Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23 đến ngày 24 tháng 8 năm 2017

Update 18 - 09 - 2017
100%

PHẦN I- TIN ĐIỆN BIÊN

* Báo Điện Biên Phủ (24/8): Mỗi nơi một kiểu

Đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương cùng nhân dân đã nhanh chóng khắc phục thiệt hại về sản xuất, nhà cửa, giao thông thủy lợi… ổn định đời sống cho người dân bị ảnh hưởng. Bên cạnh công tác khắc phục hậu quả thì các địa phương cũng như cơ quan chức năng đã có các thống kê, ước tính thiệt hại ban đầu. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì mà số liệu thống kê giữa Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và một số địa phương có sự khác nhau, thậm chí số liệu ước tính thiệt hại chênh lệch quá lớn, khiến nhiều người băn khoăn.

Cụ thể, ngày 2/8, báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Nậm Pồ, chỉ tính riêng trong 2 ngày (1 - 2/8) mưa lũ trên địa bàn huyện đã làm 37 nhà bị sạt lở, vùi lấp; trên 13ha lúa bị thiệt hại; 5 công trình thủy lợi và nước sinh hoạt bị cuốn trôi, đứt gãy đất đá vùi lấp; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, ách tắc… ước tính tổng thiệt hại khoảng 13 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay sau đó ngày 3/8 báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại do mưa lũ số 113/BC-CCTL của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thì thiệt hại do mưa lũ diễn ra trên địa bàn huyện Nậm Pồ trong 2 ngày trên ước chỉ gần 1,2 tỷ đồng, còn ước tính tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra trên toàn tỉnh trong 2 ngày đó chỉ hơn 3,5 tỷ đồng. Như vậy, cùng thông tin về thiệt hại trên địa bàn một huyện nhưng số liệu 2 báo cáo hoàn toàn khác nhau, thậm chí số liệu chênh lệch đến gấp hơn 10 lần. 

Biết rằng, đây chỉ là số liệu ước tính ban đầu nên chưa thể chính xác 100%, nhưng cũng không đến mức chênh lệch lớn đến vậy. Sự “vênh” số liệu đó khiến các cơ quan thông tin, tuyên truyền bối rối bởi không biết bên nào đúng, bên nào chưa đúng. Chưa kể, sự chênh lệch lớn khiến bạn đọc băn khoăn, hoài nghi, bởi từ trước đến nay trên trong cả nước không ít các địa phương dựa vào những thiệt hại do thiên tai, lũ lụt rồi báo cáo tăng mức độ thiệt hại nhằm mục đích nhận được nhiều hỗ trợ từ trung ương và các cấp, ngành địa phương. Cứ cho thời điểm ấy, cần báo cáo nhanh về thiệt hại nên chỉ là số liệu ước tính ban đầu, nhưng sau đó cần có một số liệu cụ thể, chính xác về thiệt hại do mưa lũ để thống nhất thông tin, số liệu, mặt khác để tránh sự lăn tăn, hoài nghi trong dư luận xã hội.

 

* Điện Biên TV (24/8): Điện Biên : Cần sớm di dời 9 hộ dân ở xã Na Son ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở

Mặc dù biết là rất nguy hiểm, sạt lở đất, lũ quét có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong mùa mưa, nhưng không có tiền, không có quỹ đất để di chuyển, nên  9 hộ dân ở xã Na Son huyện Điện Biên Đông không thể di dời đến địa điểm khác an toàn. Nguy cơ sạt lở, lũ quét luôn rình rập.

Là hộ gia đình nằm dưới chân dốc, phía trên đồi ngay đằng sau nhà có vết nứt tụt sâu gần 2 m, nếu mưa lớn kéo dài, nước ngấm từ khe nứt sẽ gây sạt đất với khối lượng lớn. Thế nhưng với nhiều lý do khác nhau, cho đến nay gia đình anh Lường Văn Sang, ở bản Na Phát A xã Na Son vẫn chưa di dời nhà ở đến nơi an toàn. Chia sẻ với chúng tôi anh cho biết:

"Gia đình tôi cũng được xã đến tuyên truyền bảo chuyển nhà đi chỗ khác ở, nhưng không có đất, nếu như có đất ở thì tôi cũng sẽ chuyển đến chỗ khác ở an toàn hơn." 

Theo Ban phòng chống lụt bão xã Na Son, hiện nay trên địa bàn xã có 9 hộ gia đình đang nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đất đá, lũ quét cao. Để đảm bảo an toàn cho 9 hộ dân này, ngay từ đầu mùa mưa xã đã đến trực tiếp vận động từng hộ di chuyển nhà ra khỏi vùng nguy hiểm và huyện Điện Biên Đông cũng đã hỗ trợ cho mỗi hộ 20 triệu đồng để chuyển nhà, thế nhưng cho đến nay 9 hộ gia đình trên vẫn chưa di dời.

Ông Lò Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Na Son huyện Điện Biên Đông cho biết: "Hiện nay xã na Son còn 9 hộ gia đình có nguy cơ sạt lở cao, trong khi đảng uỷ, chính quyền xã Na Son cũng vận động những hộ ven suối di chuyển đến nơi an toàn, nhưng mà ý thức của bà con cứ bảo là không có đất ở, không có nơi ở mới bà con cứ cố tình không di chuyển."

Theo thống kê của Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của huyện Điện Biên Đông, hiện nay trên địa bàn huyện còn 21 nhà cần phải di dời khẩn cấp ra khỏi vùng sạt lở, lũ quét, trong đó có 9 hộ ở xã Na Son. Hiện nay, đang cao điểm mùa mưa lũ, do đó việc di dời các hộ dân trên địa bàn huyện Điện Biên Đông đang sinh sống trong vùng nguy cơ sạt lở đất, đá, lũ ống lũ quét đến nơi an toàn là việc làm cấp bách cần được các cấp, các ngành chức năng đặc biệt quan tâm.

 

* Báo Điện Biên Phủ (24/8): Động đất mạnh 3,9 độ richter tại Điện Biên Đông

Vào lúc 14 giờ 37 phút, ngày 24/8, một trận động đất với cường độ 3,9 độ richter xảy ra tại huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên).

Ông Nguyễn Thái Sơn, Trạm trưởng Trạm Quan sát địa chấn (Viện Vật lý địa cầu) cho biết: Đây là trận động đất lớn nhất từ đầu năm tới nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên; độ sâu chấn tiêu là 12km, tâm chấn được xác định tại tọa độ 21,404 độ vĩ Bắc, 103,289 độ kinh Đông, thuộc địa bàn xã Sa Dung, huyện Điện Biên Đông; thời gian dư chấn kéo dài trong khoảng 3 giây.

Do vị trí tỉnh Điện Biên nằm trên dải đứt gãy địa chất lớn, nên nhiều năm nay thường xuyên xảy ra các trận động đất với cường độ từ 3 – 4 độ richter; theo ông Nguyễn Thái Sơn, đây là điều khá bình thường xảy ra trên địa bàn, do đó người dân cũng không nên lo lắng.

 

* Báo Điện Biên Phủ (24/8): Tặng 5.214 suất quà, trị giá trên 1,7 tỷ đồng cho gia đình chính sách

Thực hiện đợt cao điểm vận động toàn dân tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ theo chương trình phối hợp số 78/KHLT-MTTQ, Sở LĐ-TB&XH, các tổ chức chính trị xã hội; tỉnh Điện Biên đã tổ chức thăm hỏi, tặng 5.214 suất quà cho các gia đình chính sách với tổng số tiền trên 1,7 tỷ đồng. Trong đó, quà của Chủ tịch nước là 1.477 suất (tổng trị giá 299 triệu đồng), quà của lãnh đạo tỉnh 70 suất (tổng trị giá 52,5 triệu đồng), các huyện, thị, thành phố 1.421 suất (tổng trị giá 658 triệu đồng) và các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị đoàn thể khác là 778 suất (trị giá trên 384 triệu đồng).

Cũng trong chương trình, toàn tỉnh đã hỗ trợ làm nhà, sửa nhà tình nghĩa cho 31 gia đình, tổng trị giá 960 triệu đồng (xây mới 18 nhà, trị giá 735 triệu đồng; sửa chữa 13 nhà, trị giá 225 triệu đồng). Tổng tiếp nhận các nguồn quỹ ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đạt gần 2 tỷ đồng (cấp xã phường, thị trấn đạt gần 188 triệu; cấp huyện, thị xã, thành phố trên 705 triệu đồng; cấp tỉnh đạt trên 1 tỷ đồng)...

 

* Điện Biên TV (24/8): Điện Biên: 18 cán bộ, học sinh trúng tuyển đào tạo tại nước ngoài

Ngày 24/8, đồng chí Lê Văn Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh đã chủ trì cuộc họp xét tuyển cán bộ, học sinh đi học đại học tại nước CHDCND Lào, nước CHND Trung Hoa và Vương quốc Thái Lan năm 2017 theo Đề án "Đào tạo cán bộ, học sinh tỉnh Điện Biên tại nước CHND Trung Hoa giai đoạn 2009 - 2020"; Đề án "Hợp tác đào tạo giữa tỉnh Điện Biên với 3 tỉnh Bắc Lào giai đoạn 2016 - 2020"; Đề án "Đào tạo nguồn nhân lực tại các tỉnh Bắc Thái Lan, giai đoạn 2016 - 2025" 

Theo đó, đối tượng xét tuyển là học sinh người dân tộc thiểu số (ưu tiên xét tuyển học sinh dân tộc rất ít người như Cống, Si La); có hộ khẩu thường trú 5 năm trở lên tại các huyện Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ và thành phố Điện Biên Phủ thuộc diện chính sách; học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa, cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, cấp tỉnh, tổng điểm bài thi xét tốt nghiệp THPT từ cao xuống thấp... Đối với cán bộ trong biên chế Nhà nước, có trình độ đại học trở lên, đang công tác tại các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, cơ sở giáo dục trong tỉnh, được cơ quan cử đi học.

Hội đồng xét tuyển đã lựa chọn được 18 cán bộ, học sinh trúng tuyển đi đào tạo tại 3 nước. Cụ thể, 5 học sinh trúng tuyển đào tạo trình độ đại học tại trường Đại học Xu-va-nu-vông, nước CHDCND Lào; 5 học sinh trúng tuyển học tại tỉnh Vân Nam, nước CHND Trung Hoa; 8 cán bộ, học sinh trúng tuyển đào tạo tại tỉnh Chiang Mai, Vương quốc Thái Lan (2 cán bộ đào tạo tiếng Thái Lan, 1 cán bộ đào tạo trình độ thạc sỹ, 5 học sinh đào tạo đại học).

Trong 5 năm học đại học (đối với học sinh), 3 năm thạc sỹ (đối với cán bộ), 1 năm (cán bộ học tiếng), các học viên sẽ được đào tạo chuyên ngành đã đăng ký trước như: Sư phạm tiếng Lào; sư phạm tiếng Trung, môi trường, tài nguyên nông nghiệp; du lịch thương mại; ngôn ngữ; quản trị kinh doanh... và được hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí, các phương tiện học tập.

Dự kiến trong tháng 9/2017, cán bộ và học sinh trúng tuyển sẽ được tỉnh bàn giao cho 3 nước.

 

* Điện Biên TV (24/8): Điện Biên : Xử lý 181 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, bắt giữ và xử lý vi phạm hành chính 187 đối tượng

Trong tháng 8/2017, trên địa bàn tỉnh Điện Biên, hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng cấm gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả hàng kém chất lượng vẫn diễn ra nhỏ lẻ, tính chất vụ việc không lớn nhưng vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp nhất là việc vận chuyển buôn bán ma túy qua địa bàn. 

Trong tháng 8/2017, Ban chỉ đạo 389 tỉnh Điện Biên đã tiến hành tổ chức thanh tra, bắt giữ 406 lượt, đã xử lý 181 vụ, xử lý vi phạm hành chính 187 đối tượng thu và nộp ngân sách gần 1,5 tỷ đồng. Trong đó xử lý vi phạm hành chính 137 vụ nộp ngân sách hơn 400 triệu đồng, truy thu thuế hơn 800 triệu đồng. Về hình sự, tình hình buôn bán , vận chuyển ma túy qua địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Trong tháng 8 các lực lượng chức năng đã bắt giữ 44 vụ/50 đối tượng vận chuyển buôn bán ma túy,  tang vật thu giữ 838,4g Heroin, hơn 52 ngàn viên ma túy tổng hợp, thu giữ hơn 4 m3 gỗ quý hiếm...

Trong  thời gian tới, đặc biệt những tháng cuối năm, tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả hàng kém chất lượng có chiều hướng gia tăng. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, huyện, thị xã tiếp tục triển khai thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia. Tăng cường công tác quản lý địa bàn, theo dõi nắm bắt tình hình diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về buôn lậu, buôn bán hàng cấm gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả hàng kém chất lượng trên địa bàn .  

 

* Báo Điện Biên Phủ (25/8): Sớm di chuyển 2 hộ dân ra khỏi phạm vi cung trượt tại Km149+250 trên tuyến quốc lộ 4H

Do mưa to và rất to, kéo dài trong thời gian qua, tại km149 + 250 trên tuyến quốc lộ 4H (thuộc địa bàn xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé) xuất hiện cung trượt làm cho nền, mặt đường bị lún so với chiều dài là 45m, chiều sâu so với chiều rộng mặt đường hiện tại từ 0,5 - 1m; chiều rộng mặt đường bị lún, nứt chỗ rộng nhất là 2,7m, mặt đường còn lại là 2,3m; tiềm ẩn nguy cơ sụt trượt bất cứ lúc nào. Phía taluy âm đoạn nằm trong cung trượt có 2 hộ dân sinh sống.

Để đảm bảo an toàn giao thông, Sở Giao thông - Vận tải đã chỉ đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Quản lý giao thông Điện Biên tập trung huy động máy móc, nhân lực để xử lý đắp cấp phối nhằm đảm bảo giao thông tạm thời cho người và phương tiện đi lại. Tuy nhiên, cung trượt vẫn tiếp tục phát triển có nguy cơ cao gây mất an toàn đối với 2 hộ dân đang sinh sống trong phạm vi cung trượt. Vì vậy, chính quyền địa phương cần sớm có phương án di dời người dân ra khỏi phạm vi cung trượt để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.

 

PHẦN II: TIN TỨC – THỜI SỰ

TIÊU ĐIỂM 

* Tuổi Trẻ (23/8): Đừng để tồn tại việc “bút phê lý lịch”

"Đừng để tồn tại việc bút phê lý lịch ở bất kỳ một nơi nào, dù rải rác. Người dân rất trông đợi!" - Đó là ý kiến của bạn đọc Huỳnh Văn Mỹ, quanh việc một chủ tịch xã bút phê vào lý lịch học sinh.

Sự việc “Chủ tịch xã bút phê vào lý lịch học sinh” đề cập chuyện ông chủ tịch UBND xã Yên Thịnh (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) bút phê với nội dung bất lợi vào lý lịch của một học sinh ở địa phương này xin nhập học một trường trung cấp khiến dư luận thêm một lần bất bình. Kiểu bút phê lý lịch như thế tưởng đã đi vào quá khứ, vậy mà vẫn tồn tại.

Việc bút phê lý lịch ở Yên Định vừa rồi, cùng với một số vụ tương tự được phát hiện trước đó, đã tỏ ra rằng vẫn còn có những cán bộ cấp xã/phường coi việc này như một “lợi thế” để dễ răn đe, ràng buộc người dân vào những yêu sách họ muốn, bất chấp quy định hành chính của Nhà nước.

Bên cạnh những vi phạm kiểu này của một số chính quyền cơ sở (xã/phường, thôn/ấp), còn có kiểu ràng buộc người dân vào những khoản đóng góp (phí) - thường là sai quy định - mỗi khi người dân xin ký, cấp các loại giấy tờ.

Đây đó có vụ đã được báo chí lên tiếng và được chấn chỉnh kịp thời, nhưng ở nhiều vùng sâu vùng xa những trói buộc kiểu này chẳng khác nào một ác mộng với người dân khó khổ, thấp bé. Có người đã phải chạy đôn chạy đáo để có đủ tiền đóng nhiều khoản phí cho xong mới mong xin được giấy tạm vắng đi làm ăn xa kiếm tiền nuôi con ăn học, hoặc chữa bệnh cho người thân...

Tôi thật sự giật mình khi cách đây không lâu, một người quen kể lại khi đến xã giải quyết khiếu nại về chuyện đất đai, ông chủ tịch trẻ đã nói thẳng với ông rằng “ông coi chừng đó, hai đứa con ông còn cần đến tụi tui về giấy tờ chứ không phải hết đâu”. Hai đứa con của ông lúc đó đang làm việc ở Sài Gòn, trong đó có một Tiến sĩ du học về. Đáng nói là chỗ ông ở chỉ cách thành phố tỉnh lỵ chừng mươi cây số, chứ đâu là nơi hẻo lánh.

Làm sao để có một nền hành chính về bản lý lịch cá nhân gọn nhẹ, thuận tiện cả cho công dân và cho cơ quan Nhà nước, các đơn vị tuyển dụng, phù hợp với xu thế cải cách hành chính trong thời đại kỹ thuật số... là việc đang chờ đợi của các cơ quan chức năng.

Nhưng trước hết, điều cần kíp, thiết yếu là phải làm sao để tất cả cán bộ cơ sở xã/phường ở mọi nơi trên đất nước biết việc bút phê lý lịch công dân, việc “lồng ghép” tận thu các loại phí mà địa phương đặt ra với người dân để cấp các loại giấy tờ mà công dân cần đến là điều sai trái với quy định hành chính của Nhà nước.

 

* Lao Động (23/8): Quảng Ngãi: Lao đao xin việc làm vì “bút phê” của Phó Chủ tịch xã vào lý lịch

Khi đến UBND xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi xin xác nhận sơ yếu lý lịch xin việc cho con gái, ông Trần Tấn Huyên không hiểu vì sao bị Phó Chủ tịch xã “phê xấu” trong lý lịch, làm ảnh hưởng quá trình xin việc của con ông sau này.

Theo phản ánh của ông Trần Tấn Huyên (thương binh 3/4, SN 1955, trú thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi), ngày 17/11/2016, ông Huyên có mang sơ yếu lý lịch của con gái mình là Trần Thị Thành (SN 1991) đến UBND xã Tịnh Khê để xin xác nhận sơ yếu lý lịch làm hồ sơ xin vào dạy tại một trường ở TPHCM và được ông Đỗ Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND xã - nhận xét, ký xác nhận.

Với nội dung nhận xét: “Bà Trần Thị Thành hộ khẩu xã Tịnh Khê, gia đình chưa chấp hành tốt chủ trương của địa phương”, trong khi gia đình ông Trần Tấn Huyên vinh dự được Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê Công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” 3 năm liền (2012 - 2014).

Một điều vô lý khác, trong mẫu đơn sơ yếu lý lịch tại mục “Nhận xét và chứng nhận của chính quyền địa phương” có hướng dẫn rõ (Nội dung chứng nhận cần ghi bản lý lịch này đúng hay sai. Nếu sai thì ghi sai chỗ nào. Có thể nhận xét thêm về tư cách nghề nghiệp và hoàn cảnh gia đình của người xin việc”. Như vậy, so sánh với mẫu hướng dẫn, nội dung nhận xét trên của UBND xã rất “thừa thãi”.

Được biết, chị Trần Thị Thanh từng học Cao đẳng Sư phạm tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi). “Khi mới ra trường, nó đi xin dạy hợp đồng 6 tháng tại một trường ở TPHCM, xong hợp đồng, họ yêu cầu bổ sung hồ sơ để xem xét nhận vào làm, nhưng khi đến xác nhận lý lịch thì bị UBND phê xấu, nên đành nghỉ dạy, chuyển sang bán quần áo cho một cửa hàng ở TPHCM” - ông Huyên bức xúc.

"Gia đình chúng tôi luôn chấp hành các khoản thu, chủ trương, chính sách của địa phương..., thế nhưng bây giờ lại "phê xấu" trong lý lịch của con gái tôi. Nếu tôi sai thì để một mình tôi chịu, con gái tôi có tội tình chi mà nó phải gánh" - bà Nguyễn Thị Xuân Diệu (mẹ chị Thành) nói trong nước mắt.

Ông Đỗ Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi - cho rằng, sở dĩ bộ phận chuyên môn văn phòng thống kê xác nhận sơ yếu lý lịch bà Trần Thị Thành “xấu”, thứ nhất là đối với việc ông Trần Tấn Huyên (bố bà Thành) sống trên địa bàn xã Tịnh Khê, trong quá trình thực hiện nghĩa vụ công dân chưa tốt, như: Lấn đất sản xuất, UBND xã đã nhiều lần mời làm việc, tuyên truyền vận động, sau đó ông mới chấp hành, nhưng vẫn có ý kiến trái chiều.

Thứ hai, trong quá trình xây dựng nông thôn mới (xây dựng nghĩa trang), 40 hộ gia đình có cây cối, hoa màu… bị ảnh hưởng trong dự án, địa phương đã mời các hộ có trong danh sách lên để thông qua chủ trương và hỗ trợ, bồi thường đất, hoa màu. Về chủ trương thì ông Huyên chấp hành, nhưng về vấn đề giao đất, mặt bằng cho địa phương ông không chấp nhận. Sau nhiều lần vận động, ông cũng chịu bàn giao đất, nhưng gây bức xúc cho địa phương.

Trước khi bộ phận chuyên môn xác nhận đã được sự thống nhất của đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND chứ không phải ngẫu nhiên xác nhận cái này. “Tôi nghĩ xã phê như vậy không ảnh hưởng đến việc xin việc, bà Thành vẫn đi làm bình thường. Riêng đối với bản thân bà Thành, xã đâu có xác nhận bản thân bà không chấp hành chủ trương. Mục đích phê vào sơ yếu lý lịch của công dân như vậy đó cũng là một cách quản lý của địa phương” – ông Cường khẳng định.

 

CHÍNH SÁCH MỚI 

* TVPL (23/8): Nghỉ 40 ngày làm việc trở lên vẫn xét “Lao động tiên tiến”

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định 91/2017/NĐ-CPhướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng. Theo đó, bỏ quy định: Không xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” khi nghỉ từ 40 ngày làm việc trở lên tại Khoản 6 Điều 5 Nghị định 65/2014/NĐ-CP ngày 01/7/2014.

Như vậy, tại Nghị định 91/2017/NĐ-CP chỉ còn 02 trường hợp sau sẽ không được xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”:

- Người mới tuyển dụng dưới 10 tháng;

- Bị kỷ luật từ hình thức khiển khách trở lên.

Ngoài ra, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” đối với cán bộ, công chức, viên chức vẫn được giữ nguyên như sau:

- Hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt năng suất và chất lượng cao;

- Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có tinh thần tự lực, tự cường; đoàn kết, tương trợ, tích cực tham gia phong trào thi đua;

- Tích cực học tập chính trị, văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ;

- Có đạo đức, lối sống lành mạnh. 

Nghị định 91/2017/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2017.

 

* Pháp Luật TPHCM (22/8): Tiêu chuẩn chức danh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước…

Đó là một những nội dung được quy định rõ trong Quy định 90 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành mới đây.

Theo Quy định 90, các chức danh lãnh đạo Đảng và Nhà nước như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn cứng đối với các chức danh nói trên là đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh/thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên (trường hợp đặc biệt do Trung ương quyết định).

Ngoài ra, mỗi chức danh cần có những phẩm chất, năng lực phù hợp với từng vị trí cụ thể. Tổng Bí thư là chức danh cao nhất trong Đảng, do Trung ương bầu ra trong số ủy viên Bộ Chính trị.

Theo Quy định 90, Tổng Bí thư phải là người có uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị và trong toàn Đảng; là trung tâm đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tổng Bí thư phải là người tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng. Có trình độ cao về lý luận chính trị, xây dựng Đảng. Có kiến thức sâu, rộng, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Có bản lĩnh chính trị, năng lực nghiên cứu, phát hiện, đề xuất, phát triển tư tưởng mới và chiến lược lớn, lâu dài. Phải có phẩm chất, năng lực quyết đoán, quyết liệt để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, quốc gia, dân tộc.

Tổng Bí thư cần có năng lực lãnh đạo, điều hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; có năng lực chỉ đạo chuẩn bị, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm.

Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội là ba chức danh đứng đầu Nhà nước, do Quốc hội bầu. Do đặc thù chức năng, nhiệm vụ luật định, Quy định 90 của Bộ Chính trị đặt ra một số tiêu chuẩn riêng cho từng chức danh.

Với Chủ tịch nước, phải có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng và phải có hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp; là trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước. Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.

Với Thủ tướng Chính phủ, phải có năng lực nổi trội trong hoạch định chiến lược; quyết đoán, quyết liệt, kịp thời để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến lĩnh vực hành pháp. Có khả năng hiểu biết sâu, rộng nền hành chính quốc gia, kinh tế-xã hội đất nước; kinh tế, chính trị thế giới và hội nhập quốc tế. Có năng lực toàn diện về tổ chức, quản lý, chỉ đạo, điều hành cơ quan hành chính nhà nước...

Với Chủ tịch Quốc hội, phải là người quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công. Có năng lực nổi trội, toàn diện trong các lĩnh vực công tác, nhất là trong chỉ đạo thể chế hóa đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng pháp luật, giám sát thực thi pháp luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước…

Chủ tịch Quốc hội phải có khả năng hiểu biết sâu sắc hệ thống pháp luật của Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế. Có năng lực điều hành chất lượng, hiệu quả các phiên họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 

CHỈ THỊ MỚI 

* VTV.vn (22/8): Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ buôn lậu thuốc lá

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 cùng với các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ buôn lậu thuốc lá.

Theo lực lượng chức năng, lợi dụng sự thiếu nhất quán giữa các văn bản pháp luật trong xét xử tội buôn lậu thuốc lá nên các đối tượng buôn lậu ngày càng lộng hành.

Nếu trước đây, các đối tượng chủ yếu vận chuyển thuốc lá lậu bằng xe máy, xe khách hay xuồng máy thì nay chuyển sang sử dụng xe ô tô riêng để chở số lượng lớn, phóng nhanh, vượt ẩu, gây tai nạn cho người tham gia giao thông.

Theo Ban Chỉ đạo 389, 6 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng trên cả nước đã bắt giữ và tiêu hủy gần 3 triệu 200 nghìn bao thuốc lá nhập lậu các loại. Nhưng số vụ buôn lậu thuốc lá được xử lý vẫn rất khiêm tốn so với tình hình thực tế.

 

* Chinhphu.vn (24/8): Rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo giai đoạn 2017-2018. Mục tiêu của kế hoạch là 100% các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tiếp tục rà soát, đánh giá tác động việc thực hiện chính sách, đề xuất các nội dung chính sách cần tích hợp, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ theo hướng tập trung, gọn đầu mối, giảm bớt số lượng văn bản, tránh trùng chéo, không dàn trải. 

Cụ thể, sẽ tiến hành rà soát chính sách thuộc các lĩnh vực: Giáo dục - Đào tạo, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ về lao động - việc làm, hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách cán bộ, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ về thông tin và truyền thông và chính sách giảm nghèo nói chung.

Kiến nghị tích hợp, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ chính sách theo hướng: Xác định rõ vai trò chủ trì và các bên tham gia, có cơ chế phối kết hợp cụ thể ngay từ khâu lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực và chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đối với các chính sách được tích hợp và lồng ghép nguồn lực; giảm chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo... 

Đồng thời, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho hỗ trợ tạo sinh kế và phát triển vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo...

 

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY 

* Vinhphuc.gov.vn (22/8): Vĩnh Phúc:  Hiệu quả mô hình câu lạc bộ phòng cháy chữa cháy

Sau 5 năm thành lập, mô hình Câu lạc bộ Phòng cháy chữa cháy (PCCC) của Phòng Cảnh sát PCCC số 1, Cảnh sát PCCC tỉnh Vĩnh Phúc đã tạo được ấn tượng và thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên. Hiện nay, mô hình đang đi vào phát triển, mở rộng hoạt động với tần suất cao.

Nói về ý tưởng thành lập mô hình, Trung tá Đỗ Văn Dũng - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 1 cho biết: “Xuất phát từ nhận thức rõ vai trò công tác PCCC và từ thực tế mong muốn của các đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn muốn nâng cao công tác PCCC, tạo sân chơi để các đơn vị có cơ hội giao lưu, học hỏi và đưa ra những giải pháp, biện pháp an toàn PCCC. Đây cũng là kênh chính thức giúp doanh nghiệp có cơ hội được đối thoại trực tiếp với cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực PCCC”.

Kể từ khi thành lập đến nay, câu lạc bộ tổ chức họp mặt, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ trong công tác PCCC; thường xuyên đề xuất, xây dựng các kế hoạch tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC và cứu hộ cứu nạn; tổ chức các hội thao, hội thi tuyên truyền về công tác PCCC và cứu hộ cứu nạn, đặc biệt xây dựng bằng hình thức sân khấu hoá cho toàn thể cán bộ, công nhân viên tại các thành viên Câu lạc bộ. Từ đó, huy động được đông đảo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và quần chúng nhân dân hưởng ứng tham gia. Câu lạc bộ cũng tổ chức tham quan dây chuyền, trang thiết bị, phương tiện, hệ thống PCCC của một số đơn vị đi đầu trong công tác đảm bảo an toàn PCCC.

Nhận thức rõ hiệu quả trong việc tham gia Câu lạc bộ PCCC, 100% các thành viên Câu lạc bộ thường xuyên duy trì việc sinh hoạt, trao đổi thông tin về tình hình cháy nổ, công tác cứu nạn, cứu hộ tại địa bàn cơ sở. Các thành viên Câu lạc bộ cũng nghiêm túc thực hiện các kiến nghị, đề xuất của cơ quan Cảnh sát PCCC trong công tác đảm bảo an toàn về PCCC, đầu tư mua sắm trang thiết bị PCCC, cứu hộ cứu nạn.

Bên cạnh đó, Câu lạc bộ cũng tích cực xây dựng các tấm gương điển hình, những việc làm tốt của các đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, công nhân viên để kịp thời động viên, khen thưởng và nhân rộng gương điển hình tạo không khí thu đua nâng cao công tác toàn dân PCCC...

Với hiệu quả đạt được, mô hình Câu lạc bộ Phòng cháy chữa cháy của Phòng Cảnh sát PCCC số 1 được Đảng uỷ, Ban Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh đánh giá là một sáng kiến hay, một cách làm sáng tạo, cần được phát triển và nhân rộng.

 

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP 

* Pháp Luật TPHCM (23/8): Đề nghị xóa gần 2000 giấy phép con để dẹp nhũng nhiễu

Ngày 22/8, Chính phủ họp chuyên đề pháp luật dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Một trong 9 nội dung quan trọng là việc rà soát các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nhằm tìm ra động lực tăng trưởng bền vững.

Dù thừa nhận những điều kiện kinh doanh cũng đạt được những thành tựu nhất định, nhưng báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Thủ tướng về thực trạng ĐKKD cho hay: Hệ thống các quy định về ĐKKD còn nhiều điểm bất cập, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung.

Đây là một trong những lý do chính khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh sau một thời gian hoạt động. Nhiều nhà đầu tư tiềm năng đã phải từ bỏ ý định kinh doanh sau khi tìm hiểu quy định pháp luật về ĐKKD.

Mặt khác, các ĐKKD đang làm giảm cạnh tranh thị trường; giảm động lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp; giảm năng suất và giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế; tạo ra rủi ro lớn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.

Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: “Nhiều ĐKKD không rõ ràng, tạo ra cơ hội cho sự tùy tiện trong quản lý nhà nước và sự nhũng nhiễu của một số cán bộ”.

Một cách mạnh mẽ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bãi bỏ gần 2000 ĐKKD theo các tiêu chí cụ thể. Đồng thời, Bộ này cũng kiến nghị Chính phủ thay đổi cách thức quản lý kinh doanh theo tiêu chuẩn, thông lệ tốt của OECD.

Cụ thể là: Thay các điều kiện có tính chất tiền kiểm, chi phí lớn bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn (an toàn cháy nổ, an toàn lao động, chất lượng sản phẩm, dịch vụ...); đồng thời ban hành các tài liệu hướng dẫn tuân thủ chi tiết, rõ ràng để giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước.

Chuyển phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Cụ thể, Nhà nước cho phép doanh nghiệp tự kiểm tra sản phẩm và công bố hợp chuẩn, hợp quy. Nhà nước thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên các sản phẩm, dịch vụ để đảm bảo tuân thủ pháp luật.

Triệt để áp dụng quản lý theo hướng quản lý dựa trên rủi ro để nâng cao hiệu quả và giảm chi phí. Bên cạnh đó,Chính phủ xây dựng hệ thống thông tin về doanh nghiệp và sản phẩm để có thông tin về tuân thủ pháp luật, thông tin truy xuất nguồn gốc theo chuỗi; cung cấp thông tin đầy đủ về doanh nghiệp và sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn và tự bảo vệ mình. 

 

* Kênh VTV1 – Bản tin Thời sự lúc 7h sáng (23/8): Giảm chi phí cho doanh nghiệp nhờ logistics tập trung

Ngoài thủ tục hành chính, doanh nghiệp còn có thể tiết giảm từ 10 - 30% chi phí vận chuyển nếu dùng chung dịch vụ logistics.

Đây là sáng kiến được Trung tâm phân phối nông sản thực phẩm an toàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh nông sản.

Có hơn 80 doanh nghiệp đã tham gia vào trung tâm phân phối tập trung. Đơn hàng của doanh nghiệp sẽ được tổng hợp và phân chia theo khu vực. Với hàng chục chiếc xe sẵn sàng di chuyển, các đơn hàng có thể cùng lúc được giao tới nhiều nơi.

Trung tâm xúc tiến thương mại dự kiến sẽ mở rộng mô hình vận chuyển này ra 20 tỉnh thành các trên cả nước.

 

* VTV.vn (23/8): Niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tăng trưởng mạnh

Niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong quý II vừa qua. Theo báo cáo mới được công bố bởi Nielsen, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đạt 112 điểm, giúp Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 5 toàn cầu về mức độ lạc quan.

So với năm ngoái, người tiêu dùng ở Việt Nam không còn là người tiết kiệm nhất trên toàn cầu, với 63% người Việt Nam để dành tiền vào tiết kiệm, đứng sau Thái Lan, Singapore và Indonesia. Cùng với đó, người tiêu dùng tiếp tục sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn vào các khoản mục lớn.

Khảo sát của Nielsen cho thấy, sau khi chi trả cho các phí sinh hoạt thiết yếu, khoảng 1/3 người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi cho du lịch, mua sắm quần áo mới, các sản phẩm công nghệ mới, sửa chữa nhà cửa và các dịch vụ giải trí bên ngoài.

 

* Dân Trí (23/8): Doanh nghiệp "ngợp thở" vì kiểm tra, các Bộ giúp ai phát triển, bóp chặt cái gì?

Tại buổi Tọa đàm "Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển" vừa diễn ra tại Hà Nội sáng 23/8, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đã nói thẳng về cách "bày binh bố trận" của các điều kiện kinh doanh của các bộ, ban ngành đối với kinh tế tư nhân hiện nay.

Đăng đàn trao đổi, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: Năm 2016, VCCI họ có điều tra doanh nghiệp (DN) phải trả chi phí phi chính thức, trong đó, 60% DN được hỏi phải trả chi phí này. Con số này là tỷ lệ tương đối lớn, đa số DN phải làm việc này.

Ông Hiếu nói: "Chi phí chính thức, chi phí phi chính thức, xã hội đang nhìn con số trực quan bằng tiền. Nhưng có một loại chi phí chính thức khó hình dung hơn là thời gian và cơ hội, cái này lớn hơn nhiều con số chính thức".

Ông Hiếu lấy ví dụ: Thời gian là tiền, hiện để làm thủ tục hành chính (TTHC) DN mất 10 ngày, mỗi DN mất 1 người. Nếu nhân ra tiền, mất 200.000 đồng/người/ngày. Tổng số tiền DN bỏ ra 2 triệu đồng/năm. Nếu nhân với 500.000 DN hiện nay, số tiền đó có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng. Cứ một ngày tăng thêm các thủ tục, là mỗi chi phí, cơ hội của DN bị mất đi, hao mòn đi".

Theo Thứ trưởng Đông: Giải pháp hiện nay là giảm chi phí. Chi phí không chính thức mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi nạn tham nhũng vặt có hậu quả không kém tham nhũng lớn, thậm chí còn kinh khủng hơn.

Ông Đông nói: Giải pháp chính là phải giảm thiểu sự giao tiếp trực tiếp giữa con người và con người trong thủ tục hành chính. Xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; xử lý đơn, hồ sơ qua mạng, sẽ giảm thiểu chi phí phi chính thức...

Về các điều kiện kinh doanh mới được Chính phủ bàn luận gần đây theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đông cho rằng nhiều Bộ, ngành vẫn thích tiền kiểm, quản chặt đầu vào song thực tế chỉ là thói quen hành chính cố hữu, hiệu quả rất thấp.

Ông Ngô Văn Điểm, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam: DN khởi nghiệp theo con số công bố trên truyền thông, 3 ông ra đời, 2 ông phải giải thể. Vì sao có con số đó, vì họ mới ra đời tiếp cận nguồn lực, chi phí cao. Hầu hết tiếp cận nguồn lực đất đai khan hiếu, ông lớn lobby để có đất rồi, nên DN nhỏ đất khó. Trong khi đó, vay ngân hàng thì không có tài sản thế chấp để vay vốn, phải chịu vay với lãi suất ngoài luồng, nên DN càng khổ.

Trở lại vấn đề chi phí chính thức, theo ông Đông, chúng ta hoàn toàn giảm được chi phí này khi công khai, minh bạch, từ đó chặn đường cho chi phí không chính thức.

Ông Đông lấy ví dụ: Trong giao thông vận tải, điện năng thực hiện BOT, BOT bản chất hiện nay có phí không hợp lý mà xã hội, DN phải chịu đựng do xây dựng đường BOT không theo quy trình nào, chúng tôi đã phản đối. Nếu không công khai chi phí xây dựng bao nhiêu, số lượng phương tiện thế nào thì sao bắt người dân đóng phí và thời gian như vậy được?

"Chúng ta phải đối thoại giữa các cơ quan nhà nước và người dân với nhau, không lảng tránh, phải công khai hoá, phải làm mạnh mẽ để xã hội sử dụng và tuân thủ, chứ đừng bí mật", Thứ trưởng Đông nói.

 

BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH

* Pháp Luật TPHCM (22/8): Pháp luật rất đắt đỏ và chuyện mò mẫm trong rừng

"Mò mẫm trong rừng" - hình ảnh sinh động này được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng sử dụng khi nói về hiện trạng các doanh nghiệp (DN) vẫy vùng giữa các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) bủa vây.

Mặt hàng chocolate đang gánh 13 giấy phép, có 13 thành phần phải chịu kiểm tra 13 giấy phép của Bộ Y tế. Sữa chua, phô mai vừa phải kiểm dịch động vật theo quy định của NN&PTNT, vừa phải kiểm tra theo quy định của Bộ Y tế. Hạt hướng dương rang phải hai bộ kiểm tra, một bộ thì dứt khoát là không được. Đáng nói là chả bao giờ hai bộ kết hợp với nhau.

Những thực tế này được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chấm phá trong bức tranh toàn cảnh về kiểm tra chuyên ngành tại cuộc họp ngày 21-8. Nó cho thấy một tư duy quản lý vừa cồng kềnh, vừa không khoa học, gây khó cho DN.

Không thể phủ nhận rằng: Từ khi Luật Đầu tư, Luật DN được xây dựng và triển khai theo tinh thần tôn trọng quyền tự do kinh doanh của người dân như Hiến pháp 2013 minh định, việc đăng ký kinh doanh đã thuận lợi hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, nếu như việc gia nhập thị trường có vẻ dễ dàng bao nhiêu khi chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN là có thể triển khai quyền kinh doanh thì việc trụ vững trên thị trường lại khó khăn bấy nhiêu.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu từng phát biểu: Pháp luật rất đắt đỏ. Mỗi quy định pháp luật được đưa ra ngoài chi phí xây dựng quy định thì chi phí tuân thủ của DN là rất cao. Chỉ riêng chi phí kiểm tra chuyên ngành, mỗi năm DN bỏ ra 28,6 triệu ngày công với chi phí 14.300 tỉ đồng.

Mỗi quy định vô lý được bỏ đi thì rõ ràng lợi ích cho DN, cho nền kinh tế, cho xã hội sẽ là vô cùng lớn. Chỉ đơn giản như năm 2016, khi nhiều ĐKKD được rà soát và bãi bỏ thì lập tức đã có tới 110.000 DN gia nhập thị trường.

Lẽ dĩ nhiên, con số trụ lại được trên thương trường là một vấn đề khác. Nhưng điều này nói lên rằng: Bất cứ động thái cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD nào cũng đều có tác dụng tốt cho phát triển.

Khu rừng ĐKKD càng được tỉa tót cho thông thoáng bao nhiêu, chắc chắn DN sẽ không tốn công sức, nguồn lực cho những việc không cần thiết bấy nhiêu. Và nguồn lực sẽ được dành cho đúng mục đích là phát triển.

 

* Dân Trí (22/8): Mọi người cũng bất ngờ, thưa Phó Thủ tướng!

Ngày 17/8, tại buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số chuyên gia nhằm giải bài toán chất lượng đầu vào ngành sư phạm thấp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: "Tôi bất ngờ vì năm nay các trường cao đẳng sư phạm vẫn tuyển sinh".

Trước sự "bất ngờ" của Phó Thủ tướng, độc giả, nhất là những người trong ngành cũng không khỏi "bất ngờ". "Bất ngờ" vì lẽ, trong báo cáo hằng năm trình Chính phủ, chẳng nhẽ Bộ Giáo dục- Đào tạo lại không đề cập chuyện các trường cao đẳng sư phạm cho đến nay vẫn tuyển sinh đều đều?

Và không chỉ các trường cao đẳng sư phạm tuyển sinh mà nhiều trường dưới bậc cao đẳng, thậm chí cả những đơn vị không có chức năng đào tạo sư phạm cũng tham gia tuyển sinh sư phạm.

Cách đây vài chục năm, do thiếu giáo viên trầm trọng, chúng ta mở các hệ đào tạo sư phạm ồ ạt, từ cắm bản, đến cấp tốc 6 tháng, 12+1, 12+2, 9+1, 9+3. Cho đến nay, dù trong bối cảnh hàng ngàn cử nhân sư phạm tốt nghiệp ra trường thất nghiệp nhưng nhiều nơi vẫn đào tạo giáo viên hệ 12+2.Việc tuyển sinh cũng hết sức "thoáng". Hồ sơ nhập học đóng dấu sẵn được nhân viên tiếp thị (có khi là học viên khóa trước) đem đến tận tay người có nhu cầu. "Sinh viên" cứ nộp tiền đầy đủ theo qui định, sau một vài năm là đã có trong tay tấm bằng tốt nghiệp sư phạm loại giỏi.

Dư luận đặt câu hỏi, trong bối cảnh ngành sư phạm ế ẩm như hiện nay, ai cho phép một số cơ sở không có chức năng đào tạo sư phạm mở các hệ đào tạo cao đẳng sư phạm và trung học sư phạm?Liệu đây có phải là một trong những nguyên nhân làm cho ngành sư phạm rớt giá vì hầu hết những học sinh vào học những cơ sở đào tạo này có điểm thi đầu vào rất thấp.Chất lượng học viên như thế nào chỉ những thầy cô trực tiếp đứng lớp là nắm rõ.Và những "giáo viên tương lai" ấy sẽ dạy dỗ ra sao, ai cũng có thể hình dung được.

Để góp phần giải bài toán chất lượng đầu vào ngành sư phạm hiện nay, Bộ Giáo dục - Đào tạo cần tổng kiểm tra các cơ sở đang tham gia đào tạo sư phạm như Phó Thủ tướng đã đề nghị. Ngoài việc cải tổ, sắp xếp hệ thống các trường sư phạm, cần chấm dứt ngay việc một số cơ sở không có chức năng đào tạo giáo viên mà vẫn được cấp phép mở các mã ngành sư phạm.

"Không nên nể nang các địa phương trong việc tuyển sinh sư phạm nữa", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

QUẢN LÝ 

* Pháp Luật TPHCM (23/8): Thay hàng loạt lãnh đạo cấp cục, vụ ở Bộ Công Thương

Ngày 22/8, Bộ Công Thương cho biết Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký các quyết định điều động, bổ nhiệm, giao nhiệm vụ cho một số đơn vị cấp cục, vụ sau khi tách, nhập.

Theo đó, ông Đặng Huy Cường, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng phụ trách Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững; ông Phương Hoàng Kim, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng phụ trách Cục Điện lực và năng lượng tái tạo; ông Nguyễn Việt Sơn, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng phụ trách Vụ Dầu khí và than.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, được giao trọng trách phụ trách Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng. Ông Lê Triệu Dũng phụ trách Cục Phòng vệ thương mại. Cục Thương mại điện tử và kinh tế số tạm thời do bà Lại Việt Anh phụ trách cho đến khi bổ nhiệm cục trưởng.

Ông Trương Thanh Hoài, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, được giao phụ trách Cục Công nghiệp (gộp Vụ Công nghiệp nặng và Vụ Công nghiệp nhẹ). Vụ Phát triển nguồn nhân lực do bà Nguyễn Thị Lâm Giang phụ trách. Vụ Tài chính và đổi mới doanh nghiệp do ông Vũ Quốc Anh phụ trách. Cục Công Thương địa phương do ông Ngô Quang Trung phụ trách.

Ông Trần Duy Đông, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ, phụ trách Vụ Thị trường trong nước. Ông Trần Quốc Toản, nguyên Vụ phó Vụ Thương mại biên giới và miền núi, giữ chức phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu. Bà Lê Hoàng Oanh, phụ trách Vụ Thị trường châu Á-châu Phi. Ông Đặng Hoàng Hải phụ trách Vụ châu Âu-Mỹ.

Các đơn vị khác như Vụ Kế hoạch, Văn phòng Bộ, Vụ KH&CN, Cục Hóa chất, Vụ Tổ chức cán bộ,… vẫn giữ cán bộ cấp trưởng như trước đây. Riêng lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường sẽ được bổ nhiệm khi Tổng cục này ổn định khâu tổ chức bộ máy.

Bộ Công Thương cho biết để có thời gian rà soát chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các đơn vị một cách kỹ lưỡng, đảm bảo được theo yêu cầu của Nghị định 98/2017, Ban cán sự thống nhất với đề xuất của Vụ Tổ chức cán bộ về chức năng nhiệm vụ tạm thời của các đơn vị.

Đối với đơn vị thay đổi tên, thành lập mới và điều chuyển cán bộ lãnh đạo từ đơn vị khác nhau thì tạm thời giao phụ trách đơn vị; đối với đơn vị không thay đổi tên gọi thì giữ nguyên lãnh đạo cấp trưởng. Sau khi ổn định chức năng nhiệm vụ của các đơn vị, giao Vụ Tổ chức cán bộ thực hiện quy trình bổ nhiệm cấp trưởng các đơn vị theo quy định.

Đối với cấp phó đơn vị, Ban cán sự thống nhất bước đầu điều động nhân sự cấp phó theo sự điều chuyển về chức năng nhiệm vụ. Sau đó sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá để sắp xếp lại theo đúng quy định pháp luật và tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là một đơn vị chỉ có ba cấp phó.

Trước đó, Thủ tướng đã ký Nghị định 98/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương, trong đó bộ này sẽ tiến hành xóa tên, tách, nhập một số đơn vị và giảm đầu mối đơn vị từ 35 xuống còn 30.

 

* Tuổi Trẻ (23/8): Xây dựng các tỉnh, thành thành khu vực phòng thủ vững chắc

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới.

Đây là một trong những phương hướng, mục tiêu chung của sáu tháng cuối 2017 và năm 2018 được đưa ra tại hội nghị đánh giá kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng, hoạt động khu vực phòng thủ năm 2016, sáu tháng đầu năm 2017 và xác định phương hướng, nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2017 và năm 2018 được Ban chỉ đạo trung ương về khu vực phòng thủ tổ chức chiều 23-8.

Với tư cách Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về khu vực phòng thủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị.

Hội nghị cũng xác định việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc; động viên sức mạnh toàn đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, xây dựng khu vực phòng thủ trên địa bàn cả nước vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh; phòng chống hiệu quả, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, xử lý thắng lợi các tình huống, không bị động, bất ngờ.

Giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường hòa bình cho đất nước phát triển; bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Tại hội nghị, Ban chỉ đạo đã đề ra một số nội dung cần tập trung trong thời gian tới gồm các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với công an, quân đội bảo vệ an ninh chính trị, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; bảo vệ an toàn tuyệt đối hội nghị cấp cao APEC.

Nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng cho các đối tượng về kiến thức quốc phòng, an ninh. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh trong khu vực phòng thủ tại các địa phương…

Theo Ban chỉ đạo, thời gian qua, các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương đã quán triệt, triển khai xây dựng khu vực phòng thủ đạt những kết quả quan trọng, nổi bật là giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi cho đất nước phát triển kinh tế - xã hội.

 

* Dân Trí (23/8): Nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ 5 tháng không nhận được lương hưu

Sau 5 tháng không nhận được lương hưu qua tài khoản ngân hàng, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình đã tìm đến chính quyền địa phương phản ánh, làm rõ vụ việc.

Trưa 23/8, trao đổi với phóng viên Dân trí, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình cho biết, ngày 1/9/2015, ông Bình được nghỉ hưu theo chế độ. Sau khi thực hiện các thủ tục, ông nhận lương hưu tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, thông qua bộ phận chuyên môn thuộc UBND phường 7 (quận 3) với khoảng 9 triệu đồng/tháng.

Việc nhận lương hưu của ông Bình đều chuyển qua tài khoản cá nhân được mở tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Tuy nhiên, từ 19/3 đến nay, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình không nhận được tiền lương hưu.

"Đây là tài khoản mà tôi đã sử dụng từ khi còn công tác tại Thanh tra Chính phủ và nhận được lương hưu từ tháng 1 đến ngày 19/3/2017, tôi không nhận được lương hưu qua tài khoản mà không biết lý do cụ thể ra sao", ông Bình cho biết. Sau đó, ông Bình đến gặp Chủ tịch UBND phường 7 (quận 3) để phản ánh.

Tại phòng làm việc của Chủ tịch UBND phường 7, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình đã trình bày sự việc và cung cấp bản sao kê của ngân hàng nhưng sau khi kiểm tra thì một nữ cán bộ chuyên môn của UBND phường 7, đã trả lời là tài khoản bị lỗi nên tiền lương hưu trí của ông Bình bị ngân hàng trả lại.

Nữ cán bộ này đã yêu cầu nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình làm việc với Bảo hiểm xã hội Quận 3, Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh, cung cấp số tài khoản để làm lại các thủ tục, đồng thời đưa cung cấp bản khai thay đổi thông tin theo mẫu 18-CBH.

Nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình cho biết, sáng 23/8 một nữ nhân viên của Bảo hiểm xã hội quận 3 đã gọi điện thoại xin lỗi ông.

Theo lời ông Bình, nhân viên này cho rằng phía Bảo hiểm xã hội Quận 3 vẫn chuyển lương cho ông nhưng do tài khoản bị lỗi. "Nếu như vậy tiền lương hưu mấy tháng qua của tôi ở đâu? xảy ra lỗi như vậy sao không báo cho cán bộ hưu trí người ta biết?", ông Bình bức xúc.

Theo ông Bình, khi nữ nhân viên Bảo hiểm xã hội Quận 3 gọi điện thoại cho ông thì không đề cập gì đến giải pháp, giải quyết vụ việc của ông như thế nào.

 

* Hà Nội Mới (24/8): Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, Bộ đề xuất tăng mức lương tối thiểu vùng từ 180.000 đồng – 230.000 đồng so với hiện nay.

Theo đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, quy định mức lương tối thiểu vùng áp 4 mức như sau: Mức 3,98 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với vùng I; mức 3,53 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với vùng II; mức 3,09 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với vùng III và mức 2,76 triệu đồng/tháng áp dụng đối với vùng IV.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, mức lương tối thiểu trên (tăng từ 180.000 đồng – 230.000 đồng so với hiện hành năm 2017, tương ứng với mức tăng theo tỷ lệ phần trăm từ 6,1 - 7% tùy theo từng vùng, mức bình quân tăng 6,5%) được tính toán dựa trên cơ sở bù đủ trượt giá sinh hoạt năm 2017 dự kiến khoảng 4% - 4,5% để bảo đảm tiền lương thực tế cho người lao động; cải thiện theo mức tăng năng suất lao động xã hội khoảng 2% - 2,5% để thực hiện lộ trình điều chỉnh bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người lao động. Nếu thực hiện theo phương án nêu trên thì đáp ứng được khoảng từ 92 - 96% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ tùy theo từng vùng.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, đề xuất phương án điều chỉnh nêu trên đã tính đến các tác động về việc làm, thất nghiệp, điều kiện sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, mức độ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp (dự báo tăng bình quân khoảng 0,55 – 0,6%, trong đó ngành dệt may, da giầy tăng khoảng 1,15 – 1,2%, từng bước đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và có cân đối với tương quan tiền lương của các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, mức điều chỉnh nêu trên đã có tính toán đến quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội được mở rộng từ năm 2018 (người lao động ký hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) và tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội có sự thay đổi (tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đóng theo mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác), trong đó Chính phủ đã có giải pháp giảm 0,5% tỷ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Nghị định số 44/2017/NĐ-CP) và đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm 0,5% tỷ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động (Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 7/4/2017 của Chính phủ).

Về địa bàn áp dụng, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ đề xuất cơ bản giữ nguyên 4 vùng và danh mục địa bàn ở 4 vùng theo quy định tại Nghị định số 153/2016/NĐ-CP ngày 14/11/2016 của Chính phủ; nhưng có xem xét, cân đối điều chỉnh, bổ sung một số địa bàn áp dụng theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, trực thuộc trung ương, cụ thể:

Điều chỉnh phân vùng từ vùng II lên vùng I đối với thị xã Long Khánh thuộc tỉnh Đồng Nai; từ vùng III lên vùng II gồm: Huyện Thống Nhất thuộc tỉnh Đồng Nai, huyện Thủ Thừa thuộc tỉnh Long An và thành phố Tam Kỳ thuộc tỉnh Quảng Nam; từ vùng IV lên vùng III gồm: Huyện Phú Ninh thuộc tỉnh Quảng Nam, huyện Lộc Ninh và Phú Riềng thuộc tỉnh Bình Phước. Bên cạnh đó, điều chỉnh huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình từ vùng III xuống vùng IV.

Về thời điểm áp dụng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất quy định này được thực hiện từ ngày 1/1/2018.

 

* Vnexpress.net (24/8): Ông Đoàn Ngọc Hải chấn chỉnh trật tự vỉa hè kiểu mới

Ngày 23/8, ông Đoàn Ngọc Hải – Phó Chủ tịch UBND Quận 1 (TP HCM) – cho biết, những ngày gần đây đã áp dụng cách kiểm tra mới trong việc lập lại trật tự lòng lề đường. Trước giờ vào trụ sở làm việc hay ban đêm, ông chạy khắp các tuyến đường trên địa bàn, phát hiện vi phạm sẽ gọi điện cho lãnh đạo, Công an phường ra xử lý.

“Biên bản xử phạt, hình ảnh vi phạm sẽ được phường gửi cho tôi trong ngày để kiểm tra, tránh việc bỏ qua các lỗi. Tôi sẽ đi thường xuyên, dù là 5h30 hay sau 22h để đảm bảo vỉa hè Quận 1 không bị chiếm dụng”, ông Hải nói.

 Ngoài ra, ông Đoàn Ngọc Hải vẫn cùng đoàn liên ngành xuống đường xử lý những vấn đề, tụ điểm mất mỹ quan đô thị khiến người dân bức xúc.

Theo đánh giá của ông, từ khi đoàn liên ngành quận ra quân trở lại, vỉa hè trung tâm Sài Gòn đã đi vào nề nếp. “Tôi theo dõi rất kỹ các điểm hay chiếm vỉa hè nhưng thời gian gần đây họ chấp hành tốt, các phường cũng đi xử lý thường xuyên”, ông Hải nói.

* VTV.vn (23/8): Chính phủ xem xét nhiều dự án luật quan trọng

 Sáng 22/8, Chính phủ đã tiến hành phiên họp chuyên đề để cho ý kiến vào các dự luật sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp cuối năm nay.

Tại phiên họp chuyên đề lần thứ 2 trong năm nay về xây dựng pháp luật, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định tiến hành sửa đổi luật đầu tư công và nghiên cứu xây dựng dự luật đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, vừa qua, Chính phủ đã nỗ lực xây dựng, trình Quốc hội thông qua nhiều văn bản pháp luật, nhưng mới đáp ứng một phần yêu cầu phát triển đất nước, trong khi vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập trong việc xây dựng thể chế. Chính vì điểm nghẽn đó nên Chính phủ đang ưu tiên hoàn thiện thể chế cả về pháp luật và chính sách, mặc dù trong phần đầu các phiên họp thường kỳ, Chính phủ luôn tập trung vào công tác xây dựng thể chế, nhưng vẫn làm không hết.

Cho ý kiến vào dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), một trong những đạo luật nền tảng của kinh tế thị trường, các thành viên Chính phủ nhất trí dự thảo luật tiếp tục điều chỉnh hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bao trùm lên quy định của các đạo luật chuyên ngành khác. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu cơ quan soạn thảo là Bộ Công Thương cần rà soát lại các luật chuyên ngành khác để bảo đảm không xảy ra xung đột và chồng chéo. Thủ tướng cũng nhắc lại yêu cầu không đưa quy định về bộ máy vào trong các dự luật, nên dự Luật này không được quy định Ủy ban cạnh cạnh thuộc Chính phủ, do Chính phủ thành lập có chức năng tài phán và xử lý các vấn đề về cạnh tranh.

Đối với dự án luật Luật thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi), các thành viên Chính phủ nhất trí, dự luật quy định điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ 1.000 – 4.000 đồng/lít, lên từ 3.000 – 8.000 đồng/lít. Trừ dầu hỏa vẫn giữ như mức như hiện hành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định mức thuế cụ thể phù hợp với từng thời kỳ. Riêng xăng dầu sinh học, chỉ chịu mức bằng 70-80% so với mức thuế của xăng dầu gốc hóa thạch. Về mức thuế bảo vệ môi trường đối với dung dịch HCFC được sử dụng trong làm lạnh và sản xuất vật liệu cách nhiệt, các thành viên Chính phủ nhất trí dự luật quy định mức thuế mới từ 30.000 – 20.000 đồng/kg, thay vì mức hiện hành từ 1.000 – 5.000 đồng mỗi kg. Đối với túi nilon khó phân hủy, dự luật quy định mức thuế từ 40.000 – 200.000 đồng mỗi kg, so với từ 30.000 – 50.000 đồng mỗi kg. Riêng với màng nilon được sử dụng nhiều trong nông nghiệp sẽ không bị đánh thuế.

Dành nhiều thời gian thảo luận về dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện dự thảo theo hướng đây là luật chung về Khu hành chính kinh tế đặc biệt, trước mắt được áp dụng ở Phú Quốc, Vân Đồn và Vân Phong. Dự luật này phải bảo đảm thông thoáng, ưu đãi vượt trội và không bị ràng buộc bởi tư duy cũ theo kiểu "luật pháp hiện hành không cho phép", nhằm tạo nên một "thiên đường về đầu tư" ở các Khu hành chính - kinh tế đặc biệt. Theo đó, các khu này không tổ chức hội đồng nhân dân mà chịu dự giám sát của hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Trưởng đặc khu khu do Thủ tướng bổ nhiệm, có quyền hạn tương đương với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, hệ thống tòa án và Viện kiểm sát cũng theo mô hình riêng.

Cho ý kiến vào báo cáo kết quả rà soát và đề xuất về các dự án luật để sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến đất đai, xây dựng nhà ở, đầu tư, kinh doanh và quy hoạch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ phải thực hiện nhiệm vụ này tích cực hơn, vì đã được Thủ tướng đặt ra từ nhiều phiên họp Chính phủ gần đây. Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ phải theo tinh thần Chính phủ hành động, để kiến nghị sửa đổi kịp thời những quy định không còn phù hợp, cản trở doanh nghiệp trong đầu tư, kinh doanh, chứ không phải rà soát rồi giải thích theo kiểu luật đã quy định như vậy thì phải làm theo, hoặc bỏ qua. Hơn nữa, việc sửa đổi cũng phải tạo điều kiện cho điều hành, không để chính sách do chính mình đề ra trói buộc điều hành của Chính phủ.

Cũng trên tinh thần đó, khi cho ý kiến vào Báo cáo rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo dự Luật đầu tư công (sửa đổi), đi cùng với dự thảo Nghị định sửa đổi các Nghị định liên quan đến đầu tư công, còn Bộ Tài nguyên và Môi trường dự thảo Luật Môi trường (sửa đổi) để trình Chính phủ trong tháng 9 tới, nhằm thu hút mạnh me hơn các nguồn vốn đầu tư từ xã hội.  Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng được giao lập tổ công tác đề nghiên cứu sửa Nghị định và chuẩn bị xây dựng dự luật về đầu tư đối tác công - tư.

Cho ý kiến vào Báo cáo về kết quả rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, trong đó kiến nghị loại bỏ 2.000 trong số 4.000 điều kiện kinh doanh hiện hành, Thủ tướng yêu cầu các bộ phải rà soát, đối thoại với doanh nghiệp về các điều kiện kinh doanh để chủ động hoặc kiến nghị sửa đổi. Thủ tướng quyết định khởi động tại Tổ thi hành luật doanh nghiệp, đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo nghị định hoặc Chỉ thị về điều kiện kinh doanh trình Thủ tướng vào quý 4 tới. Đến cuối năm nay các bộ sẽ phải báo cáo Chính phủ danh mục các điều kiện kinh doanh được bãi bỏ. Cũng trong phiên họp này, Chính phủ đã nhất trí với đề nghị xây dựng dự án Luật chứng khoán (sửa đổi) và Nghị định quản lý và tổ chức lễ hội.

 

* VTV.vn (23/8): Tuần này, công bố kết luận thanh tra tài sản Giám đốc sở ở Yên Bái

Sau 4 lần trì hoãn, dự kiến ngày 24/8, Thanh tra Chính phủ sẽ công bố kết luận thanh tra tài sản của Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Yên Bái.

Liên quan đến việc chậm công bố kết luận thanh tra, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ giải thích, do Thanh tra Chính phủ đang có sự thay đổi nhân sự, tân Phó Tổng Thanh tra Chính phủ - Bùi Ngọc Lam sẽ phụ trách lại vụ việc này nên cần phải xem xét lại hồ sơ vụ việc.

Trong các lần lỗi hẹn trước đó, các lý do được đưa ra có việc huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) phải gánh chịu hậu quả nặng nề của lũ ống, công tác cứu hộ và khắc phục hậu quả phải được đặt lên hàng đầu.

Trưởng đoàn Thanh tra vụ việc này khẳng định, theo nguyên tắc khi đã thanh tra là phải công bố kết luận công khai nên việc công bố chỉ là vấn đề thời gian.

 

* VTV.vn (23/8): Triển khai kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Yên Bái

Ngày 22/8, triển khai kế hoạch kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng tại tỉnh Yên Bái, đồng chí Phan Đình Trạc,Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã đề nghị Tỉnh uỷ Yên Bái bổ sung thêm vào báo cáo, hồ sơ việc xử lý các vấn đề báo chí phản ánh liên quan đến tiêu cực, tham nhũng, kinh tế.

Đồng thời thẳng thắn phản ánh những khó khăn trong phát hiện, xử lý các sai phạm về kinh tế, tham nhũng để đề xuất với Trung ương sửa cho phù hợp với thực tiễn. Đồng chí Phan Đình Trạc cũng yêu cầu Đoàn công tác công tâm, khách quan, thực hiện đúng quy định của Đảng về kiểm tra, giám sát.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối tháng, Đoàn công tác của Trung ương sẽ kiểm tra việc phòng chống tham nhũng tại một số cơ quan tư pháp, cơ quan trực thuộc tỉnh ủy và một số số đơn vị dễ phát sinh tiêu cực như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh.

Trước đó, báo cáo của Tỉnh ủy Yên Bái cho biết từ năm 2011 đến nay địa phương này cũng đã xử lý được một số vụ án tham nhũng, tuy nhiên, số lượng không nhiều, mức độ và hậu quả gây ra không lớn.

 

* Pháp Luật TPHCM (22/8): Triển khai kết luận sai phạm tại Ban chỉ đạo Tây Nam bộ

Liên quan đến sai phạm xảy ra tại cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, chiều 22/8, đại diện Ủy ban Kiểm tra trung ương (UBKTTW) đã vào làm việc với Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, những cán bộ có liên quan.

Nội dung buổi làm việc là để chính thức triển khai thông báo kết luận có kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ giai đoạn 2011-2016 và một số cá nhân liên quan, đồng thời khai thông những nội dung để sắp tới triển khai kiểm điểm, xử lý tập thể, cá nhân liên quan.

Buổi làm việc kéo dài từ đầu giờ chiều 22-8 cho đến gần 17 giờ chiều cùng ngày và mọi thông tin đều được giữ kín.

Ông Sơn Minh Thắng - Ủy viên trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ xác nhận có cuộc làm việc nêu trên. Trong khi đó, liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Phong Quang – nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và là người được quy kết chịu trách nhiệm trong hàng loạt sai phạm về công tác cán bộ cũng như tài chính tại ban chỉ đạo Tây Nam bộ thì ông Quang cho biết không dự họp và không triển khai thông báo kết luận nào cả.

Ông Nguyễn Phong Quang có mặt tại trụ sở Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và phóng viên tiếp tục điện thoại để hỏi thì được ông cho biết: “Không nhận thông báo kết luận nào cả”. Trả lời xong ông Quang đi ra cửa phụ từ trụ sở cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ qua nhà khách của Ban và đi thẳng vào trong, trong khi đó hàng chục phóng viên của các cơ quan báo đài đứng chờ ở phía ngoài để tiếp cận phỏng vấn nhưng không được.

Trước đó, chiều 31/7, UBKTTW đã ra thông cáo về kỳ họp thứ 16. Tại kỳ họp này, UBKTTW đã xem xét, kết luận một số nội dung, trong đó có kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ giai đoạn 2011-2016 và một số cá nhân liên quan.

Theo đó, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ giai đoạn 2011-2016 đã có các vi phạm, khuyết điểm như thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế làm việc, các quy định về công tác cán bộ, để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm nghiêm trọng trong thời gian dài tại Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo.

Chưa phát huy vai trò lãnh đạo của tập thể Thường trực Cơ quan Ban Chỉ đạo và Đảng ủy Cơ quan, để một số cá nhân vi phạm quy chế làm việc, quyết định tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm ngạch công chức, xếp bậc lương, bổ nhiệm, điều động cán bộ không đúng quy định của Đảng, Nhà nước.

Chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc, quy định về công tác cán bộ; Buông lỏng lãnh đạo, quản lý, để Văn phòng, bộ phận nghiệp vụ tài chính, kế toán Cơ quan Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (giai đoạn 2011-2016) vi phạm các quy định về quản lý tài chính, để ngoài sổ sách kế toán nguồn kinh phí vận động tài trợ số tiền trên một trăm tỷ đồng.

Đối với ông Nguyễn Phong Quang, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực, Thủ trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ giai đoạn 2011-2016, ông đã vi phạm Quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ trong việc cho chủ trương và quyết định về công tác tổ chức, cán bộ; trực tiếp ký bổ nhiệm 32 trường hợp không bảo đảm nguyên tắc, quy trình, thủ tục và không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, trong đó có trường hợp Vũ Minh Hoàng và Nguyễn Tiến Khoa.

Buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm để cấp dưới làm trái các quy định về quản lý tài chính, tài sản; để ngoài sổ sách kế toán số tiền trên một trăm tỷ đồng; lập chứng từ khống để rút ngân sách nhà nước và tiền tài trợ, gây thất thoát nghiêm trọng tiền, tài sản của Nhà nước.

Ông Quang cũng vi phạm trong việc chuyển giao hơn hai nghìn m2 đất của Cơ quan Ban Chỉ đạo cho Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tây Nam bộ; Vi phạm quy định của Đảng trong việc tự nhận đề cử chức Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tây Nam bộ.  Ngoài ra, ông lấy danh nghĩa Ban Chỉ đạo để vận động tài trợ cho Hội là không đúng chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

Đối với ông Nguyễn Quốc Việt, Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, ông Việt cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Đảng ủy và Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo; Trực tiếp ký 11 quyết định bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo không bảo đảm nguyên tắc, quy trình, thủ tục và không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; Vi phạm các nguyên tắc, quy định của Đảng trong việc quyết định tiếp nhận và phân công nhiệm vụ cho một số đảng viên.

Ngoài ông Quang và ông Việt, UBKTTW đã kiểm tra và kết luận vi phạm, khuyết điểm của Chánh Văn phòng, nguyên Chánh Văn phòng, Kế toán trưởng, nguyên Kế toán trưởng, Thủ quỹ và nguyên Thủ quỹ của Cơ quan Ban Chỉ đạo giai đoạn 2011-2016.

 

* Pháp Luật TPHCM (23/8): Vụ giấy chứng tử ở phường Văn Miếu: Đuổi việc một người

Ngày 22/8, Chủ tịch UBND phường Văn Miếu Vũ Thị Mai Khanh cho biết UBND phường đã chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Nguyễn Lê Hiếu. Ông Hiếu thuộc diện cán bộ theo hợp đồng ngắn hạn, được phân công làm việc tại bộ phận một cửa, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của UBND phường Văn Miếu.

Nguyên nhân cắt hợp đồng là do ông Hiếu đã có những vi phạm khi làm thủ tục tiếp nhận hồ sơ cấp giấy chứng nhận khai tử đối với người dân.

Trước đó,  vào sáng 19-7, bà Vũ Thanh Hoa (công dân tại phường Văn Miếu) đã đến bộ phận 1 cửa của phường Văn Miếu để làm thủ tục cấp giấy chứng tử cho bố đẻ. Tại đây, bà Hoa đã bị cán bộ tiếp nhận hồ sơ là ông Hiếu gây khó dễ.

Sau đó, bà Hoa đã thuật lại chuyện mình bị “hành” trên facebook cá nhân, và được dư luận đặc biệt quan tâm. Vụ việc khiến Chủ tịch UBND TP Hà Nội phải chỉ đạo thanh kiểm tra công vụ, làm rõ để xử lý.

 

* Pháp Luật TPHCM (23/8): Hà Nội: Rút từ 108 xuống còn 48 Ban chỉ đạo

Sáng 22/8, tại phiên họp tập thể của UBND TP Hà Nội, chủ đề tinh gọn bộ máy tiếp tục được chú trọng. Theo đó, Hà Nội dự định giải thể, sát nhập một số ban chỉ đạo không cần thiết, rút số lượng ban chỉ đạo từ 108 xuống còn 48.

Theo báo cáo của Văn phòng UBND TP, hiện Hà Nội còn 108 ban chỉ đạo đang hoạt động. Các ban chỉ đạo của TP chỉ là tổ chức kiêm nghiệm có nhiệm vụ tư vấn cho UBND TP, không có trách nhiệm tư vấn cụ thể. Trong khi đó, các sở ngành, cơ quan chuyên môn của TP đã làm nhiệm vụ này và được quy định về thẩm quyền trách nhiệm quản lý cụ thể.

“Việc thành lập quá nhiều Ban chỉ đạo TP có thể làm giảm trách nhiệm tham mưu, quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên môn của TP. Bên cạnh đó, một số Ban Chỉ đạo hoạt động còn hình thức, hiệu quả không cao, lãng phí nguồn lực, kinh phí, thời gian cho thành viên Ban Chỉ đạo. Cơ chế hoạt động Ban chỉ đạo sẽ ảnh hưởng đến nguyên tắc chỉ đạo, điều hành của UBND TP là “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả”, “một việc một đầu mối xuyên suốt”' – báo cáo đánh giá.

Theo đó, Văn phòng UBND TP Hà Nội đề xuất sắp sếp, tổ chức các Ban chỉ đạo lại theo hướng tinh gọn bộ máy. Cụ thể, sáp nhập các ban chỉ đạo có nội dung trùng lặp, chung cơ quan thường trực; giải thể những ban chỉ đạo không phù hợp và chỉ giữ lại những ban chỉ đạo mà Trung ương quy định phải thành lập. Theo đó, Văn phòng UBND TP Hà Nội đề xuất giữ nguyên 40 ban chỉ đạo, sáp nhập 27 ban lại thành 8 ban, giải thể 41 ban chỉ đạo. Như vậy số lượng các Ban chỉ đạo sẽ giảm từ 108 xuống còn 48.

 

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH 

* TVPL (23/8): Đơn giản hóa TTHC khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Đây là nội dung nổi bật tại Nghị quyết 79/NQ-CP về việc đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi quản lý của BTN&MT. Theo đó, đơn giản hóa TTHC về đất đai nhóm các lĩnh vực:

- Đăng ký QSDĐ lần đầu;

- Cấp GCN QSDĐ, QSH nhà và tài sản gắn liền với đất cho người đã đăng ký QSDĐ lần đầu;

- Đăng ký, cấp GCN QSDĐ, QSH nhà và tài sản gắn liền với đất lần đầu;

- Đăng ký, cấp GCN QSDĐ, QSH nhà và tài sản gắn liền với đất lần đầu mà chủ sở hữu không đồng thời là người sử dụng;

- Đăng ký bổ sung tài sản vào GCN đã cấp;

- Đăng ký đất đai lần đầu trường hợp được giao đất để quản lý;

- Đăng ký, cấp GCN QSDĐ, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng trong dự án phát triển nhà ở.

Cụ thể, mẫu đơn và tờ khai tại Thông tư 24/2014/TT-BTNMT sẽ thay đổi:

- Mẫu 04a/ĐK: Thay thế cụm từ “số CMND” và “số chứng minh nhân dân” đổi thành “số định danh cá nhân”;

- Mẫu 04b/ĐK: thay thế cụm từ “ghi thông tin về CMND” bằng “số định danh cá nhân”.

Xem thêm tại Nghị quyết 79/NQ-CP (có hiệu lực từ ngày 18/8/2017).

 

* Vietnamnet.vn (23/8): Bộ TT&TT thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính

Chiều 22/8, tại trụ sở Bộ Thông tin & Truyền thông diễn ra lễ ký kết Chương trình phối hợp Thúc đẩy gắn kết ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) với cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2017 - 2020. Chương trình được thực hiện với sự phối hợp giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Nội vụ.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, việc ban hành chương trình giai đoạn 2017 - 2020 có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phối hợp, triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ứng dụng CNTT, hiện đại hoá nền hành chính, xây dựng chính phủ điện tử theo tinh thần nghị quyết 30C và nghị quyết 36A và chương trình Quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

Căn cứ chương trình phối hợp này, các đơn vị liên quan về ứng dụng CNTT và cải cách hành chính của các Bộ, ngành, các Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trên cả nước có căn cứ để xây dựng ban hành các chương trình phối hợp, thúc đẩy gắn kết ứng dụng CNTT với cải cách hành chính tại các Bộ, ngành, địa phương, góp phần thúc đẩy gắn kết hoạt động ứng dụng CNTT với cải cách hành chính trên phạm vi toàn quốc để xây dựng nền hành chính hiện đại, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.

 

* Báo Nghệ An (23/8): Oxfam Việt Nam nhấn mạnh 4 vấn đề khi triển khai “dân chấm điểm chính quyền”

Đó là nội dung chính được đưa ra tại chương trình làm việc giữa Thường trực HĐND tỉnh với tổ chức Oxfam Việt Nam liên quan đến việc triển khai dự án “Dân chấm điểm chính quyền - M-Score”, chiều 23/8.

Tại cuộc làm việc, đại diện tổ chức Oxfam Việt Nam, bà Nguyễn Lê Hoa đánh giá cao sự thận trọng, nỗ lực của Thường trực HĐND tỉnh; qua đó đã tìm hiểu kỹ dự án này, đồng thời trực tiếp khảo sát thực tiễn triển khai ở tỉnh Quảng Trị, trước khi quyết định triển khai dự án ở Nghệ An. 

Đây là bước đi quan trọng để đảm bảo dự án khi triển khai ở Nghệ An đem lại hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bà Nguyễn Lê Hoa cũng đưa ra 4 yêu cầu cần quan tâm trong quá trình triển khai dự án: Đặt tầm quan trọng của công tác tuyền thông về dự án để người dân hiểu và tham gia; Xây dựng cơ sở hạ tầng và bố trí cán bộ để thiết kế hệ thống kỹ thuật lấy thông tin; Phân tích và hệ thống thông tin; Báo cáo, xử lý và chia sẻ thông tin, đảm bảo công khai, minh bạch, nhưng không tạo ra sự nhiễu loạn thông tin.

Dự án "Dân chấm điểm M-Score" đã được tổ chức Oxfam Việt Nam triển khai thí điểm và thành công bước đầu tại 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.

Mục tiêu dự án là nhằm thiết lập cơ chế để người dân, doanh nghiệp phản hồi, đánh giá, chấm điểm về chất lượng thực hiện thủ tục hành chính và tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước các cấp, nhất là tại bộ phận “một cửa” các cấp, ngành.

Đây là công cụ khách quan giúp người dân đánh giá, phản hồi về chất lượng dịch vụ công; từ đó giúp lãnh đạo tỉnh, huyện và cơ quan cung cấp dịch vụ công có điều chỉnh, nâng cao chất lượng, tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính đối với nhân dân, giảm chi phí người dân chi trả cho dịch vụ hành chính công, nhất là chi phí không chính thức; nâng cao hiệu quả, hiệu lực giám sát của HĐND tỉnh đối với các hoat động của Nhà nước cũng như tinh thần, thái độ, trách nhiệm của cán bộ, công chức.

 

* Báo Chính Phủ Điện Tử (24/8): Bộ Nội vụ tập huấn về ISO điện tử cho cán bộ, công chức

Sáng 23/8, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ khai mạc lớp tập huấn về ISO điện tử cho cán bộ, công chức, viên chức năm 2017.

Theo ông Nguyễn Tiến Thành, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, việc hiện đại hoá nền công vụ, áp dụng công nghệ thông tin là một trong những giải pháp nhằm đạt mục tiêu cải cách hành chính hiệu quả, chất lượng trong cách thức hoạt động, điều hành của bộ máy hành chính Nhà nước. Trong đó, công nghệ thông tin tham gia vào tất cả các nhiệm vụ của mỗi tổ chức, từng cán bộ công chức, thể hiện rõ trên các phương diện như quy trình xử lý công việc của từng cơ quan hành chính, giữa các cơ quan hành chính Nhà nước với nhau trên môi trường mạng; giao dịch với tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trong hoạt động dịch vụ hành chính công được điện tử hoá từng khâu; quá trình chuyển đổi từ quy trình ISO truyền thống sang ISO điện tử bảo đảm hiệu quả và tiết kiệm…

Với kết quả triển khai công tác ISO trong thời gian qua, Bộ Nội vụ luôn xác định việc đổi mới quy trình và áp dụng công nghệ thông tin tiến tới một nền hành chính thân thiện, dễ tiếp cận, cung cấp các dịch vụ công của Bộ Nội vụ đến với người dân và doanh nghiệp ngày càng thiết thực hơn.

 

* Baodauthau.vn (23/8): Đấu thầu qua mạng, Đà Nẵng ghi điểm

Không chỉ thực hiện đấu thầu qua mạng theo lộ trình, UBND thành phố Đà Nẵng đã đặt ra kế hoạch thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng với mục tiêu sẽ đem lại hiệu quả cao hơn trong sử dụng vốn ngân sách nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế, nâng cao niềm tin của người dân vào hoạt động đấu thầu mua sắm công.

Theo thống kê trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, thành phố Đà Nẵng là địa phương đang dẫn đầu cả nước về tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng trong 6 tháng đầu năm. Theo đó, trong 6 tháng, thành phố đã triển khai đấu thầu qua mạng 17 trong tổng số 71 gói thầu chào hàng cạnh tranh, đạt tỷ lệ 24%; 16 trong tổng số 185 gói thầu đấu thầu rộng rãi, đạt tỷ lệ 9%.

Trong khi đó, theo quy định tại Thông tư 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC, về lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các chủ đầu tư, bên mời thầu trực thuộc phải tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng tối thiểu 30% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, 15% số lượng các gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế trong năm 2017. Kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm nêu trên cho thấy nhiều khả năng Đà Nẵng sẽ đạt và vượt mức chỉ tiêu theo lộ trình quy định tại Thông tư 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC.

Mới đây (ngày 11/8/2017), Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng (một trong những bên mời thầu trực thuộc thành phố) đã tổ chức mở thầu 9 gói thầu mua sắm tài sản theo phương thức tập trung qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Có 26 lượt nhà thầu tham gia dự thầu các gói thầu nêu trên.

Cùng với việc thực hiện đấu thầu qua mạng theo đúng lộ trình được UBND thành phố phê duyệt, cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ chủ động rà soát để xác định những gói thầu đủ điều kiện và có thể thực hiện đấu thầu qua mạng thì sẽ tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị thực hiện. Bởi, trong quá trình thực hiện, việc tích cực triển khai lựa chọn nhà thầu qua mạng giúp tăng cường tính minh bạch, cạnh tranh và nâng cao hiệu quả trong công tác đấu thầu của Thành phố rất nhiều.

 

PHÁP LUẬT 

* Dân Trí (23/8): Thanh Hóa: Bí thư xã bị cảnh cáo vì khai man hồ sơ

Bí thư Đảng ủy xã Quảng Hùng vừa bị Thành ủy thành phố Sầm Sơn thi hành kỷ luật với hình thức cảnh cáo về mặt đảng.

Theo đó, người bị thi hành kỷ luật là ông Văn Đình Tuyên, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Hùng. Ông Tuyên bị kỷ luật vì kê khai không đúng về trường hợp bị thương và thời gian bị thương để lập hồ sơ hưởng chế độ thương binh.

Được biết, hiện nay, ông Tuyên đã làm đơn xin nghỉ chờ vì lý do sức khỏe. Trước đó, người dân Quảng Hùng đã từng tố cáo về việc ông Văn Đình Tuyên (khi đó đang giữ chức Chủ tịch UBND xã Quảng Hùng), làm giả hồ sơ để nhận chế độ thương binh. Ngoài ra, ông Tuyên còn bị tố cáo khai man tuổi đời và thành tích để làm Huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Thời điểm trước, khi xã Quảng Hùng còn trực thuộc huyện Quảng Xương (xã Quảng Hùng mới được sáp nhập về thành phố Sầm Sơn), đoàn thanh tra huyện Quảng Xương đã vào cuộc xác minh vi phạm của ông Tuyên. Thấy việc làm của mình sai lầm nên ông Tuyên không nhận Huy chương và tiền thưởng của Nhà nước. Thời điểm đó, ông Tuyên bị kỷ luật với hình thức khiển trách.

Vừa qua, Thường vụ Thành ủy Sầm Sơn cũng đã ban hành quyết định kỷ luật cảnh cáo đảng đối với ông Lê Anh Quyết, Phó bí thư - Chủ tịch UBND phường Trường Sơn; ông Trịnh Tứ Khoa - Phó Chủ tịch UBND phường Trung Sơn bị khiển trách; 2 cán bộ địa chính là ông Nguyễn Văn Hùng và ông Đỗ Văn Châu bị kỷ luật cảnh cáo.

 

* Pháp Luật TPHCM (23/8): Kỷ luật Phó Phòng Cảnh sát hình sự Công an Tiền Giang

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Tiền Giang vừa thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Trần Văn Quí, Phó Trưởng Công an thị xã Gò Công, nguyên Trưởng nhà tạm giữ Công an thị xã Gò Công và ông Phan Tấn Ca, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tiền Giang.

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Tiền Giang, ông Quí với vai trò phó trưởng công an, trưởng nhà tạm giữ Công an thị xã Gò Công nhưng thiếu kiểm tra, giáo dục cán bộ cấp dưới chấp hành các quy định về công tác tạm giữ, tạm giam của nhà tạm giữ, dẫn đến một số cán bộ quản giáo vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng.

Ông Ca với vai trò Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh là người am hiểu pháp luật và thực thi pháp luật nhưng đã ký văn bản yêu cầu trích xuất, ra lệnh tạm giam đối với một can phạm khi chưa được phân công và ký các báo cáo đề nghị xin gia hạn sử dụng cộng tác viên bí mật đối với một phạm nhân không đúng thực tế, không đúng quy định.

 

* Antt.vn (23/8): Kỷ luật khiển trách 2 Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Khánh Hòa

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với 2 Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh là ông Phạm Ngọc Lễ và ông Hồ Hữu Đức.

Theo kết luận của UB Kiểm tra Tỉnh ủy, trước đó, ngày 8/12/2016, ông Phạm Ngọc Lễ, Bí thư chi bộ đã thay mặt Chi bộ Liên minh Hợp tác xã tỉnh ký và ban hành Văn bản số 13, gửi nhiều nơi đề nghị dừng việc điều động cán bộ về công tác tại Liên minh Hợp tác xã tỉnh. Hành vi này của ông Lễ được xác định là không chấp hành nghiêm Thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về điều động và bố trí cán bộ. Tiếp đó, Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh đã yêu cầu thu hồi Văn bản số 13 nhưng ông Lễ không chấp hành. Việc làm này của ông Lễ đã vi phạm Điều 1, Điều 7 và Điều 11, Quy định số 47 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm.

Ông Hồ Hữu Đức, nguyên nhân bị kỷ luật là do không chấp hành Thông báo số 213, ngày 2/12/2016 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về việc điều động ông Đinh Văn Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh về để bầu giữ chức vụ Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh. Theo đó, ông Đức đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Ngoài ra, UB Kiểm tra cũng xác định, ông Đức có tham gia nội dung Văn bản số 13 nói trên, vi phạm Khoản 4, Điều 9, Điều lệ Đảng "Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng...".

 

THẾ GIỚI 

* Thanh Tra (23/8): Trung Quốc kỷ luật hàng nghìn Đảng viên vi phạm quy định về tiết kiệm

Theo thông tin từ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) ngày 21/8 cho biết, cơ quan này trong tháng Bảy vừa qua đã ban hành quyết định kỷ luật đối với 6.184 cán bộ vi phạm tinh thần 8 quy định của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) về thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, trong đó xử kỷ luật Đảng đối với 4.320 người.

Trung Quốc kỷ luật hàng nghìn Đảng viên vi phạm quy định về tiết kiệm (Nguồn: South China Morning Post) Theo CCDI, 6.184 cán bộ nói trên có liên quan tới 4.342 vụ vi phạm.

Các trường hợp vi phạm quy định về thanh toán phụ cấp hoặc phúc lợi chiếm số lượng nhiều nhất với 1.012 vụ, tương đương với gần 25% tổng số vụ vi phạm. Những trường hợp vi phạm phổ biến khác là sử dụng xe công sai mục đích (864 vụ), đưa và nhận tiền hoặc quà tặng sai quy định (814 vụ).

Theo thống kê của CCDI, trong 7 tháng đầu năm nay đã có 35.399 cán bộ của Trung Quốc bị xử lý kỷ luật vì vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, trong đó có 24.364 người bị xử lý kỷ luật Đảng.

 

* TTXVN/Vietnam+ (22/8): Trung Quốc sáp nhập doanh nghiệp nhà nước để nâng sức cạnh tranh

Chính phủ Trung Quốc vừa phê chuẩn quyết định tái cơ cấu 3 doanh nghiệp nhà nước trực thuộc trung ương.

Theo đó, Tập đoàn Công nghiệp nhẹ Trung Quốc (Sinolight), Tập đoàn Mỹ nghệ và Mỹ thuật Trung Quốc (CNACGC) sẽ được sáp nhập để trở thành các công ty con hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Bảo Lợi Trung Quốc (Poly Group).

Với quyết định nói trên, số doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Trung ương của Trung Quốc hiện nay sẽ giảm xuống còn 99 doanh nghiệp, thấp hơn rất nhiều so với con số 196 doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Trung ương vào năm 2003.

Mục tiêu dài hạn của SASAC là cắt giảm số lượng doanh nghiệp nhà nước trực thuộc trung ương xuống còn dưới 100 doanh nghiệp để phục vụ cho chiến lược thúc đẩy tái cơ cấu và cải cách nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh.

 

* VTV.vn (22/8): Philippines lo ngại sự lạm quyền trong phòng chống ma túy

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết, có thể có sự lạm quyền trong cuộc chiến chống ma túy của chính phủ.

Ông Rodrigo Duterte đã ra lệnh bắt những cảnh sát tham gia vào vụ giết chết một học sinh trung học trong một vụ truy quét ma túy hồi tuần trước.

Trong một cuộc họp báo tại dinh Tổng thống, Tổng thống Duterte cho biết ông sẽ không dung túng cho hành vi lạm quyền và các sỹ quan cảnh sát tham gia vào vụ giết chết một học sinh trung học sẽ phải chịu hình phạt nếu kết quả điều tra chính thức kết luận điều đó.

Ngay sau khi nhậm chức ngày 30/6/2016, Tổng thống Duterte đã lập tức khởi động chiến dịch chống ma túy gắt gao, một trong những lời hứa đã giúp ông đắc cử với kết quả thuyết phục. Tuy nhiên, ông cho biết sẽ không bao che, bảo vệ cho lực lượng cảnh sát.

Tổng thống Duterte cũng cho rằng một số thành phần xấu trong lực lượng cảnh sát đang hủy hoại uy tín, làm xấu hình ảnh chính phủ của ông./.

 

Tin mới nhất

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23/12 đến 26/12 năm 2023(26/12/2023 10:49 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 20/12 đến 22/12 năm 2023(22/12/2023 7:33 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 16/12 đến 19/12 năm 2023(19/12/2023 9:45 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 13/12 đến 15/12 năm 2023(15/12/2023 11:03 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 09/12 đến 12/12 năm 2023(12/12/2023 6:36 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 05/12 đến 08/12 năm 2023(08/12/2023 11:28 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01/12 đến 04/12 năm 2023(05/12/2023 5:51 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/11 đến 1/12 năm 2023 (01/12/2023 8:54 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25/11 đến 27/11 năm 2023(27/11/2023 8:59 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 3/11 đến 8/11 năm 2023(08/11/2023 9:22 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/10 đến 31/10 năm 2023(01/11/2023 9:20 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 21/10 đến 24/10 năm 2023(25/10/2023 9:34 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 11/10 đến 13/10 năm 2023(24/10/2023 5:47 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 9:22 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 2:34 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 7/10 đến 10/10 năm 2023(11/10/2023 5:11 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 04 đến ngày 06 tháng 10 năm 2023(06/10/2023 10:50 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 10 năm 2023(04/10/2023 4:02 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 8 năm 2023(31/08/2023 2:12 SA)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 8 năm 2023(25/08/2023 5:33 CH)

<< < 1 2 3 4 5  ... > >> 
°
Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
386 người đã bình chọn