Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 4 năm 2017

Update 23 - 06 - 2017
100%

PHẦN I- TIN ĐIỆN BIÊN

* TTXVN (20/4): Điện Biên: Thất thu ngân sách vì nạn khai thác khoảng sản trái phép

Toàn tỉnh Điện Biên hiện có 83 mỏ và điểm mỏ, hoạt động khai thác 20 loại khoáng sản, bao gồm các loại khoáng sản rắn, một số nguồn nước nóng và nước khoáng…

Trên địa bàn tỉnh hiện vẫn diễn ra tình trạng khai thác khoáng sản tự phát và khó kiểm soát, làm thất thu ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng.

Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên, tính từ năm 2016 đến hết quý I/2017, các đơn vị khai thác khoáng sản trong toàn tỉnh đã thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước hơn 7,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với trữ lượng nguồn tài nguyên bị khai thác trên địa bàn tỉnh Điện Biên thì ngân sách Nhà nước ước tính mỗi năm thất thu khoảng 50 tỷ đồng. 

Nguyên nhân cơ bản là do tỉnh có địa bàn rộng; các công trình nhỏ lẻ như: Dự án 135 (Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi), xây dựng nông thôn mới, các chương trình giảm nghèo nhanh bền vững… đều ở vùng sâu, vùng xa. Việc chuyển vật liệu xây dựng từ các mỏ về khá xa, do đó nảy sinh hiện tượng sử dụng khoáng sản tại chỗ nhưng phê duyệt khai thác vẫn ở các điểm mỏ. 

Bên cạnh đó còn xuất hiện tình trạng người dân tự ý khai thác rồi đem bán tại các cửa hàng vật liệu xây dựng với giá thành rẻ dẫn đến việc thất thu ngân sách Nhà nước. 

Theo ông Bùi Châu Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên, để ngăn chặn tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, hạn chế thất thu ngân sách Nhà nước trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, thời gian tới đơn vị sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, nhất là các hoạt động khai thác vàng, chì và vật liệu xây dựng thông thường. 

Bên cạnh đó, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hoạt động khai thác khoáng sản nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về lĩnh vực này.

 

* Báo Điện Biên Phủ (20/4): Thiếu gần 99,7 tỷ đồng cho các dự án TĐC Thủy điện Sơn La

Thống kê của Ban Quản lý dự án TP. Điện Biên Phủ, vốn bố trí cho các dự án còn lại thuộc Dự án tái định cư (TĐC) Thủy điện Sơn La trên địa bàn còn thiếu gần 99,7 tỷ đồng.

Bao gồm điểm TĐC Khe Chít mở rộng thiếu 49 tỷ đồng (xây lắp thiếu 34 tỷ đồng; bồi thường hỗ trợ TĐC thiếu 15 tỷ đồng); Dự án đường từ ngã ba Bệnh viện Đa khoa tỉnh đến ngã tư Tà Lèng thiếu gần 15 tỷ đồng (xây lắp hơn 9 tỷ đồng, bồi thường hỗ trợ TĐC gần 5,6 tỷ đồng); Dự án đường vào khu TĐC đoạn từ đường Hoàng Văn Thái đến ngã tư Khe Chít thiếu hơn 53 tỷ đồng (xây lắp thiếu trên 32,2 tỷ đồng; bồi thường hỗ trợ và tái định cư thiếu gần 3,8 tỷ đồng).

 

* Báo Điện Biên Phủ (20/4): Hơn 300 thuê bao cố định bị mất tín hiệu cục bộ

Khoảng từ 11 giờ 30 phút, ngày 19/4, hơn 300 thuê bao cố định trên địa bàn các phường: Thanh Trường, Thanh Bình, Mường Thanh, Him Lam, TP. Điện Biên Phủ bị mất tín hiệu cục bộ, không liên lạc được, ảnh hưởng tới thông tin liên lạc của nhiều cơ quan, đơn vị.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Viễn thông Điện Biên cho biết: Đây là sự cố hiếm gặp, khoảng 10 năm nay mới xảy ra. Nguyên nhân do lỗi kỹ thuật máy móc trên hệ thống mạng phân tán của Viễn thông Điện Biên. Ngay khi xảy ra sự cố, Ban Giám đốc Viễn thông Điện Biên đã chỉ đạo bộ phận kỹ thuật kịp thời xử lý, khắc phục lưu trữ máy chủ mạng và load lại dữ liệu. Tới khoảng 16 giờ cùng ngày, hệ thống đã cơ bản hoạt động lại, các thuê bao cố định đã hoạt động bình thường.

 

* Báo Điện Biên Phủ (20/4):  Hơn 400 cá nhân, tổ chức tự giác tháo dỡ các công trình, hạng mục vi phạm hành lang ATGT đô thị

Theo Trung tá Lương Thanh Sơn, Đội trưởng Đội CSGT – TTCĐ (Công an TP. Điện Biên Phủ), cho biết: Thực hiện lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đô thị trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, từ đầu tháng 4/2017 đến nay, các tổ công tác liên ngành đã tiến hành đo đạc, tổ chức ký cam kết cho hơn 2.200 hộ gia đình, tổ chức không vi phạm hành lang an toàn giao thông đô thị.

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, đến thời điểm này đã có hơn 400 cá nhân, tổ chức thuộc các phường: Mường Thanh, Nam Thanh, Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ) tự giác chấp hành tháo dỡ các công trình, hạng mục, như: bệ, bục, bậc lên xuống, lối đi cho ô tô, xe máy từ lòng đường lên hè phố, mái che, mái vẩy, biển quảng cáo… Thời gian tới, nếu các tổ chức, cá nhân vi phạm đã hết thời gian thông báo mà không tự giác di dời, tháo dỡ, các tổ công tác liên ngành sẽ tiến hành xử lý vi phạm hành chính, đồng thời tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ, tạm giữ hàng hóa bày bán, vật liệu… do lấn chiếm hành lang, lòng đường để giải quyết theo quy định.

 

* Báo Điện Biên Phủ (20/4): Nông sản sạch Điện Biên đến với Hội chợ nông sản lần thứ I

Điện Biên Food, Công ty TNHH Đại Bách là hai công ty có gian hàng nông sản sạch mang thương hiệu Điện Biên tham gia Hội chợ Nông sản tiểu thủ công nghiệp của các HTX, liên hiệp HTX và doanh nghiệp Việt Nam lần thứ I tại Hà Nội, vào ngày 18/4. Hội chợ do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đăng cai tổ chức.

Anh Phạm Hồng Sơn, Phòng Kinh doanh Điện Biên Food, cho biết: Đến với Hội chợ nông sản sạch, Công ty không đặt ra doanh thu của gian hàng mà mong muốn giới thiệu, quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng ở Hà Nội nói riêng và người tiêu dùng trong nước nói chung biết đến các mặt hàng là đặc sản và các loại sản phẩm sạch được sản xuất, chế biến tại Điện Biên.

Các sản phẩm mà Điện Biên Food giới thiệu, gồm: Thịt trâu gác bếp, chè tuyết san, cà phê, nấm linh chi, mắc khén... và rất nhiều sản phẩm sạch khác. Với giá thành phải chăng, chất lượng sản phẩm tốt cùng với đội ngũ nhân viên tư vấn nhiệt tình, gian hàng của Điện Biên Food và Đại Bách rất đông người tham quan, mua sắm.

Hội chợ nông sản tiểu thủ công nghiệp được tổ chức tại công viên Thống Nhất Hà Nội, có sự tham gia của hơn 300 gian hàng của hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã, doanh nghiệp Việt Nam và một số nước trong khu vực, nhằm quảng bá thương hiệu nông, lâm, thủy hải sản, trái cây sạch, an toàn, hàng thủ công mỹ nghệ, tiểu thủ công nghiệp… chất lượng cao của Việt Nam. Hội chợ diễn ra trong 4 ngày, từ 18-21/4.

* TTXVN (20/4): Điện Biên kỳ vọng vào mùa thu hoạch cao su đầu tiên

Sau thời gian chờ đợi, đến nay dù hơi muộn so với lộ trình, cây cao su ở Điện Biên cũng đến ngày cho thu hoạch. Người dân ở nơi đây kỳ vọng những giọt cao su sẽ đem lại nguồn thu nhập đáng kể giúp ổn định cuộc sống sau thời gian dài trông ngóng. 

Những ngày qua, Công ty cổ phần Cao su Điện Biên gấp rút hướng dẫn, tập huấn kỹ năng khai thác mủ cho công nhân và hộ gia đình nhận khoán. Sau thời gian từ 7 - 10 ngày, hầu hết công nhân và lao động nhận khoán đều nắm vững kỹ thuật cạo mủ, sẵn sàng đi vào khai thác chính thức. 

Anh Phan Xuân Phương, Đội trưởng Đội 1 Cao su xã Mường Pồn cho biết, năm nay, đơn vị sẽ tiến hành khai thác 200 ha cao su. Vừa qua, công nhân công ty và công nhân thời vụ được đào tạo kỹ thuật cạo mủ. Hiện cán bộ của đơn vị kèm cặp, hướng dẫn công nhân kỹ thuật để chuẩn bị cho ngày khai thác chính thức có hiệu quả cao nhất. 

Ông Phan Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên cho biết, trong năm 2017, đơn vị sẽ đưa vào khai thác gần 700 ha cây cao su đủ tiêu chuẩn, sản lượng năm đầu tiên khoảng 6 tạ/ha. Số diện tích cây cao su bước vào khai thác do các hộ gia đình tham gia góp đất trồng cao su sẽ được hưởng quyền lợi dựa trên hợp đồng đã ký kết với đơn vị. Theo đó, người dân góp đất sẽ được hưởng lợi nhuận 10% từ lợi nhuận mủ cao su trên diện tích đất góp. 

Toàn tỉnh Điện Biên có gần 5.000 ha cây cao su; trong đó, hơn 3.700 ha thuộc quyền quản lý của Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên, hơn 1.200 ha thuộc quản lý của Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé.

 Trong những năm qua, việc phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh gặp nhiều vướng mắc, thiếu sự phối hợp giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Cây cao su ở Điện Biên chậm thu hoạch hơn so với lộ trình, việc xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su cũng chưa thể thực hiện do còn vướng mắc ở chi phí đền bù giải phóng mặt bằng. 

Bên cạnh đó, giá mủ cao su cũng nhiều biến động khiến việc phát triển diện tích cây cao su trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã chững lại trong hơn 1 năm trở lại đây. Điện Biên tạm thời ngừng trồng mới cao su để tập trung chăm sóc và chuẩn bị mùa thu hoạch đầu tiên. 

Theo ông Lợi, các chính sách tỉnh Điện Biên thực sự hỗ trợ cho đơn vị hiện nay cũng chưa nhiều. Như tiền dịch vụ môi trường rừng, các tỉnh khác cho cao su được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng nhưng ở Điện Biên, dù công ty đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn không được. 

Ngoài ra trên diện tích đất trồng cao su thực hiện trồng ghép các loại cây trong thời gian chưa khai thác thì được hưởng chính sách hỗ trợ giống và phân bón. 
Đánh giá về việc phát triển cây cao su vùng Tây Bắc, ông Hoàng Xuân Long, Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng, hiện so với các vùng trồng cao su truyền thống, cao su Tây Bắc có điều kiện đầu tư cũng như sản lượng mủ hạn chế hơn. Tuy nhiên, nếu thị trường cao su ổn định thì những người trồng cao su Tây Bắc sẽ có thu nhập ổn định. 

Lãnh đạo Vụ Kinh tế - Ban Chỉ đạo Tây Bắc cũng cho rằng, việc phát triển cao su ở Tây Bắc cần thiết phải xây dựng các cơ sở chế biến mủ gắn với vùng nhiên liệu. Tỉnh Lai Châu, Sơn La và tiến tới Điện Biên cũng có thể xây dựng ở mỗi tỉnh một nhà máy chế biến mủ để người dân có niềm tin, gắn chặt hơn với cây cao su. 

Thực tế, việc phát triển cây cao su ở Điện Biên vẫn chưa thể đánh giá là thành công hay không. Giờ đây chính quyền, doanh nghiệp và người dân ở Điện Biên đang kỳ vọng một mùa khai thác cao su đầu tiên thực sự hiệu quả để tiếp thêm niềm tin cho nhân dân nơi đây về cây cao su có thể giúp bà con xóa đói giảm nghèo.

 

* TTXVN (20/4): Điện Biên: Cần sớm ổn định sản xuất cho người dân theo Đề án 79

Đề án Sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đến năm 2015 (gọi tắt Đề án 79) do gặp nhiều vướng mắc, không hoàn thành đúng tiến độ, nay đang được Điện Biên quan tâm thực hiện.

Đến tháng 3/2017, việc bố trí, sắp xếp dân cư đạt 65% nhưng vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là việc bố trí đất sản xuất cho các hộ dân đã chuyển đến nơi ở mới còn nhiều vướng mắc, gặp khó khăn do thiếu đất sản xuất. 

Theo phê duyệt Đề án 79 của Thủ tướng Chính phủ, việc bố trí đất sản xuất không quá 2 ha/hộ. Tuy nhiên, người dân cho rằng diện tích này chưa đủ để canh tác, phát triển kinh tế. Bà con cũng phản ánh đất được cấp bạc màu, khó canh tác, sản xuất khó hiệu quả. 

Liên quan đến vấn đề này, nhằm giải quyết khẩn cấp đất sản xuất cho người dân, trong Thông báo kết luận số 120 ngày 7/4/2017 của Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Mường Nhé nêu rõ: “Căn cứ hiện trạng rừng đã bị phá và làm nương luân canh (đã chờ từ năm 2012 đến nay) để cơ cấu lại và giao cho một hộ không quá 3 ha, hộ có nhiều cặp vợ chồng thì thêm không quá 3ha/cặp vợ chồng để tập trung canh tác sản xuất”. 

Ngay sau đó, ngày 11/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản số 653 gửi UBND tỉnh Điện Biên về việc xem xét kết luận trong thông báo trên của huyện Mường Nhé. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cho rằng, Thông báo kết luận số 120 của huyện Mường Nhé có một số nội dung không phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trong đó nội dung về cấp đất sản xuất không quá 3ha/hộ như thông báo của huyện Mường Nhé là cần phải xem xét lại. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, khi triển khai thực hiện theo Thông báo kết luận số 120 của huyện Mường Nhé, nhiều diện tích có rừng đã kiểm kê năm 2015 sẽ bị phá đi để canh tác sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, nhiều diện tích có rừng hiện nay trên địa bàn huyện Mường Nhé trước đây đều hình thành sau nương rẫy do quá trình đầu tư của Nhà nước mới tái sinh lại thành rừng. 

Do đó, việc quy định ngưỡng thời gian luân canh đã chờ từ năm 2012 trở lại đây là rất khó xác định. Nếu quy định như vậy, nhiều khu rừng tự nhiên (kể cả khu rừng đặc dụng Mường Nhé) có nguy cơ bị phá hết để chuyển sang sản xuất nông nghiệp. 

Việc thực hiện theo Thông báo kết luận số 120 sẽ dẫn đến nhiều người dân không đến các điểm quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư theo Đề án 79 mà vẫn ở lại những nơi do phá rừng trái phép mà có đất; vô hình chung như vậy là đang hợp pháp hóa cho các diện tích đất do phá rừng, lấn chiếm đất rừng của người dân trong thời gian qua, tạo tiền lệ xấu cho các hành vi phá rừng mới.

Do địa hình huyện Mường Nhé chủ yếu là đồi núi đất dốc, diện tích đất cho sản xuất nông nghiệp rất ít nên việc giải quyết đất sản xuất cho bà con đến định cư lâu dài là một trở ngại lớn. Một số bà con do phong tục tập quán sản xuất trên nương rẫy nên việc chuyển đổi phương án sản xuất gặp nhiều khó khăn. 

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, việc thực hiện Đề án 79 cần theo lộ trình cụ thể. Bước đầu là ổn định dân cư cho các hộ dân, thứ 2 là hỗ trợ cho người dân sản xuất. Song về lâu dài phải có nhiều chương trình phối hợp giữa địa phương và các bộ, ngành, tạo điều kiện cho người dân bằng các phương thức sản xuất để nâng cao thu nhập. 

Ngoài ra, cần có những đề án, dự án để hướng dẫn người dân sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập. Mỗi hộ dân chỉ có khoảng 2ha đất sản xuất, bởi vậy cần gắn với trồng rừng, chăn nuôi và các nghề phụ khác để đảm bảo đời sống. 

Ông Hoàng Xuân Long, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho biết: Vấn đề cần quan tâm nhất đối với sắp xếp ổn định dân cư theo Đề án 79 là giao đất sản xuất. Hiện nay, nhiều hộ đã được giao đất sản xuất với tiêu chuẩn 2ha/hộ nhưng vẫn còn nhiều bà con chưa được giao đất sản xuất.

 Bên cạnh đó, cần xây dựng phương án sản xuất cho người dân để tùy theo điều kiện có thể trồng rừng kinh tế hoặc chăn nuôi có hiệu quả trên diện tích đất được giao; đồng thời phải có chính sách hỗ trợ người dân tham gia trồng rừng, khuyến khích doanh nghiệp liên kết với người dân tham gia trồng rừng để đạt hiệu quả cao nhất. 

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, từ năm 2013 – 2016, trên địa bàn huyện Mường Nhé đã xảy ra 339 vụ phá rừng trái phép, diện tích rừng bị thiệt hại hơn 1.800 ha. 

Nguyên nhân của tình trạng phá rừng chủ yếu là do dân di cư ngoài kế hoạch đến Mường Nhé, người dân thiếu đất sản xuất nên phá rừng để làm nương. Từ thực tế trên, các cấp, ngành, địa phương cần sớm vào cuộc tháo gỡ khó khăn, giao đất sản xuất để bà con ổn định cuộc sống, an tâm sản xuất nơi ở mới.

 

PHẦN II: TIN TỨC – THỜI SỰ

TIÊU ĐIỂM

* Dân Trí (20/4): Bình Định: Thêm một Sở "quá tải" Phó Giám đốc

Ngoài Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định có 6 Phó Giám đốc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này cũng có tới 5 Phó Giám đốc.

Ngày 18/4, ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định - xác nhận, hiện tại cơ quan này có 5 Phó Giám đốc gồm các ông: Nguyễn Hữu Vui - phụ trách thủy lợi; Nguyễn Hiếu Hòa - phụ trách lâm nghiệp; Đào Văn Hùng - phụ trách nông thôn mới, kinh tế hợp tác, chăn nuôi thú y; Nguyễn Văn Trượng - phụ trách trồng trọt, quản lý chất lượng; và Trần Văn Phúc - phụ trách thủy sản.

Theo quy định tại Nghị định 24/2014/NĐ-CP, ngày 4/4/2014 quy định về việc tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, “số lượng Phó Giám đốc Sở không quá 3 người”. Riêng số lượng Phó Giám đốc Sở thuộc UBND thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là không quá 4 người.

Tuy nhiên, ông Hổ cho rằng việc Sở này có 5 Phó Giám đốc cũng không có gì sai. Theo ông Hổ lý giải: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định có 5 phó là do trước đây 6 đơn vị cấp Sở sáp nhập lại. Trong đó có trường hợp phó giám đốc được bổ nhiệm sau thời điểm Nghị định số 24/2014/NĐ- CP (ngày 4/4/2014) của Chính Phủ ra đời.

Khi có Nghị định số 24/2014/NĐ- CP (ngày 4/4/2014) của Chính Phủ, quy định tổ chức các cơ quan chuyện môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Nội vụ có thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định này (Thông tư liên tịch số 14/2015/ TTLT-BNNPTNT-BNV ngày 25/3/2015). Theo thông tư hướng dẫn, 1 Sở quy định 1 Giám đốc và 3 Phó Giám đốc. Tuy nhiên, hiện nay những Sở vượt quá thì giữ nguyên hiện trạng và không được bổ nhiệm mới cho đến khi những lãnh đạo nghỉ hưu và giữ nguyên 3 Phó Giám đốc.

Sau đó, Sở này đã dự thảo văn bản phê duyệt đề án kiện toàn tổ chức bộ máy. Ngày 14/12/2015, UBND tỉnh Bình Định ra quyết định về việc phê duyệt đề án kiện toàn tổ chức bộ máy Sở NN&PTNT. Trong quyết định, cơ cấu tổ chức lãnh đạo Sở gồm 1 Giám đốc và không quá 3 phó, trước mắt duy trì số lượng Phó Giám đốc (5 người) để ổn định tổ chức. Việc sắp xếp số lượng Phó Giám đốc Sở do UBND tỉnh quyết định, tùy thuộc vào điều kiện yêu cầu công tác cán bộ của tỉnh.

“Nghị định của Chính phủ phải có Thông tư hướng dẫn mới có hiệu lực thực hiện, chứ không phải chỉ có Nghị định của Chính phủ là thực hiện được đâu. Tất cả, 5 Phó Giám đốc đều bổ nhiệm trước ngày 14/12/2015, nên đâu có gì sai. Sắp đến, lãnh đạo tỉnh sẽ có hướng sắp xếp, điều chuyển, còn không điều chuyển thì trong lúc chờ những lãnh đạo Sở đến khi nghỉ hưu thì không được bổ nhiệm mới. Cho đến khi còn đúng 3 Phó Giám đốc” - ông Hổ cho biết.

Trước đó, báo Dân trí có thông tin về việc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bình Định có đến 6 Phó Giám đốc. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương làm rõ thông tin dư luận phản ánh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/4.

 

* Pháp Luật TPHCM (19/4): Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ dư cấp phó

Sáng 18/4, tại cuộc họp giao ban báo chí tháng 4 do Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ tổ chức, trả lời Pháp Luật TP.HCM về vấn đề có tình trạng thừa cấp phó tại các Ban Đảng của Thành ủy Cần Thơ hay không - trong đó có Ban Tuyên giáo, ông Trần Văn Kiệt - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ khẳng định có tình trạng thừa cấp phó.

Cũng theo ông Kiệt, các Ban mới thành lập như Ban Nội chính hoặc như Ban Dân vận hiện nay biên chế ít so các ban khác. Với Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, do Ban Tuyên giáo Trung ương xác định mang tầm khu vực ĐBSCL nên cho Cần Thơ thành lập thêm Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội của Cần Thơ nhưng tầm mức là của vùng và biên chế năm 2017 được giao là 37 biên chế.

"Đúng là hiện nay Ban Tuyên giáo có một trưởng ban và bốn phó trưởng ban. Tuy nhiên, sắp tới tháng 9-2017, một phó ban nghỉ hưu thì ban sẽ đảm bảo đúng quy định là ba phó trưởng ban” - ông Kiệt cho hay.

Cũng theo ông Kiệt, sắp tới chủ trương chung trong việc thực hiện đề án vị trí việc làm, các Ban Đảng sẽ sắp xếp vị trí việc làm với tinh thần phải tinh giản 10%, trong đó Ban Tuyên giáo biên chế chỉ còn 35 biên chế.

 

* Dân Trí (19/4): Thái Nguyên: Sẽ giám sát việc kỉ luật vụ bổ nhiệm “thừa” 23 cán bộ

Thông tin từ UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, lãnh đạo tỉnh này vừa yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong vụ bổ nhiệm “thừa” 23 cán bộ. Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên sẽ trực tiếp giám sát việc thi hành kỉ luật này.

Trước đó, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã họp nghe báo cáo nhanh tiến độ giải quyết, thống nhất nội dung, yêu cầu và tiến độ giải quyết vụ việc để báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Bộ Nội vụ, từ đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã yêu cầu các Sở, ngành liên quan căn cứ vào pháp luật và quy định hiện hành, kiểm điểm làm rõ mức độ sai phạm, trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan, đề xuất hướng giải quyết.

Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Thái Nguyên đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành liên quan, trong đó yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương tổ chức kiểm điểm tập thể và cá nhân có liên quan dưới sự giám sát của Lãnh đạo tỉnh; giao Sở Nội vụ đôn đốc, hoàn tất công tác tổng hợp, thẩm định Đề án vị trí việc làm trước ngày 25/4 và tham mưu đề xuất trình UBND tỉnh điều chỉnh Đề án cho phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế, giảm số lượng cấp phó, bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa số lượng lãnh đạo với biên chế của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện…

Liên quan đến vụ việc bổ nhiệm “thừa” 23 cán bộ tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, ngày 13/4, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến việc bổ nhiệm cấp phó vượt quá số lượng quy định và bổ nhiệm chức danh lãnh đạo khi chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn; xem xét, miễn nhiệm chức vụ đối với các trường hợp sai phạm; có hình thức xử lý kỷ luật đối với cá nhân vi phạm trong công tác bổ nhiệm.

 

* Giao Thông (19/4): Đại biểu Quốc hội đặt 6 câu hỏi tại sao vụ Mỹ Đức

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân vừa trao đổi với Báo Giao Thông về vụ việc đang xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Trước đó, sáng cùng ngày, đại biểu Vân chính thức lên tiếng trên trang facebook cá nhân về vụ việc ở Mỹ Đức và đặt ra hàng loạt câu hỏi:

Một tập thể đông đảo cá nhân công dân ở quy mô cấp xã đã đồng tâm, hiệp lực phản kháng quyết định của chính quyền, rồi bắt giữ hàng chục người "thi hành công vụ". Tại sao?

Một dự án xây dựng sân bay quân sự được lập ra từ năm 1980 đến nay, vì mục đích quốc phòng an ninh, được giao đi, giao lại nhiều lần, để lãng phí việc sử dụng đất nông nghiệp mấy chục năm qua. Tại sao?

Nhân dân Đồng Tâm có yêu cầu chính đáng là được đối thoại với Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nhưng đến nay chưa được đáp ứng. Tại sao?

Vì sao nhân dân Đồng Tâm không tin vào chính quyền cơ sở?

Vì sao sự việc kéo dài, để đến nay xảy ra tình hình nghiêm trọng?

Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ươnglần thứ tư, khoá XI và Quyết định 218 của Bộ Chính trị khoá XI đã đề cập đến việc xây dựng Quy chế đối thoại của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với nhân dân. Nhiều địa phương đã ban hành Quy chế, nhưng sao chưa thấy triển khai thường xuyên?

Với Đồng Tâm, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cần triển khai sớm việc đối thoại với nhân dân. Là người đứng đầu cơ quan hành chính ở địa phương, Chủ tịch UBND phải nắm chắc pháp luật và phải trực tiếp giải quyết ngay những vấn đề nóng thuộc thẩm quyền của mình.

Khi phóng viên Báo Giao thông đặt vấn đề cùng ông làm rõ hơn về câu chuyện này, Đại biểu Lê Thanh Vân đã sẵn sàng chia sẻ: “Tôi thật sự thấy buồn và lo lắng. Mấy năm trước đã từng diễn ra sự việc tương tự, lẽ ra chúng ta phải có bài học rút ra từ những sự kiện ấy để có ứng xử thích hợp. Nếu làm được điều đó chắc chắn không có bùng phát như vụ Mỹ Đức vừa rồi.

Tôi theo dõi mạng xã hội và thông tin báo chí chính thống, thì biết chiều qua (18/4), Hà Nội chính thức có thông tin chi tiết về vụ việc, nắm được thông tin chính thức ấy tôi mới có thể lên tiếng. Tôi suy nghĩ mãi và đã đặt ra nhiều câu hỏi như đã viết trên facebook cá nhân.

Ở đây có vài vấn đề cần lưu tâm. Trước hết, sự việc diễn ra từ lâu, từ khi quy hoạch sân bay nhưng nhiều năm không sử dụng mục đích ấy mà việc chuyển giao diễn ra rất nhiều lần. Trong khi ranh giới giữa đất quy hoạch sân bay với đất nông nghiệp mình không xử lý triệt để.

Rồi việc đội ngũ cán bộ chủ chốt ở xã tham nhũng và đã tiến hành khởi tố rồi cho thấy rõ ràng có chuyện không gương mẫu của cán bộ, lợi dụng chính sách đất đai trục lợi. Dân thấy vậy họ phải giành lại đất cho họ. Mâu thuẫn bắt đầu từ đấy”.

Tại sao ông chọn cách đăng quan điểm trên trang facebook cá nhân mà không phải cách thức nào khác?, đại biểu Vân trả lời: “Điều mà tôi suy nghĩ, mình là đại biểu Quốc hội, không chỉ là đại biểu cho đơn vị bầu ra mình mà còn là đại biểu của cả nước, đại diện cho tiếng nói của cử tri, cho lợi ích chung của cả nước.

Về việc này, chỉ có đối thoại mới mang đến hình ảnh của chính quyền công khai, minh bạch, gần dân. Qua đối thoại mới bộc lộ nhiều vấn đề, xem lại chủ trương chính sách đã hợp lòng dân chưa, lề lối điều hành quản lý của mình đã đúng tâm lý, chờ đợi của người dân không để sửa đổi, cái gì phản ứng của người dân chưa đúng thì nhân dịp ấy trao đổi lại cho họ biết cặn kẽ thì không có mâu thuẫn.

Để tháo ngòi nổ bức xúc trong câu chuyện ở Mỹ Đức, chính quyền cần làm gì?, ông Vân cho rằng: “Vụ việc Đồng Tâm, Mỹ Đức chưa thể minh định đâu là sai, đâu là đúng. Dựa trên kết luận của Hà Nội, chúng ta thấy được bối cảnh chung  trong quá trình quy hoạch, chuyển giao đất, ranh giới giữa vùng quy hoạch với vùng liền kề, sai phạm như Hà Nội nói là có vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng đất đai đai ở cả 2 phía.

Bài toán ở đây là chính quyền phải vào cuộc, cấp cơ sở, cấp huyện đã không được thì phải cấp thành phố. Chủ tịch UBND các cấp phải là người nắm chắc pháp luật, tường minh chủ trương, theo thẩm quyền phải giải quyết ngay tại chỗ sẽ tháo ngòi ngay từ khi mới chớm, sẽ không dẫn đến tình trạng bức xúc như vậy.

Theo dõi đến hôm qua tôi thấy có lẽ mình phải lên tiếng đề nghị Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đối thoại với dân, đây cũng là nguyện vọng chính đáng của người dân Đồng Tâm”.

Ông đánh giá thế nào về động thái của Hà Nội trong việc giải quyết vụ việc ở Mỹ Đức?, ông Vân trả lời: “Có lẽ thường trực Thành ủy và UBND đã phải ngồi bàn với nhau kỹ lưỡng và không biết họ tháo gỡ như thế nào. Báo cáo ban đầu của Hà Nội đã nói quyết tâm ổn định tình hình. Họ có cử các tổ công tác xuống làm việc, nhưng Tổ công tác không đủ thẩm quyền nên họ chỉ nắm tình hình báo cáo lại thôi. Nhân dân cho rằng, “nước xa không cứu được lửa gần”, vì vậy rất cần có sự xuất hiện của người đứng đầu UBND thành phố Hà Nội.

Tôi cho rằng, đã là Chủ tịch thành phố thì phải nắm chắc pháp luật và phải biết đúng sai, theo thẩm quyền của mình xuống tận nơi có thể giải quyết được ngay”.

 

* VTC.vn 19/4): Lối ra cho khủng hoảng Đồng Tâm

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng hơn lúc nào hết, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cần sớm đối thoại với người dân để tìm ra lối thoát cho khủng hoảng ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội.

Ông Dũng nói: “Cảm ơn nhà báo Bảo Hà về bài viết “Đối thoại ở thôn Hoành” trên VnExpress(http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/doi-thoai-o-thon-hoanh-3572397.html ). Thú thực, cả đời tôi chưa bao giờ đọc được một bài báo nào hay như vậy! Chị Bảo Hà đã đến được tận nơi và mô tả những người nông dân chất phác, lam lũ ở thôn Hoành, xã Đông tâm, Huyện Mỹ Đức và tình thế tuyệt vọng của họ chân thực đến nao lòng.

Thì ra, sự cục cằn, thô bạo của những người nông dân này chỉ là lớp vỏ bên ngoài. Đằng sau lớp vỏ đó là những tâm hồn rất dễ bị tổn thương, là những nỗi niềm chất chứa không có cách gì giải bày cho hết. Đó là những con người vừa mới quát tháo, nhưng lập tức nghẹn ngào trình bày những oan ức của mình khi được lắng nghe.

Ai muốn chặt đầu tôi thì chặt, nhưng tôi nhất quyết không bao giờ tin những người dân ở Đồng Tâm, Mỹ Đức là thế lực thù địch, là những kẻ chống phá chính quyền!

Người dân thôn xã Đông Tâm cũng hiểu rất rõ toàn bộ sự nghiêm trọng của những việc mà họ đang làm. Nhưng, có lẽ, vì danh dự và vì trách nhiệm đối với cụ Kình, họ đã không làm khác được. Cái họ có thể làm và họ đã cố gắng làm là đối xử tử tế với những người bị bắt giữ làm con tin và không để xảy ra bạo lực đối với những người này.

Hiện nay, cả chính quyền và cả những người dân ở Đồng Tâm, Mỹ Đức đều cần một lối thoát. Lối thoát đó chính là đối thoại.

Và những người dân đã có lý khi họ đòi hỏi được đối thoại với cấp chính quyền mà họ chưa mất niềm tin. Đó là cấp thành phố. Rất may là tất cả chúng ta đều biết, Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chính thức khẳng định là ông sẵn sàng đối thoại với những người dân xã Đồng Tâm nếu cần thiết.

Xin thưa với Chủ tịch, đây là trường hợp cần thiết nhất từ trước đến nay đấy ạ!

Cứ nghĩ mà xem, với những kẻ ngoại bang xâm chiếm biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta còn đối thoại được, thì tại sao với những người dân của chính mình lại không?!”.

 

* Vietgiaitri.com (19/4): Những mâu thuẫn về đất đai ở Đồng Tâm phải giải quyết “thấu tình đạt lý”

Xoay quanh việc cưỡng chế đất đai tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), nguyên nhân sâu xa là do từ sau khi Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội, một số cá nhân thuộc chính quyền xã Đồng Tâm (cả cũ lẫn mới) đã xẻ đất công tại khu vực được giao cho Lữ đoàn 28, Quân chủng Không quân quản lý (nay không quân đã sát nhập vào phòng không) để bán cho tư nhân.

Đây là một hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về quản lý đất đai, nhất là đất quốc phòng – an ninh. Bản thân các cán bộ xã đã lợi dụng tình hình đó mua về cho mình những thửa đất mà lẽ ra không được phép mua bán với giá rẻ mạt, hòng trục lợi cho cá nhân và gia đình. Vụ việc đã được Thanh tra Chính phủ làm rõ và các cán bộ xã sai phạm cũng đã bị xử lý.

Tuy nhiên, lợi dụng sự hạn chế về nhận thức và pháp luật của một bộ phận người dân xã Đồng Tâm, các đối tượng phản động đã núp dưới chiêu bài dân chủ, nhân quyền (với sự tài trợ tài chính và giúp đỡ về truyền thông của các thế lực nước ngoài) để tuyên truyền sai lệch, kích động người dân đứng lên chống đối chính quyền.

 Đầu năm 2017, Bộ Quốc phòng thực hiện chủ trương nâng cấp sân bay Miếu Môn và xây dựng thêm một số nhà máy công nghiệp quốc phòng do Tổng công ty Viettel đầu tư tại khu vực xã Đồng Tâm, nhưng vướng mắc lớn nhất vẫn là thu hồi đất đai. Theo nguyên tắc của Luật đất đai, Nhà nước có quyền thu hồi, trưng thu, trưng dụng đất để phục vụ cho mục đích Quốc phòng – an ninh mà không cần phải bồi thường.

Cần hiểu, đây vốn là đất Quốc phòng – an ninh đã bị chiếm dụng, mua bán trái phép, do đó, việc lực lượng Cảnh sát cơ động tham gia cưỡng chế thu hồi đất sau khi chính quyền đã áp dụng tất cả các biện pháp tuyên truyền, giải thích nhưng không hiệu quả là hợp lý, đúng trình tự pháp luật. Điều đáng nói, trong những vụ việc này, lực lượng chức năng luôn gặp phải sự chống đối quyết liệt từ phía người dân, điển hình như vụ việc mới xảy ra tại xã Đồng Tâm vào ngày 15/04 vừa qua.

 Không những thế, các đối tượng phản động đã lợi dụng vụ việc, tìm mọi cách “thêm dầu vào lửa”, một mặt họ tung tin, xuyên tạc nhằm bôi nhọ Đảng, Nhà nước, lực lượng công an trên các Blog phản động, các trang mạng xã hội, mặt khác lại tích cực hô hào, cổ xuý cho những hành vi vi phạm pháp luật của một số người dân “quá khích”.

Có thể kể đến các trang Facebook có tần xuất hoạt động tuyên truyền dày đặc như: Thanh Hieu Bui (Người buôn gió), Mai Phương Thảo (Thao teresa), Lê Dũng (Le Dung Vova)… cộng với một số tổ chức truyền thông nước ngoài BBC tiếng việt, VOV tiếng việt, RFA, RFI,… Đối tượng Thanh Hiếu Bùi kích động rằng: “… Nói thật nếu mình giữ con tin, mình chỉ thích bên ngoài cổ vũ xơi tái con tin, cổ vũ càng mạnh càng tốt. Thế mình mới dễ thương thuyết…”. 

          Không khó để nhận thấy dã tâm của các đối tượng trên khi lợi dụng những người dân nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật trở thành “con tốt thí” cho chúng, biến người dân thành “phần tử xấu gây rối trật tự” để rồi sau đó, chính người dân lại là “vật thế thân” cho họ nếu bị xử phạt vì các hành vi trái pháp luật. Trong khi đó, họ ung dung ngồi “gõ bàn phím” để nhận những đồng đôla từ nước ngoài gửi về và hả hê với những lời ca ngợi “vì dân chủ”, rồi lại tiếp tục đẩy mạnh những hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước.

Và chính trong những giờ phút như thế này, Chính quyền phải giải quyết thấu tình đạt lý những mâu thuẫn liên quan đến đất đai ở đây. Về phía người dân xã Đồng Tâm, cần phải hết sức tỉnh táo, hãy bình tĩnh, đừng để bản thân bị lợi dụng làm quân tốt trên bàn cờ của những thế lực phản động, không chỉ gây hại cho xã hội mà quan trọng nhất là cho chính bản thân mình. 

 

CHỈ THỊ MỚI

* VOV.vn (19/4): Thủ tướng chỉ đạo cắt giảm dự toán một số khoản chi thường xuyên

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chi ngân sách.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước các cấp tăng cường công tác quản lý, điều hành kiểm soát chi ngân sách; thực hiện cắt giảm dự toán đối với các khoản dự toán chi thường xuyên đã được giao từ đầu năm nhưng đến hết năm ngân sách theo quy định vẫn còn dư dự toán, trừ các khoản mới bổ sung trong năm và các trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương kiểm soát chặt chẽ các khoản vay, hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới, không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước; thực hiện đánh giá đầy đủ các tác động lên nợ công, nợ chính quyền địa phương và khả năng trả nợ trong trung hạn của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, trước khi thực hiện các khoản vay mới.

Các địa phương thực hiện huy động để bù đắp bội chi ngân sách địa phương trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; bố trí chi trả nợ lãi trong chi cân đối ngân sách địa phương; chi trả nợ gốc ngoài chi cân đối ngân sách địa phương được bố trí từ nguồn vay, bội thu ngân sách cấp tỉnh, kết dư ngân sách cấp tỉnh và nguồn tăng thu, tiết kiệm chi theo quy định.

 

* VOV.vn (19/4): Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu vấn đề tích tụ đất đai do VOV.VN nêu

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan liên quan nghiên cứu nội dung Báo điện tử VOV đăng tải về việc chuyên gia cảnh báo: Nếu tháo hạn điền ồ ạt có thể dẫn đến hình thành “địa chủ mới”.

Các chuyên gia cho rằng, mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất đang được xem là giải pháp để giúp nông nghiệp Việt Nam "cất cánh". Song còn nhiều ý kiến băn khoăn làm thế nào để tích tụ ruộng đất thực sự hiệu quả, không dẫn đến tình trạng bần cùng hóa nông dân.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tích tụ ruộng đất thực sự hiệu quả. Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cần có sự kết hợp giữa sản xuất nhỏ và lớn; sản xuất hàng hóa và tự cung tự cấp; kết hợp nông nghiệp nông thôn với du lịch làng nghề.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nêu quan điểm: quá trình tích tụ ruộng đất cần bảo vệ quyền tài sản của người dân. Ông Doanh khuyến nghị, phải tránh việc tích tụ ruộng đất biến đất nông nghiệp vào tay “đại gia” và có thể dẫn đến mất ổn định xã hội.

 

* Dân Trí (20/4): Tăng cường thanh tra công vụ, tập trung vào việc bổ nhiệm cán bộ

Bộ Nội vụ chủ trì tăng cường công tác kiểm tra cải cách hành chính các bộ, ngành, địa phương, tăng cường thanh tra công vụ, tập trung vào việc tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức; việc sử dụng biên chế tại các bộ, ngành, địa phương. Đây là nội dung triển khai kế hoạch hoạt động năm 2017 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.

Cũng theo Kế hoạch, quý II/2017, Bộ Nội vụ triển khai xác định và công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2016 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bộ Nội vụ phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai Đề án đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Cả năm 2017, Bộ Nội vụ chủ trì đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai các nội dung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm trên cơ sở các đề án đã được phê duyệt; đổi mới đánh giá công chức, viên chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Cũng trong năm 2017, Bộ Nội vụ chủ trì kiện toàn tổ chức bộ máy các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và hệ thống tổ chức cơ quan chuyên môn ở địa phương theo quy định của Chính phủ và Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương.

Văn phòng Chính phủ xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ văn bản sửa đổi, bổ sung các văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, theo dõi thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; xây dựng trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đơn giản hóa, công khai, minh bạch mọi thủ tục hành chính tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp thực hiện và giám sát, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính và kiến nghị sửa đổi những quy định về thủ tục không còn phù hợp gây vướng mắc, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ Nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và tổ chức triển khai thực hiện sau khi Nghị định được Chính phủ ban hành.

Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nội vụ đôn đốc các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

 

* Dân Trí (18/4): Phó Thủ tướng yêu cầu Hà Nội thanh tra các tố cáo về đất đai

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về việc giải quyết tố cáo của ông Nguyễn Chí Thắng và một số công dân xã Song Phương (huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội).

Nội dung văn bản nêu rõ, ông Nguyễn Chí Thắng (trú tại thôn 4, xã Song Phương, Hoài Đức, Hà Nội) và một số công dân xã này nhiều lần gửi đơn lên Thủ tướng tố cáo cán bộ lãnh đạo xã Song Phương buông lỏng quản lý đất đai; bán đất, chiếm đất, cho thuê đất trái pháp luật và vi phạm về quản lý kinh tế, tài chính diễn ra trong nhiều năm.

Thanh tra huyện Hoài Đức đã có Kết luận thanh tra kinh tế xã hội tại xã Song Phương và Kết luận nội dung tố cáo nhưng ông Nguyễn Chí Thắng và một số công dân không đồng ý, cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt vi phạm, bao che, trả thù người tố cáo, có một số nội dung làm rõ nhưng không xử lý trên thực tế.

Trước vấn đề trên, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã giao Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Thanh tra thành phố thanh tra toàn diện các nội dung tố cáo của ông Nguyễn Chí Thắng và một số công dân xã Song Phương liên quan đến đất đai, tài chính tại xã Song Phương và trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có liên quan trong việc giải quyết tố cáo; có biện pháp xử lý các vi phạm (nếu có) đúng quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng trước ngày 1/8/2017.

 

TIN QUỐC HỘI

* VOV.vn (19/4): Nâng cao đạo đức công vụ, tránh lãng phí công sức tiền bạc của dân

Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 19/4, thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành, tiết kiệm chống lãng phí năm 2016

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã đạt được một số kết quả bước đầu. Công tác xây dựng đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngành công chức, viên chức, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn của ngạch công chức, viên chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức về cơ bản đã được hoàn thành.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan hành chính và cung cấp dịch vụ công đạt được nhiều kết quả tích cực. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc quản lý thời gian lao động của cán bộ, công chức viên chức, nghiêm cấm đi lễ hội trong giờ hành chính, sử dụng xe công đi lễ hội trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ, không tổ chức chúc Tết, tặng quà cấp trên  trong dịp Tết, nghiêm cấm việc lợi dụng tổ chức giao lưu, gặp mặt để tổ chức ăn uống lãng phí, tặng quà nhận quà với động cơ vụ lợi.

Tuy nhiên theo Bộ trưởng, vấn đề này vẫn còn tồn tại một số hạn chế là việc tinh giản biên chế chưa gắn với cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức và tỷ lệ tinh giản biên chế chưa đạt được mục tiêu đề ra. Việc tuyển dụng, bổ nhiệm công chức không đúng quy định, buông lỏng quản lý, để cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật lao động, tham gia lễ hội trong giờ làm việc, sử dụng xe công đi lễ hội vẫn còn xảy ra một số cơ quan, đơn vị.

Hoạt động tổ chức lễ kỷ niệm của một số ngành, đơn vị, địa phương còn có biểu hiện tăng, vượt quy mô, cấp độ, thời gian tổ chức, mời nhiều khách không đúng quy định, không phù hợp, tổ chức hoạt động phụ trợ phô trương, lãnh phí.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội đánh giá, trong năm 2016, Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt về tinh giản bộ máy cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, việc tinh giản biên chế chưa gắn với cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức và tỷ lệ tinh giản biên chế chưa đạt được mục tiêu đề ra, các giải pháp chưa được thực hiện quyết liệt, đồng bộ.

Quy định về quản lý cán bộ, công chức còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc tuyển dụng, bổ nhiệm công chức không đúng quy định, tình trạng buông lỏng, tại một số bộ, ngành, địa phương còn xảy ra tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đúng theo quy trình, quy định của pháp luật, dẫn đến nhiều bức xúc trong dư luận thời gian qua; chi lương lớn, chiếm tỉ trọng lớn trong chi thường xuyên, chi sự nghiệp...

Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, giải pháp vấn đề này là tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết 39-NQ/TW về tinh giản biên chế, đảm bảo đạt chỉ tiêu 1,5 đến 2% biên chế công chức, biên chế sự nghiệp được giao năm 2015.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, trả lương bằng nguồn thu sự nghiệp. Các cơ quan tổ chức đơn vị chỉ tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế đã thực hiện tinh giản và không quá 50% số biên chế đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, chúng ta cần nhấn mạnh về việc thực hiện nghiêm Nghị quyết 39-NQ/TW về tinh giản biên chế, nhưng chúng ta chưa nhấn mạnh vấn đề đạo đức công vụ, tinh thần phục vụ dân để không gây lãng phí thời giờ, công sức tiền bạc của nhân dân, của doanh nghiệp.

 

* Kênh VTV1 – Bản tin Thời sự lúc 12h ngày (20/4): Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội thẳng thắn chỉ ra bất cập đào tạo nghề

Sáng 18/4, trong phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Một trong những nét mới của phiên chất vấn này là các Bộ trưởng được chất vấn không phải đọc báo cáo về các vấn đề thuộc quản lý của Bộ như những lần trước, mà để dành thời gian đó cho các câu hỏi và câu trả lời.

Trong phiên chất vấn sáng nay, nhiều câu hỏi đặt ra với Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên. Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, hạn chế trong công tác này như: sự lãng phí trong đầu tư trang thiết bị, nhiều nghề đầu tư đào tạo nhưng không tuyển sinh được... Đồng thời, Bộ trưởng đã đề xuất 10 nhóm giải pháp để khắc phục và cải thiện vấn đề này.

Nhiều đại biểu dự phiên chất vấn hôm nay bày tỏ hài lòng với những vấn đề được đặt ra và câu trả lời của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. Nhiều người đánh giá: Bộ trưởng đã nắm chắc các vấn đề được chất vấn, trả lời rõ ràng, đi vào trọng tâm. Đặc biệt, có những giải pháp để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến nhiều sự việc cụ thể, cũng như có lộ trình rõ ràng nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Chiều nay, phiên chất vấn tiếp tục với phần chất vấn của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn về các vấn đề lần đầu tiên được đặt ra tại một phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như: Công tác quản lý an toàn thông tin mạng, việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên thông tin điện tử, gây hoang mang dư luận, thiệt hại về kinh tế, tổn hại danh dự và nhân phẩm của cá nhân, tổ chức. Những vấn đề này thời gian qua cũng được Bộ Thông tin và Truyền thông rất quan tâm, quyết liệt trong công tác quản lý và xử lý sai phạm.

 

* Dân Trí (18/4): Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh cũng là nạn nhân của sim rác

Đăng đàn trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 18/4, Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Trương Minh Tuấn nhận được câu hỏi từ nhiều đại biểu về vấn đề đối phó với vấn nạn sim rác, tin nhắn rác, trách nhiệm của cơ quan quản lý với vấn đề này.

Bộ trưởng nêu rõ những nguyên nhân về mặt quản lý, giám sát, qua đó nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan quản lý, trong đó có trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông.

“Bản thân tôi cũng là nạn nhân của sim rác và tin nhắn rác. Trường hợp này cũng thể hiện ở việc lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh bị nhắn tin đe doạ vừa qua… Việc này có trách nhiệm của cơ quan quản lý, trong đó có cá nhân tôi. Tôi xin nhận trách nhiệm về góc độ này” – Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông xác nhận.

Theo Bộ trưởng, lý do vấn đề này chưa được giải quyết triệt để là vì lợi ích của nhiều bên (cả nhà mạng, lẫn đại lý và người dùng...).

Để xử lý vấn nạn sim rác, tin nhắn rác, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thôngrất trăn trở và đã quyết liệt xử lý vấn đề này. Tinh thần của Bộ là phải chặn ngay từ đầu ra (ngăn chặn từ nhà mạng), quản lý chặt chẽ tài nguyên kho số quốc gia; giảm đầu 11 số; quy trách nhiệm cho các nhà mạng; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu;...

Thời gian qua, Bộ đã thu hồi khoảng 20 triệu sim rác. Đồng thời Bộ cũng phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính để đề xuất cấp thẩm quyền quy định nâng cao mức phạt; tăng cường khuyến khích người dùng sử dụng sim trả sau;...

Một nội dung khác, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đặt vấn đề, hiện có một số chương trình truyền hình, cả trên sóng truyền hình quốc gia và các đài địa phương như các game show, các chương trình quảng cáo thiếu tế nhị, không văn hoá, gây phản cảm… khiến nhiều người từng nhận xét, thà xem chương trình thế giới động vật còn hơn xem game show, truyền hình thực tế. Đại biểu muốn biết việc quản lý, xử lý vấn đề này.

Trả lời vấn đề đặt ra, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, đây là vấn đề được dư luận rất quan tâm. Bộ trưởng thẳng thắn điểm lại, vừa qua nhiều chương trình đã đưa tin không chính xác, thậm chí ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp như: Phóng sự "Dùng chổi quét rau"; "Nước mắm nhiễm asen"; một số chương trình gameshow... của VTV, HTV đã dàn dựng chi tiết không đúng sự thật, hình ảnh phản cảm... Bộ đã có những hình thức nhắc nhở, xử phạt nghiêm khắc, đúng quy định.

Về vấn đề an toàn thông tin mạng, đại biểu Trần Công Thuật (Quảng Bình) đề cập chuyện liên tiếp các sân bay, các trang thông tin, cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị bị tin tặc tấn công vừa qua, bày tỏ sự lo lắng về vấn nạn này.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết thời gian qua vấn đề này diễn biến khá phức tạp. Theo Bộ trưởng, an toàn an ninh mạng là chủ đề nóng, tất cả các quốc gia trên thế giới đều quan tâm vì độ phức tạp, tinh vi của tội phạm ngày càng cao...

Về giải pháp, Bộ trưởng nhấn mạnh việc phải phân rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong bảo đảm an toàn thông tin mạng; cơ chế phối hợp xử lý sự cố; đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng hiệu quả đội ngũ nhân lực; đảm bảo cơ sở vật chất; hoàn thiện hành lang pháp lý; đẩy mạnh công tác hướng dẫn, cảnh báo, đảm bảo an toàn kỹ thuật...

 

* Dân Trí (19/4): Phó Thủ tướng: “Bỏ tiền xây tường cao, nhà kín nhưng treo chìa khoá trước cửa”

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực trạng an ninh mạng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảnh báo, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu danh sách có nguy cơ bị tấn công mạng, do ý thức của người sử dụng mạng kém. Người Việt, theo đó, sẵn sàng bỏ tiền xây nhà kín, tường cao đảm bảo an toàn nhưng chìa khoá lại… treo trước cửa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đại diện lãnh đạo Chính phủ “gói ghém” lại phiên chất vấn với 2 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội) và Trương Minh Tuấn (Bộ Thông tin – Truyền thông) tại UB Thường vụ Quốc hội ngày 18/4. Ông Đam là Phó Thủ tướng phụ trách trong lĩnh vực của cả 2 Bộ này.

Phó Thủ tướng khẳng định, qua các câu hỏi và phần trả lời của các Bộ trưởng có thể thấy những công việc mà Chính phủ và các Bộ phải thực hiện sau phiên chất vấn này để các vấn đề được giải quyết rốt ráo hơn. Các cam kết mỗi vị tư lệnh ngành cần đưa ra sẽ rất cụ thể, để các đại biểu Quốc hội có thể giám sát.

Với phần của Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội, ông Đam khẳng định Chính phủ sẽ hoàn thành việc xác định đúng, đủ đối tượng người có công để đảm bảo công sức của người nào cũng được ghi nhận và cũng không ai có thể lợi dụng, giả mạo để trục lợi chính sách.

Trường hợp của người cựu thanh niên xung phong ở Bình Định chưa được giải quyết chế độ mà các đại biểu Quốc hội đã đề cập trong phiên chất vấn, Phó Thủ tướng quả quyết sẽ xử lý ngay, khôi phục quyền lợi cho đối tượng này từ thời điểm bị tạm dừng chế độ tới nay, không để thiệt một ngày nào.

Với phần của Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông, Phó Thủ tướng nhấn mạnh thực trạng an ninh mạng là vấn đề lớn với toàn thế giới hiện nay. Ông dẫn chứng, mỗi ngày trên thế giới phải đối mặt với 5 tỷ cuộc tấn công mạng, tấn công bằng mã độc. Và Việt Nam là một trong những nước đứng đầu danh sách có nguy cơ bị tấn công mạng. Có hơn 70% các thiết bị mạng ở Việt Nam dừng bị dính mã độc, đứng đầu thế giới về độ “phủ sóng” virus “trojan” (con ngựa thành Troia), đứng thứ 12 thế giới về tỷ lệ lây nhiễm các phần mềm độc hại qua mạng. Tỷ lệ thư rác ở Việt Nam luôn đứng thứ 3 thế giới về số lượng, nếu chia theo đầu người thì thành số… 1.

Một nguyên nhân quan trọng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho là do ý thức người sử dụng mạng kém. “Chúng ta có thể nghĩ ra các cơ chế phòng, chống tốt nhưng như xây một ngôi nhà kiên cố, cửa vào gia cố chắc chắn nhưng cửa sổ lại để ngỏ hoặc xây tường cao, nhà kín nhưng chìa khoá lại treo ngay trước cửa. Từ thói quen cắm USB vào máy tính tới việc lên mạng vào bất cứ trang web nào không cần đọc cảnh báo của mỗi người đem lại nguy cơ rất cao” – Phó Thủ tướng cảnh báo, việc để mất an toàn mạng không chỉ khiến thông tin, bí mật bị lộ lọt mà các cơ quan, đơn vị có thể còn bị chiếm quyền điều khiển hệ thống, đặc biệt nguy hiểm.

Trình bày thêm vấn đề đấu tranh với thông tin xấu, độc trên mạng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải “đấu” bằng thông tin tốt, thông tin chính thống, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.

 

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

* VTV.vn (19/4): Việt Nam khó đạt mức tăng trưởng 6,7% như dự báo

Mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ khó đạt được mức 6,7% như dự báo trước đó. Đó là nhận định của những tổ chức uy tín như Market Intello, Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Theo nhóm chuyên gia nghiên cứu thị trường của Market Intello, với kế hoạch cắt giảm khai thác dầu thô và những dấu hiệu kém khả quan ở khu vực công nghiệp trong quý I, dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ ở mức 6,1%. Ngân hàng Thế giới dự báo mức 6,3% .

Báo cáo của Nhóm nghiên cứu vĩ mô, Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt cũng hạ dự báo tăng trưởng cho năm nay là 6,4-6,6%. Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách cũng nhận định mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho cả năm 2017 sẽ không đạt được.

HSBC dự báo lạc quan hơn khi GDP của Việt Nam có thể đạt đến 6,8% trong quý IV. Còn ADB dự đoán nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay và 6,7% trong năm 2018, nhờ sự gia tăng hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo, xây dựng, thương mại bán buôn và bán lẻ, ngân hàng và du lịch.

 

* VOV.vn (19/4): Chi phí phi chính thức kìm hãm doanh nghiệp tư nhân phát triển

Theo thống kê, các doanh nghiệp tư nhân nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ, từ gần 63.000 doanh nghiệp hoạt động năm 2002 lên khoảng 550.000 doanh nghiệp hoạt động vào cuối năm 2016. Trong giai đoạn 2006-2015, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 40% GDP cả nước, 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ, 64% tổng lượng hàng hóa.

Đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước và hàng năm tạo việc làm cho khoảng 1,2 triệu lao động. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân chủ yếu vẫn là hộ kinh doanh cá thể, 97% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

Theo ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Tuyên Quang, rào cản làm hạn chế khả năng phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân đó là vấn đề gia nhập thị trường; tiếp cận thông tin, nguồn vốn và đất đai.

“Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là tiếp cận nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, hạn chế về tài sản thế chấp, khó tiếp cận chính sách về đất đai, mặt bằng. Trình độ quản trị doanh nghiệp, quản lý kinh tế của các doanh nghiệp còn yếu và thiếu cũng như chưa ứng dụng công nghệ tiên tiến. Từ đó khiến nhiều sản phẩm khó cạnh tranh với các nước trong khu vực về mẫu mã, chất lượng cũng như giá thành”, ông Thập cho biết.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng, chi phí phi chính thức đang kìm hãm các doanh nghiệp tư nhân phát triển. Tình trạng quan liêu, lạm dụng chức quyền, lạm dụng kiểm tra của các cơ quan công quyền cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp phải tăng chi phí không chính thức dẫn đến môi trường đầu tư kinh doanh thiếu an toàn, tiềm ẩn rủi ro.

“Doanh nghiệp còn gặp nhiều chính sách bất hợp lý trong khi chính quyền vẫn còn thái độ chưa cầu thị, lắng nghe và chỉnh sửa. Khi doanh nghiệp đấu tranh không được đã phải có động tác lobby, trả chi phí không chính thức. Nếu cứ để tình trạng này, nền kinh tế không lành mạnh sẽ rất khó phát triển, nhất là khi đất nước đang hội nhập sâu rộng”, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cảnh báo.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, TS. Nguyễn Đình Cung, với cơ chế quản lý nhà nước như hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước hoàn toàn có quyền can thiệp vào hoạt động kinh doanh của bất cứ doanh nghiệp nào.

Một điểm bất cập nữa là doanh nghiệp khu vực tư nhân không dám khởi kiện để bảo vệ quyền tự do, quyền sở hữu của mình. Do đó, cơ quan nhà nước vẫn tiếp tục dễ dàng can thiệp vào hoạt động kinh doanh, dẫn đến những trường hợp không vì lợi ích chung, chỉ vì lợi ích riêng của những người thi hành công vụ. Những điều này đã phát sinh chi phí không chính thức, tạo nên rào cản khiến các doanh nghiệp khó và không muốn phát triển.

Tiến sĩ Cung cho rằng, để cạnh tranh lành mạnh, hạn chế tối đa những chi phí không chính thức thì vấn đề thực thi luật pháp và thái độ, cách thức làm việc của bộ máy hành chính nhà nước phải có sự chuyển biến. Muốn làm được này, phải nhìn cụ thể vào những vướng mắc, cản trở đối với sự phát triển và những yêu cầu của doanh nghiệp tư nhân để xử lý vấn đề.

Nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế cho rằng, để kinh tế tư nhân có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, cần có nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, đủ năng lực cung ứng cho các nhà đầu tư nước ngoài, xuất khẩu và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ.

Đồng thời, cần sự cam kết từ phía Chính phủ, các Bộ, ngành về sự minh bạch, về môi trường đầu tư, quy định pháp luật…thực hiện Chính phủ liêm chính cần phải thực hiện ở cả trung ương, địa phương và cơ sở. Môi trường kinh doanh thực sự bình đẳng, dỡ bỏ các rào cản cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

 

* VTV.vn (19/4): Tạo cơ chế để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Qua 3 năm thực hiện, Nghị định 210 bước đầu khuyến khích được các doanh nghiệp nhưng vẫn còn dựa chủ yếu vào nguồn vốn ngân sách.

Cần tập trung tháo gỡ vướng mắc về dồn điền đổi thửa, tạo cơ chế để doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với các Bộ ngành về Dự thảo Nghị định thay thế cho Nghị định 210 của Chính phủ về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Qua 3 năm thực hiện, Nghị định 210 bước đầu khuyến khích được các doanh nghiệp nhưng vẫn còn dựa chủ yếu vào nguồn vốn ngân sách. Nghị định cũng chưa đề tới việc thành lập Doanh nghiệp trong khu vực nông thôn. Dự thảo Nghị định thay thế sẽ điều chỉnh theo hướng tháo gỡ những chính sách như: miễn thuế, tạo thuận lợi khi giao đất hay cho chủ dự án thuê đất, thay vì chỉ kêu gọi hỗ trợ vốn.

Phó Thủ tướng yêu cầu sớm hoàn thành Nghị định thay thế trong năm nay. Đối tượng phải rộng hơn gồm cả trang trại, hộ sản xuất, hợp tác xã. Quy hoạch sử dụng đất trong Nghị định mới cũng cần được công bố công khai.

 

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH

* Pháp Luật Việt Nam (19/4): Đề xuất quy định xử lý kiến nghị của doanh nghiệp ngay trong ngày

Góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tiếp nhận, theo dõi, tổng hợp và trả lời kiến nghị của doanh nghiệp (DN), cộng đồng DN kiến nghị rút ngắn việc chuyển phản ánh, kiến nghị của DN tới cơ quan có thẩm quyền.

Góp ý về quy trình tiếp nhận phản ánh, kiến nghị (Điều 8 Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – đại diện của cộng đồng DN Việt Nam cho rằng, ở trường hợp không tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, Văn phòng Chính phủ sẽ thông báo cho DN, tổ chức việc không tiếp nhận và nêu rõ lý do thông qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của DN.

Quy định này là phù hợp đối với các phản ánh, kiến nghị được thực hiện qua Hệ thống hoặc email nhưng lại chưa hợp lý đối với các phản ánh, kiến nghị được gửi trực tiếp bằng văn bản đến Văn phòng Chính phủ hoặc Cổng Thông tin.

“Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu hai phương án xử lý cho các trường hợp DN, tổ chức đến trực tiếp trụ sở. Có thể cho cán bộ tiếp dân truy cập và in văn bản không tiếp nhận đó cho DN, tổ chức” – văn bản của VCCI gửi Văn phòng Chính phủ đề xuất..

Về thời hạn nghiên cứu, đánh giá, phân loại phản ánh, kiến nghị (khoản d): phản ánh, kiến nghị sau khi được gửi vào Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị nghĩa là được thể hiện dưới dạng điện tử. Do đó, việc chuyển tới các cơ quan khác chỉ mất thời gian ở việc biên tập, xác định cơ quan nào chịu trách nhiệm xử lý phản ánh, kiến nghị đó và đều có bộ phận chuyên trách thực hiện (theo quy định tại Điều 9 Dự thảo). Phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền trả lời của Văn phòng Chính phủ (VPCP) thậm chí được quy định là xử lý ngay trong ngày.

“Với các lý do trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc rút ngắn việc chuyển phản ánh, kiến nghị xuống còn 02 ngày đối với phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền của 01 cơ quan và 03 ngày đối với phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền của từ 02 cơ quan trở lên” – VCCI đề xuất.

Bên cạnh đó, cách tính thời hạn được cho là “còn chưa thống nhất”. Ví dụ đối với phản ánh, kiến nghị về nội dung quy định, thủ tục, yêu cầu thuộc thẩm quyền của một cơ quan hành chính nhà nước, VPCP chuyển phản ánh, kiến nghị tới cơ quan này trong thời hạn 04 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận.

Tuy nhiên, đối với phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền trả lời của nhiều cơ quan hành chính nhà nước thì VPCP phải chuyển tới cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp để trả lời trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày tiếp nhận. “Đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ “để trả lời” nói trên bảo đảm tính thống nhất và hợp lý” – VCCI kiến nghị.

Thực tế hiện nay cho thấy, đa số các phản ánh, kiến nghị của DN, tổ chức thông thường sẽ được xử lý ở cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương trước tiên. Trong trường hợp phản ánh, kiến nghị đó chưa được giải quyết thỏa đáng thì mới được đưa đến Văn phòng Chính phủ/Cổng thông tin. Nếu quy định như Dự thảo hiện tại, những vướng mắc này sẽ lại được đưa về cơ quan có thẩm quyền đã từng xử lý và như vậy chắc chắn sẽ không giải quyết được vấn đề một cách triệt để.

 

* VOV.vn (19/4): Để không còn “Kính thưa đồng chí bố, kính gửi đồng chí con!”

Thiếu những quy định chặt chẽ, minh bạch đối với người có quyền, chính là lỗ hổng lớn về pháp luật để họ lạm dụng chức vụ, lập nên những “chi bộ dòng họ”, “chính quyền dòng họ”

Chuyện cả họ làm quan ở một huyện của tỉnh Hải Dương mà báo chí nêu tuần trước lại hâm nóng dư luận. Cùng với nhiều vụ bổ nhiệm người nhà bất thường được phanh phui trong thời gian gần đây, các chuyên gia hành chính, pháp lý cho rằng, chúng ta đang có những lỗ hổng lớn trong công tác tổ chức cán bộ. Lỗ hổng ấy ở ngay trong đầu những người có chức có quyền. Cần phải có những liều thuốc đặc trị để lấp kín những lỗ hổng đạo đức ấy trong bộ máy nhà nước.

Đúng là thật khó để tách bạch đúng-sai trong việc bổ nhiệm một người vào một vị trí nào đấy trong bộ máy. Bởi, để đặt ai vào một cái ghế quyền lực nào đó, những nhà tổ chức thường phải tiến hành một quy trình nhất định. Quy trình ấy được thống nhất từ cấp ủy đến chính quyền và thường là phải đạt được sự đồng thuận của đại diện các đoàn thể quần chúng. Thế nên với những vụ cha bổ nhiệm con, chồng bổ nhiệm vợ, anh bổ nhiệm em… xảy ra ở nhiều địa phương, bộ ngành vừa rồi, người bảo sai thì cũng thấy có sai; người bảo đúng thì rằng cũng đúng. Bởi tất cả đều được ngụy trang dưới cụm từ “đúng quy trình”.

Chỉ có điều là “đúng quy trình” mà dư luận vẫn xì xầm bàn tán; cán bộ lão thành, đảng viên và nhân dân vẫn bất bình.

Từng có chuyện ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội) có đến vài chục người là anh em, con cái, họ hàng nắm giữ nhiều chức vụ khác nhau từ xã đến huyện. Hay mới đây là huyện Kim Thành (Hải Dương), chỉ riêng gia đình của hai ông: Bí thư và Phó Bí thư thường trực, đã có đến 9 người là anh em trai, em rể, con trai, con dâu của hai vị nắm giữ các vị trí chủ chốt từ Huyện ủy đến Ủy ban.

Chuyện cả họ làm quan ở nhiều địa phương lại phơi bày lỗ hổng trong công tác cán bộ. Lỗ hổng ấy do chính lòng tham quyền lực của các vị gây ra. Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải thốt lên rằng: “Việc tuyển chọn, bổ nhiệm là để tìm ra người tài, chứ không phải tìm người nhà”.

Đối với quyền lực, đừng nói nhiều đến lòng từ thiện, mà phải dùng hiến pháp và pháp luật để ràng buộc, không để cho người ta làm điều xấu. Thiếu những quy định chặt chẽ, thiếu minh bạch đối với người có quyền ở các cấp, chính là lỗ hổng lớn về pháp luật để họ lạm dụng chức vụ, lập lờ quy trình, làm điều xằng bậy, đưa người nhà vào nắm giữ các cương vị chủ chốt, dẫn đến cảnh không chỉ là “chi bộ dòng họ”, “chính quyền dòng họ” ở nông thôn trước đây; mà còn là cảnh “kính thưa đồng chí bố”, “kính gửi đồng chí con” ở nhiều cơ quan, nghe vừa hài hước, vừa xót xa cho bộ máy công quyền hiện nay!

 

QUẢN LÝ

* Đại Biểu Nhân Dân (19/4): Tránh thất thoát tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định bổ sung về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tổ chức thực hiện để bảo đảm quyền lợi cho tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đầu tư sản xuất kinh doanh đang được Bộ Tài chính soạn thảo. Theo dự thảo này, nhằm hạn chế những vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại các địa phương.

Theo đó, UBND cấp tỉnh phải ban hành hệ số điều chỉnh giá đất để xác định thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và áp dụng từ ngày 1/1 hàng năm. Thời điểm bắt đầu thực hiện khảo sát giá đất xây dựng hệ số điều chỉnh là ngày 1/10 hàng năm. Các chi phí liên quan đến việc khảo sát giá đất và tổ chức thực hiện (bao gồm cả chi phí thuê tổ chức tư vấn trong trường hợp cần thiết) được chi từ ngân sách… Tại thời điểm xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mà địa phương chưa ban hành hệ số điều chỉnh giá đất theo quy định thì áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất đã ban hành của năm trước đó. Do đó, UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm về việc thất thu ngân sách do chậm ban hành hệ số điều chỉnh giá đất (nếu có).

Ngoài ra, về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, để tránh thất thu cho ngân sách nhà nước, nhất là đối với các thửa đất, khu đất được Nhà nước cho thuê thuộc đô thị, trung tâm thương mại, dịch vụ, đầu mối giao thông, khu dân cư tập trung có khả năng sinh lợi đặc biệt… (diện tích tính thu tiền thuê đất có giá trị tính theo Bảng giá đất từ 30 tỷ đồng trở lên đối với các thành phố trực thuộc Trung ương, từ 10 tỷ đồng trở lên đối với các tỉnh miền núi, từ 20 tỷ đồng trở lên đối với các tỉnh còn lại) được bổ sung quy định, khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch (nhưng không chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở) mà có hệ số sử dụng đất (mật độ xây dựng, chiều cao của công trình) cao hơn mức bình quân chung của khu vực, tuyến đường, UBND cấp tỉnh sẽ điều chỉnh tăng hệ số điều chỉnh giá đất để thu tiền thuê đất cho phù hợp.

 

* Lao Động (20/4): Gia đình Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An có ảnh hưởng gì tới Cienco4?

Trước khi đặt những câu hỏi về việc liệu Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) - chủ đầu tư dự án BOT cầu Bến Thủy - có được tỉnh Nghệ An “ưu ái” trong các loạt bài trước đây của Lao Động, phóng viên đã tìm hiểu kỹ hơn về Cienco4 và nhận thấy: Ảnh hưởng của gia đình Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa đối với Cienco4 là rất lớn.

Trước đây, dư luận đã từng lên tiếng về khối tài sản lên tới hàng trăm tỉ đồng của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa sau khi cổ phần hóa Công ty Cổ phần Điện Quang. Bà Thoa cùng gia đình đã nắm giữ lượng cổ phần lớn của Công ty này. Điều đáng nói, khi dư luận lên tiếng, đầu tháng 3/2017, Văn phòng Chính phủ cho biết: Thủ tướng đã giao các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương và Thanh tra Chính phủ làm rõ các vấn đề liên quan khối tài sản hàng trăm tỉ đồng của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa.

Tuy nhiên còn một vấn đề khác mà ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (Vafi) - đặt ra là “khi giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công thương, bà Thoa được phân công quản lý mảng công nghiệp nhẹ, là lĩnh vực kinh doanh của Công ty Cổ phần Điện Quang. Bởi vậy, phải làm rõ từ khi giữ chức Thứ trưởng, bà Thoa có các quyết định gì có ảnh hưởng, tạo điều kiện không công bằng trong cạnh tranh giữa Điện Quang và các doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực”.

Đây cũng là vấn đề mà nhiều người đặt ra trong mối quan hệ giữa Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa và Cienco 4.

Các tài liệu cho thấy, năm 2014 khi ông Hoa còn làm Tổng Giám đốc Cienco 4, đơn vị này được tiến hành cổ phần hóa theo quyết định ngày 6/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi cổ phần hóa, Cienco 4 nâng vốn điều lệ lên mức 600 tỉ đồng. Trong đó, cổ phần Nhà nước là 21.000.000 cổ phần (chiếm 35% vốn điều lệ); cổ phần ưu đãi bán cho người lao động là 5.174.800 cổ phần (8,62%); cổ phần bán ưu đãi cho tổ chức công đoàn là 1.800.000 cổ phần (3%); cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 15.900.000 cổ phần (26,5%); các nhà đầu tư mau qua đấu giá là 16.125.200 cổ phần (26,88%).

Kết quả, hai nhà đầu tư chiến lược chiếm 26,5% số cổ phần là Công ty Tuấn Lộc và Ngân hàng SHB. Cũng chỉ trong năm 2014, Công ty Tuấn Lộc thâu tóm nốt 35% cổ phần của Nhà nước tại Cienco 4 để trở thành chủ sở hữu lớn nhất của Cienco 4. Đáng nói là đến thời điểm năm 2016, cả SHB và Tuấn Lộc đều tiến hành rút vốn và thay thế vào đó là 3 Công ty gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn VPA, Công ty Cổ phần xây dựng Dũng Hưng và Công ty Xuất nhập khẩu Nhật Minh. Theo Bản cáo bạch tài chính Cineco 4 phát hành tháng 4/2016, ba Công ty này lần lượt chiếm tỉ lệ cổ phiếu tại Cienco 4 là VPA (28,82%), Dũng Hưng (24,63%) và Nhật Minh (16,67%).

Câu hỏi là VPA là Công ty nào mà nhanh chóng trở thành chủ sở hữu lớn nhất của Cienco 4?

Tìm hiểu tiếp thì VPA là Công ty do bà Trương Thị Tâm - vợ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa - sáng lập và đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT. Công ty có trụ sở chính tại quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Đây cũng là nơi đăng ký thường trú của bà Trương Thị Tâm. Theo đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 18/5/2016 của Công ty Cổ phần Tập đoàn VPA, vốn điều lệ của Công ty là 280 tỉ đồng, do 6 cá nhân sáng lập. Trong đó, 2 cổ đông chi phối chủ yếu là bà Trương Thị Tâm và ông Lê Ngọc Vinh - con trai ông Lê Ngọc Hoa - sở hữu tới 236,3 tỉ đồng, chiếm trên 80% số vốn điều lệ.

Cũng cần nói thêm, ngoài việc là Chủ tịch HĐQT VPA, theo báo cáo về thay đổi sở hữu cổ đông lớn gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước tháng 8/2015, bà Tâm xác nhận sở hữu 4.794.070 cổ phần, tương ứng 6,66% tỉ lệ sở hữu vốn Cienco 4.

Khoản 2, Điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước”. Đó chưa kể câu hỏi về khối tài sản lớn của gia đình ông Lê Ngọc Hoa đang sở hữu tại Cienco 4 và Công ty Cổ phần Tập đoàn VPA do vợ và con trai ông chiếm tới 80% số vốn điều lệ.

Không khó để kiểm chứng những thông tin trên bởi Cienco 4 giờ đây là Công ty đại chúng, mọi hoạt động của Công ty này cần phải được minh bạch và giám sát. Chính Cienco 4 cũng phải báo cáo thường xuyên hoạt động sản xuất kinh doanh với Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Nhưng việc ông Hoa có “tạo lợi thế” cho Cienco 4 hay không thì các cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ. Và điều này cũng trả lại sự công bằng, minh bạch cho gia đình ông Lê Ngọc Hoa nếu tất cả quy trình quản lý, sở hữu vốn ở Cienco 4 là đúng các quy định của pháp luật.

Từ câu chuyện về chiếc vé ở trạm BOT cầu Bến Thủy, giờ đây đã hướng sang ngã rẽ khác: Đó là sự minh bạch trong quản lý để người dân tin tưởng vào những quyết định của cơ quan chính quyền.

 

* Vietnamnet.vn (19/4): Thanh tra vụ chi 54 tỉ đồng mua ấm chén làm quà ở Vĩnh Phúc

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì vừa chỉ đạo rà soát, thanh tra việc chi hơn 54 tỉ đồng để mua quà tặng đại biểu, quan khách, người dân trong tỉnh nhân kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh.

Ông Bùi Minh Hồng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc xác nhận chiều 17/4 về việc Vĩnh Phúc sẽ thanh tra toàn diện việc địa phương này dùng ngân sách chi 65 tỉ đồng để mua quà biếu.

Theo yêu cầu của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, các huyện, thành, thị báo cáo kết quả rà soát về Sở Kế hoạch và Đầu tư để cơ quan này tổng hợp, báo cáo cụ thể với UBND tỉnh.

Việc mua sắm quà tặng được nêu trong Kế hoạch số 5899/KH-BTC ngày 29/8/2016 của Ban tổ chức các hoạt động kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc do ông Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc – Trưởng Ban tổ chức ký.

Đối tượng và số lượng tặng quà là mỗi hộ gia đình có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Vĩnh Phúc tính đến thời điểm 31/12/2016 (số lượng thực tế của các huyện thống kê), mỗi đại biểu 1 bộ ấm chén men màu trắng, sản xuất trong nước. Số lượng đại biểu, khách mời tạm tính là 1.000 người.

Tổng giá trị các gói thầu mua sắm quà tặng tại các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Vĩnh Phúc lên tới gần 65 tỉ đồng. Số tiền này được lấy từ ngân sách Nhà nước và vốn xã hội hóa.

Theo thống kê sơ bộ, tổng giá trị các gói thầu mua sắm quà tặng tại các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Vĩnh Phúc vừa qua lên đến gần 65 tỷ đồng. Hai đơn vị trúng các gói thầu này là công ty TNHH Bảo Quang và công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ thương mại Bảo Long - Bát Tràng.

Công ty TNHH Bảo Quang trúng 4 gói thầu với tổng giá trúng thầu là 26,691 tỷ đồng; Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ thương mại Bảo Long - Bát Tràng trúng 3 gói thầu với tổng giá trúng thầu hơn 27,48 tỷ đồng.

 

* Vietnamnet.vn (18/4): Đắk Lắk: Ngân hàng tặng Land Cruiser V8 đưa đón Bí thư Tỉnh ủy

Chiều 17/4, ông Bạch Văn Mạnh, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk xác nhận, đơn vị này đang quản lý 2 xe Toyota Land Cruiser V8 BKS 80A-014.42 và 47A-001.07 dùng để phục đưa đón lãnh đạo Tỉnh ủy. Trong đó, xe BKS 80A-014.42 được bố trí phục vụ một lãnh đạo tỉnh ủy. Chiếc xe này vốn được Trung ương bố trí cho vị lãnh đạo khi công tác ở cơ quan cũ.

Về xe BKS 47A-001.07, ông Mạnh xác nhận, là do ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) tặng. Ông Mạnh thông tin, chiếc xe được Agribank hỗ trợ trọn gói từ mua, sang tên đổi chủ rồi chuyển giao cho Văn phòng Tỉnh ủy sử dụng. “Chiếc xe được bàn giao tháng 5/2016, tính trọn bộ có giá trị khoảng 2,8 tỷ đồng” - ông Mạnh cho biết.

Trao đổi với một lãnh đạo Agribank Đắk Lắk, vị này xác nhận ngân hàng có tặng Tỉnh ủy xe Land Cruiser V8 và nguồn tài chính được trích từ quỹ an sinh xã hội của Agribank trung ương.  Ông cũng cho biết, Sở Tài chính mới yêu cầu đơn vị có báo cáo về vấn đề sử dụng xe công. Vị lãnh đạo Agribank Đắk Lắk nói rằng, việc tặng xe khá “nhạy cảm” nên cần phải “xin ý kiến” lãnh đạo Agribank Trung ương rồi mới có những trả lời chi tiết được.

Ngoài hai xe nói trên, ông Bạch Văn Mạnh còn xác nhận, có thêm 2 xe Land Cruiser V8 được bố trí phục vụ Chủ tịch UBND tỉnh và Chủ tịch HĐND tỉnh mang BKS lần lượt là 80A-027.79 và 80A-018.58.

Theo ông Mạnh, xe Land Cruiser V8 BKS 80A-018.58 được Trung ương hỗ trợ phục vụ Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ trước. Sau khi vị này về hưu thì chiếc xe được chuyển giao cho HĐND tỉnh. Ông Mạnh cho biết, không nắm được giá cả của chiếc xe này.

Về chiếc xe BKS 80A-027.79, ông Bùi Hồng Quý, Chánh văn phòng UBND tỉnh xác nhận chiếc xe do Văn phòng quản lý, được bố trí phục vụ Chủ tịch UBND tỉnh.

Ông Quý cho biết, chiếc xe được Văn phòng UBND tỉnh mua lại của một doanh nghiệp cà phê vào năm 2013 với mức giá hơn 1 tỷ đồng. Chiếc xe thời điểm mua mang biển trắng dân sự, sau đó được làm thủ tục cấp biển số 80. “Theo quy định về khấu hao tài sản 10%/năm thì hiện nay chiếc xe có giá trị còn khoảng 600 triệu đồng” - ông Quý cho hay.

Ông Quý cũng cho biết, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có báo cáo về tình hình sử dụng xe công trên địa bàn gửi Bộ Tài chính để nắm bắt, theo dõi.

Trao đổi về việc lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đi xe biển số 80 và giá trị vượt tiêu chuẩn, ông Bạch Văn Mạnh thẳng thắn thừa nhận như vậy là sai với quy định. “Góc độ cá nhân, tôi cho rằng, xe phục vụ lãnh đạo địa phương thì đăng ký biển của địa phương, không việc gì phải đăng ký biển 80. Ở đây, cơ quan nào cho chủ trương, cấp sai thì cơ quan đó cần rà soát, làm lại cho đúng” - ông Mạnh chia sẻ.

Theo thông tin biển số do lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đắk Lắk cung cấp, tra cứu trên trang web của Cục Đăng kiểm Việt Nam thì được biết các xe BKS 80A-027.79; BKS 47A-001.07 và BKS 80A-018.58 còn thời hiệu đăng kiểm và có thông số kỹ thuật trên hệ thống. Thông tin đăng bộ không thể hiện đơn vị sử dụng.

 

* VOV.vn (19/4): Hải Phòng đề nghị thí điểm mô hình Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch UBND

Ngày 18/4, tại TP Hải Phòng, Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 do đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm trưởng đoàn đã làm việc với Thành phố Hải Phòng về việc thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực.

Báo cáo với Đoàn công tác tại buổi làm việc, Thành ủy Hải Phòng, khẳng định: Thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, thời gian qua Hải Phòng đã nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá và tiến hành rà soát trong toàn hệ thống chính trị về phương thức hoạt động, tổ chức bộ máy, biên chế.

Từ năm 2011 đến nay biên chế công chức của Bộ Nội vụ giao cho Hải Phòng đã giảm 71 biên chế, biên chế của UBND thành phố cấp cũng thấp hơn 118 biên chế so với năm 2011. Thực hiện Nghị định 132/2007/NĐCP thành phố đã tinh giản 1100 người, do vậy theo lộ trình đạt mục tiêu tinh giản biên chế theo yêu cầu đặt ra.

Tuy nhiên chất lượng một bộ phận cán bộ, công chức vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa theo kịp với yêu cầu, nhiệm vụ, kiến thức pháp luật, trình độ chuyện môn nghiệp vụ, kỹ năng hành chính còn hạn chế. Nội dung, hình thức thi tuyển công chức, viên chức đã có đổi mới, nhưng chưa thực sự khoa học, hợp lý, nên tuyển chọn người có năng lực chưa được nhiều. Công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chưa gắn với việc quy hoạch, sử dụng cán bộ

Hải Phòng cũng đề xuất với Trung ương cho giải thể những cơ quan, tổ chức qua thực tiễn xét thấy không còn phù hợp; sắp xếp một số cơ quan có sự tương đồng, gắn kết về chức năng, nhiệm vụ, hoặc có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ để tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị. Sắp xếp các Chi cục thuộc Sở theo hướng thu gọn, dự kiến sau khi sắp xếp sẽ giảm được 13 Chi cục thuộc Sở. Đề xuất sát nhập Ban dân vận với Ban tuyên giáo, hợp nhất Sở Thông tin truyền thông với Sở Văn hóa Thể thao.

Thành phố Hải Phòng đã mạnh dạn đề xuất với Trung ương cho thực hiện thí điểm không tổ chức các Đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp thành phố, ban hành quy định để Thành ủy lãnh đạo trực tiếp các cơ quan, tổ chức này thông quan tập thể lãnh đạo. Đề nghị Trung ương cho triển khai mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở cấp xã và cấp huyện, thí điểm mô hình Bí thư Thành ủy đồng thời là Chủ tịch UBND thành phố.

Hải Phòng đề xuất Trung ương tổng kết, đánh giá thực hiện thí điểm mô hình tổ chức Đảng tại các tập đoàn, tổng công ty địa phương; tiếp tục phân cấp về thẩm quyền xác nhận, phê duyệt quy hoạch cán bộ; phân cấp về quyền khiếu nại kỷ luật Đảng, thống nhất đồng bộ giữa thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính nhà nước với xử lý kỷ luật Đảng; sớm ban hành quy định tăng thẩm quyền và đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Hải Phòng cũng đề nghị Trung ương không quy định số lượng cấp phó các cơ quan, ban, ngành vì đặc thù mà nên giao cho cấp ủy, chính quyền cấp thành phố, tỉnh quyết định số lượng cấp phó từng cơ quan phù hợp với nhiệm vụ, đảm bảo không vượt quá tổng số cấp phó toàn tỉnh, thành phố theo quy định của Trung ương.

 Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã ghi nhận sự chủ động, quyết tâm cao, tư duy đột phá của thánh phố Hải Phòng trong thực hiện cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả thời gian qua. Đặc biệt là kết quả trong thực hiện tinh giản bộ máy biên chế, sáp nhập cơ quan, nhất thể hóa chức danh. Cơ cấu tổ chức, chức năng của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của địa phương đã được kiện toàn, qua đó, ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng lưu ý một số tồn tại, hạn chế của Hải Phòng đó là: Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ của một số cán bộ còn chưa nghiêm túc; công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, quyết liệt; người đứng đầu một số cấp ủy, chính quyền chưa phát huy hết trách nhiệm…

Phó Thủ tướng yêu cầu thành phố tiếp tục nghiên cứu kỹ việc nhất thể hóa các chức danh, sáp nhập các phòng, ban, đơn vị; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc đề bạt, bổ nhiệm các cán bộ. Đồng thời, rà soát, sắp xếp đơn vị công lập theo đúng chỉ đạo của Chỉnh phủ đảm bảo tinh gọn, hiệu quả; kịp thời đề xuất với Chỉnh phủ các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

Đối với những đề xuất, kiến nghị của thành phố Hải Phòng, đều có cơ sở thực tiễn, Đoàn sẽ tổng hợp báo cáo với Trung ương và Bộ chính trị. 

* Pháp Luật TPHCM (20/4): Kiểm tra thông tin mô hình phổ biến cả họ làm quan

Ngày 19/4, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình gửi Bộ Nội vụ yêu cầu kiểm tra nội dung thông tin báo nêu tại Hải Dương và Hải Phòng.

Theo văn bản này, ngày 15 và 17/4, báo Dân Trí có đăng bài “Cả họ làm quan là một… mô hình phổ biến” phản ánh việc người thân trong gia đình Bí thư và Phó Bí thư huyện Kim Thành, Hải Dương nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt trong huyện; “6 người trong một gia đình giữ các chức danh quan trọng trong huyện” phản ánh việc gia đình ông phó chủ tịch UBND huyện An Dương, thành phố Hải Phòng có sáu người cùng giữ các chức vị chủ chốt trong bộ máy chính quyền.

Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/4.

Trước đó, dư luận tỉnh Hải Dương xôn xao việc nhiều cán bộ chủ chốt giữ những chức vụ quan trọng tại huyện Kim Thành lại là người nhà bí thư Huyện ủy Kim Thành, ông Nguyễn Hữu Tiến và người nhà phó bí thư thường trực Huyện ủy Kim Thành, ông Lê Ngọc Sang.

Cụ thể, ông Nguyễn Hữu Tiến hiện là bí thư Huyện ủy Kim Thành, là con trai của ông Nguyễn Hữu Bạ. Ông Bạ là cựu Bí thư Huyện ủy Kim Thành, nay đã về hưu. Em ruột ông Tiến là ông Nguyễn Hữu Hưng (SN 1968), hiện là phó chủ tịch UBND huyện Kim Thành. Ông Nguyễn Hồng Cương (SN 1968), em rể ông Tiến, hiện là trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Kim Thành.

Con trai ông Cương là Nguyễn Đức Trọng, hiện là nhân viên tại Phòng Thanh tra huyện Kim Thành. Mặt khác, ông Nguyễn Hữu Hưởng (SN 1958), anh của ông Tiến, hiện là cán bộ Chi cục Thuế.

Bên cạnh đó, gia đình phó bí thư thường trực Huyện ủy Kim Thành, ông Lê Ngọc Sang, cũng lại là một “tấm gương điển hình” trong việc “cả nhà làm lãnh đạo”. Theo đó, ông Sang là con trai của cựu bí thư Huyện ủy và là em trai của cựu chủ tịch huyện Kim Thành. Kế tiếp truyền thống gia đình, con trai ông Sang là ông Lê Ngọc Dũng hiện là huyện ủy viên, trưởng Phòng Tài chính huyện Kim Thành. Ông Sang còn có em trai là ông Lê Văn Vịnh (SN 1966), đang đảm nhiệm vị trí phó chi cục trưởng Chi cục Thuế của huyện. Ngoài ra, con dâu và con gái ông Sang hiện cũng được bố trí nhiều vị trí quan trọng khác trong huyện.

 

* Kênh VTV9 – Bản tin Thời sự lúc 6h ngày (19/4): Hậu Giang: Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cán bộ cơ sở

Trước làn sóng cán bộ không chuyên trách xin nghỉ việc hàng loạt, nhiều kiến nghị, đề xuất giải pháp tháo gỡ cho vấn đề này đã được đưa ra.

Để tránh tình trạng "hụt hẫng" cán bộ ở cơ sở, lãnh đạo thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang cho rằng, nhất thiết phải tăng phụ cấp cho cán bộ. Để giải quyết khó khăn cho cán bộ không chuyên trách, tỉnh Hậu Giang sẽ triển khai thí điểm việc kiêm nhiệm hai chức danh không chuyên trách để tăng thêm thu nhập cho cán bộ. Ngoài ra, tỉnh cũng lồng ghép các chương trình dự án, phát động hỗ trợ đối với những trường hợp gặp khó khăn.

Theo kế hoạch, tỉnh Hậu Giang sẽ xây dựng hàng chục căn nhà cho Đảng viên gặp khó khăn, giúp vốn, con giống cho cán bộ không chuyên trách. Đây là những hỗ trợ bước đầu để cán bộ ở cơ sở phát triển kinh tế, yên tâm công tác.

Tuy nhiên, các địa phương vẫn chưa tìm được biện pháp nào khả thi nhất bởi cơ chế hiện còn rất nhiều ràng buộc.

 

* VTV.vn (20/4): "Hà Nội sắp xếp bộ máy chính trị tinh gọn, hiệu quả"

Hôm 19/4, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có buổi làm việc với Thành ủy Hà Nội về đề án "Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn hoạt động hiệu lực hiệu quả".

Phó Thủ tướng đánh giá cao kết quả của Hà Nội khi sắp xếp tinh gọn lại bộ máy. Đến nay, thành phố đã giảm được 1 đảng bộ khối, 46 phòng ban, hơn 220 đơn vị trực thuộc cấp huyện. Đối với cấp cơ sở, sau khi sắp xếp lại, Thành phố cũng đã giảm hơn 2.000 thôn, gần 1.000 chi bộ, và gần 5.000 cán bộ ở khu vực này.

Phó Thủ tướng cho biết hiện tại bộ máy các cơ quan nhà nước vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian. Một số lĩnh vực vẫn còn giao thoa chức năng nhiệm vụ hoạt động kém hiệu quả, do vậy những kết quả, cách làm của Hà Nội sẽ là những kinh nghiệm để Ban Chỉ đạo nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện Đề án trình Hội nghị Trung ương 6 về xây dựng hệ thống chính trị thực sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

 

* Kênh VTV1 – Bản tin Thời sự lúc 19h ngày (19/4): Sẽ giải quyết gần 3.000 hồ sơ người có công tồn đọng trong năm 2017

Trong phiên chất vấn tại Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 18/4, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết năm nay Bộ sẽ vào cuộc quyết liệt giải quyết căn bản gần 3.000 hồ sơ tồn đọng, đề nghị công nhận thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng.

Được nhà nước công nhận và có chính sách hỗ trợ là mong mỏi chính đáng của nhiều gia đình có người thân đã tham gia hoạt động cách mạng, bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, đây là một quá trình đòi hỏi sự thận trọng và trách nhiệm cao của những người làm trong ngành Lao động – Thương binh và Xã hội trong việc tìm kiếm, xác nhận sự cống hiến của người còn sống và cả người đã khuất.

 

* VTV.vn (20/4) Phân cấp quản lý phân bón cho địa phương

 Đây là nội dung được bàn thảo nhiều nhất tại Hội nghị góp ý dự thảo Nghị định về quản lý phân bón do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 19/4 tại Hà Nội.

Cụ thể, sẽ có 6 lĩnh vực được phân cấp cho địa phương. Đó là quản lý đóng gói, buôn bán, hướng dẫn sử dụng trên địa bàn, công bố sản phẩm hợp quy, xác nhận nội dung quảng cáo, thanh kiểm tra. Việc quản lý sẽ đi kèm với việc chịu trách nhiệm khi xảy ra tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng trên địa bàn.

Trên cơ sở ý kiến của các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Nghị định mới sẽ coi phân bón là hàng hóa có điều kiện. Bên cạnh nhiều loại phân bắt buộc phải khảo nghiệm thì doanh nghiệp phải có phòng thử nghiệm để kiểm tra chất lượng đầu vào và đầu ra, người buôn bán phân bón phải được tập huấn và cấp chứng nhận đủ điều kiện. Để địa phương có đủ năng lực quản lý được, Bộ sẽ có thời gian chuyển tiếp là 2 năm. Trong tuần tới, Bộ sẽ tiếp tục lấy ý kiến tại các tỉnh phía Nam và miền Trung.

 

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

* Báo Chính Phủ Điện Tử (19/4): Thí điểm thành lập Trung tâm hành chính công tỉnh Bắc Ninh

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thí điểm thành lập Trung tâm hành chính công tỉnh Bắc Ninh.

Cụ thể, thí điểm thành lập Trung tâm hành chính công tỉnh Bắc Ninh là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh Bắc Ninh. UBND tỉnh Bắc Ninh quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Trung tâm và Quy chế phối hợp tổ chức hoạt động giữa Trung tâm với các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Trung tâm có Giám đốc và không quá 3 Phó Giám đốc. Trung tâm có các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dịch vụ hành chính công, gồm: Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Phòng Hành chính - Quản trị, Phòng Kiểm tra - Giám sát, Phòng Tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.

Biên chế công chức và số lượng viên chức của Trung tâm được tính trong tổng số biên chế công chức và số lượng viên chức của UBND tỉnh Bắc Ninh.

Thời gian thực hiện thí điểm 3 năm. Sau 3 năm thực hiện, UBND tỉnh Bắc Ninh tiến hành đánh giá kết quả thực hiện thí điểm. 

 

* ICTNews.vn (19/4): Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh yêu cầu trả lời phản ánh của người dân, doanh nghiệp trong 2 ngày

Để nâng cao chất lượng hoạt động của chuyên mục “Hỏi – Đáp trực tuyến” trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh đã giao Văn phòng UBND tỉnh chỉ đạo Cổng Thông tin điện tử (Cổng TTĐT) tỉnh và các đơn vị có liên quan theo dõi, tiếp nhận câu hỏi, phản ánh của người dân, doanh nghiệp thông qua mục “Hỏi – Đáp trực tuyến” trên Cổng TTĐT tỉnh.

Theo đó, tiến hành phân loại và chuyển câu hỏi đến các cơ quan chức năng trước 16h hàng ngày (ngày làm việc). Đồng thời, tiếp nhận trả lời của các cơ quan và đăng tải trên Cổng TTĐT sau 1 ngày kể từ khi nhận được trả lời. Đối với những câu trả lời mang tính chất đặc thù, nhạy cảm thì gửi email văn bản trả lời đến địa chỉ hộp thư chính thức của cá nhân, tổ chức đặt câu hỏi.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của đơn vị có trách nhiệm tiếp nhận và trả lời các câu hỏi hoặc phản ánh của người dân, doanh nghiệp do Cổng TTĐT chuyển đến. Đơn vị còn có trách nhiệm trả lời kịp thời các câu hỏi, phản ánh của người dân, doanh nghiệp gửi đến Cổng/trang TTĐT của đơn vị theo quy định.

Về thời hạn trả lời câu hỏi, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu không quá 2 ngày làm việc, tính từ ngày nhận được câu hỏi do Cổng TTĐT chuyển đến. Trong trường hợp câu hỏi có nhiều nội dung cần được xem xét kỹ lưỡng thì cũng không được kéo dài quá 5 ngày làm việc. Những câu hỏi không liên quan đến phạm vi, lĩnh vực quản lý của đơn vị thì phải thông báo ngay cho Cổng TTĐT trong vòng 1 ngày làm việc.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng giao trách nhiệm cho Cổng TTĐT theo dõi, đôn đốc, đánh giá các đơn vị, đồng thời, tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.

Chuyên mục "Hỏi – Đáp trực tuyến" trên Cổng TTĐT tỉnh là kênh giao tiếp trực tuyến quan trọng giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp. Thông qua chuyên mục "Hỏi – Đáp trực tuyến" người dân và doanh nghiệp có thể gửi câu hỏi, phản ánh, kiến nghị của mình (không bao gồm nội dung khiếu nại, tố cáo) đến các cơ quan chức năng của tỉnh và lãnh đạo tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh yêu cầu nâng cao chất lượng chuyên mục "Hỏi – Đáp trực tuyến" nhằm góp phần giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp, đồng thời góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

 

* Baobaohiemxahoi.vn (20/4): Quý II/2017 sẽ công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2016 của các bộ, tỉnh, thành phố

Theo kế hoạch hoạt động năm 2017 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, trong năm 2017, Bộ Nội vụ chủ trì tăng cường công tác kiểm tra cải cách hành chính tại các bộ, ngành, địa phương; tăng cường thanh tra công vụ, tập trung vào việc tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức; việc sử dụng biên chế tại các bộ, ngành, địa phương.

Vào quý II/2017, Bộ Nội vụ triển khai xác định và công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2016 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; Bộ Nội vụ phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai Đề án đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Cả năm 2017, Bộ Nội vụ chủ trì đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai các nội dung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm trên cơ sở các đề án đã được phê duyệt; đổi mới đánh giá công chức, viên chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Cũng trong năm 2017, Bộ Nội vụ chủ trì kiện toàn tổ chức bộ máy các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và hệ thống tổ chức cơ quan chuyên môn ở địa phương theo quy định của Chính phủ và Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương.

Văn phòng Chính phủ xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ văn bản sửa đổi, bổ sung các văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, theo dõi thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; xây dựng trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo cũng sẽ đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đơn giản hóa, công khai, minh bạch mọi thủ tục hành chính tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp thực hiện và giám sát, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính và kiến nghị sửa đổi những quy định về thủ tục không còn phù hợp gây vướng mắc, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

 

PHÁP LUẬT

* Pháp Luật TPHCM (19/4): Kiểm điểm Phó Bí thư, nguyên Bí thư tỉnh Bình Định

Chiều 18/4, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định họp kiểm điểm trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Thiện, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhiệm kỳ 2010-2015 và ông Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định. Cuộc họp có sự tham dự của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương.

Tại cuộc kiểm điểm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã bỏ phiếu đề xuất hình thức xử lý đối với hai ông Nguyễn Văn Thiện, Lê Kim Toàn để UBKT Trung ương xem xét. 

Trước đó, cuối tháng 2/2017, qua giải quyết tố cáo, UBKT Trung ương kết luận các ông Thiện, Toàn có trách nhiệm về các khuyết điểm, vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định trong công tác tuyển dụng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm một số cán bộ không đúng quy định của Đảng, Nhà nước. UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định, ông Thiện và ông Toàn kiểm điểm trách nhiệm, đề xuất hình thức xử lý, báo cáo UBKT Trung ương xem xét.

Giữa năm 2016, ông Tô Tử Thanh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, cùng nhiều cán bộ hưu trí, nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Định có đơn tố cáo gửi đến Bộ Chính trị, UBKT Trung ương phản ánh các vi phạm của các ông Nguyễn Văn Thiện, Lê Kim Toàn. Đơn tố cáo chủ yếu liên quan đến việc đề bạt, bổ nhiệm nhiều người thân của hai ông này làm cán bộ lãnh đạo.

Đơn tố cáo cho rằng nhiều người thân của ông Thiện được bổ nhiệm làm cán bộ lãnh đạo không đúng quy định, sai quy trình. Đơn đề nghị làm rõ các vi phạm trong việc kết nạp Đảng, bổ nhiệm một số cán bộ khác, trong đó có trường hợp bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Cảnh, đại biểu Quốc hội. Đơn tố cáo cũng cho rằng nhiều người thân của ông Toàn được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo một cách bất thường như vợ, chị, em gái, em rể…

Ngoài ra, đơn tố cáo yêu cầu làm rõ việc ông Toàn dùng ngân sách Nhà nước đi học Tiến sĩ ở Philipines không đúng quy định và Bằng Tiến sĩ không được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận. 

 

THẾ GIỚI

* VTV.vn (19/4): Australia bỏ visa làm việc tạm thời 457

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull ngày 18/4 tuyên bố, chính phủ Australia sẽ hủy loại thị thực 457, cho phép lao động nước ngoài vào làm việc tạm thời ở Australia. Thị thực 457 cho phép các doanh nghiệp được đưa lao động nước ngoài có tay nghề cao vào Australia để bù cho sự thiếu hụt lực lượng lao động trong nước. Tuy nhiên, Thủ tướng Turnbull cho rằng đã đến lúc Australia cần ưu tiên việc làm cho người dân của nước này.

Theo số liệu mới nhất, tính đến tháng 9/2016 tại Australia, gần 96.000 lao động nước ngoài sở hữu thị thực 457, chủ yếu đến từ Ấn Độ, Anh và Trung Quốc. Những lao động hiện đang có thị thực 457 sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này.

 

* VTV.vn (19/4): Người Nhật không được phép làm thêm quá 100 giờ/tháng

Theo dự luật mới của Nhật Bản, người lao động chỉ được phép làm thêm tối đa 100 giờ mỗi tháng. Doanh nghiệp vi phạm sẽ bị phạt nặng.

Đây là lần đầu tiên chính phủ Nhật Bản đưa hai vấn đề trên vào luật, với hy vọng thay đổi cách thức làm việc tại đất nước mặt trời mọc.

Dự luật mới được đưa ra khi tử vong và tự tử do làm việc quá sức đã trở thành một thực trạng nhức nhối tại Nhật Bản.

Năm 2016, dư luận Nhật Bản đã dậy sóng về vấn nạn này khi các cơ quan chức năng xác nhận nguyên nhân tự sát của một cô gái 24 tuổi là do làm việc quá nhiều. Cô gái này đã phải làm thêm 105 giờ trong tháng cuối cùng của cuộc đời mình.

Dự kiến, dự luật giới hạn giờ làm thêm sẽ được trình lên Quốc hội trong năm nay. Tuy nhiên, hiện đã có những ý kiến phản đối văn kiện này với lý do "mức trần" số giờ làm thêm này vẫn quá cao. Liên hiệp Thương mại Nhật Bản cho rằng số giờ làm thêm không nên quá 45 giờ/tháng./.

 

 

 

Tin mới nhất

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23/12 đến 26/12 năm 2023(26/12/2023 10:49 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 20/12 đến 22/12 năm 2023(22/12/2023 7:33 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 16/12 đến 19/12 năm 2023(19/12/2023 9:45 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 13/12 đến 15/12 năm 2023(15/12/2023 11:03 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 09/12 đến 12/12 năm 2023(12/12/2023 6:36 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 05/12 đến 08/12 năm 2023(08/12/2023 11:28 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01/12 đến 04/12 năm 2023(05/12/2023 5:51 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/11 đến 1/12 năm 2023 (01/12/2023 8:54 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25/11 đến 27/11 năm 2023(27/11/2023 8:59 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 3/11 đến 8/11 năm 2023(08/11/2023 9:22 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/10 đến 31/10 năm 2023(01/11/2023 9:20 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 21/10 đến 24/10 năm 2023(25/10/2023 9:34 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 11/10 đến 13/10 năm 2023(24/10/2023 5:47 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 9:22 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 2:34 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 7/10 đến 10/10 năm 2023(11/10/2023 5:11 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 04 đến ngày 06 tháng 10 năm 2023(06/10/2023 10:50 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 10 năm 2023(04/10/2023 4:02 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 8 năm 2023(31/08/2023 2:12 SA)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 8 năm 2023(25/08/2023 5:33 CH)

<< < 1 2 3 4 5  ... > >> 
°
Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
386 người đã bình chọn