Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25 đến ngày 26 tháng 10 năm 2017

Update 30 - 10 - 2017
100%

PHẦN I- TIN ĐIỆN BIÊN

* Báo Điện Biên Phủ (25/10): UBND tỉnh họp thường kỳ tháng 10/2017

Ngày 25/10, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 10/2017. Đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.

Tại phiên họp lần này xem xét, cho ý kiến đối với 7 tờ trình, dự thảo quyết định: Thông qua quy định phân cấp quản lý dự án đầu tư xây dựng từ nguồn đầu tư công do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh; Quy định nội dung chi, mức chi hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh; Quy định chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn tỉnh; Quy định mức chi trần thù lao công chứng, chi phí chứng thực trên địa bàn tỉnh; Quy định ban hành danh mục, thời gian sử dụng và tỷ lệ hao mòn đối với tài sản cố định đặc thù, tài sản cố định vô hình, danh mục và giá quy ước tài sản cố định đặc biệt trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý tỉnh; Quy định phân chia nguồn thu tiền nộp chậm cho ngân sách các cấp chính quyền địa phương tỉnh Điện Biên; Quy định chế độ công tác phí, chế độ hội nghị của các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Nội dung Quy định phân cấp quản lý dự án đầu tư từ nguồn đầu tư công, do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn yêu cầu 2 Sở: Kế hoạch - Đầu tư và Xây dựng phối hợp bổ sung, điều chỉnh lại bố cục dự thảo, một số từ ngữ, nội dung  không phù hợp, chồng chéo chức năng nhiệm vụ giữa 2 Sở. Nội dung quy định nội dung chi, mức chi hoạt động giám sát, phản biện xã hội của UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh, các đại biểu có ý kiến dự thảo xây dựng mức thu thấp hơn so với Thông tư hướng dẫn, đồng thời đề nghị Sở Tài chính điều chỉnh lại phù hợp. Đối với nội dung quy định phân chia nguồn thu tiền chậm nộp cho ngân sách các cấp chính quyền địa phương tỉnh, giai đoạn 2017 - 2020, đại biểu dự phiên họp góp ý đề nghị Sở Tài chính làm rõ nguyên tắc phân chia, đối tượng hưởng và tỷ lệ phân chia đối với từng nguồn thu. Đối với quy định chế độ công tác phí, chế độ hội nghị của các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh, một số ý kiến cho rằng: Cần quy định rõ hơn về nơi công tác và đối chiếu lại một số chức danh để đảm bảo tính chính xác, rõ ràng.

Các nội dung còn lại được trình tại phiên họp, các đại biểu cơ bản đồng tình, nhất trí cao.

 

* TNMT (25/10): Điện Biên: Xã 'bật đèn xanh' cho doanh nghiệp khai thác cát trái phép

Hơn 2 năm nay, tại khu vực suối Nậm Pạ, bản Kê Nênh, xã Tà Lèng, TP. Điện Biên Phủ đã diễn ra tình trạng khai thác cát trái phép, gây ảnh hưởng đến dòng chảy, lòng suối và khu rừng phòng hộ do người dân đang quản lý.

Có mặt tại điểm khai thác cát trên suối Nậm Pạ, chúng tôi thấy một bãi tập kết cát rộng mênh mông, ngổn ngang máy móc, đường ống hút cát. Tại đây có một chiếc máy hút cát cùng thiết bị sàng lọc cát ngay bên bờ suối đã dừng hoạt động. Theo những người dân bản Kê Nênh cho biết: trước đây đơn vị khai thác cát với số lượng khá lớn, cho máy hút cát làm việc ngày đêm, mỗi ngày có hàng chục xe tải vào chuyên chở cát đi tiêu thụ. Bây giờ gần như là không còn cát để khai thác.

Cũng chính vì việc khái thác, tận thu quá mức mà hiện giờ lòng suối Nậm Pạ đã nới rộng và sâu hoắm. Hai bên bờ có nguy cơ sạt lở rất cao. Trước thực trạng đó, người dân đã có đơn kiến nghị gửi UBND xã Tà Lèng, Kiểm lâm địa bàn nhưng đã hơn một năm trôi qua mà không nhận được phản hồi từ phía chính quyền xã, hoặc kiểm lâm.

Trao đổi với ông Lò Văn Biên, Chủ tịch UBND xã Tà Lèng thì được biết: Đơn vị đang khai thác cát tại suối Nậm Pạ là Doanh nghiệp tư nhân Đức Linh. Đơn vị này đã khai thác từ đầu năm 2015 và chưa được cấp giấp phép khai thác cát.

Chủ tịch UBND xã Tà Lèng, cho rằng: Do suối Nậm Pạ cung cấp nước tưới tiêu chủ yếu cho hơn 50ha ruộng lúa của người dân xã Tà Lèng, nhiều năm nay, lượng cát, sỏi theo dòng suối chảy về đã ảnh hưởng trực tiếp tới ruộng lúa của hàng trăm hộ dân. Do đó, cùng với việc xây dựng công trình đập ngăn cát, sỏi chống bồi lấp tuyến kênh mương PA I trên suối Nậm Pạ, thì UBND xã Tà Lèng đã đồng ý cho Doanh nghiệp tư nhân Đức Linh tận thu cát và không thu bất kỳ khoản phí nào; vừa để thuận lợi xây dựng công trình vừa hạn chế được cát tràn về gây ảnh hưởng tuyến kênh và hoạt động sản xuất của bà con.

Còn việc khai thác cát gây ảnh hưởng tới lòng suối Nậm Pạ và rừng phòng hộ của người dân trong bản Kê Nênh, Chủ tịch UBND xã Tà Lèng nói là đã nắm được và  hiện vẫn chưa có kế hoạch giải quyết, xử lý.

Đại diện Phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Điện Biên, ông Nguyễn Thành Trung, cho biết: Theo quy định, trong một số trường hợp cụ thể có thể cho phép tận dụng khai thác vật liệu tại chỗ phục vụ xây dựng các công trình Nhà nước. Tuy nhiên, phía đơn vị thi công phải có kiến nghị hoặc tờ trình lên UBND tỉnh và cơ quan quản lý là Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét. Với trường hợp Doanh nghiệp tư nhân Đức Linh thì phía Phòng Khoáng sản không hề nhận được báo cáo gì về việc xin tận thu khai thác cát làm công trình. Nên có thể khẳng định, việc khai thác cát của đơn vị này tại suối Nậm Pạ là hoàn toàn trái quy định của pháp luật.

 

* Báo Nhân Đạo và Đời Sống (24/10): Công ty CP cấp nước Điện Biên bán “nước không sạch” cho dân?

“Mùa mưa nước đục thì bà con dùng nước đục, mùa khô nước trong thì bà con dùng nước trong” - ông Chủ tịch HĐQT Công ty CP cấp nước Điện Biên thản nhiên nói. Nước không được làm sạch nhưng giá bán thì vẫn 5.500 đồng/m3 theo đơn giá của tỉnh.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, Công ty CP cấp nước Điện Biên đang cung cấp nước sạch mạng cấp I, cấp II và toàn bộ mạng cấp III trên địa bàn Thành phố Điện Biên Phủ; và 9 huyện, thị khác của tỉnh Điện Biên gồm: Thị xã Mường Lay, huyện Điện Biên, huyện Điện Biên Đông, huyện Mường Ảng, huyện Mường Chà, huyện Tủa Chùa, huyện Mường Nhé, huyện Nậm Pồ, huyện Tuần Giáo.

Tuy nhiên, theo bà con ở huyện Mường Nhé (Điện Biên) hiện nay, họ đang phải dùng nước bẩn do Công ty CP cấp nước Điện Biên cung cấp.

Làm việc với phóng viên báo Nhân đạo và Đời sống, ông Nguyễn Lệ Quế, Chủ tịch HĐQT Công ty CP cấp nước Điện Biên thừa nhận việc công ty bán nước không đáp ứng đủ tiêu chuẩn cho người dân là đúng. Theo ông Quế cho biết, nguồn nước cấp cho bà con sử dụng trên địa bàn huyện Mường Nhé là từ các suối, Công ty chỉ làm đường ống dẫn nước về bể lắng, đầu tư hệ thống đường ống cấp 1, cấp 2 để đưa nước về cho các hộ và thu tiền với mức giá lên tới 5.500 đồng/1m3.

Ngoài ra, ông Quế cũng “tiết lộ” về chất lượng của nguồn nước khiến ai nghe cũng giật mình: “Mùa mưa nước đục thì bà con dùng nước đục, mùa khô nước trong thì bà con dùng nước trong”, vị Chủ tịch HĐQT Công ty CP cấp nước Điện Biên nói.

Lý giải về việc nước không đảm bảo này, ông Quế cho rằng, khi vào nhận quản lý thì công ty đã phải vay ngân hàng mất hơn 4,7 tỷ đồng để cải tạo lại cái hệ thống mạng đường ống nước nhưng do năng lực tài chính công ty chỉ có hạn nên không thể đầu tư thêm.

Hiện tại, trên địa bàn huyện Mường Nhé, Công ty CP cấp nước Điện Biên đang cung cấp “nước sạch” cho khoảng hơn 450 hộ và cơ quan đoàn thể. Mặc dù, nguồn nước cung cấp cho các hộ dân sử dụng không đảm bảo chất lượng và chỉ là nước thô nhưng giá bán cho các hộ dân tương đối cao. Lý giải về mức giá trên, ông Nguyễn Lệ Quế cho rằng, giá nước người ta tính dựa trên cái đầu tư vào, các chi phí khác nữa để ra giá thành 1m3 nước. Giá đó là dựa trên cơ sở chi phí hàng năm thì công ty sẽ xây dựng lên cái đơn giá nước theo quy định tính đúng, tính đủ: tiền đầu tư ra, các chi phí tiền lương và tất cả mọi cái... xong liên ngành thẩm định và trình hội đồng và ủy bản tỉnh để quyết định giá. Về giá đã có các ngành thẩm định. Hội đồng và Ủy ban tỉnh phê duyệt mức giá đó.

Ngoài ra, ông Quế cũng cho biết, doanh thu tiền bán nước ở huyện Mường Nhé rơi vào khoảng 80 – 90 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, số tiền này cũng chỉ đủ chi trả lương và nộp bảo hiểm, các chế độ khác cho người lao động.

Liên quan đến vấn đề trên, làm việc với phóng viên, Báo Nhân đạo và Đời sống, ông Lê Thành Đô, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên cho biết, nguồn nước được cung cấp cho bà con sử dụng chỉ là nước thô ban đầu và việc người dân phản ánh về nguồn nước sạch không đảm bảo chất lượng là chính xác. “Thực tế hiện nay, nước sinh hoạt vẫn chủ yếu lọc thô ở đầu nguồn. Sau đó dẫn về và đưa lên bể và cấp cho người dân. Trước mắt là chưa qua xử lý”, ông Lê Thành Đô, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên cho biết.

Còn về mức giá 5.500 đồng/1m3 thì ông Đô cho rằng, việc xây dựng đơn giá nước thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Toàn bộ định mức chi phí và khấu hao các công trình là nó phải được tính. Đơn giá này đã được các cơ quan chuyên môn của tỉnh thẩm định và UBND tỉnh ban hành. Thực ra, để đầu tư cấp nước cho các huyện vùng cao thì chi phí rất lớn nên nó gánh cả phần khấu hao. Vì mình đã giao cái này cho doanh nghiệp quản lý thì đường nhiên buộc họ phải đưa khấu hao vào khi có sửa chữa nhỏ, sửa chữa thường xuyên nên tỉnh phải cho áp vào mức giá trần cao nhất theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng…

Có thể thấy rằng, trong nhiều năm nay, việc Công ty CP cấp nước Điện Biên cung cấp “nước không sạch” cho bà con trên địa bàn huyện Mường Nhé sử dụng mà vẫn thu tiền với mức giá cáo đã gây bức xúc cho người dân. Dư luận, không khỏi lo ngại, liệu có hay không việc UBND tỉnh Điện Biên “ưu ái” cho Công ty CP cấp nước Điện Biên? Đã đến lúc, UBND tỉnh Điện Biên cần tìm một nhà đầu tư thực sự có năng lực về chuyên môn, tài chính để vận hành và cung cấp nước sạch cho bà con trên địa bàn huyện Mường Nhé.

 

* Tin Tức TTXVN (25/10): Nỗ lực khắc phục sạt lở trên Quốc lộ 279 đoạn qua Tuần Giáo, Điện Biên

Liên quan đến công tác khắc phục, xóa 'điểm đen' sạt lở tại Km11+300 trên Quốc lộ 279 (đoạn qua địa phận bản Bánh, xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo, Điện Biên), những ngày qua, đơn vị đã huy động 5 máy xúc chuyên dụng, 7 ô tô để thực hiện công tác bạt cơ, giảm tải theo phương án đã được Tổng cục Đường bộ phê duyệt, chấp thuận.

Trước đó, vào đêm 4/9, tại km11+300 trên Quốc lộ 279, do mưa lớn nên gần 80.000 m3 đất đá sạt lở xuống khoảng 100m chiều dài mặt đường khiến giao thông trên tuyến Quốc lộ này bị tê liệt hoàn toàn. Sau đó, với sự nỗ lực của lực lượng chức năng, tuyến Quốc lộ 279 đoạn qua điểm xuất hiện sạt lở đã tạm thời được thông tuyến bước 1.

Tuy nhiên, kết quả đánh giá hiện trạng, khảo sát hiện trường cho thấy: Mặt kết cấu địa chất vách ta luy dương tại điểm xảy ra sự cố sạt lở rời rạc, không ổn định, mái ta tuy dương cao nhất là 74 m so với mặt đường. Đặc biệt, phía trên mái ta luy xuất hiện các vết nứt nên cơ quan chức năng phải thực hiện phương án bạt ngả, giảm tải vách ta luy.

Hiện, tại vị trí Km11+300, để vừa đảm bảo giao thông vừa đảm bảo thực hiện công tác thi công khắc phục sạt lở, Công ty cổ phần đường bộ 226 đã có phương án ngăn đường, thời gian ngăn đường (tối đa mỗi lần 30 phút) và số lần ngăn đường tùy thuộc vào điều kiện thực tế (thời tiết, điều kiện thi công).

Ông Trần Quang Huy, Phó Giám đốc Công ty cổ phần đường bộ 226 cho biết: Sau khi thực hiện phương án bạt cơ, giảm tải sẽ giảm thiểu nguy cơ sạt lở mái ta luy dương tại điểm này, đảm bảo an toàn giao thông đường bộ. Dự kiến đến ngày 5/11 lực lượng chức năng sẽ hoàn tất việc khắc phục sạt lở tại địa điểm trên.

Tuyến Quốc lộ 279 từ Km0- Km116 thuộc địa bàn tỉnh Điện Biên có đặc trưng đường miền núi, địa hình chia cắt, núi cao, vực sâu, nhiều đèo dốc quanh co liên tục, dốc dọc lớn, nhiều đường cong bán kính nhỏ; một số phân đoạn đi ven suối thường xuyên bị sạt lở ta luy trong mùa mưa lũ. Đặc biệt, đoạn tuyến thuộc địa phận đi qua đèo Tây Trang đến Cửa khẩu quốc tế Tây Trang có nhiều vị trí phát sinh "ổ gà", nền đường có khả năng bị sình lún dẫn đến ách tắc giao thông trong mùa mưa.

Tuyến Quốc lộ 279 đi qua địa bàn các huyện Tuần Giáo, Mường Ảng, thành phố Điện Biên Phủ có 3 đèo Tà Cơn (Km3-Km6), đèo Tằng Quái (Km37-Km46), đèo Tây Trang (Km97-Km116) và dốc Nà Lơi (Km62-Km68+400) là những đoạn địa hình hiểm trở, thường xuyên bị sạt lở gây ắch tắc giao thông trong mùa mưa bão.

 

* Báo Điện Biên Phủ (25/10): Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các vị chức sắc, nhà tu hành

Ngày 24/10, Ban Thường trực Hội đồng giáo dục Quốc phòng và An ninh Trung ương phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho gần 100 đại biểu là các vị chức sắc, nhà tu hành, đại diện lãnh đạo 1 số tổ chức tôn giáo trên địa bàn 9 tỉnh Quân khu 2. Dự hội nghị có các đồng chí: Thượng tướng Phan Ngọc Minh, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Duy Nguyên, Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ, Bộ Quốc phòng; Lê Văn Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Trong thời gian 3 ngày (24 - 26/10) các đại biểu được nghiên cứu, tiếp thu 6 chuyên đề: Ðường lối, quan điểm của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước Việt Nam về bảo vệ an ninh quốc gia, xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân; Bảo vệ an ninh chính trị, kinh tế, văn hóa, tư tưởng; Dân tộc, tôn giáo gắn với quốc phòng - an ninh trong tình hình mới; Phòng chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù dịch đối với Việt Nam; Một số vấn đề về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng - an ninh; Nội dung cơ bản của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Qua đó, giúp các vị chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo bổ sung kiến thức về quốc phòng - an ninh; pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo; nhận diện rõ âm mưu của thế lực thù địch và các đối tượng xấu. Từ đó, nâng cao cảnh giác, sinh hoạt tôn giáo ổn định theo đúng pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự, đóng góp thiết thực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh ở địa phương.

 

* Giao Thông (25/10): Điện Biên công bố quy hoạch điều chỉnh CHK

Ngày 24/10, UBND tỉnh Điện Biên đã tổ chức công bố quy hoạch điều chỉnh CHK Điện Biên giai đoạn năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo Quyết định 2501 ngày 28/8/2017 của Bộ GTVT, CHK Điện Biên được quy hoạch là cảng nội địa có hoạt động bay quốc tế, sân bay dùng chung dân dụng và quân sự. Cảng có 3 vị trí đỗ máy bay, trong đó 2 vị trí cho máy bay ATR72, một vị trí cho máy bay A320; loại máy bay khai thác là A320, A321 và tương đương.

Giai đoạn đến năm 2020, cảng có công suất 300.000 hành khách/năm và 500 tấn hàng hóa/năm. Đến năm 2030, cảng có công suất 2 triệu hành khách/năm, 10.000 tấn hàng hóa/năm.

Về tuyến đường bay, giai đoạn đến năm 2020, CHK Điện Biên dự kiến khai thác các tuyến bay: Điện Biên - Nội Bài và Điện Biên - Cát Bi; giai đoạn định hướng đến năm 2030 dự kiến khai thác thêm 2 tuyến bay: Điện Biên - Đà Nẵng và Điện Biên - Tân Sơn Nhất. Trong tương lai, theo xu hướng CHK Điện Biên có thể trở thành CHK quốc tế trực tiếp đón, đưa khách từ: Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc.

 

* Báo Điện Biên Phủ (25/10): Hơn 380,4 tỷ đồng dư tạm ứng chưa thu hồi

Tính đến cuối tháng 9/2017, số dư tạm ứng vốn đầu tư của các dự án thanh toán qua Kho bạc Nhà nước Ðiện Biên còn tương đối lớn, trong đó có các khoản dư tạm ứng đã quá thời hạn thời gian thực hiện hoặc hợp đồng. Cụ thể, tổng số dư tạm ứng chưa thu hồi hơn 380,4 tỷ đồng (vốn ngân sách địa phương gần 337,6 tỷ đồng; vốn ngân sách trung ương trên 42,8 tỷ đồng). Trong đó, tổng số dư tạm ứng của các dự án đã quá hạn thời gian thực hiện hoặc hợp đồng hơn 39,5 tỷ đồng (vốn ngân sách địa phương trên 35 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương hơn 4,4 tỷ đồng).

Trong quá trình kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước Ðiện Biên đã tích cực đôn đốc và phối hợp với chủ đầu tư trong việc thu hồi số dư tạm ứng các công trình theo quy định. Tuy nhiên, số dư tạm ứng của một số dự án đã quá hạn thời gian thực hiện còn lớn, nguyên nhân chủ yếu do năng lực nhà thầu hạn chế, vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, do chờ phê duyệt điều chỉnh thiết kế, dự toán, điều chỉnh gói thầu…

 

PHẦN II: TIN TỨC – THỜI SỰ

TIÊU ĐIỂM

* Tuổi Trẻ (24/10): “Không có vai trò cá nhân trong việc kỷ luật Bác sĩ Truyện”

Ngay sau khi xin lỗi Bác sĩ Hoàng Công Truyện, chiều 23-10, Sở Y tế Thừa Thiên - Huế đã trả lời báo chí về việc kỷ luật sai đối với ông Truyện.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Nam Hùng vẫn không xuất hiện và tiếp tục cử Chánh Văn phòng của Sở là ông Hoàng Văn Đức cung cấp thông tin cho báo chí.

Theo nội dung do ông Đức cung cấp trên một tờ giấy in sẵn, sáng 23-10, Ban Giám đốc Sở đã họp với các phòng ban để xem xét lại việc chỉ đạo kỷ luật bác sĩ Hoàng Công Truyện và nhận thấy việc đăng facebook của bác sĩ Truyện chưa đến mức xử lý kỷ luật khiển trách.

Ngay sau cuộc họp, lãnh đạo Sở này đã ra Trung tâm y tế huyện Phong Điền, đích thân Giám đốc Sở đã xin lỗi Bác sĩ Truyện. Đồng thời, chỉ đạo Ban Giám đốc Trung tâm y tế huyện Phong Điền rút lại quyết định kỷ luật.

Trả lời câu hỏi về việc xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân đã để xảy ra sự việc vừa rồi, văn bản này cho biết trách nhiệm thuộc về "tập thể hội đồng kỷ luật của Sở Y tế, các quyết định chỉ đạo của sở đều dựa trên ý kiến của tập thể, không có vai trò cá nhân ở đây". Sở này nói sẽ rút kinh nghiệm, xem đây là bài học lớn.

 

* Lao Động (24/10): Bài học từ chuyện “Bác sĩ Truyện”

Ngày 23/10, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế rút quyết định xử phạt Bác sĩ Hoàng Công Truyện. Cùng ngày, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bác sĩ Nguyễn Nam Hùng dẫn Đoàn đến huyện Phong Điền xin lỗi bác sĩ Truyện và rút quyết định kỷ luật.

Bác sĩ Nguyễn Nam Hùng trao đổi với phóng viên: “Sau vụ việc này, chúng tôi mong muốn anh em trong ngành cần thực hiện đúng những quy định của pháp luật. Chúng tôi cũng rút kinh nghiệm lớn trong vụ này”.

Nói như Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: “Khi làm việc, người cán bộ phải hạn chế để không sai lầm, nhưng cái quan trọng hơn nữa là khi biết mình sai thì phải biết sửa sai. Cái đó không xấu gì cả mà chỉ làm cho mình tốt hơn”.

Dư luận ghi nhận việc sửa sai của Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế, không bảo thủ, cố chấp mà dám nhận trách nhiệm.

Xin lỗi Bác sĩ Hoàng Công Truyện khi cơ quan chính quyền ra quyết định xử phạt không đúng là phản ánh sinh động quyền tự do dân chủ trong một xã hội, và tôn trọng quyền tự do ngôn luận của công dân. Việt Nam quyết tâm xây dựng nền dân chủ và đề cao tinh thần dân chủ, vậy thì những hành động đi ngược lại tinh thần đó đều phải được phê phán, góp ý xây dựng để tốt hơn, tiến bộ hơn, dân chủ hơn.

Ngoài ra, một xã hội công bằng, văn minh thì không thể xử phạt công dân không công bằng, và rõ ràng không cho dân phát biểu quan điểm cá nhân là không văn minh. Tất nhiên, không ai được lợi dụng quyền tự do để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật.

Bài học này không chỉ đối với Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế, mà các cơ quan khác, trước khi ra một quyết định tương tự, phải xem xét các căn cứ pháp luật, để không làm sai, xử oan công dân. Không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

          Bài học lớn hơn, đó là bài học lắng nghe. Những tiếng nói phản biện chính sách hay phê phán việc làm của cá nhân lãnh đạo là hết sức bình thường. Nếu nói đúng thì tiếp thu, sửa đổi, nói chưa đúng thì giải thích, thuyết phục. Mục đích cuối cùng là phục vụ dân tốt hơn, hiệu quả hơn.

Nếu như tiếng nói “nghịch nhĩ” được xem như là xuyên tạc, xúc phạm danh dự của lãnh đạo, thì còn ai dám phản biện, dám góp ý. Về phía người dân, việc góp ý với lãnh đạo, với chính quyền là cần thiết, nhưng phải xuất phát trên tinh thần xây dựng, tôn trọng đối tượng góp ý, có ngôn ngữ chừng mực, văn minh. Mục đích của góp ý là để đối tượng được góp ý làm tốt hơn, thay đổi theo hướng tích cực, không phải là bài xích, phá bỏ, đạp đổ.

 

* Pháp Luật Việt Nam (25/10): Giải tỏa e ngại về sự che chắn và “chống lưng”

Cuối cùng, kết luận thanh tra “biệt phủ” của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái đã được công bố vào 15h ngày 23/10. Theo đó, sai phạm nối tiếp sai phạm, từ chuyển đổi mục đích sử dụng đất đến xây dựng không phép, từ lạm quyền trong thi hành công vụ đến không trung thực trong kê khai tài sản.

Ông Phạm Sỹ Quý bị Thanh tra Chính phủ đề nghị phải “xử lý nghiêm minh” thay vì cụm từ “nghiêm khắc xử lý” như vẫn quen dùng. Đáng chú ý là ông Quý không “đơn thương, độc mã” trong vụ sai phạm này mà cả một loạt các cá nhân lãnh đạo và cơ quan chức năng cũng bị xem xét xử lý như người đã ký giấy chuyển quyền sử dụng đất, trách nhiệm đứng đầu của Chủ tịch thành phố Yên Bái hoặc Sở Tài chính, Cục Thuế Yên Bái,...

Rõ ràng, đây là một vụ sai phạm không lớn nhưng gây bức xúc dư luận và quá trình xử lý mất nhiều thời gian chờ đợi và có liên đến nhiều người, nhiều ngành trong lĩnh vực quản lý nhà nước tại địa phương, nếu không có quyền lực và quan hệ ràng buộc lẫn nhau thì không thể dựng một “biệt phủ” giữa lòng thành phố như thế này được.

Dẫu sao, “chạy trời không khỏi nắng”, việc công bố kết luận thanh tra này đã đáp ứng sự trông chờ từ phía người dân và giải tỏa nỗi bức xúc, e ngại có sự che chắn và “chống lưng” trong vụ sai phạm này. Vấn đề còn lại là xử lý nghiêm minh như đề nghị từ Thanh tra Chính phủ.

Một vụ việc khác cũng đang gây sự chú ý của dư luận, đó là việc Thượng tá Công an Võ Đình Thường, 13 năm trước khi còn là Đại úy, Trưởng trạm Dầu Giây đã bị kỷ luật, cho ra khỏi lực lượng Cảnh sát giao thông mà nay lại đang giữ chức Phó phòng Cảnh sát giao thông Đồng Nai. Công an Đồng Nai và Bộ Công an đều khẳng định việc bổ nhiệm ông Thường là “đúng quy trình”, vấn đề là ở chỗ cần minh bạch là ông Thường thực sự có bị kỷ luật ra khỏi ngành không hay chỉ là luân chuyển?. Và, cái thông tin ông bị ra khỏi ngành xác tín ở đâu, chỗ nào thì mới đảm bảo vế sau là “đúng quy trình được”.

Khi ông ký giấy mời các tài xế trả tiền lẻ qua Trạm thu phí BOT Biên Hòa lên làm việc thì người ta mới phát hiện ra ông từng bị kỷ luật và con gái ông chính là cổ đông chiến lược của BOT Biên Hòa này. Tuy nhiên, theo khẳng định của ông là ông không hề biết con gái làm chuyện đó, thật là một ông bố rất vô tư, khách quan trong công việc và cả trong nghĩa vụ làm cha nữa!

Việc công bố kết luận “biệt phủ” Yên Bái xảy ra đúng ngày khai mạc kỳ họp cuối năm của Quốc hội. Một trong các chương trình nghị sự của kỳ họp lần này là xem xét tư cách đại biểu của bà Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai. Hy vọng rằng những việc xảy ra tại Đồng Nai cũng được đề nghị xử lý nghiêm minh như đã trường hợp ở Yên Bái.

 

* An Ninh Thủ Đô (24/10): Vụ "biệt phủ" Yên Bái: Đã kết luận thì phải làm đến cùng chứ đừng qua loa

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 23-10, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, vụ Giám đốc Sở Tài Nguyên & Môi Trường Yên Bái Phạm Sỹ Quý xây “biệt phủ” trên đất chuyển đổi sai mục đích lộ ra nhiều kẽ hở của pháp luật.

Đại biểu Dương Trung Quốc đặt câu hỏi, nếu ông Phạm Sỹ Quý không phải là quan chức thì liệu có được chính quyền địa phương chuyển đổi đất trái phép cho như vậy không? “Tôi chưa nói đến quan hệ của những cá nhân liên quan đến vụ việc này nhưng rõ ràng đây chính là những bằng chứng rõ nhất để thấy lỗ hổng của luật pháp và chúng ta phải truy đến tận cùng” – ông Quốc nói.

Theo ông Dương Trung Quốc, vụ việc sai phạm của ông Phạm Sỹ Quý và các cá nhân có liên quan đã được kết luận, giờ là lúc phải xử lý đến cùng trách nhiệm của các cá nhân có sai phạm. “Nếu chúng ta xử lý không kiên quyết thì sẽ có rất nhiều trường hợp sai phạm tương tự sẽ tiếp tục xảy ra. Vỏ quýt dày mà móng tay không chịu nhọn thì cũng chịu. Cho nên tôi cho rằng phải xử lý đến cùng để củng cố niềm tin trong nhân dân” – ông Quốc phân tích.

Cũng theo ông Quốc, ngoài xử lý các cá nhân có vi phạm thì cần tìm ra các kẽ hở pháp luật để ngăn chặn.

“Việc ông Quý nói rằng ông giàu nhờ buôn chổi đót chỉ là giả dối thôi, nhân dịp này cần làm rõ để chấm dứt tình trạng này, vì chắc chắn đây không phải là một người, mà là cả một lớp người biết lợi dụng kẽ hở của pháp luật để tạo đặc quyền và chia sẻ lợi ích với nhau” – ông Quốc nói thêm.

 

TIN QUỐC HỘI 

* Pháp Luật TPHCM (24/10): Bộ máy hành chính cồng kềnh cản trở phát triển

Năm 2010, chi thường xuyên chiếm 51% chi ngân sách Nhà nước và đến năm 2017 là 70%, trong đó phần lớn chi thường xuyên này để nuôi bộ máy hành chính. Đây là quan điểm của một số đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM tại phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội năm 2017, sáng 24-10.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho rằng hiện nay có hai yếu tố tạo ra lực cản cho phát triển kinh tế xã hội. Đó là năng lực dự báo của cơ quan quản lý và bộ máy hành chính quá cồng kềnh.

“Dù Chính phủ cho rằng đã tinh giản được bộ máy hành chính nhưng chưa chạm đúng trọng tâm. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã thể hiện rõ vai trò hành động nhưng cấp dưới vẫn chưa thể hiện nhiều. Một số bộ ngành đã vào cuộc quyết liệt nhưng một số bộ chưa, thậm chí nhiều bộ ban hành các quyết định gây phản cảm xã hội, chưa tạo lòng tin với người dân”- ĐB Tâm thẳng thắn.Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Chính phủ, Quốc hội có giải pháp huy động nguồn lực trong dân.

“Một người dân tuy có nguồn lực ít nhưng cả xã hội thì rất lớn, vậy Chính phủ phải làm sao để tạo được lòng tin với người dân và để họ đóng góp vào sự phát triển của đất nước, nền kinh tế có nguồn lực để đầu tư”- đại biểu Tâm đề nghị.

Cũng theo bà Tâm, Chính phủ cần nhận thức rõ và thay đổi mô hình tăng trường dựa trên khai thác tài nguyên bất hợp lý, đã đến lúc nhìn thấy tài nguyên cạn kiệt. “Nếu tài nguyên nào còn khai thác được thì cần minh bạch, khai thác bao nhiêu đem lại lợi ích gì cho dân, nhất quyết không để rơi vào lợi ích nhóm”- bà Tâm nói.

Ngoài ra, đại biểuNguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng việc dự báo, đánh giá thiên tai cũng chưa thể hiện đúng bản chất vấn đề. Các cơ quan quản lý chưa lý giải được nguyên nhân để xảy ra thiên tai là do khí hậu hay do lợi ích nhóm chi phối trong khai thác tài nguyên quá mức.

Còn đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho biết tại kì họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, các ĐB sẽ dành thời gian để thảo luận về vấn đề giám sát bộ máy quản lý hành chính. Đây là cơ hội để Chính phủ quyết liệt tinh giản bộ máy hành chính tinh gọn, đảm bảo hiệu quả, hiệu lực điều hành, giảm chi ngân sách cho bộ máy.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng cho rằng một số chuyên gia cảnh báo về cân đối thu chi của Việt Nam. Năm 2010, chi thường xuyên chiếm 51% chi ngân sách nhà nước và đến năm 2017 là 70%, trong đó phần lớn chi thường xuyên này để nuôi bộ máy hành chính. “Chúng ta chi hết, ăn hết luôn thì không còn nguồn mà đầu tư phát triển nữa. Hơn nữa, chi không hợp lý, không hiệu quả chứ không phải do nguồn thu giảm. Do đó, cần phải đưa con số này từ từ về 60% và giảm dần nữa”- ông Nghĩa nói.

 

* Pháp Luật TPHCM (24/10):  “Cái gì đụng chạm bộ trưởng Y tế, phản ứng rất nhanh!”

Nhiều bác sĩ, y tá bị tấn công, đánh đập, tạo ra sự lo lắng trong đội ngũ ngành y nhưng cơ quan quản lý phản ứng chậm; trong khi đó, một lời góp ý với Bộ trưởng Y tế lại bị xem là bôi nhọ và yêu cầu xử lý ngay. Đây là chia sẻ của đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) tại phiên thảo luận tổ Quốc hội sáng 24-10.

Bà Phạm Khánh Phong Lan mong muốn nhận được sự chia sẻ với những khó khăn, sức ép của đội ngũ bác sĩ. “Sức ép lớn nhất là điều kiện để làm việc, cơ sở vật chất kỹ thuật bệnh viện ngày càng xuống cấp. Đặc biệt, người quản lý bệnh viện càng khó khăn làm sao để cân đối được tài chính, lo được cho bệnh viện trước áp lực thị trường” - bà Lan chia sẻ.

Bên cạnh đó, bà Lan nêu lên tình trạng thời gian qua có biết bao nhiêu cuộc tấn công các bác sĩ, kể cả hiếp dâm điều dưỡng, rất nhiều vấn đề… nhưng bà nhận thấy ngành y tế phản ứng hết sức chậm chạp, không đứng ra để bảo vệ cho các bác sĩ một cách kịp thời. "Trong khi đó, chỉ cần một lời góp ý của bác sĩ đối với bộ trưởng Y tế thì ngay một ngày sau, ngành phản ứng hết sức nhanh nhạy khi thấy động chạm đến uy tín của Bộ trưởng" - bà nói.

“Đây là việc đáng buồn, làm cho tư tưởng người Bác sĩ, cán bộ y tế rất hoang mang bởi cái nhanh nhạy của người lãnh đạo trong xử lý lại không phù hợp” - bà Lan nói.

Về vụ việc Công ty VN Pharma nhập khẩu thuốc điều trị ung thư giả, bà Lan đặt câu hỏi: “Bên cạnh trường hợp này còn bao nhiêu trường hợp thế nữa? Cần nghiêm túc xem lại”.

Theo bà Lan, “nội chuyện thống nhất đây là thuốc kém chất lượng hay giả mà cứ cãi hoài nhưng chỉ cãi qua cãi lại trên phương tiện thông tin địa chúng, đó là thiếu tôn trọng pháp luật”.

Đặc biệt, tại tòa các bị cáo lý luận rằng thuốc này vẫn còn trong kho, chưa đưa ra thị trường. Vậy vẫn còn những thuốc đã đưa vào thị trường rồi thì xử lý thế nào. “Tôi xin hỏi những bệnh nhân đã sử dụng thuốc ung thư giả này thì chúng ta có cơ chế bồi thường thiệt hại như thế nào?” - bà Lan đặt câu hỏi và đề nghị phải có giải pháp tìm ra những người tích lũy được tài sản, ăn hoa hồng, tham nhũng khi cấp phép cho các loại thuốc này lưu hành để sử dụng tài sản của họ bồi thường cho các bệnh nhân.

 

* Pháp Luật TPHCM (24/10): Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lỗ hơn 12.000 tỉ

Chính phủ vừa có báo cáo Hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2016 gửi các Đại biểu Quốc hội.

Theo đó, báo cáo của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho thấy nợ phải thu khó đòi là 15.914 tỉ đồng. Trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) 5.863 tỉ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (2.018 tỉ đồng); Tập đoàn Viễn thông Quân đội (1.110 tỉ đồng); Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (1.085 tỉ đồng); Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (969 tỉ đồng); Tổng công ty Lương thực Miền Nam (610 tỉ đồng); TĐ Than và Khoáng sản VN (459 tỉ đồng); Tổng công ty Viễn thông Mobifone (441 tỉ đồng);…

Đặc biệt theo báo cáo, số lỗ lũy kế của các tập đoàn, tổng công ty là 12.504 tỉ đồng. Cụ thể, Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (5.040 tỉ đồng); Tổng công ty Viễn thông Toàn cầu Gtel (3.905 tỉ đồng); Tập đoàn Hóa chất (1.348 tỉ đồng); Tổng công ty Giấy VN (109 tỉ đồng); Tông ty Cà phê VN (93 tỉ đồng); Công ty TNHH 1TV Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn (40 tỉ đồng),…

Chính phủ nhìn nhận hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư; nợ nần, thua lỗ, thất thoát lớn vẫn còn xảy ra. Cơ chế quản trị doanh nghiệp nhà nước chậm được đổi mới, kém hiệu quả, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tính công khai, minh bạch còn hạn chế.

Trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp nhà nước chưa rõ ràng; công tác cán bộ, chính sách tiền lương, thưởng còn bất cập, chưa phù hợp với cơ chế thị trường, chưa có tác động khuyến khích người lao động tăng năng suất lao động.

Việc tách chức năng quản lý nhà nước và chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước thực hiện chậm. Cơ chế quản lý, giám sát và việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan và người đại diện chủ sở hữu nhà nước chưa thật rõ ràng và phù hợp.

Cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DNNN chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nên hiệu quả triển khai quy định về công khai, minh bạch chưa cao.

Hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán của các cơ quan quản lý nhà nước không cao. Tình trạng thực hiện chưa nghiêm túc chủ trương của Đảng, vi phạm pháp luật, rủi ro, yếu kém, thua lỗ trong doanh nghiệp nhà nước chưa được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh.

 

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

* Báo Đồng Tháp (24/10): Đồng Tháp: Mô hình hội quán góp phần nâng cao đời sống người dân

Hội quán là mô hình do nông dân tự nguyện cùng lập ra để sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, các kỹ thuật trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường tiêu thụ, chuyện xóm, chuyện nhà... Hội quán trở thành một mô hình sinh hoạt thu hút nông dân ở nông thôn, từng bước thay đổi suy nghĩ, tập hợp nông dân, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của bà con ở nông thôn.

Từ mô hình “Canh Tân Hội quán” đầu tiên tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành được thành lập năm 2016 với 105 hội viên, đến ngày 8/9/2017, toàn tỉnh có 23 Hội quán ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố với gần 1.200 hội viên. Cơ sở vật chất ban đầu do dân tự nguyện đóng góp, cơ quan, doanh nghiệp chỉ hỗ trợ 1 phần; Hội quán sinh hoạt định kỳ hàng tuần hoặc 2 tuần hoặc 1 tháng/lần. Nội dung sinh hoạt do các thành viên tự đề ra, chủ động bàn bạc cách làm mới, nghe nhà khoa học chia sẻ những ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, liên kết tiêu thụ nông sản, xem phim tư liệu...

Hình thức sinh hoạt mang tính tập trung giúp người dân phát huy tinh thần đoàn kết, tự chủ, tự quản; thay đổi thói quen, tập quán sản xuất nhỏ, lẻ theo hướng hợp tác với doanh nghiệp đầu tư tiêu thụ sản phẩm. Mỗi Hội quán đều gắn với ít nhất một mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương, mỗi buổi sinh hoạt, thành viên, hội viên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, mạnh dạn trao đổi với nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp để cùng tiếp thu, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, cách tiếp cận thị trường trong sản xuất.

Thông qua sinh hoạt Hội quán, đời sống tinh thần người dân được nâng lên khi chủ động tham gia ý kiến đóng góp cho địa phương những thuận lợi và khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh; một số hội viên, thành viên tham gia vận động xây dựng cầu, đường, hỗ trợ học bổng, phát quà cho hộ nghèo, học sinh có gia đình khó khăn.

Ông Trần Văn Á - chủ cơ sở sản xuất khô Út Á, khóm Sở Thượng cho biết: “Hội quán sinh hoạt định kỳ mỗi tháng, cập nhật các thông tin về thương hiệu, an toàn thực phẩm đến các hội viên. Trước mắt, chúng tôi được tạo điều kiện đưa sản phẩm ra mặt tiền đường phía chợ để giới thiệu đến với mọi người. Trước đây, chỉ bán sỉ, lẻ tại nhà, đường vào rất khó khăn, nay được chuyển ra phía lộ trung tâm để kinh doanh nên rất phấn khởi; chúng tôi đang liên kết lại với nhau để làm ăn, khi các gian hàng trưng bày sản phẩm của An Lạc Hội quán hoàn thành, chúng tôi sẽ trao đổi sản phẩm của mình với các Hội quán khác trong toàn tỉnh...”.

 

* Báo An Giang (24/10): An Giang: Hiệu quả từ một mô hình

Việc hình thành các Câu lạc bộ Nông dân (CLBND) với pháp luật trên địa bàn huyện Thoại Sơn thời gian qua góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với ND, đáp ứng nhu cầu học tập, trang bị kiến thức pháp luật cho bà con trên địa bàn huyện.

Từ khi thành lập (năm 2006) đến nay, CLBND với pháp luật xã Vĩnh Chánh đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối để tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với ND. Hiện nay, CLB có 43 thành viên, là ND các ấp: Đông An, Tây Bình A, Tây Bình B và Tây Bình C. Hoạt động của CLB dựa trên nguyên tắc tự nguyện. Định kỳ mỗi tháng họp 1 lần, kinh phí hoạt động do hội viên đóng góp. Theo đó, mỗi hội viên sẽ đóng mức phí 120.000 đồng/năm, một phần để làm nguồn quỹ hoạt động, phần còn lại được dùng để làm quà thăm hỏi khi hội viên ốm đau, bệnh tật.

Theo Chủ tịch Hội ND xã Vĩnh Chánh Nguyễn Văn Tâm, nội dung sinh hoạt của CLB thường xoay quanh việc phổ biến các kiến thức pháp luật, như: Luật Đất đai, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Dân sự… và tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Từ đó, nhận thức của bà con về pháp luật ngày càng được cải thiện. Ông Tâm nhận định: “Từ việc tuyên truyền, ý thức chấp hành pháp luật của bà con được nâng lên. Số người vi phạm các quy định về pháp luật giảm, vấn đề khiếu nại, tố cáo vượt cấp không còn xảy ra, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng yên ổn”.

Không những cung cấp kiến thức pháp luật, thông qua các buổi họp mặt, ND còn có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, kiến thức trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Ông Mai Văn Thum, thành viên CLB cho biết: “Từ việc họp mặt các thành viên trong CLB, chúng tôi có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, thông tin về tình hình sản xuất, dịch bệnh và thị trường… từ đó đưa ra giải pháp xử lý, định hướng sản xuất. Ngoài ra, các thành viên còn tiếp thu những tiến bộ khoa học- kỹ thuật trong nông nghiệp thông qua các buổi đối thoại, tọa đàm với doanh nghiệp; được hỗ trợ vay vốn thông qua các chương trình của địa phương”.

Phó Chủ tịch HND thị trấn Óc Eo Bằng Nguyễn Chí Nguyện cho biết, hiện nay, nhu cầu trang bị kiến thức pháp luật cho bà con ND rất lớn, bà con ND rất quan tâm đến chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, do không có nhiều thời gian tìm hiểu nên bà con thường lúng túng khi gặp những vấn đề có liên quan đến pháp luật. “Khi được tham gia vào CLB, tìm hiểu các quy định về pháp luật, bà con ND đều phấn khởi và tích cực tham gia. Từ đó, mọi người có cái nhìn đúng đắn hơn, hiểu biết nhiều hơn về những quy định của pháp luật, tình hình an ninh trật tự chuyển biến tích cực hơn”- ông Nguyện thông tin.

 

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

* Đầu Tư (24/10): Tổng cục Hải quan phối hợp 5 ngân hàng để thu thuế điện tử 24/7

Ngày 23/10, Tổng cục Hải quan đã ký kết thỏa thuận hợp tác thu ngân sách nhà nước với 5 ngân hàng gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, MBBank và Techcombank để thực hiện thí điểm nộp thuế điện tử 24/7. Đây cũng là những ngân hàng đã phối hợp với Tổng cục Hải quan trong trong việc triển khai nộp thuế điện tử trước đó.

Đây là đề án trọng tâm của Tổng cục Hải quan trong năm 2017 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nộp tiền trực tiếp tại cổng thanh toán điện tử hải quan. Việc triển khai này sẽ là bước đột phá trong công tác thu nộp thuế và thu khác, tạo thuận lợi và hỗ trợ người nộp thuế được nộp tiền mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện.

Theo đó, từ ngày 23/10 người nộp thuế có thể thực hiện nộp thuế điện tử trên Cổng thông tin của Tổng cục Hải quan tại website của Tổng cục Hải quan https://epayment.customs.gov.vn/epaymentportal/login.

Đại diện Vietcombank cho rằng, đây là một bước đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính của cơ quan Hải quan, qua đó giúp các ngân hàng có thêm một sản phẩm mới để hỗ trợ tối đa cho các khách hàng. Vị này cũng cho biết, Vietcombank đã hết sức nỗ lực chuẩn bị toàn bộ cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhân sự cần thiết cũng như đảm bảo hạ tầng công nghệ để triển khai đề án này đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng phục vụ, sẵn sàng cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử và thông quan trên toàn hệ thống.

 

* VOV.vn (24/10): Doanh nghiệp khó khăn hơn nếu không kịp chuyển đổi cùng công nghiệp 4.0

Sáng 23/10, tại TP HCM, Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với UBND TP HCM tổ chức Hội thảo "Đưa doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam vào thế giới Cách mạng Công nghiệp 4.0”.

Đây là cơ hội để hơn 200 doanh nghiệp nhỏ và vừa, các tổ chức, hiệp hội trong và ngoài nước chia sẻ thông tin về tiến trình cập nhật các chính sách, kinh nghiệm, công cụ, giải pháp và mô hình kinh doanh mới, sáng tạo nhằm nâng cao năng lực gia nhập thị trường toàn cầu.

Hội thảo đưa ra những giải pháp về chiến lược, công nghệ ứng dụng cũng như phần mềm quản lý nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi phù hợp với nhu cầu phát triển với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng, tuy chiếm khoảng 97% số doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế về năng lực quản lý, công nghệ, nguồn nhân lực khi phải đổi mới công nghệ để tự động hóa, số hóa quá trình sản xuất kinh doanh.

Chính vì thế, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn trước cách mạng công nghiệp 4.0 nếu không kịp chuyển đổi. Do đó, vấn đề là phải làm sao tạo ra được thị trường cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, thành phố luôn mở cửa để tiếp nhận những hợp tác đầu tư cụ thể của các doanh nghiệp trong, ngoài nước cho thị trường công TP HCM.

Đồng thời, thành phố sẽ ban hành các chính sách phù hợp và theo kịp với thực tiễn phát triển của nền khoa học công nghệ, kinh tế số nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước và ngoài nước theo kịp tiến độ của phát triển thị trường.

 

* Theleader.vn (24/10): Khi nền kinh tế nằm sau "một cú nhấp chuột"

Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp của Việt Nam cần phải ứng dụng công nghệ để hòa mình vào nền kinh tế số, nếu không sẽ bị thụt lùi, thậm chí là bị tiêu diệt.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khương, Đại học Quản trị kinh doanh IPAG (Pháp), thành viên Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng Chính phủ, hiện nay 90% các hoạt động thanh toán và khoảng 80% hoạt động mua bán đều được thực hiện qua mạng Internet. Kinh tế số hóa đang ngấm và chuyển mình trong đời sống của mỗi người.

Ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc điều hành lĩnh vực Đầu tư công nghệ - Quỹ VinaCapital cho biết, người dân Việt Nam càng ngày càng gia nhập thời đại số. Trong 4 năm tới tại Việt Nam, số người sử dụng internet tăng 10%, số người sử dụng mạng xã hội tăng 25%, số người dùng smartphone tăng 5% và số người sử dụng internet trên smartphone tăng 21%.

Tuy nhiên, ông Phúc cho rằng mặc dù đang phát triển mạnh về các chỉ số nhưng nền kinh tế số của Việt Nam đang trong nguy cơ đi thụt lùi.

Năm 2016 chỉ số về độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) của Việt Nam chỉ đứng thứ 115 trong khi năm 2015 xếp thứ 114 và vài năm trước đó nằm trong top 100 trên toàn thế giới.

Ngoài ra, theo một khảo sát của Đại học Havard và Đại học Tufts của Mỹ về nền kinh tế số tại 50 quốc gia trên thế giới vào năm 2015, Việt Nam và Colombia cùng có nền kinh tế số phát triển rất nhanh. Tuy nhiên, khảo sát này vào năm 2017 cho thấy mặc dù Việt Nam có chỉ số kinh tế hóa cao nhưng lại có nguy cơ đi thụt lùi trong khi Colombia tăng tốc nhanh và vượt xa Việt Nam.

Trước viễn cảnh các mô hình số hóa sẽ tác động lên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, việc giải quyết các bài toán này bằng các công cụ hành chính, chính sách cần cân bằng giữa lợi ích trước mắt và lâu dài giúp các doanh nghiệp Việt Nam đủ tính cạnh tranh khi nền kinh tế Việt Nam tham gia ngày càng bình đẳng vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đặc biệt, theo nhìn nhận của ông Phúc, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đang bị đe dọa và cần được giúp đỡ khẩn trương để hòa mình vào nền kinh tế số hóa.

Hiện nay, các công ty vừa và nhỏ chỉ đóng góp vào khoảng 50% nhân sự của nền kinh tế trong nước; số công ty vừa và nhỏ chiếm tới 98% tại Việt Nam nhưng chỉ đóng góp 40% trong tổng GDP của quốc gia do không biết ứng dụng công nghệ để phát triển.

          Thêm vào đó, sự phát triển của các mô hình tổ chức và công nghệ vượt trội cũng đặt ra vấn đề rất lớn về nguồn nhân lực. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford và Tập đoàn tư vấn McKinsey đưa ra dự báo về việc 50% công việc tại các nước phát triển sẽ được thay thế bởi các quy trình tự động hóa trong 15 năm tới.

          Tỷ lệ này cao hơn ở các nước đang phát triển như Việt Nam vì giá trị gia tăng của lực lượng lao động trong nước là rất thấp so với mức trung bình của thế giới.

Hiện nhu cầu về lập trình tại Việt Nam đang tăng cao, đặc biệt là lập trình cho các công ty khởi nghiệp, các công ty nước ngoài đang gia công phần mềm tại Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước như FPT, Viettel. Tuy nhiên nguồn cung từ các trường đại học chính quy trong nước lại không thể đáp ứng đủ cả về chất và lượng.

Khi nền kinh tế của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang “nằm sau một cú nhấp chuột” thì việc ứng dụng công nghệ để hòa mình vào nền kinh tế số hóa là điều kiện tiên quyết để phát triển.

Ông Phúc cho rằng lúc này chính là giai đoạn then chốt để Chính phủ Việt Nam đưa ra những quyết sách. Các công ty trong nước cần được hỗ trợ để chiếm lĩnh thị trường nội địa và dần dần vươn ra thế giới.

 

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

* Tuổi Trẻ (25/10): Nguồn lực phát triển từ liêm chính

Báo cáo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước Quốc hội cho thấy số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng kỷ lục: lần đầu tiên sau nhiều năm, cả 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội thường niên được dự báo đạt và vượt mức kế hoạch...

Để đạt được kết quả này, có một nguyên nhân còn ít được phân tích, đó là việc đẩy mạnh chống tham nhũng và hướng đến một nền công vụ liêm chính. Đó là phát ngôn hết sức ấn tượng của Thủ tướng khi ông ký ban hành chỉ thị số 20 ngay tại cuộc đối thoại với hơn 2.000 doanh nghiệp, ngày 17-5-2017. Ông cũng yêu cầu các bộ rà soát để cắt giảm các điều kiện, thủ tục không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh, làm ăn.

Những việc làm trên nằm trong chuỗi hành động từ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển. Liêm chính, hành động cũng được thể hiện dứt dạt bằng các yêu cầu của Thủ tướng như: chấm dứt biếu xén bao thư, quà tết, cấp dưới không phải đến nhà cấp trên; các kế hoạch, nhiệm vụ phải được triển khai sớm, không để "tháng giêng là tháng ăn chơi"...

Năm 2017 cũng đánh dấu những kết quả ấn tượng trong công tác chống tham nhũng, xử lý sai phạm, kỷ luật cán bộ, công chức, đúng như khẳng định của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là "không có vùng cấm" và thể hiện qua hình ảnh "củi tươi bỏ vào lò cũng phải cháy".

Vậy quyết liệt chống tham nhũng và xây dựng nền công vụ liêm chính tác động như thế nào đến các chỉ số kinh tế - xã hội? Câu trả lời đã được chính người đứng đầu Chính phủ nhận định: "Niềm tin thị trường đã tăng lên mạnh mẽ".

Niềm tin chính là thứ mà các doanh nghiệp, người dân thiếu nhất, cảm thấy nản nhất, thất vọng nhất khi phải sống trong một nền hành chính nhiêu khê, nhũng nhiễu với nhiều khoản chi phí không chính thức, chi phí "dưới gầm bàn". Nếu như liêm chính và chống tham nhũng tạo nên tiền đề xây dựng lòng tin, thì kiến tạo phải trở thành động lực thúc đẩy.

Tại kỳ họp Quốc hội này, cử tri có lý do để chờ đợi những đột phá được tạo ra như việc sửa đổi, bổ sung Luật phòng chống tham nhũng; kết quả giám sát tối cao về cải cách bộ máy và tinh giản biên chế; việc xem xét, quyết định Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt...

 

* Nông Nghiệp Việt Nam (25/10): Chuyện gờn gợn của Thượng tá Võ Đình Thường

Thưa Thượng tá Cảnh sát giao thông (CSGT) Võ Đình Thường, các chuyện của ông dù đúng quy trình, nhưng dư luận vẫn thấy điều gì đó gờn gợn...

Việc Đội trưởng CSGT Võ Đình Thường dù từng bị kỷ luật nặng, và vẫn thăng tiến "đúng quy trình" để trở thành Thượng tá Võ Đình Thường, Phó phòng CSGT Đường bộ, Đường sắt (PC67) - Công an tỉnh Đồng Nai - có thể coi đây là tấm gương phấn đấu?

Nhìn vào quá trình sửa chữa khuyết điểm, nỗ lực phấn đấu nhanh của ông Thường, được cấp trên là Công an Đồng Nai nhận xét là “Ông Thường có ý thức phấn đấu, thể hiện năng lực lãnh đạo, chỉ huy” và khẳng định "Việc thực hiện quy trình điều động, bổ nhiệm cán bộ đối với ông Võ Đình Thường đều có Nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy - Ban Giám đốc Công an tỉnh và đúng quy trình, quy định của Bộ Công an về công tác cán bộ" – thì chúng ta chỉ còn biết, không gì khác hơn là sự khâm phục Thượng tá Thường!

Với một người mang cấp bậc Đại úy, chức vụ Đội trưởng, từng bị kỷ luật cách chức khi làm Trưởng trạm CSGT Dầu Giây, năm 2003 từng bị báo chí phanh phui là đã tổ chức đường dây nhận hối lộ - một tội to, vậy mà chỉ đúng 12 tháng sau, lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai khi đó, đã có Quyết định công nhận sữa chữa tiến bộ đối với đồng chí Võ Đình Thường. Ông đã làm gì trong 12 tháng đó, hả ông Thường? Kể cho chúng tôi nghe với…

Dù đúng quy trình và luật pháp không cấm, cũng không có văn bản nào trong ngành quy định việc CSGT bị kỷ luật thì không được làm CSGT trở lại, nhưng việc Công an tỉnh Đồng Nai tổ chức bố trí, sắp xếp một người từng bị tai tiếng nặng nề, ra khỏi lực lượng CSGT, mà nay lại cho làm lãnh đạo cấp Phòng CSGT thuộc Công an tỉnh, thì quả là không được xuôi cho lắm.

Lại nữa, việc thượng tá Võ Đình Thường, Phó trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai chính là người ký giấy mời các tài xế dùng tiền lẻ qua trạm thu phí BOT Biên Hòa lên hỏi han. Mà người thân của Thượng tá Thường - con gái của ông, lấy một người cháu của lãnh đạo Công ty Cường Thuận (Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Cường Thuận IDICO) — chính là chủ đầu tư trạm thu phí Biên Hòa. Con gái ông còn có cổ phần tại trạm thu phí Biên Hòa và đứng hàng thứ 4 trong danh danh sách 10 nhà đầu tư lớn nhất. Những điều này mang lại cảm giác gợn gợn, dù con gái ông đã trưởng thành, đã lấy chồng, đã “kiến giả nhất phận” và có vẻ không liên quan đến công việc của ông.

 

* VOV.VN (25/10): Chỉ tinh giản biên chế mới có thể tăng lương cho cán bộ, công chức

Tinh giản biên chế để lấy tiền lương của 2 người "ngồi chơi xơi nước" trả cho 1 người làm việc thực sự. Chắc chắn khi đó lương sẽ cao.

Chưa bao giờ bộ máy hành chính, sự nghiệp của chúng ta lại phình to và cồng kềnh như hiện nay. Sau hàng chục năm tiến hành tinh giản biên chế, số lượng các đầu mối, đơn vị, biên chế không chỉ giảm mà còn có xu hướng tăng, “bóp” chỗ này lại “phình” chỗ kia.

Bằng chứng là, theo Báo cáo giám sát của Quốc hội, giai đoạn từ 2011 - 2016, số đơn vị hành chính thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ tăng 28 đơn vị, các đơn vị hành chính trực thuộc tổng cục tăng 822 đơn vị.

Còn  Bộ Nội Vụ thống kê, trong số hơn 24.000 người được tinh giản từ năm 2015 đến nay, thì có đến hơn 21.000 người nghỉ hưu trước tuổi.

Như vậy, việc giảm đầu mối và giảm nhân sự chúng ta đã thực hiện không hiệu quả. Chúng ta chưa loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức yếu kém, không có năng lực, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Thực tế có quá nhiều đơn vị gặp tình trạng 1 người làm việc “gánh” 2-3 người ngồi chơi. Sở dĩ có tình trạng càng giảm càng phình là do tình trạng nể nang, lợi ích nhóm nên vô cùng khó để cắt giảm.

Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng Đề án vị trí việc làm. Thực tế, các cơ quan, tổ chức hành chính đã xây dựng đúng với biểu mẫu quy định, mô tả chi tiết vị trí việc làm và khung năng lực theo danh mục của Bộ Nội vụ, nội dung đầy đủ theo yêu cầu. Nhưng kết quả lại không thừa ra một vị trí nào, thậm chí có quá nhiều vị trí việc làm còn khuyết, hiện vẫn đang nhiều cán bộ công chức, viên chức phải kiêm nhiệm, quá tải công việc…

Ai cũng thấy hệ thống thang bảng lương phức tạp và lạc hậu, cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập còn nhiều bất cập; chính sách tiền lương của cơ quan Nhà nước chưa thỏa đáng, thế nhưng ai cũng tìm cách để có một chân trong cơ quan Nhà nước. Đội ngũ những người ăn bám, ký sinh vào hệ thống cơ quan Nhà nước để gây khó cho người dân, doanh nghiệp vì thế mà cũng gia tăng. Những người này sống chủ yếu bằng “lậu”, bằng bổng lộc, tiền phong bì phong bao, chứ không quan tâm đến tiền lương.

Ấy là chưa kể, rất nhiều dự án, công trình, công ty, doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước đều có tình trạng thất thoát, thua lỗ kéo dài, nhưng tiền lương của lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước lại quá cao so với hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp... Những bất cập này từ chính cơ chế, chính sách, mà mấu chốt là từ chính con người mà ra.

Để tiền lương thực sự là yếu tố thúc đẩy năng suất lao động, thu hút người tài, người có năng lực vào cơ quan Nhà nước thì cần một chính sách tiền lương đột phá. Tuy nhiên, cải cách tiền lương theo hướng nào khi mà bộ máy ngày một phình to? Câu trả lời đầu tiên, đơn giản nhất ai cũng có thể nhìn ra là phải sắp xếp lại bộ máy hành chính, tinh giản biên chế.

Nếu không tinh giản biên chế thì rất khó cải cách tiền lương. Khi đã có tiềm lực kinh tế, Nhà nước có quyền lựa chọn người tài thực sự để làm việc phục vụ hệ thống, phục vụ nhân dân… khi đó mới mong đất nước có sự chuyển mình. Còn như hiện nay, phần lớn ngân sách Nhà nước chỉ để nuôi bộ máy, phần chi cho đầu tư cho phát triển ngày một eo hẹp thì không có một nguồn lực tài chính quốc gia nào có thể gánh chịu nổi.

 

QUẢN LÝ

* TVPL (25/10): Đến năm 2021, giảm ít nhất 10% biên chế CCVC so với năm 2015

Đây là nội dung được hướng dẫn tại Công văn 5470/BNV-TCBC về việc triển khai Kết luận 17-KL/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế.

Theo đó, Bộ Nội vụ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW  thực hiện kế hoạch tinh giản biên chế đến năm 2021, đạt tối thiểu là 10% so với số biên chế được giao của năm 2015, cụ thể:

- Biên chế công chức giảm tối thiểu 10% so với số biên chế công chức được giao của năm 2015;

- Biên chế viên chức giảm tối thiểu 10% so với số biên chế sự nghiệp được giao của năm 2015;

- Hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP giảm tối thiểu 10% so với số được giao của năm 2015;

- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã giảm tối thiểu 10% so với số được giao của năm 2015;

- Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố giảm tối thiểu 10% so với số được giao của năm 2015.

Lưu ý, đối với những tỉnh chưa xây dựng, phê duyệt kế hoạch tinh giản biên chế đến năm 2021 thì khẩn trương xây dựng gửi Bộ Nội vụ trước 31/10/2017 để tổng hợp.

Công văn 5470/BNV-TCBC được ban hành ngày 13/10/2017.

 

* TVPL (25/10): 22 tiêu chí đo lường sự hài lòng của dân đối với CQHC Nhà nước

Ngày 10/10/2017, Bộ Nội Vụ ban hành Quyết định 2640/QĐ-BNV về Phê duyệt Đề án “Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước giai đoạn 2017-2020”.

Theo đó, đề án này đặt ra 22 tiêu chí đo lường sự hài lòng của người dân trong trường hợp giao dịch trực tiếp tại cơ quan hành chính, nổi bật như:

- Thủ tục hành chính được niêm yết công khai đầy đủ;

- Thời hạn giải quyết (tính từ hồ sơ được tiếp nhận đến ngày trả kết quả) là đúng quy định;

- Công chức có thái độ giao tiếp lịch sự;

- Công chức trả lời, giải đáp đầy đủ các ý kiến của người dân/đại diện tổ chức;

- Công chức hướng dẫn kê khai hồ sơ tận tình, chu đáo;

- Công chức tuân thủ đúng quy định trong giải quyết công việc;

- Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính/Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có thông báo kết quả xử lý góp ý, phản ánh, kiến nghị kịp thời...

Quyết định 2640/QĐ-BNV có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định1383/QĐ-BNV năm 2012.

 

* Pháp Luật TPHCM (23/10): Nhiều thiếu sót tại Sở Văn hóa – Thông tin TP Đà Nẵng

Ngày 22-10, Thanh tra thành phố Đà Nẵng cho biết vừa tiến hành công bố kết luận thanh tra về thanh tra, khiếu nại, tố cáo (KN-TC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN) tại Sở Văn hóa – Thông tin thành phố.

Theo kết luận thanh tra, sở này và các đơn vị trực thuộc còn một số thiếu sót cần khắc phục. Cụ thể, năm 2016 và quý I-2017, Sở Văn hóa – Thông tin chưa tổ chức thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN-TC và PCTN tại các đơn vị trực thuộc. Một số cuộc thanh tra theo kế hoạch khi thực hiện đơn vị triển khai chưa đảm bảo trình tự, thủ tục quy định mà chủ yếu là hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

Việc minh bạch tài sản, thu nhập chưa đảm bảo yêu cầu, cụ thể: Kê khai nhà nhưng không kê khai đất của ngôi nhà, phát sinh mới tài sản nhưng không khai ở phần biến động giá trị tăng giảm, nguồn hình thành tài sản; kê khai tổng thu nhập chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, Trung tâm Huấn luyện và đào tạo vận động viên thể dục thể thao và Nhà hát Trưng Vương triển khai công tác tiếp công dân chưa đầy đủ theo quy định như chưa có phòng tiếp công dân riêng; chưa ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân, lịch tiếp công dân...

 

* Báo Chính Phủ Điện Tử (25/10): Đề nghị tổng rà soát công tác cán bộ

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện tổng rà soát công tác cán bộ và việc tuân thủ quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ ở mọi cấp, mọi ngành.

Về công tác phòng chống tham nhũ, lãng phí và công tác cán bộ, báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri và nhân dân do Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Trần Thanh Mẫn trình bày tại khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV cho biết: Cử tri và nhân dân rất phấn khởi, thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ vào Đảng, Nhà nước trong việc quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đã phát hiện và xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng; có phương án giải quyết, xử lý đối với một số dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả; xử lý nhiều cán bộ, công chức vi phạm, kể cả cán bộ cao cấp.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân vẫn cho rằng, việc phát hiện tham nhũng nhìn chung còn chưa kịp thời; số hành vi tham nhũng bị xử lý hành chính, kỷ luật nhiều nhưng số bị xử lý hình sự và kết quả thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp; việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ còn hình thức.

Về công tác cán bộ, cử tri và nhân dân rất bức xúc về tình trạng lạm dụng quyền hạn làm trái quy định về công tác cán bộ; việc bổ nhiệm sai quy trình, thiếu hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành và địa phương.

Cử tri và nhân dân khẳng định luôn đồng hành cùng Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đề nghị Đảng, Nhà nước quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, kiên quyết xử lý những đảng viên, cán bộ, công chức có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, có hành vi tham nhũng, lãng phí, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu; đồng thời công khai kết quả xử lý cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân biết để giám sát.

Cử tri và nhân dân đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương đề xuất, hoàn thiện, sửa đổi quy định pháp luật có liên quan nhằm ngăn chặn những kẽ hở trong công tác tổ chức cán bộ; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của nhân dân, báo chí trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Trên cơ sở những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng, xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, lãng phí.

Đồng thời, quan tâm chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, thực thi nhiệm vụ. Thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường biện pháp thu hồi tài sản bị tham nhũng, lãng phí; hoàn thiện cơ chế để phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, nhân dân và báo chí trong việc giám sát phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

 

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

* Thanhtravietnam.vn (25/10): Chính phủ cắt giảm, đơn giản hóa 5.000 thủ tục hành chính

Con số này được công bố trong Báo cáo Tổng hợp của Chính phủ gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa qua. Việc cắt giảm, đơn giản hóa hơn 5.000 thủ tục hành chính về điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Năm 2017 được coi là năm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, do vậy, tất cả các cơ quan, Bộ, ngành cần chung tay vào cuộc. Ngay sau cuộc kiểm tra, việc khắc phục những bất bập, hạn chế đã có chuyển biến tích cực như: Bộ Công Thương đã cắt giảm được 420 mặt hàng phải kiểm tra tại khâu thông quan và có phương án cắt giảm, đơn giản 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công thương; Bộ Y tế đã bắt đầu thực hiện quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm,...

Với thời gian hơn 1 năm làm việc của Tổ công tác, kết quả thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, cơ quan, địa phương có những chuyến biến rõ nét, tiến bộ hơn rất nhiều so với thời điểm trước khi Tổ công tác được thành lập.

Cụ thể, từ ngày 01/01/2017 đến ngày 30/9/2017, trong tổng số 15.360 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương, có 8.670 nhiệm vụ đã được hoàn thành (đúng hạn 7.474, quá hạn 1.196); 6.690 nhiệm vụ chưa hoàn thành (trong hạn 6.455, quá hạn 235).

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp theo tinh thần quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đơn cử như, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2017, định hướng đến năm 2020, cũng như 09 Nghị quyết về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân.

Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo quản lý, vận hành hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Đến nay, thông qua hệ thống này, văn phòng Chính phủ đã chuyển đến các Bộ, ngành, địa phương xử lý, trả lời phản ảnh kiến nghị, cụ thể: Trong 820 phản ánh, kiến nghị của người dân gửi đến Công Thông tin điện tử Chính phủ thuộc phạm vi xem xét, giải quyết, Văn phòng Chính phủ đã tiến hành phân loại, chuyển 460 phản ánh, kiến nghị đến các Bộ, ngành, địa phương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền, còn lại 360 phản ánh, kiến nghị đang đề nghị người dân cung cấp, bổ sung thông tin để tiếp tục phân loại, chuyển xử lý. Các Bộ, ngành, địa phương đã xem xét, xử lý, trả lời được 249/460 phản ánh, kiến nghị, chiếm 45,86%. Còn lại đang được nghiên cứu, xem xét, xử lý.

Ngoài phản ánh của người dân, còn có 940 phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp gửi đến Cổng Thông tin điện tử Chính phủ thuộc phạm vi xem xét, giải quyết. Trong đó, đã giải quyết, trả lời 759/940 phản ánh, kiến nghị (chiếm 80,74%), còn lại 181/940 phản ánh, kiến nghị (chiếm 19,26%) các bộ, ngành, địa phương đang nghiên cứu, đề nghị doanh nghiệp cung cấp, bổ sung hồ sơ, tài tiệu còn thiếu để tổng hợp.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn; xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử; cải cách mạnh mẽ việc giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân và tổ chức, tạo chuyển biến tích cực trong mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân thông qua việc thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

 

* VOV.vn (25/10): Thời gian chờ cấp phép xây dựng tại TPHCM giảm còn 42 ngày

Bắt đầu từ ngày 15/10, TP HCM thí điểm quy trình 1 cửa liên thông điện tử, theo đó doanh nghiệp chỉ cần 1 bước nộp hồ sơ tại 1 cơ quan là sẽ nhận được giấy phép xây dựng, thay vì như trước kia phải mất 3 lần thủ tục và qua nhiều sở để xét duyệt.

Theo quyết định của UBND TP HCM về quy trình thí điểm cơ chế 1 cửa liên thông điện tử trong việc cấp phép xây dựng, từ ngày 15/10 các doanh nghiệp sẽ cắt giảm được 80 ngày chờ đợi giấy phép, từ 122 ngày xuống còn 42 ngày.

Trong đó, 3 thủ tục hồ sơ sẽ được gộp lại làm 1 gồm: Thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật/thiết kế bản vẽ thi công và cấp giấy phép xây dựng. Doanh nghiệp chỉ phải đi đúng 1 cửa và nhận giấy phép tại Sở Xây dựng thay vì phải qua gần 10 sở như trước.

Thông qua hệ thống điện tử, hồ sơ của doanh nghiệp sẽ được Sở Xây dựng gửi qua các cơ quan chức năng để xử lý. Trường hợp chủ đầu tư và tư vấn muốn làm riêng lẻ ba thủ tục trên thì Sở Xây dựng vẫn nhận riêng lẻ từng thủ tục đó và vẫn được liên thông với các cơ quan có liên quan khác.

Có thể nói, cơ chế một cửa liên thông điện tử trong cấp phép xây dựng là một bước cải cách thủ tục hành chính mang tính đột phá, việc rút gọn các bước thực hiện sẽ kéo giảm thời gian chờ đợi và chi phí, tạo nên sức hấp dẫn và cải thiện môi trường đầu tư.

 

* Lao Động (24/10): 15 địa phương muốn triển khai chính quyền điện tử trên Zalo

Sau khi tỉnh Đồng Nai triển khai chính quyền điện tử ứng dụng trên Zalo, nhiều địa phương khác cũng bày tỏ muốn triển khai.

Cụ thể trong Hội thảo hợp tác, phát triển Công nghệ thông tin-Truyền thông Việt Nam 2017 vào đầu tháng 10, có đến 15 tỉnh, thành bày tỏ mong muốn xây dựng mô hình tương tự Đồng Nai tại địa phương mình.

Trên thực tế, chính quyền địa phương ứng dụng Zalo sớm để tạo kênh truyền thông, giao tiếp với người dân là thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, hiện Đồng Nai mới là điểm sáng về việc triển khai ứng dụng chính quyền điện tử trên Zalo – một sản phẩm truyền thông của Việt Nam hiện đã có hơn 70 triệu người dùng.

Ông Lê Hoàng Ngọc - Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Đồng Nai – chia sẻ, lựa chọn của Đồng Nai là phát triển chính quyền điện tử, mô hình thành phố thông minh trên các nền tảng có đông người dùng sẵn có như Zalo. Tuy nhiên, thách thức cũng không nhỏ, mà cụ thể là muốn phát triển mô hình chính quyền điện tử thì phải có công dân điện tử. Điều này nghĩa là người dân đã sẵn sàng với việc sử dụng công nghệ để tương tác với chính quyền.

Sau 3 tháng chính thức triển khai (từ tháng 7.2017), mô hình chính quyền điện tử trên Zalo của tỉnh Đồng Nai vận hành khá trơn tru. Với những người bận rộn như dân văn phòng thì còn có thể tiết kiệm thời gian đi lại, có thể ngồi tại Cty tra cứu những thông tin cần thiết.

Trong thời gian tới, Đồng Nai tiếp tục mở rộng sang các chức năng mới như Giấy phép điện tử, Xử phạt an toàn giao thông, Hóa đơn tiền điện, tiền nước… trên Zalo, đồng thời nhân rộng mô hình này về tuyến huyện, xã.

Sau khi Đồng Nai chia sẻ kinh nghiệm, những địa phương khác như Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp, Lào Cai, Hà Giang, Thái Bình, Quảng Ninh, Vũng Phúc, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Quảng Nam, Quảng Trị cũng mong muốn triển khai.

 

* Pháp Luật TPHCM (25/10): TP.HCM công bố dịch vụ công BHXH trực tuyến

Ngày 24-10, Bưu điện TP.HCM phối hợp với Bảo hiểm xã hội TP.HCM công bố dịch vụ công bảo hiểm xã hội (BHXH) trực tuyến qua bưu chính tại https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn

Mục tiêu phối hợp nhằm thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM về áp dụng dịch vụ công trực tuyến đối với công dân. Góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BHXH trên địa bàn thành phố. Tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho cá nhân, người dân khi giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính….

Dịch vụ công BHXH trực tuyến qua Bưu chính hỗ trợ tất cả 23 bộ thủ tục BHXH, BHYT, bảo hiểm tai nạn giúp người dân có tham gia bảo hiểm trên lập thủ tục trực tuyến. Mỗi người dân có thể đồng thời lập nhiều thủ tục BHXH cho nhiều cá nhân khác nhau.

Thời gian cung ứng dịch vụ từ thứ hai đến thứ bảy. Đối với hồ sơ đăng kí dịch vụ tiếp nhận tại địa chỉ theo yêu cầu trước 10h bưu điện sẽ tiếp nhận ngay trong ngày.

Đối với hồ sơ đăng kí dịch vụ sau 10h bưu điện tiếp nhận hồ sơ tại địa chỉ khách yêu cầu vào ngày hôm sau liền kề. Thời gian phát, trả nội quận là một ngày, khác quận là hai ngày. Tính từ ngày sau khi bưu điện nhận hồ sơ tại địa chỉ theo yêu cầu hoặc kết quả giải quyết hồ sơ của BHXH.

 

* VOV.vn (25/10): Đà Nẵng xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh

Đà Nẵng là địa phương duy nhất trong nước xây dựng được hệ thống mạng truyền dẫn dành riêng cho Chính quyền điện tử, kết nối trên 90 cơ quan.

Ngày 6/10/2017, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Tin học Việt Nam đã công bố báo cáo chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT-TT Việt Nam - Việt Nam ICT Index 2017. Đà Nẵng là địa phương đứng đầu về chỉ số này ở khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là năm thứ 9 liên tiếp Đà Nẵng dẫn đầu chỉ số Việt Nam ICT Index, xác lập một kỷ lục chưa có tiền lệ trong lịch sử ngành Công  nghệ thông tin Việt Nam.

Thực tế cho thấy, ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo nên sự khác biệt trong cách thức làm việc và vận hành của các cơ quan nhà nước tại thành phố Đà Nẵng, góp phần xây dựng một thành phố hiện đại, văn minh, và đáng sống.

Thành phố Đà Nẵng đã xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử Đà Nẵng (egov.danang.gov.vn). Đây là nền tảng tích hợp hàng loạt ứng dụng Chính quyền điện tử cốt lõi của thành phố Đà Nẵng như hệ thống Một cửa điện tử, hệ thống Quản lý văn bản và điều hành, hệ thống Góp ý, hệ thống Quản lý cán bộ - công chức - viên chức, hệ thống Quản lý nhân hộ khẩu, cùng các cơ sở dữ liệu nền tảng như: Cơ sở dữ liệu công dân, Cơ sở dữ liệu cán bộ công chức, Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể, Cơ sở dữ liệu bản đồ GIS...

Trong các ứng dụng của hệ thống thông tin Chính quyền điện tử Đà Nẵng, nổi bật là hệ thống Quản lý văn bản và điều hành dùng chung cho 215 đơn vị nhà nước sử dụng. Hệ thống này là nền tảng để nâng cao chất lượng, tốc độ xử lý công việc hành chính tại các cơ quan, tạo môi trường thuận lợi để ứng dụng văn bản điện tử, chữ ký số trong xử lý công việc thay cho văn bản giấy.

Một ứng dụng cốt lõi khác của hệ thống thông tin Chính quyền điện tử Đà Nẵng là phần mềm "Một cửa điện tử" dùng chung cho các Sở ngành, quận, huyện, xã, phường, các đơn vị trực thuộc. Ứng dụng này cho phép quản lý việc tiếp nhận, xử lý, trả kết quả các thủ tục hành chính của thành phố Đà Nẵng, trong đó có 526 thủ tục được xử lý trực tuyến mức độ 3,4. Ứng dụng "Một cửa điện tử" đã góp phần nâng cao hiệu quả xử lý thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp tại thành phố.

Ứng dụng Góp ý (phiên bản web và app mobile) phục vụ việc tiếp nhận và xử lý ý kiến của người dân về nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội của thành phố như giao thông, môi trường, xây dựng, y tế, giáo dục... Thông qua hệ thống này, người dân thể hiện vai trò giám sát, đối thoại công khai, phản biện xã hội đối với hoạt động của chính quyền thành phố Đà Nẵng, tạo dựng hình ảnh một chính quyền thân thiện và minh bạch.

Mới đây, Đà Nẵng đã xây dựng và vận hành hệ thống quản lý xe buýt bằng thiết bị giám sát hành trình. Thông qua các thiết bị giám sát hành trình, hệ thống này thu thập các thông tin như vị trí, vận tốc, địa điểm, thời gian dự kiến đến trạm, lộ trình xe theo thời gian thực, cập nhật vị trí hiện tại trên bản đồ và thời gian đến trạm của các xe buýt... để phục vụ quản lý, điều hành.

Với những thành công bước đầu, thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh việc xây dựng thành phố thông minh dựa trên nền tảng các ứng dụng chính quyền điện tử mà thành phố đã triển khai thành công trong nhiều năm qua, trong đó hệ thống thông tin Chính quyền điện tử thành phố Đà Nẵng (egov.danang.gov.vn) đóng vai trò nòng cốt.

Phương châm xây dựng thành phố thông minh của Đà Nẵng là “Đa đối tác - Một nền tảng - Một hạ tầng - Một chính sách - Đa ứng dụng”. Thành phố Đà Nẵng có thể hợp tác với nhiều đối tác trong và ngoài nước, nhưng thực hiện xây dựng thành phố thông minh trên một nền tảng duy nhất, một cơ sở hạ tầng, một chính sách thống nhất. Từ đó, xây dựng đa dạng các ứng dụng, dịch vụ thông minh.

 

PHÁP LUẬT

* TTXVN (25/10): Hà Nội thi hành kỷ luật nhiều đảng viên vi phạm

Trong chín tháng năm 2017, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp trong Đảng bộ thành phố Hà Nội đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 76 tổ chức đảng và 256 đảng viên.

Qua kiểm tra đã kết luận 62 tổ chức đảng có vi phạm và 206 trường hợp đảng viên có vi phạm; thi hành kỷ luật 84 trường hợp. Đây là nội dung nêu tại báo cáo công tác xây dựng Đảng chín tháng năm 2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội.

Cụ thể, trong vụ việc thu hồi đất ở sân bay Miếu Môn hồi tháng 4, Huyện ủy Mỹ Đức đã ra thông báo kết luận kiểm tra đối với Ban Chấp hành Đảng bộ xã Đồng Tâm nhiệm kỳ 2015-2020; thi hành kỷ luật sáu cán bộ của xã Đồng Tâm liên quan đến sự việc…

Cũng theo báo cáo, rút kinh nghiệm trong việc xử lý các điểm nóng xảy ra trên địa bàn trong thời gian vừa qua, Thành ủy Hà Nội đã xác định công tác kiểm tra, giám sát việc kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm năm 2017. Thành ủy đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra các cấp tổ chức thực hiện tích cực, quyết liệt, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm tra.

 

* Danviet.vn (25/10): Chủ tịch tỉnh Thái Bình lên tiếng vụ Phó phòng bất ngờ bỏ nhiệm sở

Liên quan đến việc ông Đỗ Gia Quyền - Phó trưởng phòng Xây dựng Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy Thái Bình nhiều ngày nay không đến nhiệm sở làm việc, ông Nguyễn Hồng Diên - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho rằng, trường hợp này phải xử lý nghiêm.

“Cứ theo luật và thẩm quyền mà làm, không phải báo cáo, xin phép. Luật quy định như thế nào thì căn cứ vào luật mà xử lý. Cứ yên tâm là như vậy” - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho hay.

Về sự việc này, ông Nguyễn Quang Đông - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Thái Bình, xác nhận từ ngày 16.10 đến nay, ông Đỗ Gia Quyền (41 tuổi) đã không đến cơ quan làm việc, cũng không nêu lý do. Trong khi đó điện thoại của vị này cũng không liên lạc được.

Văn phòng Tỉnh ủy đã gửi thông báo đến gia đình ông Quyền để yêu cầu cán bộ này đến cơ quan làm việc. Tuy nhiên, đến nay, ông Quyền vẫn vắng mặt không lý do.

Khi cán bộ của Văn phòng Tỉnh ủy Thái Bình tìm đến nhà riêng của ông Quyền ở trên đường Lý Thái Tổ, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình thì được người nhà của ông Quyền cho biết hiện ông này không có mặt ở nhà.

Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Thái Bình thông tin, sẽ xem xét xử lý nghiêm theo quy định khi cán bộ vắng mặt mà không có lý do cụ thể.

Liên quan tới việc này, dư luận địa phương thời gian gần đây bàn tán xôn xao việc ông Đỗ Gia Quyền đã đứng ra nhận hàng trăm triệu đồng của người dân với hứa hẹn sẽ “chạy việc”, nhưng không thực hiện được cho trường hợp nào.

Cụ thể, trong một số văn bản đánh máy cũng như viết tay đều thể hiện một người tên Đỗ Gia Quyền (Văn phòng Tỉnh ủy Thái Bình) hứa sẽ trả lại số tiền đã nhận trong thời hạn cụ thể, tuy nhiên đến nay, vẫn chưa trả được số tiền này. Khi người dân liên lạc lại theo số điện thoại được ghi trên giấy hẹn trả nợ thì không còn liên lạc được.

 

THẾ GIỚI

* VTV.vn (24/10): London áp thuế mới nhằm giảm ô nhiễm môi trường

Từ 23/10, Thủ đô London của Anh sẽ áp dụng loại thuế mới T-charge đối với những phương tiện cũ và gây ô nhiễm môi trường nhất nhằm cải thiện chất lượng không khí tại đây.

Các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu là dầu diesel và xăng, được sản xuất trước năm 2006 không đáp ứng tiêu chuẩn "Euro 4" của châu Âu về lượng khí thải ra môi trường là đối tượng bị áp thuế T-charge với mức 10 Bảng Anh/ngày.

Như vậy, cùng với chính sách đánh thuế tránh gây tắc nghẽn giao thông 11,5 Bảng/xe từ 7h đến 18h các ngày trong tuần, nhiều phương tiện sẽ phải chịu 21,5 Bảng/ngày khi tham gia giao thông ở London trong khoảng thời gian trên.

* Tiền Phong (25/10): Trung Quốc sẽ đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào trường học

Sách giáo khoa sử dụng trong các trường học Trung Quốc sẽ sớm được sửa đổi và giáo viên được tập huấn để đưa tư tưởng của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình vào chương trình học, sau khi tư tưởng này được chính thức hóa khi Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc ngày 25/10.

Báo Hong Kong South China Morning Post dẫn lời Bộ trưởng Giáo dục Trung Quốc Trần Bảo Sinh nói rằng, tư tưởng mới được đưa ra tại Đại hội 19 sẽ được đưa vào chương trình dạy học trên cả nước. “Tư tưởng đó sẽ đi vào sách giáo khoa, và các lớp học và vào đầu các em học sinh”, ông Trần tuần trước nói bên lề đại hội. “Chúng tôi sẽ thiết kế các phương pháp dạy cụ thể để kết hợp với sách của nhiều lớp và nhiều môn học”, ông nói.

Tên gọi chính thức dành cho tư tưởng của ông Tập sẽ được tiết lộ khi Đại hội sửa điều lệ Đảng trong ngày 24/10. Ông Trần nói rằng, Bộ Giáo dục sẽ bắt đầu chỉnh lý sách giáo khoa và tập huấn cho giáo viên sau khi Đại hội 19 kết thúc và coi đây một phần “nhiệm vụ lịch sử” của ngành giáo dục.

Chủ đề này sẽ trở thành một phần của các khóa học về tư tưởng chính trị mà học sinh và sinh viên trong hệ thống giáo dục Trung Quốc đều phải trải qua. Hiện nay, học sinh cấp 1 phải nhận diện được quốc kỳ, các nghiên cứu sinh tiến sĩ phải phân tích lý thuyết Cộng sản, học sinh lớp 9 phải nắm “các nguyên tắc chỉ đạo” của các nhà lãnh đạo trước của Trung Quốc, bao gồm Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Học sinh Trung Quốc cũng phải ghi nhớ “hạn chế lớn” của nước này - được định nghĩa trong nhiều thập kỷ qua là “sự mâu thuẫn giữa năng suất xã hội lạc hậu và những nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng lớn của người dân”.

Sắp tới, các sách giáo khoa sẽ được chỉnh sửa để định nghĩa lại rằng đó là sự mẫu thuẫn “giữa phát triển không cân bằng, không đồng đều với những nhu cầu ngày càng lớn của người dân để có cuộc sống tốt đẹp hơn” - định nghĩa được ông Tập đưa ra trong báo cáo trình bày tuần trước tại Đại hội 19.

 

* TTXVN (25/10): Singapore hạn chế sự gia tăng xe máy và xe ô tô tư nhân từ 2018

Từ tháng 2/2018, Singapore sẽ hạn chế tỷ lệ tăng trưởng các loại xe cơ giới tư nhân vận hành ở nước này còn 0% vì lý do đất chật và vấn đề tiêu tốn nguồn ngân sách hàng tỷ USD đầu tư cho các dự án giao thông công cộng.

Theo Cơ quan vận tải mặt đất (LTA), cơ quan này đang hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ tăng trưởng các xe cơ giới tư nhân vận hành ở Quốc đảo Sư tử này từ mức 0,25% hiện nay còn 0% trong năm 2018. Đến năm 2020, LTA sẽ đánh giá lại tỷ lệ nói trên. Trong khi đó, LTA sẽ duy trì tỷ lệ tăng trưởng xe chở hàng hóa và xe buýt ở mức 0,25% cho đến hết quý 1/2021.

Để kiểm soát lượng xe lưu thông, Singapore áp đặt quy định hạn chế tỷ lệ tăng trưởng hàng năm và thông qua cơ chế cấp phép lưu hành phương tiện (COE) giới hạn số năm phương tiện đó được lưu hành.

Kể từ năm 2000 đến nay, dân số Singapore đã tăng 40%, lên gần 5,6 triệu người. Trong năm 2016, có tổng cộng 600.000 xe ô tô tư nhân và xe ô tô cho thuê vận hành ở đất nước này. Trong khi đó, 12% diện tích đất của quốc đảo này được xây dựng thành đường sá. Do đó, Singapore được đánh giá là một trong những quốc gia có mật độ dân số đông đúc nhất thế giới và cũng là nước có hệ thống giao thông công cộng rộng lớn. Chi phí để sở hữu và vận hành một chiếc xe ô tô ở Singapore cao gấp bốn lần so với ở Mỹ.

Để giảm tải mật độ giao thông trên đường phố cũng như bảo vệ môi trường, Singapore khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm. Đến nay, Singapore đã mở rộng mạng lưới tàu điện ngầm thêm 30%, cũng như bổ sung thêm nhiều tuyến xe buýt mới.

Theo kế hoạch, Singapore sẽ tiếp tục đầu tư 20 tỷ SGD (gần 15 tỷ USD) cho các dự án xây dựng đường sắt mới, 4 tỷ SGD để cải tạo, nâng cấp và mở rộng các bến tàu đường sắt và 4 tỷ SGD trợ giá xe buýt trong năm năm tới./.

Nguồn: Công báo biên tập

Tin mới nhất

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23/12 đến 26/12 năm 2023(26/12/2023 10:49 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 20/12 đến 22/12 năm 2023(22/12/2023 7:33 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 16/12 đến 19/12 năm 2023(19/12/2023 9:45 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 13/12 đến 15/12 năm 2023(15/12/2023 11:03 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 09/12 đến 12/12 năm 2023(12/12/2023 6:36 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 05/12 đến 08/12 năm 2023(08/12/2023 11:28 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01/12 đến 04/12 năm 2023(05/12/2023 5:51 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/11 đến 1/12 năm 2023 (01/12/2023 8:54 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25/11 đến 27/11 năm 2023(27/11/2023 8:59 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 3/11 đến 8/11 năm 2023(08/11/2023 9:22 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 28/10 đến 31/10 năm 2023(01/11/2023 9:20 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 21/10 đến 24/10 năm 2023(25/10/2023 9:34 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 11/10 đến 13/10 năm 2023(24/10/2023 5:47 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 9:22 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 14/10 đến 17/10 năm 2023 (17/10/2023 2:34 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngay 7/10 đến 10/10 năm 2023(11/10/2023 5:11 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 04 đến ngày 06 tháng 10 năm 2023(06/10/2023 10:50 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 10 năm 2023(04/10/2023 4:02 CH)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 8 năm 2023(31/08/2023 2:12 SA)

Điểm tin nổi bật trong nước và quốc tế từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 8 năm 2023(25/08/2023 5:33 CH)

<< < 1 2 3 4 5  ... > >> 
°
Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
358 người đã bình chọn