Di tích Đường kéo pháo bằng tay

Update 01 - 01 - 2017
100%

Di tích đường kéo pháo thuộc xã Nà Nhạn huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, nằm dọc theo quốc lộ 279 bên hữu ngạn sông Nậm Rốm theo hướng từ Tuần Giáo đi Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 20 Km. Nơi đây đã ghi dấu sự thay đổi phương châm tác chiến của Bộ chỉ huy mặt trận từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang phương châm “đánh chắc tiến chắc”. Và đây cũng là địa danh lịch sử in dấu sự hy sinh, khó khăn gian khổ cũng như đoàn kết hiệp đồng trong quá trình chuẩn bị chiến dịch, tinh thần quyết chiến quyết thắng vượt mọi thử thách, gian khổ để giành chiến thắng. Cùng với các đoàn quân năm xưa, chúng ta quay trở lại những năm tháng hào hùng của dân tộc, với tiếng hò kéo pháo vang khắp núi rừng Tây Bắc trong đêm sương năm 1954.

Ngày 14/1/1954 tại Sở chỉ huy chiến dịch ở hang Thẩm Púa Km 15 đường TuầnGiáo - Điện Biên, Đảng uỷ và Bộ Chỉ huy chiến dịch đã họp bàn kế hoạch tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị trong cuộc họp là tập trung lực lượng tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ theo nguyên tắc “đánh chắc thắng”. Sau khi quán triệt quyết tâm chiến lược và phân tích kỹ chỗ mạnh, chỗ yếu của địch, khó khăn thuận lợi của ta. Hội nghị thảo luận sôi nổi và đưa ra 2 phương án tác chiến đó là “đánh nhanh thắng nhanh” và “đánh chắc tiến chắc”. Trong cuộc họp hầu hết các ý kiến đều nghiêng về phương án “đánh nhanh thắng nhanh trong điều kiện khi địch chưa tăng thêm quân và củng cố công sự, ta có khả năng giành chiến thắng trong vài ngày đêm. Ai nấy đều hân hoan với chủ trương “đánh nhanh thắng nhanh”, mọi người cho rằng nếu không đánh sớm, địch tăng cường công sự, tập đoàn cứ điểm sẽ trở lên quá mạnh và cũng làm chiến dịch kéo dài sẽ khó giải quyết  vấn đề tiếp tế trên tuyến đường từ hậu phương ra mặt trận quá xa, địch còn đánh phá quyết liệt hơn.

Bộ chỉ huy kéo pháo được thành lập do đồng chí Lê Trọng Tấn làm chỉ huy và cho kéo thử mỗi loại một khẩu để rút kinh nghiệm và quyết định dùng xe vận tải kéo pháo vào cây số 9 ở gần bản Nà Nhạn dừng lại cắt pháo ra khỏi xe dùng sức người kéo mấy chục khẩu pháo 2,5 tấn - 3 tấn vào những trận địa trên quãng đường dài 15km. Đường kéo pháo rộng 3m, chạy từ cửa rừng Nà Nhạn qua đỉnh Pu Pha Sông cao 1150m tương đương với độ nghiêng 40 - 60 độ xuống Bản Tâu, đường Điện Biên Phủ - Lai Châu tới bản Nghìu. Để đảm bảo bí mật, con đường kéo pháo phải được nguỵ trang toàn bộ, không cho máy bay trinh sát phát hiện. Thời gian làm đường dự kiến trong một ngày một đêm, các chiến sỹ Đại đoàn 308, một đại đội sơn pháo, một tiểu đoàn công binh hơn 5000 người đã hoàn thành xuất sắc con đường kéo pháo trong thời gian 20 tiếng. Việc tiếp theo là đưa lựu pháo và cao xạ pháo vào vị trí trận địa để bắn. Nhiệm vụ được trao cho Đại đoàn 351vào Đại đoàn 312, dự kiến hoàn thành trong 3 đêm . Nhưng sau 7 ngày đêm  gian khổ, pháo của ta vẫn đưa và hết trận địa so với kế hoạch ban đầu vì vậy thời gian nổ súng dự định ngày 20/1/1954 phải lui lại 5 ngày tức ngày 25/1/1954. Lúc này Sở chỉ huy của ta đã chuyển từ hang Thẩm Púa đến hang Huổi He, bản Nà Tấu. Tại đây sau khi cân nhắc tình hình địch có nhiều thay đổi, để đảm bảo "đánh chắc thắng" Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhanh chóng thay đổi phương án tác chiến từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”, ra lệnh kéo pháo ra khỏi trận địa, lui về địa điểm tập kết, chuẩn bị lại.

Kéo pháo vào trận địa gian nan vất vả, kéo pháo ra còn gian nan gấp bội phần. Con đường kéo pháo của ta giờ đây đã bị lộ, đường trơn, máy bay địch ngày đêm lùng sục ném bom. Tại những đoạn đường trống, việc chuyển pháo phải tiến hành ban đêm. Đêm xuống, trên những con đường kéo pháo, các chiến sĩ lưng ướt đẫm mồ hôi, đội mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, những đôi tay cuồn cuộn bám chắc dây tời, chân như đóng xuống đất nghiến răng ghìm pháo. Bài quốc tế ca trầm hùng lại vang lên như tiếp thêm sức mạnh nhiệm màu giúp họ vượt qua những giờ phút nguy hiểm. Cũng trong hoàn cảnh này bài hát “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân ra đời, ngay lập tức bài hát được phổ biến rộng rãi trong các đơn vị văn công mặt trận, ra tuyến đường kéo pháo hát phục vụ các chiến sĩ. Cho tới nay hài hát “Hò kéo pháo” đã trở thành bản hùng ca bất diệt về một trong những thời kỳ lịch sử oai hùng của dân tộc ta.

Ngày 1/2/1954 tức đêm ngày 29 tết Giáp Ngọ, Đại đội 827 của anh Tô Vĩnh Diện kéo pháo ra đến Dốc Chuối ba tời, đường hẹp, bên núi cao vực sâu, có đoạn dốc dựng đứng 60 độ. Trời mưa phùn, tối như bưng, hai bên đường đã được rải những khúc gỗ mục có lân tinh phát sáng, nhưng chỉ thấy lờ mờ. Trung đội trưởng Trần Quốc Trân mặc áo mưa lộn trái cho mặt trắng ra bên ngoài đi trước làm chuẩn. Pháo xuống dốc thận trọng, bỗng có tiếng “phựt’, dây tời hãm bị đứt, pháo bắt đầu lao. Các chiến sĩ cố ghìm, miết khẩu pháo xuống mặt dốc, vừa chèn vừa kéo nhưng pháo vẫn chồm qua. Khối thép nặng trên 2 tấn lao mạnh, anh Tô Vĩnh Diện hô anh em: “Bình tĩnh, bình tĩnh quyết bảo vệ pháo”. Anh dùng hết sức dồn đòn lái vào tà luy nhưng đòn lái vẫn bật trở lại, anh thét vang “phải cứu pháo”. Khẩu pháo chồm lên rồi cuốn anh vào gầm, chiếc đế kích đằng trước đè lên chiếc mũ sắt anh đội. Pháo dừng hẳn, mọi người chạy đến chèn 4 bánh pháo, chặt gốc cây kéo pháo lùi ra, đưa anh Tô Vĩnh Diện ra ngoài, khoảng 3 phút sau tim anh ngừng đập. Đồng đội đến nghiêng mình trước người khẩu đội trưởng 26 tuổi “kiên cường hi sinh thân mình cứu pháo”. Đám tang anh được âm thầm tổ chức trong rừng, vì chiến dịch chưa mở màn phải giữ bí mật cho con đường kéo pháo nên không có hương khói thắp trên mộ anh, không có tiếng súng vĩnh biệt anh. Tấm gương hi sinh của anh Tô Vĩnh Diện đã tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ kéo pháo ra an toàn. Đến rạng sáng ngày 4/2/1954 khẩu pháo cuối cùng được kéo về vị trí tập kết.

Sau 11 ngày đêm gian khổ, toàn bộ pháo của ta đã được tập kết ra khu vực an toàn. Lúc này là vào mùng 2 tết, Ban Chỉ huy tiểu đoàn tổ chức cho bộ đội ăn tết muộn trong rừng. Sáng ngày mùng 4 tết tức ngày 6/2/1954 Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và chúc tết bộ đội, lúc này các chiến sĩ của ta mới hiểu thay đổi phương châm chiến lược là sự sáng suốt của cấp trên. Sau khi ăn tết xong, bộ đội cùng dân công bắt tay vào mở đường, xây dựng trận địa pháo và tiếp tục kéo pháo vào trận địa thực hiện phương án “đánh chắc tiến chắc”, toàn mặt trận chuẩn bị cho một chiến dịch quy mô dài ngày.

          Để tiếp tục kéo pháo vào trận địa, chúng ta dùng Trung đoàn công binh 151 làm nòng cốt, Trung đoàn 675 và các Đại đoàn 312, 316 tập trung mở đường. Do yêu cầu phải tuyệt đối giữ bí mật trận địa pháo nên chúng ta phải chọn tuyến đường kín đáo, Bộ chỉ huy chiến dịch đã quyết định chon 6 tuyến đường cho xe kéo pháo vào trận địa:

Tuyến số 1: Từ Nà Tấu đến Tà Lèng với chiều dài khoảng 27 Km

Tuyến số 2: Từ bản Xôm đến Pú Hồng Mèo với chiều dài khoảng 8 Km

Tuyến số 3: Từ Đa Vông đến Nà Lơi với chiều dài khoảng 3 Km

Tuyến số 4: Từ Pê Na đến Nà Lơi với chiều dài khoảng 9 Km

Tuyến số 5: Từ Mường Phăng đến Nà Nhạn với chiều dài khoảng 7 Km

Tuyến số 6: Từ bản Xin qua đỉnh Pu Y Tao đến bản Tấu với chiều dài khoảng 18 Km

Trong 6 tuyến đường tìm được chỉ có tuyến đường số 4 từ Pê Na đến Nà Lơi là có vệt đường cũ chỉ cần sửa lại một ít, còn lại 5 tuyến đường khác phải mở mới hoàn toàn.

Năm 2004 nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đảng và Nhà nước ta đã cấp kinh phí xây dựng, trùng tu, tôn tạo con đường kéo pháo bằng tay. Ban quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ làm chủ đầu tư, đã mời các nhân chứng lịch sử đi khảo sát xác định vị trí, địa điểm đường kéo pháo và nơi Đ/c Tô vĩnh Diện hy sinh, do kinh phí có hạn lên mới tôn tạo đoàn đường 3,9 km đến nơi anh Tô Vĩnh Diện đã hy sinh. Đây là con đường kéo pháo bằng tay duy nhất và cũng là con đường kéo pháo đầu tiên trong chiến dịch Điện Biên Phủ được khôi phục lại ./.

(ST)

 

°
Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
386 người đã bình chọn