Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 06 đến ngày 8 tháng 10 năm 2021

Update 08 - 10 - 2021
100%

PHẦN I: TIN ĐIỆN BIÊN

  

*Baodienbienphu.info.vn (7/10): Quy định tạm thời đối với người đến/về tỉnh Điện Biên qua đường hàng không

Để tăng cường giám sát chặt chẽ người đến/về tỉnh Điện Biên, kịp thời phát hiện và ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập qua Cảng hàng không vào địa bàn tỉnh; ngày 07/10, UBND tỉnh đã ban hành quy định tạm thời đối với người đến/về tỉnh Điện Biên qua đường hàng không.

Theo đó, tỉnh Điện Biên sẽ bố trí các lực lượng chức năng thực hiện kiểm soát dịch Covid-19 ngay tại Cảng Hàng không Điện Biên Phủ để thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, phân loại các trường hợp có nguy cơ, nguy cơ cao để bố trí cách ly tập trung ngay khi phát hiện. Thực hiện kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế điện tử, quét mã QR đối với người đến/về tỉnh Điện Biên qua Cảng Hàng không Điện Biên Phủ; xuất trình đầy đủ giấy tờ tùy thân theo quy định.

Đối với các tổ chức, cá nhân đến/về tỉnh Điện Biên cần phải đáp ứng các yêu cầu, như: Phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong 72 giờ (bằng phương pháp RT-PCR) do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp; đồng thời, phải xuất trình một trong các giấy tờ tùy thân (chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu, giấy phép lái xe, giấy khai sinh) để đối chiếu với giấy xét nghiệm và phân loại vùng dịch. Khuyến khích những cá nhân đã có lịch sử tiêm phòng vắc xin phòng Covid-19.

Đối với các cá nhân khi vào tỉnh qua chốt kiểm soát dịch được xác định có nguy cơ nhưng chưa phải cách ly tập trung thì thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú 07 ngày kể từ ngày đến/về đến tỉnh, thực hiện nghiêm thông điệp 5K, lấy mẫu xét nghiệm 02 lần vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7 (tự trả phí xét nghiệm theo quy định). Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì xử trí theo quy định.

Đối với các tổ chức, cá nhân đang ở các vùng có nguy cơ, nguy cơ cao, vùng đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ khi muốn vào tỉnh để liên hệ công tác, thực hiện các chương trình, dự án cấp bách phải có văn bản gửi xin ý kiến UBND tỉnh trước 5 ngày làm việc. Chỉ được vào tỉnh thực hiện nhiệm vụ công vụ khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của UBND tỉnh và phải đáp ứng các yêu cầu, như: Có phiếu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính bằng phương pháp RT-PCR trong thời gian 72 giờ do cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận. Khi đến địa bàn tỉnh phải thực hiện Thông điệp 5K, thực hiện khai báo y tế, khai báo lưu trú thực hiện đúng theo cam kết về thời gian, địa điểm làm việc; hạn chế tiếp xúc đông người; đồng thời tự theo dõi sức khỏe, nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở... hoặc có biểu hiện mất vị giác phải báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý kịp thời, đúng quy định. Trong thời gian lưu trú tại tỉnh (nếu trên 3 ngày) phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3, ngày thứ 7 kể từ khi vào địa bàn tỉnh (tự trả phí xét nghiệm theo quy định). Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì xử trí theo quy định

 

*Baodienbienphu.info.vn (6/10): Mường Nhé và Tủa Chùa giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 95%

Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề về đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn đối ứng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, ngày 6/10 các tổ công tác của đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc với lãnh đạo và các cơ quan liên quan của huyện Mường Nhé và Tủa Chùa.

Giai đoạn 2016 - 2020 huyện Mường Nhé được giao tổng vốn đầu tư công trung hạn 429,659 tỷ đồng; đã thực hiện giải ngân đạt 95,28%. Đã phê duyệt quyết toán 179 dự án; còn 50 dự án hoàn thành chưa quyết toán, chưa có quyết định phê duyệt quyết toán. Về nợ đọng xây dựng cơ bản đến 31/12/2020 là 2,041 tỷ đồng. Nhìn chung các công trình sau khi đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả. Huyện Mường Nhé kiến nghị UBND tỉnh, các sở, ngành tiếp tục quan tâm hơn nữa trong việc trình thẩm định, triển khai các bước của dự án, bố trí kế hoạch vốn (bao gồm cả những dự án của giai đoạn 2016 - 2020 chuyển tiếp thực hiện sang giai đoạn sau).

Đối với huyện Tủa Chùa, tổng vốn đầu tư công trung hạn được giao trong giai đoạn là 583,174 tỷ đồng; tỷ lệ giải ngân đến 31/1/2021 đạt 95,8% kế hoạch vốn giao. Nguồn vốn trái phiếu chính phủ thực hiện đề án kiên cố hóa trường lớp học đã được đưa vào cân đối trung hạn nhưng đến 31/12/2020 chưa có nguồn để phân bổ. Trong giai đoạn, huyện Tủa Chùa đã được phê duyệt quyết toán 691 dự án, hiện còn 32 dự án chưa quyết toán hoặc chưa có quyết định phê duyệt quyết toán. Các công trình đều đảm bảo chất lượng, phát huy hiệu quả sau đầu tư. Tổng số nợ đọng đến thời điểm 31/12/2020 là 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc triển khai nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020 còn một số hạn chế như: Hầu hết các xã trên địa bàn huyện chưa hoàn thành công tác quy hoạch dẫn tới việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư còn nhiều khó khăn; dự án đầu tư xây dựng chịu sự điều chỉnh của nhiều ngành, lĩnh vực liên quan như: tài nguyên, môi trường, lâm nghiệp, quy hoạch...; một số quy định giữa Luật Đầu tư công và các luật khác chưa được thống nhất ảnh hưởng đến quá trình thực hiện các công trình, dự án.

Thành viên tổ giám sát đánh giá huyện Tủa Chùa đã kịp thời thực hiện các chính sách, pháp luật, quy định của Nhà nước và của tỉnh đối với việc thực hiện hoạt động đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020 theo đúng thẩm quyền. Công tác lập, phân bổ kế hoạch vốn được thực hiện đảm bảo đúng quy định; công tác thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, kế hoạch đấu thầu được quản lý chặt chẽ… Các dự án đã được đầu tư hầu hết đều phát huy hiệu quả được người dân đồng thuận, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Nợ đọng xây dựng cơ bản giai đoạn thấp; tỷ lệ giải ngân trong các năm 2017, 2018, 2020 tăng cao so với năm 2016; công tác giải phóng mặt bằng nhận được sự đồng thuận của người dân, các dự án đảm bảo tiến độ.

Đối với huyện Mường Nhé, công tác đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2016 - 2020 còn nhiều vướng mắc do chưa phân cấp đầu tư; chưa có sự đồng thuận cao của người dân trong đầu tư; cơ chế đề xuất một số dự án chưa có sự tham gia của cấp ủy, người dân. Bước khảo sát lập dự án đầu tư còn nhiều hạn chế; công tác phối hợp giữa huyện với các Ban Quản lý dự án của tỉnh chưa chặt chẽ. Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Mường Nhé cần quan tâm hơn nữa trong quy chế phối hợp đầu tư xây dựng, kể cả đối với những dự án không phải do huyện làm chủ đầu tư nhưng được đầu tư trên địa bàn huyện… Thành viên tổ giám sát cũng đề nghị huyện Mường Nhé làm rõ một số hạn chế, như: Một số dự án kéo dài từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư đến khi thực hiện dự án; có dự án mới khởi công chưa có sự lựa chọn tối ưu, chưa đem lại hiệu quả tối đa; công tác giám sát đầu tư cộng đồng chưa được quan tâm; công tác duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng chưa được quan tâm nhiều, dẫn đến công trình nhanh xuống cấp; một số nguồn vốn bị thu hồi; việc bố trí nguồn vốn một số dự án còn dàn trải. Nhất là thống kê rõ giai đoạn đầu tư công 2016 - 2020 có bao nhiều công trình được đầu tư nhưng không hiệu quả? Vai trò của Ban Thường vụ Huyện ủy trong việc đề xuất chủ trương đầu tư các dự án?

 

*Giaoducthoidai.vn (7/10): Tiếp bài “Điện Biên: Sống mòn ở phố lò gạch”: Nhà máy gạch hoạt động chui, “bụi” che mắt chính quyền?

Tọa lạc giữa trung tâm thành phố, Nhà máy gạch Tuynel của Công ty cổ phần sản xuất và xây dựng Điện Biên vẫn xả khói ngùn ngụt.

“Nhắm mắt” làm ngơ?

Xí nghiệp sản xuất gạch ngói do UBND huyện Điện Biên thành lập và quản lý. Sau nhiều lần chuyển đổi mô hình quản lý, thay đổi chủ sở hữu, đến 13/10/2010, UBND tỉnh Điện Biên quyết định chuyển đổi thành công ty cổ phần theo hình thức bán toàn bộ vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với vốn điều lệ hơn 7,4 tỷ đồng. Đến nay được gọi là Công ty cổ phần sản xuất vật liệu và xây dựng (Cty CP SXVL&XD) Điện Biên.

Ngày 4/3/2019, khi Công ty hết thời hạn thuê đất, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Điện Biên đã “tuýt còi” bằng Thông báo số 147. Nội dung nêu rõ: “Việc sử dụng đất (38.481,5m2) của Cty CP SXVL&XD Điện Biên không còn phù hợp với quy hoạch được UBND TP Điện Biên Phủ phê duyệt…

Do đó, Công ty không đủ điều kiện để được gia hạn quyền sử dụng đất thuê tại địa bàn phường Him Lam… Trường hợp công ty tiếp tục có nhu cầu sử dụng đất để sản xuất kinh doanh, đề nghị phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét tìm vị trí, địa điểm mới phù hợp với quy hoạch chung trên địa bàn tỉnh. Báo cáo UBND tỉnh cho chủ trương về nhu cầu sử dụng đất của Công ty”.

Thế nhưng, hơn một năm sau, ông Nguyễn Đăng Nam, Phó Giám đốc sở này lại có Văn bản 1087 gửi 3 Sở: Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư và UBND thành phố Điện Biên Phủ xin ý kiến về đề xuất: “Đề nghị UBND tỉnh đồng ý gia hạn thuê đất cho Công ty cổ phần sản xuất vật liệu và xây dựng Điện Biên từ ngày 3/2/2019 đến hết ngày 31/12/2022”.

Trả lời nội dung xin ý kiến của Sở TN&MT tại Văn bản 1087 chỉ duy nhất Sở Xây dựng Điện Biên khẳng định “Đồng ý đề nghị UBND tỉnh gia hạn…”; còn 2 Sở: Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư trả lời chung chung.

Tổng hợp ý kiến các sở, UBND thành phố Điện Biên Phủ, ngày 9/11/2020 Sở TN&MT chính thức có Báo cáo 239 gửi UBND tỉnh Điện Biên để kiến nghị: “UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho công ty tiếp tục thuê đất tại phường Him Lam để làm trụ sở, sản xuất gạch Tuynel”. Trong khi đó, theo nguồn tin mà chúng tôi có được thì đến nay, UBND tỉnh Điện Biên vẫn chưa chấp thuận phương án xin gia hạn hoạt động.

Dung túng?

Trên thực tế, khi Cty CP SXVL&XD Điện Biên đã không còn điều kiện để hoạt động, cơ quan tham mưu lúng túng tìm hướng gia hạn thì Công ty này vẫn hoạt động, bất chấp quy định của Nhà nước. Thế nhưng, trong các báo cáo gửi lên trên, chính quyền thành phố và cả cơ quan chuyên môn cũng không hề hay biết(?).

Đơn cử như Báo cáo số 281 ngày 1/7 vừa qua của UBND thành phố. Sau đợt kiểm tra các cơ sở trên địa bàn, UBND TP Điện Biên Phủ có báo cáo vắn tắt hơn một trang giấy. Trong đó, khẳng định: Tại thời điểm kiểm tra, Nhà máy gạch Tuynel (của Cty CP SXVL&XD Điện Biên) không hoạt động sản xuất, văn phòng không có người điều hành.

Còn tại Báo cáo 1729 của Sở Xây dựng ban hành hôm 30/8 do ông Nguyễn Minh Lượng - Phó Giám đốc ký gửi UBND tỉnh cũng khẳng định: Nhà máy gạch Tuynel nói trên hiện đang dừng hoạt động do hết thời gian thuê đất.

Trong khi đó, hôm 30/9 tại nhà máy này, chúng tôi được bà quản lý nhà máy Lưu Thị Lan đưa đi tham quan khu sản xuất với các thông tin rành rọt: “Công suất trung bình của nhà máy 16 triệu viên/năm. Giá bán tại nhà máy gạch loại 1 là 1.100 đồng/viên; loại 2 giá 900 đồng/viên. Làm việc thường xuyên tại nhà máy có gần 40 công nhân chia theo ca, theo kíp liên tục suốt cả ngày. Hàng thì lúc nào cũng có, chỉ sợ gạch không khô kịp để vào lò…”.

Như Báo GD&TĐ đã phản ánh, Nhà máy gạch Tuynel hoạt động “chui” giữa lòng thành phố suốt hơn 2 năm qua. Ngay phía sau nhà máy này là nơi ở của 132 hộ, với 445 nhân khẩu.

Dọc khu phố, hầu hết các gia đình đều “cửa đóng, then cài”. Hãn hữu lắm mới có nhà mở cửa. Họ làm vậy vì không chịu được tiếng ồn từ nhà máy phát ra. Phần cũng bởi lo mùi khói than bay vào nhà, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Minh - Tổ trưởng tổ dân phố 19 thì đã có rất nhiều người ở đây đều mắc chung một chứng bệnh, đó là ung thư vòm họng. Thấu hiểu nỗi bức xúc của người dân, ông Minh đã không ít lần kiến nghị lên trên, song vẫn chưa nhận được một lời giải thích thỏa đáng.

 

*Dienbientv.vn (6/10): Điện Biên: Tiêm 130.000 liều ᴠắᴄ xɪɴ Vero Cell của hãng Sinopharm

Theo kế hoạch số 194 của Sở Y tế, trong thời gian từ ngày 5-15/10, tỉnh Điện Biên sẽ triển khai tiêm vắc xin phòng ngừa Covid đợt thứ 14.

Trong đợt tiêm này, người dân trên địa bàn tỉnh được triển khai tiêm 130.000 liều vắc xin Vero Cell của hãng Sinopharm mũi 1. Cụ thể các huyện: Tuần Giáo: 30.000 liều; Điện Biên: 34.000 liều; Nậm Pồ: 12.000 liều; Tủa Chùa: 13.000 liều; Mường Ảng: 14.000 liều; Mường Chà: 10.000 liều; TX Mường Lay: 4.000 liều; Mường Nhé: 3.000 liều và Điện Biên Đông: 10.000 liều.

Theo Bộ Y tế, dự kiến từ tháng 10-12/2021 tỉnh Điện Biên sẽ tiếp nhận số lượng vắc xin nhiều hơn so với thời gian trước. Do vậy, để đảm bảo tiến độ theo kế hoạch, tăng nhanh diện bao phủ, UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế phối hợp với cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố để tiếp tục quan tâm, tham gia hỗ trợ ngành Y tế trong các hoạt động triển khai tiêm chủng; tuyên truyền, thông báo cho người dân 18 tuổi trở lên đến các điểm tiêm để tiêm vắc xin phòng COVID-19; tổ chức tiêm tại các cơ sở tiêm chủng cố định và bố trí nhiều điểm tiêm chủng lưu động đảm bảo các tiêu chí cơ sở tiêm chủng an toàn.

 

*Giaoducthoidai.vn (7/10): Điện Biên: 31 cán bộ y tế chi việɴ TP Hồ Chí Minh hoàn thành nhiệm vụ, aɴ toàn trở về

Sau hơn 2 tháng tình nguyện chi viện cho TP. Hồ Chí Minh chống dịch, 31 cán bộ y tế đầu tiên của Điện Biên đã hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo sức khỏe an toàn trở về.

Đây là đoàn công tác số 1 của Điện Biên tăng cường hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh chống dịch, với 31 cán bộ y, bác sĩ của các đơn vị y tế trong toàn tỉnh.

Đoàn xuất phát vào TP. Hồ Chí Minh từ ngày 1/8, nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 2, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh, với quy mô 2.500 giường bệnh.

Hơn 2 tháng tại đây, đoàn đã tham gia điều trị cho trên 2.000 bệnh nhân Covid-19, trong đó có trên 1.700 bệnh nhân khỏi bệnh, ra viện. Số còn lại đang được đoàn công tác số 4 của Điện Biên tiếp nhận và điều trị.

Ngay sau khi đặt chân về đến Điện Biên, toàn bộ cán bộ y, bác sĩ của đoàn được đưa đi cách ly tập trung 14 ngày theo quy định.

Như vậy, hiện Điện Biên còn 3 đoàn công tác, với 70 y, bác sĩ vẫn đang tiếp tục hỗ trợ các tỉnh thành miền nam chống dịch. Trong đó 2 đoàn hỗ trợ tại TP. Hồ Chí Minh và 1 đoàn tại tỉnh Bình Dương.

 

PHẦN II: TIN TỨC – THỜI SỰ

TIÊU ĐIỂM

* Thanhnien.vn (7/10): Thủ tướng: 'Nhanh chóng đưa đón người dân về quê, không để ùn ứ ở cửa ngõ'

Thủ tướng yêu cầu phối hợp đưa, đón người dân phải được thực hiện nhanh, nhịp nhàng hơn, không để ùn ứ tại các điểm kiểm soát cửa ngõ.

 

Để tiếp tục thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, đồng thời đảm bảo để người dân có nhu cầu cần thiết, chính đáng được đưa, đón về quê an toàn, chu đáo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1625 ngày 30.9, công điện số 122 DK ngày 1.10 của Văn phòng Chính phủ.

Việc phối hợp đưa, đón người dân phải được thực hiện nhanh, nhịp nhàng hơn, không để ùn ứ tại các điểm kiểm soát cửa ngõ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương có tình hình dịch bệnh còn chưa được kiểm soát hoàn toàn nhưng đã dừng thực hiện Chỉ thị 16 tiếp tục tích cực vận động, thuyết phục người dân yên tâm ở lại gắn với hỗ trợ an sinh và thực hiện khôi phục sản xuất kinh doanh an toàn.

Thủ tướng yêu cầu bố trí phương tiện vận chuyển an toàn đối với những người không có phương tiện hoặc người già, phụ nữ có thai, trẻ em có nhu cầu.

Các tỉnh, thành phố dọc đường đi có trách nhiệm phối hợp đảm bảo giao thông thông suốt và có sự hỗ trợ nếu cần thiết. Tỉnh, thành phố nơi đến có trách nhiệm đón, nhận bàn giao và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch theo quy định.

 

*Vtv.vn (6/10): Khởi động lại 10 đường bay nội địa dự kiến từ 10/10

10 đường bay nội địa dự kiến sẽ khai thác từ 10/10, trong đó không có đường bay đến Nội Bài (Hà Nội).

Cục Hàng không Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải kế hoạch triển khai các đường bay nội địa thường lệ trở lại.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tính đến ngày 6/10/2021, cơ quan này đã tiếp nhận ý kiến trả lời bằng văn bản của 13 tỉnh, thành phố. Trong đó, 6 địa phương thống nhất toàn bộ với kế hoạch của Cục Hàng không gồm: Điện Biên, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Thanh Hóa và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang); 4 địa phương thống nhất từng phần kế hoạch gồm: TP Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Nghệ An và Thừa Thiên Huế.

3 địa phương đề nghị chưa thực hiện kế hoạch bay thương mại thường lệ gồm: Hà Nội, Hải Phòng và Gia Lai.

Các đường bay có thể thực hiện theo kế hoạch đã được Cục Hàng không Việt Nam xin ý kiến gồm 10 đường bay giữa TP Hồ Chí Minh - Thanh Hóa, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Phú Quốc, Thừa Thiên Huế, Nghệ An và giữa Thanh Hóa - Khánh Hòa, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc.

Cục Hàng không Việt Nam đề xuất giai đoạn ban đầu dự kiến từ 10/10/2021. Các giai đoạn tiếp theo triển khai theo Quyết định số 1740/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải.

 

* Zingnews.vn (7/10): Vaccine sắp về nhiều, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng

Bộ Y tế ngày 6/10 có công văn đề nghị các địa phương sẵn sàng dây chuyền bảo quản và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng khi vaccine về nhiều dịp cuối năm.

Theo Bộ Y tế, trong quý IV, Việt Nam sẽ tiếp nhận số lượng vaccine nhiều hơn. Để sẵn sàng cho việc tiếp nhận, bảo quản và triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19, cơ quan này đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan hoàn thiện, chuẩn bị hệ thống trang thiết bị, dây chuyền lạnh tại các tuyến.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tổ chức tiếp nhận, triển khai tiêm chủng vaccine ngay sau khi được phân bổ, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vaccine cho các đối tượng. Các tỉnh, thành phố cần tăng độ bao phủ mũi 1, tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo quy định, đảm bảo an toàn và hiệu quả.

 

*Cand.com.vn (6/10): Miền Trung dự kiến sơ tán 290.000 người dân ven biển

Chiều 6/10, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT) tổ chức cuộc họp trực tuyến với 10 tỉnh miền Trung để ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 7. Để ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 7, các tỉnh miền Trung dự kiến sẽ phải sơ tán hơn 71.000 hộ, với hơn 290.000 người dân ven biển.

Từ ngày 9-12/10, mưa lớn mở rộng ra các tỉnh Bắc Trung Bộ và Đồng bằng Bắc Bộ. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông. Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài lưu ý thời gian tới ngoài cơn áp thấp nhiệt đới/bão này, nhiều tỉnh miền Trung còn hứng chịu một chuỗi thiên tai khác, như: Mưa lớn kéo dài, khả năng xuất hiện thêm một cơn bão nữa trên Biển Đông. Trước mắt, ông Hoài đề nghị các địa phương cần khẩn trương thông báo, yêu cầu các tàu thuyền còn hoạt động ở vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới/bão cần ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc tìm nơi tránh, trú an toàn.

Ngoài các tàu thuyền khai thác hải sản, ông Hoài lưu ý, các tàu vận tải, tàu phục vụ các công trình ven bờ cũng cần có phương án đảm bảo cho người và tài sản. Khu vực được dự báo chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới/bão sẽ xuất hiện mưa lớn, do đó, ông Hoài yêu cầu các địa phương cần có phương án sơ tán dân khỏi vùng thấp trũng, những nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất... “Nhiều tỉnh được dự báo sẽ có mưa lớn, do đó, các hồ chứa thủy điện, thủy lợi cần tuân thủ quy trình xả tràn, xả lũ để đảm bảo an toàn cho hạ du. Đặc biệt, trước khi xả phải thông báo cho người dân phía hạ du để có phương án phòng tránh", ông Hoài cho biết.

 

CHÍNH SÁCH – VĂN BẢN – NGHỊ ĐỊNH MỚI

* Chinhphu.vn (6/10): Tiếp tục gia hạn thời hạn lưu giữ nhiên liệu hàng không tạm nhập tái xuất

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 6/10/2021 về việc tiếp tục gia hạn thời hạn lưu giữ nhiên liệu hàng không tạm nhập tái xuất.

Theo đó, Chính phủ thống nhất gia hạn thời hạn lưu giữ tại Việt Nam tới hết tháng 12/2021 cho các lô hàng xăng dầu đã tạm nhập để cung ứng cho hàng không nhưng chưa thể thực hiện tái xuất theo quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương như đề xuất của Bộ Công Thương.

Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và quy định pháp luật, bảo đảm chặt chẽ, đúng đối tượng, không để trục lợi chính sách; chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung, số liệu báo cáo và đề xuất.

Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 cho phù hợp với tình hình thực tế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và chưa xác định được thời điểm kết thúc.

* Trước đó, tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 14/7/2020 phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2020, Chính phủ đã thống nhất kiến nghị của Bộ Công Thương cho phép gia hạn thời hạn lưu giữ tại Việt Nam tới hết tháng 12/2020 các lô hàng xăng dầu đã tạm nhập để cung ứng cho hàng không hoặc tàu biển nhưng chưa thể thực hiện tái xuất theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018.

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp cung cấp nhiên liệu, do dịch bệnh COVID-19, hầu như các chuyến bay quốc tế tại Việt Nam đã dừng hoạt động, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Biện pháp tháo gỡ khó khăn của cơ quan quản lý nêu trên sẽ góp phần giảm áp lực cho doanh nghiệp trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 vẫn rất phức tạp.

 

*Chinhphu.vn (6/10): Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, chống tiêu cực

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 262/TB-VPCP ngày 5/10/2021 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.

Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phát biểu ý kiến hết sức trách nhiệm, thẳng thắn, cầu thị, đánh giá đúng tình hình, kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế, nguyên nhân công tác giải ngân 9 tháng đầu năm 2021 của bộ, cơ quan, địa phương mình; đồng thời thể hiện tinh thần, thái độ, ý thức quyết tâm cao khắc phục các hạn chế, tồn tại để phấn đấu đẩy mạnh giải ngân những tháng cuối năm với nhiều giải pháp cụ thể, khả thi.

Thủ tướng Chính phủ biểu dương 4 cơ quan Trung ương và 11 địa phương đến hết tháng 9 năm 2021 giải ngân đạt trên 60% kế hoạch được giao; phê bình nghiêm khắc và yêu cầu 36 bộ, cơ quan Trung ương và 8 địa phương giải ngân dưới 40% kế hoạch giao (không bao gồm các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg) kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó đề ra giải pháp phù hợp để đẩy mạnh giải ngân trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ biểu dương 4 cơ quan Trung ương và 11 địa phương đến hết tháng 9 năm 2021 giải ngân đạt trên 60% kế hoạch được giao; phê bình nghiêm khắc và yêu cầu 36 bộ, cơ quan Trung ương và 8 địa phương giải ngân dưới 40% kế hoạch giao (không bao gồm các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg) kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó đề ra giải pháp phù hợp để đẩy mạnh giải ngân trong thời gian tới.

Trong những tháng cuối năm 2021, dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường; ở trong nước dịch bệnh vẫn tiếp tục tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội. Với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch COVID-19”, chúng ta tiếp tục nỗ lực cao nhất để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.

Quan điểm chỉ đạo là: (1) Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành; xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm 2021; phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân. (2) Quán triệt nghiêm túc các chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các Nghị quyết của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. (3) Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, lấy khó khăn thách thức là động lực để phấn đấu vươn lên, quyết tâm khắc phục các hạn chế, yếu kém trong giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua.

Xử lý nghiêm các chủ đầu tư cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn

Để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất vốn đầu tư công năm 2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở đi đôi với tăng cường phân cấp, nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt của các cấp, các ngành, các địa phương.

Đề cao kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; kiểm điểm, xử lý kịp thời các cán bộ yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Rà soát kỹ ngay từ khâu chuẩn bị dự án, lựa chọn dự án giao vốn đến công tác thiết kế, đấu thầu, thi công, thủ tục thanh, quyết toán… đối với từng dự án. Tập trung đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ vướng mắc phát sinh, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng.

Rà soát, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, tăng cường làm việc trực tuyến để tiết kiệm thời gian, chi phí và không gây phiền hà cho các bộ, cơ quan, địa phương.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan rà soát, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn năm 2021 từ các bộ, cơ quan, địa phương giải ngân chậm sang các bộ, cơ quan, địa phương giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định.

 

*Thuvienphapluat.vn (7/10): Ban hành quy định mới về những điều đảng viên không được làm

Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) thống nhất cao ban hành quy định mới về những điều đảng viên không được làm.

Phát biểu bế mạc hội nghị sáng 7/10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói quy định mới nêu trên sẽ là căn cứ, cơ sở quan trọng để xem xét, xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên.

Theo Tổng bí thư, Đại hội XIII đã đề ra yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với 10 giải pháp cơ bản, đồng bộ, trong đó nhấn mạnh phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) với trọng tâm là ngăn chặn, đẩy lùi, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những hành vi tham nhũng, tiêu cực và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Trung ương thống nhất cao phải tiến hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa nhiều công việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà hội nghị Trung ương 4 khoá XII đã đề ra; đồng thời bổ sung nhấn mạnh thêm 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Một là, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Hai là, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm.

Tổng bí thư nêu rõ phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; công tác cán bộ, công tác kiểm tra; công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên; phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí, của công luận.

Trung ương đặc biệt nhấn mạnh, muốn nghị quyết và kết luận này đi vào cuộc sống, tạo ra chuyển biến rõ rệt thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc... Ở đây, sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định.

 

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

*Vtv.vn (6/10): TP Hồ Chí Minh mở lại một số chợ truyền thống, tiểu thương phấn khởi

Nhiều chợ truyền thống tại TP Hồ Chí Minh đã mở cửa trở lại. Dù sức mua chưa cao, nhưng việc các chợ đi vào hoạt động đã giúp tiểu thương dần hồi phục việc buôn bán.

Sau nhiều tháng "cửa đóng then cài", khung cảnh rộn ràng buôn bán đã quay trở lại chợ Bình Thới, quận 11, TP Hồ Chí Minh. Tuy số lượng sạp mở bán mới có 50%, nhưng các tiểu thương đều rất phấn khởi khi được buôn bán kinh doanh trở lại. Người dân cũng vui vì được mua các mặt hàng tươi ngon về để sử dụng.

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 5/10, 21/237 chợ truyền thống đã hoạt động trở lại. Đơn vị này cũng đã có văn bản đề nghị các quận, huyện khẩn trương xây dựng kế hoạch mở lại chợ trong điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Mặc dù hiện nay sức mua chưa cao, nhưng việc chợ truyền thống mở bán lại cũng là tín hiệu vui để dần khôi phục việc kinh doanh và tạo điều kiện cho người dân mua sắm thực phẩm một cách nhanh chóng, dễ dàng.

 

*Vtv.vn (7/10): Ngân sách nhà nước “ngấm đòn” từ dịch COVID-19

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tháng 9, thu NSNN ước đạt 65.200 tỷ đồng, giảm khoảng 17.000 tỷ đồng so với tháng 8.

Điều này cho thấy tác động nặng nề của làn sóng COVID-19 thứ 4 tới tình hình ngân sách, dù dịch bệnh đã dần được kiểm soát và có chuyển biến tích cực tại nhiều địa phương.

Thu nội địa sụt giảm mạnh

Theo Bộ Tài chính, lũy kế 9 tháng qua, thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 1.077,4 nghìn tỷ đồng, bằng 80,2% dự toán, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Ngân sách Trung ương (NSTW) ước đạt 76,5% dự toán và ngân sách địa phương (NSĐP) ước đạt 84,7% dự toán.

Trong đó, thu nội địa ước đạt 872.280 tỷ đồng, đạt 77% dự toán, tăng 5,9%. Theo Bộ Tài chính, mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19, thu NSNN 9 tháng đầu năm 2021 vẫn đảm bảo tiến độ dự toán và tăng so với cùng kỳ nhờ đà tăng trưởng của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020, một số ngành, lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản... được hưởng lợi từ chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, duy trì được mức tăng trưởng khả quan tạo thêm nguồn thu cho NSNN.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng cho biết, từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại vào tháng 4/2021 đến nay, diễn biến thu nội địa có chiều hướng giảm, trong đó, thu nội địa từ thuế, phí (không kể yếu tố gia hạn) từ mức tăng 9,1% của tháng 6, sang tháng 7 giảm 10,8%, tháng 8 giảm 21% và tháng 9 giảm 26,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Bộ Tài chính, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu từ tháng 8 đến nay có xu hướng giảm mạnh so với tháng trước, cụ thể số thu tháng 8 giảm 19,1% so với tháng 7; số thu tháng 9 giảm 13,6% so với tháng 8.

NSNN đã chi 29.100 tỷ đồng cho phòng chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân

Cũng theo Bộ Tài chính, trong 9 tháng qua, NSNN đã chi ước đạt 1.030,5 nghìn tỷ đồng, bằng 61,1% dự toán, trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 218.550 tỷ đồng, bằng 45,8% dự toán; chi thường xuyên đạt 725.300 tỷ đồng, bằng 70% dự toán…

Liên quan tới các giải pháp bù đắp hụt thu NSNN trong bối cảnh hụt thu do dịch COVID-19, Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 9, tình hình kiểm soát dịch COVID-19 đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên, dự báo dịch vẫn còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, tác động làm giảm thu và tăng chi NSNN cho phòng, chống dịch. Theo đó, Bộ Tài chính đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung kiểm soát dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy và phục hồi tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm, qua đó tạo thêm nguồn thu cho NSNN.

 

*Vtv.vn (7/10): Chuẩn bị phóng vệ tinh Việt Nam NanoDragon

Theo dự kiến, sáng nay (7/10), vệ tinh thứ ba do Việt Nam tự thiết kế, chế tạo mang tên NanoDragon sẽ được phóng lên quỹ đạo.

Vệ tinh NanoDragon được phát triển bởi Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Toàn bộ quá trình như nghiên cứu, thiết kế, tích hợp, thử nghiệm chức năng của vệ tinh... hoàn toàn được thực hiện tại Việt Nam. Hôm nay, vệ tinh sẽ được tên lửa Epsilon-5 của Nhật Bản phóng vào không gian.

Chỉ nặng gần 4 kg, NanoDragon là vệ tinh dạng cubesat - vệ tinh siêu nhỏ. Khác với những vệ tinh lớn với vốn đầu tư hàng triệu USD, vệ tinh cubesat như NanoDragon có thời gian phát triển ngắn và chi phí thấp hơn. Gần 20 nhà khoa học Việt Nam đã dành hơn 3 năm để chế tạo vệ tinh này.

 

*Vtv.vn (7/10): Dự kiến mở cửa lại hoàn toàn với khách quốc tế từ tháng 6/2022

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trước hết sẽ khôi phục hoạt động du lịch tại các khu vực có nguy cơ thấp "cấp 1- điểm đến an toàn", tiến tới "kết nối các điểm đến an toàn cho du lịch", với lộ trình phù hợp, từng bước chắc chắn, có kiểm soát trong điều kiện thích ứng chủ động, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Mở cửa theo từng cấp độ

Cụ thể, từ tháng 10/2021, tổ chức tập huấn các quy định, biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch COVID-19, quy trình đón và phục vụ khách du lịch, tiêu chí dịch vụ du lịch an toàn. Chuẩn bị phương án, nguồn lực dự phòng cho các sự cố, rủi ro... Xác định điểm đến an toàn; kết nối các điểm đến an toàn và triển khai các hoạt động thông tin, truyền thông. Triển khai đón khách nội tỉnh gắn với kiểm soát chặt chẽ quy trình phòng chống dịch. Đánh giá hiệu quả, quy trình bảo đảm an toàn, đúc rút kinh nghiệm.

Từ tháng 11/2021, triển khai đón khách nội địa từ các địa phương đã kiểm soát được dịch COVID-19 gắn với quy trình phòng chống dịch an toàn (tiêm vaccine, xét nghiệm RT-PCR/test nhanh, thực hiện nghiêm thông điệp 5K, khai báo y tế, quét mã QR, ứng dụng PC-COVID), bảo đảm sự linh hoạt, thuận lợi cho khách du lịch.

Về đón khách quốc tế, Tổng cục Du lịch cho biết, giai đoạn thí điểm tại Phú Quốc từ tháng 11/2021 - 3/2022. Trong đó, đối tượng sẽ là khách du lịch quốc tế từ các thị trường trọng điểm, có khả năng kiểm soát dịch bệnh và năng lực tiêm phủ vaccine tốt như: Đông Bắc Á, châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Đông, Astralia…; khách nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến; khách đáp ứng yêu cầu liên quan về việc tiêm vaccine, xét nghiệm SARS-CoV-2, có đăng ký tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành được cơ quan có thẩm quyền lựa chọn trên cơ sở các tiêu chí cụ thể, minh bạch.

Về phía địa phương, để chuẩn bị các điều kiện đón khách cần thực hiện các bước: Tiêm chủng cho người dân; lựa chọn tuyến, điểm và đơn vị cung cấp dịch vụ và quy trình phục vụ khách; tập huấn các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh; có phương án, nguồn lực dự phòng cho các sự cố, rủi ro và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch.

Trên cơ sở kinh nghiệm mở cửa thí điểm tại Phú Quốc, từ tháng 12/2021 - 6/2022 sẽ nhân rộng mô hình mở cửa đón khách quốc tế tới một số điểm đến khác đáp ứng yêu cầu như Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng).

Sau đó sẽ mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách quốc tế từ tháng 6/2022.

 

*Tienphong.vn (7/10): 'Siêu' dự án Vành đai 4 đi qua 3 tỉnh, thành phố: Hơn 16 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng

Với chiều dài 98 km và chiều rộng mặt cắt ngang trung bình là 120 m, dự án đường Vành đai 4 đi qua 3 tỉnh là Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên được đánh giá là phải giải phóng mặt bằng để có quỹ đất thi công rất lớn, dự tính có hơn 16 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng.

Sau khi 5 nhà đầu tư đề xuất được thực hiện dự án Vành đai 4 với kinh phí 94.000 tỷ đồng, UBND thành phố Hà Nội vừa yêu cầu các sở ngành có liên quan triển khai các bước tiếp theo, trong đó có thống nhất phương án giải phóng mặt bằng (GPMB), thời gian thực hiện dự án.

GPMB một lần để tránh “sốt” đất

Theo số liệu được tư vấn thiết kế tính toán, diện tích khảo sát là trên 1.400 ha, trong đó thành phố Hà Nội là 904 ha, tỉnh Bắc Ninh là 285 ha, tỉnh Hưng Yên là 277 ha. Đại diện các Sở TN&MT Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên cho biết, quỹ đất cần giải phóng thuộc khu dân cư khoảng 44 ha, đất trồng lúa 918 ha, đất nông nghiệp khác khoảng 334 ha; các loại đất hỗn hợp khoảng 170 ha.

Từ thực tế triển khai đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố đại diện liên ngành Hà Nội gồm Sở TN&MT - KH&ĐT - Sở GTVT đề xuất tham mưu cho UBND thành phố nên GPMB dự án Vành đai 4 theo phương án “một lần”. “Phương án này có ưu điểm thuận lợi trong quản lý quỹ đất, phục vụ tốt công tác thi công mở rộng trong giai đoạn hoàn chỉnh tuyến đường theo quy hoạch”, đại diện liên ngành Hà Nội đánh giá.

Đề cập đến việc khảo sát số lượng hộ dân bị ảnh hưởng, phải tái định cư, đại diện liên ngành cho biết, có tổng cộng hơn 16.600 hộ dân, trong đó 1.997 hộ dân phải bố trí tái định cư để lấy mặt bằng thi công dự án.

Về kinh phí cho việc GPMB, tái định cư trên, theo tính toán của Tư vấn thiết kế, khoảng 24.200 tỷ đồng. Để các địa phương được giao khi GPMB chủ động triển khai theo tiến độ, nguồn vốn đầu tư này các Sở TN&MT Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên đề nghị ưu tiên sử dụng vốn ngân sách tại địa phương và ngân sách trung ương.

Thi công trong 7 năm

Thay vì chia dự án làm 7 đoạn và kêu gọi các nhà đầu tư tham gia từng đoạn với tổng mức đầu tư hơn 130 nghìn tỷ đồng như phương án UBND thành phố báo cáo ban đầu, tuyến đường Vành đai 4 vừa được nhà đầu tư - Tập đoàn Vingroup lập hồ sơ đề xuất chia làm 3 dự án thành phần để lập hồ sơ triển khai. Tổng mức đầu tư cho phương án này là hơn 94.000 tỷ đồng, giảm trên 36.000 tỷ đồng so với phương án trước đó.

Do chi phí đầu tư tuyến đường Vành đai 4 lớn, UBND thành phố Hà Nội đã có đề nghị các tỉnh thành nơi tuyến đường đi qua cùng chia sẻ trách nhiệm. Đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, các địa phương này đã có chủ trương sẽ cùng với thành phố “góp” vốn để làm đường Vành đai 4.

Về tiến độ triển khai dự án, Hội đồng thẩm định UBND thành phố Hà Nội vừa thống nhất với nhà đầu tư sẽ chia ra các mốc thời gian (giai đoạn) để thực hiện. Bao gồm: từ năm 2021 - 2022 chuẩn bị công tác lập hồ sơ đầu tư dự án; từ năm 2022 đến 2025 thực hiện GPMB; từ 2022 - 2026 thi công đường gom đô thị đi bằng; từ 2022 đến 2029 thi công đường cao tốc trên cao. Tổng thời gian thi công dự án 7 năm.

 

QUẢN LÝ

*Vtv.vn (7/10): Kiến nghị chuyển bằng chứng phạt nguội về địa phương

Cục CSGT vừa đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung này, trong văn bản lấy ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 100. Mục tiêu là tạo thuận lợi hơn cho người dân.

Theo đó, chứng cứ vi phạm giao thông được camera ghi lại sẽ được chuyển về cơ quan chức năng địa phương để lập biên bản xử phạt. Việc này được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng có nhiều người vi phạm giao thông phải đi lại hàng trăm km để hoàn thành các thủ tục nộp phạt.

Với quy định hiện hành về xử lý phạt nguội qua camera giám sát, lái xe khi vi phạm lỗi giao thông tại địa phương nào thì phải xử lý tại địa phương đó và bắt buộc phải đến trụ sở CSGT để lập biên bản. Nhiều lái xe ở các tỉnh xa Hà Nội, thậm chí từ các tỉnh phía Nam vẫn buộc phải đến trụ sở CSGT để lập biên bản, gây ra nhiều bất tiện.

Cục CSGT cho biết có tình trạng nhiều tài xế ở xa, phải di chuyển hàng trăm km để hoàn tất thủ tục phạt nguội. Để tạo thuận lợi cho người dân, Cục CSGT đã đề nghị cơ quan soạn thảo Nghị định 100 sửa đổi một số nội dung tại Khoản 8, Điều 80. Theo đó, chứng cứ vi phạm sẽ được chuyển cho cơ quan chức năng địa phương lập biên bản.

Điều đó không chỉ tạo thuận lợi, giảm thủ tục cho người vi phạm mà còn góp phần phòng chống dịch COVID-19, khi người vi phạm không phải đi lại nhiều, không phải tiếp xúc với nhiều người.

Cũng theo các chuyên gia, việc chuyển hình ảnh của các vi phạm giao thông về cơ quan chức năng địa phương cũng là phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ năm 2022.

 

*Tienphong.vn (7/10): TT-Huế rút toàn bộ người ra khỏi các công trình nguy cơ sạt lở, xả nước hồ chứa lớn nhất

Từ 14h chiều 7/10, tỉnh Thừa Thiên Huế (TT-Huế) yêu cầu chủ đầu tư các công trình trên địa bàn phải rút toàn bộ người, phương tiện ra khỏi khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất do ảnh hưởng của mưa lớn, áp thấp nhiệt đới.

Theo dự báo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (Ban Chỉ huy PCTT&TKCN) tỉnh TT-Huế, từ ngày 7 đến 9/10, trên địa bàn tỉnh có thể xảy ra đợt mưa lớn diện rộng, tổng lượng mưa phổ biến dự kiến từ 150 - 300mm, có nơi 300-400mm.

Căn cứ tình hình mực nước hồ Tả Trạch đã ở mức cao (+26,81m), Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh TT-Huế yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tả Trạch vận hành điều tiết nước hồ qua cống tháo sâu và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến, để hạ dần mực nước hồ về mức đón lũ thấp nhất +25m, đồng thời, thường xuyên theo dõi mực nước trên sông Hương tại trạm Kim Long để điều chỉnh lưu lượng vận hành.

Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế phát công điện khẩn đề nghị chủ tịch UBND các huyện, thị xã và TP Huế; thủ trưởng các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn.

 

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

*Chinhphu.vn (6/10): Tiết kiệm 570 tỷ đồng từ cắt giảm, đơn giản hóa TTHC lĩnh vực y tế

Bộ Y tế ước tính tiết kiệm khoảng 570 tỷ đồng từ cắt giảm, đơn giản hoá 153 thủ tục hành chính (TTHC) và 14 quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực y tế.

Sau khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định 1661/QĐ-TTg phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế, tính tới thời điểm này, Bộ Y tế là bộ đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021.

Theo đó, Bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 81 TTHC trong kinh doanh dịch vụ khám chữa bệnh, 41 TTHC trong kinh doanh dược, 4 TTHC trong kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm, 6 TTHC trong kinh doanh hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng y tế, 12 TTHC trong kinh doanh trang thiết bị y tế, 5 TTHC trong kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế...

Điều này thể hiện quan điểm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tham gia hoạt động kinh doanh; giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân trong các văn bản hiện hành, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. 

Từ tháng 5/2020, Bộ Y tế đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý; xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trình Thủ tướng Chính phủ. Tổng số văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được Bộ kiến nghị sửa đổi, bổ sung là 32 văn bản, trong đó đề nghị sửa đổi, bổ sung 3 luật, 17 nghị định, 3 thông tư liên tịch, 8 thông tư và đề xuất xây dựng mới 1 nghị định. 

Trên cơ sở phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế đã được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt, trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện theo đúng nội dung và thời hạn quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

 

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

*Vtv.vn (7/10): Đề nghị truy tố thêm 11 bị can trong vụ án tại Tổng công ty VEAM

Vụ án tại Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) gây thiệt hại, lãng phí tài sản nhà nước hàng trăm tỉ đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra - C03 (Bộ Công an) đã ban hành kết luận điều tra bổ sung lần hai vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Công ty Cổ phần Thương mại vận tải VEAM (VETRANCO) và một số doanh nghiệp liên quan.

Tại bản kết luận điều tra bổ sung lần một (ngày 22/7/2021), Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đề nghị truy tố 7 bị can. Tại bản kết luận điều tra bổ sung lần hai (ngày 4/10/2021), C03 đề nghị truy tố 17 bị can.

Tại bản kết luận điều tra bổ sung lần hai, C03 đã chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, giữ nguyên quan điểm đề nghị truy tố các bị can: Trần Ngọc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên Tổng Giám đốc VEAM); Lâm Chí Quang (nguyên Tổng Giám đốc VEAM); Vũ Quang Tâm và Vũ Từ Công (đều là nguyên Phó Tổng Giám đốc VEAM; Nguyễn Mạnh Chung (Giám đốc Công ty TNHH Máy kéo nông nghiệp) …

Đồng thời, C03 đề nghị truy tố thêm các 11 bị can

 

* Chinhphu.vn (6/10):  TPHCM kỷ luật nhiều đảng viên vi phạm trong 4 vụ án lớn

Chiều ngày 6/10, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM ra thông báo kết quả xem xét thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm pháp luật trong các vụ án xảy ra tại TPHCM thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi chỉ đạo năm 2021.

Theo thông báo, thực hiện yêu cầu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tham mưu thi hành kỷ luật đối với các cá nhân có liên quan 4 vụ án xảy ra trên địa bàn TPHCM thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo năm 2021. Gồm:

+ Vụ án “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV:

+ Vụ án “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO):

+Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận):

+ Vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” liên quan đến dự án tại khu đất 8-12 Lê Duẩn, phường Bến Nghé (quận 1)

 

* Tienphong.vn (7/10): Cựu chủ tịch tỉnh Khánh Hoà tiếp tục bị điều tra trong vụ giao đất Nha Trang Golden Gate

Ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà tiếp tục bị khởi tố để điều tra về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát lãng phí, liên quan đến dự án Nha Trang Golden Gate (số 28E Trần Phú, TP. Nha Trang). Như vậy, đây là vụ án thứ 3 liên quan đến "đất vàng" mà ông Thắng bị cáo buộc có hành vi sai phạm.

Cựu chủ tịch tỉnh ký nhiều văn bản liên quan

Ngày 7/10, nguồn tin của Tiền Phong cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với 3 cựu lãnh đạo tỉnh này về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát lãng phí", liên quan đến dự án Nha Trang Golden Gate (số 28E Trần Phú, TP. Nha Trang). Các bị can gồm: Nguyễn Chiến Thắng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh), Đào Công Thiên (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và Võ Tấn Thái (cựu Giám đốc Sở TN-MT tỉnh).

Trước đó, vào tháng 2/2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án để xác minh, giải quyết nguồn tin tội phạm về sai phạm trong hoạt động quản lý nhà nước, thực hiện dự án Nha Trang Golden Gate.

Theo tài liệu của PV, khi giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Chiến Thắng đã ký nhiều văn bản liên quan đến việc thực hiện dự án Nha Trang Golden Gate. Trong đó, ông Thắng ký kết luận chỉ định Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang (gọi tắt Công ty Đỉnh Vàng) làm nhà đầu tư dự án Nha Trang Golden Gate mà không tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư làm dự án theo Luật Đấu thầu 2005.

Đồng thời, ông Thắng còn ký nhiều văn bản chỉ đạo thu hồi khu đất 28E Trần Phú từ Công ty CP Điện lực Khánh Hòa, giao cho Công ty Đỉnh Vàng để thực hiện dự án Nha Trang Golden Gate mà không qua đấu giá và ký các quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án có dấu hiệu trái quy định pháp luật.

Ngoài ra, ông Thắng còn bị cáo buộc ký quyết định cho thanh lý tài sản trên đất của Công ty CP Điện lực Khánh Hòa bằng phương pháp chào giá cạnh tranh đối với phần tài sản sau khi thu hồi trên đất 28E Trần Phú trái quy định pháp luật.

 

* Zingnews.vn (6/10): Khánh Hòa thu hồi hơn 100 tỷ liên quan các sai phạm đất đai

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết sau khi có kết luận của Trung ương, cơ quan chức năng tỉnh này đã khởi tố 3 vụ án, thu hồi 115 tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết đến nay, địa phương đã thu hồi được 115,4 tỷ đồng là tiền thất thoát do miễn giảm thuế không đúng quy định khi giao đất ở các dự án.

UBND tỉnh cũng đã ban hành 9 quyết định điều chỉnh quy hoạch xây dựng và 4 quyết định điều chỉnh giao đất có nội dung “đất ở không hình thành đơn vị ở” đối với các dự án theo kết luận của cơ quan Trung ương.

Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định chấm dứt hoạt động đối với 11 dự án theo kết luận của Thanh tra Chính phủ và ban hành quyết định thu hồi đất của 7 dự án với diện tích hơn 470.000 m2.

Nhiều cựu lãnh đạo tỉnh bị tạm giam

Liên quan đến các dự án sai phạm, từ tháng 4 đến nay, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố 3 vụ án và bắt tạm giam các ông Nguyễn Chiến Thắng (66 tuổi, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa), Lê Đức Vinh (55 tuổi, cựu Chủ tịch UBND tỉnh), ông Đào Công Thiên (59 tuổi, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh) về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Ngoài ra, các ông Lê Văn Dẽ, cựu Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa và 2 cựu Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường là ông Võ Tấn Thái và ông Lê Mộng Điệp cũng bị khởi tố, bắt giam cùng về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Các cựu lãnh đạo trên được xác định có sai phạm liên quan giao dự án, giao đất ở 3 dự án, gồm khu đất số 28E đường Trần Phú, phường Vĩnh Nguyên; dự án khu đất số 1 đường Trần Hưng Đạo, phường Lộc Thọ và 2 dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và biệt thự sông núi Vĩnh Trung trên núi Chín Khúc.

 

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

*Vietnamplus.vn (7/10): Các địa phương giải ngân vốn đầu tư công dự kiến chỉ đạt 36% kế hoạch

Theo Bộ Tài Chính, tổng vốn giải ngân của các địa phương từ nguồn ngân sách trung ương trong chín tháng chỉ đạt 11,5% dự toán và vốn cho địa phương vay lại là 7,8%.

Căn cứ vào tình hình triển khai các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi trong chín tháng của năm, Bộ Tài chính dự kiến việc thực hiện giải ngân đầu tư công từ nguồn nước ngoài của các địa phương trong cả năm 2021 chỉ đạt chỉ đạt xấp xỉ 36,5% kế hoạch vốn cấp phát được giao.

Tốc độ giải ngân vẫn ì ạch

Theo phê duyệt của Quốc Hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài giao đầu năm 2021 cho các địa phương là 63.700 tỷ đồng, trong đó vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương là 34.900 tỷ đồng và vốn cho các địa phương vay lại là 28.800 tỷ đồn

Thống kê dữ liệu từ Bộ Tài chính, sau 9 tháng của năm, tổng vốn giải ngân từ nguồn ngân sách Trung ương đạt 11,5% dự toán, vốn cho địa phương vay lại là 7,8% dự toán.

Ông Hải nhấn mạnh tốc độ giải ngân trên là rất chậm. Đây là mức giải ngân rất thấp so với cùng kỳ (năm 2020, giải ngân vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương đạt 29% dự toán, vốn vay lại đạt 32,9% dự toán.)

Ông Hải chỉ ra một số vướng mắc và nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân chậm. Cụ thể, đại dịch COVID-19 đã tác động đến các dự án sử dụng vốn nước ngoài rất nặng nề, từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát cũng như việc thời gian nhận được ý kiến “không phản đối” của các nhà tài trợ bị kéo dài.

Bên cạnh đó, ông Hải cũng cho biết một số nguyên nhân chủ quan khác, như việc chậm hoàn thành các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định/thỏa thuận vay.

Ngoài ra, nguyên nhân khác thuộc về công tác giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn, trong đó phải kể đến việc địa phương giao chậm, giao thiếu kế hoạch đầu tư công trung hạn hoặc giao vượt nhu cầu sử dụng đã đăng ký. Thậm chí, một số địa phương còn chậm hoặc chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn. 

Giao vốn phải gắn với nhu cầu thực tế

Trước tình hình đó, ông Hải cho biết Bộ Tài chính đã triển khai một số giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã hoàn thành và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 79/2021/NĐ-CP ngày 16/8/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại; trong đó đã có quy định tháo gỡ về trị giá tài sản thế chấp cho các đơn vị sự nghiệp công lập vay lại và giảm tỷ lệ vay lại của một số địa phương khó khăn về cân đối ngân sách.

Mặt khác, Bộ Tài chính cũng cam kết kiểm soát chi tại Kho bạc Nhà nước trong vòng 3 ngày làm việc và xử lý đơn rút vốn (hình thức rút vốn trực tiếp) chỉ duy nhất 1 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Song song đó, bộ đã triển khai thí điểm áp dụng từ tháng Bảy và chính thức từ tháng Chín cơ chế thông báo nhận nợ định kỳ với các sở tài chính địa phương. Điều này nhằm đảm bảo cơ chế thông tin thống nhất giữa Bộ Tài chính và các địa phương, từ đó hỗ trợ các địa phương chủ động và kịp thời bố trí trả nợ cho Chính phủ.

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính kiến nghị cần có cơ chế đơn giản hóa hoặc rút gọn quy trình điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với trường hợp được gia hạn thời gian thực hiện dự án. Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng cần có cơ chế bố trí kế hoạch phù hợp với đặc thù giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi, đưa vào Nghị định thay thế Nghị định số 56/2020/NĐ-CP.

 

*Vietnamplus.vn (7/10): Không giải ngân được, 9 bộ, ngành xin trả lại 8.054 tỷ đồng

Theo Bộ Tài chính, với thời gian còn lại từ nay cho đến hết năm, nhiệm vụ giải ngân 95% kế hoạch vốn năm 2021 như kế hoạch được giao ở mục tiêu Nghị quyết số 63/NQ-CP là không khả thi.

Đăng ký trả 44,08% kế hoạch vốn

Ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục Trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết tính đến ngày 6/10, Bộ Tài chính đã nhận được 9 văn bản từ các bộ, ngành đề nghị trả lại kế hoạch vốn với tổng giá trị là 8.054 tỷ đồng, chiếm khoảng 44,08% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo ông Hiển, Bộ Tài chính đã làm việc trực tuyến, trao đổi với tất cả các chủ dự án của 13 bộ, ngành được giao kế hoạch vốn nước ngoài để rà soát, đôn đốc giải ngân, phối hợp xử lý các khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến giải ngân thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ.

Bộ Tài chính cũng chỉ đạo rút ngắn thời gian thực hiện công tác kiểm soát chi và giải quyết đơn rút vốn nếu đầy đủ hồ sơ. Kết quả, Bộ đã nhận được 620 bộ hồ sơ rút vốn của các bộ, ngành và tất cả hồ sơ rút vốn đều đã được xử lý khẩn trương, các đơn chưa đầy đủ hoặc thiếu sót đều được phối hợp với chủ dự án để giải quyết, đến nay không còn tồn đọng đơn rút vốn.

Về giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài chín tháng của năm 2021, các bộ, ngành đã nhập dự toán trên hệ thống Tabmis là 13.043 tỷ đồng/16.637 tỷ đồng, đạt 78%.

Tuy nhiên, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài kế hoạch vốn năm 2021 của các bộ, ngành mới đạt 19,03% (3.166 tỷ đồng), gấp hơn hai lần số giải ngân vào thời điểm tháng Sáu.

Ông Hiển cho biết nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài và phải trả kế hoạch vốn, chủ yếu bị ảnh hưởng bởi tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 đến tiến độ thực hiện của phần lớn các dự án ODA.

Kiến nghị sử dụng hồ sơ điện tử

Thời gian chạy nước rút từ nay đến cuối năm không còn nhiều, do đó ông Trương Hùng Long kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản lý của mình. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu việc xem trước hồ sơ, tài liệu trên bản điện tử (sử dụng bản scan) để rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ ở mọi khâu của quá trình triển khai dự án.

 

QUY HOẠCH

*Vnexpress.net (7/10): Quy hoạch 6 cụm cảng biển lớn kết nối với cao tốc

Chiều 7/10, Bộ Giao thông Vận tải công bố hệ thống quy hoạch cảng biển đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trong đó có 6 cụm cảng lớn kết nối với cao tốc, sân bay.

Cụm cảng Hải Phòng được quy hoạch là cảng cửa ngõ quốc tế, trong đó cảng Lạch Huyện bốc xếp container, cảng Đình Vũ - Sông Cấm phục vụ hàng công nghiệp, cảng Nam Đồ Sơn phục vụ hàng rời, lỏng... Kết nối với các cảng biển này là cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và sân bay Cát Bi.

Cụm cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa) sẽ phục vụ khu công nghiệp Nghi Sơn. Hiện khu vực đã có sân bay Thọ Xuân, sẽ kết nối với vùng lân cận bằng cao tốc Bắc Nam, trong tương lai có đường sắt tốc độ cao Bắc Nam chạy qua. Cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn có thể kết nối với cảng biển tại Thanh Hóa và Bắc Trung Bộ.

Cụm cảng Đà Nẵng có vị trí quan trọng, kết nối Nam Lào, Bắc Campuchia được kỳ vọng là cụm động lực thứ ba của kinh tế đất nước. Kết nối với cụm cảng là cao tốc Bắc Nam.

Cụm cảng Vân Phong (Khánh Hòa) là vùng nước sâu thích hợp đón các tàu cỡ lớn. Bộ Giao thông Vận tải đã quy hoạch đường cao tốc nối Vân Phong với Buôn Ma Thuột để đưa hàng hóa các tỉnh Tây Nguyên đến cảng.

Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) được kỳ vọng là cảng cửa ngõ quốc tế, chuyên đón tàu container cỡ lớn. Một loạt dự án cao tốc đang triển khai như Biên Hòa - Vũng Tàu, vành đai 3, cao tốc Bến Lức - Long Thành, TP HCM - Chơn Thành, TP HCM - Dầu Giây - Bảo Lộc... Các tuyến cao tốc này sẽ kết nối, vài năm tới sẽ không còn tình trạng ùn tắc xung quanh cụm cảng Cái Mép như thời gian qua.

Cụm cảng Trần Đề (Sóc Trăng) sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu trực tiếp tại đồng bằng sông Cửu Long mà không phải chuyển đến Vũng Tàu. Vị trí cảng hiện kết nối với sân bay Cần Thơ, quốc lộ 1 và đường Nam sông Hậu, thuận lợi để xây dựng một cảng nước sâu cho tàu 50.000 tấn trở lên. Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu cao tốc Cần Thơ - Trần Đề, Cần Thơ - Châu Đốc, Cần Thơ - Cà Mau sẽ tiếp cận với cụm cảng này.

Nguồn lực cho phát triển cảng biển dự kiến khoảng 313.000 tỷ đồng đến năm 2030, trong đó nguồn ngoài ngân sách được huy động chiếm đến 95%. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, nhà nước sẽ đầu tư làm luồng lạch, còn lại bãi hàng, cầu cảng... sẽ do doanh nghiệp đầu tư. Bộ Giao thông Vận tải sẽ đề xuất cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng cảng hiện đại, đồng bộ.

 

THẾ GIỚI

*Vtv.vn (7/10): Châu Âu tính giải pháp lâu dài cho nguồn cung khí đốt

Một giải pháp được Ủy ban châu Âu (EC) tính tới là thiết lập kho dự trữ khí đốt chiến lược của toàn châu Âu.

Cuộc khủng hoảng nguồn cung ngày càng trầm trọng đã khiến giá khí đốt đạt mức kỷ lục mới tại châu Âu. Riêng trong năm nay, giá khí đốt tại thị trường châu Âu đã tăng 500%. Điều này gây lo ngại về nguồn cung nhiên liệu và an ninh năng lượng của châu Âu, đặc biệt khi mùa đông đang đến gần.

Giá khí đốt ở châu Âu ngày 5/10 đã đạt kỷ lục mới 1.300 USD/1.000 mét khối trong bối cảnh mức lưu trữ khí đốt tại các cơ sở ở châu Âu tính đến tháng 9 đã trở nên thấp lịch sử. Giá khí đốt tăng cao một phần là do nhu cầu tăng mạnh khi các nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau đại dịch COVID-19. Châu Âu lại phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu, chủ yếu đến từ Nga, Algeria và Libya. Một phần còn lại được vận chuyển đến châu Âu bằng tàu biển từ Mỹ, Qatar.

Tuy nhiên, năm nay hệ lụy từ chi phí vận tải đường biển tăng cao, cộng hưởng với nhu cầu năng lượng tăng vọt ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Brazil đã khiến nguồn cung cho thị trường năng lượng châu Âu trở nên khan hiếm, đẩy giá tăng cao.

Giải pháp lâu dài cho nguồn cung khí đốt

Khí đốt tăng cao cũng đồng nghĩa hóa đơn tiền điện trong mùa đông sắp tới cũng tăng, điều này không chỉ gây thiệt hại cho người dân mà còn ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp đang chật vật tìm cách phục hồi hậu dịch bệnh.

Trước tình hình này, ba ngày qua EU đã có 2 cuộc họp ở các cấp để tìm giải pháp cho tình trạng thiếu hụt nguồn cung, bắt đầu bằng việc tìm phương án giảm phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu.

 

*Vtv.vn (7/10): Phần Lan "trải thảm" thu hút sinh viên nước ngoài

Trong bối cảnh dân số giảm, người già nhiều, Chính phủ Phần Lan đã đưa ra các chương trình nhằm thu hút sinh viên nước ngoài tới học và ở lại làm việc.

Tại một trường đại học ở Phần Lansinh viên nước ngoài được hưởng mọi phúc lợi giống như sinh viên nước sở tại: hỗ trợ quá nửa tiền thuê nhà, trợ giá ăn bữa trưa, giảm chi phí đi lại và mua đồ ở một số cửa hàng. Với nhiều ngành, sinh viên không cần biết tiếng Phần Lan, chỉ cần biết tiếng Anh cũng có thể tới đây học đại học.

Nguyên nhân sâu xa của mọi ưu đãi dành cho sinh viên nước ngoài là Phần Lan đang thiếu nhân lực. Đã từ lâu, người trẻ không muốn sinh con, người già sống ngày càng thọ. Dân số tự nhiên Phần Lan mỗi năm một giảm, năm 2019 giảm hơn 8.000 người. Chính phủ Phần Lan tính rằng mỗi năm phải tiếp nhận từ 20 đến 30.000 người nhập cư thì mới duy trì được dịch vụ công và quỹ lương hưu trí.

Chính phủ Phần Lan phải đối phó với thực tế là sinh viên nước ngoài tại Phần Lan được hưởng nhiều ưu đãi, nhưng học xong ở Phần Lan rồi, nhiều người lại sang một nước châu Âu khác tìm việc. Cũng chính vì vậy mà Phần Lan cho phép sinh viên nước ngoài sau khi tốt nghiệp được ở lại thêm một năm nữa để tìm việc làm, đã có việc làm là có cơ hội định cư.

 

*Vtv.vn (6/10): Khủng hoảng năng lượng trầm trọng, Trung Quốc tăng nhập khẩu than

Trong những ngày qua, Chính phủ và các doanh nghiệp Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp để có thể cung cấp nhiều than hơn cho các nhà máy nhiệt điện.

Để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng, các công ty khai thác than lớn nhất của Trung Quốc đã cam kết tăng sản lượng khai thác trong quý 4 năm nay, nhằm cung cấp cho hoạt động sản xuất điện.

Tập đoàn đường sắt nhà nước Trung Quốc cũng đang phối hợp chặt chẽ với các nhà máy nhiệt điện nhằm duy trì sự thông suốt của hoạt động vận chuyển than. Theo đó, nhiên liệu sẽ được ưu tiên phân phối tới các nhà máy nhiệt điện có lượng than dự trữ thấp, không đủ cho 1 tuần.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu than từ nước ngoài để giải quyết nhu cầu trong nước. Các công ty một mặt tìm kiếm những nhà cung cấp mới tại các nước châu Phi như Nam Phi, Mozambique, mặt khác cố gắng tăng lượng đơn hàng từ các đối tác truyền thống như Kazhakhstan, Myanmar, Colombia.

Để hỗ trợ cho chuỗi cung ứng than, mới đây Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm quốc gia Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng, bao gồm cả một số ngân hàng chính sách, phải đáp ứng đầy đủ nhu cầu tài chính của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu than đá và sản xuất điện. Các biện pháp này được kỳ vọng sẽ góp phần giảm bớt áp lực nguồn cung năng lượng trong những tháng cuối năm, đáp ứng nhu cầu sưởi ấm của người dân và sản xuất của doanh nghiệp.

 

*Tienphong.vn (6/10): Giải Nobel Vật lý 2021 vinh danh 3 nhà khoa học

Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển vừa công bố 3 nhà khoa học Syukuro Manabe, Klaus Hasselmann và Giorgio Parisi giành giải Nobel Vật lý 2021 vì “đóng góp mang tính đột phá của họ giúp chúng ta hiểu hơn về các hệ thống vật lý phức tạp”.

Ông Manabe, 90 tuổi, là người Nhật nhưng có quốc tịch Mỹ. Ông Parisi là người Ý và Hasselmann là người Đức.

Giải thưởng danh giá đi kèm khoản tiền 10 triệu crown Thụy Điển (1,15 triệu USD).

Vật lý là giải thưởng thứ hai được công bố trong mùa Nobel năm nay.

Hôm qua, hai nhà khoa học Mỹ David Julius và Ardem Patapoutian được chọn là những người giành giải Nobel Y học 2021 vì có công "phát hiện ra cơ chế thụ cảm nhiệt độ và xúc giác, mở đường cho việc điều chế các loại thuốc giảm đau".

Các giải thưởng trong lĩnh vực Hóa học, Văn học, Hòa bình và Kinh tế sẽ tiếp tục được công bố trong những ngày tới.

 

* Zingnews.vn (7/10): WHO phê duyệt vaccine sốt rét đầu tiên trên thế giới

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 6/10 đã phê duyệt vaccine Mosquirix của hãng dược GlaxoSmithKline. WHO đồng thời khuyến cáo sử dụng vaccine này ở châu Phi để đẩy lùi dịch sốt rét.

WHO cho biết quyết định của họ phần lớn dựa trên kết quả từ các nghiên cứu trên hơn 800.000 trẻ em được chủng ngừa từ năm 2019 ở Ghana, Kenya và Malawi.

Vaccine Mosquirix được phát triển bởi hãng dược GlaxoSmithKline vào năm 1987. Tuy là vaccine ngừa sốt rét đầu tiên được phê duyệt, vaccine này chỉ có tỷ lệ hiệu quả vào khoảng 30%, yêu cầu tiêm 4 mũi và khả năng kháng virus giảm dần sau vài tháng, theo AP.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết vaccine Mosquirix có thể hỗ trợ quá trình chống lại bệnh sốt rét ở châu Phi.

 

*Nhandan.vn (7/10): Canada công bố chính sách nghiêm ngặt về bắt buộc tiêm ngừa Covid-19

Theo Reuters, ngày 6/10, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã công bố một trong những chính sách nghiêm ngặt nhất trên thế giới về bắt buộc tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Theo chính sách mới, Canada sẽ cho những nhân viên liên bang chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19 nghỉ việc không lương và yêu cầu hành khách lên máy bay, tàu và thuyền phải có chứng nhân tiêm chủng. 

Phát biểu ý kiến trước báo giới, ông Trudeau đánh giá: “Những biện pháp di chuyển cùng với quy định tiêm chủng bắt buộc đối với nhân viên liên bang nằm trong các biện pháp kiên quyết nhất trên thế giới. Nếu bạn làm điều đúng đắn và tiêm chủng, bạn xứng đáng được tự do, an toàn trước Covid-19”.

Quy định mới về tiêm chủng là một trong những cam kết chính của ông Trudeau trong chiến dịch tái tranh cử tháng trước.

Cụ thể, Canada sẽ yêu cầu nhân viên liên bang phải khai báo tình trạng tiêm chủng đầy đủ thông qua cổng thông tin trực tuyến từ nay đến ngày 29/10. Từ ngày 30/10, người lao động và hành khách của các dịch vụ tàu, máy bay và hàng hải hoạt động trong nước do liên bang vận hành phải xuất trình bằng chứng tiêm chủng.

Đối với các du khách, sau ngày 30/11, kết quả xét nghiệm âm tính sẽ không thể thay thế chứng nhận tiêm chủng. Trẻ em dưới 12 tuổi, nhóm đối tượng chưa đủ điều kiện tiêm vaccine, sẽ được miễn thực hiện yêu cầu về tiêm chủng.

Chính phủ Canada cho biết đang làm việc với các nhà chức trách để đưa ra yêu cầu tiêm chủng nghiêm ngặt đối với các du thuyền trước khi nối lại mùa du lịch bằng du thuyền năm 2022.

Theo thống kê của Ủy ban Tài chính Canada - cơ quan quản lý dịch vụ công của nước này, có gần 300.000 nhân viên liên bang cùng với 955.000 nhân viên do liên bang quản lý, chiếm khoảng 8% lực lượng lao động toàn thời gian của Canada.

 

*Nhandan.vn (7/10): Động đất làm rung chuyển Tokyo, đường sắt ngừng hoạt động

Tối 7/10, một trận động đất có độ lớn 6,1 đã làm rung chuyển vùng thủ đô Tokyo, song không có nguy cơ gây sóng thần. Một số chuyến tàu trong đó có dịch vụ tàu điện ngầm và các tàu siêu tốc phải ngừng hoạt động.

Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA), trận động đất xảy ra vào lúc 22 giờ 41 phút (giờ địa phương) tại nhiều vùng ở Tokyo và tỉnh Saitama, với tâm chấn ở tỉnh Chiba, độ sâu khoảng 80 km. 

Các công ty đường sắt cho biết, trận động đất đã buộc một số chuyến tàu trong đó có dịch vụ tàu điện ngầm do Công ty tàu điện ngầm Tokyo vận hành và các tàu siêu tốc phải ngừng hoạt động. 

Trong khi đó, chính quyền tỉnh Ibaraki gần Tokyo cho biết chưa có báo cáo bất thường nào về hoạt động của nhà máy điện hạt nhân Tokai số 2 do Công ty Điện nguyên tử Nhật Bản vận hành, do ảnh hưởng của trận động đất.

Đây là trận động đất mạnh với tâm chấn trong đất liền và tương đối nông so với mặt đất, do đó mức độ tác động khá lớn, nhiều nhà dân ở khu vực xung quanh tâm chấn đã xảy ra tình trạng đổ vỡ đồ đạc. Tuy nhiên, không có cảnh báo sóng thần được đưa ra.

Đây là lần đầu tiên thủ đô Tokyo ghi nhận mức rung chấn 5 ở diện rộng kể từ sau trận siêu động đất năm 2011.

 

* Vietnamnet.vn (6/10): EU chia rẽ về chiến lược quốc phòng chung

Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) vẫn bất đồng về đề xuất thành lập lực lượng quốc phòng riêng của khối, bất chấp sự hối thúc của Pháp sau khi bị loại khỏi hiệp ước địa chính mới của Mỹ.

Reuters dẫn lời hai nhà ngoại giao tiết lộ, các lãnh đạo EU gặp nhau trong bữa tối ở Slovenia hôm 5/10 đã chia rẽ thành 2 nhóm, gồm các quốc gia ở phía đông e ngại Nga, muốn củng cố châu Âu trong tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và những quốc gia do Pháp, Đức, Italia và Tây Ban Nha đứng đầu, muốn EU tự tăng cường năng lực mạnh mẽ hơn.

Trước cuộc gặp kín trong lâu đài Brdo tại Slovenia, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố trước các phóng viên rằng, liên minh quy tụ 27 quốc gia thành viên phải làm nhiều hơn nữa để kiểm soát các cuộc khủng hoảng ở biên giới và chịu trách nhiệm về an ninh của chính mình.

Các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ nhóm họp cùng 6 nhà lãnh đạo của các nước vùng Balkan gồm Serbia, Montenegro, Bosnia, Bắc Macedonia, Kosovo và Albania trong ngày 6/10. Đây là một phần trong chiến lược kéo dài hàng thập kỷ của khối nhằm tạo ra "vòng bạn bè" từ đông nam châu Âu đến Bắc Phi.

 

* Vietnamnet.vn (6/10):  Mỹ 'đối mặt suy thoái' nếu vỡ nợ

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, hôm 5/10 cảnh báo kinh tế nước này sẽ rơi vào suy thoái nếu Quốc hội không nâng mức trần nợ công trong vòng 2 tuần nữa.

Tổng thống Biden cũng đã lên tiếng cảnh báo chính phủ liên bang sắp phá vỡ trần nợ 28,4 nghìn tỷ USD và gây ra một cuộc vỡ nợ lịch sử nếu đảng Cộng hòa không hợp tác với đảng Dân chủ trong cuộc bỏ phiếu nâng trần nợ trong 2 tuần nữa.

Trước đó, các nghị sĩ Cộng hòa dẫn đầu là ông Mitch McConnell đã hai lần chặn dự luật nâng trần nợ. Tổng thống Biden cho rằng hành động này là thiếu thận trọng và nguy hiểm.  

Theo giới chuyên gia kinh tế, trường hợp Mỹ vỡ nợ sẽ gây ra thiệt hại rộng khắp thông qua một cú tăng vọt về lãi suất, làm lu mờ niềm tin vào khả năng Washington thực hiện các nghĩa vụ tương lai của mình đúng thời hạn và tiềm tàng trì hoãn các khoản trả an sinh xã hội cho khoảng 50 triệu người cao tuổi. Các thành viên của lực lượng vũ trang cũng có thể phải chứng kiến các khoản thanh toán của họ bị chậm trễ.

Kể từ khi trần nợ được thiết lập năm 1917, Mỹ đã hai lần vỡ nợ, vào năm 1933 và năm 1979. Từ năm 1960 tới nay, nước này đã có 78 lần nâng giới hạn vay nợ.

Xem chi tiết tại đây

Tin mới nhất

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23/12 đến 26/12 năm 2023(26/12/2023 10:49 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 20/12 đến 22/12 năm 2023(22/12/2023 7:33 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 16/12 đến 19/12 năm 2023(19/12/2023 9:45 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 13/12 đến 15/12 năm 2023(15/12/2023 11:03 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 09/12 đến 12/12 năm 2023(12/12/2023 6:36 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 05/12 đến 08/12 năm 2023(08/12/2023 11:28 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01/12 đến 04/12 năm 2023(05/12/2023 5:51 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/11 đến 1/12 năm 2023 (01/12/2023 8:54 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25/11 đến 27/11 năm 2023(27/11/2023 8:59 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 3/11 đến 8/11 năm 2023(08/11/2023 9:22 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/10 đến 31/10 năm 2023(01/11/2023 9:20 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 21/10 đến 24/10 năm 2023(25/10/2023 9:34 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 11/10 đến 13/10 năm 2023(24/10/2023 5:47 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 9:22 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 2:34 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 7/10 đến 10/10 năm 2023(11/10/2023 5:11 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 04 đến ngày 06 tháng 10 năm 2023(06/10/2023 10:50 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 10 năm 2023(04/10/2023 4:02 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 8 năm 2023(31/08/2023 2:12 SA)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 8 năm 2023(25/08/2023 5:33 CH)

<< < 1 2 3 4 5  ... > >> 
°
Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
373 người đã bình chọn