được cài đặt và tập huấn sử dụng phần mềm này.

 

"Sổ tay Đảng viên điện tử" không chỉ là bước đi ban đầu trong nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, mà còn thể hiện quyết tâm của Thái Bình trong chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực.

 

QUẢN LÝ

*Zingnews.vn (23/12): Bộ GD&ĐT đang xem xét trách nhiệm cá nhân liên quan vụ đề thi Sinh học

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay về vụ việc đề thi Sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, bộ đang xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan để xử lý theo quy định.

Chiều 23/12, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ thông tin thêm về đề thi chính thức môn Sinh học - nội dung báo chí từng phản ánh vì phần lớn câu hỏi trùng với bài tổng ôn của thầy Phan Khắc Nghệ, Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Tĩnh.

Thứ trưởng cho hay thông qua công tác quản lý, giám sát của Bộ GD&ĐT cũng như nắm bắt các thông tin, ý kiến từ dư luận, bộ đã ghi nhận yếu tố không bình thường liên quan đến việc luyện thi, đề thi môn Sinh học tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Ngay khi có thông tin, tháng 8/2021, lãnh đạo bộ chỉ đạo kiểm tra vấn đề này. Bộ chủ động phối hợp cùng cơ quan công an thành lập tổ công tác liên ngành để xác minh, làm rõ các yếu tố liên quan đến sự trùng lặp giữa nội dung ôn thi môn Sinh học của một giáo viên ở Hà Tĩnh với đề thi tốt nghiệp THPT môn này.

Tổ công tác liên ngành của Bộ GD&ĐT và Bộ Công an đã làm việc nghiêm túc, chặt chẽ, chi tiết và khách quan.

Trước đó, ngay sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 kết thúc, thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh học tại Hệ thống giáo dục HOCMAI (Hà Nội), phản ánh đến Zing việc 80% câu hỏi trong đề thi giống nội dung tổng ôn của thầy Phan Khắc Nghệ.

Thầy Phan Khắc Nghệ giải thích những nội dung mình ôn tập đều xuất phát từ kiến thức sách giáo khoa, đề thi cũng được xây dựng từ nội dung sách giáo khoa. Do đó, nội dung thầy ôn cho học sinh và đề thi chính thức có một số câu giống nhau là dễ hiểu.

Theo biên bản làm việc của tổ chuyên gia trong đoàn công tác liên ngành của Bộ GD&ĐT, Bộ Công an ngày 9/8, đánh giá các câu hỏi trong 4 mã đề thô xuất ra từ máy tính được tổ ra đề môn Sinh học lựa chọn cho thấy các câu hỏi trong 4 mã đề đều trùng nhau theo thứ tự các câu hỏi tương ứng và khác biệt hẳn với các câu hỏi trong 12 mã đề không được chọn. Đây là điều bất thường vì nếu tổ hợp đề được chọn ngẫu nhiên từ máy tính, không thể có hiện tượng này.

 

*Plo.vn (22/12): Thanh Hóa: Chuyển công tác 537 người để phòng ngừa tham nhũng

Ngày 22-12, Ban Nội chính Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức hội nghị tổng kết công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp năm 2021. 

 Theo đó, năm 2021 Thanh Hóa đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 537 người trên địa bàn tỉnh và xem đây là biện pháp nhằm phòng, ngừa tham nhũng.

 Năm qua, Thanh Hóa ghi nhận không có trường hợp nào bị xử lý trách nhiệm của người đứng đầu hoặc áp dụng các biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí khác.

Tỉnh cũng ghi nhận không có trường hợp nào người đứng đầu, cấp phó để xảy ra tham nhũng ở đơn vị. Báo cáo của VKSND và TAND tỉnh Thanh Hóa cho hay, năm 2021, đã phát hiện tám vụ tham nhũng và 30 người liên quan với tổng số tiền, tài sản tham nhũng được phát hiện là hơn 11,78 tỉ đồng. 

 Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản tham nhũng được phát hiện qua các năm là 209 tỉ đồng. Hiện đã thu hồi được là 12,1 tỉ đồng, số còn phải thu hồi là 197,1 tỉ đồng.

 Trong báo cáo phòng chống tham nhũng tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cho hay tình hình tham nhũng được kiềm chế, từng bước được ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm.

 Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện. Tham nhũng chủ yếu xảy ra ở lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm là quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng tài chính, vốn, tài sản công.

 Tham nhũng còn xuất hiện trong việc thực hiện xã hội hóa, tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo kê cho xã hội đen, buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm.

 Đáng chú ý, việc công khai trong phạm vi hẹp, chậm công khai vẫn diễn ra ở không ít đơn vị, nhất là trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đấu thầu, công tác quy hoạch, lập dự án. Từ đó, có biểu hiện “nhóm lợi ích”, móc ngoặc giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp.

 Tình trạng người có chức vụ, quyền hạn “bảo kê”, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra. Cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng vị trí công tác lợi dụng nhũng nhiễu, gây phiền hà nhằm vụ lợi khi giải quyết công việc.

 Việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới là khâu yếu tồn tại nhiều năm nhưng vẫn chưa được khắc phục.

 Tại hội nghị này, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cho rằng, năm 2022 phải có biện pháp kịp thời phát hiện tham nhũng, ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng.

Để ngừa tham nhũng, tỉnh này tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức công khai các nhóm lĩnh vực hay phát sinh tham nhũng.

 Đặc biệt, sẽ tiếp tục luân chuyển cán bộ tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước. Cụ thể là đầu tư và mua sắm tài sản công, đất đai, tài nguyên, giáo dục đào tạo, y tế theo các quy định của pháp luật nhằm ngừa tham nhũng.

 Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị. Đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng pháp luật, không làm oan sai, không bỏ lọt tội phạm.

 

 * Vtv.vn (22/12): Sẽ kiến nghị tăng lương tối thiểu vùng năm 2022

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết sẽ kiến nghị điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2022 tại phiên họp của Hội đồng tiền lương quốc gia vào quý 1/2022.

Theo Phó ban Chính sách Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng, quý 1/2022 là thời điểm thích hợp để khởi động lại việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng sau 2 năm liên tiếp không tăng.

Ngoài ra, điều chỉnh tiền lương tối thiểu còn góp phần giải quyết bài toán an sinh, mở rộng diện bao phủ Bảo hiểm xã hội (BHXH) và hạn chế rút BHXH một lần.

Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp vẫn đóng BHXH cho công nhân xấp xỉ lương tối thiểu vùng, chưa đầy 5 triệu mỗi tháng. Trong khi luật quy định từ năm 2018, tiền lương tháng đóng BHXH gồm mức lương và các khoản bổ sung khác, nhưng luật lại chưa quy định các "khoản bổ sung tính đóng BHXH" gồm những loại gì.

Mức đóng thấp dẫn đến mức hưởng thấp, bởi lương hưu trong khu vực doanh nghiệp tính bình quân tổng số năm đóng BHXH. Có người nhận lương hưu dưới mức tối thiểu khiến nhiều lao động nản lòng, rời Quỹ hưu trí. Vì vậy, khi chờ quy định được điều chỉnh, tăng lương đồng nghĩa tăng tiền đóng vào Quỹ BHXH cho người lao động, giúp nâng mức lương hưu họ được hưởng.

Trong năm 2020, do ảnh hưởng của những làn sóng COVID-19 đầu tiên, lương tối thiểu vùng áp dụng cho năm 2021 đã được thống nhất là không tăng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, người lao động duy trì việc làm, tái tham gia thị trường lao động.

Từ ngày 1/1/2020, tiền lương tối thiểu vùng giữ nguyên, với vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng.

Đầu năm 2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từng đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2021 thay vì hoãn cả năm, tuy nhiên chưa thể thông qua do đại dịch kéo dài, cần thời gian cho doanh nghiệp phục hồi.

Tính đến hết quý 3/2021, đợt dịch thứ 4 đã khiến hơn 1,7 triệu người trong độ tuổi lao động (15 - 54) thất nghiệp. Tỷ lệ lên mức cao nhất trong vòng 10 năm, tới 3,98%. Số người có việc làm ở khu vực chính thức và phi chính thức đều sụt giảm, lần lượt gần 469.000 người và 2,9 triệu người. Theo thống kê sơ bộ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hơn 2 triệu công nhân chịu ảnh hưởng tiêu cực, mất việc, nghỉ giãn việc, giảm thu nhập. (VTV.vn 21/12)Về đầu trang

 

* Chinhphu.vn (22/12):  Đến năm 2025, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kế toán, kiểm toán đầy đủ toàn diện

Đây là mục tiêu đặt ra tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược kế toán, kiểm toán giai đoạn 2021-2030.

Bộ Tài chính cho biết, trong giai đoạn 2021-2030, bối cảnh kinh tế xã hội đặt ra các mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ mới. Do vậy, cần phải xây dựng Chiến lược kế toán, kiểm toán giai đoạn 2021-2030, tạo lập đầy đủ và nâng cao chất lượng thông tin kế toán, kiểm toán, để kế toán, kiểm toán thực sự là công cụ quản lý kinh tế quan trọng trong việc tạo lập hệ thống thông tin phục vụ cho việc điều hành và quyết định kinh tế của Nhà nước cũng như của mỗi đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp.

Theo dự thảo, mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kế toán, kiểm toán một cách đầy đủ, toàn diện và đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam, nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức, cá nhân trong việc nâng cao chất lượng hoạt động, cung cấp thông tin kế toán, kiểm toán phục vụ cho quản lý, điều hành, ra quyết định và xác định nghĩa vụ của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức.

Đồng thời cập nhật hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính, chuẩn mực kiểm toán độc lập, chuẩn mực kiểm toán nội bộ, phương pháp nghiệp vụ trên cơ sở thông lệ quốc tế phù hợp với nền kinh tế thị trường của Việt Nam; đảm bảo tính so sánh được của thông tin kinh tế, tài chính của các doanh nghiệp, tổ chức trong nền kinh tế; phục vụ việc thu hút vốn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam trên cơ sở chuẩn mực kế toán công quốc tế, triển khai áp dụng phù hợp với pháp luật của Việt Nam.

Ban hành mới Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập

Để đạt được các mục tiêu đề ra, dự thảo cũng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Theo đó, ban hành mới Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập. Nghiên cứu xây dựng Luật kế toán, Luật Kiểm toán độc lập theo hướng bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế cho các Luật hiện hành theo hướng tiếp cận thông lệ quốc tế, gắn với quá trình chuyển đổi số, phù hợp với điều kiện Việt Nam và khắc phục các tồn tại hiện nay, làm cơ sở tiếp tục xây dựng và hoàn thiện tiếp khung pháp lý về kế toán, kiểm toán. Xây dựng, ban hành các nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật, đảm bảo cụ thể hóa các quy định để tổ chức triển khai đúng tinh thần quy định của Luật.

Triển khai áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam theo lộ trình do Bộ Tài chính xác định đối với các doanh nghiệp có nhu cầu và đủ điều kiện áp dụng. Xây dựng và tổ chức thực hiện chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện Việt Nam thay thế hệ thống chuẩn mực kế toán doanh nghiệp Việt Nam. Ban hành các văn bản hướng dẫn kế toán phù hợp đối với các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Bên cạnh đó, chú trọng phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, hoàn thiện và triển khai thực hiện các quy định pháp lý, tạo cơ sở và điều kiện cho việc đàm phán, tham gia các thỏa thuận quốc tế và công nhận lẫn nhau đối với dịch vụ kế toán, kiểm toán với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Một nhiệm vụ và giải pháp quan trọng nữa là phát triển nguồn nhân lực về kế toán, kiểm toán, đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán. Quan tâm đến đội ngũ nhân lực chất lượng cao về kế toán, kiểm toán, phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp, đơn vị kế toán và các tổ chức khác trong toàn bộ nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Đổi mới phương thức học, tổ chức thi và cấp chứng chỉ kiểm toán viên, kế toán viên, đảm bảo các kiến thức và kỹ năng theo đúng yêu cầu, thông lệ quốc tế, đảm bảo các điều kiện công nhận lẫn nhau trong khu vực và trên thế giới. Quan tâm, khuyến khích các chương trình đào tạo 12 chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế nhằm tiếp cận kiến thức và kỹ năng hành nghề theo thông lệ quốc tế.

 

* Tienphong.vn (22/12): Chọn cán bộ đúng để đỡ phải chống tham nhũng, tiêu cực

Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho rằng chọn cán bộ sao cho đúng, nhất là không tham nhũng, tiêu cực để “đỡ phải chống”.

Sáng 21/12, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị lần thứ 4. Hội nghị nhằm thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo báo cáo kết quả công tác Mặt trận năm 2020, chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2021; xin ý kiến vào các tờ trình về việc bổ sung nhân sự Ủy ban T.Ư, Đoàn Chủ tịch, bổ sung tổ chức thành viên Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...

Góp ý tại hội nghị, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, đề nghị Mặt trận “suy nghĩ” hành động thế nào sau Đại hội XIII của Đảng để tiếp tục củng cố lòng tin của người dân tốt hơn.

Nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ quan trọng của MTTQ các cấp trong năm 2021 là bầu cử Quốc hội, HĐND, ông Duyệt lưu ý công tác hiệp thương những người ứng cử đáp ứng được yêu cầu “mục tiêu kép” là, vừa thực hiện tốt nghị quyết Đại hội Đảng XIII tốt, vừa không tham nhũng, tiêu cực, để “đỡ phải chống”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, nêu băn khoăn thời gian qua, MTTQ chưa đi sâu tham gia với Đảng trong xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ.

Nhắc tới 27 Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng bị kỷ luật, như TPHCM là ông Đinh La Thăng, rồi Tất Thành Cang; ở Đà Nẵng thì ông Nguyễn Xuân Anh, ông Trần Văn Minh; ở Hà Nội thì ông Hoàng Trung Hải, sau đó là ông Nguyễn Đức Chung, ông Túc đề nghị đối với công tác cán bộ, cần phải có đóng góp ý kiến của Mặt trận Tổ quốc theo đúng tinh thần Quyết định 217 năm 2018 của Bộ Chính trị về quy chế giám sát và phản biện xã hội.

 

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

*Vneconomy.vn (23/12): Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 96%

Thông tin này được đưa ra trong dự thảo báo cáo Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 22/12/2021. Trong năm 2020, tỷ lệ này mới đạt 30,85% và năm 2019 là 10,76%.

 Trong tổng số dịch vụ công cả nước, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 năm 2021 đạt 68% (khoảng 81.446 dịch vụ). Tỷ lệ này năm 2020 là gần 55,7% và năm 2019 là 20,15%.

 Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ đạt 36,47%, giảm 1,35% so với cùng kỳ năm 2020 (đạt 38,33%). Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ lệ này giảm do năm 2021 số lượng dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 tăng cao (tăng 15.868 dịch vụ), mục tiêu năm 2021 là 50%. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến đạt 29,80% (tăng 6,82% so với cùng kỳ năm 2020), mục tiêu năm 2021 là 30%.

Tính đến 15/12/2021, cả nước đã có 70 bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên cung cấp trực tuyến mức độ 4.

 Như vậy, trong năm qua, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã được đẩy mạnh. Nhằm thực hiện mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021, Bộ Thông tin và Tuyền thông đã đồng hành, hướng dẫn, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong công tác chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực để các cơ quan, đơn vị thực hiện thành công, đúng tiến độ Kế hoạch cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021.

 Tuy nhiên, dự thảo báo cáo cũng chỉ rõ, tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến chưa đạt tới mục tiêu đề ra do người dân chưa có thói quen, kỹ năng sử dụng. Dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước chưa thực sự thuận tiện…

 Nhằm hoàn thiện môi trường pháp lý, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thực tế triển khai của các chính sách cũ tạo điều kiện thúc đẩy chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đã xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang hoặc cổng Thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; đề nghị xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 64/2007/NĐ-CP của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin  trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

 Mục tiêu đặt ra đến năm 2024 sẽ tập trung thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phấn đấu đạt 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến. Định hướng đến năm 2025, tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến; 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước)…

 

* Hanoimoi.com.vn (23/12): Tiền Giang: Xây dựng nền tảng chính quyền số toàn diện

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa khai trương nền tảng chính quyền số tỉnh Tiền Giang. Đây là nền tảng chính quyền số toàn diện đầu tiên tại Việt Nam, với một hệ sinh thái thống nhất, có tính liên kết, tích hợp, chia sẻ dữ liệu, kiến trúc mở cho phép các doanh nghiệp công nghệ số cùng tham gia kiến tạo, đóng góp vào sự phát triển của địa phương...

 Theo đại diện Tập đoàn VNPT, hiện nay, các phần mềm quản lý và điều hành chính quyền số đa số còn rời rạc, dữ liệu phân tán. Nguyên nhân là do nhiều phần mềm được đầu tư trong thời gian khác nhau nên nền tảng kiến trúc khác nhau, dẫn đến việc liên thông và chia sẻ dữ liệu rất khó khăn, tốn nhiều thời gian và công sức. Thậm chí, nhiều phần mềm không thể liên thông, tích hợp và chia sẻ dữ liệu bởi nền tảng kiến trúc quá cũ.

 Vì vậy, người sử dụng phải cài đặt nhiều phần mềm, app (ứng dụng) di động để xử lý nghiệp vụ. Các cơ quan nhà nước không có dữ liệu tổng thể cho việc phân tích và hỗ trợ ra quyết định. Số liệu không được chuẩn hóa, chia sẻ, dùng chung các ngành, các lĩnh vực; dữ liệu không công khai, minh bạch đến người dân và doanh nghiệp. Người dân, doanh nghiệp cũng gặp trường hợp tương tự khi phải cài đặt nhiều phần mềm, app di động, đăng ký nhiều tài khoản khác nhau, gây bất tiện khi sử dụng...

 Trước thực trạng này, việc có một nền tảng phục vụ chính quyền số toàn diện là yêu cầu cấp thiết và cũng là bài toán đặt ra với VNPT - nhà cung cấp giải pháp, nền tảng phục vụ quá trình chuyển đổi số. Đầu năm 2019, thực hiện thỏa thuận hợp tác với UBND tỉnh Tiền Giang về xây dựng và thí điểm Đề án chính quyền số tỉnh Tiền Giang, VNPT đã huy động đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin có chuyên môn giỏi xây dựng nền tảng và hệ sinh thái chính quyền số tỉnh Tiền Giang để phục vụ quá trình chuyển đổi số trên địa bàn.

 Với sự nỗ lực của cả hai bên, hệ sinh thái chính quyền số tỉnh Tiền Giang đã được hoàn thiện với app di động dành cho công dân (TienGiangS), app di động dành cho chính quyền (TienGiangG), hệ thống quản lý và điều hành nghiệp vụ chính quyền số (iOffice, iGate, ISO điện tử, tổng đài 1022...). Trong đó, thông qua ứng dụng TienGiangS, người dân có thể sử dụng 15 tính năng thiết yếu, từ mục "tin tức" cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội trong tỉnh, cho đến sử dụng dịch vụ công, tra cứu thông tin giao thông, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, thanh toán trực tuyến các dịch vụ thiết yếu. Ứng dụng TienGiangS còn hỗ trợ công dân tra cứu các tiện ích khác...

 Hoặc với ứng dụng TienGiangG dành cho chính quyền, gồm 12 tính năng, lãnh đạo địa phương có thể quản lý, xử lý văn bản (đến, đi, văn bản nội bộ), thu thập thông tin, phân tích dư luận xã hội...

 

* Baothanhhoa.vn (22/12): Thanh Hóa: Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong cải cách hành chính

Hơn 7 năm thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong cải cách thủ tục hành chính”, người đứng đầu các cấp, các ngành trong tỉnh Thanh Hóa đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác cải cách hành chính (CCHC), nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

 Xác định trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu có vai trò rất quan trọng, năm 2021, lãnh đạo TP Thanh Hóa đã ban hành 23 văn bản (gồm 9 kế hoạch, 14 công văn) chỉ đạo thực hiện đồng bộ cả 6 nội dung CCHC.

 Phát biểu tại kỳ họp thứ tư HĐND TP Thanh Hóa diễn ra vào trung tuần tháng 12-2021, bà Phạm Thị Việt Nga, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Thanh Hóa, cho biết: “Triển khai thực hiện khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh gắn với CCHC giai đoạn 2021-2025, các đồng chí lãnh đạo TP Thanh Hóa đã chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan, đơn vị tập trung cải cách TTHC, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh.

 Trong năm, thành phố cũng đã tổ chức 17 hội nghị đối thoại, lắng nghe, chia sẻ những ý kiến đóng góp từ phía người dân, doanh nghiệp, giải quyết kịp thời các vướng mắc, nhất là trong giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Ngoài ra, hàng tháng, UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố đều tổ chức hội nghị rà soát, đánh giá thực hiện công tác CCHC để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, bố trí tái định cư, nộp tiền sử dụng đất, tiền phạt nộp chậm... bảo đảm việc thực hiện đạt hiệu quả cao nhất”.

Đối với các phường, xã trên địa bàn TP Thanh Hóa, trong năm 2021 đã ban hành 136 văn bản chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện công tác CCHC; thực hiện nghiêm công tác CCHC, đặc biệt là giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân. Đồng thời duy trì và nâng cao chất lượng tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo.

 Với sự chỉ đạo tích cực, quyết liệt của người đứng đầu, năm 2021, tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết trước hạn và đúng hạn ở bộ phận “một cửa” UBND thành phố đạt 99,81%, bộ phận “một cửa” UBND phường, xã đạt 99,84%.

 

*Vtv.vn (23/12): Vĩnh Phúc nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Nhờ việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năm 2021 tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút được nhiều dự án lớn.

 Năm 2021, tỉnh Vĩnh Phúc thu hút được 35 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt trên 1 tỷ USD, tăng 50% so với năm 2020. Mặc dù đạt kết quả tốt nhưng theo lãnh đạo tỉnh UBND Vĩnh Phúc, địa phương vẫn đang nỗ lực hơn nữa trong công tác xúc tiến, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện tốt hơn nữa xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.

 Vào mỗi chiều thứ 2, chương trình "Gặp gỡ doanh nhân hàng tuần" đã được tỉnh Vĩnh Phúc duy trì thường xuyên. Tại đây, những khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp được trao đổi trực tiếp với lãnh đạo tỉnh và giám đốc các sở, ban, ngành để kịp thời giải quyết, tháo gỡ.

Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Phúc còn thành lập "tổ giúp việc cho Chủ tịch UBND để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp". Với số điện thoại công khai, tổ giúp việc có thể tương tác trực tiếp với doanh nghiệp 24/24.

 Trong lúc dịch bệnh, nhiều vấn đề cấp bách như phòng chống dịch, xuất nhập cảnh cho chuyên gia nước ngoài, vận chuyển hàng hóa... đã nhanh chóng được giải quyết.

 Vì vậy, trong thời gian vừa qua dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng không có một doanh nghiệp nào tại Vĩnh Phúc phải đóng cửa. Thậm chí, Công ty TNHH Northstar Precision Việt Nam còn chuẩn bị mở rộng quy mô đầu tư thêm 6,4 triệu USD vào vài ngày tới.

 Ông Matt Kantrud - Tổng giám đốc Công ty TNHH Northstar Precision Việt Nam cho hay: "Chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ chúng tôi khá nhiều. Các thủ tục hành chính thuận lợi. Trong lúc dịch bệnh còn cử tổ hỗ trợ hướng dẫn doanh nghiệp cách phòng chống dịch bệnh, điều đó giúp chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn và đến nay thì quyết định mở rộng sản xuất kinh doanh".

 Nhờ việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năm 2021 tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút được nhiều dự án lớn. Điển hình là dự án đầu tư 500 triệu USD chăn nuôi bò thịt tại huyện Tam Đảo - dự án sẽ được khởi công ngay vào đầu năm 2022.

 

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

*Laodong.vn (22/12): Cầu 54 tỉ chưa xong đã sập ở Cà Mau: Đình chỉ thi công, lập tổ điều tra

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị Sở Giao thông Vận tải tỉnh Cà Mau thành lập Tổ điều tra, có trách nhiệm thực hiện việc giám định nguyên nhân sự cố công trình và báo cáo kết quả thực hiện đến Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định. Trong trường hợp cần thiết, Tổ điều tra được xem xét, lựa chọn tổ chức kiểm định xây dựng phù hợp thực hiện kiểm định để phục vụ công tác giám định nguyên nhân.

Cầu Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau thuộc Công trình giao thông cấp III; tải trọng thiết kế 0,65HL93; tĩnh không thông thuyền H=6,50m; thông thuyền ngang 25m; chiều dài cầu 286,13m (tính từ hậu tường đỉnh mố); bề rộng toàn cầu 6,50m; tốc độ thiết kế 40km/h; tổng mức đầu tư 70,76 tỉ đồng (trong đó, chi phí GPMB là 20,71 tỉ đồng; giá trị xây lắp là 34,92 tỉ đồng).

Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông Cà Mau; nhà thầu khảo sát địa hình là Công cổ phần Đầu tư phát triển A.G.; nhà thầu khảo sát địa chất là Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng A.P.

Công trình do Công ty cổ phần tư vấn xây dựng M.H. (thiết kế cơ sở) và thiết kế bản vẽ thi công là Công cổ phần Đầu tư phát triển A.G.; Nhà thầu thi công xây dựng là Công ty cổ phần tập đoàn T.P.M; nhà thầu giám sát thi công xây dựng là Công ty cổ phần TVXD 533 phía Nam.

Công trình được ký kết hợp đồng vào ngày 21.8.2019, thời gian hoàn thành theo hợp đồng là 450 ngày. Đến ngày 5.12.2021 cơ bản hoàn thành phần cầu chính (hoàn thành mố, trụ, và mặt cầu).

Như Báo Lao Động thông tin, cầu Cái Đôi Vàm sập vào ngày 21.12, không thiệt hại về người, nhưng toàn bộ các nhịp dẫn chính đều bị đổ sụp.

 

*Laodong.vn (23/12): Thanh tra công an vào cuộc vụ xin mã định danh tiêm vaccine thu 5.000 đồng

Chuyển người đe nẹt, đòi huỷ mã định danh khi hỏi biên lai - sang làm công tác hồ sơ

Sáng 23.12, Công an huyện Nhơn Trạch cho biết, sau khi nhận được phản ánh từ báo Lao Động, Công an huyện Nhơn Trạch đã chỉ đạo Thanh tra Công an huyện xuống Công an xã Phước Thiền để xác minh làm rõ.

* Bước đầu, Thanh tra công an xác định người phụ nữ mặc áo vàng mà báo Lao Động phản ánh "đe nẹt", đòi hủy mã định danh khi người dân hỏi biên lai thu tiền tên là Giang, công an xã Phước Thiền.

Hiện cán bộ này đã tạm thời không được phân công công tác liên quan đến việc cấp mã định danh, chuyển sang làm công tác hồ sơ. Còn các trường hợp khác mà báo Lao Động phản ánh đang tiếp tục xác minh làm rõ.

Nghiêm cấm thu tiền người dân khi cấp mã định danh

Được biết, lãnh đạo Công an huyện Nhơn Trạch đã chỉ đạo nghiêm cấm tất cả các trường hợp thu tiền người dân liên quan đến việc cấp mã số định danh, đặc biệt là số em nhỏ đi chích ngừa. Tuy nhiên, tại Công an xã Phước Thiền lại xảy ra tình trạng trên. 

Công an huyện Nhơn Trạch cho biết: Các trường hợp khác liên quan đến việc thu tiền khi cấp mã định danh đang được Thanh tra Công an huyện tiếp tục xác minh làm rõ. Khi có kết quả sẽ báo cáo Ban giám đốc Công an tỉnh. 

 

Vtv.vn (22/12): Đình chỉ sinh hoạt Đảng, tạm đình chỉ công tác Giám đốc CDC Hải Dương

Chiều 21/12, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Hải Dương đã quyết định đình chỉ sinh hoạt đảng đối với ông Phạm Duy Tuyến, Đảng ủy viên Đảng bộ Sở Y tế, Bí thư Chi bộ CDC Hải Dương.

Cùng ngày, Giám đốc Sở Y tế Phạm Mạnh Cường đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Phạm Duy Tuyến.

Quyết định nêu rõ việc tạm đình chỉ công tác đối với ông Tuyến sẽ thực hiện cho đến khi kết thúc điều tra xác minh của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Ông Tuyến có trách nhiệm cung cấp những thông tin liên quan đến việc điều tra xác minh của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và các cơ quan liên quan.

Cũng liên quan đến sự việc trên, Phát biểu tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 48, diễn ra ngày 21/12, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng khẳng định: Sai phạm của Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương Phạm Duy Tuyến rất nghiêm trọng, đi ngược lại với nỗ lực chống dịch của cả hệ thống chính trị và gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh.

 

* Danviet.vn (22/12): An Giang: Đình chỉ công tác 3 cán bộ CSGT liên quan việc cấp biển số xe

Ngày 22/12, thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết, vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) Công an tỉnh An Giang.

Theo thông tin, trong quá trình thanh tra các mặt công tác tại Phòng CSGT đường bộ, Công an tỉnh An Giang (từ năm 2012 đến năm 2021), Phòng CSGT đường bộ, Công an tỉnh An Giang được Cục CSGT - Bộ Công an cài đặt và hướng dẫn sử dụng hệ thống đăng ký, quản lý, cấp biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bằng hình thức bấm, nhận biển số ngẫu nhiên.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đã có một số cán bộ có dấu hiệu cố tình can thiệp vào phần mềm hệ thống đăng ký, quản lý, cấp biển số phương tiện giao thông sai quy định.

Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Liên quan đến vụ án, đến nay Công an tỉnh An Giang đã đình chỉ công tác 3 cán bộ CSGT có dấu hiệu liên quan đến vụ án trên. Hiện vụ án đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

 

THẾ GIỚI

*Baotintuc.vn (23/12): Trung Quốc phong tỏa toàn bộ thành phố 13 triệu dân do xuất hiện ổ dịch COVID-19

Chính quyền thành phố Tây An (Xi’an) tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc ngày 22/12 đã triển khai lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, yêu cầu toàn bộ 13 triệu người dân trong thành phố ở nhà vì xuất hiện ổ dịch COVID-19.

Quyết định trên được đưa ra do lo ngại về nguy cơ lây lan từ một ổ dịch mới bùng phát.

Theo quy định của thành phố, mỗi hộ gia đình có thể cử một thành viên đi mua đồ thiết yếu hai ngày một lần. Toàn bộ các thành viên còn lại ở tại nhà, trừ những trường hợp khẩn cấp.

Cơ quan chức năng tại Tây An trong trong ngày 21/12 cũng đã bắt đầu triển khai chiến dịch xét nghiệm cho hàng triệu người, sau khi phát hiện hơn 40 ca nhiễm COVID-19, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lây nhiễm lan rộng ngay trước mùa di chuyển bận rộn dịp đón năm mới.

 

*Vtv.vn (22/12):  Mỹ cấp miễn phí bộ xét nghiệm COVID-19 tại nhà, triển khai thêm điểm tiêm chủng

Ngày 21/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo về việc mở thêm các điểm tiêm chủng và xét nghiệm nhằm ứng phó với sự gia tăng số trường hợp mắc biến thể Omicron.

Đồng thời, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, khoảng 500 triệu bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 tại nhà sẽ được cung cấp miễn phí cho người Mỹ bắt đầu từ tháng 1/2022.

Ông Biden đã đưa ra lời cảnh báo đối với những người chưa tiêm vaccine COVID-19, những người mà theo Tổng thống Mỹ là có "lý do chính đáng để lo lắng", và cam kết rằng, những người đã tiêm chủng có thể tụ tập trong những ngày nghỉ mặc dù biến thể Omicron mới đang càn quét trên khắp nước Mỹ.

Nhấn mạnh về rủi ro đối với 1/4 người Mỹ trưởng thành chưa tiêm chủng đầy đủ, ông Biden cho biết, những người vẫn chưa được tiêm vaccine COVID-19 phải đối mặt với "nguy cơ phải nhập viện hoặc thậm chí tử vong cao hơn đáng kể".

Các biện pháp được công bố vào ngày 21/12 bao gồm điều động khoảng 1.000 nhân viên quân y để hỗ trợ các bệnh viện đã bị quá tải bởi bệnh nhân COVID-19 ở một số khu vực tại Mỹ.

Các biện pháp mới sẽ không được áp dụng đầy đủ trước lễ Giáng sinh vào ngày 25/12. Điều này khiến nhiều người dân Mỹ phải sử dụng các dịch vụ xét nghiệm có sẵn trước các cuộc tụ họp và du lịch và bối rối, liệu có an toàn để thực hiện kế hoạch trong kỳ nghỉ của họ hay không.

 

* Vtv.vn (22/12): Thái Lan chi 1 tỷ USD mua vaccine năm 2022

Chính phủ Thái Lan cho biết đã dành hơn 35 tỉ baht, tương đương 1 tỷ USD, để tài trợ cho việc mua 90 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong năm 2022. Trong số 90 triệu liều đặt hàng cho năm sau, 30 triệu liều sẽ mua từ hãng Pfizer và 60 triệu liều sẽ mua từ AstraZeneca.

Chính phủ Thái Lan cũng sẽ triển khai tiêm vaccine của hãng Pfizer cho trẻ em từ 5-11 tuổi vào năm tới. Thái Lan đặt mục tiêu tiêm chủng cho 5 triệu trẻ em và đã chuẩn bị mua 10 triệu liều vaccine của Pfizer cho nhóm đối tượng này.

Hiện Thái Lan đã vượt mốc tiêm 100 triệu mũi vaccine ngừa COVID-19 - mục tiêu được nước này đặt ra cho chiến dịch tiêm chủng năm 2021. 61% dân số nước này đã được tiêm đầy đủ hai mũi.

 

*Hanoimoi.vn (22/12): Nhật Bản thông qua gói ngân sách bổ sung kỷ lục: ''Cú hích'' cho nền kinh tế

Trong một động thái nhằm tiếp tục tạo “cú hích” cho nền kinh tế đang trên đà phục hồi, đồng thời hiện thực hóa cam kết tái phân bổ của cải xã hội thông qua tăng cường hỗ trợ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, ngày 20-12, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua dự thảo ngân sách bổ sung tài khóa 2021, trị giá 36.000 tỷ yên (khoảng 320 tỷ USD). Đây là khoản ngân sách bổ sung cao kỷ lục và đầu tiên dưới thời chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida.

Như vậy, tổng ngân sách tài khóa 2021 lên tới 495,1 tỷ USD, trong đó 280,9 tỷ USD dành cho kế hoạch kích thích mới của chính phủ vừa được công bố vào giữa tháng 11 vừa qua. Để phòng ngừa làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới do sự xuất hiện của biến chủng Omicron, gói ngân sách bổ sung trích 165,3 tỷ USD nhằm tăng cường biện pháp kiểm soát dịch bệnh và hỗ trợ các cơ sở y tế, bảo đảm tăng thêm giường bệnh. 11,6 tỷ USD sẽ được sử dụng để hỗ trợ thúc đẩy chương trình tiêm chủng Covid-19 và mua sắm thuốc điều trị. Với các gia đình thu nhập thấp (dưới 84.608 USD/năm) và đang nuôi con nhỏ, chính phủ sẽ triển khai chương trình trợ cấp với tổng gói hỗ trợ khoảng 10,7 tỷ USD. Để huy động cho ngân sách trên, chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ phát hành đợt trái phiếu mới trị giá 192 tỷ USD.

Việc bổ sung gói ngân sách được đưa ra trong bối cảnh tăng trưởng nền kinh tế đất nước Mặt trời mọc quý III giảm mạnh so với ước tính ban đầu. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thay vì 2,9% như dự báo của các chuyên gia kinh tế. Bên cạnh đó, chi tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm hơn 50% GDP của nước này cũng giảm tới 1,3%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với ước tính ban đầu. Nguyên nhân là trong quý III, chính phủ Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 20 tỉnh, thành khác, dẫn tới việc người dân hạn chế ra ngoài đường và các cơ sở kinh doanh ăn uống phải đóng cửa sớm.

Chính phủ Nhật Bản kỳ vọng, hiệu quả của gói ngân sách bổ sung cũng sẽ cộng hưởng với tác động từ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), có hiệu lực từ ngày 1-1-2022, tạo thành "đòn bẩy" kinh tế quan trọng cho xứ sở Hoa anh đào. Theo các chuyên gia kinh tế Nhật Bản, RCEP đi vào hoạt động sẽ giúp GDP của nước này tăng khoảng 132 tỷ USD, gấp đôi so với mức tăng GDP nhờ việc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác Phát triển kinh tế (OECD), với những chính sách trong thời gian vừa qua, nền kinh tế Nhật Bản có thể sẽ đạt mức tăng trưởng 1,8% trong năm 2021 và 3,4% vào năm 2022. Đây là dấu hiệu cho thấy đà phục hồi đang dần ổn định và có triển vọng khả quan.

 

*Hanoimoi.vn (22/12): Nhiều quốc gia siết chặt quy định phòng dịch trước thềm kỳ nghỉ lễ

Ngay trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới, hàng loạt thành phố tại Mỹ đã ban hành các biện pháp mới để phòng dịch Covid-19, trong bối cảnh Omicron đã vượt các chủng khác trở thành biến thể thống trị và Mỹ đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì biến thể này. Los Angeles - thành phố lớn thứ hai của Mỹ, đã hủy bỏ tổ chức tiệc đón giao thừa trước một tuần. Còn Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cho biết trong tuần này, sẽ quyết định việc có tổ chức tiệc đêm Giao thừa nổi tiếng của thành phố ở Quảng trường Thời đại hay không.

Tại châu Âu, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố đang xem xét mọi khả năng nhằm kiểm soát biến thể Omicron trong bối cảnh dịp lễ cuối năm tới gần, đồng thời cảnh báo có thể áp dụng thêm các biện pháp hạn chế do tình hình hiện tại vô cùng khó khăn.

Tại châu Đại dương, New Zealand ngày 21-12 thông báo hoãn kế hoạch mở cửa biên giới đến hết tháng 2-2022, vì lý do biến thể Omicron đang lây lan nhanh trên toàn cầu. Tại châu Phi, Morocco công bố lệnh cấm tổ chức sự kiện đón mừng Giao thừa nhằm ngăn chặn nguy cơ gia tăng các ca mắc mới Covid-19.

Việc hàng loạt các quốc gia mạnh tay siết lại quy định phòng dịch diễn ra trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới ra khuyến cáo các hoạt động lễ hội cuối năm có thể dẫn tới việc số ca nhiễm bùng nổ ở nhiều khu vực trên thế giới, đồng thời đề nghị người dân toàn cầu không tổ chức các hoạt động tụ tập đông người.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến bạn đọc

    Tin mới nhất

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23/12 đến 26/12 năm 2023(26/12/2023 10:49 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 20/12 đến 22/12 năm 2023(22/12/2023 7:33 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 16/12 đến 19/12 năm 2023(19/12/2023 9:45 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 13/12 đến 15/12 năm 2023(15/12/2023 11:03 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 09/12 đến 12/12 năm 2023(12/12/2023 6:36 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 05/12 đến 08/12 năm 2023(08/12/2023 11:28 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01/12 đến 04/12 năm 2023(05/12/2023 5:51 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/11 đến 1/12 năm 2023 (01/12/2023 8:54 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25/11 đến 27/11 năm 2023(27/11/2023 8:59 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 3/11 đến 8/11 năm 2023(08/11/2023 9:22 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/10 đến 31/10 năm 2023(01/11/2023 9:20 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 21/10 đến 24/10 năm 2023(25/10/2023 9:34 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 11/10 đến 13/10 năm 2023(24/10/2023 5:47 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 9:22 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 2:34 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 7/10 đến 10/10 năm 2023(11/10/2023 5:11 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 04 đến ngày 06 tháng 10 năm 2023(06/10/2023 10:50 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 10 năm 2023(04/10/2023 4:02 CH)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 8 năm 2023(31/08/2023 2:12 SA)

    Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 8 năm 2023(25/08/2023 5:33 CH)

    << < 1 2 3 4 5  ... > >> 
    °
    Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
    373 người đã bình chọn