Báo cáo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh đầu năm 2016

Update 10 - 01 - 2017
100%

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN

KINH TẾ  XÃ HỘI, ĐẢM BẢO QUỐC PHÒNG - AN NINH NĂM 2016

          Thực hiện nhiệm vụ Phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 tỉnh ta có những thuận lợi, khó khăn như sau:

          1. Thuận lợi
  - Kinh tế đất nước ổn định và tiếp tục phát triển, Chính phủ ban hành nhiều giải pháp chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh[1], tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh chỉ đạo điều hành thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra;
- Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 thành công tốt đẹp, tạo không khí vui tươi, phấn khởi và sự tin tưởng tuyệt đối của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Các phong trào thi đua yêu nước tiếp tục được triển khai mạnh mẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch đề ra.
- Nguồn lực đầu tư thông qua các chương trình, dự án được tăng cường; một số công trình trọng điểm đã và đang được đưa vào khai thác sử dụng có tác động tích cực đến tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
- Tỉnh ủy đã kịp thời xây dựng và ban hành các kết luận, các Nghị quyết cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, làm căn cứ để cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa các chủ trường đường lối trong phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.
- Hoạt động chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh và các cấp, các ngành có nhiều chuyển biến tích cực, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy; sự phối hợp tích cực, hiệu quả của HĐND tỉnh, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể đã nắm bắt kịp thời và xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch.
 - Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác cải cách hành chính, củng cố bộ máy tổ chức, cán bộ các cấp tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và kiện toàn.

         2. Khó khăn

- Tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến bất lợi, rét đậm rét hại kéo dài, băng giá, mưa tuyết và mưa đá xảy ra ở nhiều nơi; tình trạng khô hạn cục bộ tại một số địa phương, gây thiệt hại và ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp.

- Nguồn lực cho đầu tư phát triển mặc dù đã được quan tâm, tăng cường đầu tư song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; việc giao một số nguồn vốn của bộ, ngành trung ương cho tỉnh chậm; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, công tác quản lý, tổ chức triển khai thực hiện và giải ngân thanh toán của một số chương trình dự án, còn nhiều khó khăn vướng mắc, bộc lộ nhiều hạn chế yếu kém, dẫn đến tiến độ thực hiện chương trình, dự án không đảm bảo, chưa phát huy được hiệu quả đầu tư.

- Công tác chỉ đạo điều hành của một số ngành, địa phương chậm đổi mới, chưa sâu sát thực tế, phân công trách nhiệm chưa rõ, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu ở một số đơn vị, địa phương chưa được phát huy, Công tác cải cách thủ tục hành chính, sự  phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa thật sự chặt chẽ và chưa hiệu quả, còn nhiều hạn chế.

- Tình trạng di cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật, tình trạng buôn bán, sử dụng ma túy... diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới đời sống xã hội. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện song vẫn còn nhiều khó khăn, nhận thức về phát triển, ý thức tự vươn lên thoát nghèo của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, còn tư tưởng trông chờ nhiều vào sự hỗ trợ của nhà nước.

A. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRONG NĂM 2016

          I. Lĩnh vực kinh tế:

          Dự ước tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP (giá sản xuất) theo giá so sánh năm 2010 đạt 9.223,2 tỷ đồng, tăng 6,83% so với thực hiện năm 2015, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản tăng 3,56%; công nghiệp - xây dựng tăng 6,07%; dịch vụ tăng 8,64%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng xác định, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 23,77%, giảm 1,08%; công nghiệp - xây dựng chiếm 25,29%, tăng 0,03%; dịch vụ chiếm 48,48%, tăng 1,04% (so với năm 2015). Thu nhập bình quân đầu người (theo giá hiện hành) ước đạt 22,31 triệu đồng/người/năm, tăng 7,87% so với thực hiện năm 2015. Kết quả trên các ngành, lĩnh vực như sau:

         1. Sản xuất nông nghiệp:

         - Cây lương thực:

+ Diện tích lúa: Diện tích gieo cấy ước đạt 50.098  ha, tăng 1,32% so với cùng kỳ năm trước, đạt 99,74% kế hoạch năm; năng suất bình quân ước đạt 35 tạ/ha, giảm 0,4 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước; sản lượng ước đạt 175.119 tấn, tăng 0,17% so với cùng kỳ năm trước; đạt 100,1% so với kế hoạch năm.

+ Diện tích ngô: Diện tích gieo trồng ước đạt 29.977 ha, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 99,82% kế hoạch năm; năng suất bình quân ước đạt 26,19 tạ/ha; sản lượng ước đạt 78.503,44 tấn, tăng 3,03% so với cùng kỳ năm trước, đạt 101,09% kế hoạch năm.  

Tổng sản lượng lương thực ước đạt 253.622 tấn, tăng 1,04% so với cùng kỳ năm trước và đạt 100,4% kế hoạch cả năm.

          - Cây công nghiệp:

+ Cây công nghiệp dài ngày: Diện tích cao su ước đạt 5.172,6 ha, bằng 93,07% so với kế hoạch giao; diện tích cà phê ước đạt 4.051,8 ha, bằng 94,56% so với kế hoạch giao; Diện tích chè ước đạt 607,1 ha so với kế hoạch (Diện tích cây chè búp 577,36 ha, DT cây chè lá 29,7 ha).

+ Cây công nghiệp ngắn ngày: Cây đậu tương diện tích gieo trồng ước đạt 4.792,9 ha, giảm 1,56% so với cùng kỳ năm trước, đạt 84,86% kế hoạch năm; năng suất bình quân ước đạt 13,23 tạ/ha; sản lượng ước đạt 6.338,81 tấn, giảm 1,36% so với cùng kỳ năm trước, đạt 82,82% kế hoạch năm; Cây lạc diện tích gieo trồng ước đạt 1.582,7 ha, tăng 8,93% so với cùng kỳ năm trước, đạt 97,1% kế hoạch năm; năng suất bình quân ước đạt 12,73 tạ/ha; sản lượng ước đạt 2.014,5 tấn, tăng 9,14% so với cùng kỳ năm trước, đạt 100,22% kế hoạch năm. 

       - Chăn nuôi: Kết quả điều tra chăn nuôi trong tỉnh ước tính đến hết năm 2016, đàn trâu có 129.640 con, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước và đạt 98,61% kế hoạch; Đàn bò có 53.564 con, tăng 5,72% so cùng kỳ năm trước và đạt 99,75% kế hoạch; Đàn lợn có 374.350 con, tăng 5,28% so cùng kỳ năm trước và đạt 98,04% kế hoạch.

Diện tích nuôi trồng thủy sản hết năm 2016 ước đạt 2.156,76 ha, tăng 4,09% so với cùng kỳ năm trước và đạt 105,98% kế hoạch giao. Sản lượng thủy sản ước đạt 2.524,76 tấn, tăng 12,98% so với cùng kỳ năm trước, đạt 109,51% kế hoạch giao.

     - Lâm nghiệp: Diện tích rừng trồng tập trung tại các địa phương đã trồng và chăm sóc ước đạt 1.583,03 ha (rừng phòng hộ 60,03 ha; rừng thay thế 431,4 ha; rừng sản xuất 1.091,6 ha), đạt 240,06%  so với cùng kỳ năm trước, đạt 402,6% kế hoạch; diện tích rừng giao khoán khoanh nuôi tái sinh ước đạt 2.453,7 ha, đạt 15,39% kế hoạch giao. Tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 38,67%, tăng 0,17% so với năm 2015.

     - Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Đến nay đã có một số doanh nghiệp đầu tư theo mô hình liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản với người dân trong sản xuất lúa hàng hóa theo cánh đồng lớn từ 30 ha trở lên góp phần thúc đẩy sản xuất, bảo quản lúa gạo hàng hóa, chế biến các sản phẩm thực phẩm từ gạo chất lượng cao tại cánh đồng Mường Thanh và tăng thu nhập cho hộ dân trung bình từ 10 triệu đồng/01ha trồng lúa như: Công ty TNHH giống nông nghiệp Trường Hương, Công ty TNHH thực phẩm nông sản sinh thái Điện Biên trồng lúa; Công ty TNHH Sef Green sản xuất rau an toàn.

- Đã thu hút một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi theo mô hình trang trại có quy mô lớn theo hướng hiện đại ([2]).

Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đã hình thành và tạo liên kết sản xuất theo chuỗi giữa doanh nghiệp và người dân; nhiều hộ gia đình đã chú trọng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, góp phần từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, nâng cao chất lượng sản phẩm tạo giá trị hàng hóa, tăng thu nhập trên địa bàn tỉnh và xóa đói giảm nghèo.

       2. Sản xuất công nghiệp, xây dựng

2.1. Về sản xuất công nghiệp: Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 2.235,22 tỷ đồng (giá 2010), tăng 9,1% so với năm 2015. Trong đó: Công nghiệp Khai thác ước đạt 107,97 tỷ đồng, tăng 1,38% so với năm 2015; Công nghiệp chế biến đạt 1.798,94 tỷ đồng, tăng 5,32%; Sản xuất, phân phối điện đạt 286,79 tỷ đồng tăng 46,26%; Cung cấp nước và xử lý rác thải đạt 41,52 tỷ đồng, tăng 8,99%.

Một số sản phẩm chủ yếu ngành công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Điện sản xuất, Gạch xây, Đá xây dựng, xi măng, trang in offset; một số sản phẩm chủ yếu ngành công nghiệp đạt thấp như: Than sạch, gạch xây dựng.

Đã triển khai thực hiện một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh. Trong năm đã khởi công dự án thủy điện Sông Mà 3, đẩy nhanh tiến độ phát điện dự án thủy điện Trung Thu, đẩy nhanh tiến độ để chuẩn bị khởi công dự án thủy điện Lông Tạo, Mường Mươn, Huổi Vang. Đang rà soát tiến độ các dự án thủy điện trong quy hoạch và dự án tiểm năng trên địa bàn tỉnh để có giải pháp thúc đẩy đầu tư trong thời gian tới

2.2. Về xây dựng: Giá trị sản sản xuất xây dựng ước đạt 3.969,58 triệu đồng, tăng 4,18 %  so với năm 2015. Đã triển khai Chương trình phát triển đô thị đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 làm cơ sở cho việc đầu tư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm và thu hút, kêu gọi đầu tư vào các dự án khu dân cư, khu đô thị mới, đấu giá quyền sử dụng đất... khơi thông nguồn vốn xã hội hóa tại các địa phương. Triển khai thực hiện các quy định của Luật Xây dựng, chỉ đạo sắp xếp kiện toàn các Ban QLDA, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng để tăng cường trách nhiệm các ngành, các cấp trong quản lý xây dựng.

       3. Khu vực dịch vụ

- Hoạt động thương mại: Tình hình lưu thông hàng hoá và dịch vụ thương mại trong năm 2016 tương đối ổn định, hàng hóa trên thị trường đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của người dân. Công tác bình ổn thị trường được quan tâm và triển khai đã đem lại kết quả tích cực.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 8.047,29 tỷ đồng, tăng 11,69% so với cùng kỳ năm trước, đạt 93,9% kế hoạch.

- Dịch vụ du lịch: Dự ước năm 2016 đón khoảng 477 ngàn lượt khách, đạt 106% kế hoạch năm, tăng 13,5% so với năm 2015; trong đó khách quốc tế ước đạt 80 ngàn lượt, đạt 104% kế hoạch năm, tăng 14,2% so với năm trước. Tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt trên 760 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch năm, tăng 38% so với năm 2015. Số ngày lưu trú bình quân khách nội địa và quốc tế đạt 2,3 ngày/người (đạt 92% kế hoạch năm, duy trì tỷ lệ so với năm 2015). Du lịch đã giải quyết việc làm cho trên 12 ngàn lao động trong toàn tỉnh, trong đó có khoảng 5.000 lao động trực tiếp và 7.000 lao động gián tiếp.

- Dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách: Ước đến hết năm 2016, khối lượng vận chuyển hành khách đạt 1.120,0 nghìn lượt người, tăng 13,97% so với cùng kỳ năm trước, đạt 93,33% so với kế hoạch; hành khách luân chuyển 220,88 triệu lượt HK.Km, tăng 13,28% so với cùng kỳ năm trước, đạt 92,03% so với kế hoạch. Khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 2.890 nghìn tấn, tăng 12,45% so với cùng kỳ năm trước, đạt 99,66% so với kế hoạch; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 118,397 triệu T.Km, tăng 11,95% so với cùng kỳ năm trước, đạt 88,36% so với kế hoạch.   

- Lĩnh vực Bưu chính Viễn thông: Hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh truyền hình tiếp tục được mở rộng; Hạ tầng mạng lưới bưu chính phục vụ ổn định, rộng khắp, đến nay đã có: 114/130 xã, phường, thị trấn được phủ sóng di động 3G (đạt tỷ lệ 87,6%); 100% địa bàn các huyện và cơ quan Nhà nước được kết nối Internet tốc độ cao. Hạ tầng CNTT trong các cơ quan nhà nước được quan tâm đầu tư xây dựng tỷ lệ máy tính/cán bộ công chức trong các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đạt gần 100%, cấp xã đạt 45%. Dự ước năm 2016 số thuê bao điện thoại 424.507 thuê bao, tăng 3,63% so với năm 2015, đạt 98,72% so với kế hoạch; dự ước số thuê bao internet là 18.149 thuê bao, tăng 13,37% so với năm trước, đạt 98,81% so với kế hoạch.

        4. Về Xuất nhập khẩu

-  Tổng kim ngạch xuất khẩu đến hết năm 2016 ước đạt 30,46 triệu USD, đạt 95,19% kế hoạch năm, tăng 33,51% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu hàng địa phương ước đạt 18,91 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu thuộc nhóm vật liệu xây dựng và một số số hàng tiêu dùng gồm: Xi măng, đồ dùng bằng nhựa, thép xây dựng, đá xây dựng... trong năm 2016 tỉnh tiếp tục thực hiện thí điểm tái xuất hàng hóa qua lối mở A Pa Chải.

- Tổng kim ngạch nhập khẩu đến hết năm 2016 ước đạt 16 triệu USD đạt 123,08% kế hoạch năm, giảm 6,73% so với cùng kỳ năm trước; trong đó nhập khẩu địa phương ước đạt 7,8 triệu USD. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: máy móc thiết bị, gỗ xẻ, nông lâm sản và một số hàng tiêu dùng khác.

     5. Hoạt động Tài chính - Ngân hàng 

a) Về giá cả và kiểm soát lạm phát 

Với việc thực hiện các giải pháp thúc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cùng với việc thực hiện chặt chẽ các chính sách tài chính, tiền tệ, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,89% so với cùng kỳ năm trước, giá cả hàng hóa trên thị trường tương đối ổn định, không có tăng giá đột biến. Triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương về lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế và hàng hóa do nhà nước quản lý giá.

b) Về tiền tệ, tín dụng: Tổng nguồn vốn tín dụng huy động của các ngân hàng ước đạt 7.900 tỷ đồng, tăng 14,44% so với năm trước. Tổng dư nợ tín dụng ước đạt 13.300 tỷ đồng, tăng 19,9% so năm trước; Nợ xấu chiếm 1,11% tổng dư nợ. Trong năm tiếp tục tạo điều kiện để các Ngân hàng thương mại mở các chi nhánh trên địa bàn tỉnh, qua đó tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận nhiều hơn với các nguồn vốn đầu tư.

c) Về thu chi ngân sách nhà nước: Dự ước tổng thu ngân sách địa phương năm 2016 là 7.481 tỷ 573 triệu đồng, đạt 111,64 % dự toán. Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 1.007 tỷ 359 triệu đồng, đạt 101,47% dự toán giao. Trong đó thu nội địa ước thực hiện 958 tỷ 059 triệu đồng (ngân sách địa phương hưởng 952 tỷ 459 triệu đồng) đạt 101,92% dự toán, tăng 121,01% so với thực hiện năm 2015.

Các khoản chi ngân sách thực hiện tiết kiệm, đúng chính sách, các khoản chi đột xuất cho các nhiệm vụ quốc phòng an ninh, an sinh xã hội đảm bảo kịp thời. Dự ước tổng chi ngân sách địa phương 7329 tỷ 016 triệu đồng, đạt 109,36% dự toán. Trong đó: Chi thường xuyên 5.353 tỷ 930 triệu đồng, đạt 108,91% dự toán; Chi đầu tư phát triển là 613 tỷ 076 triệu đồng, đạt 114,82% dự toán.

Đã rà soát xây dựng và ban hành Quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách địa phương năm 2017 và thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh; Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2017 để thực hiện trong thời kỳ ổn định ngân sách cho phù hợp điều kiện thực tế của địa phương

      6. Về thu hút đầu tư: Công tác xúc tiến thu hút đầu tư trên địa bàn có nhiều chuyển biến với việc tích cực tham gia các Hội nghị xúc tiến đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, rà soát đôn đốc các dự án chậm tiến độ, tổ chức gặp gỡ đối thoại trực tiếp và kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư. Dự ước cả năm 2016 cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 15 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký 1.750 tỷ đồng. Cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho 03 dự án, dự ước năm 2016 có 04 dự án[3] hoàn thành đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 37 tỷ đồng. Đến nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 115 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 17 nghìn tỷ đồng.

     7. Về phát triển doanh nghiệp: Dự ước năm 2016 có 90 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn 610 tỷ đồng; đăng ký thay đổi, bổ sung cho 170 lượt doanh nghiệp. Nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên 1.070 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 10.440 tỷ đồng và 172 chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp ngoài tỉnh đăng ký hoạt động tại địa phương.

Kinh tế tập thể và hộ kinh doanh tiếp tục được khuyến khích phát triển. Dự ước năm 2016 thành lập mới 25 hợp tác xã với tổng số vốn đăng ký là 28 tỷ đồng. Tổng số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện nay là 193 hợp tác xã với tổng số vốn đăng ký 267,288 tỷ đồng (bao gồm cả 83 HTX dự kiến giải thể vào chuối năm 2016); thêm 1.066 hộ kinh doanh với tổng số vốn đăng ký 181,202 tỷ đồng. Tổng số hộ kinh doanh đến thời điểm hiện nay là 14.663 hộ, tổng số vốn đăng ký 1.724,860 tỷ đồng

Tiếp tục thực hiện sắp xếp các DNNN theo kế hoạch được duyệt. Đến nay đã hoàn tất việc thoái một phần vốn nhà nước ở 1/1 doanh nghiệp, thoái toàn bộ vốn nhà nước ở 8/11 doanh nghiệp, cổ phần hóa được 2/3 doanh nghiệp và đang tiếp tục thực hiện thoái hết phần vốn nhà nước ở 3 doanh nghiệp, tiếp tục thực hiện cổ phần hóa 1 doanh nghiệp còn lại.

    8. Về đầu tư phát triển: Dự ước tổng vốn đầu tư toàn xã hội 8.481,37 tỷ đồng, đạt 104,79% so với kế hoạch, tăng 19,49% so với năm 2015, (bao gồm kế hoạch vốn NSNN do địa phương quản lý kéo dài năm 2015 chuyển sang 585 tỷ 302 triệu đồng). Trong đó:

     8.1 Tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển

a) Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước - TPCP: Tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN năm 2016 do tỉnh quản lý 1.962 tỷ 814 triệu đồng (Vốn trong nước 1.748 tỷ 814 triệu đồng; Vốn nước ngoài 214 tỷ đồng).Kế hoạch vốn 2016 đã giao chi tiết là 1.747,514 tỷ đồng, đạt 89,09% so với kế hoạch vốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến thông báo tại Văn bản số 8123/KH ĐT-TH ngày 23/10/2015, trong đó vốn trong nước đã giao chi tiết là 1.576,321 tỷ đồng, vốn ODA là 214 tỷ đồng. Riêng vốn trái phiếu Chính phủ, đến nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới giao 227,018 tỷ đồng (Chương trình xây dựng nông thôn mới 87 tỷ đồng; Chương trình Kiên cố hóa trường học, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên 140,018 tỷ đồng); số vốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa giao là 180,193 tỷ đồng. Dự ước khối lượng thực hiện đến 31/12/2016 đạt 1.094,979 tỷ đồng, Ước thực hiện giải ngân đến 31/01/2017 đạt 1.576 tỷ 607 triệu đồng (bằng 88,5%KH).

  b) Nguồn vốn do tập đoàn điện lực Việt Nam đảm bảo theo Quyết định số 2009/QĐ-TTg ngày 04/11/2013 (bố trí cho dự án TĐCTĐSL) do địa phương quản lý: Kế hoạch Chính phủ giao năm 2016 là 675 tỷ đồng, trong đó: UBND tỉnh đã giao chi tiết 100%; Dự ước 31/12/2016 giải ngân đạt 675 tỷ đồng, bằng 100% KH.

c) Vốn đầu tư từ ngân sách do các Bộ ngành Trung ương quản lý: Dự ước năm 2016 đạt 2.275,72 tỷ đồng, tăng 5,85% so với năm 2015, chủ yếu của các Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Quốc phòng và Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tóa án nhân dân tối cao, Bảo hiểm XH, Ngân hàng Công thương, Hải quan.

d) Vốn đầu tư doanh nghiệp và dân cư: Ước thực hiện năm 2016 đạt 3.164 tỷ đồng, đầu tư xây dựng nhà ở, nhà cho thuê, xây dựng trụ sở công ty, mua sắm máy móc phục vụ sản xuất…

8.2. Triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh năm 2016

a) Dự án Tái định cư thủy điện Sơn La: Dự án di dân tái định cư trên địa bàn tỉnh Điện Biên đến nay cơ bản đã hoàn thành, tỉnh đã tổ chức tổng kết dự án trên địa bàn tỉnh, Ban chỉ đạo Nhà nước cũng đã tổ chức tổng kết dự án di dân tái định cư (giai đoạn I) trên địa bàn 03 tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu.

Đến nay đã thanh toán 657,480/675 tỷ đồng (vốn 2016) đạt 97,4% so KH; đã thanh toán 54,680/54,680 tỷ đồng, đạt 100% (vốn kết dư các năm 2013, 2014 cho phép kéo dài). Đang tập trung giải quyết một số vấn đề như: hoàn thiện hồ sơ địa chính, quyết toán, thanh toán vốn,… phấn đấu hoàn thành trong năm 2016.

b) Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung khu trụ sở cơ quan, khu công cộng, khu thương mại dịch vụ dọc trục đường 60m: Đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 làm cơ sở cho Chủ đầu tư phối hợp với các ngành chức năng thẩm định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và triển khai thực hiện các thủ tục để khởi công.

c) Đề án sắp xếp ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh huyện Mường Nhé

Đến nay đã phê duyệt 40/44 phương án (của 43/47 điểm bản) bố trí sắp xếp, ổn định dân cư thành lập bản mới, đạt 91% so với kế hoạch. Thực hiện di chuyển và bố trí, sắp xếp ổn định cho 1.169 hộ thuộc 40 điểm bản, cụ thể: 441 hộ/15 bản theo Quyết định 141/QĐ-TTg; 728 hộ/25 điểm bản theo Quyết định 79/QĐ-TTg; Trong đó, năm 2016 đã thực hiện di chuyển, sắp xếp ổn định được 250 hộ là các hộ thuộc 25/28 điểm bản theo Quyết định 79/QĐ-TTg đã được phê duyệt phương án.

- Về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu: Tổng số dự án được phê duyệt quyết định đầu tư là: 136 dự án; gồm: 42 công trình đường giao thông, 19 công trình thủy lợi, 40 công trình nước sinh hoạt, 31 công trình nhà lớp học, 04 cầu; trong đó có 70 dự án hoàn thành; 65 dự án đang triển khai thực hiện.

- Về điều chỉnh Đề án 79, theo Văn bản  số 805/TTg-KNT ngày 08/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ  đã hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh dự án và đã được các Bộ ngành trung ương nhất trí thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tổng thể và tiếp tục bố trí kế hoạch vốn các năm tiếp theo.

d) Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới

- Đã chỉ đạo rà soát, đánh giá tổng thể Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011-2015, để xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể giai đoạn 2016-2020, trong đó lựa chọn những tiêu chí để tập trung đầu tư, hỗ trợ có trọng điểm các công trình hạ tầng cơ bản cấp xã, thôn, bản trực tiếp gắn với phát triển sản xuất, đời sống của người dân, lồng ghép, ưu tiên bố trí các nguồn vốn đầu tư để triển khai đầu tư các hạng mục công trình tại các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016; Đến 31/10/2016, các huyện thị đã triển khai khối lượng thực hiện đạt 58,814 triệu đồng; thực hiện giải ngân đạt 69,001 tỷ đồng, bằng 54,37% so với KH. Phấn đấu trong năm 2016 có thêm 7 xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bình quân đạt  5,9 tiêu chí/xã tăng 0,3 tiêu chí/ xã so với năm 2015.

- Đề án xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc ít người, khu vực biên giới tỉnh Điện Biên đã được Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1573/QĐ-TTg 09/8/2016. UBND tỉnh đang đề nghị Chính phủ và các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chấp thuận bổ sung vốn NSTW trong giai đoạn 2016-2020.

e) Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững: Đã chỉ đạo rà soát, đánh giá tổng thể Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011-2015 để xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể giai đoạn 2016-2020 cho các Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a, Chương trình 293, Chương trình 135. Đến 31/10/2016, khối lượng thực hiện đạt 121,924 triệu đồng; thực hiện giải ngân đạt 157,338 tỷ đồng, bằng 69,04% so với KH.

Đến nay, Các chương trình, dự án giảm nghèo được triển khai tích cực. Ước thực hiện năm 2016, số hộ nghèo toàn tỉnh còn 54.750 hộ (chiếm 44,94% tổng số hộ; giảm 2.464 hộ và giảm 3,2% so với năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện 30ª ước giảm 3,82% so với năm 2015. 

f) Chương trình phát triển đô thị vay vốn WB: Đã cơ bản hoàn thành Tiểu dự án Hỗ trợ kỹ thuật CBDA Chương trình đô thị miền núi phía Bắc TP ĐBP (chuẩn bị dự án). Tập trung triển khai thực hiện 03 hạng mục xây lắp thuộc giai đoạn 1 (2015-2016): Khối lượng thực hiện ước đạt 125/143 tỷ đồng; năm 2016 giải ngân vốn ODA 60.000 triệu đồng, vốn đối ứng 3.000 triệu đồng (NSTW).

g) Dự án cải tạo, nâng cấp, hạ tầng Đường Võ Nguyên Giáp: Đã phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp, hạ tầng Đường Võ Nguyên Giáp, hoàn thiện phương án kiến trúc cảnh quan phương án thiết kế kỹ thuật thi công của Dự án theo ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để triển khai thực hiện trong thời gian tới.    

II. Lĩnh vực Văn  hoá - Xã hội

  1. Lao động, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, cai nghiện ma túy và phòng chống HIV/AIDS:

Về giải quyết việc làm và đào tạo nghề: Ước giải quyết việc làm mới cho 8.585 lao động, tăng 1% so với năm 2015; trong đó, tạo việc làm mới thông qua Quỹ cho vay về việc làm 900 lao động; cung ứng lao động cho các doanh nghiệp và khu công nghiệp ngoài tỉnh 550 lao động (Tăng 249 lao động so với năm 2015). Tuyển mới và đào tạo nghề cho 7.895 người, đạt 98,69% kế hoạch năm (Cao đẳng 82 người; Trung cấp 197 người; Sơ cấp và đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng 7.616 người); trong đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn 5.316 lao động nông thôn, đạt 85,74% KH.

Các chính sách xã hội như trợ cấp, cứu đói, cấp phát bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách xã hội tiếp tục thực hiện tốt. Năm 2016, đã tiếp tục chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng cho 14.037 đối tượng, tăng 2.134 đối tượng so với cùng kỳ năm 2015. Tổ chức cứu đói đứt bữa nhân dịp Tết nguyên đán cho 6.109 hộ, 24.734 nhân khẩu; phân bổ 1.220,5 tấn gạo cứu đói cho 23.476 hộ, với 105.854 khẩu thiếu đói trong thời gian giáp hạt. Duy trì việc cấp phát thẻ BHYT cho 440.881 đối tượng chính sách xã hội.

Về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội: Việc điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại 8 cơ sở điều trị và 21 điểm cấp phát thuốc tiếp tục được duy trì thực hiện tốt. Ước năm 2016, số người được điều trị thay thế bằng thuốc Methadone là 3.900 bệnh nhân; tổ chức cai nghiện ma túy cho 1.035 lượt người.

Các hoạt phòng, chống HIV/AIDS đã được triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh. Tính đến 31/10/2016 có 116/130 xã, phường, thị trấn của 10/10 huyện, thị xã, thành phố có người nhiễm HIV; tổng số tích lũy toàn tỉnh có 6.856 ca nhiễm HIV, trong đó: số mắc mới được phát hiện 428 ca (tăng 185 ca so với cùng kỳ), số nhiễm HIV chuyển giai đoạn AIDS tích lũy 5.197 ca, trong đó số mới chuyển giai đoạn AIDS trong kỳ 300 ca (giảm 130 ca so với cùng kỳ); tử vong do AIDS lũy tích là 3.453 ca, trong đó số bệnh nhân AIDS mới tử vong là 276 ca (giảm 15 ca so với cùng kỳ); số quản lý được 3.199 ca, tỷ lệ người nhiễm HIV còn sống quản lý được 93,8%. Tỷ lệ nhiễm HIV còn sống/dân số 0,57%.

  2. Y tế, Dân số kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc trẻ em

Các hoạt động y tế, Chương trình mục tiêu Y tế được duy trì và triển khai có hiệu quả theo kế hoạch, chất lượng công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế từng bước được nâng lên. Tình hình dịch bệnh trên địa bàn ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Ước cả năm tổng số lượt khám bệnh ước đạt trên 1.000.000 lượt người,  tổng số bệnh nhân điều trị nội trú 103.800 lượt và trên 6.500 bệnh nhân điều trị ngoại trú, Công suất sử dụng giường bệnh đạt 112%.

Công tác truyền thông tuyên truyền về dân số - kế hoạch hóa gia đình tiếp tục được duy trì thường xuyên tại các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt hoạt động truyền thông tại cộng đồng được ưu tiên thực hiện tại vùng sâu vùng xa, vùng có tỷ lệ sinh cao. Ước thực hiện cả năm mức giảm tỷ lệ sinh 0,5‰, đạt so với kế hoạch; tỷ lệ các bà mẹ sinh con thứ 3 trở lên so với tổng số bà mẹ sinh con trong năm là 21%, giảm 1,7% so với cùng kỳ.

- Công tác Bảo vệ và chăm sóc trẻ em được quan tâm, triển khai theo kế hoạch. Ước đến hết năm 2016, trên địa bàn toàn tỉnh có: 8.525 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm khoảng 4% trên tổng số trẻ em (giảm 640 em so với năm 2015); 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp về y tế, giáo dục, trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng, hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm, trợ giúp pháp lý; 77/130 xã phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em (đạt tỷ lệ 59,2%, tăng 5 xã so với năm 2015); duy trì việc quản lý cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi đạt 98,5%;  tiếp tục huy động các cá nhân, tổ chức đóng góp, hỗ trợ cho Quỹ BTTE của tỉnh năm 2016 ước được 1.500 triệu đồng.

3. Về Giáo dục - Đào tạo:

- Hệ thống mạng lưới trường, lớp học phát triển khá đồng bộ; Quy mô học sinh phát triển khá ổn định ở các cấp học tiểu học, THCS, THPT và phát triển nhanh ở cấp học mầm non. Tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đến trường tiếp tục tăng ở các cấp học, đặc biệt là cấp học mầm non.

- Toàn tỉnh hiện có: 517 trường học và trung tâm (gồm 06 trường, trung tâm tư thục) với 7.230 lớp, 175.719 học sinh, tăng 14 trường với 183 lớp và 6.713 học sinh so với năm học trước.

- Tỷ lệ huy động trẻ đến lớp: Từ 0-2 tuổi đạt 25%; trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi đạt 96,2% và trẻ 5 tuổi đạt 99,2%; trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,7% và trẻ 6-10 tuổi học tiểu học đạt 99,3% ; trẻ 11 tuổi vào lớp 6 đạt 94,9%; trẻ 11-14 tuổi học THCS đạt 93,9%; trẻ 15 tuổi đi học lớp 10 đạt 57,4%; trẻ 15-18 tuổi học THPT đạt 56,3%.

- Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Phương pháp dạy học tiếp tục được đổi mới theo hướng tích cực hóa, phát huy khả năng sáng tạo, hứng thú học tập, tạo điều kiện để mọi học sinh bộc lộ khả năng và năng lực của bản thân. Tỷ lệ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn tăng nhanh.

- Dự ước đến 31/12/2016, 04 trường Cao đẳng tuyển mới được 627/930 sinh viên hệ cao đẳng đạt 67,4% kế hoạch, 340/580 sinh viên hệ trung cấp đạt 58,6% kế hoạch. Riêng trường Cao đẳng nghề tuyển mới được 86/250 học viên hệ cao đẳng đạt 34,4% kế hoạch, 190/200 học viên hệ trung cấp đạt 95% kế hoạch. Ngoài ra, trong năm 2016, các trường trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện liên kết với các trường đại học để đào tạo nâng cao trình độ cho lực lượng lao động của tỉnh.

- Dự ước đến 31/12/2016, toàn tỉnh có 130/130 xã duy trì chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 1 và phổ cập giáo dục THCS mức độ 1; 129/130 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, trong đó có 31/130 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 100/130 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; 45/130 xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

- Về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học: Tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy học và yêu cầu đổi mới giáo dục. Đến thời điểm báo cáo, toàn tỉnh có 7.325 phòng học (4.170 phòng kiên cố chiếm 56,9%, 1.633 phòng bán kiên cố chiếm 22,3%, 1.522 phòng tạm chiếm 20,8%); 2.946 phòng nội trú (1.408 phòng kiên cố chiếm 47,8%, 1.032 phòng bán kiên cố chiếm 35%, 506 phòng tạm chiếm 17,2%).

  4. Văn hoá, thông tin, thể dục thể thao, phát thanh truyền hình

4.1 Văn hóa, thông tin, thể dục thể thao

- Phong trào văn nghệ quần chúng được duy trì phát triển, dự ước năm 2016 toàn tỉnh có tổng số 1.265 đội văn nghệ quần chúng, tổ chức 3.630 buổi biểu diễn, phục vụ trên 405 ngàn lượt người xem, đạt 100% KH năm.

- Công tác bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa, tiếp tục được quan tâm: Dự ước năm 2016, hoàn thành công tác kiểm kê hiện trạng di sản Then Thái tại địa bàn: thị xã Mường Lay, huyện Điện Biên, huyện Mường Chà, thành phố Điện Biên Phủ. Triển khai việc lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại, trong đó: phối hợp với Viện âm nhạc tổ chức ghi âm, ghi hình và dịch thuật 2 di sản Then Thái (lễ Then cấp sắc tại thị xã Mường Lay và lễ Then cầu con tại huyện Điện Biên).

Duy trì tổ chức một số lễ hội tiêu biểu như: Lễ hội Hoa Ban; Lễ hội Thành Bản Phủ; tổ chức thành công Lễ hội đua thuyền đuôi én tại Thị xã Mường Lay, hướng tới tổ chức thường niên.

- Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được người dân hưởng ứng. Dự ước năm 2016 toàn tỉnh có: 924/1.813 thôn, bản đạt chuẩn văn hóa, chiếm 52% trong tổng số thôn, bản toàn tỉnh, đạt 100% KH năm; 72.262 gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, chiếm 60,92% trong tổng gia đình toàn tỉnh đủ điều kiện xét, đạt 98,3% KH năm, tăng 4,37% so với năm 2015; 1.140 cơ quan, đơn vị trường học đạt chuẩn văn hóa, chiếm 88,5% trong tổng số cơ quan, đơn vị trường học toàn tỉnh, đạt 103,3% KH năm, tăng 4,6% so với năm 2015; 05/14 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, đạt tỷ lệ 35,7% số phường, thị trấn và đạt 100% KH năm.

- Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" tiếp tục được các cấp, các ngành, các địa phương nhiệt tình hưởng ứng thực hiện: Dự ước số người dân tích cực tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên năm 2016 đạt 141,2 ngàn người, chiếm 25,33% trên tổng số dân toàn tỉnh. Có 360 câu lạc bộ TDTT cơ sở. 

4.2. Phát thanh - Truyền hình

Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh được Bộ Thông tin và Truyền thông Cấp phép sửa đổi bổ sung Giấy phép hoạt động Truyền hình và Giấy phép hoạt động phát thanh theo khung giờ mới. Đến tháng 5/2016 Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp Giấy phép Phủ sóng kênh truyền hình ĐTV lên vệ tinh Vinasat, nâng độ phủ sóng truyền hình ĐTV lên 100%.

Tổng số giờ tiếp, phát sóng truyền hình Trung ương năm 2016 ước đạt 278.526 giờ và số giờ tiếp, phát sóng truyền hình địa phương là 118.584 giờ  100% hộ gia đình có thể thu được sóng Đài Truyền hình Việt Nam. 100% hộ gia đình có thể thu được sóng đài truyền hình địa phương.

Toàn tỉnh có 44/130 xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh. Tổng số giờ tiếp, phát sóng của Đài tiếng nói Việt Nam ước đạt 71.736 giờ; Tiếp, phát sóng phát thanh của đài tỉnh là 90.402 giờ, trong đó tỷ lệ giờ tiếp, phát sóng phát thanh tiếng dân tộc của đài tỉnh là 45%. 100% hộ gia đình nghe được Đài Tiếng nói Việt Nam. 100%  hộ gia đình nghe được Đài Phát thanh của tỉnh.

Truyền hình trả tiền từng bước được phát triển, tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng dịch vụ truyền hình với chất lượng cao, nội dung chương trình phong phú với trên 200 kênh truyền hình. Năm 2016 phát triển mới trên 2000 thuê bao, nâng tổng số lên 23.000 thuê bao truyền hình trả tiền bao gồm: Truyền hình cáp Việt Nam - VTVCab, Viễn thông Điện Biên - MyTV, Chi nhánh Viettel Điện Biên - NextTV, Truyền hình kỹ thuật số An Viên - AVG, Truyền hình FPT, …)

III. Về công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; quốc phòng an ninh và bảo đảm ổn định chính trị xã hội

a) Quốc phòng - An ninh:

Thế trận phòng thủ tỉnh, huyện và cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Công tác huấn luyện, giáo dục quốc phòng, công tác quân sự địa phương thực hiện theo kế hoạch. Tỉnh đã chỉ đạo diễn tập thành công khu vực phòng thủ thành phố Điện Biên Phủ và diễn tập khu vực phòng thủ thị xã Mường Lay .

An ninh chính trị đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu trọng điểm, các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa bàn trọng điểm trước trong và sau Đại hội lần thứ XII của Đảng, cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 -2021.

Các lực lượng chức năng tăng cường công tác đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, tập trung xóa các tụ điểm phức tạp về TTXH, điều tra làm rõ các vụ án; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vị phạm hành chính về trật tự đô thị, trật tự công cộng[4]. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy được đẩy mạnh, từng bước kiềm chế tội phạm. Trên các tuyến biên giới, sự phối hợp các lực lượng Biên phòng, Hải quan, Công an đã ngăn chặn hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ nước ngoài vào địa bàn, xóa tụ điểm phức tạp về ma túy trên tuyến biên giới[5].

- Tình hình và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm về kinh tế, môi trường: tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, môi trường nổi lên là hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản và vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng[6]; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ... Tăng cường kiểm tra xử lý các lỗi vi phạm quy định về tốc độ, nồng độ cồn, tải trọng.... [7];

b) Công tác đối ngoại: Hoạt động đối ngoại tiếp tục được tăng cường, mở rộng. Tiếp tục thực hiện tốt quan hệ hợp tác hữu nghị toàn diện với các tỉnh Bắc Lào; mở rộng quan hệ hợp tác với các tỉnh Đông bắc Thái Lan, tỉnh Vân Nam Trung Quốc và Chiềng Rai – Thái Lan; đón tiếp và mở rộng mối quan hệ với các đại sứ quán tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế; tổ chức thành công hội đàm giữa tỉnh Điện Biên với 3 tỉnh Bắc Lào để đánh giá kết quả thực hiện biên bản ghi nhớ đến hết năm 2016 và thống nhất phương hướng hợp tác những năm tiếp theo

  IV. Công tác tư pháp, cải cách hành chính, thanh tra xây dựng chính quyền và phòng chống tham nhũng.

a) Công tác tư pháp

Công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật tiếp tục được tăng cường, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành, bảo đảm các văn bản, chương trình, dự án, Kế hoạch do HĐND, UBND ban hành được thực thi nghiêm chỉnh, thống nhất[8]. Công tác kiểm soát thủ tục hành chính tiếp tục được phát huy hiệu quả. Tổ chức triển khai Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử HĐND các cấp.

Triển khai toàn diện, đồng bộ Luật Hộ tịch, Quốc tịch, Lý lịch tư pháp, Công chứng, chứng thực, quản lý hoạt động luật dân sự, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giám định tư pháp, bảo đảm minh bạch và an toàn cho các giao dịch dân sự; hỗ trợ công dân tiếp cận các dịch vụ pháp lý để bảo vệ quyền và các lợi ích hợp pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện các hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính; cập nhật, niêm yết, công bố công khai kịp thời các thủ tục hành chính theo quy định đảm bảo sự thống nhất trong áp dụng thủ tục hành chính.

Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật pháp được quan tâm đổi mới nội dung và phương pháp tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành Pháp luật của người dân, trong đó đã tập trung tuyên truyền về hôn nhân và gia đình, để chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số.

b) Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền

Ban hành kế hoạch CCHC của tỉnh năm 2016 và kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020, ban hành báo cáo kết quả Chỉ số Cải cách hành chính (Par Index) tỉnh Điện Biên năm 2015 và giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính trong thời gian tới; công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2015 của các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Tổ chức hội nghị tập huấn công tác Cải cách hành chính năm 2016 tập trung vào nội dung chỉ số CCHC cấp tỉnh, công tác xây dựng kế hoạch CCHC và các giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính.

Phối hợp với các cơ quan chức năng của UBND tỉnh Sơn La khảo sát, hiệp thương giải quyết tranh chấp đất đai có liên quan đến đường địa giới hành chính gồm 24 điểm tiếp giáp thuộc 5 huyện: Điện Biên Đông, Điện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa tỉnh Điện Biên với các huyện: Sông Mã, Sốp Cộp, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Tiếp tục triển khai thực hiện Dự án Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp tỉnh Điện Biên.

Đã chủ động, tích cực tham mưu tổ chức thành công công tác và Hội nghị tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về tăng cường công tác dân vận trong cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Điện biên, hội nghị triển khai Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 21/3/2016 của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước giai đoạn 2016-2020. Triển khai quyết định 897/QĐ-TTg ngày 25/5/2016 của TTCP về ban hành tiêu chí, quy trình thủ tục công nhận xã An toàn khu, vùng An toàn khu;...Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; Tiếp tục nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức viên chức theo kế hoạch.

c) Công tác thanh tra

Các tổ chức thanh tra trong tỉnh đã triển khai thực hiện 66 cuộc thanh tra (năm 2015 chuyển sang 09 cuộc). Đến nay đã kết thúc 57 cuộc, ban hành 54 kết luận. Qua thanh tra phát hiện sai phạm về kinh tế với số tiền là 6.373,45 triệu đồng, trong đó kiến nghị thu hồi nộp ngân sách 5.169,641 triệu đồng, kiến nghị xử lý theo các hình thức khác 1.203,809 triệu đồng; kiến nghị kiểm điểm 08 tổ chức, xử lý hành chính 19 cá nhân liên quan đến sai phạm, đã xử lý 03 cá nhân với hình thức cảnh cáo, 8 cá nhân kỷ luật khiển trách. Các sai phạm phát hiện qua thanh tra chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực: Quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản. Đã thu hồi 3.722,142 triệu đồng đạt 72 %

 Về thanh tra chuyên ngành các cơ quan chức năng thanh tra chuyên ngành đã triển khai thực hiện 675 cuộc (trong đó số cuộc thanh tra lập đoàn 94 cuộc, số cuộc thanh tra độc lập 581 cuộc) thanh tra, kiểm tra tại 3.401 tổ chức và cá nhân. Qua thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đã phát hiện 503 tổ chức và cá nhân vi phạm với số tiền sai phạm về kinh tế phát hiện là 1.406,828 triệu đồng, đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền sai phạm là 1.060,488 triệu đồng, kiến nghị xử lý hình thức khác 346,340 triệu đồng và ban hành 439 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 3.109,176 triệu đồng, xử lý tài sản vi phạm số tiền là 731,3 triệu đồng. Đến nay đã thu hồi 1.060,488 triệu đồng

d). Công tác phòng chống tham nhũng: Đã hoàn thành báo cáo kê khai tài sản, thu nhập tại 58/58 đơn vị với 7.527/7.527 người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2015, đạt 100%; đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác cho 92 cán bộ, công chức, trong đó cấp huyên có 60 công chức; cấp sở, ngành 32 cán bộ, công chức; đã tiến hành 28 cuộc thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về PCTN tại 33 đơn vị. Qua thanh tra đã kiến nghị xử lý thu hồi kinh tế nộp NSNN số tiền: 644,117 triệu đồng; đã thu hồi nộp Ngân sách Nhà nước 644,11 triệu đồng kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với 1 tổ chức, 16 cá nhân liên quan đến sai phạm; kỷ luật 1 cán bộ bằng hình thức cảnh cáo, 1 cán bộ bằng hình thức khiển trách; 01 công chức đã kỷ luật bằng hình thức thôi việc.   

B. TỒN TẠI, HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN

I. Các hạn chế, yếu kém

(1) Trong lĩnh vực nông- lâm nghiệp: Một số chỉ tiêu sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chưa đạt kế hoạch, tình hình cháy rừng vẫn xảy ra cục bộ trên địa bàn[9]. Việc khai thác các dự án thủy lợi, khai hoang sau đầu tư các công trình thủy lợi chưa thực sự hiệu quả. Diện tích các cây công nghiệp ngắn ngày tiếp tục xu hướng giảm, trồng mới cây cà phê, cây cao su gặp khó khăn do tác động của giá sụt giảm, nên diện tích trồng chưa đạt; tình trạng phá rừng làm nương, khai thác lâm sản trái phép chưa được kiểm soát hiệu quả (huyện Điện Biên, Tủa Chùa, Mường Nhé).

(2) Phát triển công nghiệp tăng trưởng chưa ổn định, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp chưa đạt kế hoạch đề ra (đạt 95,9% KH), quy mô ngành công nghiệp nhỏ, mức đóng góp vào nền kinh tế còn thấp, một số sản phẩm công nghiệp đạt thấp so với kế hoạch như: Than sạch (đạt 50,23%), gạch xây dựng (đạt 83,83%), Xi măng (đạt 73,97%); Thức ăn gia súc, gia cầm (đạt 46,5%).

 (3) Về phát triển các ngành dịch vụ - du lịch: Phát triển dịch vụ chưa đạt kế hoạch đề ra (đạt 98,6% KH), chất lượng dịch vụ và nguồn nhân lực tại các cơ sở, khu du lịch hạn chế; chưa thu hút được các nhà đầu tư tiềm năng để đầu tư vào các khu, điểm du lịch của tỉnh; Việc phát huy giá trị của quần thể di tích lịch sử đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng yêu cầu bảo tồn, quản lý và phục vụ du khách.

(4) Về đầu tư phát triển: Tiến độ triển khai thực hiện các dự án thuộc kế hoạch vốn 2016 và kế hoạch 2015 được kéo dài sang năm 2016 còn chậm, giải ngân thanh toán vốn 10 tháng đầu năm đạt thấp (Kế hoạch 2016 giải ngân đạt 68,6% , kế hoạch vốn năm 2015 kéo dài giải ngân đạt 44,98%), gồm: Ban Quản lý dự án giảm nghèo tỉnh Điện Biên đạt 33,91%, Bệnh viên y học cổ truyền đạt 36,72%, Sở Giao thông vận tải đạt 44,18%, Sở Lao động, Thương binh và xã hội đạt 0%, Sở Nông nghiệp và PTNT đạt 24,74%, huyện Điện Biên đạt 47,05%, huyện Mường Ảng đạt 49,68%, huyện Mường Nhé đạt 54,05%, huyện Nậm Pồ đạt 53,68%.

- Nợ đọng vốn đầu tư trước ngày 31/12/2015 còn 188 tỷ 852 triệu đồng, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp xây dựng theo kế hoạch được duyệt.

  - Các dự án đầu tư của các thành phần kinh tế triển khai chậm, chưa đạt tiến độ đề ra. Tình hình thực hiện triển khai các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Nông thôn mới, chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững đã được các cấp ngành quan tâm chỉ đạo tuy nhiên hiệu quả chưa rõ, còn nhiều bất cập, hạn chế.

(5) Một số vấn đề xã hội

- Chất lượng giáo dục ở một số vùng khó khăn, biên giới còn thấp so với yêu cầu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhiều trường học còn khó khăn. Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tại một số huyện chưa đảm bảo theo kế hoạch.

- Một số cơ chế chính sách và biện pháp trợ giúp xóa đói giảm nghèo chưa phù hợp, tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, xu hướng tách hộ sớm để được công nhận hộ nghèo đang phổ biến ở nhiều địa bàn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

- Công tác quản lý, tổ chức và thực hiện một số chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn còn hạn chế, đặc biệt tại một số địa phương (huyện Tủa Chùa) gây bất bình trong dân

 - Các tệ nạn xã hội còn phức tạp, hiệu quả công tác cai nghiện ma túy thấp, tỷ lệ tái nghiện còn cao (chiếm tới trên 90%).

- Công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh, triển khai các mục tiêu chương trình y tế như Tiêm chủng mở rộng, Chăm sóc sức khỏe bà mẹ-Trẻ em, Dân số-KHHGD còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi cao hơn so với trung bình toàn quốc (toàn quốc là 21,6%o); Năng lực của một bộ phận cán bộ y tế còn hạn chế về quản lý và chuyên môn nghiệp vụ;  Một số bệnh truyền nhiễm như: sốt rét, thương hàn, dại, quai bị, tiêu chảy... vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây dịch tại các khu vực vùng cao, vùng sâu, biên giới.

 (6) Về cải cách hành chính, quốc phòng an ninh

- Hiệu quả công tác cải cách hành chính chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Qua Kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính có 08 đơn vị có chỉ số thấp là: Ban dân tộc; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Ngoại vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; huyện Tủa Chùa; huyện Tuần Giáo; Thành phố Điện Biên Phủ; huyện Điện Biên Đông. Một số đơn vị có Chỉ số cải cách hành chính giảm so với năm trước đó là: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Thành phố Điện Biên Phủ, các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Mường Nhé đã ảnh hưởng đến chỉ số cải cách hành chính của tỉnh. 

- Công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của một số ngành, địa phương chưa kịp thời, chưa quyết liệt. Việc chỉ đạo của một số sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố trong việc thực hiện kế hoạch của tỉnh thiếu quyết liệt, công tác tham mưu thực hiện các báo cáo, đề án trong chương trình công tác của UBND tỉnh triển khai chậm, chất lượng còn hạn chế...

- Chất lượng công tác phối hợp tham mưu, chỉ đạo, xử lý của một số ngành, đơn vị trong việc xây dựng, cụ thể hóa các Chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu. Năng lực tổ chức thực hiện còn hạn chế, có nội dung, nhiệm vụ còn chưa chủ động, chậm thực hiện; Công tác phối hợp giữa cấp huyện với ngành, giữa ngành với ngành chưa chặt chẽ, trách nhiệm chưa cao, đặc biệt trong công tác triển khai thực hiện các dự án đầu tư; dẫn đến việc xử lý, giải quyết một số việc chưa đảm bảo tiến độ.

- Tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn những nhân tố phức tạp, tội phạm về ma túy ngày càng nghiêm trọng và manh động hơn cả về loại hình tội phạm và số lượng tang vật; phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi, tính chất nghiêm trọng, manh động hơn; tình trạng tái trồng cây thuốc phiện còn nhiều diễn biến phức tạp. Trật tự an toàn giao thông tuy có giảm so với cùng kỳ năm trước song vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trên địa bàn đặc biệt trong mùa mưa lũ.

II. Nguyên nhân của các hạn chế, yếu kém

a) Nguyên nhân khách quan:

- Tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến bất lợi, rét đậm rét hại kéo dài, băng giá, mưa tuyết và mưa đá xảy ra nhiều nơi trên địa bàn tỉnh; tình trạng khô hạn kéo dài gây cháy rừng cục bộ tại một số địa phương, gây thiệt hại khá lớn trong hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp[10]; một số sâu, bệnh xuất hiện và gây hại đến sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng[11].

- Luật đất đai năm 2013, Luật Xây dựng năm 2014, Luật Đầu tư công, Luật xử lý vi phạm hành chính đã ban hành nhưng các văn bản hướng dẫn thực hiện chưa được ban hành đồng bộ và kịp thời dẫn đến khó khăn trong việc triển khai thực hiện tại địa phương; Văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan về thủ tục đưa người nghiện đi cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội theo Luật Xử lý vi phạm hành chính còn chậm, chưa đồng bộ, còn mâu thuẫn, chồng chéo dẫn đến việc đưa đối tượng đi cai nghiện kết quả thực hiện đạt rất thấp so với kế hoạch.

- Giá cả một số mặt hàng thiết yếu như điện, nước sạch, xăng dầu không ổn định, đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh.

  - Việc giao kế hoạch đối với một số nguồn vốn của Trung ương chậm (đến thời điểm hết tháng 5/2016 vẫn còn 320 tỷ 211 đồng nguồn vốn TPCP năm 2016 chưa được giao kế hoạch chi tiết; Chương trình MTQG đến ngày 28/4/2016 mới giao chi tiết, vốn các chương trình mục tiêu vốn NSTW giao (đợt 2) giao ngày 12/5/2016; Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao ngày 02/11/2016 (tại Quyết định số 1588/QĐ-BKHĐT); Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững (Nguồn vốn sự nghiệp) tạm giao (đợt 1) ngày 07/10/2016; Giao kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương tình mục tiêu năm 2016 (lần 1) ngày 10/7/2016...Dẫn đến việc triển khai thực hiện chậm và lúng túng.

b) Nguyên nhân chủ quan

- Công tác chỉ đạo điều hành của một số ngành, địa phương chậm đổi mới, chưa sâu sát thực tế, phân công trách nhiệm chưa rõ, thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế; Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các huyện, thị xã, thành phố trong quá trình chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ, xử lý vấn đề phát sinh chưa thật sự chủ động, chặt chẽ và chưa hiệu quả; nội dung tham mưu và nội dung tham gia chưa đảm bảo chất lượng.

- Trình độ, năng lực quản lý của một số chủ Đầu tư, tư vấn còn hạn chế; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng hỗ trợ tái định cư chưa được tập trung chỉ đạo điển hình như: Thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên; công tác kiểm tra, đôn đốc nắm tiến độ để chủ động xử lý, tháo gỡ khó khăn vướng mắc chưa được thường xuyên, kịp thời; công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư với các ngành chức năng trong thẩm định phê duyệt các bước của dự án đầu tư chậm, chưa chặt chẽ, dẫn đến kế hoạch vốn không thực hiện được phải kéo dài năm sau, làm giảm hiệu quả vốn đầu tư của nhà nước.

- Việc tổ chức thực hiện các chính sách của Nhà nước như chính sách hỗ trợ đời sống, hỗ trợ phát triển sản xuất hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội ở một số địa phương còn thiếu chặt chẽ. Chưa xây dựng được phương án cụ thể để hỗ trợ sản xuất cho người dân để đảm bảo hiệu quả nhất.

- Công tác quản lý đất đai thiếu chặt chẽ lỏng lẻo, một bộ phận cán bộ làm công tác GPMB cấp huyện, xã còn cơ hội, máy móc quan liêu dẫn đến phát sinh nhiều vướng mắc trong thực hiện giải phóng mặt bằng ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện, tăng chi phí đầu tư điển hình như: Thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên. Công tác tuyên truyền vận động người dân trong việc triển khai giải phóng mặt bằng của nhiều địa phương còn chưa tốt, chưa kịp thời. Công tác quản lý đất đai nhất là đất rừng còn nhiều bất cập, công tác thu hồi đất, giao đất; công tác giải ngân thanh toán, phân bổ nguồn vốn còn chậm.

Đánh giá chung: Trong bối cảnh kinh tế trong nước đang trên đà phục hồi tích cực, nhưng còn không ít những khó khăn thách thức. Song các cấp, các ngành, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu và đã đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2016 ước đạt 6,83% (vượt kế hoạch đề ra); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng xác định. Một số ngành sản xuất công nghiệp như điện, vật liệu xây dựng, dịch vụ du lịch có chuyển biến tích cực. Các chương trình xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện và cơ bản đạt mục tiêu kế hoạch đề ra; các dự án trọng điểm được chỉ đạo quyết liệt; Đã tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; Các mặt văn hóa xã hội tiếp tục có sự chuyển biến tiến bộ, một số vấn đề xã hội bức xúc được kiềm chế; Quốc phòng an ninh được đảm bảo, trật tự xã an toàn xã hội được giữ vững. Dự ước năm 2016, có 22/36 chỉ tiêu đạt trên 100%  và 12/36 chỉ tiêu không đạt kế hoạch theo mục tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra; 02/36 chỉ tiêu: Tỷ lệ che phủ rừng và Tỷ lệ hộ nghèo không còn phù hợp với tiêu chí đưa ra.

 

Phần thứ hai

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2017, ĐẢM BẢO QUỐC PHÒNG - AN NINH TỈNH ĐIỆN BIÊN

 

I. DỰ BÁO BỐI CẢNH KINH TẾ CÓ TÁC ĐỘNG ẢNH HƯỞNG TỚI PHÁT TRIỂN KT-XH, ĐẢM BẢO QUỐC PHÒNG - AN NINH  CỦA TỈNH

Kinh tế thế giới năm 2017 được nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng cao hơn năm 2016 nhưng phụ thuộc nhiều vào diễn biến của thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường dầu thô, thị trường chứng khoán trên thế giới và những tác động của tình hình bất ổn tại một số khu vực;

Ở trong nước, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát sẽ tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế. Tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, sâu rộng và toàn diện. Tuy nhiên, nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn rất nặng nề. Diễn biến trên Biển Đông có thể sẽ căng thẳng, gay gắt, phức tạp hơn. Các thế lực thù địch tiếp tục chống phá quyết liệt, tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định chính trị - xã hội.

Tình hình kinh tế -xã hội của tỉnh trong năm 2017 tiếp tục được Đảng và Nhà nước quan tâm, việc củng cố các cấp chính quyền sau bầu cử Đại biểu HĐND các cấp được tăng cường, giá cả các mặt hàng thiết yếu có xu hướng ổn định hoặc tăng không đáng kể, là điều kiện thuận lợi để triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Bên cạnh đó những khó khăn thách thức như thời tiết diễn biến phức tạp, tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế thấp, Nguồn lực đầu tư còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa vững chắc, Công nghiệp tăng trưởng chưa ổn định, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng còn hạn chế; tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao; tệ nạn xã hội, buôn bán ma túy, tình trạng di dịch cư tự do là những cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên.

II. MỤC  TIÊU  NHIỆM  VỤ  VÀ  CÁC  CHỈ  TIÊU  CHỦ  YẾU  CỦA  KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, ĐẢM BẢO QUỐC PHÒNG - AN NINH NĂM 2017

1. Mục tiêu tổng quát: Giữ vững tốc độ, nâng cao chất lượng tăng trưởng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; Đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện giảm nghèo bền vững gắn với phát triển sự nghiệp y tế, giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tập trung chỉ đạo triển khai các chương trình đề án cụ thể hóa các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến rõ nét trong hiệu lực bộ máy quản lý nhà nước. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng. Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6,8%; trong đó: giá trị gia tăng khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,67%, giá trị gia tăng khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 8,11%, giá trị gia tăng khu vực dịch vụ tăng 8,23% (so với ước thực hiện năm 2016).

- Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực; phấn đấu cơ cấu GRDP năm 2017: Nông lâm nghiệp, thủy sản 22,26%, giảm 1,51%; Công nghiệp - Xây dựng 25,80%, tăng 0,52%; Dịch vụ 49,72%, tăng 1,24% (so với ước thực hiện năm 2016).

- Tổng sản lượng lương thực phấn đấu đạt 254.761 tấn; Phát triển đàn gia súc: phấn đấu đàn trâu tăng 2,11%, đàn bò tăng 3,81%, đàn lợn tăng 5,59%. Nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 38,89% (tăng thêm 0,22% so với ước thực hiện năm 2016).

- Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ phấn đấu đạt 55 triệu USD, tăng 18,38% so ước thực hiện năm 2016, trong đó: Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ đạt 39 triệu USD tăng 28,04% so với ước thực hiện năm 2016; Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn đạt 16 triệu USD.

- Tổng thu ngân sách trên địa bàn 7.779 tỷ 883 triệu đồng, trong đó thu nội địa 1.052,5 tỷ đồng tăng 4,48% so với ước thực hiện 2016. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2017 khoảng 9.250 tỷ đồng, tăng 9,06% so với ước thực hiện năm 2016. Tổng chi ngân sách trên địa bàn 7.652 tỷ 022 triệu đồng, tăng 4,41% so với ước thực hiện 2016.

- Mức giảm tỷ lệ sinh 0,5%o, tổng dân số năm 2017 là 566,917 nghìn người; Giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng (thể cân nặng/tuổi) xuống còn 17,6%; giảm tỷ suất chết của trẻ dưới 5 tuổi xuống còn 32%o.

- Duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; phổ cập giáo dục THCS mức độ 1; chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; phấn đấu 59/130 xã đạt chuẩn phổ cập GDTH mức độ 3; 10/130 xã đạt chuẩn phổ cập GDTHCS mức độ 3; 54/130 xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Huy động 34% số trẻ 0-2 tuổi đến nhà trẻ; 96,8% số trẻ 3-5 tuổi học mẫu giáo; 99,3% số trẻ 5 tuổi đến lớp mẫu giáo, tăng lần lượt là 9,0%, 0,6% và 0,1%; huy động trẻ 6-10 tuổi đi học tiểu học đạt 99,4%, tăng 0,1%; 11-14 tuổi học THCS đạt 94,2%, tăng 0,3%; 15-18 tuổi học THPT và tương đương đạt 57,5%, tăng 1,2% so với năm học 2015-2016. Phấn đấu 85/130 xã, phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em (trong đó 8 xã được công nhận mới).

- Giảm tổng số hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 52.066 hộ, tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 41,64%, giảm 3,3% so với ước thực hiện năm 2016 (trong đó riêng các huyện nghèo, hộ nghèo giảm xuống còn 30.716 hộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,12% so với ước thực hiện năm 2016); đào tạo nghề cho 8.000 lao động (bằng mức thực hiện 2016); tạo việc làm mới cho 8.550 lao động. Tổ chức cai nghiện cho 1.100 lượt người nghiện ma tuý (giảm 245 lượt so với ước thực hiện 2016 do khó khăn về kinh phí cho công tác cai nghiện); Phấn đấu có 49 xã, phường lành mạnh, không có tệ nạn mại dâm, ma túy (tăng 02 xã so với thực hiện 2016).

- 130/130 xã, phường có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó 120/130 xã đi lại được quanh năm; 130/130 xã, phường có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã, 89% số hộ được dùng điện, tăng 2,4% so với ước thực hiện năm 2016.

- 98,9% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch và 76,8% dân cư nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

- Phấn đấu đến hết năm 2017 có thêm 07 xã cơ bản đạt chuẩn NTM, tỷ lệ bình quân đạt 6,73 tiêu chí/xã, nâng số xã đạt NTM lên 15 xã.

III. NHIỆM VỤ, ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH VÀ LĨNH VỰC

1. Phát triển kinh tế

1.1. Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn: Tập trung triển khai thực hiện các nội dung tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh giai đoạn đến năm 2020 cụ thể như sau:

- Về sản xuất nông nghiệp:

+ Sản xuất lương thực: Mở rộng diện tích lúa ruộng, giảm dần diện tích lúa nương; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, tăng sản lượng lương thực; đảm bảo an ninh lương thực tại các vùng khó khăn; nâng cao sản lượng lương thực hàng hóa chất lượng cao tại các vùng trọng điểm. Đảm bảo diện tích gieo trồng cây lương thực đạt 79.856 ha. Tổng sản lượng lương thực phấn đấu đạt 254.761 tấn, trong đó, riêng sản lượng lúa đạt 175.928 tấn.

+ Phát triển cây công nghiệp: Khuyến khích phát triển cây công nghiệp ngắn ngày để khai thác khả năng canh tác trên đất l vụ lúa. Tập trung chăm sóc, bảo vệ diện tích cây công nghiệp dài ngày hiện có, mục tiêu năm 2017: về cây chè chăm sóc, thâm canh ổn định 627 ha (trồng mới 20 ha), sản lượng chè búp tươi đạt 100 tấn; Cà phê thâm canh ổn định 4.181,8 ha (trồng mới 130 ha), sản lượng cà phê nhân 6.731 tấn; Tăng cường các biện pháp chăm sóc, bảo vệ đối với diện tích cây cao su đã trồng 5.172,6 ha tập trung tại địa bàn các huyện Điện Biên, Mường Chà, Tuần Giáo, Mường Nhé; Phối hợp với Công ty cao su tiếp tục đánh giá hiệu quả của cây cao su và có kế hoạch triển khai thu hoạch những diện tích cao su đã đủ điều kiện khai thác, xúc tiến xây dựng nhà máy chế biến cao su tại Tỉnh. Tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm thêm một số loại cây công nghiệp, cây lương thực có giá trị kinh tế và phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh như cây mắc ca, cây quinoa (diêm mạch)...

+ Chăn nuôi gia súc: Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, mở rộng chăn nuôi gia cầm theo quy mô hộ gia đình nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh; duy trì sản lượng trâu bò hàng hóa góp phần cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững cho nhân dân. Phấn đấu đàn trâu tăng 2,11%, đàn bò tăng 3,81%, đàn lợn tăng 5,59%. Sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 21,18 nghìn tấn, tăng 9,5 % so với năm 2016. Tiếp tục khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, hình thành các trang trại quy mô lớn theo hướng công nghiệp.

- Về lâm nghiệp: Đẩy mạnh thực hiện kế hoạch bảo vệ phát triển rừng của tỉnh giai đoạn 2016-2020; tập trung thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng phòng hộ, nhất là vùng đầu nguồn các công trình cấp nước sinh hoạt tại các khu đô thị, các công trình thủy lợi, thủy điện trọng điểm. Tập trung tháo gỡ vướng mắc trong giao đất lâm nghiệp thực hiện các chính sách hỗ trợ, tuyên truyền vận động, hướng dẫn nhân dân liên kết với các doanh nghiệp  trồng rừng sản xuất; tái tạo trồng rừng thay thế từ nguồn vốn quỹ bảo vệ phát triển rừng. Tăng cường quản lý khai thác, vận chuyển lâm sản, phòng chống cháy rừng. Thực hiện khoán bảo vệ rừng 286.889 ha; khoanh nuôi tái sinh 26.150,7 ha; trồng rừng tập trung 2.292,2 ha; trồng 1 triệu cây phân tán.

- Về phát triển nông thôn: Xây dựng phương án triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới tỉnh Điện Biên, nhằm phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh giai đoạn 2016-2020” và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh, trên cơ sở lồng ghép, phát huy tối đa nguồn lực của địa phương và của các chương trình dự án khác thực hiện trên địa bàn; ưu tiên triển khai thực hiện trước các công trình hạ tầng thiết yếu như: Giao thông, điện, thủy lợi, giáo dục, y tế, nước sạch... các tiêu chí thiết yếu có số người hưởng lợi cao, các tiêu chí cần nguồn lực ít, phù hợp với khả năng cân đối của nguồn vốn ngân sách hỗ trợ. Phấn đấu đến hết năm 2017 nâng số xã hoàn thành cơ bản mục tiêu xây dựng nông thôn mới lên 15 xã[12] tỷ lệ bình quân đạt 6,73 tiêu chí/xã.

1.2. Công nghiệp, xây dựng

Tiếp tục thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp để tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Thúc đẩy phát triển sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến nông lâm sản, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thủy điện. Khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất công nghiệp đổi mới dây chuyền công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Chú trọng hỗ trợ khôi phục, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống có ưu thế.

- Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2017 (theo giá so sánh 2010) đạt 2.816 tỷ đồng, tăng 25,98% so với ước thực hiện năm 2016, trong đó: Công nghiệp khai thác tăng 0,03%; Công nghiệp chế biến tăng 30,69%; Công nghiệp và phân phối điện, khí đốt tăng 9,84%; Cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 1,16% so với ước thực hiện năm 2016.

Các sản phẩm chủ yếu: Điện sản xuất 490 triệu Kwh, tăng 53,13%; gạch xây 92 triệu viên, tăng 15,52%; Trang in offset 1.900 triệu trang; đá xây dựng 700 nghìn m3, tăng 0,6%;

- Xây dựng: Tăng cường công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng các đô thị, rà soát các công trình đô thị. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, định mức khai thác, giá cả vật liệu tại các địa bàn đảm bảo nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch trong thị trưởng sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng.

1.3. Phát triển các ngành dịch vụ

a) Dịch vụ thương mại:

Khuyến khích đầu tư và hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng thương mại tại các khu đô thị; tạo điều kiện để phát triển mở rộng mạng lưới kinh doanh thương mại theo quy mô hộ kinh doanh cá thể để tạo điều kiện phát triển sản xuất và lưu thông hàng hóa; tăng cường hoạt động quản lý thị trường của cơ quan chức năng để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, trung gian thương mại và người tiêu dùng. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tăng trưởng thị trường hàng hóa bán lẻ và dịch vụ thương mại. Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 9.780 tỷ đồng, tăng 21,53% so với năm 2016.

b) Phát triển dịch vụ du lịch

- Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và phát triển các sản phẩm có chất lượng, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các tỉnh trong khu vực; Thu hút nguồn lực đầu tư triển khai thực hiện các dự án thuộc Quy hoạch tổng thể Khu du lịch Quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang; hướng tới mục tiêu đưa Điện Biên trở thành trung tâm du lịch quan trọng của cả nước, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

- Phấn đấu thu hút trên 560 nghìn lượt khách du lịch đến Điện Biên. Trong đó: Khách Quốc tế: đạt 98 nghìn lượt trở lên (tăng 18 nghìn lượt so với năm 2016);  Khách nội địa: đạt 462 nghìn lượt trở lên (tăng 65 nghìn lượt so với năm 2016); Doanh thu xã hội từ du lịch đạt trên 890 tỷ đồng (tăng 17,1% so với năm 2016). Ngày lưu trú bình quân khách nội địa và quốc tế đạt 2,4 ngày trở lên (năm 2016 là 2,3 ngày).

c) Vận tải, bưu chính viễn thông

Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, hỗ trợ đầu tư hạ tầng để phát triển mở rộng, nâng cao chất lượng thị trường dịch vụ vận tải và bưu chính viễn thông đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội; đa dạng hóa loại hình, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải. Đẩy mạnh tốc độ phổ cập dịch vụ bưu chính, viễn thông và CNTT tới vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của xã hội.

d) Xuất, nhập khẩu

Tăng cường phối hợp với các tỉnh Bắc Lào để cùng khai thác có hiệu quả các cửa khẩu trên địa bàn phục vụ mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu và dịch vụ xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn. Tiếp tục cập nhật thông tin thị trường, điều chỉnh định hướng sản xuất hàng hóa xuất khẩu chủ lực phù hợp để nâng cao tỷ trọng hàng địa phương xuất khẩu trong kim ngạch xuất khẩu; năm 2017 phấn đấu tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 55 triệu USD, trong đó: Xuất khẩu 39 triệu USD (xuất khẩu hàng địa phương 18 triệu USD), nhập khẩu 16 triệu USD (nhập khẩu doanh nghiệp địa phương 7 triệu USD).

1.4. Phát triển các thành phần kinh tế

a) Thu hút đầu tư: Phấn đấu năm 2017, số lượng các dự án kêu gọi đầu tư đạt 15 dự án, với tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng, trong đó có ít nhất 01 dự án FDI.

- Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh Điện Biện tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tiến hành biên soạn lại và phát hành ấn phẩm Điện Biên tiềm năng và cơ hội đầu tư; Tổ chức gặp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn; phối hợp với VCCI và Trung tâm XTĐT phía Bắc, tổ chức 2 đợt tập huấn về kỹ năng XTĐT và quản trị doanh nghiệp cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Cập nhật bổ sung nội dung Đề án "Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)" cho phù hợp với tình hình thực tế.

- Tiếp tục chỉ đạo các ngành tiến hành rà soát, tổ chức kiểm tra các dự án đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và phê duyệt chủ trương đầu tư. Kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

b) Đăng ký kinh doanh, sắp xếp doanh nghiệp

Trên cơ sở thực hiện nghiêm túc Luật Doanh Nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Hợp tác xã và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển. Phấn đấu số lượng đăng ký mới năm 2017 là 100 doanh nghiệp và 20 hợp tác xã, với tổng số vốn đăng ký 526 tỷ đồng.

Tích cực thực hiện Phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và lộ trình thoái vốn nhà nước đối với những doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, tiếp tục xây dựng lộ trình thoái vốn đối với những doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

1.5. Tài chính, tiền tệ

Thực hiện điều hành dự toán thu chi ngân sách năm 2017 linh hoạt theo đúng chỉ đạo của Chính phủ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. Tăng cường quản lý thu ngân sách trên địa bàn, tích cực đôn đốc xử lý nợ đọng thuế trong các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Phấn đấu tổng thu ngân sách địa phương năm 2017 đạt 7.779 tỷ 883 triệu đồng, trong đó thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.052,5 tỷ đồng (thu nội địa 1.037 tỷ đồng).

Tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi tiêu hành chính theo hướng mở rộng khoán chi đối với các cơ quan đơn vị gắn với kiểm tra, giám sát đảm bảo đúng quy định của luật ngân sách, đảm bảo các khoản dự phòng chi cho các yêu cầu nhiệm vụ chi cấp bách, đột suất phát sinh trên địa bàn. Dự kiến tổng chi ngân sách đạt 7.652,022 tỷ đồng.

Tăng cường huy động vốn tại địa phương, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho các hoạt động phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Nâng dư nợ tín dụng để tháo gỡ khó khăn về vốn cho các đơn vị sản xuất kinh doanh đi đôi với kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, tập trung xử lý nợ xấu. Tiếp tục điều chỉnh cơ cấu dự nợ theo hướng tăng cường tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện kịp thời các chính sách tín dụng ưu đãi cho các đối tượng đúng quy định của Chính phủ và Ngân hàng trung ương. Phấn đấu huy động vốn tại địa phương tăng trên 10% trở lên, tổng dư nợ tín dụng tăng tối thiểu 12% trở lên so với năm 2016, khống chế tỷ lệ nợ xấu dưới 3% tổng dư nợ.

2. Trong lĩnh vực văn hoá - xã hội

2.1. Đào tạo lao động, giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo

Đào tạo lao động: Tiếp tục thực hiện kế hoạch đào tạo nghề theo Đề án 1956, nâng cao chất lượng, tập trung vào những ngành nghề trọng điểm, chiếm ưu thế của địa phương, như trồng và chăm sóc cây cao su, cây cà phê, cây chè, dịch vụ du lịch.....chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất lao động, sản lượng và thu nhập. Mục tiêu: Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2017 ở mức 49,7%; đào tạo nghề cho 8.000 lao động (tăng 1,3% so với thực hiện năm 2016).

Giải quyết việc làm cho người lao động: Nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ việc làm cho người lao động thông qua các Dự án cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm và tư vấn giới thiệu việc làm; Đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động; tiếp tục đẩy mạnh liên kết mở rộng thị trường lao động trong nước nhằm tăng chỉ tiêu đưa người lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, khu Chế xuất.

Xóa đói giảm nghèo: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền từ đó tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện, thúc đẩy ý chí vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; Mục tiêu: Phân đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 còn 41,64%; không có hộ tái nghèo trong năm 2017.

Chính sách an sinh xã hội: Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, cứu trợ kịp thời các đối tượng xã hội bị thiên tai, lũ lụt, mất mùa. Đẩy mạnh phong trào xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa; công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; phong trào xây dựng Quỹ bảo trợ trẻ em; tiếp tục quan tâm chăm sóc, giúp đỡ

2.2. Giáo dục - Đào tạo

a) Giáo dục

- Tiếp tục phát triển mạng lưới trường học các cấp, nhất là vùng đặc biệt khó khăn. Tăng cường huy động dân số trong độ tuổi ra lớp; chú trọng huy động số trẻ em thiệt thòi đang ở ngoài nhà trường, mở các lớp phổ cập cho trẻ trong độ tuổi chưa đi học hoặc bỏ học giữa chừng. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo. Phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo về chất lượng. Duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; phổ cập giáo dục THCS mức độ 1; chuẩn xóa mù chữ mức độ 1. Tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

- Chỉ tiêu: Nâng tổng số trẻ đi học mầm non lên 55.470 cháu, tăng 7,4%, trong đó mẫu giáo lên 44.320 cháu, bằng 103% so với ước thực hiện năm học 2016-2017; huy động 66.420 học sinh tiểu học, 43.592 học sinh THCS, 16.460 học sinh THPT, 1.125 học viên trung tâm GDTX có mặt đầu năm học 2017-2018. Phấn đấu có 57,4% tổng số trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia (tăng 3,4% so với năm 2016), trong đó: trường mầm non đạt 53,4%, trường tiểu học đạt 59,3%, trường THCS 61,1% và trường THPT đạt 54,6%.

b) Định hướng đào tạo

Tập trung đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng và kỷ luật lao động; chú trọng đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật là người dân tộc thiểu số; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có trình độ, năng lực phẩm chất tốt, tinh thông nghiệp vụ, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công chức cấp xã, cán bộ dự nguồn cấp xã. Tiếp tục phối hợp liên kết với các trường đại học, học viện đào tạo trình độ đại học, sau đại học các chuyên ngành. Đồng thời mở rộng giao lưu, hợp tác đào tạo quốc tế với các tỉnh Bắc Lào, Bắc Thái Lan và tỉnh Vân Nam Trung Quốc.

Thực hiện tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng 11.180 học sinh, sinh viên thuộc các hệ đào tạo tại các trường cao đẳng, trung tâm dạy nghề trong toàn tỉnh, giảm 202 chỉ tiêu so với ước thực hiện 2016 do giảm quy mô tuyển sinh tại các trường Cao đẳng Kinh tế và Cao đẳng Y tế.

2.3. Dân số - Y tế - Trẻ em - Xã hội

Dân số: Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các hoạt động truyền thông với nội dung, hình thức, cách tiếp cận phù hợp với từng nhóm đối tượng; Mở rộng và nâng cao chất lượng giáo dục về dân số - sức khỏe sinh sản, phòng ngừa nhiễm HIV, bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh và sức khỏe tình dục. Kiện toàn và nâng cao chất lượng dịch vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản giảm nhanh tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em. Phấn đấu mức giảm tỷ lệ sinh năm 2017 là 0,5%o.

Y tế: Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, tăng cường giám sát dịch tễ, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh, không để dịch lớn xảy ra. Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu Y tế - Dân số. Chú trọng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và đảm bảo chế độ chính sách cho khám chữa bệnh BHYT, người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi. Đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho khám chữa bệnh; quản lý chặt chẽ giá thuốc và hành nghề dược trên địa bàn tỉnh. Tăng cường hoạt động quản lý, kiểm tra đảm bảo an toàn về sinh thực phẩm.

Bảo vệ trẻ em: Tiếp tục thực hiện các Chương trình bảo vệ trẻ em, Chương trình hành động vì trẻ em đến năm 2020 đã được phê duyệt; công tác xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; thực hiện lồng ghép; đảm bảo thực hiện đầy đủ các quyền trẻ em theo qui định của pháp luật.

Cai nghiện: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về tác hại của ma tuý và các hình thức cai nghiện, tổ chức điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; Tăng cường công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng; nâng cao hiệu quả giải quyết một số vấn đề xã hội sau cai nghiện ma tuý; đẩy mạnh công tác xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội.

2.4. Khoa học, công nghệ, tài nguyên môi trường

Khoa học, công nghệ: Thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, chế biến và bảo quản các sản phẩm nông lâm nghiệp, thủy sản có thế mạnh của tỉnh theo hướng sản xuất hàng hoá, trọng tâm vào các lĩnh vực: Công nghệ sản xuất giống; khảo nghiệm, lựa chọn và tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; nghiên cứu thử nghiệm một số giống cây trồng mới; phục tráng, bảo tồn, phát triển các giống bản địa có chất lượng tốt; các biện pháp kỹ thuật canh tác, chăn nuôi an toàn sinh học; công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, bảo quản hàng hóa nông sản. Thực hiện tốt công tác đo lường chất lượng được đẩy mạnh, công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng hàng hóa, đảm bảo lợi ích của nhà sản xuất và người tiêu dùng.

 Tài nguyên và Môi trường: Cụ thể hóa và xây dựng các cơ chế chính sách hợp lý về đất đai, khoáng sản tài nguyên nước, môi trường, nhất là các chính sách về bồi thường hỗ trợ tái định cư phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; thực hiện tốt công tác giao đất cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; tăng cường phối hợp giữa các ngành trong việc quản lý, cấp phép khoáng sản, kiểm tra và thu hồi những giấy phép không tuân thủ các thủ tục quy định. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, điều tra thông kê đánh giá tình hình ô nhiễm, công tác thu gom xử lý chất thải.

2.5. Văn hoá, thể thao và phát thanh truyền hình

Tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả phong trào “Toàn dân Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Trú trọng phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cấp cơ sở, phấn đấu 57 xã, phường có nhà văn hoá, thư viện (tăng 7 xã so với ước thực hiện năm 2016); nâng tỷ lệ gia đình, thôn, bản, tổ dân phố; tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa lần lượt lên đạt 62,1%, 55,3% và 94,1% (tăng lần lượt 3,3% và 5,6% so với ước TH năm 2016); tỷ lệ phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị là 50%. Phấn đấu giảm tình trạng bạo lực gia đình so với năm 2016[13]. Tuyên truyền, khuyến khích nhân dân tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, khôi phục các lễ hội truyền thống, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Quản lý tốt và phát huy giá trị các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, chú trọng việc nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ du khách.

Thể thao: Tiếp tục duy trì và phát triển mạnh phong trào TDTT quần chúng, nâng cao sức khỏe, thể chất cho người dân, thu hút số người dân tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 26,4% (tăng 1,1% so với năm 2016); tỷ lệ gia đình được công nhận gia đình thể thao đạt 16,2% (tăng 0,6% so với năm 2016);

Từng bước hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng nhằm thu hút các nguồn lực để phát triển hạ tầng kỹ thuật phát thanh; tăng thời lượng phát sóng chương trình của Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh và tăng thời lượng chương trình tự sản xuất, tiến tới xóa “xã trắng” về đài truyền thanh. Từng bước số hóa chương trình truyền hình và phát sóng qua mạng truyền dẫn phát sóng số mặt đất, phát sóng qua mạng internet. Thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền góp phần triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng đa dạng và phong phú của nhân dân.

3. Công tác tư pháp, xây dựng chính quyền, thanh tra, phòng chống tham nhũng

Tăng cường chất lượng hiệu quả công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của tỉnh; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi của văn bản. Triển khai toàn diện, đồng bộ Luật Hộ tịch, Quốc tịch, Lý lịch tư pháp, Công chứng, Chứng thực; quản lý hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giám định tư pháp; bảo đảm minh bạch và an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự; hỗ trợ công dân tiếp cận dịch vụ pháp lý để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp; đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

Tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện các hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; Rà soát, công bố kịp thời các thủ tục hành chính mới hoặc đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế và bảo đảm sự thống nhất trong áp dụng TTHC.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng củng cố chính quyền trong sạch, vững mạnh; công tác dân vận của cơ quan nhà nước nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện pháp luật dân chủ ở cơ sở đối với tất cả loại hình cơ sở. Đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các nội dung như thể chế, sắp xếp tổ chức bộ máy cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, đào tạo cán bộ. Xây dựng triển khai Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước năm 2017;... Triển khai quyết định 897/QĐ-TTg ngày 25/5/2016 của TTCP về ban hành tiêu chí, quy trình thủ tục công nhận xã an toàn khu, vùng an toàn khu. Thực hiện tốt quy trình đánh giá tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch, đào tạo và các chính sách liên quan đến công tác cán bộ theo đúng quy định nhà nước.

Tăng cường thanh tra trong công tác quản lý, thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý các vụ việc phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân ngay từ cơ sở; chú trọng công tác kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết đơn thư của công dân theo thẩm quyền; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân và trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức và đơn vị trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng chống tham nhũng.

4. Quốc phòng - an ninh, đối ngoại

Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tăng cường năng lực phòng thủ, theo sát diễn biến tình hình trên Biển Đông và khu vực biên giới, chủ động đối phó với các tình huống, diễn biến, không để xẩy ra các tình huống bất ngờ; đẩy mạnh xây dựng củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh biên giới; Tổ chức diễn tập KVPT tỉnh năm 2017 một bên 3 cấp theo chỉ đạo của quân khu II; chỉ đạo các huyện (thị xã, thành phố) tổ chức diễn tập chiến đấu phòng thủ cho 20% tổng số xã, phường thị trấn; các huyện biên giới 01 Cụm tác chiến Biên phòng.

Chú trọng kết hợp củng cố quốc phòng - an ninh với phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, bảo đảm các điều kiện cơ bản về sản xuất, đời sống cho đồng bào các dân tộc ở các địa bàn trọng điểm, vùng biên giới. Cơ bản hoàn thành công tác sắp xếp ổn định dân cư Đề án phát triển kinh tế - xã hội gắn với sắp xếp, ổn định dân cư đảm bảo an ninh - quốc phòng huyện Mường Nhé; lồng nghép kế hoạch triển khai Đề án “xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới tỉnh Điện Biên, nhằm phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh giai đoạn 2016 -2020”, với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đẻ tổ chức thực hiện

Thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Đề án quốc gia về phòng chống tội phạm; chủ động phòng ngừa, đấu tranh kiềm chế, làm giảm các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma tuý và tội phạm nghiêm trọng. Làm tốt công tác quản lý trật tự xã hội, quản lý vũ khí, chất nổ, phòng cháy chữa cháy, kiềm chế tệ nạn xã hội, đảm bảo an toàn, giảm tai nạn giao thông đường bộ.

Đẩy mạnh quan hệ hữu nghị hợp tác quốc tế theo chủ trương chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; Tiếp tục cụ thể hóa triển khai thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của tỉnh về Hội nhập Quốc tế; Tăng cường hợp tác kinh tế đối ngoại theo hướng khả thi, cụ thể, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện có hiệu quả nội dung biên bản ghi nhớ giữa tỉnh Điện Biên với tỉnh Phong Sa Lỳ, Luông Pha Băng, U Đom Xay. Tiếp tục triển khai có hiệu quả nội dung Biên bản ghi nhớ với tỉnh Nan;  ký kết Biên bản nghi nhớ về qua hệ hữu ghị và hợp tác với tỉnh Chiềng Rai- Vương quốc Thái Lan. Duy trì  quan hệ hữu nghị  truyền thống và hợp tác xúc tiến với các địa phương của tỉnh Vân Nam - Trung Quốc.

 Tăng cường quan hệ với các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế,  các tổ chức phi chính phủ, nhằm tạo những cơ hội mới trong vận động thu hút vốn đầu tư phát triển phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh.

5. Đầu tư các chương trình dự án trọng điểm.

a) Dự án Tái định cư thủy điện Sơn La: UBND các huyện, thị xã, thành phố, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ địa chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức trong vùng tái định cư. Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ thủ tục thanh, quyết toán dự án hoàn thành dứt điểm trong 6 tháng đầu năm 2017. Triển khai thực hiện các dự án thuộc Đề án ổn định dân cư phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào tái định cư thủy điện Sơn La sau khi được Chính phủ phê duyệt.

b) Dự dự án Hạ tầng kỹ thuật khung khu trụ sở cơ quan, khu công cộng, khu thương mại dịch vụ dọc trục đường 60m: Tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB hỗ trợ tái định cư, đảm bảo thi công dự án theo tiến độ đã phê duyệt. quản lý chặt chẽ quỹ đất tạo ra từ dự án theo quy hoạch chi tiết được duyệt

c) Đề án phát triển kinh tế - xã hội, sắp xếp ổn định dân cư huyện Mường Nhé:

- Đầu tư hạ tầng: Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án cơ sở hạ tầng đã được phê duyệt quyết định đầu tư, nhất là các dự án tại các điểm bản thành lập mới làm cơ sở cho việc bố trí, sắp xếp ổn định dân cư. Xây dựng, phê duyệt các phương án sắp xếp, ổn định dân cư ở các điểm bản thành lập mới chưa triển khai (3 phương án) và các điểm bảm bổ sung theo Đề án điều chỉnh khi được phê duyệt (02 phương án).

- Sắp xếp ổn định dân cư: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Phấn đấu hết năm 2017, thực hiện di chuyển và bố trí đất ở, đất sản xuất cho 75% số hộ dân thuộc đối tượng di chuyển, sắp xếp ổn định đến các điểm bản thành lập mới. Hoàn thành việc sắp xếp, ổn định dân cư ở các điểm sắp xếp ổn tại chỗ và xen ghép. Triển khai đồng bộ, đồng loạt các chính sách hỗ trợ để kiến thiết, từng bước ổn định đời sống, sản xuất ở các điểm bản di chuyển thành lập bản mới; ổn định đời sống, thúc đẩy phát triển sản xuất ở các điểm bản xen ghép và ổn định tại chỗ.

d) Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới

- Tiếp tục tăng cường tổ chức các hoạt động phổ biến, quán triệt tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các thông tin về nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới;

- Chú trọng triển khai thực hiện, giải ngân nguồn vốn NTM năm 2017. Huy động tối đa nguồn lực của tỉnh, huyện, xã, các nguồn lồng ghép để tập trung hỗ trợ cho 07 xã dự kiến hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2017.

- Tiếp tục hoàn tất các thủ tục theo yêu cầu của các bộ ngành trung ương để triển khai thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới tỉnh Điện Biên.

e) Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững:

- Ưu tiên bố trí vốn cho thực hiện mục tiêu Hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm tăng thu nhập nhằm tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần cải thiện đời sống của nhân dân.

- Đầu tư cơ sở hạ tầng: Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng theo đúng tiến độ dự án được duyệt; khẩn trương hoàn tất thủ tục đầu tư đảm bảo đủ điều kiện bố trí vốn cho dự án khởi công mới năm 2017 theo đúng quy định của hiện hành.

- Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cấp chính quyền và giám sát của người dân đối với việc thực hiện các chính sách và nguồn lực đầu tư từ NSNN cho chương trình.

e) Chương trình phát triển đô thị vay vốn WB: Hoàn tất các thủ tục thanh quyết toán dứt điểm dự án đảm bảo theo yêu cầu của Nhà tài trợ. Tiếp tục thực hiện thi công các dự án thành phần thuộc giai đoạn 2.

f) Tập trung chỉ đạo khẩn trương triển khai thực hiện: Dự án cải tạo, nâng cấp đường Võ Nguyên Giáp theo đúng chương trình, phương án thiết kế kiến trúc cảnh quan được duyệt và tiếp tục làm thủ tục báo cáo Bộ ngành, trung ương bố trí vốn bổ sung thực hiện giai đoạn II của dự án; Hoàn thiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử quốc gia đặc biệt chiến thắng Điện Biên Phủ, gắn với phát triển du lịch đến năm 2025 báo cáo trung ương và triển khai thực hiện khi được chấp thuận.

IV. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, ĐẢM BẢO QUỐC PHÒNG AN NINH

1. Thúc đẩy phát triển kinh tế ổn định, bền vững

1.1. Về phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn

- Tăng cường phối hợp giữa các đơn vị liên quan chủ động đề xuất, khai thác các nguồn vốn để xây dựng kênh mương nội đồng, hỗ trợ khai hoang để khai thác có hiệu quả các công trình thủy lợi được đầu tư bảo đảm phát huy hiệu quả công trình đầu tư phục vụ cho cộng đồng dân cư. Triển khai thực hiện có hiệu quả xây dựng cánh đồng mẫu lớn lúa gạo ở huyện Điện Biên, nghiên cứu thử nghiệm một số cây trồng mới có giá trị cao.

- Chủ động trong công tác chỉ đạo và điều hành sản xuất, phòng chống dịch bệnh, giảm nhẹ hậu quả thiên tai. Tăng cường khuyến nông, khuyến lâm, khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi vào sản xuất, kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm trong chăn nuôi.

- Đẩy mạnh sự tham gia của các cấp các ngành trong việc vận động nhân dân hợp tác, góp đất cùng với các doanh nghiệp thực hiện các dự án trồng cây công nghiệp, trồng rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, góp phần từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp trên địa bàn tỉnh

- Thực hiện công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình đầu tư cho nông thôn, nông nghiệp.

1.2. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

- Triển khai lập quy hoạch chi tiết khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kêu gọi thu hút dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh;

- Tiếp tục thực hiện chính sách khuyến công hỗ trợ các cơ sở tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Xây dựng chính sách đặc thù cho phát triển tiểu thủ công nghiệp của tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ có cơ chế hỗ trợ trong thời gian tới.

- Đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng đang đầu tư đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng xây dựng và an toàn môi trường trong thi công; khởi công một số dự án đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tiếp tục thu hút đầu tư thực hiện các dự án khai thác khoáng sản mà tỉnh có lợi thế.

- Tháo gỡ khó khăn về vùng nguyên liệu cho nhà máy sản xuất gỗ ở các huyện Tuần Giáo, Điện Biên để các nhà máy đi vào hoạt động sản xuất thường xuyên, tạo việc làm ổn định cho người dân trên địa bàn vùng dự án.

- Mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp có thị trường tiêu thụ và phát triển các sản phẩm mới để phục vụ nhu cầu của thị trường.

- Về phát triển công nghiệp điện:

+ Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án thủy điện đã khởi công xây dựng. Hoàn thiện các thủ tục đầu tư để khởi công xây dựng các thủy điện đã cho chủ trương khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư; rà soát tiến độ triển khai thực hiện các dự án thủy điện đã được cấp giấy phép đầu tư; thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận lợi đảm bảo các quy định pháp luật hiện hành; Giải quyết công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng bị ảnh hưởng và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư vào các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh.

+ Triển khai thi công xây dựng Dự án “Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Điện Biên giai đoạn 2014 - 2020”; Mở rộng và cải tạo lưới điện nông thôn vùng sâu vùng xa tỉnh Điện Biên (Dự án ADB giai đoạn II + III) và các dự án cấp điện khác thuộc các chương trình như 135, 30a ...

1.3. Phát triển các ngành dịch vụ

- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hệ thống phân phối bán lẻ tới các khu vực vùng sâu, vùng xa. Thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, đảm bảo cung cấp các mặt hàng thiết yếu và thu mua nông sản hàng hóa cho nhân dân, nhằm tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, thúc đẩy sản xuất phát triển.

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tăng cường thực hiện các quy định về giao dịch thương mại theo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, không niêm yết giá và bán không theo giá niêm yết, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa và VSATTP, các mặt hàng thiết yếu.

- Triển khai hướng dẫn các cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu và lộ trình cắt giảm thuế quan tới các thương nhân trên địa bàn tỉnh và tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp các thương nhân ký kết và thực hiện các hợp đồng xuất nhập; Thực hiện Đề án thành lập Ban quản lý cửa khẩu theo quy định sau khi đã được phê duyệt.

2. Đảm bảo an sinh xã hội gắn với giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân

2.1. Giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo

- Tiếp tục nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm thông qua các Dự án cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm. Thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ lao động mất việc làm; nâng cao chất lượng việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động.

- Tăng cường lồng ghép các chương trình, dự án và chính sách đối với hộ nghèo, người nghèo để tập trung huy động các nguồn lực cho công tác XĐGN, ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất và đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, các xã biên giới cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu, yếu kém; chấn chỉnh khắc phục những tồn tại trong thực hiện chính sách hỗ trợ xóa đói giảm nghèo.

- Về giải pháp giải quyết việc làm: Đẩy mạnh triển khai chương trình phối hợp giữa Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh với các đơn vị, doanh nghiệp, tiếp tục tổ chức tốt “Ngày hội việc làm” để giới thiệu thông tin về thị trường lao động tới người lao động chưa có việc làm có cơ hội được lựa chọn những môi trường làm việc và công việc phù hợp khả năng, ngành nghề đào tạo.

- Về giải pháp đào tạo nghề: Tiếp tục rà soát, đánh giá đúng thực trạng lao động, nhu cầu đào tạo nghề để điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu đào tạo nghề theo Quyết định 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 (sửa đổi bổ sung Quyết định 1956/TTg); Đẩy mạnh sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn dạy nghề phi nông nghiệp, dạy nghề tái định cư.

- Về giảm nghèo: Thực hiện tốt công tác tổng rà soát hộ nghèo theo tiêu chí mới giai đoạn 2016-2020, trong đó tập trung đánh giá đúng thực trạng nghèo, nguyên nhân dẫn đến nghèo, đề ra giải pháp giảm nghèo phù hợp với địa phương.

- Xây dựng chương trình hành động thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo từ chính quyền cấp tỉnh đến cơ sở gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền mỗi địa bàn với kết quả tổ chức triển khai thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo. Tăng cường tuyên truyền vận động để nâng cao quyết tâm thoát nghèo của người dân; đánh giá kết quả công tác giảm nghèo một cách thực chất, công khai từ đó có những chính sách, giải pháp thực hiện hiệu quả trong giai đoạn tới.

- Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ các gia đình chính sách, người dân vùng khó khăn, vùng bị thiên tai, đồng bào dân tộc thiểu số; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất và đời sống cho người nghèo để góp phần ổn định đời sống xã hội.

2.2. Giải quyết các vấn đề xã hội

- Tăng cường năng lực của chính quyền cơ sở và các ngành chức năng trong đấu tranh, khống chế làm giảm tệ nạn ma túy, mại dâm. Gắn các hoạt động của các tổ chức đoàn thể và chính quyền cơ sở với tham gia đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội và phòng chống HIV-AIDS ngay tại địa bàn. Phối hợp với MTTQ và các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến Luật hôn nhân và gia đình và Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2025 tới thanh niên, vị thành niên (nam, nữ) là người dân tộc thiểu số chưa kết hôn, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Phụ huynh học sinh (cha mẹ), người giám hộ của nam, nữ thanh niên trong độ tuổi vị thành niên để ngăn chặn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng dân tộc thiểu số

- Mở rộng mô hình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone trên cơ sở huy động sự tham gia đóng góp của xã hội, cộng đồng. Quản lý chặt chẽ sau cai nghiện gắn với trách nhiệm của gia đình và chính quyền cơ sở, quan tâm giải quyết việc làm cho các đối tượng sau khi cai nghiện.

- Về Y tế: Tăng cường chất lượng hoạt động của chương trình mục tiêu Y tế - Dân số; thực hiện tốt các chế độ BHYT, khám chữa bệnh cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi. Nâng cao y đức của người thầy thuốc, thực hiện tốt quy chế chuyên môn và quy tắc ứng xử trong các cơ sở y tế. Tăng cường cán bộ y tế cho các đơn vị tuyến cơ sở, kết hợp với việc tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các huyện, xã nhất là các xã đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

- Về Tôn giáo: Tiếp tục thực hiện tốt Chủ trương của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy về công tác tôn giáo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào có đạo được sinh hoạt tại các điểm nhóm chưa được cấp đăng ký sinh hoạt tại gia

3. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

- Nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục phổ thông, thông qua việc mở rộng quy mô giáo dục gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và tổ chức đánh giá kết quả học tập chính xác, khách quan, mở rộng các môn học ngoại ngữ, tin học trong các trường tiểu học khi đã đủ điều kiện. Gắn học tập với thực hành phù hợp với đặc điểm và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phong tục, tập quán sản xuất của từng địa phương trong tỉnh.

- Triển khai có hiệu quả các Chương trình hành động thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2020. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất và chuẩn hóa đội ngũ giảng viên để nâng cao chất lượng đào tạo các trường chuyên nghiệp của tỉnh; Mở rộng các hình thức liên kết đào tạo với các trường đào tạo có uy tín. Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng dạy nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo nguồn nhân lực.

4. Tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư

4.1. Tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, gắn với những quy định mới liên quan đến Luật doanh nghiệp, luật Đầu tư; đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong quá trình giải quyết thủ tục đầu tư, giao đất, cho thuê đất để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Tỉnh trong thu hút đầu tư, thực hiện nhất quán các chính sách ưu đãi hỗ trợ để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.

- Tiếp tục tổ chức kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các dự án sau khi cấp phép đầu tư để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án. Kiên quyết rút giấy phép đầu tư đối với các nhà đầu tư không đủ năng lực theo đăng ký, chậm trễ, không triển khai thực hiện dự án theo quy định.

- Tăng cường công tác vận động, thu hút nguồn vốn ODA. Phối hợp với các Bộ ngành Trung ương đẩy nhanh tiến trình thẩm định, ký kết thực hiện các hiệp định ODA như dự án cấp điện nông thôn giai đoạn 2015-2020 sử dụng nguồn vốn ODA do Ngân hàng phát triển Châu Á tài trợ; triển khai thực hiện dự án Phát triển Nông thôn dựa vào kết quả (vốn JICA); Dự án mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả (vốn WB). Tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn ODA cho các dự án thuộc lĩnh vực được các nhà tài trợ lớn quan tâm như phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường, …

- Rà soát điều chỉnh bổ sung các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới tạo điều kiện khai thác huy động nguồn lực từ đất đai thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất để đàu tư kết cấu hạ tầng và xây dựng nông thôn mới

- Báo cáo đầy đủ kịp thời tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, bám sát chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ của Chính Phủ và các bộ ngành Trung ương để báo cáo, đề nghị bố trí nguồn vốn kịp thời cho các chương trình dự án trọng điểm nhất là các nguồn vốn bổ sung theo đặc thù cho Đề án sắp xếp ổn định dân di dịch cư tự do Mường Nhé, Chương trình tái định cư thủy điện Sơn La, Đề án xây dựng nông thôn mới ở 29 xã biên giới.

4.2. Nâng cao hiệu quả đầu tư

- Chỉ đạo, giám sát chặt chẽ công tác đầu tư theo đúng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 và theo đúng các quy định của Luật Đầu tư công; Luật Xây dựng năm 2014; Luật Đấu thầu năm 2013. Tiếp tục quán triệt các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý đầu tư, tập trung giải quyết nợ đọng để xây dựng kế hoạch đầu tư theo hướng đầu tư tập trung, có trọng điểm giải quyết dứt điểm nợ đọng trong XDCB.

- Chỉ đạo thực hiện, giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện đề án cải cách hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở các cơ quan, đơn vị liên quan đến giải quyết các thủ tục đầu tư, giải ngân, quyết toán vốn để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện và giải ngân các dự án.

- Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng xây dựng các công trình đầu tư từ ngân sách Nhà nước; công tác Quản lý giám sát đầu tư theo đúng quy định của Chính Phủ, chú trọng triển khai quy định về giám sát của cộng đồng.

- Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, cấp phép khai thác tài nguyên nhỏ lẻ tại chỗ (cát, sỏi, đá...) để đưa phục vụ xây dựng các công trình để giảm giá thành đầu tư cần được quản lý chặt chẽ.

- Khẩn trương xây dựng các dự án tái định cư, dự án đổi hạ tầng lấy đất, đấu giá đất, nhằm tạo ra nhiều quỹ đất để hạ giá đất trên địa bàn các đô thị, nhất là thành phố Điện Biên Phủ.

- Tích cực tuyên truyền phổ biến chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong thực hiện các dự án hạ tầng phục vụ trực tiếp lợi ích của nhân dân như giao thông, thủy lợi cấp nước để từng bước tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng.

- Xây dựng quy chế quản lý, vận hành duy tu các công trình hạ tầng  khu vực nông thôn nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, cấp nước theo hướng huy động sự đóng góp bằng ngày công lao động tham gia quản lý duy tu, bảo dưỡng để đảm bảo phát huy hiệu quả và đảm bảo tuổi thọ công trình.

5. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường vai trò giám sát của nhân dân, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể

- Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020, thực hiện rà soát cắt giảm, sửa đổi, kiến nghị sửa đổi kịp thời các thủ tục hành chính không phù hợp. Tăng cường thông tin, phối hợp giữa các cấp, các ngành và các địa phương trong điều hành thực hiện kế hoạch. Tiếp tục hiện đại hóa nền hành chính, đổi mới phương thức điều hành của các cơ quan hành chính theo hướng mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin.

- Đổi mới đồng bộ các khâu của công tác cán bộ, nhất là tuyển dụng và bổ nhiệm theo hướng công khai, minh bạch, có tiêu chí rõ ràng với từng vị trí công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan tuyển dụng. Tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, đẩy mạnh việc kiểm tra, chấn chỉnh công tác tuyển dụng cán bộ; thu hút, tuyển dụng con em đồng bào dân tộc đã được đào tạo tham gia  vào bộ máy chính quyền đoàn thể ở cơ sở phù hợp với trình độ, chuyên môn.

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát. Kiên quyết xử lý nghiêm kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật các vụ việc vi phạm. Phát huy vai trò của nhân dân, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; có chính sách, biện pháp bảo vệ người dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí

- Tiếp tục chấn chỉnh thực hiện tốt hơn chế độ thông tin báo cáo của các cơ quan, ban ngành của các địa phương. Đổi mới công tác thi đua khen thưởng theo hướng chặt chẽ, khách quan và minh bạch.

6. Các cơ quan thông tin truyền thông tích cực tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức cho nhân dân

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị cho nhân dân nhất là nhân dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người về chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước gắn với việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình dự án hỗ trợ tạo việc làm, thu nhập, từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân. Tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý, phổ biến luật pháp để nâng cao ý chấp hành pháp luật cho nhân dân.

Tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, đổi mới lề lối làm việc của chính quyền cơ sở theo hướng chỉ đạo điều hành công việc sát dân, gần dân, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân đi đôi với tăng cường giáo dục, xử lý nghiêm, công khai những kẻ lợi dụng chủ trương của Đảng chính sách pháp luật của Nhà nước để xúi giục, kích động gây chia rẽ, mất ổn định.

Trên đây là Báo cáo dự ước tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2016 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2017, UBND tỉnh Điện Biên xin Báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh./.


 

 


 

°
Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
373 người đã bình chọn